Hừm, lại có nhà địa lý như thế sao?
Bạn đã đọc cuốn “Hoàng tử bé” kể về chuyến du hành của chàng hoàng tử tí hon qua bảy hành tinh chưa? Khi đến hành tinh thứ sáu, hoàng tử bé gặp một ông già viết ra những cuốn sách to đùng và dưới đây là một đoạn trò chuyện của họ:
- Nhà địa lý là gì vậy?
- Đó là một học giả biết được biển, sông ngòi, thành phố, núi non và sa mạc ở chỗ nào.
- Cái đó hay nhỉ, rốt cuộc như vậy mới gọi là nghề nghiệp chứ!
Và cậu đưa mắt nhìn khắp hành tinh của nhà địa lý. Cậu chưa từng thấy một hành tinh hùng vĩ như thế bao giờ.
- Hành tinh của ông đẹp thật đấy. Thế nó có biển không?
- Ta làm sao mà biết được.- Nhà địa lý nói.
- Ôi! (Hoàng tử bé thất vọng) Thế còn núi thì sao?
- Ta làm sao mà biết được?
- Thế còn các thành phố, sông ngòi và sa mạc?
- Ta cũng không làm sao mà biết được.
- Nhưng ông là nhà địa vừa lý cơ mà!
- Đúng vậy, nhưng ta đâu phải là nhà thám hiểm. Ta hoàn toàn thiếu các nhà thám hiểm. Còn nhà địa lý thì có bao giờ lại đi đếm chác thành phố, sông ngòi, núi non, biển cả, đại dương với sa mạc. Nhà địa lý là người quan trọng nên không đi rong làm gì. Ông ấy không rời bàn giấy của mình được. Mà ông ấy tiếp đón các nhà thám hiểm. Ông ấy hỏi han bọn họ, rồi ông ấy ghi chép hồi ức của bọn họ. Và nếu thấy hồi ức của ai trong số bọn họ có ích thì nhà địa lý sẽ cho điều tra về tư cách của nhà thám hiểm.(1)
Chú thích:
(1) Trích “Hoàng tử bé” (Antoine De Saint-Exupéry), bản dịch của Trác Phong, NXB Hội nhà văn, 2016.
Bạn thấy cuộc trò chuyện trên thế nào? Chúng tớ thì rất cảm thông với nỗi thất vọng của hoàng tử bé và vừa buồn cười vừa thấy tội nghiệp cho nhà địa lý. Ông tự hào về nghề nghiệp nhưng dường như chẳng biết chút gì về nó. Chao ôi, hãy thử hình dung! Một nhà địa lý viết cả tá sách từ lúc trai trẻ đến khi về già mà vẫn chẳng hiểu về địa lý theo đúng nghĩa, thậm chí chưa từng đi thực địa dù chỉ một lần trong đời.
Câu chuyện trên tuy chỉ là ẩn dụ, nhưng có khi nào trong thế giới ngoài kia cũng đang tồn tại những người lao động làm việc theo phong cách “nhà địa lý” như vậy không nhỉ? Chỉ nghĩ đến thôi chúng tớ đã thấy lãng phí cuộc đời và sốt ruột khủng khiếp!
Chọn ngành, chọn nghề, chúng tớ chẳng muốn chọn kiểu “nhà địa lý”!
Bạn có đang phân vân trước ngưỡng cửa chọn ngành chọn nghề như chúng tớ không? Hoặc chọn rồi mà vẫn thấy hoang mang trên mảnh đất ngành nghề đó? Hoặc rơi vào nỗi khổ sở “đứng núi này trông núi nọ”?
Nếu có, chúng tớ cực kì đồng cảm với bạn. Vì thú thật, chúng tớ còn đang mông lung lắm! Chẳng có mấy người trong chúng tớ xác định được ngành nghề theo kiểu từ nhỏ đã biết mình thuộc về lĩnh vực nào, cũng chẳng mấy ai có “mối tình sét đánh” với nghề nghiệp nào đó. Mông lung là thế nhưng được cái chúng tớ rất chắc chắn một điều ngay lúc này, đó là kiên quyết nói “không” với ba kiểu lựa chọn: kiểu “thầy bói xem voi”, kiểu “Đại Lãn chờ sung” và kiểu “nhà địa lý”.
