CẢM XÚC THÁNG MƯỜI
Tranh sơn dầu (5/10/2019)
Đinh Thị Ánh Nguyệt
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Xuân Quỳnh
(Thư tình cuối mùa thu)
Tranh sơn dầu “CẢM XÚC THÁNG 10 – 5/10/2019 ”
Thông thường đến 60 tuổi là tuổi về hưu. Nói đến tuổi về hưu, thiên hạ thường nói là đây chính là tuổi được hưởng lộc, được thảnh thơi, an dưỡng tuổi già, sống vui vẻ, hạnh phúc cùng con cháu. Nói tóm lược theo kiểu “sách vở” là như vậy, nhưng thực ra khi về hưu là đi kèm theo với người lớn tuổi biết bao vấn đề về gia đình, về con cái, và trên tất cả là phải “chống đỡ” với biết bao bệnh tật nguy hiểm mà tính mạng đúng như câu ví von của dân gian, có lúc như là “ngàn cân treo trên sợi tóc”.
Riêng cá nhân tôi, do nhu cầu công việc ở trường, tôi chính thức được nhà nước cho về hưu năm 70 tuổi (tháng 8 năm 2008). Tuy vậy, cho đến nay (năm 2022), tôi vẫn còn được được xã hội ưu ái cho làm việc, vẫn còn được ký hợp đổng làm chuyên môn dài hạn với các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.
Trận chiến đầu tiên sau 5 năm nghỉ hưu với bệnh viêm mô tế bào má trái
Tháng 3 năm 2013, tôi bị viêm mô tế bào má trái, mặt mũi sưng u lên, đỏ rực rất khó chịu và đặc biệt tôi cảm thấy rất đau đầu và rất khó thở. Tôi nghĩ chắc tôi bị viêm xoang tại các vùng tai, mũi, họng.Thấy bệnh tình tôi có vẻ trầm trọng, cháu gái Chi Mai (con gái của chị ruột tôi đang sống và làm việc tại TP. HCM) gọi điện thoại cho một người bạn là bác sỹ ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. HCM nhờ giúp tôi chữa bệnh. Theo lời hẹn của vị bác sỹ đó, ngay trong sáng hôm sau, thứ năm 14 tháng 3 năm 2013, con trai tôi xin nghỉ làm việc, đưa tôi đi thẳng đến Phòng Cấp cứu ở Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh (Đường Trần Quốc Thảo, Quận 3) để gặp vị bác sĩ đó. Tại Phòng Cấp cứu, sau khi khám lâm sàng, bác sĩ cho tôi đi chụp CT Scan và phát hiện tôi bị u xương xoang trán trái khoảng 20mm (khối u này lành tính, bị đã lâu, phát triển chậm); vách ngăn mũi vẹo sang trái, mào vách ngăn (T) và viêm phần mềm bờ dưới hóc mắt và mũi. Theo yêu cầu của một GS TS bác sĩ phụ trách Phòng điều trị, các bác sĩ Phòng cấp cứu phải điều trị cho tôi dứt điểm bệnh viêm ở má, mũi và hốc mắt trước khi tiến hành mổ vách ngăn mũi. Các bác sĩ tại Phòng Cấp cứu khuyên tôi nên tới khám ở Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh xem ý kiến chuyên môn của các bác sĩ ở hai bệnh viện trên như thế nào. Đầu giờ chiều, con trai tôi lại đưa tôi đến Bệnh viện Da Liễu để kiểm tra. Một bác sĩ chuyên khoa II chuyên ngành về Da Liễu, nhìn những biểu hiện trên má, mũi và hốc mắt tôi, rồi nói hết sức tự tin tôi đã bị bệnh zona thần kinh mặt. Do tôi đến khám bệnh hơi trễ nên bệnh này đã lan đến vùng mũi và hốc mắt. Đây chính là loại bệnh làm tôi điên đầu, nhức óc hơn ba tháng trời. Tôi ngứa ngáy, khó chịu suốt ngày đêm, thị lực cũng bị tổn thương, phải nằm ở nhà để điều trị cho thật dứt điểm thứ bệnh quái ác này.Nếu không uống thuốc đầy đủ và tuân theo những chỉ đạo của bác sỹ, bệnh có thể tiến triển xấu, gây nên những biến chứng khó lường. Dấu ấn của bệnh zona thần kinh này làm đầu mũi tôi bị lõm một miếng thịt, cho đến giờ vẫn nhìn thấy rõ, không thể mất đi được. Điều hết sức đặc biệt của bệnh này là những cơn đau thần kinh liên tục hành hạ tôi cả tháng trời sau zona (hậu zona). Ông bác sĩ chuyên khoa II ở bệnh viện Da Liễu này cảnh báo tôi phải uống thuốc đầy đủ và hàng tuần đến tái khám xem bệnh tình tiến triển tốt hay xấu. Ông cũng cho biết chú của ông ở miền Bắc mới mất vì bị bệnh zona thần kinh ở mặt, rồi chuyển sang mũi và mắt rất giống như trường hợp của tôi. Sở dĩ chú ông bị mất vì chú ông rất chủ quan, uống thuốc không đầy đủ, tin ở sức mình có thể chống chọi được. Khi ông chú bị bệnh zona thần kinh xuất hiện xuống vùng mắt, do thuốc men không đầy đủ và điều trị không chu đáo, ông chú bị nhiễm trùng võng mạc nghiêm trọng, thị lực giảm nhiều và cuối cùng ông chú bị viêm não. Ông bác sĩ cũng cho tôi biết loại virus gây ra bệnh zona thần kinh này không bị tiêu diệt.Virus này rút vào khu trú trong một vùng ở não. Khi người ta sức khỏe yếu đi, loại virus này lại quẫy dậy, gây bệnh trở lại.
Sau khi khám và mua thuốc điều trị ở Bệnh viện Da Liễu, con trai tôi còn đưa tôi xuống khám, kiểm tra thật kỹ tại Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh. Các bác sĩ bệnh viện Mắt nhất trí với kết luận của Bệnh viện Da Liễu, và các bác sĩ bệnh viện Mắt khuyên tôi mua thêm thuốc nhỏ mắt để bảo dưỡng mắt trong thời gian điều trị bệnh zona thần kinh.
Sau đợt điều trị zona thần kinh,tôi làm việc ít hơn, nghỉ ngơi nhiều hơn, tập các bài vật lý trị liệu phục hồi sức khỏe, cột sống và hàng ngày bơi lội để tăng cường về thể lực. Mỗi lần nghĩ đến bệnh zona thần kinh vùng mặt, mũi, hốc mắt là người tôi ớn lạnh, nổi da gà vì cứ nghĩ đến bị thời gian bị bệnh hành hạ hơn ba tháng trời, nhất là thời kỳ hậu zona, tôi thấy sợ. Chính vì lý do đó mà mỗi khi đi đâu tôi cũng thủ sẵn một tuýp kem Acyclovir 5g để bôi lên các vùng da nếu cảm thấy ngứa, nóng ran người, rồi đi khám bệnh ngay.Tôi còn thường xuyên mang theo Vitamin C để uống nhằm nâng cao sức đề kháng trong trường hợp cần thiết.
Thoái hóa cột sống cổ, cột sống thắt lưng hành hạ đêm, ngày…
Những năm đầu của thế kỷ 21, tôi bắt đầu bị đau hai khớp gối, hai bàn chân thường tê buốt, nhiều lúc cảm thấy lạnh không rõ nguyên nhân.
Lần đầu tiên khi đang đi bộ với anh ruột ở phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), tôi bị đau ở đầu gối phải, chân cứng đơ, đi không được. Anh tôi phải dìu tôi về nhà anh nghỉ. Tôi đi khám bệnh, bác sĩ nói tôi bị thấp khớp đầu gối, cho tôi uống 7 ngày thuốc Diclofenac 75 mg (ngày uống 2 viên/sáng+chiều). Đây là loại thuốc giảm đau, uống khoảng 3 ngày tôi không còn đau khớp gối nữa.Tôi suy nghĩ chắc tôi cũng giống như bố mẹ, khi lớn tuổi thì bị thấp khớp, uống thuốc giảm đau sẽ khỏi.
Vốn từ nhỏ thể trạng rất khỏe mạnh nên tôi rất chủ quan về sức khỏe của bản thân. Tôi không từ chối một công việc gì, thậm chí ở trường cũng như ở gia đình, nếu cần mang vác đồ nặng, tôi ít nhờ vả ai, một mình tự giải quyết.
Cứ mỗi lần đau nhức xương khớp, tôi lại ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau như Diclofenac hay Meloxicam uống một vài ngày là hết đau nhức.
Ngồi làm việc tại trường hay ngồi trên xe máy, bạn bè tôi nhận xét tôi ngồi không thẳng, cổ thường vẹo sang một bên. Tôi chỉ nghĩ đó là thói quen, không hề biết chắc lúc đó cột sống cổ đã có vấn đề, phải đi bác sĩ kiểm tra.
Hàng ngày tôi tập luyện thể dục, thể thao rất đều đặn.Sáng sớm, tôi đi bộ, chạy quanh công viên Lê Văn Tám có khi cả chục vòng, đi xe đạp với tốc độ nhanh, bơi lội ở hồ bơi gần nhà như hồ bơi Yết Kiêu, hồ bơi gần Sứ quán Mỹ hay hồ bơi Câu lạc bộ Lao động.
Cuối năm 2008 tôi có những dấu hiệu thoái hóa cột sống cổ. Thoạt đầu tôi thấy khu vực cột sống cổ thường xuyên đau âm ỉ, đôi lúc sờ lên cột sống cổ thấy có chỗ đau nhức.Một thời gian sau, xuất hiện những cơn đau nhức ở vùng gáy và các khớp vai.Nhiều lúc cơn đau nhức xuất hiện, đau nhức lan tỏa từ vùng cổ xuống hai cánh tay và hai bàn tay, làm cả hai cánh tay và hai bàn tay tôi tê dại, lạnh và nhức buốt rất khó chịu, đôi lúc có cảm giác nhức nhối như bị dao đâm, như bị kiến bò dọc hai cánh tay và các ngón tay.
Những cơn đau nhức, tê dại, lạnh buốt như vậy sau này còn xuất hiện thêm ở ngay hai bàn chân.Tôi bắt đầu sinh hoạt khó khăn hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi thường chóng mặt, hoa mắt, ù tai. Đêm ngủ chập chờn, không ngủ sâu, ngon giấc như trước nữa.
Hàng tuần ra hồ bơi, tôi luôn cố gắng tập luyện vì thực ra chủ yếu tôi tập bơi để cải thiện hai đầu gối bị thấp khớp đã lâu và cũng có ý định tập luyện cho cột sống thẳng, tốt hơn. Bạn bè tôi thường nói chữa thấp khớp cũng như chữa cột sống chỉ có bơi là tốt nhất.
Nhưng hỡi ôi, bây giờ hai bàn chân tê dại, lạnh buốt, tay cũng bị tê dại như vậy, nhiều lúc tôi cảm thấy đạp nước để bơi cũng không nổi, xuống nước một lúc là thấy đuối sức rồi.
Tôi nghe nói bệnh thoái hóa cột sống cổ hay lưng có thể điều trị bằng đông y, hoặc đông-tây y kết hợp, cộng thêm với vật lý trị liệu.
Tôi đến thẳng Bệnh viện Y học dân tộc của Trung Ương ở Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa xin khám và điều trị. Gặp nữ bác sĩ Ph., một bác sĩ lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh kết hợp đông-tây y, tôi trình bày với bác sĩ tình hình tiến triển của bệnh ở vùng cổ và bệnh khớp ở hai đầu gối.
Bác sĩ khuyên tôi trước mắt uống thuốc kết hợp với vật lý trị liệu ở hai đầu gối, ở hai cánh tay, bàn tay và hai bàn chân. Riêng cột sống cổ, bác sĩ cho tôi chụp X quang để xem liệu có triệu chứng bất thường trên cột sống cổ như gai xương, thoát vị đĩa đệm hay không. Qua phim chụp, bác sĩ cho tôi biết tôi bị thoát vị đĩa đệm cổ ở ba đốt C5-C6-C7. Bác sĩ khuyên tôi nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình để sớm giải quyết dứt điểm bệnh thoái hóa cột sống cổ.
Thành phố Hồ Chí Minh chỉ duy nhất có một bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình ở Đường Trần Hưng Đạo, Quận 1.Bệnh nhân khắp các tỉnh thành Nam bộ, thậm chí cả từ miền Trung cũng chạy vào đây chữa bệnh. Chính vì vậy, đi chữa bệnh tại bệnh viện này như đi chẩy hội, tấp nập 24/7, lấy được số tốt để chờ chữa bệnh không phải là một chuyện dễ dàng. Bàn thân tôi là một thầy giáo, không quen biết ai, làm sao “lách” nổi vào để tìm một ông bác sĩ gọi là “có kinh nghiệm” nhờ trị cái bệnh nan y của tôi đây? Đối với tôi, đây quả là một bài toán rất hóc búa.
Biết không thể “lách” nổi vào bệnh viện “nhà nước” trên, nghe bạn bè đồng nghiệp khuyên, tôi chạy đến một bệnh viện tư có tên gọi là Bệnh viện Quốc tế Chấn thương, Chỉnh hình ITO ở Đường Lê Văn Sĩ (gần khu vực Lăng Cha Cả) đăng ký, xin khám bệnh.
Sau khi đăng ký và lấy số khám bệnh, tôi ngồi chờ đến lượt mình. Bác sĩ trực khoa ngoại thần kinh hôm đó khám lâm sàng rất kỹ, hỏi tôi mọi vấn đề liên quan đến công việc hàng ngày, đến cuộc sống gia đình. Tiếp theo, bác sĩ yêu cầu tôi đi chụp MRI cột sống cổ. Tôi yêu cầu nếu thuận lợi, bác sĩ cho tôi chụp luôn MRI cột sồng thắt lưng xem có vấn đề gì không. Bác sĩ đồng ý và sau khi đóng tiền ở Phòng Hành chính, tôi qua bên kia đường Lê Văn Sĩ để vào phòng chụp MRI.
Sau khi chụp MRI cột sống cổ và cột sống thắt lưng, tôi mang kết quả sang trình bác sĩ điều trị. Bác sĩ trực khoa cho biết tôi bị thoái hóa các đốt sống cổ C5-C6-C7, thoát vị đĩa đêm giữa các đốt sống trên, tạo chèn ép lên rễ thần kinh. Theo bác sĩ, có thể nguyên nhân chính là do tôi làm công việc vất vả, phải ngồi lâu liên tục trên bàn giấy, không có chế độ nghỉ ngơi thích hợp trong nhiều năm, Thêm vào đó, bệnh viêm khớp mạn tính cũng tác động không nhỏ đến thoái hóa cột sống.
Riêng cột sống thắt lưng, qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ có nhiều biểu hiện khá rõ bị thoái hóa các đốt sống thắt lưng TL3, TL4, TL5.
Tôi hỏi bác sĩ đối vời trường hợp của tôi phải điều trị ra sao?
Bác sĩ trả lời đối với cột sống cổ, phải mổ ngay vì đã thoái hóa nặng rồi. Nếu để lâu không mổ sẽ có khả năng dẫn đến yếu cơ, đi khó khăn, không vững, và tệ hại hơn có thể bị liệt chi khi có chèn ép tủy sống. Riêng với cột sống thắt lưng, cần theo dõi thêm, uống thuốc theo toa thuốc, và trong một chừng mực nhất định, một phần nào phải kết hợp giữa vật lý trị liệu với các bài tập nhẹ nhàng về xương khớp và cột sống thắt lưng. Nếu biết bơi, một tuần bơi khoảng từ hai đến ba buổi là tốt nhất.
Tôi hỏi một ca mổ cổ chi phí hết bao nhiêu tiền? Bác sĩ cho hay phải tùy thuộc vào ca mổ, thiết bị và thuốc men sử dụng trong quá trình mổ và sau khi mổ như thế nào? Thông thường nên chuẩn bị khoảng 40 triệu là ổn.
Sáng ngày hôm sau, tôi và vợ tôi đến tham quan khu điều trị của bệnh viện, thăm và hỏi tình hình sức khỏe của các bệnh nhân sau khi mổ cột sống cổ hay cột sống thắt lưng có tiến triển tốt nhiều hơn không?Một chị ở Cần Thơ tâm sự với tôi là chồng chị đến đây mổ lần thứ hai cột sống cổ.Đợt đầu tiên mổ hai đốt cột sống cổ cách đây 6 tháng. Tưởng đã êm, ai ngờ sau 3 tháng lại đau trở lại, chịu hết nổi, phải đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ kết luận chồng chị bị thoái hóa và thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ khác,có triệu chứng chèn ép lên rễ thần kinh, phải lên bàn mổ lần thứ hai.Chị nói ngày mai đã ở bệnh viện được 5 ngày rồi, chắc chị xin phép bác sĩ đưa chồng về nhà để tiện chăm sóc.Tôi ghé thăm chồng chị. Anh người ốm rộc, da dẻ không được đẹp lắm.Tôi hỏi chuyện anh về chuyện mổ cột sống cổ. Anh thở dài rồi tâm sự cả năm trời anh chẳng làm được việc gì, hết đi bệnh viện này đến bệnh viện khác, rồi mổ xẻ liên tục, làm khổ vợ khổ con. Sức khỏe giờ xuống hẳn, không hiểu sau này anh có làm được gì giúp đỡ gia đình hay không? Tôi ngồi an ủi anh một lúc, rồi cùng vợ về nhà.
