Cuộc đời binh nghiệp và bệnh sốt rét rừng
Ngày 29 tháng 4 năm 1965, sau khi học xong đại học Ban Anh văn, Khoa Ngọai ngữ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi giã từ cuộc sống học đường, chấm dứt 15 năm tận hưởng một cách say đắm mỗi khi hoa phượng nở với bao kỷ niệm của tuổi thơ khó quên, để chính thức bắt đầu bước vào cuộc đời, và nghề đầu tiên chính là nghề lính trong khoảng 12 năm.
Hai tấm hình kỷ niệm trước và sau nhập ngũ
Tấm hình tác giả đang là sinh viên cuối năm thứ hai (năm học 1962 - 1963), Ban Anh Văn, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tấm hình kỷ niệm tác giả nhận quân hàm Chuẩn Úy sau khi tốt nghiệp đại học, được tuyển vào bộ đội ngày 29 tháng 4 năm 1965.
Từ năm 1965 đến 1967 tôi làm việc tại Phòng 75, Cục Tình Báo, Bộ Tổng Tham Mưu (còn gọi là Trung đoàn 75 trinh sát kỹ thuật) do Trung tá Đức Sơn phụ trách.
Khoảng tháng 12 năm 1967, tôi được điều vào chiến trường B2 (miền Đông Nam bộ và Đặc khu Sài Gòn – Gia Định), làm việc chủ yếu tại vùng giải phóng Củ Chi.
Từ năm 1969, tôi trở về làm việc tại căn cứ của Phòng Quân Báo Miền (R) ở vùng Móc Câu (biên giới Việt – Campuchia), phụ trách Trung đội Trinh sát kỹ thuật Mỹ (B3/C2 Trinh sát kỹ thuật Mỹ).
Nói đến Căn cứ Móc Câu là mọi người đều nhớ ngay đây là khu vực biên giới, nơi “rừng thiêng, nước độc”, nơi có những con suối nước trong vắt, nhưng chỉ bị trầy tay hay chân nhẹ thôi mà rửa nước suối này là bị làm độc luôn. Nơi đây đã chứng kiến biết bao anh em bộ đội từ miền Bắc hành quân sáu đến bảy tháng, có khi cả năm trời, vượt núi Trường Sơn vào Nam, chưa tham gia chiến đấu được bao nhiêu đã bị sốt rét ác tính “đánh gục”.
Nhiều đơn vị hành quân đến trạm tập kết cuối cùng bị rơi rụng khá nhiều, đã phải tổ chức, sắp xếp lại, củng cố lại tinh thần bộ đội, mới tham gia chiến đấu được (Sư đoàn 7, Sư đoàn 1 v.v…).
Chính tại căn cứ Móc Câu này, bản thân tuy có một thân hình khỏe, cường tráng, tuân thủ nghiêm túc quy định phòng bệnh sốt rét, uống thuốc Quinine, ngủ mắc mùng v.v…, nhưng tôi vẫn không thể nào thoát khỏi cuộc tấn công tàn ác của bệnh sốt rét rừng.
Những cơn sốt rét rừng bắt đầu tấn công tôi từ khoảng giữa năm 1969.
Một buổi sáng khi thức dạy, tôi cảm thấy nhức đầu, người ớn lạnh. Sau khi y tá cho uống quinine như thường ngày, tôi thấy người đỡ ngây ngất, khó chịu.
Triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, ớn lạnh sau này xuất hiện nhiều hơn. Ngồi làm việc, nhiều lúc người tôi như muốn rũ xuống, ngáp liên tục như thiếu ngủ.
Sau khoảng ba hay bốn tuần, tôi bắt đầu sốt cao, nhiều lúc cặp nhiệt lên đến 40 độ C. Khi sốt, người rét run, chịu không nổi, phải đắp tấm đắp, chùm kín đầu. Một lúc sau, người sốt cao cỡ 39 – 40 độ C, nóng hừng hực, ướt đẫm mồ hôi, mùi chua loét. Nằm co quắp khoảng ba giờ, nhiệt độ hạ, chỉ còn khoảng 38 độ C.
Thời gian này, tôi sốt liên tục, có khi ba đến bốn ngày mới dứt cơn sốt. Bác sĩ Tài của Phòng Quân Báo xuống khám bệnh cho tôi, ngoài uống thuốc đặc trị là Quinine, còn cho tôi uống một số thuốc bổ khác để nâng đỡ cơ thể.
Những lúc cơn sốt kéo dài, bác sĩ chỉ định chích Quinine Bleu cho nhanh dứt cơn sốt.
Những trận sốt rét như vậy dồn dập tấn công tôi.
Trước khi vào công tác ở B2, tôi đã được các bác sĩ trong đơn vị phổ biến về sự nguy hiểm của muỗi Anopheles. Loại muỗi này khi đốt người, sẽ truyền ký sinh trùng Plasmodium qua tuyến nước bọt vào bên trong cơ thể người và khu trú trong tế bào gan.
Sau đó loại ký sinh trùng sốt rét này phát triển, làm gan sưng to, phá hủy hồng cầu, gây sốt cao, nhiều khi biến chứng thành sốt rét ác tính, phá hủy, làm teo gan, lá lách bị sa, ảnh hưởng lớn đến các chức năng của não, tim, phổi, đến các cơ quan tiết niệu, làm bí tiểu hoặc đi tiểu ít, nước tiểu vàng, tiểu ra máu, da vàng như nghệ, và có thể dẫn đến tử vong.
Lý thuyết thì biết là như vậy nhưng khi bị sốt rét mới biết nó hành hạ và tàn phá cơ thể mình như thế nào!
Sau hơn một tháng bị sốt rét hành liên tục, nhiều lúc nhiệt độ gần ngưỡng 41 – 42 độ C, người tôi ốm rộc đi, da vàng ệch đến mức đi ra nắng nhìn hai cánh tay khẳng khiu thấy sợ.
Đặc điểm của đơn vị chúng tôi là phải làm việc 24/7 nhưng lại quá thiếu người. Một số sinh viên Ban Anh văn ở Hà Nội như các em Hưởng, Tờ, Huân, Huấn, Đản, Tửu, Hưng, anh Hoàng Đại Chúng (khá lớn tuổi, hình như sinh năm 1940), đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn tại trung đoàn 75, vượt núi Trường Sơn vào và em Linh, sinh viên từ Sài Gòn ra ngoài vùng giải phóng vào khoảng cuối năm 1969, chưa thực sự làm tốt được công việc, ngoại trừ hai anh em Lê Hiệp và Lê Xuân từ Sài Gòn ra ngoài vùng giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định vào khoảng cuối tháng 6 hay đầu tháng 7năm 1968, và sau đó đi cùng với tôi từ K26 (khu vực anh Sáu Cúc phụ trách ở ngoại thành Sài Gòn) về căn cứ Móc Câu là đã quen công việc. Tôi còn nhớ hai mẩu chuyện rất vui, vô cùng cảm động nhưng rất đỗi đời thường về hai anh em Hiệp và Xuân như sau:
Câu chuyện thứ nhất xảy ra vào sáng ngày đầu tiên hai anh em ra chiến khu.
Ngay sau khi ăn sáng trong gia đình và những thủ tục tiễn biệt hoàn tất, hai anh em Hiệp và Xuân dời căn nhà thân yêu tại đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, theo giao liên ra vùng giải phóng Củ Chi (thuộc tỉnh Gia Định). Anh Hùng sứt (lính của Phân khu 1) được cử đi đón hai anh em về căn cứ K26. Trên đường đi bộ về K26, hai anh em đã thấm mệt vì đoạn đường đi bộ vào khu Bến Súc (cặp sông Sài Gòn) khá dài. Đang thất thểu trên đường đất đỏ đi vào khu căn cứ, Hùng sứt đi sau hai anh em chĩa khẩu AK lên trời bắn một băng đạn làm hai anh em hết hồn, ngã xóng xoài ra đường. Hùng sứt cười hô hố, nói:
“Thử tinh thần của hai chiến sĩ giải phóng quân từ Sài Gòn ra xem sao! ”
Câu chuyện thứ hai xảy ra chỉ sau vài ngày Hiệp sống xa vợ con và gia đình.
Tối ngày thứ ba hay ngày thứ tư ở trong căn cứ Củ Chi (K26), đang ngồi cạnh tôi tập làm việc, Hiệp tâm sự:
“Mới xa nhà có mấy ngày mà nhớ nhà quá, anh Hùng ơi! Tôi nói thật với anh không phải tôi nhớ vợ đâu mà tôi nhớ con gái tôi khủng khiếp, tối không ngủ được, anh ạ!”
Tôi chẳng biết cách nói thế nào, chỉ mang chuyện của tôi nhớ nhà, nhớ cha mẹ ở Hà Nội ra sao kể cho anh nghe cho vui, làm sao có thể an ủi anh một phần nào cho đỡ nhớ nhà, nhớ vợ, nhớ con gái ở Sài Gòn.
