Không người nào đạt được những thành công vĩ đại mà không săn lòng chấp nhận hy sinh.
Bước làm giàu thứ tám
L
òng kiên trì là yếu tố cần thiết để biến khát khao thành các giá trị tiền bạc tương đương. Nền tảng của lòng kiên trì là sức mạnh của ý chí.
Sức mạnh ý chí và khát khao khi được kết hợp một cách đúng đắn sẽ tạo ra một cặp tính cách có sức mạnh vô địch. Những người giàu có thường được biết đến như những người có máu lạnh, và thậm chí đôi khi là những kẻ tàn nhẫn. Họ thường bị người khác hiểu lầm. Những gì họ có đơn giản là niềm khát khao mãnh liệt được hậu thuẫn bởi sức mạnh của ý chí, sức mạnh mà họ đã hòa trộn với lòng kiên trì. Sự kết hợp đó là nền tảng giúp họ đạt được những mục tiêu của mình.
Phần đông chúng ta thường sẵn sàng vứt bỏ mục tiêu và dự định của mình ngay từ dấu hiệu đầu tiên của sự phản đối hay những điều không may. Chỉ có một vài người vẫn vững vàng tiến bước bất chấp mọi lời phản đối cho đến khi họ đạt được mục đích của mình.
Có thể từ “kiên trì” không có ý nghĩa nào đặc biệt lớn lao, nhưng đây là phẩm chất cần cho tính cách của bạn, như carbon cần để biến sắt thành thép vậy.
Để trở nên giàu có, bạn cần ứng dụng tất cả mười ba nguyên tắc của triết lý làm giàu này. Tất cả những người giàu có đều thấu hiểu và áp dụng những nguyên tắc này với lòng kiên trì thực sự.
KIỂM TRA LÒNG KIÊN TRÌ CỦA BẠN
Nếu bạn đang đọc quyển sách này với mục đích nghiêm túc là muốn áp dụng những kiến thức được đề cập thì bài kiểm tra đầu tiên về lòng kiên trì của bạn sẽ đến khi bạn bắt đầu làm theo sáu bước được miêu tả trong Chương Khát vọng. Trừ khi bạn là một trong số ít người đã có sẵn một mục đích rõ ràng để nhắm tới và một kế hoạch cụ thể để theo đuổi, bạn có thể đọc hướng dẫn này mà không bao giờ ứng dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày của bạn.
Thiếu kiên trì là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Hơn nữa, kinh nghiệm của hàng ngàn người cho thấy, thiếu kiên trì là điểm yếu chung của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nó là một điểm yếu có thể khắc phục được bằng sự nỗ lực. Khắc phục tính thiếu kiên trì có dễ dàng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ mãnh liệt trong khát khao của mỗi người.
Điểm khởi đầu của mọi thành quả đều là khát vọng. Hãy luôn nhớ lấy điều này. Những khát khao yếu ớt mang lại những kết quả yếu ớt, giống như một đốm lửa nhỏ chỉ có thể mang lại một chút ấm áp mà thôi. Nếu bạn nhận thấy mình thiếu kiên trì, hãy khắc phục bằng cách nhóm lên một ngọn lửa lớn hơn cho những khát vọng của bạn.
Bạn cứ tiếp tục đọc đến hết, rồi quay lại Chương 1 và lập tức làm theo sáu bước được hướng dẫn. Bạn càng ham muốn làm theo những hướng dẫn này thì càng chứng tỏ một cách rõ ràng là bạn thật sự khát khao tích lũy tiền bạc. Nếu bạn thấy mình quá thờ ơ và lãnh đạm, bạn có thể tin chắc rằng mình chưa có được “ý thức về tiền bạc”. Đó là điều bạn cần phải có để trở nên giàu có.
Tiền bạc bị hút về phía những người luôn sẵn sàng đón nhận chúng, điều đó cũng giống như mọi con sông đều đổ về biển vậy .
Nếu bạn thấy mình thiếu lòng kiên trì, hãy tập trung vào những hướng dẫn trong Chương 9, Sức mạnh của nhóm Trí tuệ ưu tú. Tập hợp xung quanh bạn một nhóm Trí tuệ ưu tú, thông qua những nỗ lực hợp tác của các thành viên trong nhóm, bạn có thể phát triển lòng kiên trì của mình. Bạn sẽ tìm thấy những hướng dẫn bổ sung trong Chương 3, Tự kỷ ám thị và Chương 11, Tiềm thức. Hãy làm theo những hướng dẫn trong chương này cho đến khi bạn xây dựng được cho mình thói quen truyền đến tiềm thức bức tranh rõ ràng về khát khao của bạn. Từ thời điểm đó trở đi, bạn sẽ không còn thiếu kiên trì nữa.
