Nghiên cứu biểu tượng là một khoa học liên ngành phổ biến trên thế giới với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Khoa học nghiên cứu biểu tượng đã được du nhập vào Việt Nam từ hơn 100 năm qua theo hướng tiếp cận hàn lâm của phương Tây. Cho đến nay, các nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam trên bình diện văn bản học (như văn học, sử học, triết học, ngôn ngữ học,...) đã đạt được khá nhiều thành tựu, trong khi nghiên cứu biểu tượng (trên nền tảng ký hiệu học, nhân học, nghệ thuật học,...) dường như vẫn đang là một mảnh đất còn bỏ trống với số lượng các công trình nghiên cứu chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí trong số những nghiên cứu ít ỏi đó, chưa một công trình nào thực sự “đặt nền móng” cho một bộ môn khoa học có tên gọi nghiên cứu biểu tượng.
Biểu tượng là gì? khoa học nghiên cứu biểu tượng là gì? nghiên cứu biểu tượng nhằm mục đích gì?... là những câu hỏi cần được đặt ra trong bối cảnh khoa học nghiên cứu về biểu tượng ở Việt Nam chưa có một hệ thống lý thuyết có thể bao quát mọi vấn đề. Do chưa có hệ thống lý thuyết nên các nghiên cứu về biểu tượng ở nước ta thường xuyên xảy ra những tranh luận “vô tiền khoáng hậu.” Để tránh những tranh cãi như vậy cần phải có tiêu chí, mà tiêu chí thì phải căn cứ trên cơ sở khoa học và dựa trên hệ thống lý thuyết.
Có thể thấy rằng, đối với khoa học nghiên cứu về biểu tượng trong khoa học xã hội và nhân văn, tiếp cận liên ngành (interdisciplinary) là một hướng đi bắt buộc, tuy nhiên, sự kết nối nghiên cứu văn hóa với các lĩnh vực như ngôn ngữ học, nhân học và ký hiệu học cần phải được đặt làm nền tảng và là hướng đi phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay.
Thực tế của Việt Nam, cho tới nay, một chuyên ngành có liên quan chặt chẽ với nghiên cứu biểu tượng như ký hiệu học vẫn chưa được công nhận như một bộ môn độc lập và cũng chưa có mã ngành đào tạo. Trong khi đã có khá nhiều trường đại học lớn trên thế giới như Columbia, Indiana, MIT (Massachusetts Institute of Technology), Standford, Hawaii ở Mỹ, Toronto, McGill, Western Ontario ở Canada, Tartu ở Estonia, Helsinki ở Phần Lan,v.v... tiếp cận theo hướng chuyên môn hoá sâu. Với câu hỏi chúng ta nghiên cứu biểu tượng nhằm mục đích gì? Câu trả lời đơn giản là để tìm hiểu ý nghĩa của nó. Nhưng ý nghĩa của nó như thế nào, được sử dụng ra sao?... lại là những vấn đề không hề đơn giản vì mỗi biểu tượng đều có ý nghĩa riêng tuỳ thuộc vào môi trường tồn tại của nó, nói cách khác, ý nghĩa của mỗi biểu tượng phụ thuộc vào nền văn hoá sản sinh ra nó, phụ thuộc vào bối cảnh và thời điểm mà nó ra đời, và tất nhiên, mục đích sử dụng của nó cũng thay đổi tuỳ thuộc vào các yếu tố trên. Do đó, ý nghĩa mà chúng ta tìm ra trong quá trình nghiên cứu các biểu tượng chính là bản sắc, là đặc tính văn hóa được thể hiện thông qua ngôn ngữ biểu tượng.
Trong khi ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết cho phép con người giao tiếp với nhau bằng khả năng tri nhận trực tiếp của các giác quan thì ngôn ngữ biểu tượng cho phép con người ở nhiều nền văn minh khác nhau, nhiều vùng văn hoá khác nhau, thậm chí ở nhiều thời gian và không gian khác nhau hiểu được nhau nhờ vào đặc tính căn bản của nó là thông tin và giao tiếp thông qua hệ thống kí hiệu của nó. Nhờ có ngôn ngữ biểu tượng mà con người có khả năng giao tiếp vượt thời gian và không gian để hiểu được con người sống ở các nền văn minh cổ xưa cách chúng ta hàng nghìn năm thông qua những di vật văn hoá mà họ để lại. Trong xã hội hiện đại, ngôn ngữ biểu tượng giúp con người giao tiếp và hoà nhập với nhau mà không nhất thiết phải nói chung một thứ tiếng.
Có thể nói, mối quan hệ giữa ký hiệu với văn hóa là một mối quan hệ đặc biệt: Các ký hiệu hình thành nên ngôn ngữ biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng lại chính là sự biểu đạt của văn hóa thông qua các ký hiệu. Tóm lại, ngôn ngữ biểu tượng là một thành tố văn hoá do con người tạo ra để sử dụng như một loại công cụ thông tin và giao tiếp có tính tượng trưng. Chúng ra đời, tồn tại và tác động đến đời sống văn hóa của con người. Vì vậy, việc tìm hiểu ngôn ngữ biểu tượng cũng chính là tìm hiểu đời sống văn hoá và xã hội loài người thông qua các biểu tượng văn hoá mà con người tạo ra.
Có thể nói, nghiên cứu biểu tượng là khoa học có chức năng giải mã các thành tố văn hoá được sản sinh trong đời sống của con người.
Trong Phần 1 và 4 của cuốn sách này, chúng tôi sẽ đưa ra những góc nhìn khái quát về nghiên cứu biểu tượng và thực tế của bộ môn nghiên cứu biểu tượng ở Việt Nam. Phần 2 giới thiệu một số quan điểm về nghiên cứu biểu tượng của các nhà khoa học danh tiếng với các hướng tiếp cận từ các góc độ khác nhau. Có thể coi đây như những bước đi đầu tiên trong việc tiếp cận nền tảng lý thuyết nghiên cứu biểu tượng. Phần 3 sẽ là những nghiên cứu mang tính ứng dụng dựa trên nền tảng các lý thuyết nghiên cứu biểu tượng trong sự kết nối biểu tượng với các thành tố văn hoá tồn tại trong đời sống của con người. Việc biên soạn các vấn đề lý thuyết ở Phần 2 và 3 đã được chúng tôi tiến hành theo phương pháp: Đọc toàn bộ tác phẩm, chọn phần quan trọng nhất gắn với nghiên cứu biểu tượng, viết đề dẫn cho mỗi phần để kết nối với phần còn lại của cuốn sách và cuối cùng là biên dịch và hiệu đính. Trong các phần này, chúng tôi chỉ có thể tuyển chọn được một số nghiên cứu của các tác giả tiêu biểu. Hy vọng, tuyển tập này sẽ mang đến cho người đọc một cái nhìn khái quát nhất về lý thuyết nghiên cứu biểu tượng trong bối cảnh đương đại.
Đinh Hồng Hải