Một số anh em khác như Trần Ngọc Lai, Uông Sĩ Hồng sau khi phục vụ tác chiến vào tháng 5 năm năm 1968 ở cánh Tây Nam Sài Gòn do anh Sáu Nam (tức Đại tướng Lê Đức Anh) chỉ huy, cũng bị xé lẻ. Ngọc Lai được điều sang công tác tại T7 (Biên Hòa - Bà Rịa), còn Sĩ Hồng tiếp tục đi phục vụ tiền phương.
Chính vì vậy, anh em chúng tôi,do lực lượng ít lại phải trải rộng đi phục vụ nhiều nơi, nên phải làm việc cật lực, không kể ngày đêm. Ai bị sốt rét hành, rét run cầm cập thì nằm võng tại chỗ, chùm mền, ráng chịu. Anh bạn làm việc bên cạnh bao việc luôn, có khi nghe tin tức địch hành quân, ném bom, bắn phá từ hai máy, thậm chí đến ba máy thu phát sóng cực ngắn PRC25.
Do nhu cầu phải có tin tức tình báo quân sự chính xác để phục vụ chỉ huy tác chiến, các thủ trưởng Phòng Quân Báo R lệnh cho bác sĩ Tài chăm sóc đặc biệt sức khỏe để chúng tôi có thể tiếp tục làm việc. Có lần bác sĩ ghé thăm, khám bệnh cho chúng tôi, động viên tôi, Hiệp và Xuân mặc dù sốt cao liên tục, nhưng chỉ là sốt rét thể thông thường, chưa có triệu chứng xuất hiện biến chứng.
Tuy từng đợt sốt đã dứt được cơn nhưng da vàng nhiều, tay bị ghẻ nặng, mưng mủ nhiều là do sốt rét tác động đến gan. Riêng tôi, gan bị sưng hơi to, lá lách bị sa nhiều. Cả ba anh em tôi phải uống thêm thuốc trợ gan. Biết là bệnh nặng, nhưng ba anh em chúng tôi vẫn làm việc, không nghỉ ngơi.
Tay ghẻ sưng, mưng mủ, đau vô cùng nhưng cả ba anh em vẫn xin y tá băng gạc bó tay lại cho đỡ đau để có thể viết được khi ngồi làm việc.
Sức khỏe của con người có hạn. Anh em chúng tôi làm việc liên tục, không nghỉ ngơi. Sốt rét liên tiếp tấn công hết đợt này đến đợt khác, ăn uống kham khổ, nhiều lúc cả ba anh em tôi muốn quỵ.
Sau hơn ba tháng bị sốt rét tấn công liên tục, sức khỏe tôi yếu dần, xuất hiện những biến chứng không lường trước được như gan bị sưng to, lá lách bắt đầu sệ xuống nhiều hơn.
Lúc này Sĩ Hồng đã về bổ xung cho đơn vị. Thấy có thêm anh em mới ở tiền phương về, bác sĩ Tài đề nghị cho tôi đi điều trị gấp tại Bệnh viện K71C (chốt trong một khu rừng ở đất Campuchia, phía bắc Kà Tum). Anh em trong đơn vị C2 chuẩn bị đồ đạc và cáng tôi đến bệnh viện.
Đi điều trị bệnh sốt rét rừng tại bệnh viện K71C
Bệnh viện do bà Bảy Cam làm giám đốc, nằm trên một khu rừng không quá rậm rạp, khoảng ba đến bốn tầng cây, phía dưới đã được dọn sạch sẽ. Anh chị em trong bệnh viện đã làm sẵn trong từng lán bệnh có những cọc cây tươi được cột với cây lớn bằng những sợi dây rừng còn tươi để anh em bệnh binh mắc võng. Phía trên giữa hai cây lớn cũng được một dây rừng còn tươi cột chặt để nối hai cây cho anh em căng tấm bạt làm mái (một tấm ny-long lớn làm mái che mưa, nắng trong quá trình điều trị).
Thực ra trong đời người lính chiến ở vùng sông nước Nam bộ, ước ao của anh chị em giải phóng quân luôn là được trang bị thật gọn nhẹ, đồ đạc đi hành quân luôn có thể mang theo người, khỏi phải nặng nề, cồng kềnh, chẳng hạn như chiếc võng may bằng vải nylon; tấm đắp dù (thực ra là miếng vải dù mỏng loang lổ của lính Mỹ vứt lại sau mỗi cuộc hành quân, được cắt ra từng miếng vừa để dùng làm tấm đắp khi đi ngủ, vừa để ngụy trang trên đường hành quân ra mặt trận hay đi tải gạo…); ca inox ăn cơm và bình toong đựng nước uống bằng inox của lính Mỹ. Khi dùng xong, cho bình toong và chiếc muổng inox lớn của Mỹ vào trong ca, rồi đeo vào một thắt lưng lính lớn (còn gọi là ceinturon) ở ngang bụng cùng với khẩu súng ngắn (nếu là sĩ quan) và chiếc võng ny-lon được gấp gọn gàng cùng với tấm vải dù cột luôn vào thắt lưng. Như vậy tất cả hành trang của người lính chiến gọn gàng trên một thắt lưng to bản của lính Mỹ, đâu phải mang vác nặng nề như chiếc võng ka-ki nặng hơn ký lô, tấm đắp bằng vải dầy nặng gần một ký lô, chén sắt, muổng ăn cơm và bình toong uống nước của Trung Quốc hoặc của Liên Xô.
Gặp mưa gió, các đồ hành trang nhẹ cũng vô cùng thuận tiện, dễ khô, đỡ cho cuộc sống của anh chị em trong rừng rất nhiều, nhất là trong mùa mưa.
Hành trang của lính giải phóng cũng vô cùng hữu dụng khi có sự cố xảy ra. Chẳng hạn, nếu lính ta hy sinh trong chiến đấu (gọi là liệt sĩ), hay chết trên giường bệnh (gọi là tử sĩ), những dụng cụ mang theo trên người lính được sử dụng cho việc mai táng (chiếc võng ny-lon để cuốn gói tử thi và những kỷ vật còn lại (nếu có); tấm bạt nylon làm mái che khi đi hành quân trở thành lớp ny-lon ngoài khá chắc chắn để bọc tử thi một lần nữa, rồi lấy dây dù cột cho chặt trước khi đưa đi chôn cất. Những ước ao đơn giản trên của người lính chiến thật cảm động. Nhiều lúc tếu táo, anh em chọc chị em giải phóng quân như sau:
Cầm đi em chiếc cai-nốc,
Chiếc khăn dù và chiếc võng ny-lon
Khi nhập viện, tôi được đưa xuống lán đặc biệt để các bác sĩ tiện theo dõi.
Lúc này tôi sốt li bì, mê man, không dứt nổi cơn sốt, người rất mệt. Anh em bệnh binh cùng lán rất thương nhau (hầu hết anh em hành quân liên tục từ 6 đến 7 tháng, có người đến cả năm, vượt được núi Trường Sơn đến ngã ba Tam Biên đã bị sốt rét liên tục tấn công hàng tháng rồi). Thấy tôi bệnh nặng, họ chặt cho tôi một cây gậy bằng trúc để chống, thuận tiện cho sinh hoạt cá nhân.
Ở lán tôi, suốt đêm tôi nghe tiếng rên la. Nhiều anh em trẻ tuổi hơn, bị sốt rét hành, chịu không nổi, ăn uống không được, cứ nôn mửa liên tục, rồi thiếp dần đi, trông rất đáng thương.
Nằm cạnh tôi là anh Đài, đại đội bậc phó (tương đương với cấp bậc Thiếu úy), nằm viện được gần năm tháng rồi, bệnh tình không thuyên giảm, gần đây có nhiều biến chứng khá nguy hiểm.Anh sốt cao liên tục, lúc tỉnh, lúc mê, nhiều hôm anh kêu đau đầu, chịu không được. Tôi khỏe hơn anh, thường hay nói chuyện với anh, động viên anh ráng ăn cơm để chống chọi với bệnh sốt rét quái ác này. Đôi lúc tôi sang giúp anh, bóp đầu cho anh đỡ nhức nhưng cũng chẳng có tác dụng nhiều, chủ yếu là chăm sóc thể hiện tình cảm bạn bè lính, động viên nhau là chính.
Trong thời gian nằm điều trị, có lần tôi sốt mê man gần hai tuần, cặp nhiệt mút luôn ống thủy ngân (chắc phải trên 42 độ C), uống thuốc, rồi chích thuốc liên tục cũng không giảm nhiệt độ. Bác sĩ điều trị cũng không hiểu tại sao sốt mê man lâu vậy mà không cắt cơn.
