Những kỹ sư các khóa đầu tiên sau tiếp quản Hà Nội
Người thầy giáo dạy nghề đó là chính là kỹ sư cơ khí Nguyễn Tiến Dũng, 27 tuổi (thực ra lúc đó anh đã 30 tuổi, nhưng do ở trong vùng tạm chiếm, gia đình phải làm khai sinh rút đi ba tuổi để trốn đi lính trong thời Pháp thuộc), chuyên ngành chế tạo máy. Anh là sinh viên khóa 4, Khoa Cơ khí của Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội.
Trường Đại học Bách Khoa Hà nội được thành lập năm 1956, do thầy Giáo sư, Viện Sĩ Trần Đại Nghĩa làm Hiệu trưởng đầu tiên. Ngay năm 1956, trường đã thành lập Liên khoa Cơ - Điện. Từ năm 1960, trường tách hai ngành Cơ khí và Luyện kim ra khỏi Liên khoa Cơ – Điện, thành lập một liên khoa mới có tên là Liên khoa Cơ khí – Luyện kim. Sáu năm rưỡi sau (tháng 8 năm 1966), Liên khoa Cơ khí – Luyện kim tách ra thành ba khoa riêng biệt: Khoa Chế tạo máy, Khoa Động lực và Khoa Luyện kim.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng là sinh viên Khóa thứ tư (1959 – 1963) của Khoa Cơ Khí. Sau khi tốt nghiệp, anh được phân công về nhận công tác ở nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Phố Đoàn Trần Nghiệp, Khu Hai Bà, TP. Hà Nội.
Anh được nhà máy bố trí công việc tại Phân xưởng Động cơ Diesel (máy dầu) và Động cơ xăng. Thực chất hai loại động cơ này có nhiều điểm giống nhau. Đó là cả hai loại động cơ đều dùng nhiên liệu hóa lỏng, đều là động cơ đốt trong, và đều hoàn tất công việc trong bốn kỳ gồm quá trình nạp; nén; nổ; và xả, tương ứng với hai vòng quay của trục khuỷu động cơ.
Sự khác biệt cơ bản của hai loại động cơ trên nằm ở ba đặc điểm chính, bao gồm loại nhiên liệu sử dụng; hệ thống cung cấp nhiên liệu và kiểu cách đốt cháy nhiên liệu.
Sở dĩ tôi biết “hơi bị kỹ” về ngành nghề của anh Dũng vì anh ấy là anh ruột, rất thân với tôi. Trước khi thi tuyển, anh trao đổi với tôi rất nhiều về ngành này. Tôi học sau anh khoảng hai khóa học đại học, nên cũng quan tâm đến ngành chế tạo máy. Hơn thế nữa, nếu sau này không được nhà nước cho phép thi tuyển vào ngành Y Khoa theo nguyện vọng của tôi và cũng là nỗi ao ước của bố mẹ, chắc chắn tôi sẽ xin thi vào ngành của anh vì ngay từ nhỏ tôi rất mê lái xe hơi.
Tôi còn nhớ hồi anh Dũng thi đậu Bằng Diplome (Trung học đệ nhất cấp), do chính phủ Pháp – Bảo Đại tổ chức vào cuối tháng 5 năm 1954) tại Trường Trung học Chu Văn An (lúc đó trường ở Phố Cửa Bắc), cha tôi rất vui và rất tự hào về kết quả học tập của con trai cả của mình. Nghe đồn em San, con chú Quyến cũng thi đậu Bằng Diplome, cha tôi chạy ngay lên nhà thím Quyến ở phố Hàng Đường, thăm gia đình và chúc mừng em San (chú Quyến tôi mất đã lâu. Thím ở vậy, không tái giá, nuôi con ăn học). Bố rất vui, nói với thím Quyến rằng phải cho hai anh em Dũng và San học thành tài, phải tạo điều kiện cho hai anh em học tiến lên càng cao càng tốt!
Sau tiếp quản Hà Nội (tháng 10 năm 1954), hệ thống giáo dục Việt Nam chịu ảnh hưởng của ba hướng đào tạo hoàn toàn khác nhau: 1) Chế độ giáo dục 12 năm của Pháp; 2) Chế độ giáo dục thu gọn lại, đào tạo chỉ trong 9 năm ở vùng chiến khu, và 3) Chế độ giáo dục 10 năm của Liên Xô và các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa.
Vị Tư lệnh ngành Giáo dục lúc đó là Thầy Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà Sử học, Nhà Dân tộc học, Nhà Giáo dục học, Nhà nghiên cứu văn hóa Việt nam, phải giúp chính phủ đưa ra quyết định lựa chọn tốt nhất, thích hợp cho nền Giáo dục Việt nam (Thày Huyên là Bộ trưởng Giáo dục lâu đời nhất, liên tục trong 28 năm 350 ngày, kể từ tháng 11 năm 1946 đến tháng 10 năm 1975).
