Ngay bây giờ, ngay ở đây, với những gì đang có, tôi đã sẵn sàng trải nghiệm!
Slogan cá nhân của bạn Hoàng Yến Nhi
Thành viên nhóm trải nghiệm nghề Thủ công đan móc
Ngay bây giờ, ngay ở đây, với những gì đang có, tôi đã sẵn sàng trải nghiệm!
Slogan cá nhân của bạn Hoàng Yến Nhi
Thành viên nhóm trải nghiệm nghề Thủ công đan móc
Để bắt đầu, chúng ta cần xác định mình muốn trải nghiệm nghề nghiệp gì với công việc cụ thể nào. Việc này không quá khó với những bạn đã biết sở thích và khả năng của bản thân, đã xác định được mục đích khi bước vào trải nghiệm. Vậy còn trường hợp chưa mảy may xác định được những thông tin ấy? Thế cũng chẳng sao. Việc cần làm là thực hiện một số cách để xác định lĩnh vực mình thích, thế mạnh của mình và công việc muốn thử. Khi bắt đầu, quả là không ít người trong chúng tớ cảm thấy khó khăn.
1.1. Tôi là ai và đây là đâu?
Trường học gửi thư cho cha mẹ Gillian Lynne rằng: “Chúng tôi nghĩ Gillian bị rối loạn học tập. Em ấy không thể tập trung, luôn bồn chồn và gây phiền toái cho các bạn khác.” Vì thế, mẹ đưa Gillian đến gặp một bác sĩ. Tại căn phòng ốp gỗ sồi, cô bé ngồi trên chiếc ghế ở cuối phòng và nhấp nhổm suốt hai mươi phút trong khi mẹ đang kể cho bác sĩ về mọi vấn đề của em ở trường. Ví dụ, cô bé luôn nộp bài muộn, chân luôn nhấp nhổm trên sàn làm ồn lớp học. Nghe xong, vị bác sĩ đến bên cạnh nói với Gillian: “Bác đã nghe mọi điều về cháu và bác cần nói chuyện riêng với mẹ cháu một chút. Hãy chờ ở đây, chúng ta sẽ quay lại, sẽ không lâu đâu.” Họ để cô bé ở lại một mình trong phòng. Nhưng trước khi đi, vị bác sĩ bật nhạc từ cái đài trên bàn làm việc. Khi rời khỏi phòng, bác sĩ nói với mẹ cô bé: “Hãy đứng ở đây và xem con bé!” Khi bọn họ đóng cánh cửa, Gillian đứng dậy, em bắt đầu nói và chuyển động cơ thể theo nhạc. Họ đứng nhìn trong vài phút. Vị bác sĩ quay sang nói với mẹ cô bé: “Bà Lynne, Gillian không bị bệnh, cô bé là một nghệ sĩ múa. Hãy để cô bé theo học trường múa.” Khi được đến trường múa, cảm giác của Gillian là: “Tôi không thể diễn tả được điều tuyệt vời đó. Tôi bước vào một căn phòng có toàn những người như tôi, những người không thể ngồi yên một chỗ. Những người phải di chuyển để suy nghĩ. Chúng tôi đã học Ba-lê, Clacket, Jazz, nhảy hiện đại, múa đương đại.” Sau đó, cô tốt nghiệp trường Ba-lê Hoàng gia, tự mở công ty Gillian Lynne Dance Company. Cô trở thành vũ công nổi tiếng, sản xuất những vở nhạc kịch thành công trong lịch sử, trở thành triệu phú và đem lại niềm vui cho hàng triệu người.”(1)
Chú thích:
(1) Trích bài nói chuyện “Trường học mài mòn sự sáng tạo của con người” của Ken Robinson trình bày tại TED TALK (Người dịch: Bùi Kim Oanh)
Chúng tớ rất ấn tượng về câu chuyện của Gillian. Khi vị bác sĩ và người mẹ phát hiện ra khả năng bẩm sinh của Gillian, cô mới tám tuổi. Chúng tớ cũng ấn tượng khi biết danh họa Picasso sớm đã bộc lộ thiên hướng hội họa, từ đầu tiên ông nói trong đời là “piz” (cái bút chì). Năm bảy tuổi, ông chính thức được cha đào tạo về lĩnh vực này. Einstein, trụ cột của Vật lý hiện đại, chưa đến mười tuổi đã nhận ra phải có gì đó khiến chiếc kim của cái la bàn chuyển động dù xung quanh nó trống rỗng, sau đó ông tỏ ra cực kì ưu tú trong toán học và mê đắm những sách toán mà ông gọi là “sách hình học nhỏ thần thánh”. Gã khổng lồ mộng mơ và điên cuồng của giới công nghệ, Elon Musk, mười hai tuổi bán được mã nguồn của một video game dựa trên BASIC tạo ra Blastar cho tạp chí PC and Office Technology với giá 500 đôla.
Gần gũi hơn, nhiều bạn bè xung quanh chúng tớ có những thể hiện xuất sắc, hoạt động ngoại khóa sôi nổi, biết chơi nhạc cụ, có thể thiết kế và học rất giỏi. Họ khiến chúng tớ sốt ruột, muốn nhấc máy lên gọi cho Thượng Đế: “Chúng con đã mười lăm tuổi, xét về chuyện bộc lộ khả năng thiên phú thì có vẻ ‘khá già’ so với những tên tuổi kể trên. Ngài đã cho điều gì vào cái hũ khả năng và đam mê khi tạo ra chúng con mà giờ chúng vẫn bặt vô âm tín như vậy? Giờ này chúng con vẫn loay hoay chưa biết mình thích gì, giỏi gì để theo đuổi là sao đây Thượng Đế?”