Một buổi tối, tôi đang nằm mơ màng, thấy ngứa ở chỗ kín (vùng bẹn). Tôi lấy tay sờ xem thì thấy một cục tròn khá lớn. Lấy đèn pin soi, tôi thấy cục đó đen thui, bóng nhẫy. Tôi dám chắc đây là con ve rừng. Chính con ve rừng (giống như con ve chó, nhưng lớn hơn) đã hút máu tôi nhiều ngày rồi. Tôi quyết định dùng tay bứt con ve rừng khủng khiếp này và giết nó. Không thể nào tưởng tượng cho nổi, khi giết con ve, máu ra rất nhiều.
Sau khi giết xong con ve rừng, tôi ngủ thiếp đi, và vô cùng ngạc nhiên, sáng sớm lúc 5g30, y tá đi kiểm tra, đo thân nhiệt, thấy nhiệt độ của tôi đã giảm nhiều. Các bác sĩ điều trị vô cùng mừng rỡ khi thấy tôi bước đầu dứt được cơn sốt nhiệt độ cao đã kéo dài nhiều ngày.
Điều trị tại bệnh viện khoảng hai tháng, bệnh tình tôi không thuyên giảm nhiều. Gan vẫn sưng to, lá lách vẫn sa xuống nhiều, sốt vẫn liên miên, nhiệt độ vẫn cao, bệnh sốt rét của tôi chưa đến thời kỳ ổn định. Nhiều lần do sốt ly bì, tôi ít chịu đi lại, chân có nguy cơ bị teo.
Cô Vân, y tá phụ trách lán tôi đang điều trị, la lên:
“ Anh là sĩ quan phải đứng dậy, tập đi không bị teo cơ, không đi được đâu. Anh phải làm gương cho anh em bệnh binh trẻ noi theo chứ!”.
Tự ái, tôi chống gậy đứng dậy để tập đi, nhưng do đứng không vững, bị té nhào, không ngồi dậy nổi.
Cô y tá và anh em trẻ còn khỏe chạy ra dìu tôi về võng nằm. Hú vía! Thế là từ đó tôi tập đi chậm rất nghiêm túc mỗi khi có thể, và cũng ráng ăn cơm để lấy sức trị cơn bệnh sốt rét rừng quỷ quái này.
Viết đến đây tôi lại nhớ những ngày sốt liên miên, ly bì, không ngóc đầu dậy được, mồm lúc nào cũng nhạt nhẽo, ăn uống không được, nhưng tôi luôn giữ lại ca inox của lính Mỹ đầy ắp cơm với muối tiêu (muối được phát đi hành quân vào Nam), treo ở đầu võng cùng với bình toong inox (anh em đi chiến đấu lấy được của lính Mỹ cho tôi) đựng đầy nước sôi để nguội. Lúc nào nhiệt độ giảm, người tỉnh hơn, tôi lại súc vài ba muổng cơm nguội ăn, uống nước chín trong bình toong, để phục hồi lại sức sau những cơn sốt rét hành hạ liên tục ngày, đêm.
Đây cũng là bí quyết tôi luôn tuân thủ trong điều trị bệnh suốt đời tôi:
“Ăn cơm, không ăn cháo. Cơm nguội, muối tiêu, chán ăn vẫn phải nuốt bằng được, không nhiều thì ít, nhưng phải ráng tạm đủ nuôi cái dạ dày. Sốt cao, mệt rã người, ói, mửa, không ăn được thì cũng phải cất cơm đi, để khi hạ sốt còn có cái ăn cho đỡ đói và phục hồi sức khỏe”.
Nhiều anh em khi lên cơn sốt cao, bỏ ăn cơm, cháo cũng không đụng tới, xuống sức rất nhanh. Anh bạn Đài nằm bên cạnh tôi cũng vậy. Chẳng trách anh ấy được vì anh ấy có nhiều triệu chứng bệnh nặng hơn tôi. Nhiều lúc anh ăn không được, ói mửa liên tục, đầu nghẹo xuống, trông rất đáng thương. Ấy vậy mà lúc tỉnh, anh ấy luôn động viên tôi:
“Hùng ơi, ráng ăn cho khỏe để chóng khỏi, đánh xong giặc, còn về quê chứ mày!”
Nằm điều trị sang tháng thứ ba, tôi lại sốt mê man, cặp nhiệt nhiều lúc mút luôn ống thủy. Bệnh tật như vậy, nhưng tôi cứ đi lang thang từ lán này sang lán khác, rủ anh em bệnh binh khác đi chơi, đánh cờ, rồi nghêu ngao làm thơ, ngâm thơ như thằng điên. Các bác sĩ cho tôi đã có những biểu hiện biến chứng rối loạn ý thức (sốt rét tâm thần).
Anh Đài lúc này sốt cao liên miên, ăn uống không được, ói mửa liên tục. Nhưng lúc anh tỉnh, luôn nhìn tôi ái ngại, gọi tôi:
“Hùng ơi! Lấy cơm của tao mà ăn đi cho chóng khỏe. Tao không ăn được đâu. Bỏ phí lắm, mày ơi!” (thời gian này do bệnh quá nặng, anh Đài được ăn chế độ “đặc biệt”, lúc nào cũng có thịt, có rau tươi, có canh thịt bằm rất ngon).
Tuy sốt có những triệu chứng sốt rét tâm thần đáng ngại, nhưng tôi vẫn còn tỉnh chưa đến nỗi lẫn hẳn, vẫn còn giữ được nguyên tắc “ăn cơm” để chống lại “thằng sốt rét rừng quái ác”, nên tôi lấy cơm của anh Đài ăn một cách ngon lành. Khoảng hai ba ngày sau, một đêm anh Đài la lên, kêu đau đầu dữ dội, áp huyết tăng đột biến, rồi thiếp dần. Các y, bác sĩ, y tá chạy xuống tập trung cấp cứu, nhưng anh không qua khỏi.
Ước vọng của anh Đài phấn đấu khỏi bệnh, về đơn vị chiến đấu, và đến khi hết chiến tranh, được trở về quê với cha mẹ, vợ con không thể nào thực hiện được nữa!
Bước sang tháng thứ tư sống ở bệnh viện, tôi đỡ hơn nhiều, không còn đi lang thang, ngâm thơ và hát lung tung nữa. Những cơn sốt vẫn còn, nhưng không còn cao đến mức cặp mút ống nhiệt, mặc dầu gan vẫn sưng và lá lách vẫn bị sa nhiều, đi lại khó khăn. Các bác sĩ khám bệnh cho tôi uống thuốc nâng đỡ cơ thể nhiều hơn, tăng cường tập thể dục nhẹ nhàng để chóng hồi phục sức khỏe.
Khoảng cuối tháng thứ tư, tôi đã khỏe hơn nhiều, dứt được cơn sốt liên miên, kéo dài nhiều ngày.Tuy đôi lúc còn sốt, nhưng nhiệt độ không cao như trước.Thỉnh thoảng mới lên đến 40 độ C.
Muỗi sốt rét Anopheles
Con ve rừng
Một hôm, anh em ở đơn vị đi tải gạo về, ghé ngang thăm tôi. Gặp đồng đội mừng không kể xiết vì cả bốn tháng trời tôi đâu có gặp anh em đồng đội cùng đơn vị. Anh chị em nói đã ghé qua thăm tôi khoảng ba hay bốn lần gì đó, nhưng những lúc đó tôi sốt rất cao, sốt mê man, không biết gì cả.
Anh chị em cho hay anh em bên kỹ thuật Mỹ như Sĩ Hồng, Hiệp, Xuân bệnh liên tục, làm việc vất vả lắm. Tuy đã bổ xung thêm một vài sinh viên tiếng Anh từ miền Bắc vào, và em Linh, sinh viên từ Sài Gòn ra chiến khu, nhưng anh em vẫn chưa quen công việc, còn phải ngồi, trực tiếp kèm cặp. Nghe thấy vậy, lòng tôi nóng như lửa đốt, chỉ muốn trở về đơn vị công tác ngay cho anh em đỡ vất vả.
Tôi đề đạt nguyện vọng xin về đơn vị công tác với bác sĩ phụ trách. Anh hoàn toàn thông cảm, giải quyết cho tôi về đơn vị nhưng không quên dặn dò sức khỏe tôi còn yếu lắm, đừng chủ quan. Thế là sau khoảng bốn tháng nằm điều trị sốt rét rừng ở bệnh viện, tôi đã được trở lại làm việc với anh em trong Trung đội Trinh sát kỹ thuật Mỹ (B3/C2 TSKT).
Mặc dù sống và làm việc ngay chính tại vùng biên giới Móc Câu, xứ sở nổi tiếng của các loại “sốt rét ác tính, sốt rét tâm thần”, thông thường khoảng dăm bữa hoặc nửa tháng, anh em trong đơn vị chúng tôi lại bị sốt rét hành hạ, có lúc nhiệt độ khá cao (khoảng 40 – 41 độ C), nhưng có lẽ một phần do đã quen bị sốt rét “bầm dập” cả năm trời và một phần nào chắc do cơn sốt đã bước dần vào thời kỳ ổn định, nên chỉ một vài ngày sau đã cắt được cơn sốt, lại hăng say lao vào làm việc, không còn tình trạng mê man dài ngày, triền miên như trước.