Tiềm thức của bạn làm việc liên tục, khi bạn thức và ngay cả trong lúc bạn đang ngủ.
Bạn ý thức được tiền bạc hay chỉ ý thức được sự nghèo khổ?
Nếu bạn nỗ lực áp dụng những luật nhưng không đều đặn và liên tục sẽ không mang lại giá trị gì. Để đạt được kết quả, bạn phải áp dụng tất cả các luật cho đến khi chúng trở thành một thói quen cố định đối với bạn. Không có cách nào khác để phát triển “ý thức tiền bạc” cả.
Giống như tiền bạc luôn bị thu hút về phía những người có suy nghĩ tích cực nhằm đạt được nó, nghèo khổ luôn gắn liền với người có nếp nghĩ tiêu cực. Phát triển ý thức về sự giàu có cần một chủ định rõ ràng, phát triển ý thức nghèo khổ thì không. Ý thức nghèo khổ có thể tự phát triển mà không cần phải luyện tập một cách có ý thức những thói quen cần thiết để củng cố nó. Ý thức về sự nghèo khổ sẽ tự xâm chiếm tâm trí của những người không có ý thức rõ ràng về tiền bạc.
Nếu bạn hiểu đầy đủ ý nghĩa của những điều được nói ở đoạn trên, bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của lòng kiên trì trong việc tích lũy tiền bạc. Không có lòng kiên trì, bạn sẽ bị đánh bại ngay trước khi bạn bắt đầu. Ngược lại, có lòng kiên trì, bạn sẽ chiến thắng.
Nếu bạn đã từng trải qua một cơn ác mộng, bạn sẽ nhận thấy giá trị của lòng kiên trì. Bạn nằm trên giường, nửa tỉnh nửa mê, với cảm giác như sắp chết ngạt. Bạn không thể thoát ra hay cử động được tứ chi của mình. Bạn nhận thấy rằng bạn phải kiểm soát được lại các cơ bắp của mình. Qua những nỗ lực bền bỉ của sức mạnh ý chí, cuối cùng thì bạn cũng có thể cử động được những ngón tay. Bằng cách tiếp tục cử động ngón tay, bạn dần điều khiển được một cánh tay cho đến khi bạn nâng được cánh tay đó lên. Sau đó bạn lại tiếp tục điều khiển cánh tay còn lại cũng với cách thức như vậy. Cuối cùng bạn sẽ điều khiển được một chân và dần dần sẽ là chân còn lại. Sau đó, bằng một sức mạnh cực lớn của ý chí, bạn sẽ điều khiển được toàn bộ hệ thống các cơ bắp của mình và thoát ra khỏi cơn ác mộng. Các động tác đã được thực hiện từng bước một.
Bạn sẽ thấy việc loại bỏ sức ỳ tâm lý là cần thiết. Quá trình cũng tương tự như vậy: thực hiện chậm lúc đầu, sau đó tăng dần tốc độ cho đến khi bạn hoàn toàn điều khiển được ý chí của mình. Hãy kiên trì và cho dù có chậm thế nào đi nữa, bạn phải tiếp tục cố gắng. Sự kiên trì sẽ mang đến thành công.
Làm sao để gạt bỏ sức ỳ tâm lý?
Nếu bạn lựa chọn nhóm Trí tuệ ưu tú của mình cẩn thận, bạn sẽ có ít nhất một người trong số họ có thể giúp bạn phát triển lòng kiên trì. Một số trong những người rất giàu có đã có được lòng kiên trì chỉ vì tính cách đó cần thiết với họ. Họ đã phát triển được thói quen kiên trì bởi những hoàn cảnh và tình huống buộc họ phải kiên trì như vậy.
