“Giá trị của ý tưởng phụ thuộc vào cách sử dụng và hiện thực hóa ý tưởng ấy.”
Slogan cá nhân của bạn Thân Đức Phúc
Thành viên nhóm trải nghiệm nghề Kĩ sư điện tử
Nghề nghiệp quan tâm: Photographer
“Giá trị của ý tưởng phụ thuộc vào cách sử dụng và hiện thực hóa ý tưởng ấy.”
Slogan cá nhân của bạn Thân Đức Phúc
Thành viên nhóm trải nghiệm nghề Kĩ sư điện tử
Nghề nghiệp quan tâm: Photographer
Những cách thức ở phần 1 giúp chúng tớ xác định nghề nghiệp muốn trải nghiệm. Điều đó có nghĩa là chúng tớ đã có ý tưởng và lĩnh vực rõ ràng. Nhưng trải nghiệm ở đâu, với ai và như thế nào sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm kiếm cơ hội trải nghiệm.
2.1. Lập team - mở chiến dịch trải nghiệm
Trong chúng ta, ai cũng có thể thực hiện hành trình trải nghiệm nghề nghiệp, chúng tớ tin như thế! Hiển nhiên là sẽ gặp khó khăn chứ không “ngon ăn” như lời nói, nhưng nếu có cộng sự, hành trình ấy sẽ thú vị hơn rất nhiều. Chúng tớ lựa chọn lập team đi cùng nhau. Một phần vì chúng tớ đều là đám trẻ ham vui và có “tập tính bầy đàn cao”. Nhưng quan trọng vì đi cùng nhau, chúng tớ mới biết thế nào là hợp tác đội nhóm trong công việc, mới có nhiều góc nhìn khách quan và xây dựng mạng lưới thực sự của mình!
Nghĩ là làm, chúng tớ bật chế độ “radar dò tìm”, quét mạng lưới tìm kiếm thành viên cùng chí hướng. Các thành viên có thể khác nhau về hoàn cảnh gia đình, tính cách, cùng hoặc khác nhau về nghề nghiệp muốn trải nghiệm nhưng chúng tớ đều có “3 Quyết tâm”:
▪ Quyết tâm trải nghiệm nghề nghiệp
▪ Quyết tâm nâng “level” cho bộ ba tài khoản: hiểu mình, hiểu nghề, kĩ năng nền tảng
▪ Quyết tâm làm việc đội nhóm
Dấu hiệu nhận biết một đội nhóm ổn là khi đến lịch họp của team mà các thành viên tuân thủ giờ giấc, gặp nhau thì tập trung vào công việc chứ không bàn chuyện trên trời dưới biển hay ngồi bấm điện thoại. Chúng tớ muốn đội nhóm của mình phải có mục tiêu, dám lăn xả, đề cao tính gắn kết, tôn trọng sự khác biệt. Chúng tớ đều mong muốn được trải nghiệm nghề nghiệp, thử làm những người lao động trong thực tế và viết nên câu chuyện của mình và của cả nhóm.
Giống như băng Hải Tặc Mũ Rơm trong bộ truyện tranh nổi tiếng One Piece, mỗi thành viên đều có khả năng, tính cách và danh tiếng riêng của mình, từ thuyền trưởng đến người lái thuyền, từ đầu bếp đến nhạc công hay hoa tiêu, thợ đóng tàu… Mỗi người đều có một câu chuyện thú vị, một ước mơ riêng và tất cả hợp lại thành băng hải tặc “huyền thoại” trên biển cả mà hào quang và gian khó đều không thuộc về riêng ai. Vì thế, chúng tớ kết nối với nhau, cùng ngồi xuống bàn bạc và lên kế hoạch cho chiến dịch trải nghiệm. Bạn đã có băng “Mũ Rơm” của mình chưa?
2.2. Tại sao chúng tôi phải cho “mấy nhóc” cơ hội trải nghiệm?
- Nếu tớ là người đi làm hay chủ cơ sở kinh doanh, tớ sẽ hỏi như thế khi có một học sinh lơ nga lơ ngơ đến xin trải nghiệm nghề đấy!
- Vậy thử nghĩ xem, nếu họ cho chúng mình trải nghiệm, họ sẽ mất gì và được gì?