Lúc này, hai vợ chồng tôi suy nghĩ lung mung, không biết có nên mổ cột sống cổ ở Bệnh viện Quốc tế ITO hay tìm cách điều trị không mổ như quảng cáo đầy rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh, đỡ phải đụng chạm đến dao kéo.
Những người bạn thân của tôi cũng như anh chị em trong gia đình tôi đều khuyên tôi đừng mổ vì tuổi đã cao, không đủ sức chịu đựng, rất nhiều rủi ro có thể xảy ra. Các anh chị khuyên tôi đến điều trị ở nhiều cơ sở điều trị đông y rất nổi tiếng, kể cả nhiều địa điểm chữa bệnh của Phật giáo, của đồng bào Khmer ở nhiều tỉnh thành miền tây Nam bộ, trong đó có các tỉnh Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Châu Đốc, Long Xuyên v.v…Biết bạn bè thương và rất tốt với tôi, nhưng trong lòng tôi vẫn còn nghi ngại các cách chữa trị theo kiểu “kinh nghiệm” này.
Thật là rối trí trong một mớ bòng bong. Tôi vẫn uống thuốc giảm đau, thấp khớp của bác sĩ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Quốc tế ITO và theo dõi tình hình diễn tiến bệnh và nghiên cứu cách thức điều trị bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cổ của tôi.
Nhờ cháu trai mách, đi tìm ông lang “cách mạng” chữa bệnh
Một hôm, cháu T.L. (con trai chị họ tôi) cho tôi biết cha cháu bị bệnh goot nặng, đi không được, phải bò trong nhà.Nhờ người mách bảo, cháu đưa cha cháu đến chữa bệnh tại nhà một ông thầy chuyên trị các bệnh goot, thoái hóa cột sống cổ, cột sống lưng và thấp khớp đầu gối v.v… khá có tiếng ở thành phố. Ông chỉ chữa bệnh từ 12g00 đêm (tức 0 giờ sáng) đến 03g00 sáng, tại nhà riêng ở góc chợ Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình. Chỉ sau bốn ngày bằng đắp một loại dấm do ông chế biến, cha cháu đã đỡ hẳn, và đã có thể đi lại được trong nhà, không phải bò nữa.Cháu khuyên tôi nên đến chỗ ông thầy xem liệu ông có chữa cho tôi khỏi được bệnh hay không?
Nghe lời cháu, ngay đêm đó, đúng 12g00 đêm, tôi có mặt ở nhà ông. Ông đón tiếp tôi rất niềm nở. Nghe nói tôi quê ở Hà Nội, ông rất vui và nói với tôi nhiều kỷ niệm khi ông theo học Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân ở khu phố Bạch Mai (ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, tập kết ra miền Bắc và được cử đi học đại học ở Hà Nội). Nhìn trên tường của Phòng khám bệnh, tôi thấy ông treo Bảng chứng nhận ông được tặng Huy hiệu 50 tuổi Đảng là tôi đã kính phục ông rồi.
Tôi biết ông đã lớn tuổi, cỡ đàn anh của tôi.Tôi trình bày với ông bệnh tình của tôi. Ông khoe với tôi ông đã chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân (có cả bệnh nhân từ Mỹ, Pháp, Úc về) bị thấp khớp, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và cột sống thắt lung, bị bệnh gút (gout) đi không nổi v.v… Ông bảo đảm chữa cho tôi bằng xoa và bó các loại dấm chua do ông sáng chế trong vòng bốn ngày sẽ khỏi bệnh, nhưng phải tin tưởng hoàn toàn vào phương pháp điều trị của ông.
Tôi dùng kế hoãn binh, xin ông tập trung chữa hai đầu gối đang bị khớp nặng, đi lại rất khó khăn. Riêng cột sống cổ để tuần sau vì tuần này tôi phải bận lên lớp dạy ở trường.Ông đồng ý và tiến hành điều trị cho tôi. Đầu tiên, ông dùng một loại dấm xoa bóp cho tôi cả hơn nửa giờ đồng hồ. Sau đó, ông lấy tảng bông lớn tẩm một loại dấm khác rồi đắp lên hai đầu gối và dùng băng y tế quấn thật chặt hai đầu gối lại.
Ông hẹn tôi đêm mai đến điều trị tiếp.Tôi đứng dạy cám ơn ông và xin gửi tiền điều trị. Ông cười và nói là với người khác, ông lấy hai triệu. Riêng với tôi ông lấy hữu nghị giá một triệu thôi vì tôi là “thầy giáo”.
Đêm hôm sau, khoảng gần 12g00 đêm, khi tôi ra đường đón taxi gặp anh cảnh sát khu vực đang cùng dân phòng đi tuần. Anh chặn hỏi tôi:
“Anh đi đâu vậy?”.
Tôi trả lời :
“Anh đi khám bệnh”.
Anh lại hỏi :
“Anh đi khám bệnh ở đâu? Sao anh đi khám bệnh vào giữa đêm thế này?”
Tôi trả lời :
“Ông thầy chữa bệnh ở Khu chợ Hoàng Hoa Thám chỉ khám từ 12g00 đêm đến 3g00 sáng, chứ không làm việc ban ngày”.
Anh cảnh sát khu vực cười và nói :
“Anh cẩn thận nhé!”.
Trời đất ơi! Tôi nói sự thật nhưng anh cảnh sát nghĩ chắc tôi lớn tuổi, bị “hâm” rồi.
Đến đêm thứ tư, bệnh khớp hai đầu gối không đỡ một chút nào. Ông thày nói chắc cơ địa tôi không thích hợp. Ông cho tôi về nhà một vài ngày xem bệnh có thuyên giảm không, rồi lên cho ông hay.Tôi trả tiền, nhưng ông từ chối không nhận. Thế là cơ duyên chữa bệnh với ông thầy lang “cách mạng” tại khu chợ Hoàng Hoa Thám lại không tới với tôi!
Qua cô giáo cùng trường mách bảo,tôi đi tìm ông thầy tàu
Khoảng giữa năm 2009, một cô giáo học lớp Cao học đến thăm, giới thiệu cho tôi một ông thầy Tàu ở quận 11. Cô giáo cho biết ông thầy này chuyên chữa ung thư và các bệnh về xương khớp. Cha của cô bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối, không thể chữa chạy được nữa. Bệnh viện Chợ Rẫy đã cho về nhà để kịp chuẩn bị cho hậu sự.
Trong tư thế “còn nước, còn tát”, gia đình cô rước ông thầy Tàu đến thăm bệnh cho cha cô.
Ông thầy cho biết có nghe thấy mạch của cha cô còn khá rõ và ông có thể kéo dài thêm tuổi thọ cho cha cô.Nhờ ông thầy Tàu, cha cô sống thêm được gần một năm nữa mới mất.
Cô còn cho tôi địa chỉ và điện thoại của ông thầy Tàu và dặn tôi trước khi đến khám bệnh phải gọi điện thoại trước cho ông vì lượng bệnh nhân ở các tỉnh nhiều, thường xuyên các gia đình lên Sài Gòn rước ông về khám và chữa bệnh cho người nhà.
Nghe nói vậy, tôi gọi điện thoại xin ông một cái hẹn để xuống khám, chữa bệnh.Theo lịch hẹn, tôi đến thăm ông. Nhà ông ở trong hẻm khá rộng, mặt tiền khoảng 8m, sâu khoảng 15m, chia làm hai khu rõ ràng: một khu gia đình ở và một khu khám, chữa bệnh. Trước cửa không gắn tên tiệm thuốc bắc, tôi phải hỏi nhân dân quanh khu mới tìm được nhà.
Ông dáng người cao 1m70, vừa phải, không mập, mặc bộ đồ màu đen kiểu một ông thầy Tàu khám, chữa bệnh vẫn thường gặp ở Đường Hải Thượng Lãn Ông (Chợ Lớn). Đây là một ông thầy thuốc vô cùng tự tin vào bản thân mình trong việc khám chữa bệnh mà chưa bao giờ tôi được gặp trong đời.
Ông hỏi tôi làm gì?
Tôi trả lời mình là thầy giáo.
Ông tự giới thiệu rất nhiều giáo sư, tiến sĩ ở Trường Đại học Bách Khoa đến chữa bệnh tại đây với nhiều bệnh nan y khác nhau và nhiều người đã khỏi hoàn toàn, không cần đụng đến thuốc tây. Ông còn nói tôi rất may mắn khi gặp được ông vì hàng năm, vào tháng này, ông về Vân Nam (Trung Quốc) mua dược liệu, các vị thuốc bắc để mang về Sài Gòn trị bệnh.
Tôi trình bày quá trình bệnh của mình và dò hỏi xem liệu ông có trị dứt được bệnh không?
Ông bỏ cặp kính xuống bàn, rồi nói :
“Ông đến đây thì phải tin là sẽ được trị khỏi bệnh. Nếu lúc này, ông chưa có niềm tin thì xin mời về nhà. Lúc nào ông thực sự tin tôi chữa khỏi bệnh cho ông thì hãy tới. Tôi từ chối, không chữa bệnh cho ông vì như vậy sẽ làm tôi mất thì giờ. Tôi còn phải dành thời gian lo chữa trị cho những bệnh nhân khác”.
Thái độ kiên quyết từ chối của ông không chịu tiếp nhận tôi là bệnh nhân làm tôi khá hoang mang. Tôi giải thích nhà tôi ở rất xa. Nếu không tin ông thì tôi tới làm gì. Nếu trong cách nói năng của tôi có điều gì không phải, xin ông bỏ qua cho. Ông ngồi trầm ngâm một lúc rồi đồng ý khám bệnh và điều trị cho tôi. Sau khi khám bệnh, ông bán cho tôi thuốc ông đã chế sẵn từng viên màu đen. Ông cho hay làm thuốc như vậy đỡ khổ cho bệnh nhân phải vất vả sắc thuốc mỗi ngày, có công việc đi đâu mang theo để uống, tiện lợi hơn nhiều.
Đặc điểm nổi bật của ông thầy Tàu là thường xuyên làm điều từ thiện, được các cơ quan, đoàn thể của Phường nơi ông ở rất trân trọng.
Thí dụ: Thỉnh thoảng ông nói vợ ông mua một hoặc hai tạ gạo để ngoài cửa vào nhà, phát miễn phí cho những người cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, tùy theo số người trong gia đình, từ một đến hai kí lô gạo.
Những sự kiện như thế này càng làm ông nổi tiếng khắp nơi, từ Sài gòn xuống các miền trong lục tỉnh Nam bộ.
Phải thừa nhận uống thuốc của ông sau bốn tháng, tôi thấy xương khớp cũng như các cơn đau của cột sống cổ giảm đi nhiều, làm việc không còn cực khổ như trước khi điều tri.
Một hôm tôi đi khám bệnh tim mạch tại phòng khám tư của bác sĩ B. (hiện nay bác sĩ đã được phong hàm Phó giáo sư và đang là Phó giám đốc một bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh) nhìn tôi rồi nhận xét :
“Anh phải coi lại xem bệnh thấp khớp, thoát vị đĩa đệm cổ và lưng của anh nhé! Em ngại không muốn nói vì anh nói ông thầy Tàu chữa bệnh có chuyển biến tốt. Nhưng em thấy da mặt anh bọng nước như bị phù. Cẩn thận không khéo họ dùng Corticoid để cho anh uống cho đỡ các cơn đau nhức khớp. Rồi rốt cuộc không phải thấp khớp, thoát vị đĩa đệm cổ, cột sống thắt lung hành hạ anh mà là nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ làm anh teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể và nó sẽ ngừng hoạt động, không còn duy trì chức năng bài tiết hormone bình thường nữa, nguy hiểm lắm đấy! Corticoid bán đầy ngoài đường, giá rẻ như bèo.”
Tôi cám ơn bác sĩ B. rồi trở về nhà, tâm trạng khá hoang mang.
Hôm sau tôi đến ông thầy Tàu giả bộ khen thuốc của ông có công hiệu tốt.
Ông cười vui vẻ và nói kỳ này ông giảm thuốc, bỏ thuốc đặc tri, cho tôi uống thuốc bổ để nâng đỡ cơ thể.
Trở về nhà, uống thuốc mới của ông mới có năm ngày (cứ mỗi lần đến khám, ông cho tôi thuốc uống một tuần), tôi đau nhức, tê buốt chân tay suốt ngày. Nhiều lúc cơn đau nhức xuất hiện, đau nhức lan tỏa từ vùng cổ xuống hai cánh tay và hai bàn tay, làm cả hai cánh tay và hai bàn tay tôi tê dại, lạnh và nhức buốt rất khó chịu. Tôi hiểu ngay nguyên nhân hoàn toàn chính xác như bác sĩ tim mạch B. khuyên. Tôi dừng ngay việc đến khám và điều trị tại phòng mạch của ông thày Tàu.
Chữa đủ kiểu cách không khỏi được bệnh, tôi nghĩ chắc phải mổ thôi. Tôi tự nghĩ có người mổ khỏi bệnh, tại sao mình không làm như vậy cho cuộc sống đỡ khổ? Bạn bè, gia đình khuyên giải tôi không nên mổ vì tuổi không còn trẻ, nhỡ có chuyện gì, hối không kịp.
Lang ta xin chịu, thầy tầu giơ tay, thôi đành phải “bá mông thầy tây y” chữa bệnh để còn có sức làm việc
Một buổi sáng đầu tháng 1 năm 2010, tôi ngồi uống cà phê với anh N.Q.A., một người bạn thân của tôi hồi học ở phổ thông có con trai là bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện Nguyễn Trãi. Nghe tôi nói chuyện về bệnh tật và có ý định muốn mổ xem có khỏi được không, anh nói nếu muốn mổ, anh sẽ giới thiệu tôi với một bác sĩ là bạn rất thân của con trai anh, rất nhiều kinh nghiệm mổ trong chấn thương chỉnh hình. Anh còn cho tôi biết anh đã mổ đầu gối rồi nên bây giờ đi lại bình thường, không còn khổ như trước nữa.Anh cho tôi địa chỉ và số điện thoại của bác sĩ ấy. Anh bảo tôi khi đến khám ở phòng mạch riêng của vị bác sĩ trên, gọi trước điện thoại cho anh biết để còn giới thiệu tôi với vị bác sĩ.
Nghe lời anh, tôi gọi điện thoại cho vị bác sĩ xin cái hẹn đến khám bệnh tối hôm sau vào lúc 18g00. Sau đó, tôi gọi cho anh bạn để anh giới thiệu tôi với vị bác sĩ.
Đúng 18g00 hôm sau tôi đến phòng mạch của vị bác sĩ ở khu Phan Xích Long (Phú Nhuận) khám bệnh. Phút đầu tiên, tôi khá ngỡ ngàng khi ra đón tôi là một vị bác sĩ khá trẻ, khoảng 40 tuổi.
Bác sĩ tên là H.D., vợ cũng là bác sĩ tên là Th. Cả hai vợ chồng cùng đi sâu vào chuyên ngành thần kinh (chồng chuyên khoa ngoại thần kinh; vợ - nội thần kinh).
Bác sĩ H.D. cho hay có nhận được điện thoại của anh bạn tôi giới thiệu và rất vui được gặp tôi. Tôi trình bày quá trình bệnh của tôi bao gồm đủ thứ cả thấp khớp hai đầu gối, đau cổ và đau lưng từng cơn như thế nào.
Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ cho toa thuốc để tôi uống giảm đau. Bác sĩ đề nghị tôi đi chụp X quang hai đầu gối và chụp MRI cột sống cổ và cột sống thắt lung để xác định chính xác bệnh tình của tôi ra sao tại Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình Thành phố ở Đường Trần Hưng Đạo.
Sáng hôm sau, tôi đến làm mọi yêu cầu của bác sĩ tại bệnh viện trên.Chiều tối, tôi mang kết quả đến bác sĩ. Sau khi rọi các phim chụp lên màn hình ở phòng khám bệnh, bác sĩ xác định có ba đốt sống cổ thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như tê buốt, lạnh tay chân, đau buốt lan xuống vai và hai tay v.v… Riêng cột sống lưng cũng có dâu hiệu thoái hóa ba đốt sống, thoát vị đĩa đệm nhưng chưa đến mức trầm trọng như ba đốt sống cổ. Hai đầu gối là do thoái hóa khớp, nước dịch tràn nhiều phải rút ra và chích thuốc làm cho các khớp cử động được trơn, đi lại sẽ bớt khó khăn. Sau này, nếu khớp hai đầu gối đau, tiến triển xấu đi, sẽ có cách điều trị khác.