Thế nào là lựa chọn kiểu “thầy bói xem voi”? Tức là đưa ra quyết định dựa trên những thông tin ít ỏi, những xem xét một chiều. “Đại Lãn chờ sung” là kiểu của những kẻ lười nhác, đến đâu hay đến đó, sao cũng được và ỷ lại vào những người xung quanh. Còn kiểu “nhà địa lý”? Bạn thấy nhà địa lý ở trên rồi đấy, đến cuối đời ông ta vẫn chẳng biết thế nào là một nhà địa lý đích thực. Làm nhà địa lý mà chẳng biết một ngọn núi, một con sông, một sa mạc thực sự như thế nào, đáng thương thì ít mà đáng trách thì nhiều. Hiểu và chọn một ngành nghề chỉ hoàn toàn dựa trên lý thuyết, chúng tớ rất sợ điều đó!
Ngành nghề sẽ theo chúng ta nhiều năm trong đời, ảnh hưởng đến việc chúng ta phát triển trong môi trường nào, gặp gỡ những ai, làm công việc gì trong tương lai và trở thành người như thế nào. Ngành nghề ấy làm sao có thể lựa chọn mà chưa tìm hiểu kĩ càng hay chưa từng trải nghiệm?
Giải pháp của chúng tớ
Nhà địa lý đáng thương và đáng trách đã gợi cho chúng tớ một giải pháp: bắt tay vào trải nghiệm ngành nghề trong thực tế thay vì chỉ đọc và nghe qua lý thuyết.
Giải pháp ấy có khó không?
Không những khó mà còn khổ nữa!
Chúng tớ có thể thề với bạn về cái sự “Khó + Khổ” của giải pháp này. Trong một số trường hợp, giải pháp này còn có vẻ bất khả thi!
Tuy vậy, ai đã từng nghiêm túc và dũng cảm hành động đến cùng với giải pháp này, dù chỉ một lần, ắt hẳn sẽ trưởng thành hơn và tự tin hơn về bản thân. Trải nghiệm ngành nghề trong thực tế, dù là tham gia hay tự mình khởi xướng dự án, đều là cơ hội để chúng ta nâng cấp ba tài khoản quan trọng nhất đối với một học sinh, sinh viên:
▪ Tài khoản Thấu hiểu bản thân.
▪ Tài khoản Hiểu biết ngành nghề.
▪ Tài khoản Kĩ năng nền tảng.
Nếu thực hiện giải pháp này từ khi còn là học sinh THCS hoặc bắt đầu vào THPT, bạn đoán xem, cuối năm lớp 12 khi đưa ra quyết định về một hướng ngành nghề, một con đường học tập hay lao động cụ thể, chúng ta sẽ tự tin và chủ động biết bao. Cầm bút điền vào đơn đăng kí nguyện vọng, chúng ta sẽ tự tin viết tên ngành nghề và tên trường mà mình thấy yên tâm. Xung quanh bạn có thể sẽ vang lên những tiếng than vãn:
“Tớ chẳng biết chọn cái gì!”
“Nhiều người định hướng quá tớ chẳng biết nên theo ai!”
“Tớ thì đang phân vân giữa ngành này với ngành kia.”
Trong khi đó, bạn có thể tự tin khẳng định ở mức độ trải nghiệm: “Còn ai hướng nghiệp cho mình tốt hơn mình nữa. Lớn rồi, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm đi thôi. Trước khi điền những dòng ngắn gọn này, tớ đã trải qua cả một hành trình dài để tìm hiểu và trải nghiệm ngành nghề rồi đó!”
Bạn muốn là “người do dự” hay “người tự tin” với lựa chọn khi rời xa mái trường THPT và đặt chân vào con đường đào tạo ngành nghề của mình? Chúng tớ thì mong muốn là những người trẻ tuổi tự tin và dám chịu trách nhiệm. Không thể khẳng định 100% sau này chúng tớ không chuyển hướng. Nhưng có hề gì! Cha mẹ, thầy cô hay bất cứ ai cũng không thể thay chúng tớ đưa ra những quyết định quan trọng cho tương lai của mình, làm công việc của mình và sống cuộc đời của mình.
Vì vậy, để có đủ hiểu biết và khả năng ra quyết định chọn ngành chọn nghề, chúng tớ cam tâm tình nguyện chịu “Khó + Khổ” ngay từ bây giờ. Bởi vì kết quả nhận được sẽ xứng đáng với công sức bỏ ra!
Vậy chúng tớ đã trải nghiệm nghề nghiệp như thế nào?
Ồ, đó thực sự là một “Big Question” đấy!