Tôi lớn lên ở Arizona. Khi còn trẻ, tôi có cuộc sống bình thường, gặp gỡ các cô gái, như bao thanh niên Mỹ khác. Sau khi hết cấp 3, tôi chuyển về phía Đông và học Đại học Princeton. Tôi học rất giỏi, thậm chí còn được Tổng thống trao huân chương tại Nhà Trắng. Có vẻ như cuộc sống của tôi thật đáng mơ ước và tôi đang hướng đến những điều vĩ đại.
Cho đến một hôm, tất cả bỗng thay đổi. Lúc đó, tôi đang ở tại nhà thờ của trường đại học để tham dự một buổi gặp mặt giữa những người tình nguyện muốn làm gì đó nhằm giải quyết nạn đói của thế giới. Vị mục sư nghe điện thoại rồi kéo tay tôi, bảo tôi theo ông vào văn phòng. Sau đó, ông nói với tôi rằng mẹ tôi vừa qua đời. Toàn bộ thế giới đáng mơ ước của tôi, tan thành từng mảnh.
Một lát sau, tôi nhận thêm hai cuộc gọi nữa - một nói rằng em trai tôi đã mất, và một nói rằng bố tôi cũng đã qua đời. Trước nỗi đau khổ cùng cực đó thì việc tiếp tục đi học, hay tiếp tục thực hiện những hoạch định dường như chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi bỏ học và đi đến Ấn Độ để tìm câu trả lời.
Thật may là tôi được gặp các nhà sư Tây Tạng và dần dần, tôi cũng trở thành một nhà sư như họ. Tôi lưu trú tại các tu viện Tây Tạng trong hơn 25 năm, và là người phương Tây đầu tiên trong sáu thế kỷ được nhận bằng Geshe, hay tiến sĩ Phật học, từ Đại học Phật giáo Sera Mey.
Để được nhận nó, tôi đã phải trải qua nhiều bài sát hạch. Ví dụ như một bài, là trong ba tuần, tôi sẽ phải đứng trước hàng trăm nhà sư và trả lời tất cả các câu hỏi của họ, chỉ bằng tiếng Tây Tạng. Vị lạt-ma hướng dẫn tôi tại tu viện, Khen Rinpoche, cho tôi một bài kiểm tra khác: Liệu tôi có thể đến New York, thành lập một công ty kim cương, và kiếm ra một triệu đô-la để chứng minh rằng mình đã am hiểu các nguyên tắc về nghiệp mà tôi đã được dạy ở tu viện không? Khi đã làm được rồi, chúng tôi sẽ trao số tiền đó cho những người tị nạn Tây Tạng để giúp họ trang trải thức ăn và các nhu cầu khác.
Tôi không hề muốn trở lại thế giới thực chút nào nữa, huống chi phải quay lại cái thế giới như ở thành phố New York để thành lập công ty trong một ngành thiếu trong sạch là ngành kim cương. Vì vậy, tôi đã tảng lờ lời khuyên của ông trong nhiều tháng. Tuy nhiên, cuối cùng, những lời nói của ông đã chiến thắng và tôi buộc phải lên đường.
Tôi đã hỗ trợ thành lập một công ty có tên là Công ty Kim cương Quốc tế Andin, và giúp đem về doanh thu hàng năm là 200 triệu đô-la. Gần đây, nó đã được Warren Buffett, một trong những người giàu nhất thế giới mua lại. Với số tiền kiếm được từ công ty này, tôi đã có thể giúp những người tị nạn cùng nhiều người khác.
Công ty của chúng tôi là một trong những công ty phát triển nhanh nhất trong lịch sử New York và tất nhiên đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Nhà xuất bản Doubleday đã liên hệ với tôi và đề nghị tôi viết một cuốn sách về cách chúng tôi thành công bằng các nguyên tắc về nghiệp - các nguyên tắc về việc giúp đỡ người khác.
Vì vậy, tôi đã viết cuốn sách Năng đoạn Kim cương. Nó được đặt theo tên của một bộ kinh nổi tiếng giải thích về nghiệp cùng khía cạnh kém quan trọng hơn của nó, đó là khái niệm “không” trong Phật giáo. Nó đã trở thành cuốn sách kinh doanh bán chạy trên khắp thế giới, được dịch ra khoảng 25 thứ tiếng, và được hàng triệu người đón nhận; nổi tiếng nhất là bản tiếng Trung và nó đã giúp nhiều người đạt được tự do tài chính.
Từ đó, mọi người bắt đầu mời tôi đến nói chuyện về cuốn sách. Kể từ khi cuốn sách ra đời, tôi cùng các đồng nghiệp tại Học viện Năng đoạn Kim cương đã tiến hành các buổi hội thảo kinh doanh và khóa tu cho hàng ngàn người thuộc nhiều quốc gia. Trong những chương trình này, chúng tôi thường tổ chức những buổi thảo luận nhỏ có tên là “Trí tuệ cho cuộc sống hàng ngày,” và ở đó, những người tham gia sẽ có cơ hội đặt các câu hỏi có liên quan đến công ty cũng như sự nghiệp của họ.