Những người có thói quen kiên trì dường như không hề thất bại. Cho dù họ có bị đánh bại bao nhiều lần đi chăng nữa, họ cũng sẽ leo lên đến nấc thang cuối cùng. Đôi khi dường như có một người hướng dẫn giấu mặt có nhiệm vụ kiểm tra con người bằng tất cả những thất bại khiến họ có thể phải nản lòng. Những người đã đứng lên sau thất bại và tiếp tục cố gắng đã về đến đích, để rồi thế giới phải thốt lên: “Hoan hô! Tôi biết là bạn có thể làm được mà!”. Người hướng dẫn giấu mặt không để cho ai tận hưởng thành quả mà không kiểm tra lòng kiên trì của họ. Những người không vượt qua phần kiểm tra này đơn giản là do không đủ độ kiên trì để vượt qua.
Những người có thể vượt qua thất bại được tặng thưởng một cách hào phóng cho sự kiên trì của họ. Họ đạt được mục đích mà họ theo đuổi. Và điều này vẫn chưa phải là tất cả! Họ nhận được một thứ quan trọng hơn nhiều so với những phần thưởng vật chất. Đó là sự hiểu biết rằng: “Mỗi thất bại đều mang trong nó hạt giống của một lợi ích tương đương”.
HÃY ĐỨNG LÊN SAU NHỮNG LẦN VẤP NGÃ
Những người nhận thức được từ kinh nghiệm tầm quan trọng của lòng kiên trì chỉ chấp nhận thất bại một cách tạm thời. Họ là những người luôn giữ được khát khao bền bỉ đến mức mọi thất bại cuối cùng cũng biến thành chiến thắng.
Chúng ta đã thấy vô số người gục ngã sau thất bại và không bao giờ có thể gượng dậy được nữa. Chúng ta chỉ thấy một số ít người biết đón nhận sự trừng phạt của thất bại như một lời thúc giục cho những nỗ lực mạnh mẽ hơn. Nhưng những gì mà chúng ta không thấy và phần đông chúng ta không bao giờ hoài nghi về sự tồn tại của nó là một nguồn sức mạnh thầm lặng nhưng không thể cưỡng lại được. Chính nguồn sức mạnh đó là yếu tố nâng đỡ những người đang phải chiến đấu với sự chán nản và ngã lòng. Nếu phải gọi tên sức mạnh này, chúng ta nên gọi nó là lòng kiên trì. Một điều chắc chắn rằng nếu một người không có lòng kiên trì, người đó sẽ không thể nhận được thành công đáng kể trong bất kỳ nghề nghiệp nào.
Trong khi đang viết những dòng chữ này, tôi có thể đưa mắt qua cửa sổ và nhìn thấy cách đó chưa tới một khu nhà là khu sân khấu kịch nghệ nổi tiếng nhất thế giới: Broadway vĩ đại và bí ẩn. Người ta gọi nó bằng cả cái tên “Ngôi mộ của những niềm hy vọng đã chết” lẫn “Cánh cổng phía trước của cơ hội”. Từ khắp nơi trên thế giới, người ta đã đến Broadway để tìm kiếm danh vọng, tiền tài, quyền lực, tình yêu hay bất cứ thứ gì con người gọi là thành công. Thi thoảng mới có ai đó đi hết chặng đường dài của quá trình tìm kiếm để được thế giới công nhận là đã vượt qua được cửa ải Broadway. Nhưng Broadway không dễ dàng và nhanh chóng bị chinh phục đến thế. Nó chỉ thừa nhận những tài năng thực sự và trả công xứng đáng cho họ chỉ sau khi người đó không chấp nhận bỏ cuộc. Bí quyết chinh phục Broadway luôn gắn liền với một từ: kiên trì!
TỰ KHÁM PHÁ LÒNG KIÊN TRÌ CỦA BẠN
Kiên trì là một trạng thái tinh thần, vì vậy nó có thể được trau dồi và rèn luyện. Như tất cả những trạng thái tinh thần khác, lòng kiên trì dựa trên những động cơ rõ ràng như:
a. Mục đích rõ ràng. Biết mình muốn gì là bước đầu tiên và quan trọng nhất để phát triển lòng kiên trì. Một động cơ mạnh mẽ luôn giúp ta vượt qua được nhiều ghềnh thác.
b. Khát vọng: Lòng kiên trì có thể đạt được và duy trì khá dễ dàng nếu bạn theo đuổi một mục đích mà bạn khát khao mãnh liệt.
c. Sự tự lực. Tin vào khả năng của bản thân có thể tiến hành một kế hoạch khuyến khích bạn theo đuổi kế hoạch đó với lòng kiên trì. (Tính độc lập có thể được phát triển qua nguyên tắc được miêu tả trong Chương 3 về tự kỷ ám thị).