Bệnh tình như vậy đâu có nhẹ, nhưng cách chẩn đoán bệnh của bác sĩ rất thuyết phục.Tôi cảm thấy có một niềm tin vào vị bác sĩ trẻ này. Cách chẩn đoán bệnh rất tự tin, rất quả quyết, nhưng vạch ra từng bước rất rõ ràng trong phác đồ điều trị từng loại bệnh cụ thể. Sau buổi khám bệnh, bác sĩ đề nghị tôi tiếp tục uống các loại thuốc bác sĩ đã kê trong toa thuốc xem bệnh tình của tôi có đỡ không.
Bác sĩ dặn tôi vừa uống thuốc vừa tập các bài tập thể dục nhẹ phục vụ cho chữa các bệnh thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống lưng và đau khớp hai đầu gối. Theo bác sĩ, nếu uống thuốc, tập luyện tốt, bệnh tình thuyên giảm thì dùng thuốc. Bần cùng bất đắc dĩ mới phải đụng đến dao kéo. Riêng bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm ba đốt sống cổ, bác sĩ sẽ nghiên cứu thật kỹ, sẽ hội chẩn với bác sĩ Trang (một bác sĩ khác lớn tuổi hơn, có uy tín, được nhiều người biết đến) để coi xem nếu bệnh tiến triển xấu sẽ giải quyết sao cho tốt nhất và đạt chất lượng cao nhất.
Sau bốn tháng uống thuốc và tập luyện các bài thể dục nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi thấy lúc đầu có đỡ một phần, nhưng sau đó các cơn đau nhức lan xuống gáy, xuống vai, tay chân bị tê lạnh, đầu ngón tay, ngón chân cứ như bị kim châm, cường độ ngày một nhiều. Thậm chí ra hồ bơi, nhiều lúc tôi thấy bị yếu đi, đạp nước không mạnh như trước được nữa.
Tôi báo với bác sĩ về tiến triển của bệnh. Bác sĩ cho tôi biết những triệu chứng trên là do thoái hóa cột sống cổ, thóat vị đĩa đệm, làm hẹp các lỗ ra của rễ thần kinh. Bác sĩ cho tôi đi kiểm tra lại bằng chụp hình ảnh cột sống cổ. Sau đó, bác sĩ khuyên tôi nên mổ để giải quyết bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cổ.
Tôi trao đổi với vợ và đồng ý nhờ bác sĩ trực tiếp mổ cho tôi. Bác sĩ hứa sau khi chuẩn bị đầy đủ một ê-kíp mổ hoàn chỉnh, trang thiết bị tốt và đầy đủ nhất và sẽ báo cho tôi thời gian mổ cụ thể.
Khoảng đầu tháng 5/2010, bác sĩ H.D. cho tôi biết đã chuẩn bị tốt cho ca mổ. Bác sĩ yêu cầu trước một ngày, tôi đến làm một số xét nghiệm cần thiết cho ca mổ.
Vợ chồng tôi làm các thủ tục nghiêm túc đúng lời bác sĩ dặn. Chúng tôi cũng nhận tiện ghé qua xem các phòng bệnh nhân nằm nghỉ sau khi mổ ra sao và gặp các cô y tá, hộ lý sẽ chăm sóc tôi trong thời gian tôi ở bệnh viện trong và sau khi mổ.
Thật ra đi bệnh viện để mổ cột sống cổ đối với gia đình tôi không phải quá khó khăn về kinh tế, nhưng khó khăn về “nhân sự”, vì thực tế ở nhà chỉ có hai vợ chồng, không có ai giúp đỡ cả. Hai vợ chồng đều đi làm, công việc ngập đầu.Vợ tôi làm việc cho một công ty lớn, đang vào mùa tập huấn nội bộ. Tôi dạy học ở trường suốt ngày, đêm để lo thêm cuộc sống của gia đình. Ngày nào gia đình tôi cũng ăn cơm tối vào khoảng 21g00.
Nói cho cùng, con cháu ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng ai có thể giúp được tôi cả, trừ trường hợp thỉnh thoảng nếu có điều kiện, ghé thăm chúng tôi là đã quý lắm rồi. Cũng chẳng trách được! Ai cũng biết trong thời buổi này, con cháu cũng bận túi bụi đầu tắt mặt tối suốt ngày đêm lo cho công việc, cho gia đình, cho con cháu, có ai rảnh rỗi đâu.
Đúng là trời thương. Trong lúc không biết tính toán ra sao thì cháu H. (con một cô giáo dạy cùng trường với tôi) mới tốt nghiệp ra trường, chưa có việc làm. Cô cho cháu vào bệnh viện chăm sóc tôi trong thời gian tôi mổ.Vợ tôi rất vất vả, vừa lo kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ cho công ty, vừa phân bố thời gian, chạy ngược chạy xuôi vào bệnh viện thăm nuôi tôi.
Theo kế hoạch mổ, đúng 7g30 vợ chồng tôi mang theo đồ đạc cần thiết, rồi gọi xe taxi xuống bệnh viện làm thủ tục nhập viện. Cô y tá đẩy xe đưa tôi đi làm thêm một số xét nghiệm trước khi về phòng nghỉ, chờ lên phòng mổ.
Đúng 9g00, sau khi thay quần áo xong, tôi được băng ca đưa đến phòng mổ. Phụ trách chính ca mổ nhiều tầng cột sống cổ là bác sĩ H.D.
Trước khi mổ có một vài cô y tá hỏi tôi làm nghề gì, có sợ mổ không? Tôi nói các cô cứ làm nhiệm vụ đi, đừng hỏi nữa. Các cô cười và rồi sau một mũi thuốc chích, tôi thiếp đi, không còn biết gì cả.
Ca mổ kéo dài từ 9g00 đến gần 13g00 (gần 4 giờ liền).Vợ tôi và cháu H. ngồi chờ ngoài phòng mổ, lòng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Điện thoại của gia đình, từ những người thân, quen biết ở Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác gọi đến liên tục, ai cũng bồn chồn không hiểu kết quả ca mổ ra sao? Không nói ra, nhưng tôi biết lúc này chỉ có một thân một mình, ngoài cháu H. ngồi bên cạnh, chắc vợ tôi mệt và rối trí vô cùng.
Ngồi ngoài chờ như vậy, thời gian trôi đi chậm khủng khiếp, cứ ngỡ một giờ bằng cả năm.
Đúng 13g30, phòng mổ mở cửa. Các bác sĩ trong ê-kíp mổ bước ra ngoài. Vợ tôi đứng lên, đi đến chỗ bác sĩ H.D.Ông cười nói:
“Ca mổ rất thành công. Con chúc mừng cô, chú”.
Lúc này tuy còn yếu nhưng tôi đã tỉnh. Vợ tôi bước vào phòng hậu phẫu, hỏi tôi có khỏe không? Tôi trả lời giọng hơi yếu, tiếng the thé như giọng phụ nữ. Hỏi bác sĩ, vợ tôi được biết mới mổ thì như vậy. Sau này giọng nói sẽ phục hồi lại như cũ. Bác sĩ khuyên vợ tôi an tâm, về nhà nghỉ, cứ để cháu H.nằm nghỉ ở phòng tôi đã đăng ký ở bệnh viện. Có bất kỳ chuyện gì, bác sĩ sẽ gọi điện thoại trực tiếp cho vợ tôi.
Tối hôm đó, tôi nằm ở phòng hậu phẫu có bác sĩ và các anh chị y tá, hộ lý lo rất chu đáo. Khoảng giữa đêm, chắc vết mổ hết tác dụng của thuốc mê, tôi đau vô cùng, chịu không được, kêu đau. Bác sĩ trực đến thăm, khuyên tôi ráng chịu đựng rồi cho tôi uống một viên thuốc ngủ. Nằm lim dim mơ màng một lúc, tôi thiếp vào trong giấc ngủ đến buổi sáng hôm sau.
Đúng 6g00 cô y tá trực đến kiểm tra thân nhiệt, áp huyết. Cô cho tôi biết mọi mặt đều rất tốt. Khoảng nửa tiếng sau, tôi đã thấy vợ tôi và cháu H. bước vào phòng hậu phẫu.
Hói chuyện bác sĩ trực đêm phòng hậu phẫu một lúc, vợ tôi đến chỗ tôi ngồi nói chuyện nhà. Mọi người (từ Bắc chí Nam) đều rất vui khi ca mổ của tôi thành công. Để bảo vệ vết mổ, tôi phải đeo một miếng mút (moose) giữ chặt cổ, không cho cổ bị xê dịch
Khoảng 8g30, bác sĩ H.D.tới thăm vết mổ, rồi cho phép cáng tôi về phòng bệnh nhân. Trong thời gian nằm ở bệnh viện, ngày nào bác sĩ cũng đến thăm tôi hai lần vào sáng và tối.
Về phòng bệnh nhân rất thoải mái, có gường đưa lên cao, thấp tùy ý, có TV, có gường cho người nhà bệnh nhân và có cả sa-lông tiếp khách (tôi trả tiền bao trọn một phòng VIP trong thời gian nằm viện).
Hôm đó, ở công ty vợ tôi rất bận, một chuyên gia nước ngoài lên lớp cho toàn bộ công ty. Nếu vợ tôi vắng mặt, công ty sẽ gặp nhiều khó khăn. Thấy tôi mới mổ xong, vợ tôi không muốn tới công ty. Bà giám đốc phụ trách nhân sự ở công ty gọi điện thoại liên tục cầu cứu vợ tôi. Tôi nói vợ tôi cứ đến công ty làm việc, chiều tối quay lại bệnh viện vì tôi thấy sức khỏe đã khá hơn và bên cạnh tôi có cháu H.giúp trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày được rồi.
Buổi trưa, cháu H. hỏi tôi có uống sữa hay ăn cháo thịt bằm. Tôi hỏi ở căng-tin có bán gì? Cháu trả lời bán cơm, cháo, phở, hủ tiếu, bánh ướt, cà phê v.v… Tôi nghĩ mổ mất máu nhiều, ráng ăn cơm cho chóng khỏe. Bác sĩ sáng có dặn tôi muốn ăn gì thì ăn, không có kiêng khem gì cả. Tôi liền nói cháu đi mua cho tôi một đĩa cơm và một chén canh.
Cháu ngạc nhiên nói :
“Bác mới mổ mà ăn cơm hay sao?”
Tôi bảo cháu cứ mua như vậy để tôi ăn. Phải nói rằng bữa cơm trưa hôm đó tôi ăn rất ngon miệng. Ăn cơm trưa xong, tôi còn nói cháu mua cho tôi một ly cà phê sữa. Buổi chiều tôi lại tiếp tục ăn cơm ngon lành, hết một đĩa cơm khiến cháu H.phải thán phục.
Tôi nói với cháu :
“Bác quen rèn luyện như vậy rồi, càng bệnh nặng càng ráng phải ăn cơm. Nếu không ráng ăn sẽ mất sức vô cùng”.
Khoảng 18g00 vợ tôi từ công ty đi xe taxi tới. Vợ tôi rất mừng khi thấy tôi vui vẻ, khỏe mạnh, ngồi tựa lưng lên thành gường nói chuyện (chiếc gường đã được cháu H. quay cho cao lên để tôi có thể coi TV được). Vợ tôi cho biết bữa nay giọng đã khác chiều qua, không còn the thé giọng của phụ nữ nữa. Ngồi nói chuyện một lúc về bệnh viện, về công ty, tôi bảo cháu H.dẫn vợ tôi xuống căng-tin ăn cơm.
Thật may vô cùng vì tối hôm đó, đúng 19g00 có trận đấu bóng đá tranh giải SEAGAME. Tôi và cháu H. háo hức chuẩn bị coi. Vợ tôi sợ tôi mới mổ, ngồi nhiều không tốt, khuyên tôi nằm nghe bóng đá vậy.
Gần đến giờ bóng lăn, bác sĩ H.D. ghé qua thăm. Bác sĩ rất vui vì thấy tôi hồi phục sức khá nhanh. Bác sĩ cho biết nếu tình hình tốt như thế này chỉ khoảng cùng lắm ba ngày nữa tôi có thể về nhà dưỡng bệnh được rồi. Bác sĩ nói tôi có thể coi bóng đá khoảng bốn mươi lăm phút, cùng lắm là một giờ, rồi nằm nghe truyền hình cũng được.
Tối hôm đó, phòng tôi rất vui vì anh chị em nhân viên trực ở Khoa Ngoại Thần kinh kéo đến cùng coi bóng đá với tôi.
Ngồi chơi một lúc, vợ tôi phải về nhà nghỉ ngơi và phải chuẩn bị bài lên lớp cho anh chị em nhân viên sáng mai trong công ty. Tôi động viên vợ tôi ráng làm cho tốt, tranh thủ nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe, đừng lo lắng nhiều vì tôi thấy đã khỏe hơn nhiều rồi.
Tôi vô cùng cảm động vì sang ngày thứ ba nằm ở bệnh viện có rất nhiều thầy cô đồng nghiệp, sinh viên của nhiều thế hệ tôi trực tiếp dạy dổ từ sau năm 1975, bạn bè cũ học từ phổ thông ở Hà nội hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, các con, các cháu trong gia đình đến thăm hỏi và chúc mừng ca mổ thành công.
Sáng ngày điều trị thứ tư, bác sĩ thăm bệnh lần cuối, rồi ký giấy cho phép tôi về nhà dưỡng bệnh.
Bác sĩ nói :
“Để chú về sớm. Bữa nay tốt hơn nhiều.Vết chỉ khâu sẽ tự hủy. Hàng tuần ghé qua cháu để kiểm tra lại vết mổ xem sao”.
Vợ chồng tôi cám ơn bác sĩ và nhờ cháu H. gọi xe taxi về nhà. Trước khi chia tay, chúng tôi cám ơn cháu H. và thông qua cháu, cám ơn ba má cháu đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi trong những giờ phút khó khăn vừa qua.
Về nhà, tôi tiếp tục theo phác đồ điều trị của bác sĩ trong 06 tháng trời. Tôi phải đeo miếng mút (moose) giữ chặt cổ suốt ngày. Đêm có thể tháo ra, nhưng phải nằm thẳng, không được quay sang trái hay quay sang phải, không nằm gối (bất kể là cứng hay mềm).
Hàng ngày, buổi sáng tôi đeo miếng moose giữ chặt cổ, đi ra Công viên Lê Văn Tám đi bộ, tập đạp xe (xe đạp sử dụng để tập chân ở công viên). Tập thể dục xong tôi về nhà dưỡng bệnh và hàng ngày phải “nằm nghe T.V.” vì mới mổ, không được ngồi nhiều.
Sau ba tháng nằm nghỉ dưỡng tại nhà, bác sĩ H.D. cho tôi đi chụp X quang kiểm tra cột sống cổ.Buổi tôi, tôi mang kết quả chụp X quang để bác sĩ coi. Bác sĩ cho tôi biết phim chụp X quang rất rõ, những đốt cột sống cổ mổ rất ổn định và tiến triển rất tốt. Bác sĩ yêu cầu hàng tuần tiếp tục đến thăm bệnh và lấy thuốc uống.
Tôi vô cùng mừng rỡ, vì bước sang tháng thứ tư (sau khi mổ), bác sĩ cho tôi có thể từng nơi từng lúc ngồi làm việc với máy vi tính trong phạm vi một giờ đồng hồ.
Sống và nghỉ dưỡng như vậy, tôi phục hồi sức lực khá nhanh. Sang tháng thứ sáu (sau mổ), bác sĩ cho đi chụp lại X quang, kiểm tra lại kỹ càng cột sống mổ ở bên trong cũng như bên ngoài. Sau đó, bác sĩ cho tôi bỏ dây quàng cổ, sinh hoạt bình thường. Tất nhiên, bác sĩ dặn rất kỹ cách tập luyện, chăm sóc cột sống cổ ra sao, và cho phép tôi có thể bơi chút chút cho cuộc sống đỡ nhàm chán.
Sang tháng thứ 7, tôi đến trường làm việc cả ngày cũng như đêm như thời gian trước khi mổ.Tuy vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm và khám bệnh tại Phòng mạch của hai vợ chồng bác sĩvì tôi thỉnh thoảng vẫn bị tê vai, tê nhức, lạnh tay chân (tuy không đau nhiều, triền miên như trước khi mổ), đặc biệt là hai đầu gối thường xuyên bị đau nhức, nhiều lúc tôi đi lại có khó khăn.
