Sau khi hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, rất nhiều anh chị em chúng tôi được phép giải ngũ, trở lại với cuộc sống dân dã bình thường.
Thật lòng mà nói, anh chị em trong đơn vị tôi cùng một suy nghĩ là sau khi hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, lính tráng mình thích làm công việc gì để kiếm kế sinh nhai hàng ngày trong khuôn khổ luật pháp cho phép, không phải lệ thuộc ai, thì cứ làm vô tư, không sợ gì cả. Nhiều đồng đội của tôi, sau cuộc chiến trở về quê hương Bến Tre, Long An, Vĩnh Long …,mặc dầu cấp bậc lúc ra quân đã là đại đội bậc trưởng (cỡ trung úy), tiểu đoàn bậc phó (cỡ thượng úy), thậm chí là tiểu đoàn bậc trưởng (cỡ đại úy) rồi, nhưng các anh muốn trở về công việc dân dã ngày xưa, tiếp tục làm nghề nông, đóng đáy, mò cua, bắt cá v.v…đâu có nhất thiết cứ phải đi làm “cán bộ” với chức nọ, quyền kia ở cơ quan nhà nước để được “vinh thân, phì gia!”
Nhưng anh chị em lính chúng tôi luôn xác định rất rành mạch, rõ ràng điều kiện ưu tiên số 1 là phải cùng nhau, càng nhanh càng tốt, hòa nhập với cuộc sống đời thường.
Trở về cuộc sống quen thuộc ngày xưa, tôi và bạn bè đã xấp xỉ tuổi trên dưới 30, cái tuổi lập gia đình, như các cụ thường nói là “quá đát (date)” rồi! Thế là nhộn nhịp các cuộc “cưới vợ”, “lấy chồng” đua chen nhau trong hàng ngũ trai gái sồn sồn tuổi “trung niên” vừa mới được phép cởi áo lính trở về quê nhà.
Rồi tiếp theo, anh chị em chúng tôi phải tính toán “mần việc ra sao”cho thật xứng đáng với danh hiệu anh lính phục viên hay anh lính chuyển ngành, làm sao có thể được tiếp tục đóng góp phần nhỏ bé của mình cho xã hội, cho dù đi làm ruộng, đóng đáy, mò cua bắt ốc ở quê nhà, hay làm một công việc gì đó xin được trong bộ máy chính quyền nhà nước từ cấp ấp, xã trở lên.
Như vậy, hai gánh nặng trên vai người lính phục viên hay người lính chuyển ngành được trình bày trong câu chuyện này chính là một vai dành lo cho gia đình riêng của chính mình, và một vai dành cho cái gọi là “sự nghiệp” tiếp theo của cá nhân.
Sau khi được phép giải ngũ, tôi đã giải quyết rất nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu. Tôi xin chuyển ngành về làm thầy giáo dạy tiếng Anh tại Ban Anh Văn, Khoa Ngữ Văn nước ngoài, Truờng Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Nghề giáo này cũng không có nhiều “bác lính” xin chuyển ngành sang. Họa hoằn có một số anh (đi B2 khoảng năm 1972) chưa học hết chương trình đại học, xin chuyển sang để được lãnh đạo trường chấp nhận cho hòa vào các anh chị em sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn trước kia chưa học hết chương trình đào tạo, cùng nhau được điều ra Hà Nội học tiếp chương trình bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp của trường đại học ngoài miền Bắc.
Tháng 10 năm 1982, tôi được cử đi học nghiên cứu sinh và ngày 27 tháng 5 năm 1986 tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Ngữ học Anh tại Đại học Quốc gia Ngôn ngữ thành phố Moscow (The Moscow State Linguistic University).
Một số hình lưu niệm ở Đại học Quốc gia Ngôn ngữ Moscow (The Moscow State Linguistic University)
Dự sinh nhật đầu tiên cháu Alis, con trai của em Trần Xuân Lâm (tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Minsk) và Andrula, cô em gái người đảo Síp – Cyprus (tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đức, Đại học Quốc gia Ngôn ngữ Moscow) cùng bạn bè Việt Nam và nước ngoài tại ký túc xá.
(Chụp tại ký túc xá năm 1984)
Tác giả (giữa) và bạn bè ở ký túc xá gần điện Kremlin, thủ đô Moscow. Ngồi ngoài cùng (bên trái) là anh New Phitov, sinh viên đến du học từ đảo Cyprus (Síp)
Tác giả thanh thản ngồi ngắm ánh nắng đầu mùa hè đầy cỏ cây và hoa lá vừa hé nở, sau một mùa đông âm u, dài đằng đẵng lạnh giá, đầy băng tuyết trong một công viên lớn gần cửa hàng GUM, và nhà thờ thánh Saint Basil (gần Quảng trường đỏ), thủ đô Moscow.
Tác giả bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành Ngữ học Anh tại Đại học Quốc gia Ngôn ngữ Moscow – MSLU (The Moscow State Linguistic University) ngày 27 tháng 5 năm 1986.