Chính trong hoàn cảnh của thực trạng cuộc sống ở trong rừng như vậy, bị sốt rét hành hạ liên tục, nhưng anh em chúng tôi không hề có sự phân công, tự động người khỏe giúp đỡ người yếu hơn trong cuộc chiến chống bệnh tật, thậm chí làm giúp công việc của anh em sức khỏe yếu hơn không hề so đo, than vãn một chút gì, và chính trong thực tiễn của một quá trình sống và làm việc trong gian khổ, thiếu thốn đủ mọi thứ, sốt rét hành lên hành xuống ngày này sang tháng khác, nhưng lại luôn thấm đậm tình người, anh em chúng tôi sống chan hòa trong tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, và biết bao kỷ niệm đẹp nở rộ trong cuộc đời người lính được hằn sâu trong tiềm thức, làm sao chúng tôi có thể quên cho được.
*Một vài những kỷ niệm đẹp của anh em trinh sát kỹ thuật Mỹ trong cuộc chiến vừa chống giặc “sốt rét”, vừa chống giặc ngoại xâm
1) Chén canh rau rừng ngon nhất trên đời
Tôi còn nhớ có lần đi thơ thẩn quanh hầm làm việc trong rừng, tôi tìm ra một ổ nấm mối. Tôi hái nấm và một ít rau kim cang rừng về nấu canh trong chiếc ăng- gô để ăn thêm buổi trưa. Trước khi ăn, tôi có nêm một chút bột ngọt và nước mắm khô tôi được cấp trong tiêu chuẩn của lính vượt Trường Sơn vào công tác ở Nam bộ. Ba anh em gồm tôi, Hiệp và Xuân ngồi ăn cơm, sì sụp húp canh. Hiệp, một công tử Sài Gòn trước khi ra ngoài khu đã từng có xe hơi riêng, nói :
“Cả đời mình chưa bao giờ được ăn một tô canh ngon như thế này, anh Hùng ạ!”
Mỗi lần cứ nghĩ đến từng anh chị em trong trung đội trinh sát kỹ thuật Mỹ, tôi không khỏi xúc động vì từng hoàn cảnh riêng, mỗi người một vẻ khác nhau, nhưng anh chị em luôn đoàn kết thương yêu nhau, nhất là trong lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.
2) Tình yêu mộc mạc, chân tình và đẹp như tiểu thuyết của chàng sinh viên Hà Nội
Làm sao tôi quên được mối tình vô cùng cảm động của em Vũ Tôn Đản với cô bạn học cùng lớp trong Khoa Tiếng Anh ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mỗi một bức thư nhận được của người yêu, Đản coi như một báu vật thiêng liêng, luôn mang giữ theo người. Để thưởng thức đầy đủ thi vị của tình yêu, Đản và người yêu đã nghĩ ra cách viết thư riêng theo kiểu vòng tròn, từ tâm điểm vòng ra ngoài với nhiều vòng tròn khác nhau. Như vậy, khi đọc thư của người yêu từ Hà Nội gửi vào, Đản nằm võng, tay xoay vòng tròn từ trong ra ngoài để đọc. Thế là bức thư tình được đọc theo kiểu như quay vô-lăng xe hơi làm Đản say mê, thích thú! Tiếc rằng sau này khi tôi xuống công tác ở khu Sài Gòn – Gia Định, anh chị em cho tôi hay Đản và đơn vị của em xuống gần chỗ tôi công tác bị lính Mỹ phục kích, và tôi không còn dịp được gặp lại em nữa.
3) Đến tình yêu kịch nghệ của chàng sinh viên đất Bắc
Ngoài công việc trinh sát kỹ thuật Mỹ hàng ngày, em Đại Huân say mê sáng tác khá nhiều vở kịch ngắn để biểu diễn trong đơn vị mỗi khi có liên hoan đến mức độ khi bị sốt rét biến chứng, em không kêu ca, than vãn . Mặc dù đau đớn do bệnh tật hành hạ, em không bao giờ bỏ phiên làm việc, âm thầm chịu đựng, không hề nói đến nửa câu, da vàng như nghệ.
Một hôm tôi thấy Huân có vẻ đuối sức, ngồi làm việc nhưng hơi khác thường, thở hổn hà hổn hển. Đã từng ở trong bệnh viện cả ba đến bốn tháng trời, tôi biết đây là hiện tượng chẳng lành. Tôi cho gọi cô y tá Liên, yêu cầu cáng Huân đi cấp cứu gấp, không được chủ quan để điều trị tại đơn vị.
Huân nói giọng thều thào, không muốn đi bệnh viện, nhưng tôi kiên quyết bắt Huân phải đi. Khi tới bệnh viện K30, các bác sĩ hội chẩn đi, hội chẩn lại khá nhiều lần (có mời cả bác sĩ ở tuyến trên ở bệnh viện K71A đến cùng hội chẩn) và cuối cùng đưa ra kết luận gan của em bị teo toàn bộ, không thể chữa được, chỉ còn có thể nằm thoi thóp chờ đợi giây phút“quy tiên”.
Đây là sự kiện thứ hai (sau trường hợp của anh bạn Đài bị mất vì sốt rét ác tính ở bệnh viện K71C) tôi được tận mắt chứng kiến về một kết quả thảm khốc của bệnh sốt rét rừng.
4) Chuyện hai anh em sinh viên “con nhà giàu” từ Sài Gòn ra chiến khu
Câu chuyện về hai anh em Lê Hiệp và Lê Xuân từ Sài Gòn ra chiến khu gia nhập quân giải phóng đã để lại trong tâm khảm tôi những ấn tượng vô cùng sâu đậm, khó có thể quên trong cuộc đời của tôi.
Sau khi hòa bình lập lại, tôi thật hân hạnh được đến thăm gia đình của ông chủ Hãng sơn Hồng Ký ở đường Trần Hưng Đạo, ngay kề sát Nha Cảnh Sát Đô Thành Sài Gòn. Ông chính là một cán bộ tình báo của ta, người đã từng hoạt động nhiều năm trong nội thành với vỏ bọc là một nhà tư sản nổi tiếng trên thương trường Sài Gòn. Điều vô cùng đặc biệt là ông chính lại là cha ruột của hai anh em Lê Hiệp và Lê Xuân, anh ruột của người bạn thân của tôi là anh Nguyễn Ngọc Lục tại trường Trung học Chu Văn An Hà Nội (anh Lục được bác Hồng Ký cho vượt vĩ tuyến 17 ra miền Bắc chắc vào khoảng cuối năm 1956, vì năm 1958 tôi đã học cùng lớp 7K với anh).
Thực ra, trước khi vào vùng giải phóng Sài Gòn- Gia Định (cuối tháng 6 hay đầu tháng 7 năm 1968), anh Lê Hiệp đã lập gia đình và đã sinh được một cháu gái. Tôi được nghe kể lại rằng để che mắt cảnh sát và mật vụ Sài Gòn, bác Hồng Ký đã có ý định cho Hiệp đi du học ở Pháp. Nhưng có lẽ chuyện Hiệp lập gia đình sớm và có con gái đầu lòng làm kế hoạch bị đảo lộn. Bác quyết định bí mật đưa hai anh em Hiệp và Xuân vào vùng giải phóng để tránh cảnh bị “bắt lính” của quân đội Sài Gòn.
Trước khi vào vùng giải phóng, anh Lê Hiệp là cánh tay đắc lực của bác Hồng Ký trong làm ăn, buôn bán ở Sài Gòn. Anh có một chiếc xe hơi riêng để giúp bác thuận tiện trong công việc kinh doanh.
Những ngày đầu tiên, khi gặp hai anh em Lê Hiệp, Lê Xuân ở Củ Chi (khu vực K26 do anh Sáu Cúc phụ trách), tôi đã có một ấn tượng đẹp về hai anh em, về những thanh niên trí thức của thành phố Sài Gòn, một thành phố tôi đã từng được sống và được toại nguyện làm những công việc tôi yêu thích trong 55 năm qua.
Qua quá trình làm việc cùng hai anh em Hiệp và Xuân tại đơn vị trinh sát kỹ thuật Mỹ, cùng chung lưng đấu cật với nhau trong những ngày khó khăn gian khổ nhất trong cuộc đời “lính giải phóng”, tôi rất cảm phục tinh thần chịu đựng gian khổ, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn của anh em Hiệp, Xuân không những trong những ngày anh em chúng tôi cùng nhau chịu đựng sự hành hạ của bệnh sốt rét, hai bàn tay bị ghẻ mưng mủ do bệnh đau gan gây ra, nhiều lúc phải quấn băng để làm việc suốt ngày đêm tại “chốn rừng thiêng nước độc Móc Câu”, mà tinh thần ấy còn được thể hiện thật đáng trân quý qua cuộc chạy giặc Mỹ càn “nhớ đời” vào tháng 4 năm 1970.