Bác sĩ H.D. cho tôi biết ngoài cột sống cổ (đã mổ, giải quyết xong), tôi còn bị thoái hóa, thoát vị đĩa đệm khoảng ba hay bốn đốt sống lưng nên bị đau, tê vai, tê lạnh hai bàn tay và bàn chân. Bác sĩ còn cho tôi hay ngoài việc tập các bài vật lý trị liệu cột sống thắt lưng, đi bơi, còn phải uống thuốc điều trị tiếp cột sống thắt lung. Nếu sau này, bệnh tiến triển xấu, phải tiến hành mổ để giải quyết. Nếu để trễ, chân sẽ bị teo, phải đi xe lăn. Riêng hai đầu gối, do bị thấp khớp, nước dịch tràn quá nhiều nên phải hút nước dịch ra cho hết, rồi chích thuốc tạo chất nhờn cho xương đầu gối có thể cọ sát được, không bị đau. Thông thường mỗi năm tôi phải hút dịch ở đầu gối ra, rồi chích thuốc tạo chất nhờn cho đầu gối hoạt động một lần.
Cuộc sống đúng là có quy luật riêng của nó. Mặc dù tập luyện tích cực, sống ở một môi trường nghỉ dưỡng rất lý tưởng, ăn uống đầy đủ, nhưng không thể khỏi bệnh mà chỉ kéo dài thời gian không cho bệnh tình tiến triển xấu đi mà thôi.
Kéo dài thời gian nghỉ dưỡng và tập luyện được gần 7 năm (khoảng đầu năm 2017), tôi thấy đau tập trung dọc cột sống. Từng cơn đau âm ỉ, kéo dài. Đôi lúc cơn đau kéo dài khá mạnh, suốt ngày và đêm ở vùng cột sống khu thắt lưng. Sáng sớm khi ngủ dậy, các khớp liên đốt cột sống kém linh hoạt, tôi cảm thấy khó xoay, trở mình một cách bình thường như trước.
Thấy tình hình kém khả quan, tôi trở lại gặp vợ chồng bác sĩ để khám bệnh. Bác sĩ H.D. cho tôi đi chụp MRI cột sống thắt lưng.
Tối hôm sau, vợ chồng tôi mang kết quả chụp MRI về cho bác sĩ xem. Sau khi rọi coi phim MRI thật kỹ lưỡng, bác sĩ cho tôi biết tôi bị thoái hóa nặng các đốt sống thắt lưng TL3-TL4, TL4-TL5, TL5-S1, hẹp ống sống kèm mất vững. Bác sĩ quả quyết, theo kinh nghiệm cũng như theo sách vở, tình trạng bệnh như thế này không thể đi bộ được quá 500m và cao lắm, trong vòng 6 tháng sẽ bị teo cơ, không đi được và phải ngồi xe lăn.
Tôi suy nghĩ rồi trao đổi với vợ tôi bằng mọi giá phải nhờ bác sĩ mổ, bởi vì như một người bạn gái của tôi do không chịu mổ, bây giờ phải ngồi xe lăn. Tôi là người hiểu rõ tính cách mình hơn ai hết, chắc chắn tôi chịu không nổi nếu phải ngồi xe lăn!
Trở về nhà, khoảng đầu tháng 6 năm 2017, vợ chồng tôi chủ động lên kế hoạch nhờ bác sĩ mổ cột sống thắt lưng.
Bác sĩ cho biết cuối năm, khoảng gần Noel, vợ chồng bác sĩ có kế hoạch sang Mỹ vừa thăm hỏi bà con, và dự một khóa học ngắn ngày về chuyên ngành Nội-Ngoại thần kinh. Vì vậy, nếu chuẩn bị tốt, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật trước khi đi Mỹ vào tháng 9/2017, hoặc sau khi đi Mỹ về (vào đầu năm 2018).Hai tuần sau, bác sĩ gọi điện thoại cho vợ chồng tôi báo đã có lịch cho ca mổ vào ngày 24 tháng 9 năm 2017.
Gia đình chúng tôi nhất trí với kế hoạch của bác sĩ, và tích cực chủ động chuẩn bị thật tốt cho ca mổ vô cùng đặc biệt này. Gia đình tôi biết rằng thông thường mổ cột sống thắt lưng phức tạp không thua kém gì phẫu thuật cột sống cổ, nhưng thời kỳ hậu phẫu lâu hơn, đau đớn hơn, và phải nằm dưỡng cả năm trời, đi lại rất khó khăn. Vấn đề đặt ra là sau khi mổ, trở về nhà, tôi sẽ nằm dưỡng bệnh cả năm trời ở phòng nào?
Lên phòng riêng của tôi trên lầu chắc tôi không tự lên nổi, chỉ có thể nằm ở dưới nhà mà thôi. Trong khi đó khu vực dưới nhà, ngoài phòng để xe, phòng khách là phòng ăn và bếp.
Hai vợ chồng tôi bàn sửa lại phòng ăn và bếp thành phòng ngủ, sửa phòng ngủ trên lầu thành phòng ăn và bếp, trổ một ban công ở phòng bếp trên lầu cho thật thông thoáng. Sửa như vậy cần một thợ xây dựng thật giỏi cùng với một thợ phụ làm liên tục, không nghỉ ngơi phải mất cả tháng trời.
Giữa tháng 7 năm 2017, tôi điện gọi cháu K.T, một thợ xây dựng rất giỏi, đang sống cùng cha mẹ và vợ con ở một thị trấn, gần Dinh Thầy Thím (trên đường đi Phan Thiết) về giúp tôi sửa nhà.Cháu K.T. có rất nhiều công trình đang làm dở ở địa phương nhưng cháu rất quý trọng tôi. Nghe nói tôi chuẩn bị phải đi mổ tiếp, cần cháu lên thành phố giúp sửa nhà gấp, cháu nhận lời, hẹn sắp xếp công việc đang làm dở dang, đến đầu tháng 8 năm 2017 bằng mọi giá, cháu sẽ lên giúp tôi. Tôi hứa sẽ tìm chỗ ở cho cháu và thợ phụ thật tốt, ngay gần nhà tôi.
Đúng ngày 8 tháng 8 năm 2017, cháu K.T. cùng ông bạn lối xóm là anh N. (làm thợ phụ cho cháu) có mặt, triển khai kế hoạch sửa phòng ăn và bếp thành phòng ngủ cho tôi và sửa phòng của tôi ở lầu 1 thành phòng ăn và bếp, đục làm một ban công trổ ra phía sau nhà.
Công việc làm khẩn trương, chất lượng cao, đẹp (sau này bạn bè đến thăm ai cũng vô cùng ngạc nhiên và khen phòng sửa rất đẹp, không khác chi phòng ở khách sạn loại sang). Các bạn khen như vậy, chẳng hiểu có đúng không? Nhưng riêng cá nhân, tôi rất hài lòng.
Bên cạnh sửa chữa phòng ăn và bếp dưới nhà, cháu K.T. còn xây tặng cho tôi một hồ cá kiểng rất bắt mắt, có cả thân cây giả và tạo cả cảnh trên tường một con thuyền đang di chuyển trên sông rất thơ mộng.
Công trình sửa chữa của cháu K.T. và anh N.tiến hành liên tục không nghỉ ngơi cho đến ngày 20 tháng 9 năm 2017 hoàn tất công việc. Tôi vô cùng cảm kích, cám ơn cháu và anh N. đã giúp tôi sửa nhà hết khả năng và hết sức lực của mình, hoàn thành tốt mọi công việc cận sát ngày tôi chuẩn bị đi bệnh viện để mổ theo lời hẹn của bác sĩ.
Theo yêu cầu của bác sĩ, khoảng 14g00 chiều chủ nhật 24 tháng 9 năm 2017, vợ tôi và con trai đưa tôi đến bệnh viện. Tôi được các nhân viên của bệnh viện đẩy băng ca thẳng lên phòng điều trị của Khu Ngoại thần kinh. Các cô y tá ở Khoa đến đo lại áp huyết, dặn tôi nghỉ ngơi cho khỏe để sáng mai đi làm tiếp một số xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ phụ trách ca mổ và bác sĩ gây mê hồi sức trước khi mổ.
Chiều tối, sau khi gọi cơm ở căng tin bệnh viện lên ăn, khoảng 20g00 vợ tôi về nhà nghỉ ngơi, để lại con trai ở bệnh viện ngủ, chăm sóc tôi.
Sáng thứ hai 25 tháng 9 năm 2017, các chị y tá đưa tôi đi làm một số xét nghiệm cuối cùng trước khi mổ.Đúng 8g30, các chị cáng tôi lên phòng mổ. Đúng 8g30, bác sĩ phụ trách gây mê hồi sức lệnh cho các chị y tá đưa tôi xuống tầng trệt làm gấp xét nghiệm máu đông. Bác sĩ gọi trực tiếp bác sĩ trưởng phòng xét nghiệm làm gấp ngay để chuẩn bị cho ca mổ.Đúng 9g30 các bác sĩ bắt đầu ca mổ.
Vợ tôi, con trai và lúc này có cả con gái lớn của tôi vừa mới tới ngồi chờ xem ca mổ diễn biến ra sao. Ngoài Hà Nội, chị gái tôi và các em liên tiếp gọi điện thoại hỏi tình hình ca mổ như thế nào. Mọi người đều rất sốt ruột, mong ca mổ kết thúc nhanh và an toàn. Con gái tôi ngồi một lúc rồi đi làm. Gia đình ngồi chờ kết quả của ca mổ chỉ vẻn vẹn có vợ và con trai tôi. Đang ngồi chờ, cả hai mẹ con lúc thức, lúc tỉnh, thì cửa phòng mổ mở toang.Đúng 15g00, ca mổ thực hiện thành công tốt đẹp sau thời gian mổ gần 6 giờ. Vợ con tôi vô cùng vui mừng, cám ơn các bác sĩ trong ê-kíp mổ.
Sau khi vợ và con trai ghé phòng hậu phẫu thăm tôi, bác sĩ H.D.cho biết ca mổ khá phức tạp, tôi bị mất máu nhiều. Trong quá trình mổ, bác sĩ phải ráng rịn, không cho máu chảy nhiều. Tôi đã tỉnh, nhưng còn mệt.chưa nói nhiều được. Bác sĩ khuyên vợ con tôi về nghỉ, yên tâm. Ban đêm, có chuyện gì, bác sĩ sẽ gọi trực tiếp cho vợ, con tôi.
Đêm nằm ở phòng hậu phẫu (đêm 25 tháng 9 năm 2017), bị vết mổ hành, tôi đau đớn vô cùng (cả đời tôi tuy đã qua nhiều ca mổ, nhưng chưa bao giờ sau khi mổ lại đau đớn khủng khiếp như vậy!).Tôi la lên, kêu đau chịu không nổi. Bác sĩ trực phòng hậu phẫu an ủi tôi, nói tôi phải ráng chịu đựng, không thể chích thêm thuốc giảm đau được nữa. Đến khoảng 3g00 sáng, thấy tôi nằm, bớt la hét, bác sĩ nói cô y tá cho tôi uống thêm một viên thuốc an thần để cho tôi có thể ngủ được.
Sáng thứ ba, ngày 26 tháng 9 năm 2017, sau khi khám lại vết mổ kỹ càng, bác sĩ H.D. cho phép cáng tôi về phòng điều trị đã đăng ký trước của Khoa Ngoại thần kinh để nghỉ ngơi và theo dõi tiếp vết mổ.
Trong ngày thứ hai sau khi mổ, tôi còn rất đau, đi lại rất khó khăn, tất cả mọi việc từ ăn uống, đi tiêu, đi tiểu đều phải nhờ con trai tôi giúp. Thương nhất là cháu hầu như phải thức trắng đêm lấy chiếc bô cho tôi đi tiểu (thông thường những người trên 70 tuổi ít nhiều cũng bị mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt, phải đi tiểu nhiều lần về đêm. Tôi cũng không hiểu tại sao ban đêm mỗi lần đi tiểu, nước tiểu lại nhiều đến như vậy!). Con người tôi nổi tiếng chịu mọi đau đớn rất cao, luôn cắn răng chịu đựng. Thế nhưng trong kỳ mổ này, mặc dù bác sĩ đã cho phép từ phòng hậu phẫu trở về phòng điều trị, nhưng tôi vẫn bị những cơn đau từ vết mổ hành hạ, đau chịu không nổi, nhiều lúc đau quá, chịu không được phải la lên, nói con trai đi kêu y tá chích cho thuốc giảm đau để đỡ bị các cơn đau sau mổ hành hạ. Trong thực tế, bệnh nhân mổ cột sống thắt lưng nào cũng vậy, đau vô cùng, la ầm ĩ do đau vết mổ cũng phải chịu đựng thôi, không được lạm dụng thuốc giảm đau.
Viết đến đây, tôi thực sự phải thầm cám ơn con trai rất nhiều vì sự chịu đựng của cháu với một ông già “tự nhiên” không kiểm soát được mình, vì cơn đau sau mổ quá phũ phàng đến nỗi những sự “lỳ lợm” thường có trong cuộc sống thường ngày đã bay biến đi đâu, không còn “dũng khí” chịu đưng vượt qua cơn đau, làm người khác phải vì mình mà quá cực khổ, vất vả.
Sang ngày nằm viện thứ ba, sức khoẻ của tôi đã tốt hơn, những cơn đau dữ dội đã bớt nhiều, tôi đã có thể từng nơi từng lúc ngủ được. Bác sĩ H.D. đến thăm bệnh rất vui vì vết mổ rất tốt, không có triệu chứng gì nhiễm trùng cả.
Đến ngày nằm viện thứ tư, tôi có thể chống gậy đi lại được trong phòng điều trị và ra ngoài hành lang để ngắm cảnh quanh bệnh viện. Bác sĩ phụ trách phòng vật lý trị liệu cũng ghé qua hướng dẫn tôi cách tập luyện cột sống sau khi mổ.
Ngày nằm viện thứ năm, 28 tháng 9 năm 2017, sau khi chích thuốc và uống thuốc xong, bác sĩ H.D. khám lại lần cuối, rồi ký giấy cho tôi ra viện. Bác sĩ cấp riêng cho tôi một tờ giấy của bệnh viện xác nhận tôi bị thoái hóa cột sống thắt lưng TL3-TL4, TL4-TL5, TL5-S1 (Hẹp ống sống kèm mất vững.Đã phẫu thuật và đặt dụng cụ tại bệnh viện). Giấy xác nhận này rất quan trọng vì sau này, khi đi máy bay ra Hà nội, tôi trình cho cổng an ninh sân bay biết tình trạng bệnh của tôi
Hàng tuần, tôi sẽ ghé qua phòng khám bệnh của bác sĩ kiểm tra, lấy thuốc uống. Riêng về cắt chỉ vết mổ, bác sĩ hứa sẽ nói một cô y tá làm việc ở phòng mổ có kinh nghiệm đến nhà cắt chỉ. Nếu cô y tá kẹt công việc, đích thân bác sĩ sẽ cắt chỉ.
Đúng 16g00, tôi và vợ con về nhà sau gần một tuần cả gia đình phải lận đận, vất vả vì tôi.
Sức khỏe tương đối tốt, ăn uống tuy nhiều lúc chưa thực sự ngon miệng, chủ yếu uống sữa, nhưng tôi thầm nghĩ phải bằng mọi giá hồi phục ngay sức khỏe, không được nằm nhiều, và “kinh nghiệm để đời” trong cuộc sống mỗi lần bị bệnh nặng, phải ăn cơm, không ăn cháo. Bác sĩ nói tôi phải uống thêm sữa và Calci-D 500mg vì tôi bị loãng xương tương đối nặng.
Đến ngày 4 tháng 10 năm 2017 (khoảng 10 ngày sau khi mổ), sau khi kiểm tra thấy vết mổ tốt, bác sĩ H.D. trực tiếp cắt chỉ vết mổ cột sống thắt lưng cho tôi. Phải thật lòng mà nói, trong cuộc đời tôi tính cho đến nay đã trải qua 06 lần mổ, nhưng chưa lần nào cắt chỉ lại “kinh hoàng” như lần này. Bác sĩ cầm một cái kìm y tế để rút chỉ khỏi vết mổ. Tôi ráng chịu đựng, chỉ nghe tiếng rút chỉ “bựt..bựt…”, nghe chẳng khác như rút một cọng dây kẽm. Khoảng mười phút sau, bác sĩ đã cắt và rút chỉ vết mổ xong, bôi thuốc quanh vết mổ và dán băng y tế lại. Sau khi cắt, rút chỉ xong, người tôi thấy nhẹ và thoải mái hơn rất nhiều.
Bạn đồng hành đặc biệt: Anh bạn KY
Một điều vô cùng kỳ lạ là sau khi mổ cột sống thắt lưng về nhà được khoảng một tuần, anh bạn Ky, một con chó rất đẹp của vợ chồng người bạn thân tặng tôi ngay từ lúc Ky được một tháng tuổi. Khi tôi đi mổ cột sống thắt lưng về nhà, anh bạn Ky (đã chung sống với gia đình tôi được khoảng 17 năm), tự nhiên bị bệnh nặng, không ăn không uống gì cả, năm quay đơ trong nhà. Tôi gọi điện thoại cho bác sĩ thú y. Cô bác sĩ đến khám và xác định anh bạn Ky bị động kinh (thực ra đối với con người đó chính là tai biến mạch máu não). Cô bác sĩ cho tôi biết chỉ còn cách cho Ky chích khoảng ba ngày. Nếu đỡ hơn, sẽ chích cho hết liều năm ngày xem có phục hồi lại không. Còn nếu chích mà không có tác dụng gì với Ky thì cô xin bó tay vì thực chất nuôi Ky khoảng 17 năm là đã quá thọ, xưa nay hiếm rồi!