Chiều tối ngày 27 tháng 5 năm 1986, du học sinh từ nhiều nước đang sinh sống ở ký túc xá đã tổ chức liên hoan chào mừng tác giả bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngữ học Anh,
(Trong hình, một bà trong Ban Quản lý ký túc xá đang biểu diễn một bản nhạc nổi tiếng của Nga trên cây đàn piano để chúc mừng tân tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng).
Tôi trở về nước giảng dạy cuối năm 1986 và được bổ nhiệm làm Phó khoa trưởng Khoa Ngữ văn nước ngoài, phụ trách đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học.
Cuối năm 1988, khi nhà trường tách Khoa Ngữ văn nước ngoài thành ba khoa (Ngữ văn Nga, Ngữ văn Anh và Ngữ văn Pháp), tôi nhận quyết định của Hiệu trưởng bổ nhiệm làm khoa trưởng đầu tiên của Khoa Ngữ văn Anh, Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Trong suốt thời gian 8 năm, từ cuối 1988 đến năm 1996, tôi làm việc suốt ngày đêm, từ 6g00 sáng đến 21g00, để dạy học ban ngày, dạy thêm ban đêm. Ngoài ra tôi còn phải lo công việc gia đình, đưa con đi học, nuôi heo thêm trong nhà (đập một bể nước để nuôi thông thường hai con heo lấy thịt bán cho cửa hàng thực phẩm Quận 5) nhằm cải thiện cuộc sống gia đình. Trong cuộc sống, tôi luôn sắp xếp thời gian hợp lý để có thể làm tốt công việc hàng ngày ở trong trường cũng như ở gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Khoa trưởng Khoa Ngữ văn Anh, Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
(Hình chụp cuối năm 1988)
Thầy Nguyễn Tiến Hùng, Khoa trưởng Khoa Ngữ văn Anh, đang đọc Quyết định công nhận Tân Cử nhân Khoa Ngữ văn Anh niên khóa 1988-1989 của Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Các tân cử nhân Anh văn đang ngồi ở hội trường, nghe công bố quyết định của Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng năm 1996, tôi bị bệnh, người ốm rộc đi. Đi khám bệnh ở Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm đại tràng nặng, cho tôi uống thuốc Tetracyclin 500mg. Điều trị cả tháng trời, bệnh không hề thuyên giảm, tôi cứ ăn bất cứ một chút gì có dầu, mỡ, hoặc uống một chút cà phê sữa lại bị đi tiêu chảy.
Nhiều người bạn của tôi cũng bị viêm đại tràng nặng. Do chữa trị lâu ngày không dứt, chuyển sang bị ung thư đại tràng, mặc dù có anh sang cả Singapore mổ, cũng không thoát khỏi “lưỡi hái” của Thần Chết!
Trong lúc đang tìm cách chữa chạy sao cho hiệu quả, làm sao kết thúc nhanh chóng tình trạng ăn uống có một chút dầu, mỡ, là đi đại tiện liên hồi, không cầm nổi, một bạn giáo viên khuyên tôi uống thuốc bắc cũa một ông thầy thuốc khá nổi tiếng chuyên chữa các bệnh viêm loét đại, trực tràng, ở một con hẻm lớn trên đường Cách Mạng tháng 8, quận Tân Bình.
Tôi mò xuống quận Tân Bình nhờ ông thầy thuốc bắc chữa trị.Đây là một ông thầy có trình độ, trong nhà có hai người con là bác sĩ chuyên trị chữa bệnh kết hợp đông-tây y đang làm việc tại các bệnh viện nhà nước.
Nhà của ông rất đẹp, mặt tiền hơn mười thước, có một vườn hoa lan đủ sắc màu, không thể nào chê được.
Phòng khám, chữa bệnh của ông rất rộng,uy nghi. Một tủ lớn, cao bằng gỗ đen mun (chắc gỗ gụ hay gỗ lim) có rất nhiều ngăn để đựng các loại thuốc bắc kê dọc theo một bức tường, một bộ tràng kỷ khảm xà cừ rất đẹp kê giữa nhà để ông tiếp khách.
Ông trực tiếp khám bệnh, bốc thuốc. Dáng người cao, mảnh mai, đeo cặp kính trắng đồi mồi, mặc bộ đồ bà ba trắng, da dẻ hồng hào, ngồi đọc sách bằng chữ Hán hoặc ngồi bốc thuốc, trông ông thầy thuốc chẳng khác gì một “thần y” giáng thế.
Ông tiếp tôi rất lịch sự, hồ hởi và hứa sẽ cố gắng chữa trị cho tôi.
Thế là suốt hơn sáu tháng trời, không kể mưa gió, hàng tuần tôi xuống để ông thăm mạch, kê đơn, bốc thuốc, rồi mang về nấu và hâm thuốc trong một ấm chuyên dùng để sắc thuốc, lửa để hiu hiu suốt ngày, rồi chắt nước thuốc để uống, ngày nào cũng đủ ba cữ thuốc.
Điều trị vô cùng vất vả, liên tục cả hơn nửa năm vẫn không khỏi, người tôi ốm rộc.
