Chuyện về bác tổ trưởng dân phố trong thời còn chiến tranh đã xa xôi lắm rồi, cách đây trên nửa thế kỷ ở ngay chính mảnh đất quê tôi, khu phố Bùi Thị Xuân, thành phố Hà Nội.
Bây giờ, thành phố này đã thay đổi nhiều lắm, nếu ai đi xa khoảng một nửa thế kỷ như tôi, khi trở lại thăm nơi chôn rau cắt rốn của chính mình, không thể tránh khỏi ngỡ ngàng.
Trời đất ơi! sự đổi thay của Hà Nội không khác chi ở các thành phố lớn khác trong nước, chẳng hạn như ở thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…Thôi thì cơ man nào là người. Người ở đâu đến ngụ cư mà đông đúc quá vậy? Làm sao còn có thể tìm lại tiếng chuông kêu leng keng của tầu điện chạy dọc hồ Hoàn Kiếm đi thẳng đến chợ Đồng Xuân, rồi chạy đến ga cuối cùng ở Bưởi, hay những buổi chiều êm ả, đạp xe bát phố với bạn bè quanh các đường phố thủ đô, được ngắm cảnh đẹp và được thưởng thức mùi hoa sữa khi chạy xe dọc con phố Phan Đình Phùng…
Giọng nói của người dân thủ đô cũng đổi thay, ít thấy nhẹ nhàng, êm dịu, hoặc ăn nói “mát mẻ”, đặc biệt khi góp ý kiến với ai “giọng ngọt ngào” mà người bị góp ý ngồi cứ đực mặt mà nghe, không dám giận hờn. Bây giờ, về lại thành phố quê nhà, tôi gặp đủ các chất giọng vùng miền từ Bắc vào Nam, nhất là đi qua các khu trung tâm mua sắm ở thủ đô, người ta có thế đứng ngớ ra vì nghe tiếng Việt mà rất khó hiểu vì giọng nói rất nặng của các bác, các cô là những chủ nhân của các cửa hàng. Đó là giọng của những cư dân có gốc gác từ các vùng dọc Thanh Hóa xuống Nghệ An,Hà Tĩnh, hoặc từ vùng Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi v.v…chuyển đến ngụ cư, sau một thời gian làm ăn phất lên, nhiều tiền lắm của, mua nhà ở ngay trung tâm buôn bán, còn các cư dân Hà Nội ngày xưa gần như hầu hết đã bán nhà để lại của cha mẹ ở các phố Hàng…, nay được dịp rủ nhau leo chót vót lên trời, sống ở các chung cư cao tầng, thỏa thích ngắm trăng và cảnh vật Hà Nội về đêm, thanh thản thả hồn vào thế giới đầy mộng mơ của chính mình.
Xe cộ thời buổi này nườm nượp khắp hang cùng ngõ hẻm, đủ các loại xe sang, giàu, nghèo, hèn. Mặc dù về thăm thành phố quê hương, nhưng bây giờ khi đi ra đường một chút, tôi thấy hoa cả mắt, chẳng biết đi đứng ra sao.
Nhưng nói gì thì nói, tôi thấy cần nhắc lại một vài câu chuyện kỷ niệm ngày xưa một chút để anh chị em chúng tôi được dịp may ôn lại những giây phút không thể nào quên và trong một chừng mực nhất định, có thể cho phép chúng tôi được tự hào, hãnh diện về những kỷ niệm nho nhỏ nhưng vô cùng đáng yêu của chính chúng tôi trong những năm của các thập niên 1950, 1960, và rồi như hồi xưa “bọn trẻ chúng tôi ” thường tỉnh bơ, nói:
“Cứ vô tư kể cho nhau nghe những câu chuyện kỷ niệm ngày xưa. Chẳng có gì ghê ghớm để phải ảnh hưởng đến hòa bình thế giới đâu!”
Bác tổ trưởng dân phố trong thập niên 1960
Bác tổ trưởng dân phố tôi sẽ giới thiệu ở đây chính là mẹ tôi, Bà Lê Vũ Thị Mỹ, sinh năm 1912 tại làng Yên Phụ, một ngôi làng rất đẹp, nằm trên một bán đảo nhỏ nhô ra Hồ Tây. Hiện tại toàn bộ làng Yên Phụ cổ đã trở thành Khu dân cư số 4 thuộc Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ, Hà nội.
Làng Yên Phụ của mẹ tôi ngày xưa là một làng trồng hoa, trồng cây cảnh và nuôi cá cảnh nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long. Điểm nhấn của ngôi làng cổ Yên Phụ là ngôi đình nằm ngay trung tâm làng với dáng vẻ bề thế, uy nghi, nằm giữa mênh mang sóng nước, mặt đình nhìn ra hồ Ao Vả, lưng đình quay về phía hồ Tây với một kiến trúc thờ cực kỳ độc đáo, có một không thể có hai, ở nước ta.
Câu chuyện mẹ tôi kể về gia đình ông bà ngoại
Mẹ tôi kể rằng chính trong ngôi nhà cổ nằm cặp Hồ Tây này, gia đình ông bà ngoại chúng tôi tuy không phải quá khá giả, nhưng lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc, con cái quây quần bên cha mẹ, bảy anh chị em (dì Loan và dì áp út là dì Nhâm mất lúc còn trẻ, nên không kể ở đây) luôn chịu thương, chịu khó, bảo ban lẫn nhau, đùm bọc lẫn nhau, không quản ngại khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trong phạm vi cố gắng cao nhất của từng người, để có thể giúp nhau xây dựng cơ đồ, sự nghiệp của từng người trong gia đình thật tốt, làm bà ngoại tôi yên tâm, vui lòng lúc tuổi già (ông ngoại tôi mất năm 60 tuổi, bà ngoại tôi lúc đó 53 tuổi).
Người trong làng gọi ông ngoại tôi là ông Ký Uông, chắc ông có đi làm cho chính quyền Pháp bảo hộ thời đó nên người dân mới gọi như vậy.