d. Có kế hoạch rõ ràng. Những kế hoạch được tổ chức, dù lỏng lẻo và hoàn toàn không thực tế, cũng khuyến khích lòng kiên trì.
e. Có hiểu biết đúng đắn . Biết được rằng những kế hoạch của mình là đúng đắn dựa trên kinh nghiệm và sự quan sát cũng khuyến khích lòng kiên trì; “suy đoán” thay cho “hiểu biết” sẽ tiêu diệt sự kiên trì.
f. Sự hợp tác. Cảm thông, thấu hiểu và hợp tác với những người khác có khuynh hướng phát triển lòng kiên trì.
g. Sức mạnh ý chí. Thói quen tập trung suy nghĩ vào xây dựng kế hoạch để đạt được một mục đích rõ ràng cũng dẫn đến lòng kiên trì.
h. Thói quen. Lòng kiên trì là kết quả trực tiếp của thói quen. Tâm trí hấp thu và trở thành một phần của những trải nghiệm hàng ngày dựa trên những gì mà nó nuôi dưỡng. Sự sợ hãi - kẻ thù tệ hại nhất - có thể được khắc chế một cách hiệu quả bằng những hành động dũng cảm lặp đi lặp lại. Những người đã từng tham gia chiến đấu trong chiến tranh đều biết rõ điều này.
Hãy tự khám phá bản thân bạn và xác định xem những động lực nào bạn còn thiếu để có được phẩm chất rất quan trọng này. Hãy đánh giá bản thân bạn một cách dũng cảm, từng điểm một, để xem bạn thiếu bao nhiêu yếu tố trong tám yếu tố trên. Sự phân tích này sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hơn và biết những gì bạn cần có để có thể tiến lên.
Dưới đây là danh sách những kẻ thù thực sự sẽ cản đường bạn đến với thành công. Bạn sẽ tìm thấy không chỉ những “triệu chứng” báo hiệu điểm yếu về sự kiên trì mà còn biết được những nguyên nhân ẩn sâu trong tiềm thức gây ra điểm yếu đó. Hãy tìm hiểu danh sách trên một cách cẩn thận và đối mặt thẳng thắn với bản thân nếu bạn muốn biết mình là ai và có khả năng gì. Sau đây là những điểm yếu phải được kiểm soát đối với những ai muốn tích lũy tiền bạc để trở nên giàu có:
1. Thất bại trong việc nhận ra và xác định rõ ràng bản thân muốn những gì.
2. Sự do dự dù có hay không có nguyên nhân (Thường được hậu thuẫn bởi một chuỗi những lời biện minh và xin lỗi).
3. Thiếu quan tâm đến việc tích lũy kiến thức chuyên sâu.
4. Thiếu quyết đoán, có thói quen “bỏ qua” thay vì thẳng thắn đối mặt với vấn đề (Cũng được hậu thuẫn bởi những lời biện minh và xin lỗi).
5. Thói quen dựa vào những lời biện minh thay vì tạo ra những kế hoạch rõ ràng để giải quyết vấn đề.
6. Thói tự mãn. Có rất ít phương pháp khắc phục được điều này và không có hy vọng nào cho những người mắc phải nó.
7. Sự thờ ơ thường được thể hiện qua việc bạn sẵn sàng thỏa hiệp trong mọi trường hợp hơn là đối mặt và chiến đấu để vượt qua những khó khăn.
8. Thói quen đổ lỗi cho người khác những sai lầm của mình và chấp nhận những hoàn cảnh bất lợi như một sự thật hiển nhiên.
9. Khát khao yếu ớt vì không chú ý tới việc lựa chọn những động cơ thúc đẩy hành động.
10. Sẵn lòng bỏ cuộc ngay từ dấu hiệu đầu tiên của thất bại (Dựa trên một hay nhiều hơn sáu nỗi sợ hãi cơ bản).
11. Thiếu những kế hoạch rõ ràng được viết ra để phân tích cụ thể.
12. Không để tâm đến việc thực hiện ý tưởng hay trong việc nắm bắt cơ hội khi nó xuất hiện.
13. Chỉ biết trông chờ thay vì quyết tâm thực hiện điều mình muốn.
14. Thói quen thỏa hiệp với sự nghèo khó thay vì nhắm đến sự giàu có, thiếu tham vọng sở hữu của cải.
15. Tìm đường tắt để giàu có nhanh, chỉ biết nhận về mà không biết bỏ ra những nỗ lực tương đương. Tính cách này thường thể hiện qua thói quen cờ bạc hoặc cố gắng tìm kiếm những thương vụ không công bằng theo kiểu mua rẻ bán đắt.