- Ồ cái mất thì thấy ngay! Họ sẽ mất thời gian. Có khi họ còn gặp phiền toái nếu chúng ta gây ra chuyện gì đó ấy chứ.
- Thế chẳng lẽ chúng ta không đem lại được gì cho họ sao?
- Cái đó chắc còn phụ thuộc xem họ là ai và chúng ta có thể làm được gì!
- Nếu là cậu thì cậu sẽ tìm đến ai và có thể làm được gì?
- Tớ muốn thử nghề đầu bếp tại một nhà hàng nào đó trong nội thành. Chắc tớ sẽ nhờ bố mẹ hoặc thầy cô giới thiệu cho một chỗ họ quen biết. Cái tớ có thể cho nhà hàng là sự chăm chỉ, nghiêm túc và sự cố gắng của mình thôi! À, ngoài lúc học nấu ăn, tớ sẽ giúp họ các công việc như chạy bàn, lau dọn nhà hàng chẳng hạn. Thời gian chỉ trong khoảng một tháng thôi mà.
- Ồ, nghe có vẻ khả thi hơn rồi này! Thế còn cậu, cậu định thử nghề bán hàng bằng cách nào?
- Trong nhóm chúng mình có cả chục bạn muốn thử nghề bán hàng. V ì thế, chúng tớ không định đi tìm mấy cửa hàng nhỏ nhỏ. Chúng tớ định tìm một công ty phân phối nào đó lớn lớn một chút, khâu đào tạo của họ chắc sẽ chuyên nghiệp hơn. Muốn thế, chúng tớ sẽ xây một chương trình tiếp cận, giống cách mấy anh chị khóa trên cầm hồ sơ dự án xã hội đi xin tài trợ. Chúng tớ không lo lỗ, vì không bán được thì đem về. Lãi thì chúng tớ sẽ góp lại và gửi cho Trung tâm bảo trợ xã hội. Các cậu thấy ổn không?
- Từ việc trải nghiệm nghề mà chúng mình có thể đem lại cho ai đó một giá trị cụ thể thì tuyệt quá. Tớ thấy hay này! Nhưng các cậu vẫn phải tìm được một người nhiệt tình và có khả năng ra quyết định ở công ty, vì thường thì với dự án nhỏ quá họ sẽ không quan tâm!
- Đúng rồi! Nếu gặp được cô chú nào có tinh thần xã hội là họ sẵn sàng giúp mình đấy. Hồi chúng tớ đi xin tài trợ cho dự án nho nhỏ của câu lạc bộ trường, một cô chủ nhà hàng xem xong quyển giới thiệu dự án, xác minh xong thông tin là chuyển khoản ngay năm triệu mà không hề yêu cầu gì cả. Nếu được họ đồng ý, phải nhanh chóng hỏi họ người phụ trách giúp mình cụ thể là ai, vì các cô chú ấy bận lắm, không để ý đến việc này đâu, nhân viên của họ sẽ hướng dẫn mình thôi. Mình phải làm việc kĩ với nhân viên của họ.
Đây là một đoạn bàn bạc của chúng tớ khi bắt đầu nghĩ đến việc mình sẽ tìm kiếm cơ hội trải nghiệm ở đâu và như thế nào. Sự thật là việc tìm kiếm cơ hội trải nghiệm nghề không dễ dàng đối với học sinh! Không vượt qua bước này, mọi kế hoạch và mong muốn của chúng ta chỉ là trong suy nghĩ. Chúng tớ càng thấm thía hơn khi nghe tâm sự từ chú Trần Thế Kiên, giám đốc công ty Thiên Phú: “Chú vốn là người rất quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp của người trẻ. Hiện tại, chú cũng đang gây dựng mảng khởi nghiệp ở tỉnh mình. Chú thấy các cháu thực sự nghiêm túc, thực sự muốn hiểu biết về nghề bán hàng ở góc độ trải nghiệm thực tế. Vì vậy, chú mới quyết định cử nhân viên hướng dẫn các cháu đấy. Chứ thực ra, thêm nhiệm vụ này, dù chỉ chưa đến một tháng, nhưng các chú thêm nhiều việc lặt vặt lắm, cũng mất khá nhiều thời gian và liên quan đến nhiều bộ phận, từ bộ phận bán hàng đến kho hàng rồi kế toán. Dù vậy, chú thấy cũng xứng đáng. Chú vui vì các cháu đã lăn xả trải nghiệm và thu được nhiều bài học.”