Ông ngoại tôi có hai vợ. Bà cả sinh được hai người con gái là bác Thảo (tức bác Tham Dương) và bác Nghiêm (tức bác Tham Tuấn). Do muốn có con trai nối dõi tông đường nên ông lấy bà ngoại tôi là bà Nguyễn Thị Duyệt làm vợ thứ. Bà ngoại tôi sinh hạ được mười người con gồm hai trai và tám gái, lần lượt là bác trai Mẫn (con trai cả), bác gái Trang (tức bà Phán Giang), mẹ tôi tên là Mỹ (tức bà Giáo Duyến), dì Trà (tức bà Phán Trường), dì Khang (tức dì Tuyết hay Triệu), dì Vĩnh (tức dì Kính, cậu Lân, dì Nhâm (mất lúc còn trẻ), dì Loan (mất lúc còn trẻ) và dì út Khánh.
Bà ngoại kể chuyện về gia đình, về vai trò của mẹ tôi
Bà ngoại tôi vô cùng vất vả, một mình tần tảo ngược xuôi, lo chăm sóc, nuôi dạy dỗ mười người con (sau còn tám), đặc biệt phải lo chu đáo cho hai người con trai ăn học là bác cả Mẫn (con trai cả) và cậu Lân. Ông ngoại tôi dành tình thương hết mực cho hai người con trai, đặc biệt là bác cả Mẫn, một niềm đầy tự hào và hy vọng của ông ngoại vì bác cả đẹp trai, học giỏi. Riêng cậu Lân còn quá nhỏ, khi cậu ra đời ông đã 50 tuổi, và lúc ông mất, cậu mới có 10 tuổi.
Sau khi ông ngoại mất, gánh nặng gia đình đè nặng trên vai bà ngoại tôi. Lúc bà còn sống (trước 1958), bà kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện trong gia đình. Đi đâu thăm họ hàng, đi chùa chiền, bà cũng cho tôi đi theo. Tôi còn nhớ rằm tháng nào bà cũng ghé thăm Chùa Đông Hạ (khu ngõ Bà Triệu), lễ chùa và thường được sư trụ trì mời ăn cơm chay. Hồi tiếp quản Hà nội đâu có phải dễ dàng được đi xem ciné ở rạp Majestic (hiện nay là rạp Tháng Tám ở phố Hàng Bài) hay rạp Đại Nam (ở Phố Huế, gần chợ Hôm). Thỉnh thoảng loa phóng thanh của khu phố thông báo đoàn chiếu bóng lưu động của thành phố có chiếu phim phục vụ đồng bào buổi tối ở bãi Vân Hồ (bãi đối diện với Trường Tiểu Học Vân Hồ, nơi tôi theo học thời còn ông Bảo Đại). Thế là chiều tối, sau khi ăn cơm xong, hai bà cháu tôi lại dìu dắt nhau đi xem ciné, mang theo hai cái ghế nhỏ để hai bà cháu ngồi xem phim. Phim hồi đó toàn phim của Trung Quốc như Đổng Tồn Thụy, Bạch Mao Nữ v.v…, hy hữu lắm đồng bào Thủ Đô mới được đội chiếu bóng lưu động của nhà nước “chiêu đãi”, cho coi “nhãn mắt” một bộ phim chiến đấu của hồng quân xô viết trong đại chiến thế giới lần 2.
Hàng ngày đi học về, tôi thường hay ngồi chơi, nói chuyện với bà. Bà kể cho tôi nghe đủ mọi thứ chuyện, nào là chuyện khi ông ngoại mất đi, bà, mẹ tôi (lúc đó mẹ mới 23 tuổi) và các bác, các dì, cậu Lân xoay sở sống vả học hành ra sao, chuyện cậu Lân “đòi” mẹ tôi đi hỏi con gái cưng của một bà bạn lớn tuổi bán hàng vải gần sập hàng của mẹ tôi làm vợ lúc cậu chưa đầy 20 tuổi, chuyện các dì lập gia đình, chuyện cả nhà bà ngoại đi tản cư, chạy giặc Pháp năm 1946 ở trên Làng Vo (nghe nói làng Vo ở Huyện Đại Tử, Tỉnh Thái Nguyên) v.v…
Bà tôi kể, lúc ông ngoại mất, bà mới ngoài 50 tuổi. Một mình bà tần tảo, buôn bán nuôi cả gia đình đông con vô cùng khó khăn. Bà Cả (tức vợ chính thất của ông ngoại) xuất thân từ một gia đình khá giả, chỉ phải nuôi hai bác gái là bác Trang và bác Nghiêm nên không có khó khăn nhiều.
Bà ngoại luôn khen mẹ tôi rất có hiếu, thương cha, thương mẹ. Khi nói chuyện về mẹ tôi đã hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, cùng với bà chăm sóc, nuôi dưỡng các em ăn học, nhiều lúc bà khóc. Bà tôi kể lúc ông ngoại mất, nhiều người đến gặp bà, đánh tiếng xin hỏi mẹ tôi về làm vợ (lúc đó mẹ tôi tuổi đã lớn, 23 tuổi, đã là cái tuổi người đời gọi là “gái già”, vì thông thường hồi đó con gái lập gia đình thường ở tuổi mười tám, đôi mươi), trong đó có nhiều ông tham, ông phán, ông ký, nhưng mẹ tôi không chịu, dứt khoát không lập gia đình, ở nhà buôn bán để phụ bà ngoại nuôi các em. Bác Trang lúc đó đã lập gia đình và về sống với chồng là bác Phán Giang ở thành phố Nam Định. Trong gia đình, bác Mẫn cũng đã học thành đạt, làm việc trong Tòa Công Sứ và đã lập gia đình.