Có lần ông thầy than với tôi : “ Trời đất ơi! tôi chữa biết bao nhiêu người khỏi bệnh mà ông uống thuốc mấy tháng trời rồi, bệnh của ông vẫn không thuyên giảm là ra làm sao? Tôi bốc cho ông nhiều loại thuốc đặc trị rất quý mà ông đi cầu vẫn không có hình thuôn thì lạ vô cùng”.
Bạn bè khuyên tôi nên chuyển hướng gấp sang hướng điều trị khác vì bệnh này rất dễ dàng tiến triển xấu, dẫn đến ung thư và nhiều anh em đã “dính chàm” rồi!. Chẳng ai xa lạ, ngay anh bạn thân học cùng với tôi hồi phổ thông trung học ở Hà nội là anh Hồng (Phó Tỗng giám đốc một công ty xây dựng lớn của nhà nước) lúc nào cũng chê tôi là nhát. Anh bảo anh cũng bị viêm đại tràng. Ngày anh uống Tetracyclin 3 viên. Anh khuyên tôi đừng lo lắng nhiều mà tổn thọ. Bệnh này nhiều người bị lắm, dễ chữa trị thôi. Tôi cười, chẳng biết nói sao vì bản thân tôi quá khổ với bệnh viêm đại tràng cả năm nay rồi. Tôi nghĩ chắc anh mới bị, bệnh nhẹ hơn tôi nhiều.
Than ôi! Chỉ hai năm sau, anh Hồng bị ung thư đại tràng hành hạ, uống không biết bao nhiêu là thuốc. Anh ăn uống không được, suốt ngày nôn thốc, nôn tháo, chỉ uống được sữa Ensure để chống chọi với bệnh hoạn, người ốm rộc đi. Bệnh của anh đã bị di căn, bệnh viện trả anh về nhà để chăm sóc đặc biệt cho anh.
Tôi đến thăm anh lúc anh còn tỉnh tại nhà riêng. Lúc đầu, người anh ruột từ Hà nội vào chăm sóc anh dứt khoát không cho tôi vào thăm, mặc dù tôi năn nỷ xin vào thăm vì tôi là bạn thân của anh từ thuở nhỏ. May quá, vợ anh từ trên lầu xuống, nhìn thấy tôi đứng ở cửa ngõ, vội chạy ra mời tôi lên lầu thăm anh. Tôi lên lầu, vào phòng thăm anh. Lúc đó còn có con trai anh nghe nói học từ Úc trở về chăm sóc bố đang ngồi trên gường với anh.
Cháu đứng dậy chào tôi. Tôi bắt tay anh đang nằm trên giường, nghẹn ngào vì mới ngày nào bọn tôi (bạn bè cách đây trên 50 năm cùng học ở Trường Phổ thông 3B từ Hà nội vào cùng với số hiện đang công tác tại TP. HCM quây quần, tán dóc với nhau những kỷ niệm xưa, thời đi học phổ thông ở nhà anh Đ.T., bên cạnh nhà anh), vậy mà giờ đây anh đã lâm trọng bệnh.
Tôi biếu anh một vài hộp sữa Ensure. Vợ anh nói đây là thức ăn hàng ngày của anh. Chị còn cho tôi biết chị nhờ mua cả cao sừng tê giác (ở Châu Phi) về mài cho anh uống xem có đỡ được phần nào hay không? Ngồi nói chuyện với anh một lúc, tôi từ biệt hai vợ chồng và cháu trai, để anh có thì giờ nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.
Đương nhiên, là bạn bè thân nên khi anh mất, chúng tôi đến viếng và đưa tiễn anh đầy đủ, không vắng mặt một ai, về nơi an nghỉ cuối cùng là Nghĩa địa Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp của Lê Xuân, anh bạn lính của tôi cũng vậy. Tôi nhớ có lần tôi đi siêu âm tim tại Bệnh viện Đại học Y Dược khoa, tôi gặp nhân viên bệnh viện đang cáng anh. Xuân gọi tôi hỏi đi đến bệnh viện làm gì rồi cho tôi hay anh đi làm xét nghiệm để chuẩn bị lên mổ viêm đại tràng vì anh bị ung thư. Tôi chúc Xuân chóng bình phục.
Trở về nhà một thời gian, tôi được các bạn bè cho biết Xuân phải sang Singapore mổ lại. Cuối cùng, bệnh tình quái ác đã buộc Xuân phải xa chúng tôi vĩnh viễn.
Trong lúc hoang mang, không biết chữa chạy ở đâu, có người bà con mách bảo tôi nên đến gặp ông bác sĩ T.N.B, chuyên ngành sâu là điều trị tiêu hóa, gan, mật khá nổi tiếng, đã từng tu nghiệp ở Pháp, có Phòng Mạch ở quận 10. Cuối cùng tôi quyết định mang hết hồ sơ điều trị viêm đại tràng và kết quả chụp X quang ở các bệnh viện đến cầu cứu bác sĩ T.N.B.