Một hôm, trong một chương trình ở Trung Quốc, một người phụ nữ đã hỏi rằng liệu tôi có thể trả lời một câu hỏi không liên quan đến kinh doanh mà về mối quan hệ của cô với chồng được không. Liệu các Nguyên tắc Năng đoạn Kim cương - các nguyên tắc về hạt giống nghiệp - có áp dụng được vào cuộc sống gia đình không? Tôi trả lời rằng, tất nhiên là được; rằng những hạt giống nghiệp trong tâm chúng ta, chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ và tất cả mọi người xung quanh chúng ta.
Đột nhiên, như thể một con đập vừa bị vỡ, mọi người bắt đầu đưa ra những câu hỏi mà từ lâu bị dồn nén về những vấn đề tế nhị nhất liên quan đến mối quan hệ của họ với người bạn đời của mình. Lúc đó, tôi nhận ra rằng quan tâm đến các nhu cầu tâm linh - cũng như các nhu cầu cơm áo gạo tiền - không thôi là chưa đủ. Những mối quan hệ thân mật có lẽ chính là nguồn hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời; và chúng cũng có thể trở thành nguồn đau khổ lớn nhất. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc, và nếu chúng ta muốn thế giới hạnh phúc, thì chúng ta phải giải quyết vấn đề về mối quan hệ này!
Đáng ngạc nhiên là Phật giáo có rất nhiều lời khuyên dành cho chúng ta về mối quan hệ của chúng ta với người bạn đời. Có hàng ngàn quyển sách vô giá, chứa đựng mọi kiến thức về nguồn gốc của mọi sự vật trong cuộc sống của chúng ta, kể cả thông tin về người bạn đời của chúng ta. Chúng là những giáo lý về hạt giống nghiệp.
Ngoài ra còn có một bí quyết khác, có tên là Đạo Kim cương, xuất hiện từ hàng ngàn năm trước. Nó cung cấp cho chúng ta những phương cách mới vô cùng độc đáo để gắn kết với người bạn đời của mình và cùng với họ đạt được những đỉnh cao tuyệt đẹp không gì có thể so sánh được.
Để đủ tiêu chuẩn viết một cuốn sách về Nghiệp tình yêu, tôi cảm thấy rằng mình là người may mắn nhất so với những nhà sư đồng đạo vì tôi đã trải qua nhiều mối quan hệ trước khi trở thành một nhà sư (phần lớn người Tây Tạng vào tu viện trong độ tuổi từ 7 đến 12). Tôi biết phụ nữ như thế nào - tôi biết những niềm vui mà một mối quan hệ đem lại, cũng như những nỗi đau khổ tột cùng của tình yêu mang lại. Chính bố mẹ tôi cũng đã phải trải qua một cuộc li dị đầy tổn thương, một sự kết hợp tồi tệ giữa việc yêu nhau nhưng không thể ở cạnh nhau.
Và tôi nghĩ điều quan trọng nhất là tôi đã có một mối quan hệ mà tôi cho là thần thánh. Trong những năm sau đó, tôi đã làm vững mạnh thêm trải nghiệm này và đạt được một sự hiểu biết sâu hơn về nó, thông qua hàng ngàn giờ học các giáo lý dưới chân 12 vị thầy vĩ đại của Tây Tạng. Tôi đã được trao cánh cửa bí mật để đi vào những phương pháp tương tác với người bạn đời, và tôi đã dành nhiều năm để dịch cũng như nghiên cứu hàng ngàn trang văn bản cổ nói về những phương pháp này.
Tôi đã nghiêm túc thử làm theo các phương pháp này và đôi khi thu hút sự chú ý không mong muốn của báo chí cũng như sự giận dữ của giới chức tu viện vì một vài người trong số đó cho rằng những kiến thức này không thể được chia sẻ cho đại chúng. Nhưng tôi tin rằng có một thế giới hoàn hảo, tôi tin rằng chúng ta có thể, cùng nhau tạo ra nó, và tôi tin rằng nó bắt đầu và kết thúc bằng một mối quan hệ hoàn hảo - bằng sự hiểu biết về các mối quan hệ giữa các cặp đôi.
Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với bạn những gì tôi đã học được để giúp bạn cải thiện mối quan hệ của riêng bạn. Qua nhiều năm, hàng ngàn người từ gần như tất cả mọi nơi trên thế giới đã hỏi tôi những câu hỏi về những mối quan hệ của họ. Tôi đã cố chọn lọc ra 100 câu hỏi phổ biến nhất và trả lời chúng ở đây dựa theo tri thức và trí tuệ cổ xưa của Tây Tạng, kèm theo lời chúc tốt lành đến từ trái tim lạt-ma của tôi. Hy vọng nó sẽ giúp được bạn và con người hoàn hảo kia trong cuộc đời bạn.
Geshe Michael Roach
Rainbow House
Lễ Tạ ơn 2012