Như vậy, sau khi ông mất, ngoài hai người anh (bác Mẫn) và chị (bác Trang) đã lập gia đình, mẹ tôi là chị lớn nhất trong nhà. Bà tôi kể lúc mẹ con chưa đầy hai mươi tuổi đã buôn bán hàng vải rất có uy tín (hình như bà nói mẹ tôi lúc đó buôn bán vải ở Chợ Ngọc Hà). Bạn hàng cùng buôn bán rất quý trọng mẹ tôi. Một mình mẹ tôi bán hai sập vải, có các dì Trà, dì Khang, dì Vĩnh ra phụ giúp. Cậu Lân đi học về thường chạy thẳng ra sập hàng với mẹ tôi. Riêng dì út Khánh còn nhỏ, ở nhà, không ra ngoài chợ. Một điều rất đặc biệt, mẹ tôi rất có uy với các dì, được các dì mến phục và khi mẹ tôi giao việc gì các dì vâng lời, làm đâu ra đấy, được mẹ tôi yêu quý. Riêng đối với cậu Lân và dì út Khánh, mẹ tôi luôn dành một tình cảm vô cùng đặc biệt, và vì cậu và dì út còn nhỏ nên mẹ tôi thương yêu và chiều đến mức nhiều lúc bà phải la rày mẹ tôi. Rồi lần lượt các dì khôn lớn, đến tuổi lập gia đình, mẹ tôi cùng bà luôn lo các đám cưới cho các dì thật chu toàn, không để thiếu thốn, kém cạnh người khác.
Cậu Lân, đi học về, chạy ngay ra với mẹ tôi, được mẹ tôi mua cho đủ thứ. Một bà bạn cũng khá lớn tuổi bán ở sập hàng gần mẹ tôi có một cô con gái rất xinh làm cậu tôi chết mê, chết mệt. Không hiểu cậu Lân và cô gái xinh đẹp kia yêu thương nhau lúc nào mà mới mười tám tuổi, cậu đã nằng nặc đòi mẹ tôi, thay mặt bà, đánh tiếng xin cầu hôn. Thương và chiều cậu hết mức, mẹ tôi đã nhờ người đánh tiếng xin bà bạn đó cho cậu làm đám cưới với con gái cưng của bà. Cuối cùng, bà bạn đồng ý. Đám cưới được tổ chức trọng thể mặc dù câu Lân lập gia đình trong lúc còn đi học, chưa đi làm. Năm 20 tuổi (năm 1945), câu mợ đã sinh con gái đầu lòng.
Gần ba mươi tuổi mẹ tôi mới chấp nhận đi lấy chồng
Cuối năm 1940, có một bà trong làng Hoàng Mai, bạn hàng của mẹ tôi, giới thiệu mẹ cho bố tôi. Gặp mẹ lần đầu tiên, bố tôi ưng ý ngay. Trở về nhà, bố tôi nhờ người mai mối, đến xin bà ngoại cho được cưới mẹ tôi (lúc đó mẹ đã 29 tuổi ta, gần tuổi ba mươi). Lúc đầu, mẹ không chịu, sợ đi lấy chồng, bà tôi vất vả. Hơn nữa trong nhà, cậu Lân và dì út Khánh còn quá nhỏ. Mẹ tôi thực tâm không muốn rời xa nhà, xa bà ngoại và các em. Nhưng sau, nhiều người khuyên mẹ, kể cả bà ngoại, các bác, các dì, và bà con, bạn bè buôn bán quen biết, mẹ tôi chấp nhận để bố tôi làm lễ cưới vào khoảng đầu năm 1941.
Lấy chồng xong, hai vai mẹ lại oằn lên hai gánh nặng trĩu
Lấy chồng xong, mẹ tôi lại tất bật, một mặt phải lo cho gia đình chồng, một mặt phải lo phụ giúp bà ngoại tiếp tục chăm sóc nuôi dạy các em còn chưa trưởng thành. Sau đó là những năm vô cùng vất vả, vừa làm hết sức để cùng cha tôi lo toan gia đình hai bên, vừa sinh con liên tục, hầu như năm nào cũng sinh con, nào là tháng 4 năm 1942 sinh con gái, nào là tháng 7 năm 1943 sinh con trai, nào là tháng 3 năm 1945 sinh con trai và rồi đến tháng 8 năm 1946, sinh em gái. Kháng chiến toàn quốc (ngày 19 tháng 12 năm 1946), mẹ tôi lại phải gồng gánh đưa cả gia đình đi chạy giặc Pháp, tản cư xuống làng Thường Xuyên, Huyện Thường Tín, Tỉnh Hà Đông, xin tá túc nhà ông Tiếu, một bạn hàng thưởng lên nhận hàng nhuộm vải cho mẹ tôi ngày trước ở Hà nội.
Cuối năm 1947, cha tôi bị bệnh nặng, mẹ tôi phải thuê người cáng cha nằm trên võng và dắt díu năm con nhỏ về lại nhà số 599 phố Bạch Mai (sau này đổi số nhà là 74 Phố Hoàng Mai) để chữa bệnh cho cha.
Giữa năm 1948, cha tôi khỏi bệnh, tiếp tục làm đơn xin đi dạy học lại và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Mai. Mẹ tôi lại tiếp tục gây dựng lại cơ đồ. Mới đầu mẹ tôi bán một sập vải ở Chợ Mơ (ngày nay là chợ Bạch Mai) cùng với cô Dần (em họ của cha).
Buôn bán thời Pháp thuộc: Nền kinh tế thị trường
Sau gần một năm, mẹ tôi tách ra, chuyển lên bán ở Chợ Đồng Xuân, gần sập hàng của bác Yến (nhà ở khu chợ Châu Long), là một người bạn thân của mẹ tôi từ hồi trước khi chạy tản cư.
Đầu tiên, mẹ tôi sang lại một sập hàng. Sau đó, mẹ sang tiếp sập bên cạnh, bán liền một lúc hai sập hàng vải, có đủ mặt hàng rất sang như tơ, lụa, nhung, len, dạ của các cửa hàng xuất nhập khẩu Tân Vinh và Tố Tân từ phố Hàng Đào chuyển qua, lụa bombay Ấn Độ ở cửa hàng của hai chú người Ấn độ, bạn hàng thân thiết của mẹ tôi, từ cửa hàng số 30 phố Hàng Đường chuyển qua. Mẹ tôi thuê riêng anh Vạn chuyên lo gánh hàng cho mẹ buổi sáng sớm từ kho hàng nhà các chú người Ấn đô (phố Hàng Đường) sang sập ngoài chợ để bán hàng và chiều tối, anh Vạn lại gánh hàng cất vào kho (anh Vạn là người thân tín, mẹ tôi coi như con trai trong nhà. Sau này, anh về quê ở Vạn Phước lập gia đình, mẹ tôi lo rất chu đáo đám cưới cho anh và sau đó, anh Vạn cho em trai là anh Ất lên giúp mẹ tôi gánh hàng và trông coi hai sập vải ngoài chợ mỗi khi mẹ bận tiếp khách).