2.3. Rải “truyền đơn” nào! Rải “truyền đơn” đi!
- Cốc, cốc.
- Ai đó?
- Người đi tìm cơ hội!
- Cơ hội không có ở đây!
- Vậy cơ hội có thể ở đâu, xin hãy gợi ý giùm!
- Cánh cửa tiếp theo, có thể thế!
- Cốc, cốc.
- Ai đó?
- Người đi tìm cơ hội!
- Cơ hội không có ở đây.
- Vậy cơ hội có thể ở đâu, xin hãy gợi ý giùm!
- Có việc gì quan trọng lắm không?
- Rất quan trọng!
- Hừm, vậy chờ một lát, tôi sẽ gọi điện cho Cơ hội, tôi là bố Cơ hội!
- Rất sẵn lòng!
Nghĩ về những cố gắng khi tìm kiếm cơ hội trải nghiệm, chúng tớ đã hình dung về nó như thế đấy!
Thứ nhất, chúng tớ khai thác triệt để những mối quan hệ trong mạng lưới gia đình, họ hàng, trường lớp. Hãy bắt đầu một cách tự nhiên như thế này: “Con đang trong quá trình tìm hiểu nghề nghiệp trước khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường cuối năm lớp 12. Con đang rất quan tâm đến nghề… Nếu chỉ đọc thông tin và nghe kể về nghề, con thấy mình khó có thể hiểu đúng và hình dung cụ thể nên con thực sự mong muốn có cơ hội trải nghiệm thực tế với nghề này.” Sau đó là câu hỏi: “Bố/mẹ/chú/bác/cô/dì có thể giúp con hoặc giới thiệu cho con một ai đó đang làm nghề này có thể nhận con làm thực tập sinh, tình nguyện viên hoặc chỉ dẫn trực tiếp về nghề này cho con được không ạ?”
Thường thì chúng tớ sẽ ngồi xuống ghi ra giấy những “ứng cử viên” có vẻ liên quan nhất đến lĩnh vực ngành nghề mình muốn trải nghiệm. Chúng tớ cũng ghi lại cả những “ứng cử viên” không làm công việc liên quan nhưng lại có mối quan hệ, có hiểu biết xã hội, tức là có khả năng giới thiệu chúng tớ đến những người mà họ quen biết đang làm nghề đó. Có thể ban đầu bạn sẽ chẳng thấy ai khả quan. Nhưng cứ rải “truyền đơn” đi, nỗ lực sẽ đem lại những kết quả bất ngờ và thú vị.
Chúng tớ cần trân trọng cơ hội mà người khác mang tới cho mình. Một lưu ý nhỏ, khi họ đã nhận lời giúp chúng ta tìm kiếm kết nối phù hợp, đừng quên hẹn thời gian phản hồi thông tin và chủ động gọi cho họ khi đến hẹn vì họ bận rộn, sợ là không nhớ việc với chúng ta. Và phải nhớ nói lời cảm ơn với người đã giúp đỡ mình, dù họ có tìm được kết nối cho mình hay không, đó là điều tối thiểu chúng ta có thể làm cho người đã dành thời gian và tìm cách giúp mình.
Khi tìm hiểu thông tin về nghề, chúng tớ bắt gặp khá nhiều cá nhân nhiệt huyết, giỏi nghề, hoạt động sôi nổi qua cả kênh offline và kênh online như Facebook, Youtube, Blog, Instagram… Chúng tớ theo dõi, đọc những bài viết họ chia sẻ về nghề nghiệp, cảm nhận tính cách, phong cách cá nhân của họ. Khi “ưng”, chúng tớ mạnh dạn gửi email, viết thư tay, inbox hoặc tìm gặp nếu họ ở nơi mình sống.