16. Sợ bị chỉ trích. Thất bại trong việc tạo lập kế hoạch và thực hiện chúng vì sợ ý kiến chỉ trích và hành động ngăn cản của những người khác. Đây là một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất bởi nó luôn tồn tại trong tiềm thức con người và bạn thậm chí có thể không nhận ra sự hiện diện của nó (Hãy xem sáu nỗi sợ hãi cơ bản trong chương trước).
NẾU BẠN SỢ BỊ CHỈ TRÍCH
Chúng ta hãy kiểm tra vài triệu chứng của nỗi sợ bị chỉ trích. Phần đông người ta cho phép họ hàng, bạn bè và dư luận gây ảnh hưởng lên họ nhiều đến mức họ không thể có cuộc sống riêng của mình bởi họ sợ bị phê phán.
Rất nhiều người gặp những vấn đề trong hôn nhân nhưng vẫn tiếp tục chung sống một cách khổ sở và bất hạnh bởi vì họ sợ những lời phê phán. Bất cứ ai trải qua nỗi sợ hãi này đều biết rõ những thiệt hại không thể cứu vãn mà nó gây ra. Sự sợ hãi tiêu diệt tham vọng và khát khao vươn tới thành công của mỗi cá nhân.
Hàng triệu người đã không dám quay lại học tập để có thêm những kiến thức mới sau khi ra trường bởi vì họ sợ bị chê cười.
Vô số người cho phép người thân phá hủy cuộc sống của chính họ dưới danh nghĩa trách nhiệm gia đình bởi vì họ sợ bị chỉ trích. Trách nhiệm không yêu cầu bất cứ ai phải tiêu diệt tham vọng cá nhân và quyền được sống theo cách riêng của người đó.
Nhiều người từ chối chớp lấy những cơ hội kinh doanh vì họ sợ những lời bình phẩm nếu họ thất bại. Nỗi sợ bị bình phẩm trong những trường hợp này mạnh hơn khát khao thành công.
Quá nhiều người đã không dám đặt mục tiêu cao cho bản thân họ bởi họ sợ những lời phê phán của họ hàng và bạn bè, những người có thể nói: “Đừng đặt mục tiêu quá cao, người ta sẽ nghĩ là bạn bị điên đấy”.
Khi Andrew Carnegie đề nghị tôi cống hiến hai mươi năm cho việc định hình một triết lý thành công cho mỗi cá nhân, suy nghĩ đầu tiên của tôi là lo sợ về những gì người ta sẽ nói. Lời đề nghị của Carnegie lớn hơn nhiều so với bất kỳ ý tưởng nào tôi đã từng hình thành trong tâm trí. Bản năng khiến tôi ngay lập tức đưa những lời biện minh, tất cả chúng đều bắt nguồn từ nỗi sợ cố hữu của con người đối với những lời phê phán. Một tiếng nói nào đó từ trong tôi vang lên rằng: “Bạn không thể làm được, công việc này quá lớn lao và đòi hỏi quá nhiều thời gian. Họ hàng của bạn sẽ nghĩ gì? Bạn sẽ kiếm sống bằng cách nào? Chưa có ai từng hình thành trước đó một triết lý về sự thành công, bạn có quyền gì mà tin rằng bạn sẽ làm được? Bạn là ai mà hướng tới một mục đích cao như vậy? Hãy nhớ là bạn xuất thân từ tầng lớp dưới trong xã hội, bạn biết gì về những triết lý thành công? Người ta sẽ nghĩ là bạn điên (và họ đã nghĩ như vậy). Vì sao từ trước đến giờ chưa có ai làm công việc này?”.
Những câu hỏi đó và nhiều câu hỏi khác cứ quay cuồng trong đầu tôi. Dường như cả thế giới đang chú ý đến tôi, giễu cợt hòng làm tôi từ bỏ khát khao thực hiện những lời đề nghị của ngài Carnegie.
Sau này, khi đã phân tích cuộc sống của hàng ngàn người, tôi mới khám phá ra rằng phần lớn các ý tưởng thường chết yểu. Để phát triển, ý tưởng cần được tiếp sức bằng hơi thở của sự sống thông qua những kế hoạch rõ ràng và được thực hiện một cách nhanh chóng. Thời điểm thích hợp để nuôi dưỡng một ý tưởng là ngay lúc nó được sinh ra.