Năm học đầu tiên sau tiếp quản thủ đô (1955 – 1956), anh tôi theo học Lớp Đệ Tam B2 của trường Trung học Chu Văn An (sau trường chuyển từ Phố Cửa Bắc về Khu vực Trường Bưởi cũ, phố Thụy Khuê, Hà nội).
Từ niên khóa 1956 – 1957 trở đi, trong hệ thống giáo dục có sự chuyển làn sang hệ đào tạo 10 năm của Liên Xô, cụ thể Hệ đào tạo Cấp 1 (trước là Hệ đào tạo Tiểu học) rút đi một năm, chỉ còn bốn năm học với các tên gọi là lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4. Hệ đào tạo Cấp 2 (trước là Hệ Đào tạo Trung học Đệ Nhất cấp) rút đi một năm, chỉ còn ba năm học với các tên gọi là lớp 5, lớp 6 và lớp 7. Hệ Đào tạo Cấp 3 (trước là Hệ Đào tạo Trung Học Đệ Nhị cấp) giữ nguyên ba năm, với các tên gọi lớp 8, lớp 9 và lớp 10.
Theo đúng sự chuyển làn trong Hệ Đào tạo Giáo dục, niên khóa 1956 - 1957, anh Dũng chuyển sang học lớp 9B2, và tiếp theo, niên khóa 1957 - 1958 anh học lớp 10B2 của Trường Trung Học Chu Văn An. Sau khi thi tốt nghiệp Phổ thông trung học, anh tôi nộp đơn xin thi tuyển vào Trường Đại Học Bách Khoa. Trúng tuyển, anh trở thành sinh viên Khóa 4 của Khoa Cơ khí từ năm 1959.
Năm 1963, tốt nghiệp đại học, anh về nhận công tác tại nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo: Vừa làm, vừa học để nhanh chóng tiếp cận với khoa học tiên tiến…
Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo Hà Nội, đứa con đầu lòng của ngành cơ khí nước ta, được thành lập trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với lực lượng công nhân ban đầu chỉ vẻn vẹn có sáu hoặc bảy người và một ít công cụ sản xuất vô cùng thô sơ.
Nhà máy phát triển được sản xuất trong chiến tranh chủ yếu dựa vào nhiệt tình yêu nước và kinh nghiệm lâu năm trong nghề của số anh em công nhân ít ỏi trên. Lúc đó, trình độ của cán bộ và công nhân toàn nhà máy không ai có trình độ trung cấp hoặc cao cấp về kỹ thuật.
Sau khi tiếp quản thủ đô (sau tháng 10 năm 1954), nhà máy tập trung lấy việc bồi dưỡng trình độ khoa học, kỹ thuật cho cán bộ và công nhân là nhiệm vụ hàng đầu.
Trình độ văn hóa của cán bộ, công nhân sau giải phóng quá yếu, người khá nhất mới học xong cấp 1. Chính vì vậy, nhà máy đặt nhiệm vụ trọng tâm tập trung triển khai công tác bổ túc văn hóa thật đa dạng, phấn đấu mỗi người mỗi năm lên một lớp.
Ban Giám đốc nhà máy cùng các phòng chức năng phân phối thời gian thật thích hợp với từng loại cán bộ, công nhân, phù hợp với điều kiện và tổ chức sản xuất của nhà máy. Cụ thể công nhân làm theo ca được bố trí giờ học theo ca (có đủ các lớp từ sáng đến tối; ít người hay nhiều người cũng tổ chức lớp học); cán bộ chuyên môn, hành chính theo học bắt buộc các lóp học các buổi tối thứ hai và thứ năm hàng tuần.
Lúc ban đầu triển khai, nhà máy tập trung mở các lớp dạy văn hóa lớp 1, thậm chí mở cả một vài lớp vỡ lòng. Dần dần theo năm tháng, nhà máy mở tiếp các lớp cao hơn, rồi sau lên các lớp cấp 2, rồi các lớp cấp 3. Chủ trương “vừa học, vừa làm” của nhà máy được anh chị em cán bộ và công nhân ủng hộ vì thực chất mọi người không có điều kiện học tập trung.
Đến thăm nhà máy vào những năm này, ai cũng nhận ra một không khí náo nhiệt khác thường trong phong trào thi đua vừa lao động sản xuất, vừa học tập bổ túc văn hóa. Nhà máy đã mời được một nguồn giáo viên khá dồi dào, có chất lượng từ các Trường Đại Học Bách Khoa, Trường Đại Học Kinh tế - Kế hoạch, và một số kỹ sư có nhiều kinh nghiệm thực tế đang làm việc ở trong nhà máy. Thành công của nhà máy là đã kết hợp được hai nguồn giáo viên, tạo ra một sự gắn bó chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành với một nội dung lên lớp sát với thực tế sản xuất của nhà máy, tạo được nguồn cảm hứng học tập của cán bộ, công nhân trên lớp học.
Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng về nhận nhiệm vụ ở Nhà máy Trần Hưng Đạo đúng vào thời điểm nhà máy rất cần sự đóng góp về năng lực và trí tuệ của anh.