Chích thuốc cho Ky là một vấn đề không hề giản đơn. Ky là một con chó lớn, rất dữ với mọi người. Ky chỉ hiền lành khi ở bên cạnh tôi. Muốn chích thuốc cho Ky thì phải có người ôm chặt Ky cho cô bác sĩ chích. Cả nhà không ai dám lại gần Ky vì sợ anh bạn cắn. Tôi mới đi mổ về. Nếu ôm chặt Ky cho cô bác sĩ chích mà anh bạn không chịu, quẫy mạnh, tôi bị té là có thể phải “đi cấp cứu” ở bệnh viện.
Cả nhà phân vân không biết giải quyết ra sao? Nếu không chích, cứu Ky, anh bạn có thể sẽ phải “ra đi”, vì bây giờ đứng dậy, Ky cứ quay vòng vòng, đi không được vững nữa.
Tôi tin anh bạn Ky sẽ không quẫy mạnh khi tôi ôm cho cô bác sĩ chích.Tôi chống gậy ra ngồi trên một cái ghế. Sau đó, tôi kéo Ky ra gần, rồi âu yếm ôm chặt Ky, vuốt đầu và nói nhẹ nhàng với Ky ráng để cô bác sĩ chích. Nằm trong vòng tay tôi, khi chích, Ky không quẫy mạnh mà chỉ rên vì đau. Cả nhà thở phào vì Ky đã chịu cho cô bác sĩ chích.
Buổi tối, tôi nằm trên gường ở phòng tôi dưới tầng trệt. Ky lết đến nằm ngay dưới chân tôi, nét mặt ngước nhìn tôi, vô cùng sầu não.
Tôi cho Ky uống đủ các loại sữa nhưng Ky không ăn. Tôi lấy đủ loại thuốc của tôi về thần kinh, về thuốc bổ não cho Ky uống, nhưng không thấy tác dụng nhiều.
Đêm khuya, ngủ không được, tôi chống gậy tập đi lại trong nhà, anh bạn Ky nằm yên, ngó nhìn tôi. Tôi lại ngồi xuống ghế, vuốt ve anh bạn thân gần hai mươi năm mà không biết phải chữa chạy ra làm sao cho anh bạn khỏi trong tình trạng anh đã “quá già”.
Sau ba ngày chích và uống thuốc, buổi sáng thấy Ky uống được một chút sữa, tôi rất mừng. Đến sáng ngày thứ tư, vợ tôi bèn thử cho Ky một miếng bánh mỳ xem Ky có ăn được không thì điều kỳ lạ ập tới là Ky nằm ăn bánh mỳ thật ngon lành. Thấy vậy tôi mừng quá, gọi cô Hai (người giúp việc cho gia đình tôi) ra mua cho tôi một ổ bánh mỳ lớn của quán Bảy Hổ, đủ mọi thứ thịt, ba tê, chả luạ v.v…thật ngon cho Ky ăn. Anh bạn của tôi ăn ngon lành. Tôi bèn gọi cho cô bác sỹ đến chích cho đủ năm ngày và tăng cường thuốc bổ não cho Ky. Vừa nằm dưỡng bệnh sau khi mổ, vừa tìm cách chữa chạy cho Ky theo kiểu “còn nước còn tát”. Nhưng do “tuổi già, sức yếu” anh bạn Ky phải “vĩnh biệt” gia đình tôi vào cuối năm 2018, sau khoảng gần một năm được chữa trị tích cực, sống thọ vượt ra ngoài sức tưởng tượng của mọi người, kể cả cô bác sĩ thú y, người đã từng theo dõi, chữa bệnh cho Ky cả gần mười năm trời.
Anh bạn Ky
Suy đi, ngẫm lại, tôi càng thấm thía tại sao người lớn tuổi lại yêu thương, thân thiết với các chú chó đáng yêu. Trên đời này, tôi chưa hề thấy bất kỳ một chú chó nào khinh miệt chủ nghèo khổ cả, mà trái lại suốt đời các chú chó một mực trung thành với người nuôi dưỡng mình, thậm chí có những trường hợp có những chú chó lao ra đón nhận cái chết để bảo vệ chủ của mình. Nghĩ đến điều này, tôi đảm bảo không ai có thể cầm nổi nước mắt!
Bệnh hội chứng hai ống cổ tay và bàn tay do viêm đa khớp dạng thấp gây ra bắt đầu hành hạ
Giữa tháng 6 năm 2018, hai bàn tay tôi bị tê dại, lạnh toát, đau nhói, không co duỗi bàn tay một cách bình thường được, cầm chén cơm không được.
Tôi vội vàng đến thăm vợ chồng bác sĩ H.D. Ngay lập tức, bác sĩ Th. nghi ngờ có vấn đề ở hai cổ tay và hai bàn tay, giới thiệu tôi đi đến một vị giáo sư nổi tiếng đo điện cơ xem có gì đặc biệt ở hai ống cổ tay và hai bàn tay. Rất tiếc, tôi liên hệ với vị giáo sư này không được vì ông đi công tác xa, không có mặt tại thành phố. Bác sĩ H.D. liền chuyển tôi lên bệnh viện Thần Dân (nằm xéo bệnh viên Chấn thương chỉnh hình) để đo điện cơ hai ống cổ tay và hai bàn tay. Bác sĩ ở bệnh viện đo điện cơ cho tôi hỏi tôi hàng ngày hai cổ tay và bàn tay có đau nhiều không? Tôi trả lời rất đau, tê, lạnh suốt ngày. Cầm chén cơm lên ăn cũng khó khăn. Bác sĩ nói tôi bị bệnh tương đối nặng, chắc bác sĩ điều trị phải mổ để giải quyết các triệu chứng do hội chứng ống cổ tay gây ra.
Ngay tối hôm đó, tôi cầm kết quả đo điện cơ ở Bệnh viện Thần Dân về cho hai vợ chồng bác sĩ H.D. coi. Vừa thoáng nhìn kết quả, bác sĩ Th.nói ngay tôi bị hội chứng ống cổ tay do viêm đa khớp dạng thấp gây ra.
Bác sĩ cho tôi hay bệnh viêm khớp dạng thấp là bệnh khớp diễn biến mạn tính gây ra đau, cứng khớp, phù và hạn chế vận động của nhiều khớp. Viêm khớp dạng thấp có thể tác động đến mọi khớp nhưng đầu tiên thường là các khớp nhỏ, đặc biệt là các khớp của ngón tay đến bàn tay và của ngón chân đến bàn chân. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp thường lan rộng sang tàn phá không những các cổ tay, mà nhiều khi còn lan rộng sang tàn phá các đầu gối, các cổ chân, các khuỷu, các háng và các vai. Trường hợp của tôi rất rõ ràng chính viêm khớp dạng thấp làm các ngón tay tôi bị sưng, đau buốt và tê. Hai mu bàn tay và phía bên hai cổ tay bị sưng tấy lên làm tôi khó khăn co ruỗi các ngón tay và đương nhiên, trong sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Bác sĩ nói rõ các thành phần trong ống cổ tay gồm có dây thần kinh giữa và gân gấp các ngón tay. Nền của ống cổ tay là các xương cổ tay trong khi mái của ống cổ tay là dây chằng ngang cổ tay. Toàn bộ cấu trúc này vô cùng vững chắc nên mọi tổn thương, sưng viêm bất kỳ thành phần nào trong ống cổ tay đều gây tăng áp lực đáng kể.Lúc này, dây thần kinh giữa là thành phần dễ tổn thương nhất, do có cấu trúc mềm nhất và lại nằm ở vị trí nông nhất. Đây là lý do tôi có cảm giác tê bì, ngứa ran, đau nhói, lạnh và yếu các cơ ở bàn tay. Kết quả đo điện cơ đã xác định rõ tổn thương do hội chứng cổ tay gây ra. Vấn để đặt ra là phải bằng mọi cách bảo tồn thật tốt chức năng cho dây thần kinh giữa. Bác sĩ còn cho tôi biết hội chứng hai cổ tay do viêm đa khớp dạng thấp gây ra thường gặp nhiều đối với phụ nữ từ 50 đến trên 60 tuổi. Đối với nam giới tuổi từ 70 trở lên như tôi, rất hiếm gặp.
Thật đúng là “Họa Vô Đơn Chí”, tôi gặp quá nhiều chuyện xui xẻo, hết bệnh này lại đến bệnh khác xảy đến với tôi. Đương nhiên tôi biết sớm hay muộn cũng phải tiến hành ca mổ hội chứng hai ống cổ tay để cắt bỏ dây chằng ngang cổ tay. Mổ như vậy sẽ làm tăng không gian hơn cho dây thần kinh giữa và các gân giúp cải thiện đau đớn, tê bì hai bàn tay. Tuần tiếp theo, bác sĩ H.D. hẹn tôi đến bệnh viện để mổ hội chứng hai cổ tay vào lúc 13g00. Con trai tôi lại đưa tôi vào bệnh viện từ sáng sớm. Tôi được đưa đi làm các xét nghiệm cần thiết cho ca mổ.Sau đó, cháu đi đóng tiền chi phí cho ca mổ và tiền thuê phòng nghỉ trong một ngày (vì chiều tối tôi có thể xuất viện).
Đúng 13g00, con trai và tôi đến Phòng mổ (đối với cháu việc đưa tôi đến Phòng Mổ, đưa tôi đi làm xét nghiệm trước khi mổ, đóng tiền tạm ứng khi nằm viện, thay mặt gia đình ký giấy cho tôi mổ v.v… đã quá quen thuộc vì năm ngoái, cháu và vợ tôi đưa tôi đi mổ cột sống lưng, cháu cũng làm tất cả các thủ tục như vậy). Tôi bước lên bàn mổ rất tự tin, chờ đợi. Bác sĩ H.D. bắt tay vào mổ cho tôi. Ca mổ hội chứng ống cổ tay phải diễn ra khoảng một giờ ba mươi phút. Bác sĩ cho con trai tôi hay ca mổ phải làm thật kỹ, mất khá nhiều máu, nhưng kết quả rất tốt. Đến gần 15g00 tôi được con trai đưa về phòng điều trị để nghỉ. Nằm ở bệnh viện đến 17g30, con trai tôi gọi taxi đưa tôi về nhà.
Mổ xong, cổ tay của tôi băng bó chặt để hạn chế cử động trong khoảng hai tuần. Sau đó, tôi đến để bác sĩ H.D. tháo băng, kiểm tra lại vết mổ khô và tốt chưa. Nhân tiện, bác sĩ kiểm tra lại các chức năng của các cơ bàn tay và cổ tay xem đã phục hồi như thế nào. Bác sĩ rất hài lòng về vết mổ và hướng dẫn cho tôi một vài bài tập vật lý trị liệu nhằm cải thiện các cử động của cổ tay và bàn tay. Tôi lại được băng bó lại cẩn thận trong khoảng hai tuần kế tiếp rồi mới được tháo băng hoàn toàn. Trong thời gian này, ngoài các bài tập trên, tôi thường xuyên cử động nhẹ các ngón tay để giúp ngăn ngừa cứng khớp.
Khoảng đầu tháng 8 năm 2018, con trai tôi lại đưa tôi đến bệnh viện làm mọi thủ tục đễ bác sĩ mổ tiếp hội chứng cổ tay trái. Mọi mặt diễn biến tốt đẹp. Đến tháng 11 năm 2018, tôi thấy hai bàn tay dễ chịu rất nhiều, mặc dầu hai bàn tay và đặc biệt là hai bàn chân vẫn còn bị tê, lạnh, tuy có bớt hơn trước, nhưng chưa hoàn toàn dứt khỏi.
Năm 2019, sức khỏe của tôi khả quan hơn.Tôi thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe tổng quát để xem nếu phát hiện có điều gì bất ổn về sức khỏe phải nhanh chóng trị tận gốc. Tôi vẫn đến thăm hai vợ chồng bác sĩ để kiểm tra xương khớp và đương nhiên không thể quên mỗi năm bằng mọi giá phải ghé qua nhờ bác sĩ kiểm tra xem nếu bị tràn dịch đầu gối, đi lại khó khăn do hai đầu gối xưng to, nhờ bác sĩ hút hết dịch ra và chích thuốc nhờn cho các khớp xương ở đầu gối hoạt động trở lại được tốt hơn, tránh bị ma sát kêu lạo xạo vì thiếu chất nhờn, đi không được, dễ dẫn đến triệu chứng nguy hiểm cho hai đầu gối.
Trở lại tình trạng hai bàn tay và hai ống tay tuy đã mổ, tập luyện liên tục theo lời chỉ dẫn của bác sĩ, nhưng tôi thấy từng nơi từng lúc còn đau, co duỗi ra khó khăn. Tôi nhớ bữa đến khám bác sĩ về thấp khớp hai đầu gối, tôi hỏi bác sĩ đối với hai ống tay và hai bàn tay, nếu tôi đi học đàn Organ để tập dãn hai bàn tay ra có được không? Bác sĩ hoan nghênh vì nếu tập đàn cho dãn rộng bàn tay ra cũng là một liệu pháp tốt, nhưng với điều kiện không được thái quá. Bác sĩ cũng khuyến khích tôi bơi lội, đi bộ và chạy nhẹ nhàng trong hồ bơi hoặc ở ngoài bờ biển Vũng Tàu cũng rất tốt cho rèn luyện xương khớp.
Tập đàn để chữa bệnh hội chứng hai cổ tay và viêm đa khớp dạng thấp hai bàn tay
(Cây đàn Organ Casio để ở Vũng Tàu)
Cô giáo dạy đàn organ và người học trò 80 tuổi…
Được bác sỹ cho phép, từ tháng 10 năm 2019, tôi đến trường học đàn Organ với các cháu nhỏ ở một trường dạy đàn ở Quận 10. Tôi học rất nghiêm túc, rất đúng giờ, một tuần hai buổi sáng, không hề bỏ một buổi học nào, mua liền một lúc hai cây đàn Organ để tập (một cây để ở thành phố Hồ Chí Minh và một cây để ở Vũng Tàu). Tôi học đàn tính đến nay đã được gần ba năm (2019 – 2022).Tuy chống chọi với hết bệnh này đến bệnh khác, nhưng ở nhà có tiếng đàn vang lên thánh thót làm cuộc sống vui tươi hơn, bớt đi rất nhiều những lo âu, sầu não không cần thiết. Đến nay, sau khi học gần ba năm, tôi có thể đàn được các bài như Waves of The Danuble, Happy New Year, Come back to Sorento, Historia De Un Amor (The history of love) v.v…cho cả nhà nghe cho vui. Hai bàn tay tôi, do luyện tập chuyên cần và có ý thức, nên có thể doãng tay rộng ra nhiều hơn, tuy từng nơi từng lúc hai mu bàn tay hoặc giáp gần hai cổ tay vẫn bị sưng do viêm đa khớp dạng thấp gây nên.
Dẫu không còn trẻ nữa, nhưng tôi vẫn phân bổ thời gian thật hợp lý để làm việc khi cần thiết, có chừng mực, phù hợp với khả năng và sức khỏe hiện nay của tôi (chẳng hạn như yêu cầu về chuyên môn của các trường đại học trong thành phố). Tôi có thời gian để tập đàn Organ để vừa tạo cho cuộc sống đáng yêu hơn vừa giúp tôi một cách tích cực chữa bệnh của tôi.
Thấy tôi học đàn organ để chữa bệnh hội chứng hai cổ tay và viêm đa khớp dạng thấp hai bàn tay, nhiều anh chị em, bạn bè đồng đội, đồng nghiệp không thể tin cho nổi một ông già tuổi 80 như tôi có thể tập đàn thành công được.
Ngay cô Mến, cô giáo dạy đàn cho tôi gần ba năm nay, khi kể chuyện về một ông thầy giáo tuổi 80 đang tập đàn rất chăm chỉ, siêng năng để chữa bệnh đa khớp dạng thấp cả hai cổ tay lẫn hai bàn tay, cha mẹ cô không thể nào tin cho nổi đó là sự thật. Chỉ khi chính chồng cô đứng cạnh xác nhận thông tin của cô chính xác vì anh đã từng chở vợ nhiều lần đến nhà ông thầy trên để dạy đàn, cha mẹ, anh chị em trong gia đình mới tin những chuyện cô kể là những sự kiện có thực và chính cô là người trực tiếp góp một phần (dạy đàn) để giúp ông thầy vượt qua mọi khó khăn trong quá trình chữa bệnh. Mới đây, cô giáo còn tâm sự với vợ tôi rằng sau gần ba năm học đàn nghiêm túc, tay phải tôi chạy trên các phím đàn đã dần ổn định, còn tay trái đã đỡ nhiều, nhưng còn đau nên tôi lướt trên phím đàn còn nhiều khó khăn.