Đầu năm 1950, cha mẹ tôi chuyển lên phố, mua căn nhà số 123 phố Duvigneau (sau này đổi tên là phố Huyền Trân Công Chúa, và sau giải phóng đổi tên là phố Bùi Thị Xuân) để tiện cho mẹ đi chợ, buôn bán, không phải đi quá xa. Khoảng tháng 07 năm 1950, mẹ tôi sinh hạ thêm một em gái.
Từ khi chuyển nhà lên phố, mẹ tôi buôn bán khá phát đạt, chủ yếu các mối hàng từ Hải Phòng (bác Tham Tuấn có một cửa hàng rất khang trang ở phố Trại Cau và bác Lùn (bạn hàng của mẹ) từ Hải Phòng lên cất hàng và phân phối cho khách không những ở Hải Phòng mà còn ở các tỉnh lớn khác ở miền Bắc và thậm chí vào cả đến một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam), hoặc từ Nam Định (bác Phán Giang có cửa hàng bán vải có tiếng là Cửa hàng Vạn Thịnh ở số 192 Phố Khách, và một số bạn hàng quen biết của mẹ tôi từ thành Nam lên cất hàng). Hàng hóa các bác và các bạn hàng ở Hải Phòng, Nam Định, và một vài tỉnh, thành phố lên cất chủ yếu là hàng lụa bombay của Ấn Độ và hàng tơ, lụa, nhung, len, dạ, của các cửa hàng Tân Vinh và Tố Tân ở phố Hàng Đào.
Trong những năm 1951 và 1952, mẹ tôi buôn bán rất có uy tín. Các chú bạn hàng người Ấn Độ muốn rủ mẹ chung vốn làm một cửa hàng lớn hơn nhưng cha tôi không đồng tình vì tình hình chiến sự cuối năm 1952 phát triển có chiều hướng xấu đi, mặt trận đang lan rộng ở nhiều nơi tại miền Bắc. Lính Pháp thua trận kéo về Hà nội. Cướp bóc xảy ra thường xuyên. An ninh trong thành phố nhiều lúc không được bảo đảm.
Cuối năm 1952 mẹ tôi sang giúp dì Trà một sập hàng ngồi cách mẹ tôi khoảng 20m để dì buôn bán cho có thêm đồng ra, đồng vào, phụ giúp gia đình. Dì Trà là em gái kế mẹ tôi, đẹp gái nhất nhà. Gia đình dì Trà thuê căn nhà số 117 phố Huyền Trân Công Chúa (cạnh tiệm bánh mỳ bánh ngọt Đông Hải) để được ở gần mẹ tôi cho có chị có em. Như vậy nhà dì Trà cách nhà 123 của chúng tôi đúng ba căn gồm các nhà số 119 ; 119B ; và 121.
Mẹ tôi tâm sự với tôi dì Trà không thạo buôn bán, lên chợ Đồng Xuân mẹ kèm cặp để tránh phải ở nhà, bị cụ Năm (mẹ chồng) hành hạ. Chú Phán Trường (chồng dì Trà) ủng hộ ý kiến của mẹ tôi sang một sập hàng cho dì tập buôn bán để tránh suốt ngày phải nghe “tiếng chì, tiếng bấc” của bà mẹ chồng là cụ Năm.
Trong thời gian bà ngoại và gia đình các bác, các dì tản cư lên làng Vo (Thái Nguyên), qua người trung gian của gia đình, mẹ tôi thường xuyên biết được tin tức của bà ngoại và gia đình ở chiến khu. Thỉnh thoảng dì Khang về Hà nội vừa để thăm mẹ, dì Trà và gia đình tôi ở Bùi Thị Xuân, vừa để nhận tiền của mẹ tôi gửi biếu bà ngoại và các bác, các chú, các cô dùng để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của đại gia đình đang tản cư ở Làng Vo, tỉnh Thái Nguyên.
Trong năm 1953 và đầu năm 1954, tình hình chiến sự ở miền Bắc chuyển hướng tích cực có lợi cho ta. Quân đội Pháp và quân đội Quốc gia Việt Nam của ông Bảo Đại thất bại thảm hại trên nhiều mặt trận ở miền Bắc cũng như nhiều nơi khác. Để gỡ thế bí về quân sự, Pháp buộc phải mở mặt trận Điện Biên Phủ vào đầu năm 1954 nhằm kéo chủ lực ta lên vùng Tây Bắc để dùng thế mạnh của những đơn vị lê dương thiện chiến kết hợp với vũ khí hiện đại tiêu diệt nhanh bộ đội chủ lực của ta nhằm giải quyết dứt điểm cuộc chiến đang bị sa lầy trên khắp chiến trường Đông Dương.
Thất bại liên tiếp trên các mặt trận vào năm 1954 tác động rất mạnh đến đầu não của Pháp và chính quyền Bảo Đại ở Hà Nội. Từng đoàn xe cam nhông chở lính Pháp và lính Quốc gia Việt Nam của ông Bảo Đại dầm dập từ nhiều hướng chạy qua thành phố ngày và đêm để lên mặt trận. An ninh tại thành phố không bảo đảm, cướp bóc xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí ngay cả trong thành phố. Đương nhiên trong hoàn cảnh thành phố như vậy, buôn bán của mẹ tôi gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt sau khi Pháp bị thất thủ tại mặt trận Điện Biên Phủ (ngày 7 tháng 5 năm 1954), các chú Ấn Độ, bạn hàng của mẹ tôi tâm sự có ý định bán tống bán tháo cho hết hàng, đóng cửa tiệm, trở về thành phố Bombay (Ấn Độ) làm ăn. Đại đa số các cửa hàng xuất nhập khẩu tơ, lụa, nhung, dạ nổi tiếng ở Hà Nội là những bạn hàng thân thiết của mẹ tôi cũng có ý định di cư vào Sài gòn làm ăn cho an toàn hơn.