Sau khi khám kỹ vùng bụng của tôi, bác sĩ cho hay tôi bị viêm khá nặng, phải thay đổi cách điều trị. Để điều trị dứt điểm bệnh này, tôi phải kiên trì, không được nản, có khi cả năm trời hoặc hơn một năm mới ổn định được.
Lúc này, thị trường thuốc tây phong phú hơn, có nhiều thuốc đặc trị xách tay từ Mỹ hoặc Pháp và các nước ngoài về, giá cả hơi mắc, nhưng điều trị hữu hiệu hơn. Tôi không nhớ bác sĩ cho tôi uống thuốc gì (vì thời gian quá lâu rồi), nhưng những lúc phòng khám của bác sĩ thiếu thuốc, ông anh vợ đến giúp bác sĩ bán thuốc chỉ cho tôi đến duy nhất một hiệu thuốc ở bên hông Bệnh viện Chợ Rẫy mua thuốc.
Trong sinh hoạt hàng ngày, tôi chấp hành nghiêm túc yêu cầu của bác sĩ, không ăn bậy bạ, không ăn bất kỳ một thức ăn nào có chút dầu hoặc mỡ, không được uống bất kỳ thứ nước uống nào có pha sữa (dù chỉ một chút cũng không được). Thức ăn chủ yếu hàng ngày của tôi gồm rau luộc, thịt heo nạc luộc (không được có mỡ) và chuối sáp luộc.Hàng tuần, tôi phải đến tái khám để bác sĩ theo dõi thật chặt diễn biến của căn bệnh này, bổ sung hoặc giảm bớt thuốc điều trị.
Trong 6 tháng điều trị liên tục vừa uống thuốc theo yêu cầu của bác sĩ, vừa ăn uống, kiêng khem như lời bác sĩ dặn, bệnh tình thấy đỡ nhiều. Những cơn đau bụng quằn quại chỉ thỉnh thoảng tái phát lại. Đi chụp lại X quang, bác sĩ phụ trách Phòng chụp cũng như bác sĩ điều trị cho biết chỗ viêm ở đại tràng so với trước đã giảm đi nhiều, phải tiếp tục điều trị.
Có một lần do chủ quan thấy bệnh đỡ đi nhiều, tôi ngồi uống một chút cà phê sữa với đồng nghiệp sau ca dạy buổi tối. Trở về nhà, tôi bị đau bụng quằn quại, đi cầu liên tục.Thấy có triệu chứng không ổn, mặc dù đã 10 giờ đêm, tôi và vợ tôi chạy đến phòng mạch của bác sĩ. Rất may, lúc đó bác sĩ còn bệnh nhân, chưa về nhà riêng.
Tôi vào gặp bác sĩ, nhận tội uống “ẩu” chút cà phê sữa nên bị đau bụng và đi tiêu chảy.Bác sĩ la rầy tôi, rồi cho tôi uống thuốc cho đỡ đau bụng và cầm tiêu chảy, và hẹn tôi có tình hình gì, gọi cho bác sĩ biết.
Thật hú hồn! Nếu đêm đó không gặp được bác sĩ, tôi không biết phải làm ra sao?Từ đó trở đi, tôi không dám đụng đến bất cứ loại nước uống gì có chút sữa bò trong lúc đang điều trị.
Điều trị bệnh theo phác đồ điều trị của bác sĩ rất nghiêm túc, ăn uống kiêng khem, tất cả các thức ăn không được phép có một chút xíu gì dính đến dầu ăn thực vật hay mỡ động vật, chỉ có một chữ “luộc” ăn với cơm trắng nấu thật chín mà thôi.
Tuy vậy, theo góp ý của chồng một người bạn gái thân của tôi hồi học Đại học ở Hà nội và được phép của bác sĩ điều trị, mỗi bữa ăn tôi còn ăn thêm một đĩa rau diếp cá sống, một chén tỏi và gừng ngâm chút dấm chua cho dễ ăn. Những món ăn này rất tốt, có hàm lượng trụ sinh cao, rửa ruột, làm sạch các polyp gây ung thư đại tràng (như polyp tuyến ống (tubular), polyp răng cửa, polyp do viêm loét đại tràng v.v…) rất hiệu quả.
Người tuy ốm rộc đi, cân nặng chỉ khoảng trên/dưới 50 kg, nhưng bệnh viêm đại tràng của tôi thuyên giảm nhiều. Những cơn đau bụng quằn quại không còn nữa. Đi cầu tốt hơn nhiều, không còn hiện tượng bị tiêu chảy, đi như tháo cống. Mặc dầu hàng ngày vẫn phải làm việc cật lực từ sáng đến tối để giải quyết sinh kế gia đình, tôi vô cùng phấn khởi vì bệnh đã đỡ nhiều.Điều trị kéo dài khoảng 1 năm, tôi khỏi hẳn bệnh. Phim chụp X quang, so với phim chụp cách hơn 1 năm trước, khác hoàn toàn. Đại tràng không còn viêm, mưng mủ nữa. Làm lại sinh thiết ruột, không còn những polyp dơ bám vào ruột nữa, rất sạch.
