Tạo lập thói quen
Tự lựa chọn phương pháp phù hợp với bạn
Tạo lập thói quen
Tự lựa chọn phương pháp phù hợp với bạn
Một trong những mục đích chính của cuốn sách này là làm cho những người trì hoãn có tổ chức cảm thấy tự tin hơn - chứ không phải là để chữa bệnh trì hoãn cho họ. Thật lòng mà nói, nếu tôi biết được một phương pháp hữu hiệu, nhanh chóng và đơn giản để loại trừ tính trì hoãn thì tôi đã chia sẻ rồi. Tôi hi vọng rằng, sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và nhận ra rằng bạn vẫn có thể làm việc có năng suất bất chấp tính trì hoãn. Như thế bạn có thể dồn thời gian và năng lượng của mình vào những điều quan trọng hơn là cố gắng sửa chữa nhược điểm của bản thân mình. Có lẽ, tới đây bạn có thể gấp sách lại.
Nhưng nếu bạn chưa muốn dừng lại ở việc chấp nhận mình là một người trì hoãn có tổ chức mà muốn loại bỏ hoàn toàn tính trì hoãn, những thứ tôi trình bày sau đây có thể tiếp thêm sức mạnh cho bạn.
Tôi muốn tiếp tục giúp bạn. Tôi không đọc hết tất cả bài báo, blog và sách viết ra để giúp người trì hoãn vượt qua thói quen xấu đó nhưng tôi cũng đã đọc được khá nhiều và vẫn định đọc thêm nữa. Tôi đã đọc được nhiều điều có ích nhưng không phải là quá nhiều. Sau đây là một số gợi ý, bao gồm cả những việc nên và không nên làm.
Những bài báo
Thế giới này đầy rẫy những bài báo viết ra nhằm mục đích khiến người ta sợ hãi tính trì hoãn. Ví dụ như một bài báo của Hara Marano, biên tập viên của tờ Psychology Today22. Nó mang tựa đề là “Phải chăng tính trì hoãn đang ngăn trở bạn? Mười điều bạn nên biết”23. Bạn mong đợi rằng đó là mười lời khuyên hữu ích. Nhưng không. Hóa ra đó chỉ là mười thực tế không mấy tốt đẹp về bạn.
22 Tạm dịch: Tâm lý học ngày nay.
23 Bởi Hara Estroff Marano, xuất bản vào tháng 8 năm 2003. http://www.psychology- today.com/articles/200308/procrastination-ten- things-know.
Tôi khá chắc rằng bạn không lạ gì với một số thực tế mà Marano chỉ ra - như là người trì hoãn thường lảng tránh những việc họ phải làm. Những điều khác, tuy mới, nhưng cũng chỉ làm bạn cảm thấy mình thật tệ. Ví dụ như, người trì hoãn thường uống rất nhiều rượu vì họ có vấn đề trong việc tự kiểm soát bản thân và hệ miễn dịch yếu là cái giá phải trả cho tính trì hoãn. Ai mà nuốt nổi những lời đó chứ? Tôi khuyên bạn nên tránh bài báo này và những bài kiểu như thế. Chúng chỉ đem đến cho bạn những thông tin khoa học nửa mùa mô tả những nhược điểm mà bạn đã biết từ lâu và làm dấy lên nỗi sợ hãi về những vấn đề thậm chí còn tồi tệ hơn mà bạn có thể gặp phải. Đọc những bài báo kiểu đó sẽ chỉ khiến bạn căng thẳng và ghê tởm bản thân chứ không hề giúp bạn vượt qua tính trì hoãn.
Sách
Tôi có thể nói điều tương tự với những cuốn sách thuộc thể loại phát triển bản thân (sách self-help) nói về tính trì hoãn đang bán nhan nhản ngoài kia. Rất nhiều cuốn trong số đó bắt đầu bằng cách động viên bạn thay đổi thông qua việc chỉ ra tính trì hoãn khiến cuộc đời của bạn tệ đến mức nào. Rồi tiếp theo là những đoạn dài lê thê đưa ra những lời khuyên, giới thiệu các bài luyện tập và một số phương pháp khác. Vấn đề là ở chỗ, để có thể đọc những cuốn sách đó, thực hiện những bài luyện tập đó và làm những lời khuyên đó bạn phải là người không trì hoãn. Có thể người trì hoãn sẽ vẫn mở một cuốn sách dài lê thê, tẻ nhạt với đầy những bài tập phát triển bản thân nhưng họ sẽ chẳng đọc được mấy trang đâu và rốt cục họ sẽ gấp sách lại với nỗi phiền muộn cực độ.