Thú thật, chúng tớ cảm thấy ghen tị, không phải với tài năng họ có mà với việc có vẻ như họ đã biết rõ mình thuộc về lĩnh vực nào và kiên trì theo đuổi con đường mình chọn, ngay từ khi mới là một đứa trẻ hoặc một thiếu niên. Chúng tớ có những lúc khá thất vọng khi nhìn lại và chẳng thấy mình có gì xuất chúng. Hát không quá hay, nhảy không quá giỏi, học hành trên lớp ở mức chấp nhận được, cũng chẳng có gì cuốn hút chúng tớ đến mức quên ăn quên ngủ.
Vì thế, khi bắt đầu trải nghiệm nghề nghiệp, chúng tớ lơ ngơ kinh khủng. Những “thiếu niên bình thường” như chúng tớ có cả tá câu hỏi chưa rõ đáp án về bản thân. Hồi đầu, chúng tớ vò đầu bứt tóc ghê lắm: Mình là ai? Mình có thế mạnh gì? Chưa biết thì phải tìm cách trả lời cho bằng được. Dù câu trả lời có là gì, đó cũng là phiên bản chân thực nhất của chúng tớ trong hiện tại. Sau khi lục tung các trang mạng hướng dẫn khám phá bản thân, hỏi han kinh nghiệm của các anh chị đi trước và đặc biệt là xin tư vấn của các thầy cô quan tâm đến hướng nghiệp, chúng tớ có một số cách để trả lời “Tôi là ai?”, “Tôi nên thử nghề nghiệp gì?”. May mắn là những cách thức này khá hiệu quả!
Cách 1: Động não, động não và động não!
Hãy tư duy kĩ hơn về những sở thích, khả năng đang có ở hiện tại để xác định những nghề nghiệp chúng ta muốn trải nghiệm và xếp chúng theo thứ tự ưu tiên. Đây là cách mà tớ (Trần Thu Hà, học sinh khởi xướng dự án Creditémà bạn sẽ gặp lại ở mục 3.7) thường sử dụng. Với tớ, đây là cách đơn giản mà hiệu quả, đặc biệt phù hợp với những ai chưa nghiêng hẳn về lĩnh vực ngành nghề nào.
Sơ đồ sau đây mô tả cách tớ động não về vấn đề lựa chọn ngành nghề khi chưa biết mình thực sự thích gì và có khả năng mạnh nhất ở đâu. Giờ thì tớ sẽ mô tả các bước tớ làm và mục đích của từng bước vào bảng sau để bạn dễ theo dõi nhé:
Cách tớ làm | Ví dụ với tớ luôn này! |
Bước 1: Viết ra các khả năng hoặc sở thích mình đang có |
Ở đây, tớ ghi ra 5 sở thích nổi bật nhất trong cuộc sống hàng ngày, những sở thích này hồi đầu tớ thấy chẳng có gì đặc biệt, đó là: nấu ăn, viết lách, phim ảnh, vẽ tranh, tâm lý học. |
Bước 2: Viết tất cả những công việc, nghề nghiệp có thể làm gắn với những sở thích ấy |
▪ Nấu ăn: đầu bếp, nhà phê bình ẩm thực, youtuber (lập kênh về ẩm thực), chủ nhà hàng/tiệm bánh… ▪ Viết lách: biên tập sách, nhà văn, viết blog, viết sách, viết content marketing, làm việc trong mảng xuất bản… ▪ Phim ảnh: biên kịch, review phim, diễn viên, quay phim, đạo diễn… ▪ Vẽ tranh: họa sĩ, thiết kế đồ họa, minh họa, làm phim hoạt hình… ▪ Tâm lý học: chuyên gia tâm lý, người giảng dạy, người tư vấn, người khai vấn… Các khả năng hay sở thích trên có thể kết hợp và hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, vừa thích tâm lý học vừa có khả năng viết thì có thể viết sách về tâm lý, vừa thích phim ảnh vừa thích nấu ăn có thể tự xây dựng một kênh YouTube hoặc TikTok có nội dung về ẩm thực. |
Bước 3: Tìm hiểu, nghiên cứu về các công việc, nghề nghiệp mình quan tâm qua Internet và hỏi han bất kì ai có thể cho mình thông tin đáng tin cậy |
Nên lên mạng đọc tài liệu, tìm hiểu thông tin, lắng nghe chia sẻ của những người có chuyên môn, có kinh nghiệm về lĩnh vực hoặc công việc mình quan tâm. Chịu khó đọc và nghe sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn và có nền tảng ban đầu về hướng quan tâm của mình. Bạn nào biết tiếng Anh nữa thì càng tuyệt, tài liệu và các kênh thông tin bằng tiếng Anh quả thực vô cùng phong phú, thú vị và cập nhật. Nếu quan tâm tới nghệ thuật như tớ thì hay vào các website sau đây: https://www.behance.net/ https://www.artstation.com/ |
Bước 4: Tìm kiếm các hoạt động, chương trình, dự án, câu lạc bộ để trải nghiệm lĩnh vực và công việc mình muốn |
Tớ tham gia hoạt động của câu lạc bộ ở trường và các chương trình thú vị và chất lượng mà tớ biết qua bạn bè, thầy cô và Internet. Đơn giản nhất là những nhóm/cộng đồng trên nền tảng mạng xã hội, ví dụ page “Tổng hợp các dự án và cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên” dưới đây chẳng hạn! Ngoài ra, hiện nay có rất nhiều khóa học (cả online và offline) chất lượng được chia sẻ miễn phí hoặc chi phí rất dễ chịu giúp chúng ta mở rộng hiểu biết và thực hành kĩ năng chuyên môn ngay tại nhà. Tớ giới thiệu với các bạn các khóa học trên https://www.skillshare.com/, tớ đã học được nhiều điều bổ ích miễn phí về thiết kế và minh họa trên website này. |
Bước 5: Chọn lĩnh vực “ưng” nhất, mạnh nhất để tự khởi tạo dự án của mình |
Sau khi trải nghiệm nhiều lĩnh vực, tớ đã lựa chọn hội họa để khởi xướng một dự án riêng cùng bạn bè chung chí hướng. Đó là Credité, dự án nhằm phê phán vấn nạn đạo nhái và tôn vinh chất xám cùng những người làm sáng tạo. Tớ sẽ kể cho các bạn về trải nghiệm sâu với lĩnh vực này ở phần sau cuốn sách! |
Với cách làm tương tự, tớ tin là bạn có thể phác họa ra cả một thế giới nghề nghiệp liên quan đến những sở thích tưởng chừng rất bình thường, rất giải trí của bản thân. Vấn đề là bạn phải mở trang giấy ra, đặt bút xuống, động não, động não và động não!