Bác sĩ cho ngừng sử dụng thuốc và bắt đầu cho phép tôi ăn uống, tẩm bổ trở lại. Tôi hồi phục sức khỏe rất nhanh. Trong thâm tâm, tôi vô cùng biết ơn bác sĩ T.N.B, người đã thành công cứu thoát tôi khỏi “tử thần” do bệnh viêm đại tràng gây nên.
Tôi xin thành thật cảm ơn chồng của cô bạn thân, người đã khuyên tôi sử dụng những món ăn vô cùng dân dã để tiêu diệt những tulip dơ bẩn, tác động xấu, thường xuyên tạo tiền đề dẫn đến ung thư đại tràng, một căn bệnh nhiều bạn tôi đã phải từ biệt cõi đời này, ra đi vĩnh viễn, vì chữa chạy không kịp thời. Phải nói thật, đến giờ phút đang ngồi viết tâm sự về cách tôi chống đỡ với bệnh hoạn ra sao, tôi vẫn giữ một nếp sinh hoạt không hề thay đổi:
“Mỗi bữa ăn, tôi phải có một đĩa nhỏ rau diếp cá, tỏi và gừng ngâm một chút dấm (nếu bận quá, không ngâm dấm được thì ăn sống)”.
Khoảng cuối năm 2002, trong lúc đang ngồi họp ở Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia TP.Hồ Chí Minh, tôi bị một cơn đau bụng quằn quại, không thể tiếp tục họp được vì sốt nhiệt độ cao, người rất khó chịu, buồn nôn, đi tiêu chảy nhiều lần. Trở về nhà riêng để nghỉ ngơi, tôi ăn không tiêu, đầy bụng.
Một người bạn giới thiệu cô bạn là bác sĩ chuyên điều trị về tiêu hóa ở bệnh viện Chợ Rẫy.Tôi gọi điện thoại, xin đến gặp riêng bác sĩ tại phòng mạch tư gia ở gần bệnh viên.
Sau khi hỏi tiền sử về các bệnh tiêu hóa tôi đã được điều trị (tôi nói cô rõ tôi bị bệnh viêm loét đại tràng năm 1996 như thế nào và đã được bác sĩ T.N.B chữa trị ra sao), cô trực tiếp khám lâm sàng cho tôi và hẹn tôi sáng hôm sau nhịn ăn, đến bệnh viện Chợ Rẫy để cô trực tiếp làm nội soi đường ruột.
Chưa bao giờ làm nội soi sống ruột, tôi bị đau như trường hợp này.Tôi có cảm giác chiếc que làm nội soi đang quậy lên, quậy xuống trong ruột, rồi thọc lên đến vùng ngực đau vô cùng, tôi kêu lên, nước mắt trào ra. Cô bác sĩ động viên tôi ráng chịu đau để cô kiểm tra khu viêm hồi manh tràng cho thật kỹ càng.
Sau khi nội soi và làm sinh thiết một số khu vực giữa hồi và manh tràng, cô cho tôi hay tôi bị viêm manh tràng, chờ kết quả sinh thiết vào hai ngày tới xem như thế nào.
Tôi rất buồn vì tưởng thoát được bệnh viêm loét đại tràng rồi sẽ không bao giờ vướng lại căn ruột nguy hiểm này nữa.
Tôi được cô bác sĩ cho biết manh tràng là đoạn đầu của ruột già và một đầu giáp với đoạn hồi đầu của ruột non. Chức năng quan trọng của manh tràng trong hệ tiêu hóa là ngăn không để dưỡng chất từ ruột non chuyển qua ruột già quá nhanh và không cho các chất từ ruột già quay trở lại ruột non. Bệnh viêm loét hồi, manh tràng nếu không chữa trị kịp thời dễ gây biến chứng, làm thủng ruột, tắc ruột, chảy máu nặng, rất dễ chuyển sang ung thư đại tràng và trực tràng.
Ngày đi nhận kết quả nội soi đoạn hồi manh tràng là một ngày không thể quên với hai vợ chồng tôi.
Nộp hồ sơ, ngồi đợi để lấy kết quả và nhận ý kiến của bác sĩ chuyên trách về điều trị (ngồi chờ khá lâu vì bệnh nhân ở khu điều trị tiêu hóa, gan mật rất đông), vợ tôi không nói ra nhưng trong bụng rất lo nếu kết quả nội soi là ác tính ở khu hồi, manh tràng thì cuộc sống của tôi sẽ ra sao?, gia đình sẽ như thế nào? Tôi ngồi, nói chuyện về công việc, về trường, lớp cho vợ tôi đỡ lo âu.
Đang ngồi với vợ chờ gọi tên, chợt một cô y tá bước ra và nói:
“ Trời ơi, con với cái. Mẹ nó có tiền, nói nó về rút tiền ở ngân hàng để mua thuốc trị bệnh cho mẹ, nhưng nó không chịu rút.Nó kêu bị ung thư rồi, có rút tiền, mua thuốc, cũng vậy thôi!”
Nghe cô nói như vậy, thật lòng, hai vợ chồng tôi ngán ngẩm vô cùng.