Có một ngoại lệ là cuốn The Procrastinator’s Digest24, viết bởi Timothu Pychyl, cũng là một trong những chuyên gia đã từng được tham vấn trong những bài báo của Marano. Tiến sĩ Pychyl đã mở đầu cuốn sách theo cách rất hay bằng việc nói với chúng ta rằng ông đoán chúng ta đọc cuốn sách này là để lảng tránh những việc chúng ta phải làm. Điều này bắt đúng tâm lý của phần lớn độc giả.
24 Tạm dịch: Chân dung của người trì hoãn.
Ngay từ lời nói đầu, tiến sĩ Pychyl đã nói rằng ông biết cần phải viết một cuốn sách ngắn gọn và sống động để có thể giữ độc giả lại. Và ông đã làm điều đó rất thành công. Các chương đều súc tích. Mỗi chương đều bắt đầu bằng một câu châm ngôn mà bạn cần tự nói với mình và viết ra giấy ghi chú rồi dán lên tủ lạnh. Có một số câu khá hay:
Nay không vất vả, mai càng gian nan.
Tôi không thích làm việc đó vào ngày mai.
Bắt tay vào làm ngay thôi.
Tuy nhiên, không phải câu nào cũng hay. Chẳng hạn tôi không thấy chút cảm hứng nào sau khi đọc câu này:
Tính cách của tôi vừa thuận theo lại vừa chống lại lối sống buông thả bản thân.
Nếu tôi viết câu này ra giấy rồi dán lên tủ lạnh, dám chắc gia đình sẽ nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu.
Dù sao đi nữa, nếu bạn thực sự quyết tâm muốn gạt bỏ hoàn toàn tính trì hoãn của bản thân, tôi chắc chắn sách của tiến sĩ Pychyl có thể giúp bạn.
Tuy nhiên, cũng có thể bạn thích cách tiếp cận gián tiếp hơn. Nếu bạn muốn trị bệnh trì hoãn, có thể là bởi vì bạn nhận ra rằng tính trì hoãn khiến cho bạn không hạnh phúc. Có lẽ, bạn nên tự đi tìm hạnh phúc ngay lập tức và mặc kệ tính trì hoãn ở đó. Nếu bạn muốn biết hạnh phúc là gì, bạn cần phải tìm tới triết học. Hãy bắt đầu bằng cách đọc bài viết trên Wikipedia về “Triết học về hạnh phúc”. Sau đó, hãy lên Bách khoa toàn thư trực tuyến về triết học của Đại học Standford để tìm từ khóa “hạnh phúc” và đọc những bài viết trên đó để biết những quan điểm của những triết gia khác nhau. Rồi, hãy đọc các công trình nghiên cứu của từng triết gia. Chắc phải tới cuối đời may ra bạn mới đọc hết mà chưa chắc đã biết được mình có hạnh phúc hay không.
Như tôi đã từng nói trong Chương 8, “Những lợi ích ngoài lề”, có một cách rất hay để hưởng lợi từ cách làm việc của những người hăng hái. Tương tự trong phạm trù hạnh phúc, đã có rất nhiều người dành thời gian đọc hết tất cả những khảo cứu triết học và tâm lý học liên quan rồi viết lại những gì họ đã học được.
Một cuốn sách khá hay tên là The Happiness Project25 viết bởi Gretchen Rubin. Cuốn sách viết về hành trình đi tìm hạnh phúc của tác giả trong vòng một năm, hoặc ít nhất cũng là đi tìm kiếm những điều khiến cô ấy cảm thấy hạnh phúc hơn. Gretchen Rubin rõ ràng không phải là một người trì hoãn. Cô là một kiểu người khác, mà tôi tạm gọi là những người nhiệt thành hướng đến thành công. Chúng ta, những người còn lại, được hưởng lợi từ những ngày tháng làm việc khó nhọc của cô. Viết về con đường đi tìm kiếm hạnh phúc viên mãn của bản thân, cuốn sách của Gretchen Rubin tràn ngập kiến thức tâm lý về hạnh phúc, được diễn đạt theo một cách vô cùng dễ đọc. Cả Pychyl và Rubin đều có trang web cá nhân, vì vậy nếu bạn thích sách của họ, bạn có thể tìm trên mạng.