Cách 2: Sức mạnh của những cuộc trò chuyện sâu
Có bao giờ bạn thử dành thời gian đúc rút lại những câu chuyện bạn và những người xung quanh thường nói không? Chúng tớ đã làm công việc nghe có vẻ kì cục này và nhận ra trong những câu chuyện đó hiếm khi có chuyện bàn bạc kĩ lưỡng về nghề nghiệp, về mơ ước tương lai hay về đời sống tâm tư tình cảm bên trong.
Nếu là bạn bè, chúng tớ thường nói về các môn học ở trường, về bài nhạc mới ra, một trò game thú vị, những việc phiền toái cần xử lý ở trường và ở nhà. Nếu trò chuyện với người lớn, nội dung thường là “Cháu học hành thế nào, có được học sinh giỏi không?”, “Dạo này nhìn cháu lớn quá!”, “Có người yêu chưa?” hay chuyện ăn, mặc, ở, đi lại. Không nhiều người trong số chúng tớ có các bậc phụ huynh tâm lý, biết cách lắng nghe, biết cách phát triển thiên hướng cho con cái hay giỏi định hướng nghề nghiệp. Cũng không nhiều người trong số chúng tớ tìm được nhóm bạn cùng chung tham vọng phát triển bản thân và vươn đến điều gì đó trong tương lai. Đó là lý do chúng tớ tìm nhau và cùng làm những điều chúng tớ sắp kể.
Sở dĩ những cuộc trò chuyện nghèo nàn có lẽ không phải vì chúng ta là những con người đơn điệu mà chỉ là chúng ta đã không nói với nhau những điều mình muốn. Phần nhiều có xu hướng giấu kín những điều nghiêm túc. Hoặc chúng ta chẳng biết người kia có cùng mối quan tâm không, hay sẽ phản ứng thế nào nếu chúng ta nói ra những điều đó. Vì vậy, nhiều khi chúng ta chọn cách giao tiếp tự nhiên, thoải mái, đơn giản, đó là nói về những chuyện đời thường. Nhưng giờ chúng tớ muốn tư duy khác đi! Mỗi người xung quanh là một cuốn sách mà không mở ra làm sao ta biết nội dung và làm sao ta kết luận được rằng mình chẳng thu được gì từ cuốn sách ấy. Vì thế, chúng tớ tập vượt qua ranh giới của những cuộc trò chuyện thông thường để đi sâu vào những điều mình thực sự quan tâm.
Cuộc trò chuyện có thể thân mật hoặc nghiêm túc, có thể đan xen nhiều nội dung, nhưng sau đó, chúng tớ phải hỏi được những thông tin này:
▪ Họ thấy chúng tớ giỏi hoặc yếu ở việc gì?
▪ Họ thấy chúng tớ là người như thế nào qua cách ứng xử, nói năng, hành động?
▪ Họ thích hoặc không thích điều gì ở chúng tớ?
▪ Họ thấy chúng tớ có thể phù hợp với nghề gì?
▪ Nếu chọn một ấn tượng mạnh nhất về chúng tớ, họ sẽ chọn điều gì? Quốc An chọn bố là người trò chuyện đầu tiên.
Với ai thì không biết chứ với mình, mình sợ bố lắm. Hai bố con ít nói chuyện, nếu có thì toàn chuyện sinh hoạt hàng ngày. Cả hai bố con đều không giỏi chia sẻ hay thể hiện tình cảm. Vì ngại nên mình nhắn tin cho bố rằng muốn nói chuyện cùng bố về chuyện nghề nghiệp trong tương lai, lúc đó bố đang đi làm. Nhắn tin thì dễ nói hơn là trực tiếp. Nói trực tiếp cứ sến sẩm thế nào ý! Thế là bố nhắn lại ngay “Tối ăn cơm xong thì vào phòng làm việc của bố nhé!” Chưa biết thế nào nhưng đọc tin cũng thấy vui vui! Tối đến, tự nhiên mình lại hồi hộp. Ngày nào chẳng gặp bố, bữa nào chẳng ăn cơm cùng nhau mà giờ lại hồi hộp, kì cục quá!
- Sao? Con có dự định gì rồi, nói cho bố xem nào!
- Con chưa có dự định gì. Con còn chưa rõ mình hợp với nghề gì. Chỉ là bây giờ con đã vào cấp ba, con thấy cần bắt đầu quan tâm tới chuyện này.
- Con nghĩ được thế, bố rất ủng hộ.
- Con chưa rõ mình thực sự giỏi gì hay đam mê cái gì. Nên con muốn nói chuyện với bố và cả những người khác nữa, để lắng nghe ý kiến mọi người xem có gợi ý gì không ạ.
Bố cười. Điệu cười làm mình hoang mang phết!
- Trước khi góp ý cho con, bố kể cho con về bố trước.