Mẹ tâm sự với tôi, các bác bạn hàng thân thiết (kể cả hai chú Ấn độ, chủ cửa hàng lụa Bombay ở 30 phố Hàng Đường) căn dặn mẹ tôi nếu gia đình chuyển vào Sài Gòn, ngay khi đến nơi, ổn định nhanh chóng chỗ ở, rồi liên lạc ngay lập tức với các bác, các chú để thiết lập ngay đường dây kinh doanh mới, đừng để mất thời cơ.
Đứng trước tình hình nước sôi, lửa bỏng, buôn bán lại gặp đủ thứ khó khăn, mẹ tôi lại sinh thêm một em bé gái một vài tháng trước khi chính phủ kháng chiến tiếp quản thủ đô Hà Nội. Thế là khó khăn chồng chất khó khăn, buộc cha mẹ tôi phải quyết định con đường đi của cả gia đình: di cư vào Sài Gòn hay ở lại Hà Nội.
Mẹ tôi tâm sự với tôi rằng hoàn cảnh buôn bán của mẹ trong lúc chập choạng, tranh tối tranh sáng như vậy, nếu so với các bạn hàng khác, là khá thuận lợi. Nhưng kinh nghiệm buôn bán của mẹ từ năm 15 tuổi (lúc đó mẹ tôi đã là chủ một sập hàng vải ở chợ Ngọc Hà) cho đến nay mẹ đã 52 tuổi, tuy có trong tay hai sập hàng vải, tơ lụa, len dạ lớn, có uy tín ở chợ Đồng Xuân, mẹ đã từng trải qua biết bao đắng cay trong nghề bán buôn, bán lẻ các mặt hàng cao cấp này. Thông thường mẹ buôn bán thuận lợi, bán đắt hàng, bạn hàng ở các tỉnh, các thành phố ở nhiều vùng, miền và các mối lái đến cất hàng nườm nượp. Nhưng nếu thời cuộc không thuận lợi cho kinh doanh, buôn bán lúc lên, lúc xuống, thuế má lại tăng vọt, nhiều lúc phải ôm hàng trong nhiều ngày. Nếu vốn liếng của mình không được dồi dào, phải bán tống bán tháo đi để lấy tiền chi phí cuộc sống hàng ngày, thì chỉ trong một thời gian ngắn, hai sập hàng cao ngất nghểu, sẽ xẹp xuống rất nhanh, và nếu không có ý chí, không có bản lĩnh trong kinh doanh, chỉ có một con đường duy nhất là phá sản.
Mẹ tôi nói các bạn hàng thân thiết của mẹ cũng như các chú Ấn Độ, chủ của tiệm tơ lụa Bombay số 30 Hàng Đường, muốn mẹ vào Sài Gòn để cùng nhau gây dựng cơ đồ, vì khi di cư vào trong đó, lạ nước lạ cái, không quen biết nhiều, nếu không chụm lại giúp đỡ nhau thì không thể tồn tại và phát triển kinh doanh được. Nhưng mẹ tôi tự đặt ngược vấn đề để tính toán kỹ càng đường đi nước bước trong tương lai gần nhất. Mẹ tôi giả thiết nếu làm ăn thất bại ở trong đó, thì bạn bè dù thân thiết đến mấy cũng chẳng còn tình nghĩa gì đâu, ai mà cứu mang mình mãi được. Bản thân mình phải tìm cách tự xoay sở mà thôi, không thể dựa dẫm được ai đâu, thậm chí kể cả đó chính là những người thân thiết, ruột thịt trong nhà.
Hơn nữa, cha tôi là thầy giáo, ở đâu cũng đi dạy học, lương “ba cọc ba đồng”, làm sao với đồng lương ít ỏi của cha tôi đủ nuôi sống cả nhà, nếu mẹ không chung lưng, gánh sức với cha.
Cha tôi cứ ngồi than ngắn thở dài, chẳng biết tính toán ra sao cho khỏi bị mắc lừa. Cha nói làm sao có thể đặt lòng tin tuyệt đối vào chính phủ Pháp và ông Bảo Đại khi họ hứa đưa gia đình tôi vào Sài Gòn bằng máy bay và bố trí nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, có việc làm ngay. Nếu gia đình tôi nghe theo lời họ, vào đến thành phố Sài Gòn xa lạ, không quen biết một ai, không bà con thân thích,lại chưa được bố trí nơi ăn chốn ở như đã hứa, hoặc nếu họ không bố trí cho dạy học ở Sài Gòn, mà điều đi dạy học ở một tỉnh lạ hoắc, nơi có chiến sự đang diễn ra giữa chính phủ Bảo Đại và các giáo phái Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo v.v…thì gia đình phải làm gì để sinh sống tại các tỉnh xa lạ ở Nam Việt.
Cha tôi cho rằng dù đi đâu chăng nữa, cha cũng chỉ có một nghề duy nhất là nghề dạy học. Vậy tại sao không dạy học tại quê nhà, nơi đã có nhà cao cửa rộng, nơi đã có anh chị em, bạn bè thân thiết, mà phải lại chạy vào đến tận vùng đất Sài Gòn để dạy học?
Mẹ tôi quen làm ăn với các bạn hàng lớn trong nam, ngoài bắc, nên suốt ngày cứ ngồi suy nghĩ ngẩn ngơ, chẳng biết tính toán sao cho đúng với hoàn cảnh cụ thể lúc đó.
Trong lúc cha mẹ tôi đang bàn đi tính lại, để có một quyết định đi hay ở dứt khoát, thì ngay đầu tháng 7 năm 1954 dì Khang từ vùng tự do ở Thái Nguyên xuống Hà Nội tìm cách vận động gia đình tôi bằng mọi giá phải ở lại Hà Nội để được gặp bà ngoại và toàn bộ anh chị em trong đại gia đình họ ngoại sắp trở về quê hương làng Yên Phụ, Hà Nội.