25 Đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản dưới tựa “Dự án Hạnh phúc” của NXB Thế Giới năm 2020.
Rất nhiều trường đại học và cao đẳng cung cấp những chương trình giúp người trì hoãn cải thiện bản thân. Phần lớn là các nội dung trực tuyến, một số trong đó có vẻ hữu ích và súc tích hơn những cuốn sách phát triển bản thân. Đại học Bắc Carolina đã xây dựng một chương trình khá hay: writingngcenter. unc.edu/resources/ handouts-demos/writing-the-paper/procrastination.
Chương trình này tập trung nhiều vào viết lách (không bao gồm các bài luận giữa kỳ của sinh viên và những dạng bài viết tương tự) nhưng cũng giới thiệu nhiều phương pháp có ứng dụng tổng quát hơn.
Có rất nhiều công cụ trực tuyến giúp bạn bớt đi tính trì hoãn. Google Calendar cho phép bạn có thể cài đặt lời nhắc nhở nhiều lần trước thời hạn hay sự kiện hẹn trước. Tôi chắc chắn các chương trình lên lịch công việc khác cũng có chức năng tương tự. Chức năng này không chỉ giúp bạn khỏi quên công việc mà đảm nhiệm luôn việc cằn nhằn khiến bạn không làm không được. Bạn có thể tạo ra một công việc trên lịch, ví dụ như đặt vào 10 giờ sáng với tên là “Đừng có phí thời gian nữa và quay lại làm việc ngay” và thế là lịch công việc sẽ nhắc bạn vài phút một lần bắt đầu từ 9 rưỡi. Google không hề biết là bạn giả bộ tạo ra công việc đó. Như chúng ta đã nói ở trên, khi tính trì hoãn đã nổi lên thì khó mà dùng ý chí để ngăn chặn nó được. Đặt đồng hồ báo thức và tạo ra lời nhắc liên tục từ chương trình quản lý email là một cách hay để chen ngang và ngắt mạch trì hoãn mà không cần đến sức mạnh lý trí.
Google còn cung cấp cả chức năng lên danh sách công việc cần làm, Yahoo!, Microsoft Outlook và một số phần mềm khác cũng vậy. Nhưng còn có một số ứng dụng hay hơn - hãy google “danh sách việc cần làm” và thử xem bạn tìm được cái gì hay hay. LazyMeter26 (lazymeter.com) là một ứng dụng web hay. Bạn có thể cài đặt nó làm trang chủ - bằng cách đó nó sẽ tự xuất hiện trước mắt bạn mà không cần bạn phải có bất cứ thao tác nào khác. Còn nữa, nó sẽ cung cấp số liệu thống kê về tất cả những gì bạn đã hoàn thành. Nó không có chức năng hiển thị những nhiệm vụ đã hoàn thành với một nét gạch đỏ chạy ngang, như tôi vẫn mong chờ, cũng không có tiếng nhạc chiến thắng nào vang lên khi bạn hoàn thành một nhiệm vụ, nhưng bạn không thể yêu cầu nó phải có tất cả mọi thứ được.
26 Hiện tại không thể truy cập ứng dụng web này nữa, vì nhà cung cấp đã thông báo khai tử sản phẩm vào ngày 15 tháng Mười một năm 2013.
Tất nhiên, có một sự nguy hiểm rình rập khi bạn tìm kiếm công cụ để vượt qua tính trì hoãn. Bạn có thể tốn rất nhiều thời gian khi lướt hết trang web này sang trang web khác và không làm những việc mà lẽ ra bạn phải làm. Có thể bạn cần chấp nhận mình đơn giản là một người trì hoãn có tổ chức trước khi bắt đầu lên mạng tìm kiếm những công cụ để loại bỏ thói quen đó.