Nói đi thì phải nói lại cho thật chính xác về lý do tại sao tôi học đàn có kết quả tốt như vậy?
Tục ngữ có câu : “Không thầy đố mày làm nên” quả thật đúng! Mặc dù tuổi của tôi hơn ba lần cô giáo, nhưng với tư cách là một học trò, tôi luôn kính trọng và biết ơn cô giáo Mến về công lao cô đã bỏ ra nghiên cứu, tìm một phương pháp thật thích hợp để giúp tôi có thể học đàn organ vừa để thư giãn, vừa chữa bệnh và thực sự, cô đã thành công trong việc dạy tôi học đàn hơn cả sự mong đợi của bản thân tôi và gia đình.
Là một người lấy nghiệp thầy để theo đuổi suốt đời, là một nhà sư phạm làm nghề trồng người cả gần một nửa thế kỷ, tôi phải thật sự ngạc nhiên và vô cùng kính phục sự tận tâm với nghề dạy học, những phương pháp sư phạm cô tự tìm kiếm làm sao thích ứng cho từng học trò, sự kiên trì không mệt mỏi của cô khi lên lớp dạy học giúp từng học trò có được một động lực, một sự hưng phấn, thực sự say mê trong học đàn. Tôi đã từng chứng kiến trên trường cô dạy có những cháu nhỏ tự kỷ, đến không chịu học, phá đập cả đàn của nhà trường. Cô vẫn không bực dọc, dùng tình cảm yêu thương của mỉnh cảm hóa các cháu và cuối cùng các cháu ngoan ngoãn ngồi học dưới sự kèm cặp của cô giáo.
Ở các trường tư dạy đàn organ, các cháu nhỏ đến học là chủ yếu. Loại học trò như tôi có vài ba người, trong đó tôi là người cao tuổi nhất. Nhiều cháu đến học rất siêng năng, chịu khó ngồi học theo yêu cầu của cô giáo. Nhưng cũng phải thật lòng mà nói, cũng không ít cháu đến chỉ đi lang thang quanh lớp, không muốn học, ngồi vẽ chơi vớ vẩn. Lý do chính do cha mẹ quá bận trong chuyện làm ăn, muốn “giải phóng” mình trong một vài giờ khỏi phải hầu hạ các “công nương, quý tử” đã gửi các cháu đến “học đàn”cho có vẻ sang trọng. Đây là số học trò cô giáo phải chịu đựng, chiều chuộng từng cháu, “năn nỉ” các cháu học để khi cha mẹ đến đón về nhà, kiểm tra lại con mình đã học được một chút đỉnh là họ vui vẻ, hạnh phúc lắm rồi. Nhiều lúc một bài tập đàn ngắn thường tập một buổi là xong, nhưng với các cháu “đặc biệt” này có khi phải kéo dài trên một tuần.
Riêng bản thân, tôi phấn khởi khi thấy kết quả học đàn có tiến bộ. Tôi quyết giữ ý chí trước sau như một, bố trí thời gian thích hợp để học đàn, vừa để nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày được tươi đẹp và thơ mộng hơn, duy trì nếp sống vui, khỏe, lạc quan để gia cố thêm nội lực, quyết thắng các loại bệnh tật nguy hiểm khác khi chúng kéo đến.
Cô giáo dạy đàn Organ và người học trò 80 tuổi với cây đàn Yamaha tại thành phố Hồ Chí Minh.
(Hình chụp ngày 12 tháng 8 năm 2022)
Bệnh viêm khớp hai đầu gối hoành hành, kéo luôn theo bệnh suy van tĩnh mạch hai chi dưới
Khoảng cuối tháng 9 năm 2020, hai đầu gối tôi bị sưng to, đi lại rất khó khăn. Hai bàn chân bị lạnh và tê dại, rất khó cử động các ngón chân. Chân bên phải bị sung phù lên. Ấn mạnh vào gần mắt cá chân thấy bị phù thũng, lõm sâu một lúc mới trở lại bình thường.
Tôi lại đến phòng khám bệnh của hai vợ chồng bác sĩ để chữa bệnh. Bác sĩ H.D. hút hết dịch từ hai đầu gối ra và trích thuốc nhờn cho các khớp xương ở đầu gối hoạt động trở lại được tốt hơn.Riêng bác sĩ Th., sau khi kiểm tra độ phù nề của hai chân của tôi, giới thiệu ngay tôi đến gặp bác sĩ Ph. (một bác sĩ có uy tín về chữa trị chuyên sâu về bệnh suy van tĩnh mạch) để siêu âm toàn bộ hai chi dưới.
Chiều 13 tháng 10 năm 2020 tôi đến phòng khám bệnh của bác sĩ Ph.để siêu âm hai chi dưới. Trong lúc siêu âm kỹ tĩnh mạch của hai chân, từ háng trở xuống, từng nơi từng lúc, bác sĩ chỉ cho tôi những chỗ bị tắc nghẽn dòng máu trong tĩnh mạch. Bác sĩ rất ân cần, khuyên tôi đừng quá lo sợ, vì bệnh suy van tĩnh mạch là bệnh lý thường gây phù nề chi dưới, thay đổi da, tạo cảm giác khó chịu do tăng áp lực tĩnh mạch của chi dưới. Nguyên nhân chủ yếu của bệnh này là do trào ngược hay tắc nghẽn dòng máu trong tĩnh mạch. Trường hợp của tôi là rối loạn chức năng van tĩnh mạch nông, chủ yếu là do suy yếu trong cấu trúc van hoặc giãn tĩnh mạch làm van tĩnh mạch không thể hoạt động bình thường. Bác sĩ hướng dẫn tôi cách tập luyện ở nhà và chủ yếu dùng thuốc điều trị.
Cấp cứu đêm giao thừa vì nhiễm trùng máu nặng
Đúng là “người tính không bằng trời tính”. Tưởng sức khỏe đã ổn định, tôi có thể ung dung cùng gia đình đón năm mới 2021. Nhưng lại một sự cố “trầm trọng” xảy đến với tôi. Trưa ngày thứ ba ngày 29 tháng 12 năm 2020, tôi thấy hơi khó chịu ở kẽ ngón chân út bên trái. Tôi nhờ vợ tôi kiểm tra và thấy không có vết trầy, da bị bong không biết từ lúc nào. Cẩn thận, vợ tôi rửa ngón chân út bằng nước oxi già và thuốc Providine 8 ml. Đầu giờ chiều (14g00), bắp chân trái và mu bàn chân của tôi sưng u lên, chuyển màu đỏ sậm, đau nhức và khó chịu vô cùng. Chạm vào vùng chân bị sưng tấy, tôi thấy nóng hừng hực. Tôi đuối sức rất nhanh, chống gậy cũng không đứng lên nổi nữa. Mỗi lần vợ tôi đỡ tôi đứng dậy là cả một vấn đề khó khăn vì vốn dĩ con người tôi ”quá khổ”, cao 1m72, nặng 74 kg. Suốt đêm 29 tháng 12 năm 2020, tôi sốt ly bì, bắp chân trái nhức buốt hành hạ liên tục.
Trước tình hình “bạo bệnh” bất ngờ tấn công một cách khốc liệt, tàn nhẫn, không cho tôi có thể trở tay kịp, chỉ còn biết dùng tấm thân và sức lực “đỡ đòn”, ngay tối thứ tư trong lúc tôi sốt li bì, vợ tôi không ngủ, vừa canh chừng tôi vừa dọn dẹp đồ đạc, quyết tâm đưa tôi về ngay thành phố Hồ Chí Minh vào sáng sớm ngày thứ tư 30 tháng 12 năm 2020.
Vợ tôi bàn với tôi phải chủ động giải quyết tích cực nhất trong khả năng có thể của chúng tôi. Tôi gọi điện thoại cho vợ chồng bác sĩ H.D. trao đổi diễn biến của cơn bệnh này, và ngay lập tức gọi taxi chạy thẳng từ Vũng Tàu vế bệnh viện nơi hai vợ chồng bác sĩ đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đúng 10g30 ngày 30 tháng 12 năm 2020 xe tới bệnh viện. Sau khi kiểm tra khu vực bắp chân và bàn chân trái, bác sĩ cho tôi đi xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm cho biết số lượng bạch cầu quá cao (22.000) trong khi mức bình thường là 10.000. Như vậy tôi đã bị nhiễm trùng máu rất nặng.
Bác sĩ Th. khuyên tình hình trên không thể kéo dài hơn, phải đến bệnh viện cấp cứu để họ truyền một loại kháng sinh phù hợp qua đường tĩnh mạch làm sao nhanh chóng cắt cơn sốt và hạ lượng bạch cầu đang ở chỉ số quá cao. Bác sĩ giới thiệu tôi với các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm điều trị căn bệnh hiểm nghèo này ở một bệnh viện lớn, có uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh. Trước lời khuyên rất chân tình của vợ chồng bác sĩ, ngay chiều tối ngày 30 tháng 12 năm 2020, vợ con tôi đưa tôi đi cấp cứu tại bệnh viện trên.
Đến bệnh viện, tôi được chuyển thẳng vào Khoa Cấp Cứu. Các bác sĩ cho xét nghiệm máu và khám lâm sàng rất kỹ. Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ cho biết tôi bị Viêm mô tế bào (Cellulitis) và vi khuẩn đã xâm nhập và gây ra bệnh nhiễm trùng máu khá nặng với lượng bạch cầu là 24.000.
Thực ra, nhiễm trùng da như trên khá phổ biến, phần nhiều xảy ở vùng da phần chân dưới do vi khuẩn gây ra. Thi thoảng cũng có trường hợp xảy ra ở bất kỳ vùng da khác như ở mặt, cánh tay, thậm chí có trường hợp ở quanh hốc mắt. Nhưng nếu không điều trị kịp thời, như trường hợp của tôi, vùng da ở bắp chân và mu bàn chân bị tổn thương sưng căng lên, tấy đỏ, và tôi có cảm giác đau, nhức, nóng hừng hực khi lấy tay chạm vào, và bị sốt li bì. Đây chính là môi trường để nhiễm trùng xuất hiện rất nhanh, cho phép vi khuẩn xâm nhập vào chỗ hở của vết thương hay kẽ nứt của da gây bệnh (đối với người lớn tuổi, từ +75, da khô và nứt, dễ bị bệnh nếu chủ quan). Nếu không điều trị triệt để, nhiễm trùng có khả năng lan đến hạch bạch huyết và vào máu, gây đe dọa đến tính mạng.
Đêm đầu tiên, bác sĩ trực cấp cứu cho điều dưỡng truyền liên tục đạm và một loại kháng sinh liều lượng cao và thuốc giảm sốt vào tĩnh mạch.Con trai tôi vào nằm chăm sóc tôi ở bệnh viện. Đây là đêm vô cùng vất vả vì các cháu điều dưỡng phải chạy đi, chạy lại liên tục.Tôi vừa bị bệnh hành hạ đủ thứ như đau, nhức, buốt, lạnh, vừa bị sốt khá cao, không dứt cơn được. Mỗi lần tôi đi tiểu là một cực hình vì tôi không tự đứng lên được, phải nhờ con trai dùng sức kéo tôi đứng dậy mới đi tiểu được.
Từ ngày thứ hai nằm ở bệnh viện trở đi (từ ngày 31 tháng 12 năm 2020), con trai tôi phải về nhà chăm cháu nội bị sốt siêu vi. Vợ tôi lên chăm sóc tôi và ở lại luôn trong bệnh viện vì gia đình neo người, không còn ai khác để thay phiên.
Trong ngày nằm viện thứ hai, bác sĩ trực ở bệnh viện cho thay một loại kháng sinh mới với hàm lượng cao hơn, cứ 8 giờ một chai đầy, kèm theo một chai thuốc hạ sốt truyền bằng hai đường dây khác nhau cùng lúc vào tĩnh mạch. Tôi nằm li bì suốt ngày vẫn không hạ được cơn sốt, đau nhức toàn thân và rất mệt, nhưng vẫn giữ vững ý chí “Ăn cơm để lấy sức chữa bệnh”, mặc dù lúc đó, miệng đắng ngắt, chẳng thiết ăn uống gì.
Sáng sớm ngày nằm viện thứ ba, bác sĩ T.V. (bạn thân của bác sĩ Th.) vào phòng khám bệnh và nói :
“Cháu thay loại kháng sinh khác, liều lượng cao hơn. Suốt mấy ngày nay bác sốt li bì, lượng bạch cầu giảm quá chậm.Nếu truyền vào tĩnh mạch loại kháng sinh này làm bác cắt được sốt, chỉ số bạch cầu giảm, có nghĩa là đã tìm được loại kháng sinh phù hợp để điều trị cho bác. Cháu sẽ ráng tìm một loại thuốc uống tương ứng với loại kháng sinh đang truyền qua tĩnh mạch để bác uống, khỏi cần phải truyền quá nhiều chai lọ như thế này vào tĩnh mạch nữa vì nằm nhiều quá lại có nguy cơ bị cục máu đông”.
Thật tuyệt vời khi tôi cắt được cơn sốt trong đêm, nhiệt độ chỉ còn 36 độ C. Đêm hôm đó, tôi đỡ mệt hơn và ngủ được ngon giấc hơn.
Sang ngày nằm viện thứ tư, sau khi điều dưỡng cặp nhiệt, lấy thuốc cho tôi uống, một bác sĩ khác trực tại bệnh viện đến phòng tôi thăm bệnh. Vừa vào đến phòng, bác sĩ nói:
“ Con đã nghiên cứu kỹ hồ sơ bệnh án của bác. Con rất mừng vì qua xét nghiệm, bác không bị tiểu đường. Áp huyết của bác mấy ngày nay rất ổn định. Cho đến giờ bác đã cắt sốt được 12 giờ rồi.Như vậy, liều thuốc kháng sinh hôm qua bác sĩ T.V. thay để truyền tĩnh mạch cho bác rất thích hợp để điều trị.
Có một vấn đề con phải hỏi ý kiến của bác. Hiện có một loại thuốc kháng sinh có thể điều trị bệnh của bác bằng đường uống tương đương với loại kháng sinh đang truyền vào tĩnh mạch cho bác. Uống loại thuốc viên này, bác sẽ không phải chích đề phòng cục máu đông di chuyển lên phổi hoặc não, nhưng bác phải đáp ứng những điều kiện như sau: Khi uống thuốc với liều cao (uống một ngày 6 viên, mỗi viên 500 mg), nếu bác bị ói, mửa, tức ngực hoặc dị ứng, chúng cháu sẽ dừng ngay, không cho bác uống loại thuốc đó nữa, và tiếp tục truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch như cũ và đương nhiên, chiều tối chúng cháu phải chích vào bụng để phòng ngừa cục máu đông”.
Tôi suy nghĩ và trả lời tôi tin các bác sĩ đang điều trị và hoàn toàn nghĩ bản thân tôi đủ sức khỏe để có thể uống được loại thuốc kháng sinh trên. Bác sĩ ghi tên thuốc Pyostacine 500 mg vào một tờ giấy, rồi đưa cho vợ tôi đi tìm để mua vì hiện trong các bệnh viện không có dự trữ loại thuốc kháng sinh này.
Vợ tôi gọi taxi chạy tìm mua thuốc và quay lại ngay bệnh viện để kịp đưa cho vị bác sĩ trực vì hôm đó là ngày nghỉ Tết Dương Lịch 2021, các bác sĩ chỉ làm trong buổi sáng,
Sau khi cho Khoa Dược kiểm tra chất lượng của thuốc, bác sĩ cho chúng tôi hay sẽ cho uống ngay hôm đó, cắt bỏ tất cả các loại thuốc truyền qua tĩnh mạch. Trước khi về nhà, bác sĩ dặn điều dưỡng phải theo dõi kỹ tình hình sức khỏe tôi, có gì phải gọi điện cho bác sĩ ngay.
Tối hôm đó, các cháu điều dưỡng vào phòng thăm tôi liên tục, cặp nhiệt độ, đo áp huyết và theo dõi diễn biến bệnh tình của tôi. Thật mừng đêm ấy tôi hết sốt!
Sang ngày nằm viện thứ năm, sau khi các cháu điều dưỡng đo áp huyết, cặp nhiệt độ và lấy máu đưa đi xét nghiệm, tôi ăn sáng, nghỉ ngơi, chờ bác sĩ đến thăm bệnh.
Đúng 8g15, bác sĩ T.V. chạy vào phòng, cười nói vui vẻ :
“Bác ơi! Tuyệt vời quá. Lượng bạch cầu hôm nay xuống chỉ số đáng kinh ngạc. Chỉ còn 8.600 thôi bác ạ! Chỉ số bạch cầu của người bình thường là 10.000. Thế là đã tìm đúng thuốc chữa bệnh cho bác rồi ”.
Tôi hoàn toàn hiểu và trân trọng sự vui mừng của bác sĩ T.V. vì chỉ trong một thời gian ngắn, bác sĩ đã tìm ra được một phương án tối ưu để điều trị có hiệu quả nhất cho tôi.