Từ đầu năm 1970, Sư đoàn 1 kỵ binh không vận Mỹ (The First US Cavalry Devision) kết hợp với các đơn vị VNCH tổ chức liên tiếp các cuộc hành quân để đẩy các đơn vị quân giải phóng ra khỏi vùng biên giới Việt Nam – Campuchia thuộc tỉnh Tây Ninh. Đơn vị trinh sát kỹ thuật Mỹ lảm việc suốt ngày, đêm phục vụ cho các đơn vị tác chiến.
Vào một buổi sáng sớm của một ngày khoảng giữa tháng 4 năm 1970, máy bay L19 trinh sát trên cao, phát hiện đơn vị quân giải phóng đang di chuyển, Mỹ điều rất nhanh tiểu đoàn 1/12 Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ đổ bộ xuống dọc đường lộ để tổ chức các chốt chặn, đón lõng, nhằm chia cắt, tiêu diệt đơn vị quân giải phóng. Các cụm pháo hỏa lực và không quân oanh kích, thả bom liên tục yểm trợ cho cuộc hành quân.
Thực ra đây chính là thời điểm anh chị em thuộc đại đội 2 Trinh sát kỹ thuật đang hành quân lên căn cứ mới. Cả đơn vị hành quân ròng rã suốt một đêm không nghỉ, trong đó đại đa số anh em trinh sát kỹ thuật Mỹ thức trắng đêm, làm việc không hề nghỉ ngơi cả ba đến bốn ngày liền trước đó. Lúc đó, Uông Sỹ Hồng được cử đi điều nghiên thực địa với đại đội phó C2 Tám Lượng để xây dựng căn cứ mới. Số anh em còn lại phục vụ chiến đấu ở ngay căn cứ Móc Câu như tôi, Hiệp, Xuân và một số anh em sinh viên khác được đào tạo cơ bản từ trung đoàn 75 ở Hà Nội mới vào như Huân, Tờ, Hưởng, Đản, Huấn, Tửu, Cự, Đức, Bảo, Nhiếp, Chúng v.v…đã thực sự đuối sức. Tất cả anh em chúng tôi ráng mọi cách, tiếp tục vừa lết từng bước theo đoàn, vừa còng lưng mang theo trên 20kg trên người, gồm chiếc máy PRC-25, ruột tượng gạo và súng đạn. Chiều tối, chúng tôi nghỉ dã chiến ở một khu rừng cho lại sức. Sáng hôm sau, liên lạc Phòng Quân báo ra đón chúng tôi, dẫn về căn cứ mới ở khu vực Đầm Rây-phông, thuộc địa phận tỉnh Cần Ché (tỉnh Kratié thuộc nước Campuchia).
Điều làm tôi vô cùng xúc động khi thấy trong lúc chạy giặc không vận Mỹ càn, hầu hết anh em trong Trung đội trinh sát kỹ thuật Mỹ thể hiện rõ nét trên từng khuôn mặt hốc hác là sức lực đã cạn kiệt, cần phải được nghỉ ngơi. Ấy vậy mà, trong những lúc khó khăn, gian khổ như vậy, tình anh em, đồng đội thương yêu, đùm bọc lẫn nhau lại được đơm hoa, kết trái, nổi bật lên thật vô cùng trân quý, chẳng hạn như các em Đản, Huấn, Bảo…nhờ rèn luyện có sức khỏe tốt hơn, tự nguyện chạy lại mang giúp đồ đạc các em yếu sức khỏe hơn, thậm chí có em còn mang liền một lúc hai máy PRC-25 (một cái đeo trước ngực, một cái đeo sau lưng), ruột tượng gạo, súng đạn v.v…, rồi lại còn dìu đồng đội yếu sức hơn, động viên nhau tiếp tục lết theo đoàn cho đến điểm tập kết cuối cùng của cuộc hành quân.
Tóm lại, tinh thần tương thân tương ái, tình thương yêu đồng đội coi nhau như anh em ruột thịt trong nhà, luôn hết lòng hết sức giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn, không bao giờ có biểu hiện so đo hơn thiệt, so bì người này làm ít, kẻ kia làm nhiều, nổi bật thật đẹp trong nội bộ anh em lính trinh sát kỹ thuật Mỹ.
Tinh thần đáng trân trọng trên lại càng được gia cố bền vững và phát triển tốt đẹp, nhất là sau khi ổn định cuộc sống và làm việc ở khu căn cứ mới, đơn vị được bổ xung thêm nhiều anh chị em từ khắp nơi trên chiến trường về, cụ thể từ cụm điệp báo A54 của anh Tư Sắc (gồm các em sinh viên, học sinh gái hoạt động điệp báo từ Sài Gòn lên chiến khu như Trúc Giang, Bé Chín, Bé Mười), từ bên Cục Chính trị chuyển qua như Bật, Cường, Ứng, Năm, Vỹ, từ các cơ sở của kiều bào ta ở Phnom Penh xuống như Ía, Léng và Kim Huê.
Đây thực sự là một nguồn động viên lớn, một sức mạnh tổng hợp của một tập thể “muôn người như một” khó có thể tìm thấy trong cuộc sống đời thường như hiện nay, và chính nhờ nguồn nội lực trong tập thể đơn vị, tôi đã vươn lên mạnh mẽ, đạp bằng mọi khó khăn tưởng chừng khó có thể vượt qua, cùng anh chị em thân yêu hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề cấp trên đã tín nhiệm giao phó cho tập thể lính trinh sát kỹ thuật Mỹ chúng tôi.
Riêng với hai anh em Lê Hiệp và Lê Xuân, tôi luôn suy nghĩ cả ba chúng tôi giống nhau là những chàng công tử ở thành phố, được cưng chiều từ nhỏ, được cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ chu đáo, được đi học từ lúc tuổi ấu thơ (từ 6 tuổi), nhưng tôi đã kinh qua nhiều trải nghiệm trong lao động thực tiễn trên các công, nông trường, được rèn luyện nghiêm túc ở chốn học đường tại Hà Nội, còn hai anh em Hiệp, Xuân chưa hề phải mó tay làm bất cứ công việc gì vất vả cả, vì nhà ở Sài Gòn đã có kẻ hầu, người hạ.
Rõ ràng trong một chừng mực nhất, ai cũng thấy rõ trên thực tế, tôi và hai anh em Lê Hiệp và Lê Xuân đã có sự khác biệt lớn, và chính sự khác biệt này là cơ sở cho phép tôi đánh giá tất cả mọi chuyện tôi đã cố gắng làm và những trải nghiệm gọi là “xương máu” tôi đã từng trải qua là “bình thường” , còn với hai anh em Hiệp, Xuân, những công việc hai anh em đã cố gắng và đã làm tốt trong suốt tám năm ròng ở chiến trường B2 là “phi thường”
Một số anh em sinh viên, học sinh từ Hà Nội vào, từ Sài Gòn ra, được biên chế trong Trung đội Trinh sát kỹ thuật Mỹ.
-Từ trái qua phải: hàng đứng Lê Hiệp, Linh (mặc áo trắng) và hàng ngồi từ trái qua, người đầu tiên là Lê Xuân. Đây chính là ba sinh viên, học sinh đầu tiên từ Sài Gòn lên căn cứ BTL Miền (R)
(Hình chụp năm 1972)
5) Chuyện bạn Hùng Trí và anh em Trinh sát kỹ thuật Mỹ
Anh chị em trong đơn vị Trinh sát kỹ thuật Mỹ nói đùa với tôi:
“Bọn em coi anh Hùng Trí như người nhà mình từ lâu rồi, anh Hùng ạ!”
Tôi nói với các em rằng câu nói đó phải khai căn bình phương, nửa đúng và nửa không đúng.
Tại sao bạn Hùng Trí được các anh, các chị Phòng Quân báo quý mến?