Khi viết email hay inbox cho cá nhân, tổ chức nào đó, cần học cách giao tiếp cơ bản để tránh mất thời gian của cả đôi bên. Ví dụ, thay vì nhắn: “Em chào anh/ chị! Anh chị ơi em muốn hỏi một chút được không ạ?” thì chúng mình sẽ cung cấp khái quát thông tin mình là ai, vì sao mình biết họ, mình đang làm gì và mình kết nối với họ để làm gì. Dưới đây là một ví dụ. Email này chúng tớ gửi tới Viện giáo dục Quốc tế IIE để xin bảo trợ pháp lý cho dự án trải nghiệm Credité vào năm 2017, khi ấy chúng tớ đang là những học sinh lớp 11:
2.4. Bắt sóng các dự án “ngon - bổ - rẻ”
Hè 2021, chúng tớ có cơ hội trải nghiệm các nghề như viết báo điện tử, nghề thủ công, nghề kĩ sư điện tử, nghề bán hàng… thuộc khuôn khổ dự án SEAN, một dự án hướng nghiệp cho học sinh THPT diễn ra trong 40 ngày tại thành phố Lạng Sơn. Chúng tớ được học tập và trải nghiệm ba chuyên đề rất thiết thực. Thứ nhất, chúng tớ được chị Lạc Thư và anh Mít Tơ Đoàn (chuyên gia về kĩ năng cảm xúc - xã hội với nhiều kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục và nghệ thuật) dạy các kĩ năng nền tảng như thiết lập mục tiêu, lập kế hoạch, tạo thói quen tốt, quản lý bản thân, giao tiếp và hợp tác. Học với hai anh chị ấy qua trò chơi và các tình huống trải nghiệm vui cực. Thứ hai, chúng tớ được đi sâu vào chủ đề “Khám phá bản thân”. Trong đó, chúng tớ tranh luận về các quan điểm lựa chọn nghề nghiệp theo cách tổ chức cuộc thi “Trường teen” trên sóng truyền hình. Chúng tớ cùng làm và chia sẻ về dòng sông cuộc đời, tập làm CV trên topcv.vn và hình dung về một CV mơ ước, thực hiện “Poster Tôi” làm rõ năm rễ cây nghề nghiệp và bước vào vòng ứng tuyển trải nghiệm, vòng này giống như một buổi tuyển dụng trong thị trường lao động. Thích nhất là chúng tớ được trải nghiệm các nghề nghiệp mình quan tâm dưới sự hướng dẫn của người đi làm.
SEAN là dự án bổ ích với những học sinh mong muốn trải nghiệm nghề nghiệp như chúng mình. Nhưng chắc chắn không chỉ có SEAN, còn nhiều dự án, nhiều chương trình bổ ích khác do các tổ chức, các trung tâm, các đơn vị khác thực hiện. Bạn có muốn tham gia không? À, chúng tớ cũng theo dõi fanpage của các trường đại học, page của các anh chị sinh viên và chăm chỉ hỏi han các anh chị đi trước để có thông tin về các cơ hội trải nghiệm. Những cách này đều khá hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc sẵn sàng bỏ ra khoản chi phí hợp lý cho các hoạt động học tập và trải nghiệm nghề sẽ giúp chúng ta tiếp cận với những cơ hội chất lượng hơn. Ví dụ, nếu bạn quan tâm tới Digital Art, bạn có thể mua khóa học online trên pigworkshop.com. Giá các khóa học cũng chỉ bằng một tháng tiền học thêm hay bằng chục bát phở. Ví dụ, khóa sử dụng thành thạo Adobe Illustrator là 400.000 đồng, khóa thiết kế concept nhân vật trên phần mềm Photoshop cũng có phí
400.000 đồng. Chúng ta còn có thể mua thẻ membership trên voco-center.com, website này có đa dạng các khóa học và chương trình hữu ích cho việc hướng nghiệp của học sinh. Chỉ với một chiếc điện thoại kết nối Internet, dù sống ở nông thôn, bạn vẫn có thể trải nghiệm những lĩnh vực nghề nghiệp mình quan tâm ở nhiều cấp độ.