Bác sĩ hỏi tôi muốn ở lại bệnh viện hay về nhà điều trị ngoại trú. Ở lại bệnh viện, hàng ngày chỉ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không có truyền tĩnh mạch hoặc chích thuốc gì hết. Tôi xin bác sĩ cho tôi về nhà, điều trị ngoại trú cho tâm hồn thanh thản hơn, vợ con và gia đình đỡ cực khổ hơn. Bác sĩ hoàn toàn đồng ý.
Đúng 14g00, tôi và vợ con đi taxi về nhà, kết thúc năm ngày đằng đẵng, mệt mỏi, với đủ mọi thứ lo âu. Trở về nhà, những ngày sau tôi tiếp tục uống thuốc theo yêu cầu của bác sĩ T.V., nhưng vẫn “ráng ăn cơm” để trị bệnh và vợ tôi hàng ngày theo dõi rất chặt việc uống thuốc cũng như diễn biến bệnh trong thời gian nằm tại nhà.
Nằm điều trị ngoại trú (ở nhà), uống thuốc nghiêm túc theo yêu cầu của bác sĩ, trong một tuần bệnh của tôi bớt đi nhiều. Chân dần dần đỡ nhức và cũng từ từ xẹp xuống, không sưng tấy nhiều nữa, vùng bị viêm mô tế bào da tróc ra từng mảng.
Sang ngày thứ mười điều trị, tôi đến bệnh viện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Sau khi lấy máu xét nghiệm xong, tôi được bác sĩ T.V. báo cho biết kết quả xét nghiệm máu mọi mặt đều tốt, áp huyết ổn định.Kiểm tra sức khỏe không có vấn đề gì. Vùng viêm mô tế bào đã xẹp gần như bình thường. Da xung quanh chỗ viêm đang tróc ra và lớp da mới đang được hình thành.Bác sĩ kết luận về cơ bản đã khỏi bệnh và cho tôi uống thuốc củng cố thêm bốn ngày nữa.
Qua cơn bạo bệnh này, tôi thấm thía một điều rất cơ bản là tuổi càng ngày càng cao, ngoài các bệnh thuộc về xương khớp, tiêu hóa, còn bao nhiêu thứ bệnh nền và các loại bạo bệnh khác sẽ bất chợt tấn công không cho chúng ta kịp đối phó, nếu bản thân mình chủ quan và thiếu cảnh giác.
So với bạn bè trong Nam ngoài Bắc, nhiều anh chị liên tục chống chọi với các loại bệnh tật hiểm nghèo còn hơn cả tôi
Ngó nhìn lại bạn bè tôi từ Bắc vào Nam, khi về hưu (60 tuổi), các bạn cũng không khác gì tôi, liên tục chống đỡ các loại bệnh tật hiểm nghèo.
Do bệnh tình quá nặng, nhiều bạn “rủ nhau ra đi” ngay trong những năm đầu của thời kỳ nghỉ hưu như các anh Nguyễn Ngọc Quế, Nghiêm Xuân Đạt, Trương Hữu Thuyết, Đào Ngọc Long, Vũ văn Nội, Nguyễn Cát, Nguyễn Duy Tăng,…cùng học ở phổ thông với tôi, hay các anh Nguyễn Mạnh Hùng (ở phố Bà Triệu), Lê Thế Mỹ (quê ở Sơn Tây), Cù Đình Cường (quê ở Phùng), Nguyễn Đăng Phúc (tức Phúc Xanh, nhà ở phố Lò Đúc) cùng đi lính, và cùng ở Trung đoàn 75 TSKT, hay các anh Trần Ngọc Lai (tức Đào Công Thi), Lê Xuân cùng đơn vị TSKT Mỹ ở B2 v.v…, tất cả các anh đã ra đi vô cùng bất ngờ, với đủ thứ bệnh nguy hiểm như biến chứng tiểu đường, đột qụy, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt v.v… Nhiều anh bị đột qụy, gục xuống rồi đi luôn,vội vã đến mức gia đình và bạn bè trở tay không kịp, như trường hợp điển hình của hai anh Nghiêm Xuân Đạt và Trương Hữu Thuyết.
Những kỷ niệm đẹp về bạn bè đã đi xa…
1)Thầy giáo dạy Anh văn: Trần Quang Huy
Thầy giáo Trần Quang Huy là sinh viên khóa 6, còn tôi là sinh viên khóa 4 của Ban Anh Văn. Mặc dầu vậy, chúng tôi rất thân với nhau vì bằng tuổi nhau (sinh năm 1943) và tính tình rất giống nhau, luôn chan hòa, thân ái, thương yêu đồng nghiệp và sinh viên. Bất kỳ bạn bè nào gặp khó khăn trong cuộc sống, cần sự giúp đỡ, Quang Huy và tôi luôn sẵn sàng, không mảy may suy tính thiệt hơn cho bản thân mình.
Tôi dạy ở trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Huy dạy ở trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Chúng tôi có những mối quan hệ rất thân tình, đặc biệt cả hai cùng đi chuyên sâu ngành Ngữ học Anh và biên phiên dịch.
Tôi còn nhớ vào một buổi sáng tháng 8 năm 1984, tôi nghe tiếng gõ cửa trước phòng ở và làm việc của tôi ở ký túc xá trường Đại học Quốc gia Ngôn ngữ thành phố Moscow. Ra mở cửa, tôi vô cùng bất ngờ gặp lại bạn Quang Huy và anh Mẫn (dạy tiếng Nga, một biên phiên dịch có uy tín ở Hà Nội) đến thăm. Tôi rất vui được gặp lại các bạn đồng nghiệp tại thủ đô Moscow, ở chính ngay tại ngôi trường đại học đào tạo ngôn ngữ và biên, phiên dịch nổi tiếng của Liên Xô - The Moscow State Linguistic University. Hai anh cho tôi hay các anh thay mặt trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội sang làm việc với trường tôi đang học nghiên cứu sinh, bàn cụ thể kế hoạch làm việc hợp tác trong những năm tới giữa hai trường đại học của Hà Nội và Moscow.
Do tôi đã có những kinh nghiệm thực tế làm việc và học tập ở trường của bạn ở Moscow khoảng 2 năm, tôi đã trao đổi với hai bạn nhiều vấn đề liên quan đến thế mạnh của trường tôi đang làm nghiên cứu sinh, đặc biệt về chuyên ngành Lý thuyết dịch thuật.
Sau này tôi trở về nước làm việc (từ tháng 8 năm 1986) tôi thường xuyên liên lạc với bạn Quang Huy để trao đổi thêm về học thuật. Mỗi lần ra công tác ở Hà Nội, tôi lại đến ở khách sạn Xuân - Spring của hai vợ chồng bạn Quang Huy ở phố Nhà Chung, gần nhà thờ lớn, Hà Nội. Tôi vô cùng cảm động khi thấy gia đình gồm bạn Quang Huy, chị Xuân và hai cháu trai coi tôi như người thân trong nhà, không hề có một chút khách sáo gì cả.
Bạn Quang Huy luôn thể hiện một sự biết ơn và kính trọng mỗi khi đề cập đến các thầy giáo đầu tiên khai sinh ra Ban Anh Văn, Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội như các thầy Đặng Chấn Liêu, Trang Trọng, Duy Trọng, Đinh Nho Thâm v.v…Đặc biệt trong những lúc trao đổi với bạn Quang Huy về học thuật, anh luôn tự hào và trân quý khi nói về Giáo sư, Tiến sĩ Halliday, tác giả của trường phái Ngữ pháp chức năng hệ thống (Systemic Functional Grammar /SFG). Bạn Quang Huy khoe đã từng được vinh dự là học trò của thầy Halliday trong thời gian bạn được sang du học bên Úc.
Tôi còn nhớ khoảng tháng 5 năm 2019, khi tôi ra Hà Nội thăm gia đình và bạn bè, tôi đến thăm bạn Trần Quang Huy và chị Xuân. Lúc đó, Quang Huy rất vui, cho tôi hay hiện đang phải chạy thận, nhưng bệnh tình đang có những chuyển biến tích cực.Trước phải chạy ba lần một tuần, nay chỉ còn chạy một tuần hai lần thôi. Sức khỏe tương đối khả quan hơn. Khi tôi trở về khách sạn Bảo Khánh, hai vợ chồng ân cần tiễn ra tận cửa, rồi bảo cậu em trai của Huy dắt tôi qua đường kẻo bị xe đụng (lúc đó tôi đả mổ 4 tầng cột sống thắt lưng khoảng một năm, đi đứng khá khó khăn).
Sáng hôm sau, hai vợ chồng bạn Quang Huy còn ghé qua nơi tôi ở là khách sạn Bảo Khánh, rủ tôi đi ăn phở bò ở phố Lý Quốc Sư và rồi cùng đi uống cà phê ở khu nhà Khai Trí Tiến Đức ngày xưa, tọa lạc tại số 16 Lý Thái Tổ (ngay cặp Hồ Gươm).
Ấy vậy mà, chỉ sau một thời gian rất ngắn, bạn Trần Quang Huy đã bất ngờ vĩnh viễn ra đi, để lại bao niềm thương, nỗi nhớ cho gia đình và bạn bè.
Tấm hình kỷ niệm sau buổi làm việc với Khoa Đào tạo Sau đại học, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
(Chụp năm 1997. Từ trái qua phải, thầy Trần Quang Huy, thầy Nguyễn Tiến Hùng và cô giáo chuyên gia nước ngoài)
2) Đạo diễn kiêm Phóng viên quay phim tài liệu của Điện ảnh Việt Nam: Nguyễn Quý Khôi
Tôi còn nhớ hồi học cấp 3, tôi đến thăm thường xuyên một người bạn rất thân của tôi tên là Nguyễn Quý Khôi. Bạn Quý Khôi sau này là nhà đạo diễn kiêm quay phim chuyên nghiệp, đã từng tốt nghiệp tại trường Đại Học Điện Ảnh ở Moscow- VGIK .
Là một đạo diễn kiêm phóng viên quay phim tài liệu, bạn Khôi rất xông xáo trên mọi lĩnh vực, mong có những thước phim tài liệu có chất lượng cao để điện ảnh Việt Nam làm tư liệu sống tố cáo tội ác chiến tranh hủy diệt cuộc sống và con người ở Việt Nam của Mỹ.
Tôi luôn ca ngợi tinh thần quả cảm, không sợ gian khổ, mặc dù có thể hy sinh đến tính mạng của bạn Quý Khôi khi anh trực tiếp chĩa thẳng chiếc máy quay phim của anh trực diện với các loại máy bay của Mỹ đang ào ạt bắn phá, bỏ bom ở Quảng Bình, cầu Hàm Rồng, ở các đảo Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Cồn Cỏ, Cầu Hàm Rồng… để săn từng thước phim tư liệu vô cùng đắt giá, phục vụ cho cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc. Những việc làm hàng ngày của bạn trong cuộc chiến chính là những hành động anh hùng, đáng được người đời ngợi ca.
Tôi luôn trân trọng và coi hành động dũng cảm của bạn trong khi thực thi nhiệm vụ không khác chi những người lính trên các cụm pháo cao xạ, hoặc trên các dàn tên lửa, đang nhằm bắn thẳng vào các loại máy bay tiêm kích (fighter aircraft) và cường kích (attack acraft) đang điên cuồng đe dọa dân ta bằng sức mạnh có một không hai trên thế gian này của không lực Mỹ trên bàu trời miền Bắc.
Sau hòa bình, tôi vô cùng cảm động và tự hào về tình bạn thân thiết của Quý Khôi với tôi. Một lần vào năm 1985, trong lúc tôi đang oằn người viết luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học Anh thì nghe tiếng gõ cửa phòng tôi đang ở tầng 6 trong ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia Ngôn ngữ thành phố Moscow (The Moscow State Linguistic University), gần khách sạn Russia, ngay khu trung tâm thủ đô Liên Xô. Tôi ra mở cửa và thấy Quý Khôi xuất hiện ngay trước mặt. Tôi vui sướng, ôm chầm lấy bạn. Khôi vào phòng, ngắm nhìn căn phòng của tôi rồi đánh giá ngay căn phòng này ở Việt Nam là phòng của VIP đấy! Nói xong, bạn cười hô hố, rồi bảo tôi làm sao có thể tưởng tượng cho nổi từ lúc còn ở rừng xanh núi đỏ mà bây giờ nghiễm nghiêm đang ngồi cùng bạn ở ngay gần điện Kremlin và dòng sông Moscow đầy thơ mộng này. Bạn cho tôi hay bạn đang rất bận vì phải tháp tùng ông thủ tướng Phạm Văn Đồng trong chuyến sang Liên Xô ngắn ngày nên đã xin phép ông phụ trách đoàn cho mượn xe chở bạn đến thăm tôi trong chốc lát. Quý Khôi dúi cho tôi một gói khoảng 50 hộp cao Sao Vàng để tặng bạn bè ở Nga vì họ rất thích loại cao này. Sau đó, Khôi tất ta tất tưởi ra thang máy để về đại sứ quán Việt Nam. Trên lầu cao, tôi nhìn thấy chiếc xe đen nhãn hiệu Volga đang chờ Khôi.
Từ những năm 2017 trở đi, bạn Quý Khôi bị bệnh mất trí nhớ của người cao tuổi (bệnh Alzheimer), suốt ngày phải ở trong nhà. Điều đặc biệt là Quý Khôi sống rất bình thường, ăn được và cười nói vui vẻ, làm như chẳng có gì đang xảy ra trong bộ nhớ rất tuyệt vời trước kia của anh. Tôi nói tuyệt vời vì chưa bao giờ tôi gặp được một ông đạo diễn kiêm quay phim nào như Quý Khôi vì bạn nói liền một lúc ba thứ tiếng Anh, Pháp và Nga tương đối thông thạo. Sau khi Quý Khôi bị bệnh, lần nào ra chơi Hà Nội gặp lại, bạn luôn vừa ăn vừa tươi cười nói huyên thuyên đủ mọi chuyện chẳng ra đâu vào đâu cả, duy chỉ một câu hỏi đến cả chục lần là rõ ý nhất:
“Hùng ơi, mày làm gì mà hôm nay mặc áo đẹp thế!”
Khoảng cuối năm 2021, tôi nghe tin bạn Quý Khôi do mạch vành không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu oxy cho cơ tim, gây ra cơn đau thắt ngực, nên bệnh viện đã đặt stent động mạch vành cho Khôi.
Tiếp theo, bước sang năm 2022 Hà Nội đang trong cơn hoảng loạn vì dịch Covid-19, đúng ngày 1 tháng 4 năm 2022, nghe nửa tin nửa ngờ về hai anh em nghệ sĩ Nguyễn Quý Khôi và nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Minh Trí, người hướng dẫn chương trình đầu tiên (MC) của Truyền Hình Việt Nam đã ra đi vĩnh viễn.
Tôi vội vàng gọi điện thoại cho anh bạn Nguyễn Hoàng Phúc ở Hà Nội, và anh đã phúc đáp cho tôi bằng một nhắn tin nóng hổi như sau trên điện thoại của anh:
“Tôi liên lạc được với cháu Khoa, con Khôi. Cháu nói Khôi mất ngày 5 tháng 3 vừa rồi, sau một tuần bị Covid. Bệnh viện đưa đi hỏa táng. Sau đó, gia đình mới đến nhận lọ tro. Khoa và chị (chắc cháu gái đầu lòng của Khôi là Thúy) đã đưa tro về Thường Tín an táng. Còn Xuân (vợ của Khôi) vẫn ở Úc, không về được. Riêng nghệ sĩ Minh Trí, em Khôi, cũng vừa mất cách đây mấy ngày”.
Tôi rất buồn khi nhận được tin này. Thế là cả ba người con trai (con bác gái cả) của thầy giáo Xuân Spring là Tuấn, Khôi và Trí đã ra đi mãi mãi. Tôi còn nhớ thời hoàng kim của ba anh em Khôi là thời kỳ vừa đi học vừa kiếm tiền thêm bằng cách đi làm manequin cho Tocontap ở Hà Nội.
Bạn Qúy Khôi sống dũng cảm, hào sảng, luôn chân tình với bạn bè, nhưng hậu phận lại quá cơ cực. Trở về cõi tạm, do bạn mắc phải bệnh Covid -19 quá nguy hiểm, nên bạn không được từ biệt một ai, kể cả người thân yêu nhất trong gia đình.
Bạn Nguyễn Quý Khôi, Đạo diễn kiêm Phóng viên quay phim tài liệu và thời sự của Điện ảnh Việt Nam.
Bạn Nguyễn Quý Khôi (đứng ở phía tay phải) trong buổi liên hoan gặp lại bạn bè lớp 10C, trường Phổ thông Cấp 3B Hà Nội đầu năm 2005.