Tháng 12 năm 1967 tôi mới vào tới căn cứ ở B2. Ngay thời gian này, Hùng Trí đã biệt phái từ Phòng Binh vận, Cục Chính Trị sang công tác một thời gian ở Phòng Quân báo. Tri sang cùng làm việc với tổ trinh sát kỹ thuật (trong đó chủ yếu có chị Chín Chi (là điệp viên từ Sài Gòn ra) và anh Tám Lượng là chính. Anh Bạch Vân có xuống tham gia), chủ yếu theo dõi phản ứng của Mỹ sau khi ta đánh Bù Đốp. Các anh và chị Chín Chi nghe trực tiếp qua máy bộ đàm PRC 25 để theo dõi sự liên lạc giữa các sư đoàn 1 Anh cả đỏ, sư đoàn 25 tia chớp nhiệt đới của Mỹ với không quân và giữa không quân Mỹ với nhau trong chiến dịch. Chính trong kỳ đi biệt phái này, Hùng Trí bắt nhịp rất nhanh với tổ trinh sát kỹ thuật, và nghe Trí nói, chính bạn phát hiện ra tiếng lóng của Mỹ khi báo tọa độ ném bom B52 trên mạng với cụm từ “Heavy Artilery Warning at coordinate…” tức là (cảnh báo pháo hạng nặng bắn tại tọa độ…). Trí nêu nghi ngờ và báo cáo ngay lên cấp trên. Đúng 20 phút sau, pháo đài bay B52 bỏ bom chính xác vào tọa độ đó. Như vậy, nếu ta nắm được thông báo như vậy, bộ đội ta có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh được thương vong đáng tiếc.
Sau đợt biệt phái này, anh Năm Bích rất quý Hùng Trí. Ngay khi tôi vừa chân ướt chân ráo đến B2, anh Năm Bích biết tôi là bạn rất thân với Hùng Trí, lại đã từng được đào tạo trực tiếp tại đơn vị trinh sát kỹ thuật Mỹ do anh Nguyễn Vân Du ở Phòng 75 phụ trách, nên anh rất vui, khuyên tôi ráng làm việc, bằng mọi giá anh sẽ đề nghị cấp trên chuyển Hùng Trí về để cùng nhau làm việc, cùng nhau xây dựng đơn vị kỹ thuật nắm Mỹ.
Đợt biệt phái thứ hai sang làm việc ở Phòng Quân Báo là đợt Hùng Trí trong đoàn của Phòng 2 tiền phương do anh Tư Kiểm phụ trách đi phục vụ chiến dịch hướng Tây Nam Sài Gòn tháng 5 năm 1968 do anh Sáu Nam (tức anh Lê Đức Anh, sau này là đại tướng kiêm Chủ tịch nước) là tổng chỉ huy. Trong đoàn của Phòng 2 tiền phương còn có hai anh em làm trinh sát kỹ thuật Mỹ là Trần Ngọc Lai và Uông Sỹ Hồng (thời gian này tôi đang phục vụ tại mặt trận phía bắc và tây bắc Sài Gòn). Đang phục vụ chiến dịch, anh Tư Kiểm bị thương, phải trở về phía sau. Lúc đó, Hùng Trí cấp bậc cao nhất nên được bổ nhiệm thay chức vụ phụ trách Phòng 2 tiền phương thay anh Tư Kiểm. Chính trong đợt đi biệt phái này, một đêm đang theo dõi trên mạng, bạn Hùng Tri phát hiện có một tiểu đoàn quân Mỹ đổ bộ vào khu vực đóng quân của Bộ Chỉ huy. Hùng Trí chạy vội lên báo cáo anh Sáu Nam. Anh Sáu lập tức cho trinh sát mặt đất kiểm tra, và chính ngay đêm đó anh chỉ huy trực tiếp, tiêu diệt gọn tiểu đoàn trên. Sau chiến dịch này, Cục Tham Mưu đề nghị Cục Chính trị tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3 cho bạn Hùng Trí.
Nói đến thành tích “nghe lén, thu chặn tin hoạt động quân sự của Mỹ” trên của bạn Hùng Trí, tôi nghĩ cũng nên kể đến sự kiện “rất hy hữu” xảy ra trong chiến dịch Tây Ninh (từ 17 tháng 8 năm 1968 đến 28 tháng 9 năm 1968) do anh Mười Khang (tức Trung tướng Hoàng Văn Thái) làm tư lệnh. Đi phục vụ chiến dịch, trinh sát kỹ thuật Mỹ có tôi và em Uông Sỹ Hồng. Hai anh em tôi làm việc suốt ngày đêm, rất ít khi được có một giấc ngủ trọn vẹn. Chúng tôi phát hiện có một tiểu đoàn của Lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ từ miền trung vào tham chiến. Đi giao ban ở Bộ Tư lệnh chiến dịch, anh Năm Bích, Trưởng phòng 2, khẳng định Mỹ điều thêm một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ từ miền trung vào mặt trận, nhưng khi bị Bộ tư lệnh chiến dịch chất vấn, vị chỉ huy trung đoàn tăng cường của quân giải phóng hoạt động ở khu vực trọng điểm của chiến dịch trả lời không thấy lính Mỹ tham chiến. Trong buổi tổng kết chiến dịch, anh Năm Bích chặn hỏi vị chỉ huy trung đoàn trên có đúng là không có lính thủy quân lục chiến Mỹ ở trên mặt trận hay không, và vị chỉ huy trên phải thú nhận với anh Năm Bích thực tế đơn vị ông có những trận tác chiến với lính thủy quân lục chiến Mỹ.
Thế là trong buổi tổng kết chiến dịch, anh Năm Bích báo cáo thực sự có sự tham gia trực tiếp của lính thủy quân lục chiến Mỹ ở ngoài mặt trận, và anh Mười Khang, tư lệnh chiến dịch, phê phán sự thiếu chính xác trong báo cáo địch tình của trung đoàn trên, và ngợi khen hết lời Phòng Quân báo, anh em kỹ thuật Mỹ nắm tin tức phục vụ chỉ huy chiến dịch chính xác. Anh Năm Bích đi họp về, ghé qua, kể lại câu chuyện cho chúng tôi nghe, và đưa quà của anh Mười Khang gồm một gói trà Hồng Đào và một gói thuốc lá Thăng Long cho anh em tôi.
Những đóng góp có hiệu quả của bạn Hùng Trí trong những lần được Cục Chính trị cho Phòng Quân báo “mượn ngắn hạn”, cũng như nghề “nghe lén tin tức lính Mỹ” của anh em chúng tôi ngày càng có chất lượng, có tính chính xác cao, làm các anh thủ trưởng Phòng Quân Báo, đặc biệt anh Năm Bích, càng củng cố thêm quyết tâm xin bằng được bạn Hùng Trí về để cùng tôi xây dựng đơn vị Trinh sát kỹ thuật Mỹ của Bộ Tư lệnh Miền.
Đây cũng là lý do khi Hùng Trí đến thăm tôi, anh chị em trong đại đội C2 trinh sát kỹ thuật rất quý mến và nể phục.
Mặc dù bị sốt rét hành liên tục, nhưng mỗi khi dứt cơn sốt, bạn Hùng Trí thường đi xe đạp từ khu căn cứ của Bộ Tư lệnh Miền ra ngoài vùng kiểm soát của các đơn vị bảo vệ để đến thăm và động viên tôi, đặc biệt trong thời gian tôi bị sốt rét hành hạ, gan to, lá lách sa, đi lại khó khăn. Khi bạn đến chơi, anh chị em trong đơn vị tôi đón tiếp, cười nói vui vẻ, luôn thân mật trong các câu chuyện với Trí, coi bạn như người anh thân thương đi công tác xa mới trở về nhà.
Tôi được biết nhiều ý kiến của các thủ trưởng trong Bộ Tư lệnh Miền ủng hộ đề nghị của Phòng Quân Báo, và nhiều lần “các sếp” của Cục Chính Trị sang Phòng Binh Vận làm việc với ông Mười Tài, thủ trưởng của Trí, nhưng ông Mười phản đối kịch liệt, thậm chí ông Mười Tài còn nói huỵch toẹt với ông Cục trưởng Tám Trần (tức ông Trần Văn Phác, sau này đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa) như sau:
“Nếu các anh rút thằng Trí, thì các anh nên giải tán cái Phòng Binh vận này đi!”
Thế là bạn Hùng trí không bao giờ được chuyển sang làm nghề “nghe lén tin tức của quân lực Mỹ qua mạng nữa”. Thực lòng, bạn Hùng Trí tâm sự với tôi bạn rất ngán ngẩm nghề của anh chị em chúng tôi, lúc nào đi hành quân cũng mang vác nặng, một cục sắt cả hơn chục ký trên vai, rồi vai ba lố pin Con Ó dự trữ, rồi ruột tượng 10 lít gạo, rồi súng ống v.v…Chính vì vậy, sự việc không phải điều chuyển sang bên Quân Báo, bạn Hùng Trí mừng rỡ như chết đi, được sống trở lại!
Bạn Hùng Trí rèn luyện và phấn đấu rất ngoạn mục. Mặc dù hàng năm vào, ra bệnh xá liên tục không biết bao nhiêu lần để điều trị bệnh sốt rét rừng, nhưng chỉ cần coi số liệu sau đây đã thấy ông bạn của tôi phấn đấu giỏi như thế nào rồi:
Ngày 18 tháng 3 năm 1965 nhập ngũ (trước tôi đúng 1 tháng 11 ngày). Hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường B2 sau một tháng tập huấn.