Khoảng từ giữa tháng 8 năm 1954 trở đi đến ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà Nội vô cùng chộn rộn, với đủ thứ tình cảm hỗn độn của kẻ ở lại miền Bắc, người di cư vào Nam. Đặc biệt ngay trong các gia đình trí thức, các gia đình công chức thời Pháp, những cuộc tranh luận nảy lửa đi vào Nam hay ở lại miền Bắc đã liên tục diễn ra. Nhiều gia đình bạn bè của cha mẹ tôi đã phải ly tán không phương cứu vãn, chia năm sẻ bảy, cha mẹ, con trai, con gái mỗi người đi một ngả, chẳng ai chịu nhường nhịn ai (đặc biệt trong các gia đình có con là các anh chị đã đến tuổi trưởng thành).Đương nhiên, trong bối cảnh như vậy, gia đình tôi không thể nào trở thành ngoại lệ.
Trên thực tế, vào thời điểm ngay từ đầu tháng 8 năm 1954, Pháp đã lập một cầu hàng không lớn nhất nhì thế giới, dài trên 1.200 km đường chim bay, nối liền sân bay Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) ra các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai (Hà Nội) và Cát Bi (Hải Phòng), hàng ngày có thể chuyên chở một vài ngàn người. Bên cạnh di chuyển vào Nam bằng máy bay, đại đa số người dân bình thường ở các thành phần khác muốn di cư vào Nam phải đi bằng đường biển, xuống tàu Há Mồm (Landing Ship hay Tank, viết tắt là LST) đậu ở ngoài khơi Vịnh Bắc bộ (khu vực Cảng Hải Phòng).
Cũng trong thời gian trên, Bác Tham Tuấn từ Hải Phòng mang theo cả con trai là anh Trí lên Hà nội chơi, hỏi ý kiến mẹ tôi có đi vào Sài Gòn hay ở lại Hà nội. Bác rất phân vân, nhưng bác trai đã quyết đưa gia đình di cư vào nam và không còn cách lựa chọn nào khác, bác phải theo chồng và gia đình vào Sài Gòn.
Bác Phán Giang từ Nam Định chạy lên Hà Nội vừa để đón con trai cả là anh Nam đào ngũ khỏi quân đội Bảo Đại, mới trốn khỏi trại lính của chính quyền Bảo Đại ở tỉnh Phúc Yên và đang tá túc tại nhà tôi, để đưa anh trở về nhà ở Nam Định, vừa để hỏi ý kiến mẹ tôi về việc đi Nam hay ở lại miền Bắc.
Thảo luận lên, thảo luận xuống, cuối cùng cha mẹ tôi quyết định dứt khoát ở lại Hà Nội để được đoàn tụ với đại gia đình từ chiến khu trở về để mẹ tôi có dịp gặp lại bà ngoại và anh chị em trong đại gia đình ở làng Yên Phụ năm xưa.
Sau khi cha mẹ quyết định ở lại miền Bắc làm ăn, mẹ tôi tâm sự với tôi:
“Mẹ tính kỹ rồi, Hùng ạ! Đi theo các bạn hàng vào Sài Gòn buôn bán, có khi làm ăn phất lên, mẹ cũng có thể có một hoặc hai cửa hàng như các bác bạn hàng thân quen của mẹ đấy. Nhưng rồi cha con vào đó nhỡ bị điều động đi các tỉnh dạy học thì tính thế nào? Mẹ làm ăn thì đương nhiên phải ở thành phố lớn, an ninh phải bảo đảm. Thế là gia đình lại phải ly tán hay sao?
Sự thật cha mẹ cũng chẳng ham muốn thật giàu có để làm gì. Mẹ bàn với cha phải luôn cố gắng làm ăn cho gia đình mình đủ ăn, đủ mặc, con cái được học hành đến nơi đến chốn là cha mẹ mãn nguyện rồi. Nhà mình là một khối, gắn bó suốt đời với nhau, không thể ly tán người ở chỗ này, kẻ ở chỗ khác được.
Đời mẹ, do ông bà nghèo, mới lên 13 tuổi, mẹ đã phải nghỉ học, đi phụ bán hàng vải ở chợ Ngọc Hà để kiếm tiền phụ giúp ông bà ngoại nuôi các em ăn học. Mẹ rất thương bà ngoại. Bây giờ nhà mình mà vào Sài Gòn thì liệu cho đến lúc nào mẹ mới có thể được gặp lại bà ngoại, các gia đình bác Mẫn, cậu Lân, cô Khang, cô Vĩnh, cô Khánh.
Vì thế, mẹ cho ý kiến của cha mẹ không vào Sài Gòn mà ở lại Hà Nội để được gặp lại bà ngoại và đại gia đình mẹ ở Yên Phụ là thích hợp với hoàn cảnh gia đình nhà mình, là đúng đạo lý làm người, con ạ!”
Theo hiệp định Genève, Pháp rút quân khỏi miền Bắc Việt nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời phân chia hai miền Nam-Bắc, và chính thức ngày 10 tháng 10 năm 1954 là ngày chính phủ kháng chiến tiếp quản Hà Nội.
Cả gia đình bà ngoại tôi từ chiến khu trở về Hà Nội. Căn nhà 123 Bùi Thị Xuân vui như ngày hội vì cả đại gia đình mẹ tôi hầu hết đều về ở tại căn nhà trên, chờ nhà nước sắp xếp nhà cửa (nếu các bác, các chú là cán bộ nhà nước) hoặc tìm thuê một căn nhà thích hợp tạm để ở và sinh sống. Đây cũng chính là thời gian tôi sống, gắn bó với bà ngoại nhiều nhất (lúc này tôi mới 11 tuổi), được bà rủ đi hết chỗ này đến chỗ khác thăm họ hàng và bà con quen biết của bà trước khi chạy loạn.
Gia đình các bác, các dì ở tạm trong nhà tôi trong một thời gian ngắn rồi cũng sắp xếp được chỗ ở riêng cho từng gia đình mình. Mẹ tôi mời bà ngoại và dì Khánh ở lại với gia đình tôi.