Bắt tay vào làm việc, anh thanh niên trên 25 tuổi này suốt ngày tham gia hết công việc này đến công việc khác của nhà máy. Nhiều lúc đến 21h00 anh mới về nhà ăn cơm chiều. Cơm phần anh thường xuyên phải ủ lại cho khi anh về còn nóng. Ăn cơm xong, nghỉ ngơi một chút, anh lại thức khuya soạn bài cho các lớp bổ túc anh sẽ dạy ngày hôm sau.
Nói chuyện với anh, thấy anh lúc nào cũng vui vẻ với đủ loại công việc anh đang làm ở nhà máy, tôi cũng thấy vui. Anh rất thích thú với công việc ở phân xưởng động cơ diesel và máy nổ vì anh được trải nghiệm những kiến thức mà anh đã học ở đại học. Ngay ở những lớp bổ túc văn hóa ban ngày cũng như ban đêm tại phân xưởng, anh luôn lồng giữa kiến thức văn hóa chung và kiến thức chuyên môn để lên lớp làm các bác, các chú, các anh, các chị công nhân rất thích, rất quý thầy giáo kỹ sư trẻ, luôn vui tính, yêu đời và có trình độ.
Nhà tôi ở phố Bùi Thị Xuân. Đi xuống cuối phố, qua khỏi ngã tư Bùi Thị Xuận – Tô Hiến Thành là đến nhà máy. Anh tôi luôn mặc một bộ quần áo xanh công nhân, đội mũ casquette xanh (mũ công nhân), đi đôi dép cao su đen đi làm. Trông anh chẳng khác các bác, các chú công nhân trong nhà máy.
Tôi nhớ một buổi chiều, trên đường trở về nhà, anh đi cùng với một bác công nhân già, vừa đi vừa tranh luận rất sôi nổi về động cơ vĩnh cửu. Bác công nhân khẳng đinh trên thế giới phải có có động cơ vĩnh cửu. Anh Dũng nói về lý thuyết cũng như trên thực tế không thể có động cơ vĩnh cửu. Cuộc tranh luận chưa ngã ngũ thì đã về đến nhà, anh hẹn bác ngày hôm sau sẽ trao đổi tiếp.
Chiều hôm đó, anh ngồi ăn cơm với gia đình, có cả bố và mẹ tôi cùng tất cả anh chị em. Tôi hỏi anh chuyện gì mà anh và bác công nhân tranh luận hăng vậy. Anh kể lại chuyện động cơ vĩnh cửu rồi nói bác đó hăng lắm, học ở lớp không nghỉ ngày nào, luôn nêu rất nhiều thắc mắc, nhiều lúc không biết giải thích sao cho bác hiểu.
Anh tỏ vẻ rất quý bác. Anh nghĩ hồi nhỏ, bác không có điều kiện được đi học nên bây giờ được học văn hóa thì đã lớn tuổi. Tôi góp ý với anh nên coi ý kiến của bác là có phần khả thi, tiếp tục để bác nghiên cứu cho bác phấn khởi, thậm chí để bác lên báo cáo trong hội nghị cải tiến khoa học kỹ thuật của nhà máy cho có khí thế, cho cuộc tranh luận với nhiều cán bô kỹ thuật khác trong nhà máy thêm phần “chất lượng”, để rồi chính bác sẽ là người đưa ra kết luận cuối cùng. Anh Dũng hoàn toàn đồng ý với tôi về cách giải quyết câu chuyện “động cơ vĩnh cửu” này.
Vừa sản xuất, vừa chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ
Trong lúc phong trào thi đua lao động sản xuất rộng khắp trên các lĩnh vực nông, công nghiệp và các ngành phụ trợ khác của nền kinh tế đang hừng hực diễn ra tại khắp nơi trên đất Bắc, người dân ở hậu phương làm việc hết sức mình để ủng hộ tiền tuyến đánh giặc trong những năm đầu của thập niên 60, chính phủ Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, cho phép chính thức leo thang cuộc chiến tranh ra miền Bắc bằng cách cho không quân Mỹ ném bom tàn phá thị xã Hòn Gai và các vùng phụ cận ngày 05 tháng 08 năm 1964, với một vu không bỉ ổi “trả thù hai cuộc tấn công của Hải Quân Nhân Dân Việt nam vào hai ngày 02 tháng 08 và ngày 04 tháng 08 năm 1964 vào hai tàu khu trục USS Maddox và USSTurner Joy của Hải quân Mỹ”.
Sau “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, toàn miền Bắc chuyển sang vừa lao động sản xuất, xây dựng kinh tế vững chắc, để chi viện cho tiền tuyến phía Nam, vừa chuẩn bị tích cực đáp trả lại cuộc chiến tranh phá hoại dã man, một cuộc chiến leo thang ra miền Bắc của chính phủ Mỹ.
Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo không có loại trừ. Ngoài các công việc thường ngày sản xuất và học tập nâng cao kiến thức, nhà máy phải nhanh chóng củng cố và phát triển đội dân quân tự vệ. Hầu như tất cả các cán bộ, công nhân của nhà máy đều rất hăng hái xin vào đội dân quân tự vệ, hăng say tập luyện quân sự, tập thao tác các loại súng chiến đấu như súng cao xạ, súng CKC, súng AK….(tất nhiên ngoài giờ sản xuất và học văn hóa).
Anh Dũng trở thành một chiến sĩ cùng nhóm công nhân của phân xưởng động cơ máy Diesel và máy nổ, phụ trách một khẩu súng cao xạ của nhà máy. Thời gian này, tôi ít có dịp tâm sự nhiều với anh vì tôi đang học năm cuối cùng ở Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, hàng tuần chỉ được về thăm nhà vào chiều thứ bảy và quay lại trường vào chiều tối chủ nhật. Bố mẹ tôi nói nhiều hôm anh xuống nhà máy liên tục, ăn cơm rất trễ vì quá nhiều công việc. Có đêm báo động, còi hú vang lên khắp thành phố, anh lại vội vàng chạy tới nhà máy trực chiến cùng đồng đội.
Tốt nghiệp đại học, tôi gia nhập quân đội vào ngày 29 tháng 04 năm 1965. Mặc dù đến năm 1967 tôi mới được điều động vào chiến trường Nam bộ, nhưng trong những năm chưa vào chiến trường, tôi đi công tác nhiều nơi trên đất Bắc, ít khi ở nhà được lâu, nên ít được gặp anh.
Anh Dũng tiếp tục say mê ngày đêm trong công tác ở phân xưởng, trong giảng dạy các lớp bổ túc, và đặc biệt sau này với một công việc rất mới, cùng bạn bè trong phân xưởng thường xuyên lên nóc nhà máy bất kể ngày, đêm trực chiến bên cạnh khẩu pháo cao xạ luôn được lau chùi rất sạch sẽ.
Tuy chiến tranh nhưng vẫn tích cực chuẩn bị cho xây dựng đất nước trong tương lai.
Mặc dù chiến tranh ngày càng khốc liệt ở hai miền Nam - Bắc, nhưng chúng ta luôn chuẩn bị tích cực cho việc xây dựng đất nước thời kỳ hậu chiến. Theo thỏa thuận giữa hai chính phủ nước ta và Tiệp Khắc, một đoàn cán bộ, công nhân kỹ thuật chuyên ngành cơ khí được cử sang học và thực tập cách quản lý, điều hành một nhà máy cơ khí hiện đại tại nước bạn trong ba năm (từ tháng 10 năm 1967 đến tháng 10 năm 1970). Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng, anh trai của chúng tôi, được nhà máy giới thiệu đi học khóa này và chính thức được Bộ Cơ Khí và Luyên Kim phê chuẩn.
Tôi nghe nói anh sang công tác ở Tiệp khắc đạt chất lượng giỏi. Ở nước bạn, ngoài học và tự học thêm từ chuyên môn bằng tiếng Tiệp Khắc, anh nói được một chút tiếng Nga, tiếng Anh và đặc biệt anh nói thông thạo tiếng Pháp nên được các kỹ sư Tiệp Khắc, nhất là những kỹ sư lâu năm, nhiều kinh nghiệm, rất kính nể và họ rất thích trao đổi chuyên môn với anh bằng tiếng Pháp. Sự thân thiết và kính trọng anh đến mức độ các kỹ sư lớn tuổi trên đôi lúc mời anh về nhà chơi, ăn tiệc tại gia đình mỗi khi có dịp. Họ tâm sự họ rất thích nói chuyện bằng tiếng Pháp với anh tôi vì ở đất nước họ, tầng lớp trí thức trẻ ngoài tiếng Tiệp Khắc, họ thường nói tiếng Nga và thi thoảng, một chút tiếng Anh, rất hiếm người nói được tiếng Pháp. Sống và làm việc cùng với các anh, các chị trong đoàn, nhiều chuyến đi dã ngoại, anh tôi đảm trách luôn nhiệm vụ phiên dịch từ tiếng Tiệp Khắc sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Tiệp Khắc cho anh chị em trong đoàn, đặc biệt trường hợp các anh, các chi muốn đi mua sắm tại các cửa hàng.
Học và thực tập ở Tiệp Khắc đến khoảng tháng 10/1970, anh Dũng trở về nước. Ngày 4/3/1973, trong bức thư gửi vào cho tôi ở Chiến trường Sài Gòn – Gia Định, anh cho tôi hay đã trở về nước, và thời gian này anh đã chuyển sang dạy nghề, làm việc tại Hà Nội, không còn làm ở cơ quan cũ.
