Với cuốn sách “Ngũ uẩn và pháp hành thiền tuệ trong A-tỳ- đàm”, độc giả có cơ hội tiếp cận ba vấn đề then chốt trong hệ thống lời dạy của Đức Phật. Ngũ uẩn là một trong những giáo lý cốt tủy của Phật giáo. Pháp hành thiền tuệ là chỗ lập cước về cách thức tu đạo. A-tỳ-đàm là một trong ba tạng Thánh điển Phât giáo, có vai trò làm sáng tỏ những hàm nghĩa sâu xa của kinh tạng. Chính vì thế mà nó được mệnh danh là Thắng pháp hay Vô tỵ pháp. Tức là pháp vượt trội hay pháp nổi bật hơn. Tuy nhiên, điều này cần phải được hiểu một cách đúng đắn, nếu không sẽ đưa đến những hệ lụy và rắc rối không nhỏ cho người nghiên cứu Phật học.
Hiện nay, triết học Phật giáo đang là mảng đề tài thú vị đối với các nhà nghiên cứu Phật học, các nhà khoa học và thậm chí cả với những người ngoài Phật giáo hay có lòng cảm mến Phật giáo. giáo lý hay những lời Phật dạy không phải là giáo điều, mà là chân lý. Với sự hiểu biết còn hạn chế, chúng ta có thể nghĩ rằng đó là những gì nằm bên ngoài hoạt động của thân và tâm. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu một cách thận trọng và nghiêm túc, chúng ta lại có sự nhìn nhận hoàn toàn ngược lại. Ngũ uẩn là pháp thực tính (Sabhāvadhamma) hay pháp chân đế (Paramatthadhamma). Đó là sự thật, là những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Hoạt động của con người không nằm ngoài hoạt động của ngũ uẩn. Pháp hành thiền tuệ là cách thức giúp con người tiếp cận thực tại đó một cách trực tiếp và chân thực nhất. Với nhận thức Phật học còn hạn chế, có thể dẫn đến việc hiểu sai lệch và gây ảnh hưởng lớn đến việc ứng dụng tu tập. Tôi (tác giả) đã từng rơi vào tình trạng như vậy trước đây, và nhận thấy mức độ nguy hiểm và tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Bởi vì, Phật giáo cho đến thời điểm hiện tại, đã trải qua hơn 25 thế kỷ, cho nên không sao tránh khỏi việc thêm vào hay bỏ bớt theo quan điểm cá nhân bởi những nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Càng tìm hiểu sâu cùng với sự nỗ lực thiền tập, tôi càng thấy tò mò và hứng thú hơn trong tiến trình truy tầm Thánh sản (tài sản của bậc Thánh), là căn bản cho quá trình tu tập giải thoát, Niết-bàn. Trong quá trình tiếp cận giáo điển Phật giáo, đã có rất nhiều câu hỏi xuất hiện trong tư tưởng của tôi. Chính điều đó đã thôi thúc tôi bắt tay vào công việc nghiên cứu và, đây là một trong những lý do đưa đến quyết định lựa chọn viết về đề tài này. Đây là một đề tài khó và rộng nhưng nó lại có tính thiết thực cao. Đã có nhiều công trình trong và ngoài nước nghiên cứu về giáo lý ngũ uẩn, thiền tuệ và A-tỳ-đàm.
Về A-tỳ-đàm, nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quan và chi tiết về nội hàm của A-tỳ-đàm. Qua đó, chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển, vị trí và vai trò của nó trong Tam tạng Thánh điển Pāḷi, đồng thời hiểu rõ phương pháp luận đặc biệt được sử dụng trong A-tỳ-đàm. Đến giai đoạn Phật giáo bộ phái, có thể nói đây là giai đoạn Phật giáo trăm hoa đua nở, thì hệ thống giáo lý A-tỳ-đàm trở nên phong phú và đảm trách nhiệm vụ dẫn dắt tư tưởng cho mỗi bộ phái. Tuy nhiên, uẩn sách “Ngũ uẩn và pháp hành thiền tuệ trong A-tỳ-đàm” sẽ không đi sâu tìm hiểu về sự phát triển của A-tỳ-đàm trong giai đoạn phân phái Phật giáo, mà chỉ tiếp cận A-tỳ-đàm trên góc độ phương pháp luận để phân tích đối tượng của pháp hành thiền tuệ, cụ thể là ngũ uẩn.