Sau tiếp quản Hà Nội:
Kinh tế thị trường chuyển dần sang kinh tế quốc doanh
Từ cuối năm 1954 trở đi, các cửa hàng vải trên các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường không có hàng, buôn bán gặp nhiều khó khăn. Các cửa hàng xuất nhập khẩu các loại hàng nhung, lụa, len, dạ sang trọng đóng cửa nhiều vì họ đã di cư vào Nam. Riêng cửa hàng của bác Tân Vinh còn ở lại miền Bắc, hàng hóa cũng chẳng còn bao nhiêu. Sau kỳ cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cửa hàng của bác là Cửa hàng công tư hợp doanh. Các cửa hàng lụa Bombay của Ấn Độ không còn nữa, các chủ cửa hàng đã về nước, không còn buôn bán tại Hà Nội nữa.
Hai sập hàng vải của mẹ tôi trước giải phóng cao là như vậy, nhưng đến đầu năm 1955 sẹp hẳn xuống. Mẹ tôi lại chuyển sang buôn bán hàng vải nội địa, buôn bán có tính cách cầm chừng. Ngoài ra mẹ tôi thấy các dì quá khó khăn về kinh tế nên có giúp đỡ các dì mỗi người một số vốn để buôn bán, đỡ một phần nào cho gánh nặng gia đình. Nhưng như các cụ nói buôn bán phải có “duyên” bán hàng, nên chẳng dì nào thành công trong nghề buôn bán cả. Hơn nữa, sau giải phóng Hà Nội, chính phủ kháng chiến tập trung phát triển nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, không mặn mà với việc phát triển kinh doanh của các hộ cá thể riêng lẻ, nên buôn bán không dễ dàng như thời Pháp thuộc.
Buôn bán càng lúc càng khó khăn. Tổng số hàng của mẹ tôi được cơ quan có chức năng đến kiểm tra rất cụ thể, trên cơ sở khai báo của mẹ tôi. Nếu khai báo không rành mạch, thiếu trung thực, chủ cơ sở kinh doanh phải bị phạt tiền, nhiều khi bị đình chỉ kinh doanh, hàng hóa được nhà nước trưng thu về kho và trả tiền lại cho thân chủ theo giá quy định. Hàng tháng mẹ tôi phải báo cáo thu, chi, một tháng lời được bao nhiêu để Cơ quan Thuế nhà nước xét duyệt và quyết định số tiền mẹ phải đóng thuế hàng tháng. Từng ngày, mua bán từng thước vải phải có hóa đơn, chứng từ lưu trữ để cuối tháng nộp cho cơ quan thuế kiểm tra xem cơ sở kinh doanh khai báo có trung thực, có chính xác hay không.
Mẹ đi bán hàng từ sáng đến tối, mệt vô cùng. Nhưng khi ăn cơm tối xong, mẹ lại ngồi với tôi (lúc này tôi mới 12 tuổi, học lớp Đệ Thất) tính toán lại sổ sách. Tôi tuy nhỏ, nhưng mẹ rất tin tưởng, để tôi làm thư ký, kế toán cho mẹ (đương nhiên cuối cùng có bố tôi kiểm tra). Tôi ngồi làm báo cáo số lượng hàng mẹ đã bán và số hàng tồn kho cho mẹ hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Hầu như cứ mười ngày hoặc nửa tháng một lần, tôi đi chiếc xe đạp Super Globe lên mua hóa đơn và đóng dấu Phòng thuế vào hóa đơn cho mẹ ở cơ quan Thuế tại phố Hàng Bồ để mẹ có hóa đơn hợp pháp bán hàng.
Buôn bán ế ẩm, không có hàng mua thêm vào, hàng bán ra tèo tọp, lại quá nhiều thể thức khai báo, nên mẹ tôi thu vén ổn thỏa, rồi xin nghỉ bán hàng, giao trả hai sập hàng cho nhà nước vào đầu năm 1956. Dì Trà, Bác Yến cũng dẹp luôn sập bán hàng vào thời điểm đó.
Theo tôi, mẹ xin nghỉ kinh doanh là đúng thời điểm vì sau này đâu có háng hóa gì bày bán nhiều ở các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường. Hơn nữa vào những năm 1960, nhà nước thực hiện tem phiếu cho từng cán bộ, từng công nhân viên, từng hộ gia đình, đâu còn có gì mà mua với bán ngoài những mặt hàng nằm trong “tiêu chuẩn”.
Mẹ tôi rất khổ tâm vì căn nhà của ông bà ngoại ở làng Yên Phụ trong chiến tranh bị bom đạn làm hư hỏng hoàn toàn, phải xây cất lại. Mẹ muốn đứng ra bỏ tiền xây cất lại căn nhà để thờ cúng tổ tiên, nhưng lúc đầu có một thành viên trong gia đình có ý kiến không đồng thuận nên nguyện ước của mẹ tôi bị chựng lại. Chính điều này làm cho bà ngoại tôi rất buồn.
Sau một năm mẹ tôi kiên trì thuyết phục và được hầu hết mọi người trong gia đình ủng hộ, nhất là cậu Lân, nên vị thành viên đó mới chấp thuận cho cha mẹ tôi đứng ra cùng anh chị em trong nhà xây cất nhà thờ tổ tiên tại chính miếng đất của ông bà ở làng Yên Phụ.
Mẹ tôi rất vui khi căn nhà ở làng Yên Phụ đã xây xong khá khang trang. Bà ngoại mãn nguyện vì căn nhà hai ông bà đã từng trong một thời gian dài nuôi dạy con cái lên người đã được xây cất lại đẹp, hoành tráng. Bác Mẫn đưa ngay gia đình về ở, trông nom nhà cửa và thờ cúng tổ tiên. Sau này, hàng năm cứ đến ngày giỗ, ngày Tết, mẹ tôi và các bác, các chú, các dì lên tập trung tại nhà bác cả, tổ chức cúng, giỗ ông bà, tổ tiên rất đầm ấm và vô cùng vui vẻ. Thông thường buổi tối trước ngày giỗ, mẹ tôi về nhà ở Yên Phụ để gặp gia đình bác Mẫn, các em gái và cậu Lân. Cả gia đình quây quần trong ngôi nhà đầy kỷ niệm, cùng nhau ôn lại những chuyện ngày xưa và rồi để sáng hôm sau, mọi người thức dạy sớm, theo sự phân công của mẹ tôi, chuẩn bị làm cỗ cúng các cụ.