Đang ngồi suy nghĩ lung tung thì cô y tá gọi tên tôi vào gặp bác sĩ. Tôi và vợ tôi cùng vào xem ý kiến bác sĩ như thế nào về kết quả nội soi ruột.
Bác sĩ cho chúng tôi biết tôi bị viêm loét hồi, manh tràng khá nặng, nhưng kết quả sinh thiết là viêm lành tính, không phải là viêm ác tính. Bác sĩ yêu cầu chuyển kết quả cho bác sĩ điều trị để giải quyết.
Vợ chồng chúng tôi mừng vô cùng. Vừa bước chân ra khỏi phòng trả kết quả nội soi, tôi nghe tiếng cô y tá la lớn : “Ông Nguyễn Văn X đâu? Gọi hoài sao không thấy trả lời?”
Từ một góc phòng chờ, một cặp vợ chồng già khoảng trên dưới 80 tuổi chống gậy khập khiễng bước tới. Cô y tá dịu giọng, nói như xin lỗi:
“Con gọi mãi, không thấy các bác trả lời. Thế con cháu các bác đâu mà để ông bà già phải đưa nhau đi như thế này!”
Lại một nghịch cảnh đáng thương, và đáng buồn cho các cặp vợ chồng già, hoàn cảnh gia đình ít con cháu không có “điều kiện” chăm sóc cho cha mẹ già.
Thấy tôi bị bệnh nặng, không biết chữa chạy thế nào cho tốt nhất, anh Đ.T, một anh bạn thân từ hồi học phổ thông 3B Hà Nội, đưa tôi đến gặp một vị bác sĩ “rất nổi tiếng”, lúc đó đang là giám đốc một bệnh viện tại thành phố để nhờ ông khám và điều trị. Tôi thấy trời cho tôi “phước vô cùng lớn”.
Sáng đầu tuần, chúng tôi đến tìm gặp ông ở bệnh viện. Anh Đ.T giới thiệu tôi là thầy giáo đang bị bệnh, nhờ ông giúp. Chắc ở bệnh viện quá nhiều việc, hơn nữa ông lại là giám đốc, nên ông không ngước nhìn tôi, chỉ hỏi tôi bệnh gì. Tôi trả lời, rồi đưa kết quả nội soi và ý kiến của bác sĩ điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông chẳng nói gì với tôi, liếc nhìn hồ sơ bệnh, rồi nói với anh Đ.T kèm theo vài ba chữ vào hồ sơ: ”Nội soi lại khu hồi, manh tràng”. Sau đó, ông vào phòng riêng, tôi không kịp có thời gian để cảm ơn ông.
Tôi nói với anh Đ.T:
“Mình mới nội soi cách đây 3 ngày!”
Anh Đ.T. bảo đi làm nội soi luôn vì ông bác sĩ yêu cầu như vậy.
Thú thật tôi sợ muốn chết vì cách đây vài ngày, khi nội soi ruột, làm sinh thiết ở khu vực hồi manh tràng, tuy lỳ lợm, tôi phải cắn răng chịu đau mà không chịu nổi, phải rên lên.
Tới phòng nội soi, vì đây là lệnh của bác sĩ giám đốc nên họ làm ngay, rất kỹ. Cuối buổi sáng (khoảng 11g30), họ trả cho tôi kết quả nội soi.Nhìn chung, kết quả nội soi cũng không khác gì kết quả đã làm ở bệnh viện Chơ Rẫy.
Tranh thủ thời gian, anh Đ.T. kéo tôi lên phòng bác sĩ giám đốc. Gặp ông trên đường đến phòng riêng, ông liếc qua, hạ bút viết:
“Chuyển khoa ngoại giải quyết”.
Sau đó ông đi thẳng về phòng, không nói năng gì thêm. Đã đến giờ nghỉ trưa, tôi năn nỉ anh Đ.T. cho tôi về nhà, lúc khác tính tiếp.
Dù sao đi nữa, trong tâm khảm, tôi xin chân thành cảm ơn anh Đ.T. về sự giúp đỡ chân tình, vô cùng quý báu của anh, dành trọn vẹn một buổi sáng đưa tôi đi giới thiệu hết người quen này đến người quen khác để được khám bệnh ưu tiên trong bệnh viện. Tôi rất hiểu tình cảm chân thành bạn bè như vậy rất, rất khó tìm gặp trong thời buổi hiện nay.
Tôi đã gặp lại cô bác sĩ điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, xin ý kiến của cô. Cô coi lại toàn bộ hồ sơ, rồi khuyên tôi :
“Thầy T.N.B. là bậc thầy của em. Anh lên quay lại xem ý kiến thầy ra sao?”
Nghe lời cô, tôi mang toàn bộ hồ sơ bệnh đến gặp bác sĩ T.N.B. Như vậy, sau gần 06 năm, tôi quay trở lại gặp bác sĩ.
Tôi lấy số khám bệnh ở phòng mạch riêng của bác sĩ T.N.B. rất sớm, từ 7g00 sáng. Đúng 16g30, tôi có mặt ở phòng khám.