Anh cả tôi, thầy giáo dạy nghề, Kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng đang làm việc tại thủ đô Prague – Tiệp Khắc (năm 1968)
Những năm cuối cuộc chiến…
Trong năm 1973, qua các thông tin chính thức trên báo chí, cũng như nghe đài Tiếng nói Việt nam ở Hà Nội, nhân dân ta biết được âm mưu và ý đồ của Nixon nhằm phá hoại hiệp định Paris, kéo dài cuộc chiến tranh, tạo nên những chiến thắng giả tạo để hỗ trợ ông ta bước vào Nhà Trắng một nhiệm kỳ nữa. Chính phủ ta mở một cuộc tổng động viên chưa từng có, huy động sức người và sức của cho tiền tuyến để đập tan ý đồ đen tối của ông Nixon, và đánh một đòn chí tử, quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra chỉ thị mỗi nhà, không loại trừ một gia đình nào, phải có người ra tiền tuyến đánh giặc cứu nước. Ngay con trai thủ tướng cũng ra chiến trường.
Tôi nghe nói khoảng tháng 9 năm 1973, cơ quan anh Dũng điều động anh đi vào chiến trường miền Nam công tác. Anh chuẩn bị sẵn sàng lên đường, không hề vương vấn điều gì.
Cha tôi không được vui khi nghe tin anh bị điều đi công tác ở miền nam. Hơn nữa, lúc đó có tin đồn tôi đã hy sinh ở sông Vàm Cỏ Đông làm cha tôi đứng, ngồi không yên. Đang buồn, ngồi chờ đợi tin tức hư, thực ra sao về thằng con trai thứ hai đang ở chiến trường nam bộ (B2), lại nhận được tin anh Dũng được điều động vào nam công tác. Cha tôi suy nghĩ, cho rằng mấy ông cán bộ tại cơ quan của anh làm sai chỉ thị của Thủ tướng, bèn lên cơ quan anh đang làm việc, phản đối kịch liệt. Đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ ra tiếp, xin lỗi bố tôi và hứa sẽ giải quyết, bố trí người thay thế anh Dũng và khẳng định với cha tôi anh sẽ không phải đi chiến trường nữa, vì gia đình đã có người đang ở miền nam rồi.
Sau sự kiện này, anh Dũng phải kiểm điểm trước cơ quan, nhận khuyết điểm không tìm cách ngăn cản, để cha tôi lên làm ầm ĩ ở cơ quan với những phát ngôn không có lợi. Sau đó, anh bị điều xuống Nam Hà làm lao động chân tay ở một công trường trong một thời gian không xác định.
Ông Hiệu trưởng Trường Dạy nghề Nam Hà quen biết anh, xin cơ quan cho anh về giảng dạy tại trường ở Nam Hà. Thế là từ giữa năm 1974, anh được chính thức điều về dạy nghề tại trường trên (thực ra số giáo viên đào tạo nghề như anh là của quý, không có nhiều), nhưng với điều kiện phải cắt hộ khẩu xuống Nam Hà và lương tháng do địa phương trả.
Đề cập đến “dạy nghề”, một công việc anh Dũng làm say mê, đầy tâm huyết cả một cuộc đời, cần phải hiểu rằng ngay sau khi tiếp quản thủ đô, ngày 18 tháng 5 năm 1955, chính phủ đã thành lập Vụ Quản lý nhân công, trực thuộc Bộ Lao động để quản lý và đào tạo nghề cho công nhân.
Từ cuối năm 1968 trở đi, nhu cầu đào tạo công nhân kỹ thuật càng ngày càng tăng về số lượng nên ngày 9 tháng 10 năm 1969, chính phủ quyết định thành lập một cơ quan quản lý và đào tạo công nhân kỹ thuật lớn hơn gọi là Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật, trực thuộc Bộ Lao Động.
Những năm sau hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, do nhu cầu đào tạo số lượng lớn công nhân kỹ thuật trong toàn quốc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra quyết định ngày 24 tháng 6 năm 1978, tách Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật ra khỏi Bộ Lao Động, thành lập Tổng Cục Dạy Nghề (cấp ngang Bộ), trực thuộc Chính phủ, sau này là trực thuộc Hội Đồng Bộ Trưởng. Tôi nghe nói thủ tướng đã mời đích danh chú Hạnh, nguyên xứ ủy nam kỳ, làm Tổng Cục Trưởng.
Điều khá khôi hài là sau khi hòa bình được vãn hồi trên đất nước, chuyện anh Dũng bị điều đi lao động công trường một thời gian chẳng ai buồn nhắc tới, coi đó như một sự kiện hy hữu, có tính “lịch sử”.
Năm 1976, anh Dũng được chính thức điều về Hà Nội, làm chuyên viên trong bộ phận theo dõi quá trình đào tạo và phát triển của hệ thống dạy nghề trong toàn quốc tại Tổng cục đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ Lao động, nhưng anh vẫn chưa được chuyển hộ khẩu trở lại Hà Nội, vả vẫn phải nằm trong biên chế của Trường Dạy nghề Tỉnh Nam Hà, hàng tháng phải đi xe đạp xuống Tỉnh Nam Hà lĩnh lương.