Thế là bố ngồi kể rất lâu. Chưa có cuộc trò chuyện nào giữa hai bố con lại lâu như thế, điều này còn khiến mẹ mình ngạc nhiên, mắt tròn mắt dẹt. Hóa ra hồi bằng tuổi mình bố cũng lơ ngơ như thế. Với thành tích học tập môn Toán rất tốt, bố thi vào Bách khoa theo định hướng của ông bà rồi cứ thế đi học và sau đó là đi làm. Học Bách khoa vốn đã khó nhưng khi ra đi làm bố còn thấy khó hơn. Vì khi giải quyết công việc, từ kiến thức chuyên môn phải tìm ra giải pháp đáp ứng được cả những điều kiện khách quan khác, nếu không sẽ rơi vào thất bại. Rồi thì giao tiếp xã hội của bố vốn yếu kém, khi bước vào môi trường làm việc, bố lận đận thế nào và trải qua nhiều cú ngã ra sao để học được cách phối hợp và quan trọng nhất là để “được việc”. Điều bố tự hào nhất là chưa bao giờ bỏ cuộc, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó. Lần đầu tiên, mình cảm thấy bố không chỉ là bố nữa, bố còn là một người đi làm giàu kinh nghiệm có thể chia sẻ những bài học thực tế cho thế hệ sau như mình. Mình khâm phục những cố gắng của bố, nhờ sự cố gắng ấy mà gia đình được sống tươm tất và anh em họ hàng đều tôn trọng như bây giờ.
- Còn về con, bố thấy ngôn ngữ của con rất tốt, có khả năng biện luận, lại chịu khó tìm tòi cái này cái kia. Theo bố, con thích cái gì thì hãy tìm hiểu sâu và trải nghiệm sâu hơn để hiểu ngọn ngành về nó, đừng để thích cái này một thời gian, chưa đến đâu lại chuyển sang cái khác, thành ra chẳng đi đến cùng với sở thích hay khả năng nào.
Mình thích nhất câu nói này của bố, vừa là lời khuyên vừa có gì đó rất tình cảm, rất quan tâm. Nhân dịp này, mình đã hỏi thẳng bố vì sao luôn nghiêm khắc với mình. Câu trả lời của bố thật bất ngờ: “Con nhìn xem, con là con một, ông bà hai bên và mẹ đều rất nuông chiều con, cái gì cũng muốn làm thay con. Nếu bố cũng chiều chuộng con như vậy thì làm sao con tự biết chăm sóc cho mình, làm sao con có trách nhiệm với người khác và làm sao con cứng cáp lên được. Bố không muốn con giống bố như ngày trước, bị bảo bọc quá sau này hóa ra lại vất vả hơn.”
Sau cuộc trò chuyện nghiêm túc đầu tiên như những người đàn ông trưởng thành, mình gần gũi với bố hơn. Có chuyện gì băn khoăn về bản thân hay về mọi thứ xung quanh, mình bắt đầu chia sẻ với bố. Việc nào chưa rõ, bố còn hỏi bạn bè để giúp mình giải đáp thắc mắc. Mẹ kể lại, bố tự hào nhận xét mình là người có suy nghĩ, biết nghiêm túc với tương lai. Thái độ và những câu hỏi của mình có vẻ rất có ý nghĩa với bố, và ngược lại, thái độ của bố cũng có ý nghĩa rất tích cực đối với mình!
(Quốc An)
Không phải cuộc trò chuyện nào cũng suôn sẻ như của Quốc An. Trong một số cuộc trò chuyện, chúng tớ đã phản ứng rất “trẻ con” khi nghe ý kiến không tích cực về mình. Ví dụ, trong lần Hưng phỏng vấn anh chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thông (nơi bạn ấy tham gia được một học kì), ngoài những đánh giá tích cực thì có cả chia sẻ thẳng thắn: “Anh thấy mày là thành viên thiết kế mạnh nhất nhưng mày đang có một điểm yếu khá lớn, đó là tính trách nhiệm. Mày thường trì hoãn công việc, lắm lúc tụi anh phải chờ mày khủng khiếp luôn, cảm giác ấy không thoải mái tí nào.
Hôm nay mày hỏi anh mới dám nói, có lúc anh với mấy đứa câu lạc bộ tự hỏi, có phải vì làm được việc nên mày chảnh không?” Ngay lập tức, Hưng thấy oan uổng không chịu nổi. Chính vì “được việc” nên lúc nào công việc cũng dồn vào mình, lại luôn yêu cầu phải hoàn thiện nhanh. Không ai hiểu cho, Hưng còn bận học chính khóa, học nghề, ôn đội tuyển, học thêm, rồi việc nhà nữa. Tính Hưng hướng nội, ít nói chứ có phải chảnh chọe gì đâu. Thế là, anh chủ nhiệm nói xong, Hưng tỏ thái độ khó chịu ra mặt và trách mọi người không hiểu cho mình. Sau này nghĩ lại, Hưng mới thấy mình nóng nảy quá, như thế là “phản ứng thay vì phản hồi” khi ứng xử. Cách ấy chẳng giúp hóa giải điều gì. Hưng quyết định hẹn anh chủ nhiệm để giải thích rõ ràng và thảo luận về cách làm việc khoa học hơn. Nhờ cuộc trò chuyện sâu lần này, Hưng tự tin hơn về khả năng của mình và quyết định trải nghiệm việc thiết kế ở mức độ cao hơn. Hưng cũng nhận ra trong giao tiếp, không thể lấy lý do mình là người hướng nội hay dân kĩ thuật để mặc kệ những hiểu lầm chồng chéo lên nhau. Phải có cách làm việc khoa học hơn và có cách ứng xử thông minh, khéo léo hơn vì còn cần phối hợp với người khác chứ Hưng đâu chỉ làm việc một mình.