Mỗi giây phút mà ý tưởng sống, hãy cho nó một cơ hội tốt hơn để tồn tại. Sợ bị phê bình là nguyên nhân giết chết hầu hết các ý tưởng chưa được lên kế hoạch và thực hiện.
TỰ TẠO RA NHỮNG “BƯỚC NGOẶT”
Nhiều người tin rằng thành công là kết quả của những bước ngoặt may mắn. Không thể hoàn toàn phủ nhận sự may mắn nhưng nếu chỉ trông chờ vào may mắn thì gần như bạn sẽ luôn thất vọng. Bước ngoặt duy nhất mà bất kỳ ai cũng có thể dựa vào là bước ngoặt do chính họ tạo ra. Bước ngoặt sẽ đến nếu bạn áp dụng những nguyên tắc kiên trì. Điểm khởi đầu của tất cả là một mục tiêu thật rõ ràng.
Hãy hỏi một trăm người đầu tiên mà bạn gặp trên đường phố xem họ muốn điều gì nhất trong đời, chín mươi tám người trong số họ sẽ không thể trả lời bạn được. Nếu bạn cứ thúc ép buộc họ phải trả lời, một số sẽ nói là sự yên ổn, nhiều người cho rằng đó là tiền bạc, vài người khác sẽ nói là hạnh phúc, những người khác nữa sẽ nhắc đến danh vọng và quyền lực. Một số sẽ nói cho bạn rằng họ muốn được xã hội công nhận, sống thoải mái, có khả năng ca hát, nhảy múa hay viết lách gì đó v.v. Nhưng không ai trong số họ đề cập đến dù chỉ dấu hiệu nhỏ nhất của một kế hoạch giúp họ đạt được những mơ ước được biểu đạt một cách rõ ràng. Sự giàu sang không trả lời cho những điều ước. Chúng chỉ đáp lại những kế hoạch rõ ràng được hậu thuẫn bởi khát khao rõ ràng thông qua sự kiên định giữ vững mục tiêu đã chọn.
LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG LÒNG KIÊN TRÌ?
Có bốn bước cơ bản dẫn đến thói quen kiên trì. Chúng không đòi hỏi một trí thông minh tuyệt đỉnh, một trình độ học vấn đặc biệt hay tiêu tốn của bạn quá nhiều thời gian cũng như nỗ lực. Những bước cần thiết này là:
1. Một mục đích xác định được hậu thuẫn bởi một khát khao cháy bỏng nhằm thực hiện được nó.
2. Một kế hoạch rõ ràng được thể hiện qua những hành động liên tục.
3. Một tâm trí miễn dịch với những ảnh hưởng tiêu cực và gây nản lòng, bao gồm cả những lời bình phẩm thiếu tích cực của họ hàng, bạn bè hay những mối quen biết.
4. Kết giao thân thiện với một hay nhiều người cùng chí hướng sẽ khuyến khích bạn tiếp tục theo đuổi kế hoạch cũng như mục đích của mình.
Bốn bước này rất cần thiết để có thể thành công trong bất kỳ lĩnh vực xã hội nào. Mục đích quan trọng của mười ba nguyên tắc trong triết lý làm giàu này có thể giúp bạn thực hiện được bốn bước trên như một thói quen.
Đó là những bước giúp bạn kiểm soát được sự thịnh vượng của mình.
Đó là những bước dẫn đến tự do và độc lập trong suy nghĩ.
Đó là những bước dẫn đến giàu sang dù ở các mức độ khác nhau.
Đó là những bước dẫn tới quyền lực, danh vọng và được xã hội công nhận.
Đó là bốn bước tạo ra những bước ngoặt thuận lợi.
Đó là những bước biến giấc mơ thành hiện thực.
Đó là những bước cần thiết để làm chủ nỗi sợ hãi, sự ngã lòng và tính thờ ơ.
Phần thưởng kỳ diệu sẽ dành cho những người biết cách thực hiện bốn bước này. Bạn có đặc quyền được tự định giá bản thân mình và bắt cuộc đời phải trả cái giá mà bạn yêu cầu.
KIỂM SOÁT KHÓ KHĂN NHƯ THẾ NÀO?