Đến số được gọi, tôi vào phòng gặp bác sĩ. Đưa toàn bộ hồ sơ và trình bày diễn tiến của bệnh, quá trình nội soi như thế nào và ý kiến của ông bác sĩ giám đốc có uy tín của bệnh viện trên ra sao, tôi khẩn thiết bác sĩ nhận và điều trị cho tôi.
Sau khi khám lâm sàng xong, bác sĩ động viên tôi và cho biết, theo ý kiến của bác sĩ, chữa nội khoa thật tích cực xem sao, chưa cần thiết phải mổ ngay vì khối viêm loét này lành tính. Thế là hàng tuần tôi đến tái khám tại phòng mạch của bác sĩ, chấp hành nghiêm túc chế độ điều trị, ăn kiêng khem như hồi bị viêm đại tràng. Đợt điều trị này, thuốc uống nhiều hơn, ăn uống kỹ càng hơn, mọi thứ đều “LUỘC”.
Được 6 tháng điều trị, bác sĩ cho đi kiểm tra lại. Qua nội soi và sinh thiết kỳ này, so với trước, kết quả khả quan hơn nhiều. Vết viêm loét ở hồi manh tràng hầu như gần hết, ruột sạch, không có các polyp dơ. Tôi tiếp tục kiên trì đến khám định kỳ hàng tuần, lấy thuốc về uống, và thực hiện tốt chế độ kiêng cữ trong ăn uống hàng ngày.
Trải qua khoảng 10 tháng trị bệnh, sức khỏe tôi gần như bình phục hoàn toàn. Các xét nghiệm y khoa cho kết quả rất tốt, không còn dấu hiệu của viêm loét hồi, manh tràng nữa.
Bác sĩ T.N.B. cho tôi ngưng thuốc điều trị, tăng cường uống thuốc nâng đỡ, hồi phục cơ thể, và từng bước cải thiện chế độ sinh hoạt, ăn uống bình thường.
Lần thứ hai trong cuộc đời, tôi được bác sĩ T.N.B. cứu sống. Công ơn như trời biển của bác sĩ chắc chắn suốt đời tôi không thể nào quên được.
Quay lại ngó nhìn các bạn bè vừa là đồng môn (cùng lớp Ăng-lê 615), vừa là đồng đội cùng nhau đi B2, các anh Nguyễn Hùng Trí, Nguyễn Gia Chăn và tôi, sau khi hòa bình được lập lại, tuy gặp nhiều khó khăn nhiều lúc không tưởng tượng cho nổi cả trong công việc làm tại cơ quan nhà nước lẫn trong cuộc chiến chống lại các căn bệnh hiểm nghèo, nhưng cuối cùng vẫn vượt qua được tất cả và duy trì được tốt trong quá trình hòa nhập cuộc sống của mình với cộng đồng. Riêng bạn Nguyễn Bùi Thuyên, mặc dù ngay sau khi thống nhất nước nhà, chúng tôi gồm Hùng Trí, Tiến Hùng, Bùi Thuyên đã thật hạnh phúc gặp lại nhau ngay tại chính căn nhà ở quê của Thuyên, hàn huyên đủ điều, ôn lại biết bao kỷ niệm ở B2, chuyện trò vui vẻ với cả vợ con Thuyên (lúc này Thuyên đã có ba cháu). Chúng tôi vui mừng thấy Thuyên khỏe mạnh, yêu đời, vẫn trong quân đội, mang hàm Thiếu tá, làm nghề thầy giáo dạy tiếng Anh tại một trường sinh ngữ trong quân đội. Ấy vậy mà, chỉ một hai năm sau, tôi nhận được tin bạn Bùi Thuyên bị bạo bệnh, đã vĩnh biệt chúng tôi và bạn bè thân yêu.
Nhiều người hỏi tôi sau khi hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, các anh, chị bạn bè của tôi, ngoài việc chiến đấu ngoan cường chống đủ loại bệnh tật nguy hiểm, còn đóng góp được nhiều cho dân, cho nước như trong thời còn chiến tranh nữa không?
Tôi không dám nói nhiều vì câu hỏi hơi tế nhị, khó trả lời một cách hoàn chỉnh và đầy đủ nhất. Thâm tâm tôi cho rằng làm ruộng, mò cua, bắt ốc hay làm bất cứ một công việc to hay nhỏ gì cũng được, vừa phù hợp với mình,vừa ích quốc, lợi nhà là tốt rồi, còn đòi hỏi gì nữa. Biết bao anh chị em, như trường hợp em On ở đại đội Trinh sát kỹ thuật Quân khu Sài Gòn – Gia định (T4), sau hòa bình, lập gia đình, sinh cơ lập nghiệp tại quê hương Bến Tre, gặp vô cùng khó khăn, đặc biệt trong số các cháu được sinh ra đời có một cháu bị chất độc da cam của Mỹ. Nhiều lúc anh chị em chúng tôi được gặp nhau hàn huyên, mỗi khi nghe nói đến hoàn cảnh của gia đình em On, chúng tôi lại ứa nước mắt.