Cách 3: Quan tâm tới “nhân vật chính”
Nhân vật chính ở đây là bản thân chúng ta. Quan tâm tới nhân vật chính là trò chuyện với chính mình, soi chiếu vào bên trong bản thân. Nghe có khó hiểu quá không? Bạn sẽ hình dung dễ dàng hơn khi nghe cách làm cụ thể. “Dòng sông cuộc đời” là công cụ hữu ích để tìm kiếm “năm rễ cây nghề nghiệp” (sở thích, cá tính, khả năng, học lực, giá trị) trong kho dữ liệu chúng tớ đang có về bản thân.
Dòng sông cuộc đời
Mục đích của công cụ này là kể lại chân thực hành trình lớn lên. Ở từng chặng đường, chúng mình đã yêu thích những gì, ghét bỏ những gì, giỏi giang hay yếu kém việc gì, ấn tượng sâu sắc về ai và ước mơ thế nào. Từ việc tái hiện lại dòng sông kí ức của bản thân, chúng mình sẽ xác định năm rễ cây nghề nghiệp bao gồm: sở thích, cá tính, khả năng, học lực và giá trị mình coi trọng. Những “rễ cây” này sẽ gợi ý và kết nối chúng mình với những lĩnh vực ngành nghề liên quan.
Bạn đang xem dòng sông cuộc đời của tớ, Nguyễn Ngọc Hoa, học sinh lớp 11. Đằng sau mỗi hình ảnh là một câu chuyện, một kỉ niệm, một đặc điểm chân thực của cá nhân tớ.
Để vẽ dòng sông cuộc đời, chúng ta cần một không gian yên tĩnh với thời gian tối thiểu 60 phút bình tâm nhìn lại bản thân. Bạn chuẩn bị giấy bút hay bất kì chất liệu nào bạn thích đi, chúng ta sẽ cùng thực hiện.
Bước thực hiện | Cách tớ làm |
Bước 1: Hồi tưởng hành trình và chia chặng |
Dòng sông cuộc đời của tớ đã chảy trôi được 17 năm. Trên hành trình ấy, tớ lựa chọn phân chia các chặng tương ứng với các cấp học, đó là mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Cách này có vẻ dễ và phù hợp với tớ. Bạn hoàn toàn có thể chia theo cách khác phù hợp với bạn. |
Bước 2: Hình ảnh hóa những kí ức, những đặc điểm quan trọng của bản thân ở từng chặng |
Bước này giống như lấy kính lúp soi chiếu kĩ vào từng chặng đường đã qua, phác họa lại phiên bản của chính mình vào thời điểm đó xem mình thích gì, ghét gì, giỏi gì, yếu gì, ấn tượng sâu sắc với ai, có kỉ niệm gì sâu đậm, có thành tích gì được ghi nhận, có phát hiện gì ý nghĩa… Sau khi đã chọn được những điểm nhấn, những câu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn với bản thân, tớ sẽ chọn hình ảnh để mã hóa nó vào bức tranh. Ví dụ: Cây bút ở chặng THPT biểu tượng cho niềm yêu thích môn Văn và khả năng viết lách của tớ ở cấp THCS nhưng đã bị bỏ quên trước khi làm dòng sông cuộc đời. Từ phút nhìn lại này, tớ quyết định thử trải nghiệm hoạt động viết lách. Những biểu tượng khác cũng vậy, đều gắn với một câu chuyện, một đặc điểm nào đó của tớ. Sau khi các khúc sông đã được tái hiện bằng hình ảnh, tớ đúc kết những ấn tượng sâu đậm nhất bằng cách gạch đầu dòng ngắn gọn ở phía dưới và rút ra năm rễ cây nghề nghiệp ở phía trên. |
Bước 3: Xác định logo và slogan cá nhân |
Khi đã nhìn nhận lại các đặc điểm của bản thân rồi, tớ sẽ phác họa logo và slogan thể hiện đúng nhất con người tớ ở hiện tại: + Logo Chiếc hộp đa diện: Chiếc hộp giống như cuộc sống hiện tại của tớ, một cuộc sống quá an toàn với nhiều sợi dây và cánh cửa do chính tớ tự tạo ra trong tâm trí. Chiếc hộp lại nhiều góc cạnh như sự muôn màu của cuộc sống, việc của tớ là cần bước qua các cạnh đó để trải nghiệm cuộc sống bên ngoài. + Slogan “Live outside the box”: đừng chỉ sống trong không gian an toàn của chiếc hộp chật hẹp, hãy sống cuộc đời rộng mở ở bên ngoài chiếc hộp để khám phá và cảm nhận. Với slogan này, tớ tự nhắn nhủ bản thân phá bỏ sự tự ti hiện tại để mạnh mẽ trải nghiệm và dấn thân. |
Bước 4: Vẽ các nhánh sông tương ứng với những con đường mong muốn trong tương lai |
Tớ vẽ các nhánh sông hướng về tương lai bao gồm: viết lách, marketing, an ninh, du học, kinh tế. Với những đặc điểm về sở thích, cá tính, khả năng, học lực và hệ giá trị cá nhân trong hiện tại, tớ đang nghĩ về những con đường ấy. Đó cũng là những định hướng làm cơ sở để tớ lựa chọn trải nghiệm nghề nghiệp trong thời gian tiếp theo. |
Công cụ dòng sông cuộc đời giúp tớ “trò chuyện sâu”, sống sâu hơn với bản thân. Tuyệt nhất là chia sẻ dòng sông của mình với các bạn trong đội nhóm và lắng nghe hành trình của các bạn khác. Đây là hoạt động tớ yêu thích nhất trong dự án hướng nghiệp SEAN, một dự án giúp khám phá bản thân, bồi đắp kĩ năng nền tảng và trải nghiệm nghề nghiệp.