3) Đại tá Nguyễn Minh Y
Đại tá Nguyễn Minh Y, Cục phó Cục Dân vận và Tuyên truyền đặc biệt thuộc Tổng cục chính trị, Bộ Quốc phòng, là một bạn thân ở đại học, đồng thời cũng là một đồng đội, tính cho đến năm 2021 đã ở trong quân ngũ cả hơn nửa thế kỷ. Nghỉ hưu chưa được bao lâu, bạn Nguyễn Minh Yđã phải lao vào cuộc chiến đấu ngoan cường chống lại bệnh ung thư phổi trong một thời gian dài gần 6 năm trời, và bạn đã để lại một tấm gương sáng chói về tinh thần không chịu khuất phục trước sự tấn công liên tục của bệnh ung thư “gây chết người” này.
Ngày 20 tháng 11 năm 2018, trong một chuyến ra Hà Nội thăm gia đình và bạn bè, khoảng 16g30, sau khi gọi điện thoại cho bạn Nguyễn Minh Y, tôi ghé qua thăm bạn tại căn nhà số 23 C phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Tôi đã gặp cả hai vợ chồng. Bạn Minh Y cười, cho tôi hay anh đã bị mắc bệnh “nan y, chết người” ung thư phổi, khối u bằng quả ổi lớn ở ngực khoảng gần ba năm rồi (tính đến năm 2018). Các bác sĩ ở bệnh viện 108 đã hết lòng chăm sóc, điều trị cho anh. Các bác sĩ khẳng định không thể phẫu thuật, cắt bỏ khối u ở phổi anh được vì tuổi anh đã cao (xấp xỉ tuổi 80), khối u quá lớn! Vợ anh kể suốt ngày phải chăm sóc anh, bao gồm cả đi tiểu và đại tiện, không thể để anh tự làm một mình được.
Điều tôi vô cùng ngạc nhiên trong mấy năm ròng, mặc dù lúc thì sống ở bệnh viện, lúc thì điều trị ngoại trú tại nhà, chỉ riêng thuốc để điều trị không cho khối ung thư ở phổi phát triển rất đắt, phải đặt mua ở nước ngoài từng quý.Nhưng do anh thuộc diện cán bộ cấp cao trong quân đội nên được bệnh viện bao toàn bộ miễn phí. Anh luôn có dáng vẻ rất bình thản, yêu đời. Điều này được thể hiện rất rõ nét qua thần sắc, qua cách nói chuyện của anh với mọi người, đặc biệt với bạn bè thân như tôi từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm.
Bạn Nguyễn Minh Y tâm sự:
“Nhiều hôm cơn đau hành hạ, cực khổ vô cùng, nhưng phải kiên quyết cầm cự, phải tin tưởng ở bác sĩ. Tiền thuốc rất đắt, tốn cả trăm triệu trong mỗi tháng. Hùng phải hiểu mình đã kinh qua đủ các loại hóa trị, xạ trị trong quá trình điều trị ung thư, hành hạ mình vô cùng đau đớn…nhưng không có cách gì hơn là mình phải cắn răng chịu đựng, phải trân quý những cố gắng không mệt mỏi của các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, phải thương yêu bà vợ ngày đêm túc trực chăm sóc mình bên gường bệnh. Nếu không nhờ tập thể bác sĩ và nhân viên trong Quân y 108, không nhờ bà vợ suốt ngày chăm sóc, chắc chắn mình đã “chầu trời” từ lâu rồi, Hùng ạ!”
Trong năm 2020, có lần tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe của bạn Minh Y, bạn rất buồn, báo cho tôi hay vừa mới làm giỗ 49 ngày mất của vợ bạn.
Tôi vô cùng sửng sốt vì bạn bè trong Nam, ngoài Bắc, chẳng một ai báo tin vợ bạn Minh Y mất cho tôi hay. Bạn Minh Y cho tôi biết vợ bạn bị ung thư đường ruột, đã chuyển sang di căn, không thể chữa được. Tôi chia buồn cùng bạn Minh Y và hỏi bây giờ ai chăm sóc bạn hàng ngày ở nhà cũng như ở bệnh viện. Bạn tôi trả lời có thuê một người giúp việc hàng ngày. Đây là một cú “sock” cực kỳ lớn đối với bạn Minh Y, nhất là hiện giờ đang trong tình trạng chống chọi “từng ngày, từng giờ” với căn bệnh ung thư phổi, vì cuộc sống của bạn lúc này vô cùng cô đơn, không có “một nửa của đời mình” bên cạnh như trước, mà phải âm thầm chịu đựng những cơn đau “kinh hoàng” do bệnh ung thư hành hạ, nhất là trong những lúc đêm khuya thanh vắng, gió mùa đông bắc rít thổi từng cơn đem theo những đợt giá lạnh buốt đến thấu xương, làm cuộc chiến “đơn thương, độc mã” chống chọi với căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo của bạn ngày càng thêm cam go, khốc liệt, không ai có thể tưởng tượng cho nổi.
Thấy tôi ở xa, thường xuyên vào, ra bệnh viện, chịu đựng hết đợt phẫu thuật này sang đợt phẫu thuật khác, nên bạn Minh Y thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe và động viên tôi trong quá trình đấu tranh với bệnh hoạn. Bạn Minh Y và tôi luôn an ủi nhau, động viên nhau ráng gồng mình để chống chọi với các căn bệnh hiểm nghèo.
Tôi vô cùng xúc động khi bạn Minh Y nghe tôi phải đi cấp cứu vì bị bệnh hiểm nghèo (bệnh nhiễm trùng máu – Cellulitis) vào đêm giao thừa Tết Dương lịch năm 2021. Bạn đã gọi điện thoại hỏi thăm vào ngay lúc nửa đêm và khuyên tôi phải thật sự bình tĩnh, không có chuyện gì trầm trọng xảy ra cả. Bạn Minh Y còn cho tôi biết bạn ấy mới điều trị ở Quân y 108 về nhà và bạn ấy cũng bị sưng u ở bắp chân, phải uống thuốc kháng sinh liều rất cao mới khỏi.
Cuối cùng, bạn Minh Y kết luận:
“Đầu năm 2021, tao và mày cùng bị một lọai bệnh nguy hiểm chết người: Bệnh nhiễm trùng máu - Cellulitis”.
Bạn Minh Y rất thích đọc những cuốn sách tôi viết để kỷ niệm những năm tháng ở B2 (miền đông Nam bộ) của bốn lính Ăng-lê 615 ở B2. Bạn Minh Y tâm sự với tôi có lần khi bạn Lê Thụy Ánh đến thăm hỏi tình hình sức khỏe của bạn ra sao, Minh Y tuyên bố với Thụy Ánh rằng từ giờ trở đi, bạn không thèm đọc sách của ai khác, ngoài sách của Tiến Hùng từ Sài Gòn gửi ra vì đọc sách của Hùng thấy như gặp được lại tất cả bạn bè ngày xưa, trong đó có cả bóng dáng của chính Nguyễn Minh Y nữa.
Tôi còn nhớ cũng trong năm 2021, bạn Minh Y gọi điện thoại cho tôi với mong muốn cả ba anh em chúng tôi là Nguyễn Hùng Trí, Nguyễn Minh Y và Nguyễn Tiến Hùng cùng ngồi lại với nhau một vài ngày để viết về những câu chuyện của lính Ăng-lê 615 một thời của chúng tôi ở cả hai miền Nam và Bắc. Theo tôi, đây là một ý tưởng rất hay của bạn Minh Y, đặc biệt tôi lại được chắp bút viết về những người bạn thân khác cùng lớp, cùng cảnh ngộ trong quân ngũ, những người bạn cùng thời, đã từng được sinh ra từ những năm đầu của thập kỷ 1940.
Khoảng tháng 5 năm 2021, tôi gửi cho bạn Minh Y bản thảo cuốn sách tôi viết về bốn anh lính Ăng-lê 615 ở B2 (trong cuốn sách Ký Ức Hai Góc Đối Chiến ) để bạn coi cho đỡ buồn. Nhận được bản thảo (bản photocopy) cuốn sách, bạn Minh Y đọc một mạch ngay trong lúc đang điều trị tại Quân Y 108. Đọc xong, Minh Y gọi ngay điện thoại cho tôi, khuyên tôi nên xuất bản cuốn sách cho mọi người đọc và cuối cùng, bạn dặn đi dặn lại rằng khi in xong cuốn sách nhất định phải tặng cho bạn ấy một cuốn. Tôi hứa như đinh đóng cột rằng người tôi phải gửi tặng đầu tiên sẽ là bạn Minh Y.
Đời tưởng công việc dễ dàng làm trong tầm tay, ấy vậy mà tôi cũng không đủ khả năng làm nổi!
Tôi có in ấn sách bao giờ đâu. Tôi ký hợp hợp đồng liên kết xuất bản cuốn sách với nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vì chỉ nghĩ đơn giản tôi là giáo viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đai học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cả nửa thế kỷ rồi, chắc thế nào cũng được các bạn trẻ ở nhà xuất bản ưu ái cho in ấn sớm để còn kịp tặng bạn Minh Y theo đúng lời hứa vì tôi biết rất rõ cuộc sống của người trên 80 tuổi, chẳng ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.
Mặc dù anh chị em trong nhà xuất bản đã dành nhiều ưu ái cho người thầy giáo già là “chính cái thằng tôi” (thời gian này đại dịch Covid 19 đang hoành hành ở thành phố Hồ Chí Minh), nhưng cuốn sách dàn xong trang, hoàn chỉnh được bìa và chỉ chính thức có thể ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2022.
Đúng là trời đất chẳng chiều một ai, chỉ trước đó khoảng hơn hai tháng (tháng 10 năm 2021), tôi nhận được hung tin là người bạn thân của tôi, đại tá Nguyễn Minh Y, đã tạ thế và đã được quân đội tổ chức tang lễ trọng thể ngày 9 tháng 10 năm 2021 tại nhà tang lễ quân đội ở Hà Nội.
Một điều làm tôi cảm động và tôi tin rằng bạn Minh Y sẽ cảm thấy ấm lòng trước lúc ra đi là chuyện hai mẹ con một người bạn gái thân (trong nhóm bạn miền Nam tập kết của các anh Nguyễn Bé, Lâm Quang Nho, Đoàn Quế Lâm …) đến thăm hỏi, chăm sóc bạn Minh Y rất ân cần, đầy trách nhiệm, đầy ắp tình bạn và tình người trong những giây phút cuối cùng trước khi bạn Minh Y về cõi vĩnh hằng và chính mẹ con chị đã thông báo từng giây phút tình trạng của bạn Minh Y trước lúc đi xa cho bạn Quế Lâm và bạn bè ở thành phố Hồ Chí Minh. Toàn bộ câu chuyện này được bạn Đoàn Quế Lâm gọi điện thoại, kể lại tỉ mỉ cho tôi nghe vào tối ngày 7 tháng 10 năm 2021. Bán tin, bán nghi, tôi gọi gấp điện thoại cho các bạn Thụy Ánh, Thúy và Hùng Trí, nhưng chưa một bạn bè nào ở Hà Nội vào lúc đó biết rõ tin bạn Minh Y đã rời cõi “tạm”…
Tác giả Nguyễn Tiến Hùng đến thăm bạn Nguyễn Minh Y ở số 23C Lý Nam Đế, Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2018 (16g30)
Tác giả và các bạn cùng lớp đại học (niên khóa 1961-1965)
(Hình chụp năm 2013. Từ trái qua phải: Nguyễn Minh Y, Lê Thụy Ánh, Ngô Thị Hân, Lê Thị Thúy và Nguyễn Tiến Hùng)
Tôi vô cùng hạnh phúc vì mặc dù nhiều bệnh tật dồn dập tấn công, nhưng tôi kiên quyết giữ vững ý chí, luôn vững lòng tin tưởng, với sự điều trị tích cực và có hiệu quả của các bác sĩ, và sự hỗ trợ vô cùng quý báu, đúng thời điểm của vợ, các con, các cháu và đại gia đình, cuối cùng sẽ vượt qua tất cả.
Đúng như vậy, tôi đã vững bước đi qua mọi hoàn cảnh với đủ kiểu dạng khó khăn và nguy hiểm trên mười năm nay, vẫn tiếp tục tốt mọi công việc ở trường và khoa, ráng bằng mọi cách không để công việc bị đứt đoạn.
Mặc dù nhà nước cho nghỉ hưu từ năm 2008, tôi vẫn tiếp tục lên giảng những môn học tôi yêu thích nhất là Lý thuyết dịch thuật và Dịch thực hành cho các thế hệ sinh viên thân yêu của tôi tại giảng đường đại học đến hết năm 2018, và hiện nay (năm 2022) vẫn còn tiếp tục hướng dẫn các luận văn sau đại học cho các thầy, cô giáo trẻ ở trường cũng như ở một số cơ sở đào tạo sau đại học trong thành phố.
Tôi luôn nghĩ rằng hạnh phúc mà hiện nay tôi đang được hưởng một cách trọn vẹn cũng là ước mơ vô cùng chính đáng trong đời của bất kỳ người thầy giáo nào đã nguyện suốt đời tôn thờ “nghiệp thầy” .
Cuộc đời và những bức tranh đầy cảm xúc
-Những bức tranh sơn dầu của Đinh Thị Ánh Nguyệt, vợ tác giả,-
CẢM XÚC THÁNG MƯỜI
Tranh sơn dầu (5/10/2019)
Đinh Thị Ánh Nguyệt
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Xuân Quỳnh
(Thư tình cuối mùa thu)
Tranh sơn dầu “CẢM XÚC THÁNG 10 – 5/10/2019 ”
GÓC TUỔI THƠ
Tranh sơn dầu – 50 X 70
ĐTAN (14/5/2020)
Đinh Thị Ánh Nguyệt
Tranh này được vẽ riêng cho cháu gái của tôi để sau này khi đã lớn khôn, nhìn lại bức tranh này cháu có thể nhớ lại một góc tuổi thơ của mình: cái ban công của phòng bà nội nơi hai bà cháu thường bày đủ loại trò chơi của trí tưởng tượng ; ghế đá nơi cháu thường ngồi ăn kem với ông nội và được hai ông cháu gọi đùa là “ghế đá công viên” ; các em thú nhồi bông vừa là em, vừa là bệnh nhân, vừa là học trò của cô giáo Su Trang ; cây khế luôn tỏa bóng mát xuống ban công với những trái chín vàng vừa tầm hái ; những vệt nắng nhảy múa trên nền gạch tàu như tiếng nói cười hồn nhiên của cháu…. Bức tranh này cũng được vẽ nhân ngày sinh nhật mừng cháu gái được năm tuổi.
Tranh sơn dầu “GÓC TUỔI THƠ – 14/5/2020 ”
MỘT MÌNH VỚI MÊNH MÔNG
Tranh sơn dầu – 50 X 70
ĐTAN (6/7/2020)
Đinh Thị Ánh Nguyệt
Một lần đến thăm Vịnh Vũng Rô (Phú Yên) tôi bất ngờ nhìn thấy một chú dê đứng trên mỏm đá giữa ban trưa, đằng sau là trời biển mênh mông. Trong 12 con giáp của cung Hoàng Đạo thì con dê tượng trưng cho một tính cách kiên trì để đạt mục đích. Con dê không nổi bật trong đám đông như sư tử nhưng luôn lầm lũi leo núi để cuối cùng lên được tới đỉnh núi. Bức tranh này được vẽ để ghi lại khoảnh khắc tình cờ bắt gặp chú dê giữa trưa hè Phú Yên.
Tranh sơn dầu “MỘT MÌNH VỚI MÊNH MÔNG – 6/7/2020 ”
ĐOẢN KHÚC MÙA THU
Tranh sơn dầu
ĐTAN (9/12/2019)
Đinh Thị Ánh Nguyệt
Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng
Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang
(Sắc Màu – Trần Tiến)
Người ta thường nói về mùa thu với cái se lạnh, lá vàng rơi và những nỗi buồn man mác. Còn tôi lại bắt gặp một mùa thu đẹp mộc mạc và hoang sơ trên những cánh đồng hoa cúc vàng rực rỡ. Chẳng có nỗi buồn nào mà chỉ là niềm hân hoan trước thiên nhiên tươi đẹp.Vẽ để nhớ chuyến đi Mộc Châu tháng 10/2019.
Tranh sơn dầu “ĐOẢN KHÚC MÙA THU – 9/12/2019”
CHỚM ĐÔNG
Tranh sơn dầu 45 X 80
ĐTAN (11/2020)
Đinh Thị Ánh Nguyệt
Bức tranh này được vẽ để nhớ những bó hoa cúc họa mi trên những chiếc xe đạp của những người đi bán dạo trên phố Hà Nội. Một vẻ đẹp rất bình dị nhưng cũng rất lãng mạn vào những ngày chớm đông.
Tranh sơn dầu “CHỚM ĐÔNG – 11/2020”
BẾP LỬA NHÀ MÌNH
Tranh sơn dầu 2020
Đinh Thị Ánh Nguyệt
Hãy giữ bếp nhà mình luôn đỏ lửa,
đừng để lụi tàn theo năm tháng
Tranh sơn dầu “BẾP LỬA NHÀ MÌNH – 2020”