Về ngũ uẩn, với nguồn tư liệu mà tôi đang có, nội dung ngũ uẩn phần lớn được nghiên cứu ở nước ngoài, các công trình nghiên cứu độc lập về ngũ uẩn trong nước còn rất hạn chế. Qua sự khảo sát nguồn tư liệu đó, tôi nhận thấy rằng nội dung ngũ uẩn phần lớn được tiếp cận theo phương pháp kinh tạng, sau đó được giải thích rõ dựa trên phương pháp A-tỳ-đàm. Nổi bật trong số đó là tác giả Mathieu Boisvert, Dickwela Piyananda, Sue Hamilton v.v… Mặc dù đã cố gắng làm sáng tỏ ngũ uẩn và những vấn đề xoay quanh nó, nhưng các tác giả vẫn tập trung chú trọng làm rõ khái niệm nhiều hơn là ứng dụng ngũ uẩn trong tu tập. Trong tác phẩm ngũ uẩn: Hiểu biết về Tâm lý học và Giải thoát học của Thượng-toạ bộ, với tiêu đề Anh ngữ là The Five Aggregates: Understanding Theravāda Psychology and Soteriology, tác giả Mathieu Boisvert chỉ đề cập ngắn gọn về nội dung thiền tuệ và ngũ uẩn, mặc dù chưa làm toát yếu được vấn đề này một cách rõ rệt, nhưng qua đó đã gợi mở cho chúng ta một cái nhìn có tính thiết thực. Nội dung ngũ uẩn được trình bày trong Thanh tịnh đạo (Visudhimagga) của Buddhaghosa có thiên hướng giải thích theo phương pháp A-tỳ-đàm một cách rõ rệt. Tuy không đưa ra kết luận rõ ràng, nhưng tác phẩm này đã ám chỉ ngũ uẩn như là đối tượng quan sát của thiền tuệ. Theo A-tỳ-đàm, ngũ uẩn chính là thực tính pháp (Sabhavadhamma). Đây là mấu chốt mà cuốn sách này tập trung nghiên cứu.
Theo Phật giáo, nhận thức về thực tại là rất quan trọng đối với mục đích giải thoát, Niết-bàn. Nếu tiếp cận thực tại bằng nhận thức thông thường, thì một người khó lòng đạt được mục đích trên. Bởi vì, thực tại không phải là một thực thể cố định hay có sẵn để có thể nắm bắt, mà nó chuyển biến liên tục thậm chí ngay trong khoảnh khắc gọi là “trụ” (ṭhiti). Vậy làm thế nào để chúng ta tự mình chứng nghiệm được thực tại sinh động siêu việt đó? Để giúp mỗi người có cơ hội tự mình chứng nghiệm, tự mình thấy ra, mà Đức Phật đã thuyết về thiền tuệ. Do đó, thiền tuệ là cách mà một người có thể sử dụng để thể nhập chân lý. Với một số tác phẩm như Con đường Thiền chỉ và Thiền quán của tác giả H. Gunaratana, Thiền Phật giáo: Nguyên thuỷ và Phát triển của HT. Viên Minh, Căn bản Thiền minh sát của Mahasi Sayadaw, Sattipatthana: Con đường thẳng đến Niết-bàn của Bhikkhu Analayo v.v… phần nào giúp chúng ta hiểu được nội dung thiền tuệ, đối tượng trong thực hành thiền tuệ và cách thức tu tập. Đối tượng của pháp hành thiền tuệ đại để vẫn khai triển theo nguyên tắc chung, đó là trình bày dựa trên Pháp thực tính. Tuy nhiên, theo hướng chuyên môn hoá, thì chưa có tác phẩm nào đi sâu phân tích một cách triệt để, sau đó chỉ rõ tính thống nhất được xuyên suốt trong hệ thống lời dạy của Đức Phật. Mặc dù đã có một số tác phẩm trình bày về pháp hành thiền tuệ, nhưng phần lớn chúng đều được viết dựa trên kinh nghiệm thiền tập cá nhân của các thiền sư, mà không nằm trong phạm vi công trình nghiên cứu khoa học thuần tuý. Vì thế, trên phương diện khoa học, độc giả có thể phần nào gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận nội dung của ba vấn đề chủ đạo là ngũ uẩn, pháp hành thiền tuệ và A-tỳ-đàm. Với những gì được trình bày trong tác phẩm này, sẽ phần nào giúp chúng ta có cơ hội tiếp cận chúng một cách hệ thống và khoa học, ngõ hầu bổ túc những thông tin hữu ích cho pháp học lẫn pháp hành của chúng ta, để từ đó góp phần định hướng trong việc xây dựng lộ trình tu tập được tốt đẹp hơn.
Với những gì được trình bày trong nghiên cứu này, vì nội hàm nhận thức Phật học và sự tu tập còn hạn chế, nên không sao tránh khỏi những thiếu sót, tác giả rất mong nhận được sự đóng góp của các bậc tiền bối, các bậc trưởng lão, các nhà nghiên cứu Phật học, các nhà nghiên cứu khoa học v.v… để tác giả có cơ hội tăng bồi cả hai phương diện pháp học, pháp hành, góp phần chỉnh lý cho những lần tái bản tiếp theo.
Thành kính tri ân./.