Ngoài ra, chúng tớ còn sử dụng các cách khác để khám phá bản thân như tập làm “Poster Tôi”, Sổ nhật kí nghệ thuật (Art Journal), tập làm bài thuyết trình trên Powerpoint, tập làm CV(Curriculum Vitae) mơ ước. Một số công cụ trắc nghiệm khách quan uy tín như Holland, MBTI hay Indigo cũng hữu ích cho những ai chưa định vị được mình. Những trắc nghiệm này được hướng dẫn khá kĩ trên các website huongnghiepsongan.com và topcv.vn.
1.2. Mình thích thì mình thử thôi!
“Nghề nghiệp gần gũi với chúng ta hơn những gì chúng ta tưởng”, chúng tớ quyết định lựa chọn nghề nghiệp trải nghiệm vì nhiều lý do rất bất ngờ. Nếu chán nản với việc cố gắng khám phá bản thân để chọn nghề trải nghiệm, bạn có thể bắt đầu bằng cách ngược lại. Hãy tìm hiểu thế giới nghề nghiệp hiện nay xem mình có thích nghề nào không, hoặc bạn có đang muốn giải quyết vấn đề nào đó trong cuộc sống không? Đó có thể là điều bạn yêu thích hoặc cũng có thể là điều khiến bạn bức xúc. Tóm lại, “mình thích thì mình thử thôi”!
1 - “Tớ là Tùng, học tại một trường cấp ba ở Hà Đông (Hà Nội). Điều tớ rất ghét là con đường đi học đông đúc và nham nhở. Dọc con đường ấy có nhiều dự án treo. Thỉnh thoảng tớ chứng kiến người dân dựng lều nằm ở đó để phản đối việc lấy đất làm dự án. Tớ tự hỏi, những người thiết kế đô thị có biết việc đẩy mạnh đô thị hóa ảnh hưởng như thế nào đến nhiều số phận không? Nếu người đang ở tình cảnh khốn khổ kia là tớ thì sao? Tớ tò mò về việc thiết kế đô thị. Để giải quyết tình cảnh trên, có lẽ không thể chỉ sử dụng cái nhìn thẩm mỹ, kiến thức kiến trúc vào câu chuyện thiết kế đô thị mà cần có cái nhìn đa ngành để giải quyết thực tiễn xã hội. Thế đấy, điều khiến tớ bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực môi trường (cụ thể là kiến trúc và thiết kế đô thị) không xuất phát từ cái gì cao siêu mà bắt đầu từ một vấn đề tớ chứng kiến và bức xúc mỗi ngày!”
2 - “Tớ muốn trải nghiệm nghề giáo viên Ngữ Văn. Đám bạn thân của tớ bảo nghề giáo viên nghe chẳng ‘trend’, chẳng kích thích tí nào lại không hợp với cá tính của tớ. Đám khác lại nói nghề đó phù hợp vì tớ là học sinh chuyên Văn mà. Nhưng lý do tớ chọn thì chẳng liên quan gì đến những góc nhìn của họ. Tớ nghĩ trải nghiệm nghề này vào năm nay (tớ đang học lớp 10) sẽ giúp tớ có kĩ năng giao tiếp và truyền đạt. Những kĩ năng này chắc chắn sẽ có ích dù mai sau tớ có làm nghề gì chăng nữa. Mục tiêu của tớ là trải nghiệm đa dạng các kĩ năng nền tảng. Khi bạn là một cậu học sinh lớp 10, bạn làm sao biết chắc tương lai mình sẽ làm nghề nghiệp gì đúng không? Cứ trải nghiệm công việc mình thích, học kĩ năng mình muốn và biết rõ nó có ích như thế nào đối với mình, với tớ thế là hợp lý.”
3 - “Châu, it’s me! Tớ bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về hoạt hình, về nghệ thuật khi xem bộ phim hoạt hình Jingle Bell của Walt Disney. Cách bộ phim ấy sử dụng ánh sáng và màu sắc thể hiện nội tâm nhân vật khiến tớ vừa xem vừa khóc như mưa. Họ làm ra những bộ phim ấy như thế nào nhỉ? Tớ quyết định tìm hiểu sâu, trải nghiệm nhiều hơn về nghệ thuật hội họa và nhen nhóm ý định du học.
Tớ nghĩ để làm được phim hoạt hình thì phải biết vẽ, thế là tớ học vẽ và tìm nhóm cùng trải nghiệm việc vẽ tranh. Từ trải nghiệm ấy, tớ có được rất nhiều chỉ dẫn quý giá về sau!”
4 - “Tớ là Thống. Tớ sinh ra trong một gia đình làm nghề nông ở tỉnh Lạng Sơn. Tớ luôn tự hỏi tại sao bố mẹ tớ và nhiều nông dân khác luôn bị đặt bên cạnh từ ‘giải cứu’, nào là giải cứu na, rồi thì giải cứu dứa, giải cứu khoai tây. Câu chuyện được mùa mất giá - được giá mất mùa hình năm nào cũng xuất hiện trong cuộc đời của bố mẹ. Bạn hình dung được không, vào thời điểm chính vụ, mẹ tớ chỉ bán được 5.000đ/kg su hào, 3.000đ/kg dưa chuột. Cực nhọc chở hai cái sọt đầy ắp dưa chuột ra chợ vất vả là thế nhưng có lúc mẹ phải bán 10.000đ/3kg. Sao bố mẹ tớ không phơi sấy, đóng gói, làm thương hiệu, rồi bán online nữa… Vì thế, học chuyên Lý nhưng tớ bắt đầu nghĩ đến việc trải nghiệm nghề bán hàng. Tớ muốn tìm cách bán nông sản hoặc những sản phẩm chế biến từ nông sản, biết đâu sau này tớ sẽ nâng cao được giá trị của nông sản nơi mình sinh ra.”