Anh Dũng công tác như vậy trong gần hai năm, không ca thán một lời, vẫn như hồi nào, rất tích cực và luôn có tâm huyết trong lĩnh vực chuyên môn.
Đến năm 1978, về nhận nhiệm vụ Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Dạy Nghề trực thuộc chính phủ, tôi được biết chú Hạnh đã nhanh chóng giải quyết trường hợp “hy hữu và khá bất hạnh” của anh, yêu cầu cấp có thẩm quyền trả hộ khẩu cho anh về lại Hà Nội và hàng tháng anh chính thức lĩnh lương tại cơ quan đang quản lý anh là Tổng Cục Dạy Nghề ở Hà Nội.
Được làm lại nghề cũ: Chuyên viên dạy nghề
Được trở lại vị trí làm việc sở trường của mình, anh Dũng lại nhiệt tình, lao vào mọi công việc liên quan đến đào tạo, đến dạy nghề. Anh cùng với đồng nghiệp như anh Thào, anh Nghĩa, anh Vỵ, Anh Nhiên v.v…đi kiểm tra các cơ sở dạy nghề liên tục từ Bắc vào Nam, được các cơ sở dạy nghề khắp nơi kính trọng.
Tết Bính Tý 1976, tôi trở về nhà ăn Tết sau gần 9 năm biền biệt xa cách cha mẹ và gia đình. Tôi và anh Dũng ngồi tâm sự rất lâu trong đêm giao thừa ở trên phòng của anh tại gác hai. Tôi hỏi anh về sự vụ cha tôi lên làm ầm ĩ trên cơ quan cuối năm 1973 và chuyện về anh phải đi lao động ở công trường gần nửa năm trời.
Ngồi trầm ngâm một lúc, anh cho tôi hay chuyện cha tôi lên cơ quan anh làm ầm ĩ về vụ anh được điều vào công tác ở chiến trường cuối năm 1973, anh không hề hay biết. Trong thâm tâm, anh không hề có ý định từ chối, không đi công tác ở miền nam. Anh nói ngoài chuyện cha mẹ già, anh có vướng bận vợ con gì đâu. Hơn nữa, chuyện anh được cử sang Tiệp Khắc thực tập ba năm trời, được hưởng sung sướng hơn những người khác rồi, thì việc đi công tác miền nam là chuyện đương nhiên, có gì đâu phải thắc mắc. Biết bao gia đình có đến hai hoặc ba người con đang ở chiến trường phía nam chứ đâu chỉ có riêng một mình gia đình nhà ta. Anh cười nói rằng, với những trường hợp từ chối đi công tác ở miền nam, khoảng 99% bị nhà nước sa thải khỏi cơ quan. Điều này đã được kiểm chứng hoàn toàn chính xác thông qua câu chuyện về một anh bạn thân của tôi. Chính anh đã viết thư gửi qua bưu điện, khuyên em trai tìm cách từ chối đi bộ đội vào những năm 1972-1973, và cuối cùng qua khâu kiểm duyệt, chuyện khuyên em trai bị bại lộ và anh đã bị sa thải, không được tiếp tục làm việc ở Bộ Ngoại Thương nữa.
Anh Dũng nói với một tấm lòng khoan dung, độ lượng :
“Em tính, quyết định điều động đi công tác ở miền nam phải do Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký. Nếu hủy quyết định thành ra ông ta quan liêu, trực tiếp thừa nhận “khuyết điểm”, thiếu trách nhiệm, hồ đồ trong việc cử người đi công tác ở miền nam hay sao?”
Chuyện cơ quan không cử anh đi công tác ở miền nam nữa, và cũng không đặt vấn đề kỷ luật sa thải chính là một thiện chí “sửa sai”. Họ chỉ ra một quyết định điều động anh đi lao động ở một công trường dưới Nam Hà. Anh biết cuộc đời đang gặp khó khăn, nhưng anh vui vẻ chấp nhận, chẳng muốn nghĩ làm gì cho mệt xác, vì xét cho cùng, trong bối cảnh chiến tranh đang ngày càng diễn ra vô cùng ác liệt, chẳng một ai có thì giờ đứng ra bênh vực mình đúng hay sai cả.
Tôi đồng tình và vô cùng cảm phục với cách suy nghĩ có tình, có lý của anh.