Đi suốt 4 tháng không nghỉ, bạn Trí đến địa điểm tập kết ở Phước Long. Nghĩ dưỡng 1/2 tháng, bạn được đưa về Phòng Binh Vận, Cục Chính Trị tìm hiểu công việc trong một tháng. Kế tiếp, Trí về nhận chức trại phó trại B20, dưới quyền chỉ huy của trại trưởng Lê Bình (Trung úy, đại đội bậc trưởng). Sở dĩ đưa Trí lên làm phó ở trại B20 vì bạn lúc đó là thiếu úy, đại đội bậc phó. Hơn nữa lúc đó ở trại có 4 tù binh Mỹ cần phải có người giỏi tiếng Anh để quản lý.
Tóm lại, điểm nổi bật của anh bạn thân đã từng học với tôi ở dưới mái trường đại học năm nào là chỉ sau đúng một năm ba tháng nhập ngũ đã được kết nạp vào Đảng (tháng 6 năm 1966), và theo Trí tâm sự: “Kết nạp vào Đảng kỳ này thoải mái, dễ dàng, kết nạp ở ngay tại trại tù binh B20, không cỏn gặp phải đủ thứ khó khăn, vất vả, bị nhận xét đủ thứ về căn bệnh “tiểu tư sản trí thức” như hồi được kết nạp vào Đoàn ở đại học.
Trong gian khổ khó khăn mới hiểu rõ ai là bạn tốt.
Trong khoảng 10 năm ở chiến trường, tôi nhận được 47 bức thư của cha mẹ và gia đình, của bạn bè từ Hà Nội gửi vào, nhưng số thư nhiều nhất là của bạn Hùng Trí. Tôi chỉ muốn cho mọi người coi một vài đoạn trong một số thư của bạn Hùng Trí gửi cho tôi trong cuộc chiến như thế nào.
Mỗi khi đọc lại những lá thư này, tôi vô cùng cám ơn trời đất đã cho tôi một người bạn tốt như vậy. Những đoạn thư của bạn Hùng Trí được trích dẫn sau đây để minh chứng mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng do biết quá rành tính tình của tôi, nên bạn Hùng Trí rất lo cho tôi trong cách đối nhân xử thế hàng ngày ở một đơn vị có nhiều anh em ở khắp các vùng, miền, với nhiều tầng lớp khác nhau. Chắc chắn anh em sẽ khó thông cảm với tính tình “phớt đời”, suốt ngày chỉ lao vào chuyên môn, ít chịu chú tâm đến các mối quan hệ xung quanh của tôi. Đây chính là thời gian tôi đang phụ trách một đơn vị nhỏ, nhưng quan trọng trong nghề quân báo, một đơn vị luôn được các thủ trưởng cấp cao đặc biệt quan tâm.
Qua những lá thư của bạn Hùng Trí, tôi lại càng quý mến anh chị em trong Trung đội sinh viên (gồm cả Nam lẫn Bắc) làm nghề trinh sát kỹ thuật Mỹ thân yêu của tôi và nhận thức được tình cảm chân thật của anh chị em đối với tôi, và chính nhờ qua những đoạn thư của Trí, tôi cũng tìm ra lý do tại sao anh chị em trong đơn vị rất thân và quý trọng Hùng Trí, luôn coi bạn không khác gì tôi, là nhũng người anh lớn nhất trong đại gia đình “Trinh sát kỹ thuật Mỹ” của chúng tôi.
Ngày 28/7/1970
Tiến Hùng thân,
Xin lỗi mày và nhờ mày chuyển lời xin lỗi của tao tới anh em ở đơn vị mày vì lời hứa cho cái khoan không thể nào thực hiện được. Hôm tao ra ngoài mày chơi thì ở nhà cho mượn cái khoan thừa đó và đơn vị bạn đã làm gãy mũi khoan đó rồi. Bây giờ chỉ còn một khoan để anh em xây cất nhà nên đành bó tay.
Thằng Thuyên tuy có bị chạy giặc gian khổ nhưng vẫn mạnh giỏi. Thằng Lê (phiên dịch Trung-Triều, trước học Tầu văn) bị B52 trọng thương, vào K77 thì hy sinh rồi. Nó cũng biết mày. Thôi cầu cho nó tiếp tục cổ vũ chúng ta đánh thắng giặc Mỹ. Thằng Chăn hấp bây giờ ở vùng Siêm Riệp (Biển Hồ). Chắc ông tha hồ tán các em Việt kiều trong giới hạn cho phép.
Sắp có chuyến ô tô ra. Mày viết thư về nhà đi, rồi tao gửi hộ cho. Nhưng vì có đoạn ra Bắc phải đi bộ nên hạn chế thư từ, nên mày đừng nói với ai thêm nhé!
Gửi lời thăm anh, chị em ở đơn vị ngoài đó nhé!
Ngày 6/4/1971
Tiến Hùng thân yêu,
Thư trước mày có trách tao không ra chơi và viết đại ý rằng ông bận chuyện đâu đâu mà không ra. Trời ơi, bận chuyện nhà nước đấy, ông ạ. Muốn ra thăm ông mà không thể đi được chứ đâu có phải gặp “em” nào dứt ra không nổi nên không ra thăm ông. Ở cái rừng này cũng khó mà có em nào hấp dẫn hơn ông và anh em ở ngoài đó.
Tao dạo này khỏe. Một tháng sốt độ ba, bốn ngày rồi khỏi. Mỗi khi sốt, trông bèo nhèo như con mèo nhúng nước. Dạo này tao không làm nghề tiếng Anh mấy mà làm địch tình chung nên công việc cũng phong phú và có nhiều hứng thú hơn.
Còn 3 tháng nữa là mày sẽ được xét duyệt chuyển Đảng chính thức. Cố gắng lên mày nhé! Suy nghĩ và hành động cho thật chín chắn chứ nếu mày chỉ công tác thật tốt, thật giỏi thôi thì không được đâu, mày ạ! Tao lo cho mày lắm, nhưng cũng đặt rất nhiều hy vọng vào mày, vì tao biết và rất hiểu mày.
Ngày 11/3/1972
Tiến Hùng thân yêu,
Chiều hôm qua tao về tới căn cứ và nhận được thư mày viết 3/3/72.
Tao mới ở dưới tiền phương 301 về từ đầu tháng 2/1972 tới nay. Tao phải về điều trị bệnh ở bệnh xá tại cơ quan và cũng để có thể kết hợp công tác được luôn ở nhà.
Thời gian ở tiền phương, tao có sang chơi bên Hiển, Hồng, Bật, Linh, Tiến, Đoàn, Thanh Vân. Tết vừa qua tao và anh em bên đó cũng sang thăm nhau. Ngày 30 Tết, tao có sang bên đó, và sau đấy sang A5 thăm chú Lân. Lần đầu tiên gặp tao, chú Lân không nhận ra. Tao thì nhận ra ngay, và tự giới thiệu thì chú mới nhận ra. Chú Lân dạo này trông già và yếu đi nhiều. Hai chú cháu ngồi nói chuyện với nhau khoảng một giờ đồng hồ thì tao phải về vì đã hẹn với nhà rồi. Anh em C2 tiền phương dưới đó hỏi thăm mày rất nhiệt tình và hy vọng tin mừng “promotion” của mày đấy.
Mai kia tao sẽ đi điều trị trại bệnh xá cơ quan, chắc cũng không lâu lắm đâu. Đang ở tiền phương, bắt đầu vào đợt mà phải về để điều trị bệnh gan. Cũng buồn, nhưng công tác còn dài, vả lại ở nhà cũng cần mình một chút nên kết hợp hai mặt, tao về nhà luôn.
Ngày 5/6/1972
Hùng thân yêu,
Tao dạo này khỏe, béo hơn lần gặp mày cuối cùng ở bên C2 đó. Dạo này trông bảnh ra, nhìn chỉ độ 28 tuổi thôi. Đời vẫn phơi phới, mày ạ!
Rất mừng được thấy mày chuyển đi công tác ở chỗ khác. Cố gắng lên để đóng góp được nhiều cho cách mạng và cho ngày trở về. Cần dũng cảm, tích cực, táo bạo và khôn ngoan, Hùng ạ!
Rất tiếc khi mày đi không được gặp chia tay và hàn huyên. Tụi Hồng, Bật, Hiển đều rất nhớ mày và ngày đêm chờ đợi ngày mày tiến bộ, được promotion. Sao mày chẳng báo gì cho tao về cương vị mới của mày. Tao mong tin mày nhiều. Hẹn ngày gặp lại trong một thời gian gần đây.
6/8/1972
Hôm nọ, tao có sang bên anh Bạch Vân và Tám Lượng chơi nên được nghe kể nhiều về mày ở Phòng 2 này. Vì vậy, tao rất mừng khi thấy trong cương vị mới, mày làm ăn được tín nhiệm và có nhiều kết quả tốt.