5 - “Tớ là sinh viên các bạn ạ. Tớ chọn ngành Quan hệ công chúng của Học viện ngoại giao với suy nghĩ đơn giản là muốn bước ra khỏi vùng an toàn để bản thân trở nên năng động hơn, tự tin hơn vì tớ vốn hướng nội, nhút nhát và thụ động. Mùa hè 2021, tớ làm tình nguyện cho một dự án hướng nghiệp, dự án SEAN ở Lạng Sơn. Vào dự án rồi, thấy các bạn học sinh THPT được dạy kĩ năng nền tảng, được khám phá bản thân, được trải nghiệm nghề nghiệp mà tớ ham. Ngay như sinh viên chúng tớ, chuyện hướng nghiệp vẫn còn rất đau đầu, vì học ngành rộng là vậy nhưng ra trường làm nghề nghiệp cụ thể nào thì còn mướt mồ hôi mới xác định được. Ở các trường đại học, hoạt động hướng nghiệp cũng diễn ra rầm rộ lắm. Thế là đang làm tình nguyện nhưng tớ xin chị Tumany cho trải nghiệm nghề Viết báo điện tử luôn, tớ thích viết lách nhưng bỏ bẵng lâu rồi. Hành động ấy khá đột ngột với một đứa quen thụ động như tớ. Đó là một bất ngờ thú vị đối với bản thân tớ!”
Còn bạn thì sao?
Bạn đang hứng thú với nghề gì? (Kể cả khi chưa rõ đó có thực sự là đam mê hay thế mạnh lớn nhất của mình)
Bạn đang “bức xúc chịu không nổi” một vấn đề nào đó trong thực tế và muốn tìm kiếm nghề nghiệp có thể giải quyết nó?
Bạn đang lang thang ở “vùng vô định” chẳng rõ mình thế nào?
Thì lựa đi rồi chọn lấy một vài nghề. Thì trải đi rồi khắc nghiệm ra. Thì thử sai đi. Chỉ hành động mới ra kết quả, và chỉ từ kết quả thực tế bạn mới biết cái gì hợp với mình. “Một người không chịu bước đi thì khác gì sở hữu đôi chân gãy!” Chúng tớ không muốn gãy chân, nên xuất phát điểm như thế nào, chúng tớ đều tìm được cách để trải và nghiệm.
1.3. Phác họa sơ lược về nghề nghiệp trải nghiệm
Đã xác định trải nghiệm nghề nghiệp là phải tự nhủ sẽ dành thời gian, công sức, tâm tư tương xứng cho nó. Chúng tớ đồng lòng nói “không” với kiểu trải nghiệm “cả thèm chóng chán”, hôm nay hào hứng lên thì chọn, ngày mai chán thì bỏ, vì kiểu trải nghiệm đó chẳng đem lại kết quả gì. Chúng tớ hiểu điều này rõ lắm, vì chúng tớ từng như thế nhiều rồi!
Khi một hoặc một số nghề nghiệp đã vào “tầm ngắm”, việc tiếp theo là bắt tay vào phác họa sơ lược ngành nghề đó. Phải biết sơ sơ về nghề, rồi mới bước vào trải nghiệm được chứ! Lúc này thì đọc, nghe, xem, phương thức tìm hiểu nào cũng cần cả! Blog, Podcast, Facebook, sách báo tạp chí chuyên ngành, các khóa học online, các chương trình hướng nghiệp dành cho học sinh, sinh viên… đều có ích.
Riêng việc tìm đọc thông tin và trò chuyện với người đi làm đã giúp chúng ta hiểu được 20% - 30% về ngành nghề rồi! Cái này chúng tớ khẳng định vừa dựa trên kinh nghiệm vừa dựa trên mô hình học tập 70 - 20 - 10, bạn có thể tìm kiếm mô hình học tập này trên Google để biết rõ hơn.
Ví dụ: Ngành Kinh tế
Kênh thông tin | |
Sách báo chuyên ngành |
Ví dụ: Cuốn “Ngành Kinh tế có gì” nằm trong loạt sách “Người trong muôn nghề” do Spiderum và TopCV đồng xuất bản Website: https://tapchidoanhnhan.org/ |
Theo dõi page của các trường đại học uy tín về lĩnh vực kinh tế |
Ví dụ: Đại học kinh tế quốc dân (NEU): https://www.facebook.com/ktqdNEU/ Đại học RMIT: https://www.facebook.com/RMITUniversityVietnam Đại học Ngoại thương: https://www.facebook.com/ daihocngoaithuongftu |
Blog, Podcast, YouTube |
Vietcetera; Spiderum; Ted Talk |
Theo dõi hội nhóm chuyên ngành |
Mentori Community (Kết nối cố vấn MT/ Big 4/ MNCs,..): page này rất hữu ích với các bạn muốn theo đuổi ngành kinh tế, đặc biệt là muốn khởi nghiệp. SME Mentoring 1on1 (Kết nối các mentor với mentee, tức là những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh sẽ trò chuyện, tư vấn, giúp đỡ những người mới hoặc người đang gặp khó khăn nào đó trong lĩnh vực này). |
Theo dõi các case study chuyên ngành |
Chương trình Shark Tank có nhiều nhân vật tài giỏi trong giới kinh doanh, chúng ta có thể theo dõi các nhân vật này hoặc nhân vật thực tế nào đó gần gũi hơn với mình (tùy lựa chọn cá nhân). Những câu hỏi gợi ý khi phỏng vấn người trong nghề: • Tên chính xác của vị trí nghề nghiệp anh chị đang làm là gì? • Trước đây anh chị học trường nào và anh chị đến với nghề này ra sao? • Làm nghề này là làm những công việc gì mỗi ngày? • Anh chị yêu thích và chán ghét điều gì khi làm việc? • Nghề này đòi hỏi bằng cấp, kiến thức, kĩ năng và sức khỏe như thế nào? • Khi làm nghề này, anh chị hay được gặp những người như thế nào? Cơ hội phát triển của nghề ra sao? • Mức thu nhập nghề này đem lại có thể giúp anh chị sống thoải mái không? • Cũng trong lĩnh vực này, ngoài nghề anh chị đang làm còn có những nghề nào nữa? • Để theo nghề này, em nên học ngành gì, học trường nào? • Nếu em theo nghề này, anh chị có lời khuyên gì cho em không? |