2.5. Khởi xướng dự án, sợ gì không thử?
Tên tôi là Sean Aiken. Sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh doanh tại trường đại học, đứng đầu trong lớp với số điểm cao, tôi luôn trăn trở với câu hỏi: “Tôi nên làm gì với cuộc đời mình? ” Để đi tìm đam mê và tài năng của bản thân, tôi tạo ra dự án “Mỗi tuần một công việc”. Tôi làm 52 công việc khác nhau trong suốt một năm. Mẹ tôi đã nói: “Đúng là điều điên rồ”, còn bố tôi thì bảo: “Đây là một ý tưởng bất khả thi”. Tôi tạo website oneweekjob.com và mời mọi người trên thế giới cho tôi một công việc trong vòng một tuần. Toàn bộ tiền lương sẽ được sử dụng cho chiến dịch thiện nguyện ONE. Cũng khá kì lạ là, đề nghị của tôi thực sự có hiệu quả! Tôi không biết chặng đường này sẽ đi đến đâu nhưng tôi biết là tôi phải thử. Tuần này tôi là một nhà sản xuất phim, tuần khác tôi làm hướng dẫn viên trượt tuyết, người tư vấn thời trang, lính cứu hỏa… Truyền thông thế giới bắt được câu chuyện này và hàng triệu người theo dõi hành trình mà tôi đi. Một ông chủ của tôi đã nói trên truyền thông: “Lời khuyên của tôi dành cho các bạn là hãy như Sean. Hãy như anh ấy, trải nghiệm 52 công việc trong 52 tuần và dừng việc lười biếng lại.” Điều đó có ý nghĩa khích lệ rất lớn với tôi. Cuối cùng tôi đã đi được 46.000 dặm, ngủ ở trên 52 chiếc ghế và quyên góp được 20.000 đô la làm từ thiện.(1)
Chú thích:
(1) Nguồn video: https://www.imdb.com/ - Người dịch: Hoàng Mạnh Tuấn.
Đó là chia sẻ của Sean Aiken, tên của anh được đặt cho tên dự án hướng nghiệp tại thành phố Lạng Sơn mà chúng tớ kể ở trên. Sean đã thực hiện dự án “Mỗi tuần một việc” liên tục từ tháng 2/2007 đến tháng 3/2008. Bạn nghĩ sao? Một cử nhân ra trường với thành tích học tập thuộc top đầu ở trường đại học nhưng vẫn thắc mắc về đam mê và năng lực của mình, và sớm muộn gì cũng phải tự trả lời những câu hỏi ấy. Điều đó nhắc nhở chúng tớ, bước vào cổng trường đại học không đồng nghĩa với việc hướng nghiệp đã kết thúc. Mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Sẽ tuyệt hơn rất nhiều nếu chúng ta được trải nghiệm nghề nghiệp từ sớm, hiểu bản thân sớm hơn và bắt tay vào hành động bất cứ khi nào chúng ta có thể.
Chúng tớ muốn kể thêm về dự án “Me & My City”, một dự án trải nghiệm xã hội giả lập được thiết kế cho học sinh lớp 6 và lớp 9 ở Phần Lan. Ở đây, các bạn học sinh tìm kiếm công ty phù hợp, viết đơn xin việc, đi phỏng vấn, lao động, tạo ra tiền, tiêu dùng và đóng thuế như người trưởng thành ngoài đời. Chúng tớ cũng muốn được trải nghiệm như thế. Và không cần chờ đợi thêm nữa, nếu chưa có một dự án phù hợp, chúng tớ sẽ tạo ra nó. Rất nhiều dự án, chương trình, sự kiện do học sinh khởi xướng đã thành công (và nếu nó có không thành công trong mắt mọi người thì nó cũng đã thành công ở phương diện bước ra từ ý tưởng đến hiện thực).
Thông điệp của chúng tớ ở mục này giản dị là khi đã tìm hiểu kĩ về lĩnh vực bạn quan tâm, bạn có thể tự khởi xướng một dự án nào đó nhằm trải nghiệm sâu và kết nối với những người trong nghề để hiểu về nghề từ bên trong, từ góc độ thực tế. Chính trong quá trình đó, bạn sẽ cảm nhận được mức độ phù hợp của mình với nghề đến đâu. Và khi bạn làm việc có đội nhóm, bạn sẽ học được rất nhiều điều, nhìn thấy nhiều hướng đi của nghề. Chúng tớ có thể đảm bảo cho thông điệp này, vì đó chính xác là những gì chúng tớ đã trải qua. Chúng tớ muốn mượn slogan của hãng giày Nike làm câu thần chú cho chuyện trải nghiệm nghề nghiệp: “Just do it!” Hãy khởi xướng dự án và tìm kiếm những người bạn cùng chí hướng với mình!