Sức mạnh bí ẩn nào đã cho con người có lòng kiên trì khả năng kiểm soát được những khó khăn? Liệu lòng kiên trì có tạo ra trong tâm trí bạn những dạng thức hoạt động tâm linh, tinh thần hay hóa học cho phép bạn kết nối được với sức mạnh siêu nhiên hay không? Miền Trí tuệ vô biên có đứng về phía những người vẫn cố sức chiến đấu trong khi dường như cả thế giới đang chống lại họ?
Những câu hỏi tương tự như vậy cứ nảy ra trong tâm trí khi tôi quan sát Henry Ford, người đã xây dựng nên một đế chế công nghiệp khổng lồ từ hai bàn tay trắng với gần như không gì khác hơn là lòng kiên trì. Hay Thomas A. Edison, người chỉ được học ở trường lớp có ba tháng nhưng vẫn trở thành nhà phát minh hàng đầu thế giới. Ông đã biến lòng kiên trì của mình thành máy hát, máy chiếu phim, bóng đèn và hàng trăm phát minh khác.
Tôi đã có cơ hội được phân tích sự nghiệp của cả Edison và Ford một cách mật thiết với tư cách cá nhân trong một thời gian dài. Cho nên tôi có thể nói từ hiểu biết của mình rằng tôi không thấy có phẩm chất nào ngoài lòng kiên trì chính là nguyên nhân sâu xa và chính yếu dẫn đến những thành công kỳ diệu của họ.
Khi bạn để ý tìm hiểu một cách công bằng cuộc đời và sự nghiệp của những người sáng lập ra các giáo phái, các triết gia hay những lãnh tụ tôn giáo trong quá khứ, bạn sẽ rút ra được một kết luận hiển nhiên rằng chính lòng kiên trì, sự tập trung nỗ lực và mục đích rõ ràng là những nguồn gốc quan trọng dẫn đến những thành công của họ.
Ví dụ, bạn hãy để ý đến câu chuyện hấp dẫn về Mohammed. Hãy phân tích cuộc đời ông, so sánh với những người thành công trong thời đại công nghiệp và tài chính này, bạn sẽ thấy tất cả họ đều có một đặc điểm chung, đó là lòng kiên trì. Nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu sức mạnh của lòng kiên trì và ảnh hưởng của nó, tôi thật sự khuyên bạn hãy đọc tiểu sử của Mohammed, đặc biệt là cuốn sách do Essad Bey viết. Đoạn giới thiệu tóm tắt quyển sách này do Thomas Sugrue viết trên tờ Herald – Tribune sẽ cho bạn một cái nhìn đặc biệt thú vị và đầy đủ về một trong những ví dụ điển hình nhất cho sức mạnh của lòng kiên trì mà con người từng được biết đến cho tới ngày nay.
NHÀ TIÊN TRI VĨ ĐẠI CUỐI CÙNG
Mohammed là một nhà tiên tri nhưng ông chưa bao giờ làm một phép lạ. Ông không phải là một người thần bí. Ông không được học hành đàng hoàng và chỉ bắt đầu sứ mạng của mình khi đã bốn mươi tuổi. Khi Mohammed tuyên bố rằng ông là sứ giả của Chúa, là người mang đến những lời giáo huấn thật sự của Chúa, ông đã bị người đời nhạo báng và bị xem như một kẻ mất trí. Trẻ con ngáng chân làm ông ngã còn phụ nữ thì ném rác rưởi về phía ông. Ông bị trục xuất khỏi thành phố quê hương Mecca. Các tín đồ của ông bị tước đoạt hết tài sản và tống ra ngoài sa mạc. Ông đã giảng đạo trong mười năm nhưng chẳng được gì ngoài sự nghèo khó, bị chế nhạo và trục xuất. Tuy nhiên, chưa đến mười năm sau, ông trở thành người lãnh đạo tối cao của cả vùng Ả Rập rộng lớn, thống trị Mecca và đứng đầu một tôn giáo mới được truyền bá đến tận dòng Danube và rặng Pyrenees của châu Âu ngay cả trước khi ông dốc hết nỗ lực của mình. Động lực đó bao gồm ba yếu tố: sức mạnh lời nói, hiệu quả của lời cầu nguyện và lòng thành tâm của con người đối với Chúa Trời.