Phỏng vấn người trong nghề |
|
Khóa học online |
https://www.voco-center.com/ Trên website này có các khóa học, workshop, buổi trò chuyện cùng chuyên gia,phù hợp với học sinh, sinh viên, người sử dụng có thể tiết kiệm chi phí khi mua thẻ membership. |
Từ những thông tin tìm kiếm được, chúng ta có thể phác họa về ngành nghề mình muốn trải nghiệm. Vẫn với ví dụ về ngành kinh tế, chúng ta có thể thiết lập bảng thông tin dưới đây chỉ với những thông tin thu thập được qua tài liệu, Internet và trò chuyện cùng người đi làm:
Bảng phác họa ngành nghề | |
Ngành Kinh tế(1) Kinh tế chỉ các hoạt động của con người liên quan đến việc tạo ra, lưu thông, trao đổi, tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ phục vụ các hoạt động sinh sống của con người. Các nhóm ngành đào tạo cơ bảntrong lĩnh vực kinh tế: + Nhóm ngành Kinh tế: học sâu kiến thức về cơ chế vận động trên phương diện tổng tể của toàn bộ nền kinh tế, có vai trò định hướng, đưa ra các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế. Học ngành này ra thường làm việc trong các cơ quan Nhà nước quản lý về kinh tế hoặc trong các công ty, tập đoàn cần nhân sự phân tích kinh tế, hoạch định chiến lược. Ngành cụ thể như Kinh tế học, Kinh tế phát triển, Kinh tế quốc tế, Kinh tế đối ngoại… + Nhóm ngành Quản trị: đào tạo người làm quản lý trong các tổ chức. Ngành cụ thể như Quản trị kinh doanh, Nhân sự, Kế toán, Marketing, Tài chính… + Nhóm ngành Công cụ: đào tạo cán bộ chuyên môn cung cấp công cụ cho công tác quản lý. Ngành học cụ thể như Thống kê, Toán kinh tế, Xử lý thông tin, Tin học kinh tế… Một số vị trí nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh tế: Nhân viên kinh doanh, Marketing, SEO, Hành chính nhân sự, Kế toán, Chăm sóc khách hàng, Giao dịch viên,… Các cơ sở đào tạo tiêu biểu: Hệ thống các trường cao đẳng và đại học đào tạo các chuyên ngành về Kinh tế như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thương mại, Học viện Tài chính… |
|
Nghề muốn trải nghiệm: Nhân viên kinh doanh(2) Công việc chính: - Tìm kiếm khách hàng, xây dựng mối quan hệ với khách hàng;Lưu trữ thông tin của khách hàng và cập nhật thường xuyên để đảm bảo bộ thông tin khách hàng chất lượng cho công ty. - Tư vấn cho khách hàng về sản phẩm/dịch vụ, giải quyết các khó khăn của khách hàng, chăm sóc họ trước, trong và sau khi mua hàng. - Triển khai các chương trình bán hàng và khuyến mãi đến khách hàng; Nắm rõ đặc điểm riêng của sản phẩm/dịch vụ trên cơ sở phân tích và hiểu biết về thị trường, về đối thủ cạnh tranh. - Theo dõi,chăm sóc và phát triển thị trường tại khu vực được giao quản lý. - Theo dõi công nợ, thực hiện các loại thống kê, báo cáo theo yêu cầu. - Thực hiện các công việc khác khi được phân công. |
|
Những nơi có thể làm việc: Công ty, Siêu thị, Cửa hàng hoặc kinh doanh tự do. |
|
Yêu cầu: + Kỹ năng bán hàng, kỹ năng giao tiếp, đàm phán và chăm sóc khách hàng tốt. + Có khả năng tổ chức công việc, quản lý thời gian, xây dựng mối quan hệ. + Sẵn sàng học hỏi, chịu được áp lực cao. + Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm. |
|
Môi trường làm việc: Tính cạnh tranh cao, áp lực lớn, đặc thù công việc đòi hỏi sự khôn khéo và sự linh hoạt, dấn thân mạnh mẽ. |
|
Cơ hội phát triển: + Cơ hội phát triển theo chiều ngang (về chuyên môn): trở thành nhân viên kinh doanh tài ba với mức lương hấp dẫn, đem lại sản phẩm/dịch vụ tốt cho khách hàng. + Cơ hội phát triển theo chiều dọc (về chức vụ): có thể vươn lên các vị trí quản lý, điều hành hoặc tự mở công ty kinh doanh. |
|
Khoảng lương trung bình dành cho nhóm nhân viên kinh doanh toàn thời gian có kinh nghiệm dưới 5 năm: từ 7.000.000 đến 11.000.000(3) (Tuy nhiên, ngoài lương cứng, nhân viên kinh doanh thường có lương thưởng theo doanh số. Vì vậy, mức lương chủ yếu sẽ phụ thuộc vào năng lực và hiệu quả làm việc của mỗi nhân viên). |
Chú thích:
(1) Theo bài viết “Sinh viên kinh tế: Học và làm như thế nào?”, TS Phan Thùy Chi, trích từ cuốn sách “Người trong muôn nghề: Ngành kinh tế có gì?” (Nhóm tác giả Spiderum & TopCV).
(2) Tổng hợp theo một số bản mô tả vị trí nhân viên kinh doanh trên https://careerbuilder.vn/
(3) Theo bảng Mức lương tham khảo các vị trí phổ biến trong ngành kinh tế, trang 32, cuốn sách “Người trong muôn nghề: Ngành kinh tế có gì?” (Nhóm tác giả Spiderum & TopCV)