Sau này, tôi nghe anh kể Tổng Cục Dạy Nghề được tổ chức lại, trở thành Vụ Dạy Nghề trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (bắt đầu từ năm 1987). Anh Nguyễn Tiến Dũng lại được trở về công việc ngày xưa, là một chuyên viên dạy nghề. Anh luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, được bạn bè, đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc quý mến. Tôi cảm nhận rất rõ điều này mỗi khi tôi ra công tác ở Hà Nội, được hân hạnh gặp gỡ những đồng nghiệp của anh. Mỗi khi các anh nói chuyện về trình độ chuyên môn kỹ thuật, về tư cách đạo đức của anh Dũng, những bạn bè đồng nghiệp đều luôn tỏ ra kính trọng và quý mến anh, cụ thể như các anh Vụ phó Nghĩa và Thảo, các anh Hải (sau ngày hòa bình lập lại, được điểu về làm Giám đốc Sở Lao động và Thương binh xã hội Tỉnh Đồng Nai), Vỵ, Nhiên v.v…
Nhỡ “chuyến du lịch có một không hai” trên nước Pháp
Đầu năm 1990, trong một dịp vào tập huấn chuyên môn cho các Trung tâm dạy nghề ở Nam Bộ, anh Dũng ghé qua thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn một tuần. Anh nghỉ đêm tại Văn phòng đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hồ Con Rùa. Hàng ngày, làm việc xong, anh ghé ăn cơm và tâm sự với tôi tại căn nhà riêng xinh xắn ở trong một hẻm nhỏ đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.
Anh rất vui, khoe với tôi về việc được chọn có tên trong danh sách chuyên viên dạy nghề đến Sứ quán Pháp ở Hà Nội để dự phỏng vấn cho chuyến đi tham quan hệ thống dạy nghề ở nước Cộng hòa Pháp. Anh Dũng kể nhiều ứng viên trong đoàn rất hốt hoảng, nói không ra lời, vì trình độ tiếng Pháp quá yếu, mặc dù khi phỏng vấn có phiên dịch người Việt ngồi bên cạnh. Khi đến lượt anh Dũng bước vào phòng phỏng vấn, vị đại diện đại sứ quán Pháp cười rất tươi, nói thẳng một mạch bằng tiếng Pháp, và đương nhiên anh cả của chúng tôi trả lời rất lưu loát bằng tiếng mẹ đẻ của vị viên chức người Pháp.
Ông người Pháp không hỏi một câu gì về nghề nghiệp, về trình độ chuyên môn của anh, mà chỉ nói qua hồ sơ của anh gửi đến sứ quán Pháp, ông được biết anh tôi đã học chương trình của Pháp từ khi còn nhỏ, và ông rất vui vì lâu lắm ông mới được gặp một viên chức Việt Nam nói tiếng Pháp tốt như vậy. Cuối cùng, ông người Pháp đứng dậy, bắt tay anh tôi và chúc anh tôi có một kỳ sang tham quan, làm việc thật vui vẻ tại đất nước ông.
Tưởng rằng mười mươi được sang thăm Pháp, nhưng đến giờ phút chót, không hiểu vì lý do gì, “danh sách gút lại”chỉ còn một số nhỏ khoảng 10 người gồm các vị có chức, có quyền, tối thiểu phải từ cấp Vụ trở lên, và đương nhiên, anh cả tôi bị lỡ chuyến tàu “đi chơi nước Pháp”.
Sau này, mỗi khi nhắc lại chuyện này, anh tôi rất vui và nói với tôi rằng việc phái đoàn của Bộ sang làm việc bên Pháp không có anh tham gia là đúng, vì các anh trong phái đoàn của Bộ chủ yếu sang đàm phán về kế hoạch hợp tác dạy nghề giữa hai nước. Dù sao đi nữa, anh nhắc lại thuở thiếu thời,cha tôi bắt hai anh em chúng tôi học các môn ở trường đến nơi đến chốn, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí cả chữ Hán, là hoàn toàn sáng suốt.
Gia đình tôi họp mặt tại nhà anh Nguyễn Tiến Dũng ở phố Trịnh Hoài Đức, Hà nội khoảng cuối năm 1995.
(Từ phải qua trái: Anh Dũng, chị Kim Chi, Tiến Hùng (tác giả), em út Kim Đính, em trai Tiến Bình và em gái Kim Điệp)
Anh Nguyễn Tiến Dũng, anh cả chúng tôi qua đời, mọi người thân quen từ Bắc chí Nam bàng hoàng, xúc động…
Làm việc nhiệt tình, không ngưng nghỉ cho đến khi anh Nguyễn Tiến Dũng, anh cả chúng tôi bị bạo bệnh, mất ngày 11 tháng 10 năm 1997 (tức ngày 11 tháng 9 năm Đinh Sửu).
Nghe tin anh Dũng mất, tôi bay ra ngay Hà Nội để thay mặt gia đình chủ trì đám tang của anh. Ban tổ chức lễ tang do Vụ Trưởng Vụ Dạy Nghề làm Trưởng ban.