Câu hỏi của anh bạn tôi chắc muốn tìm hiểu thêm sau hòa bình, có anh chị em nào trong chúng tôi được cử giữ trọng trách quan trọng trong bộ máy công quyền hay không?
Tôi không nắm được hết, chỉ xin phép nêu đích danh một vài anh chị đã từng đảm trách một số nhiệm vụ quan trọng sau khi thống nhất đất nước như sau:
Nhiều bạn bè, anh chị em, trước công tác ở Nam bộ (B2) tiếp tục đảm trách nhiều nhiệm vụ nặng nề như anh Nguyễn Bạch Vân (học khóa 2 Ban Anh văn) vẫn trong quân ngũ, làm Phó trưởng phòng Quân báo, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, rồi có thời gian làm Trưởng tùy viên quân sự Việt Nam ở Thái Lan. Bạn Nguyễn Hùng Trí chuyển ngành về công tác tại Bộ Ngoại Thương. Có thời gian Hùng Trí là Trưởng tùy viên thương mại Việt Nam tại Thái Lan, rồi nghe nói có thời về làm chuyên trách tại Vụ Quan hệ quốc tế của Petrolimex trước khi về hưu (năm 2002).
Anh chị em, bạn bè ở miền Bắc cùng học chung lớp Ăng-lê 615 (khóa 4 Ban Anh văn, học từ năm 1961 đến năm 1965) và một số anh chị học những lớp Anh văn của các khóa trước từ một đến hai năm, nhiều người được bổ nhiệm làm những trọng trách lớn, những chức vụ cấp cục, cấp vụ trong Bộ Tổng Tham Mưu hay trong Tổng Cục Chính Trị, đeo hàm đại tá và khi về hưu được hưởng chế độ cấp tướng như chị Lê Thị Thúy, anh Nguyễn Minh Y, hoặc anh Nguyễn Đăng Phúc, trước cùng đơn vị Trung đoàn 75 với tôi, sau hòa bình đảm nhiệm chức Trưởng tùy viên quân sự tại Đức. Thậm chí có anh học trước chúng tôi một hoặc hai năm như anh Lê Mai có thời là đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, rồi lên chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao, hoặc như anh Nghị có thời là Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, rồi tiếp theo còn làm trợ lý riêng cho một ông lãnh đạo cấp cao thuộc loại nhất, nhì trong nước.
Làm gì thì làm, tùy theo năng lực, đạo đức, được nhà nước tín nhiệm giao cho bất kỳ một chức tước gì dù lớn hay nhỏ, thì anh chị em chúng tôi phải tự xác định thật tốt và khi nhận công việc, phải bằng mọi giá hoàn thành nhiệm vụ, phải làm sao để khỏi hổ thẹn với những đóng góp của chính mình và anh em đồng đội trong cuộc chiến vừa qua, đặc biệt là đối với những bạn bè, đồng đội đã vĩnh viễn nằm ở một khu rừng heo hút nào đó của tổ quốc, đừng để vì đồng tiền vô hồn, vô cảm, vốn bản chất đã “rất lạnh”, “rất độc ác ”, làm hủy hoại cả một cuộc đời “đã từng có khoảng thời gian trong sáng, đẹp” của chính mình.
Tôi luôn hãnh diện và tự hào về tất cả anh chị em đồng môn, đồng đội của tôi từ Bắc chí Nam (đã nêu ở trên), có một cuộc sống đẹp, giữ được phẩm chất đạo đức, luôn hết lòng hết sức làm công việc của mình tốt nhất để phục vụ quê hương, đất nước.
Mặc dù trong thời hậu chiến, bất kỳ ai cũng vậy, do kinh tế khó khăn, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, bệnh tật liên tục hoành hành nhiều lúc đã tưởng phải dừng lại vĩnh viễn cỗ xe đã quá cũ đang trục trặc “lăn trên đường đời”, nhưng trong thâm tâm, anh chị em chúng tôi luôn ghi nhớ phải làm ráng làm thật tốt hai gánh nặng đang đè nặng trĩu trên vai:
Một gánh nặng dành lo cho gia đình và một gánh nặng dành cho sự nghiệp của cuộc đời mình. Hai gánh nặng này phải được phân biệt rõ ràng, minh bạch, không được vì thiếu cảnh giác, cái nọ trộn lẫn cái kia, làm mất phẩm chất, làm hư hỏng, biến dạng con người của chính bản thân mình.
Hai tấm hình đầy kỷ niệm với thầy hiệu trưởng Lý Hòa
Tác giả Nguyễn Tiến Hùng (trái) đang ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa với thầy cựu chiến binh – thương binh Lý Hòa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, vị Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 4 năm 1977 đến tháng 6 năm 1990.
(Chụp ngày 23 tháng 7 năm 2022 tại tư thất của thầy cô Lý Hòa)
Tác giả Nguyễn Tiến Hùng kính tặng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Lý Hòa và phu nhân cuốn sách Người lính nghiệp thầy.
(Chụp ngày 23 tháng 7 năm 2022 tại tư thất của thầy cô Lý Hòa)