Tao cũng muốn sang thăm anh em đơn vị cũ của mày ở trên này mà chưa có dịp. Nghe nói Tư Nguyên đã đi công tác xuống đội 45. Hiện C2 do Quán phụ trách. Tao định hôm nào sẽ sang thăm ông Thái, rồi sẽ ghé qua chơi với anh em ở đơn vị cũ của mày.
…Thôi nhé, chúc mày và tất cả anh em trong đơn vị mới ở T4 mạnh khỏe, công tác tốt. Chúc mày rút được nhiều kinh nghiệm và áp dụng thắng lợi rực rỡ vào hoàn cảnh mới rất thuận lợi.
Bạn Nguyễn Hùng Trí (từ trái qua phải, người đứng quay lưng đầu tiên) đang đọc Quyết định của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trao trả tự do cho ba quân nhân Mỹ ở Bến Tà Xiêm, Tỉnh Tây Ninh ngày 1 tháng 1 năm 1969.
Bạn Nguyễn Hùng Trí trong buổi họp mặt bạn bè lớp đại học Ban Anh văn, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, niên khóa 1961 – 1965.
(Chụp tháng 05 năm 2022)
Tóm lại, nếu phải kể thêm về những kỷ niệm đầy cảm động của từng anh chị em sinh viên từ Hà Nội vào và từ Sài Gòn ra chiến khu, được biên chế trong đơn vị trinh sát kỹ thuật Mỹ, tôi phải thật lòng mà nói, tôi không thể nào kể cho hết được vì tôi biết quá nhiều kỷ niệm lớn, nhỏ, vui, buồn ngay trong chính Trung đội sinh viên của tôi đang hành nghề trinh sát kỹ thuật Mỹ này.
Chuẩn bị quay về “Mái nhà xưa”, nhưng do nhu cầu, tôi ở lại chiến trường B2 làm việc
Khoảng tháng 10 năm 1971, trên có chủ trương cho một số lính chúng tôi ở chiến trường đã lâu (khoảng 5 năm trở lên), bệnh nặng, mất sức chiến đấu, trở về A (miền Bắc). Hội đồng Giám định Y khoa đã quyết định cho tôi trở ra miền Bắc. Ở Phòng Quân Báo R có một vài anh nữa cũng được đề nghị cho trở lại miền Bắc điều trị, trong số đó, nếu tôi nhớ không nhầm, có anh Huân ở A7 (Ban Chính trị do anh Năm Lành phụ trách). Nghe nói đoàn thương bệnh binh này (có anh Huân trong đoàn) trên đường trở về hậu phương miền Bắc bị trúng bom ở Quảng Trị, một số anh chị em hy sinh trên đường hành quân. Tôi hỏi thăm tin tức về anh Huân, nhưng chẳng ai nắm được tin gì về anh cả.
Tôi cứ tưởng mọi chuyện đã an bài, tôi lại được về nhà ở Hà Nội, được gặp lại cha mẹ và gia đình 123 Bùi Thị Xuân thân yêu, được nghe lại bài “Come back to Sorento” (Torna a Sorrento) tôi vô cùng yêu thích hồi còn là sinh viên ở Hà Nội. Bài hát do ca sĩ người Ý nổi tiếng Robertino biểu diễn lúc ông 12 hay 13 tuổi.
Sự vui mừng được “Come back to Sorento” (Torna a Sorrento) phải dừng lại. Các thủ trưởng Phòng Quân Báo R gặp riêng, không đồng ý cho về miền Bắc (về A) chữa bệnh, yêu cầu tôi ở lại làm việc vì chiến trường đang thiếu cán bộ chủ chốt. Là một người lính, tôi vui vẻ chấp hành mệnh lệnh, không hề có thắc mắc gì. Các thủ trưởng lệnh cho các cơ sở từ Sài gòn gửi vào khu những thứ thuốc tốt nhất để chữa cho tôi.
Như vậy, từ tháng 11 năm 1971 theo yêu cầu của quân y, tôi được ăn chế độ bồi dưỡng riêng, ăn tươi hơn anh em trong đơn vị một chút trong 6 tháng và hàng ngày ngoài thuốc đặc trị sốt rét còn được chích thêm thuốc CAMPOLON.
Sau này, khi hòa bình lập lại, thống nhất nước nhà, tôi được bạn bè hoạt động trong thành cho biết thực ra từ 1970 đến 1975, các nhà thuốc bán chạy nhất là các loại thuốc không cần toa thuốc, như thuốc giảm đau Optalidon (thuốc này giảm đau rất nhanh. Lúc còn chiến tranh, khi chán đời, người ta hay dùng thuốc này để tự tử), thuốc tiêu chảy Ganidan (rất công hiệu), và thuốc nâng đỡ cơ thể, phục hồi sức lực Campolon.
Thuốc Campolon là thuốc chứa trích tinh gan bò dùng để uống và để chích nhằm bồi bổ cơ thể, phục hồi sức khỏe cho những người mất sức. Đây là một loại thuốc có thời gian người dân Sài Gòn rất chuộng. Thực chất loại thuốc này lấy từ lục phủ ngũ tạng súc vật gọi là tạng phủ trị liệu.
Hiện nay thế giới không dùng nữa vì nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm như bệnh bò điên v.v….
Ấy vậy mà chỉ sau 6 tháng điều trị ngoài các loại thuốc sốt rét đặc trị, chích liên tục thuốc Campolon và ăn uống tại đơn vị C2 TSKT, tôi khỏe lên, da dẻ đỏ hồng, không còn bị sốt rét nhiều nữa, gan đỡ sưng và lá lách co lên, không bị sa nhiều nữa.
Tôi vô cùng phấn khởi, vì nhờ rèn luyện thân thể, ráng ăn cơm khi bị bệnh, uống thuốc điều trị bệnh sốt rét nghiêm túc, đều đặn, và đặc biệt phải vô cùng cảm ơn các thủ trưởng đã cho gửi từ Sài Gòn vào chiến khu thuốc Campolon để phục hồi sức khỏe cho tôi sau thời gian bị “bạo bệnh sốt rét” hành hạ gần một năm trời (mặc dù đến giờ tôi mới biết sự nguy hiểm của loại thuốc “tạng phủ trị liệu Campolon”, nhưng nếu như những liều thuốc đã chích cho tôi được bào chế trích tinh gan từ một con bò điên thì không hiểu con người tôi sẽ ra sao ở giữa chốn rừng thiêng nước độc tại khu vực Móc Câu!)
Đầu năm 1972, đơn vị phải cử người đi phục vụ tiền phương. Em Sĩ Hồng cùng một số anh em đi phục vụ tiền phương 301 (Đoàn C2/TSKT tiền phương do anh Hiển là đại đội phó C2 TSKT phụ trách). Ở nhà, anh chị em còn lại bao luôn công việc của những người đi tiền phương.
Cũng chính vào thời điểm này (tháng 4 năm 1972), tôi nhận lệnh dẫn một tổ Trinh sát kỹ thuật gồm 5 anh em (tôi, Bùi Sĩ Hưng, Vũ Tiến, Ba Hoàng và Quốc Chung) xuống chiến trường T4 (Sài Gòn – Gia Định) nhận công tác mới.
Về chiến trường Sài Gòn – Gia Định, tuy bom đạn 24/7 (các loại pháo và bom, kể cả pháo đài bay B52), hành quân chuyển căn cứ liên tục, thậm chí có lúc chúng tôi còn làm căn cứ ở sát ngay chỗ các đơn vị VNCH đóng quân, nhưng anh chị em trong đơn vị chúng tôi luôn vui vẻ, tinh thần phấn chấn, họa hoằn ông “sốt rét” mới trở lại thăm viếng, tra tấn anh em chúng tôi một vài ngày rồi dứt cơn.
Tóm lại, mọi người đều hiểu rất rõ bệnh sốt rét rừng là một kẻ thù cực kỳ nguy hiểm của những người lính quân giải phóng. Chính thứ bệnh quái ác này đã làm biết bao anh chị em đồng đội chúng tôi đã phải “nằm yên nghỉ vĩnh viễn” trong các khu rừng thiêng, nước độc dọc dãy Trường Sơn và vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
Ấy vậy mà, sau chiến tranh, thấy tôi bị hết bệnh này đến bệnh khác, vào ra bệnh viện liên tục, bạn Nguyễn Hùng Trí từ Hà Nội gọi điện thoại, động viên tôi như sau:
“Hùng ơi! Yên tâm đi. Mọi người nói rằng nếu ai đã bị sốt rét rồi, sẽ sống thọ lắm!”
Đấy, lính tráng chúng tôi là vậy! Mặc dù sau hòa bình lập lại, anh chị em chúng tôi luôn cố gắng vượt qua muôn vàn khó khăn để hòa nhập thật tốt trong cuộc sống dân dã đời thường, nhưng tinh thần lúc nào cũng lạc quan, yêu đời như thuở nào còn cùng nhau ngồi trên ghế nhà trường…