Tôi vô cùng cảm động khi thấy rất nhiều người ở các cơ quan ban ngành, đoàn thể, và bà con lối xóm, họ hàng nội, ngoại đến viếng và đưa tiễn anh tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Điều ấn tượng sâu đậm nhất trong cuộc đời chắc chắn không bao giờ tôi có thể quên nổi chính là, tuy anh Dũng chỉ là một kỹ sư, một chuyên viên kỹ thuật có bề dày kinh nghiệm trong công tác đào tạo tại Vụ Dạy Nghề, nhưng đức độ, uy tín, năng lực công tác, công lao đóng góp của anh trong quá trình xây dựng và phát triển chuyên ngành đào tạo công nhân kỹ thuật đã được tập thể Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai thừa nhận, thông qua sự kiện các đoàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến viếng và đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn của Bộ đứng đầu là những tư lệnh Ngành cụ thể Bộ trưởng đương nhiệm Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng tiền nhiệm Trần Hoàng Quân, Thứ trưởng đương nhiệm kiêm Giám đốc Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh Trần Chí Đáo, rồi tiếp theo là các đoàn của các Vụ trực thuộc Bộ gồm nhiều Vụ trưởng và Vụ phó đương nhiệm, cùng các đồng nghiệp đang công tác ở Văn phòng Bộ. Đến viếng anh tôi còn thấy nhiều đoàn nước ngoài đang tham gia hợp tác trong đào tạo dạy nghề.
Một sự kiện cũng hiếm thấy trong một đám tang là sự hiện diện của toàn bộ anh chị em đang công tác tại Vụ Dạy Nghề, không thiếu một ai, bao gồm từ các cán bộ lãnh đạo cấp Vụ đến các chuyên viên khác. Tất cả các anh, các chị, không phân biệt một ai, đều là những thành viên trong Ban Tổ chức lễ tang anh Dũng. Các anh, các chị lo từng việc một rất chu đáo cho buổi tang lễ, và đạt được một kết quả mỹ mãn đến mức độ ai ai đến tham dự lễ tang cũng phải khen ngợi tình cảm đầy ắp của bạn bè, đồng nghiệp trong Vụ Dạy Nghề đối với anh trai tôi.
Tôi thực sự ngỡ ngàng khi được gặp, ngoài các anh, các chị giám đốc các trường Dạy Nghề ở Hà nội, còn có các anh, các chị giám đốc, phó giám đốc các cơ sở dạy nghề ở các tỉnh phía nam như một số Trung tâm Dạy nghề tại TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai v.v….Các anh, các chị rất quý trọng anh Dũng mỗi khi anh đến địa phương công tác, cũng đã bay ra kịp để viếng và đưa tiễn anh về đến nơi an nghỉ.
Đoàn lớn thứ hai đến viếng anh tôi là đoàn của Sở Thể dục Thể thao Hà nội, nơi chị dâu tôi là chị Dương Vân Hồ công tác. Các anh trong Ban Giám đốc, các vận động viên thể dục dụng cụ, quyền anh, bơi lội, rồi đến các cầu thủ các đội bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ v.v…xếp hàng, tuần tự từng đoàn đến viếng anh tôi. Tôi vô cùng cảm động khi võ sĩ Kiềm, một võ sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, chạy đến ôm tôi, chia buồn về sự mất mát lớn lao của gia đình tôi.
Đoàn lớn thứ ba đến viếng anh tôi là bà con lối xóm và bà con hai họ nội và ngoại. Khi anh còn sống, anh luôn giúp bà con lối xóm cũng như bà con, họ hàng trong làng Hoàng Mai mỗi khi bà con đến nhờ xin việc làm cho con, cho cháu. Anh tôi tiếp đãi bà con ân cần chẳng khác chi người trong gia đình. Do bà con ở xa, anh tôi thường nói chị Hồ mời bà con ăn cơm. Sau đó, đích thân anh thuê xe xích lô, trả tiền trước, đưa bà con về tận nhà rất chu đáo.
Anh Nguyễn Tiến Dũng là người anh cả rất đỗi bình dị của chúng tôi, con người lúc nào cũng sẵn sàng nhường nhịn mọi thứ, từ lời ăn tiếng nói, đến của cải vật chất cho mọi người, cho bạn bè, và cho anh chị em của mình, không bao giờ có một biểu hiện đố kỵ, ghen ghét với bất cứ ai. Anh luôn thẳng thắn, không bao giờ khoan dung với lỗi lầm mà anh mắc phải, nhưng lại luôn vô cùng rộng lượng, sẵn sàng tha thứ cho mọi người mỗi khi họ nhận biết được sai trái mà họ mắc phải.
Mỗi lần đi chơi từ Hà Nội về, kể chuyện về anh chị em trong gia đình tôi, đặc biệt sau khi bố mẹ tôi qua đời, Cậu Lân thường nói:
“Trong dòng họ, gia đình ông bà giáo Duyến là gia đình số 1, không dễ tìm thấy một gia đình tương tự như vậy trong xã hội hiện nay. Cha mẹ mất đi, anh chị em quý mến, bảo ban, nhường nhịn lẫn nhau, không bao giờ tranh dành nhau điều gì. Cậu phải thừa nhận anh Dũng rất giỏi trong cách hành xử với các em, luôn tỏ ra mẫu mực trong mọi tình huống, luôn giúp đỡ các em hết sức mình trong lúc các em gặp khó khăn và thực sự anh Dũng luôn là trung tâm đoàn kết trong gia đình. Cậu rất khen và rất quý anh Dũng của cháu”.