Hoàn cảnh xuất thân của ông không có ý nghĩa gì đối với sự nghiệp mà ông đã tạo dựng nên. Ông vốn được sinh ra trong một gia đình có thế lực nhưng đã khánh kiệt ở Mecca. Mecca, ngã tư của thế giới, nơi có tảng đá thần Kaaba, thành phố thương mại và là trung tâm của những con đường giao thương, không được vệ sinh và sạch sẽ cho lắm nên trẻ con trong thành được gửi đến sa mạc cho những người Ả Rập du mục nuôi dưỡng. Mohammed cũng nằm trong hoàn cảnh đó. Ông lớn lên khỏe mạnh nhờ dòng sữa của những người mẹ nuôi du mục. Ông đi chăn cừu và nhanh chóng được một người góa phụ giàu có tên là Khadija thuê làm người dẫn đường cho đoàn lữ hành của bà. Ông đã đặt chân đến hầu hết các vùng đất phương Đông, nói chuyện với nhiều người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau và chứng kiến đạo Cơ Đốc bị chia rẽ thành những giáo phái xung đột với nhau. Khi Mohammed hai mươi tám tuổi, người góa phụ đã đem lòng yêu ông và họ quyết định kết hôn. Cha Khadija phản đối cuộc hôn nhân của họ, vì thế Khadija đã chuốc rượu ông đến say mèm và xốc nách ông đứng thẳng dậy để ban lời chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. Trong mười hai năm tiếp theo, Mohammed sống như một thương gia thành công, giàu có và được mọi người kính trọng. Sau đó, ông lang thang trong sa mạc và một ngày nọ, ông trở về với đoạn thơ đầu tiên của kinh Koran và nói với Khadija rằng tổng thiên thần Gabriel đã xuất hiện và tuyên bố ông được chọn làm sứ giả của Chúa.
Kinh Koran, những lời mặc khải của Chúa là chi tiết mang tính huyền bí và màu nhiệm nhất trong cuộc đời của Mohammed. Ông không phải là thi sĩ và không có năng khiếu thi ca. Nhưng những vần thơ của kinh Koran ông đã được mặc khải và thuật lại với các tín đồ hay hơn bất cứ vần thơ nào mà thi sĩ của các bộ tộc thời đó có thể sáng tác ra. Điều này đối với người Ả Rập là cả một phép màu kỳ diệu. Đối với họ, năng khiếu thi ca là món quà quý giá nhất, thi sĩ luôn là người có ảnh hưởng và uy tín rất lớn. Ngoài ra kinh Koran còn nói rằng, tất cả mọi người đều bình đẳng trước Chúa và toàn thế giới là một nhà nước dân chủ, đạo Hồi ra đời từ đó. Vì tư tưởng dị giáo chính trị này cộng với ý muốn phá hủy 360 tượng thần ở Kaaba, Mohammed bị trục xuất. Những tượng thần này đã mang các bộ tộc sa mạc đến với Mecca, nhờ đó thành phố này mới có nền thương mại phát triển như vậy. Vì thế các thương nhân Mecca trong thành đều chống lại Mohammed mặc dù ông cũng là một thương nhân. Ông buộc phải rút về sa mạc và kêu gọi quyền chiếm hữu tuyệt đối trên toàn thế giới.
Thời kỳ hưng thịnh của Hồi giáo đã bắt đầu. Từ sa mạc khô cằn và khắc nghiệt nổi lên một ngọn lửa không bao giờ tắt, một đạo quân chiến đấu như một khối thống nhất và sẵn sàng chết mà không do dự. Mohammed đã mời cả người Do Thái và người Cơ Đốc tham gia vì ông không có ý tạo ra một tôn giáo mới. Ông kêu gọi tất cả những người tin vào một Chúa duy nhất hãy cùng liên hiệp với nhau dưới một đức tin duy nhất. Nếu người Do Thái và người Cơ Đốc giáo chấp nhận tham gia thì có lẽ đạo Hồi đã chinh phục được cả thế giới. Nhưng họ đã không làm như vậy. Thậm chí họ còn không chấp nhận sự cách tân của Mohammed về một cuộc chiến tranh mang tính nhân đạo. Khi quân đội của nhà tiên tri tiến vào thành Jerusalem, không một người dân nào bị giết vì đức tin của họ. Nhưng nhiều thế kỷ sau, khi lính thập tự chinh tiến vào thành phố, không một người Hồi giáo nào kể cả phụ nữ và trẻ em được tha mạng. Song người Cơ Đốc đã chấp nhận một ý tưởng của người Hồi giáo , đó là ý tưởng về trường đại học, một nơi chuyên dành cho việc học tập.