Bà ngoại tôi khoảng đầu năm 1957 không ở nhà tôi nữa. Bà lên ở nhà số 30 ngõ Vạn Kiếp (cặp hông một bệnh viện thời Pháp thuộc gọi là Bệnh viện Đặng Vũ Lạc, sau này gọi là Bệnh viện C) để sống với dì Út Khánh.
Đây là căn nhà của gia đình dì Trà để bà ngoại, dì út Khánh (lúc này chưa lập gia đình) và gia đình cậu Lân ở. Lúc này bà tôi không còn mạnh khỏe như hồi mới giải phóng (bà đã 76 tuổi ta), đi đứng khá khó khăn. Năm sau (1958) bà tôi vĩnh biệt cõi đời, hưởng thọ 77 tuổi.
Sau khi bà ngoại mất, dì Khánh và gia đình cậu Lân vẫn tiếp tục ở căn nhà trên. Đến khi dì Khánh lập gia đình với chú Tạo, sinh em bé gái đầu lòng, cả nhà dì Khánh chuyển về ở hẳn tại căn nhà thuộc ngõ Phố Đội Cấn, Hà Nội.
Riêng căn nhà số 30 Phố Vạn Kiếp, mẹ tôi kể, vợ chồng dì Trà sang tên, bán cho cậu Lân theo kiểu vừa bán, vừa tặng em trai để cậu ổn định cuộc sống gia đình,vì cậu tôi đi bộ đội, sau chuyển ngành về làm quản lý dụng cụ, sân bãi tại Sân vận động Hàng Đẫy, lấy đâu ra nhiều tiền mà mua nhà.
Sau tiếp quản Hà Nội (sau tháng 10 năm 1954), cha tôi vẫn đi dạy học ở trường cũ, tuy tiền lương vẫn được chính phủ cách mạng quy đổi sang đồng tiền của cách mạng, giữ mức lương như trước kia chính phủ Pháp bào hộ trả, còn cán bộ kháng chiến chỉ được tính lương theo tiêu chuẩn số lượng ki lô gạo như trong kháng chiến. Cha tôi tâm sự với tôi cách trả lương này làm cha tôi rất khổ tâm vì không lĩnh lương thì không được, gia đình lấy gì mà sống, nhưng lấy một số tiền khác biệt so với số gạo cán bộ cách mạng được nhận thì thấy nhục nhã. Vì thế, mỗi khi đến kỳ nhận lương, cha tôi ký vội cho nhanh, rồi cầm gói tiền cho vào cặp, không dám đếm lại vì rất ngại sợ người ta không ưa khi nhìn thấy mấy ông thầy giáo “lưu dung” đếm tiền.
Sự cách biệt về lương của “công chức lưu dung của Pháp” và của cán bộ kháng chiến được duy trì trong một thời gian ngắn rồi hủy bỏ, sắp xếp lại lương một cách bình đẳng, theo quy định mới của nhà nước.
Dẹp cửa hàng, ở nhà vừa làm nội trợ, vừa làm công việc khu phố.
Từ năm 1957 trở đi, mẹ tôi ở nhà làm nội trợ, tham gia công tác khu phố rất tích cực, được bà con yêu mến. Trong khoảng gần chục năm sau này, Hà nội như một đại công trường lao động xây dựng với sự hưởng ứng, tham gia đóng góp công sức của tất cả các tầng lớp nhân dân. Các công trình xây dựng thủ đô như Công trường mở rộng đường Cổ Ngư ra phía Hồ Tây thành đường Thanh Niên, Công trình mở rộng khu vực đền Voi Phục, xây dựng Công viên Thủ Lệ, Công trình trồng cây phi lao, gây rừng dọc theo Sông Nhuệ ở khu Cầu Diễn (sau này gọi là Rừng Thanh niên), Công trường nạo vét hổ Bảy Mẫu ở phía nam thành phố để xây dựng Công viên Bảy Mẫu với những hàng cây, những luống hoa đầy mầu sắc và hương thơm v.v… luôn làm cuộc sống của người dân nhộn nhịp suốt tuần, đặc biệt vào những ngày thứ bảy và chủ nhật, những ngày lao động xã hội chủ nghĩa của các tầng lớp nhân dân thủ đô.
Tại các khu phố, mỗi nơi đều có tổ chức hoạt động riêng theo các tổ dân phố, có phong trào thi đua xây dựng tổ dân phố gương mẫu chấp hành chính sách của nhà nước, xây dựng tổ dân phố văn minh, sạch đẹp. Hàng tuần, mỗi khu phố đều tổ chức tổng vệ sinh đường phố, quét vôi trắng vỉa hè, dọn dẹp các bãi rác công cộng v.v…Sau này khi chiến tranh phá hoại của bọn xâm lược mở rông ra đến miền Bắc với những trận ném bom phá hoại vô cùng dã man của bọn xâm lược xuống các khu công nghiệp trọng điểm, các vùng dân cư đông đúc, trong nhân dân nổi lên phong trào thanh niên “Ba Sẵn Sàng”, phụ nữ “Ba Đảm Đang”, vai trò của các tổ dân phố rất quan trọng trong việc động viên bà con gương mẫu tham gia các phong trào yêu nước này.
Tại khu phố Bùi Thị Xuân của chúng tôi, mẹ tôi tham gia các phong trào ở địa phương rất nhiệt tình, luôn có tinh thần trách nhiệm cao. Năm 1960, mẹ được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng dân phố. Lúc đầu mẹ tôi không dám nhận sợ không đủ trình độ gánh vác công việc của khu phố. Sau được bà con góp ý, hứa hẹn mỗi người một chân, một tay, giúp đỡ để mẹ làm tốt nhiệm vụ tổ trưởng và đặc biệt cha tôi hứa sẽ giúp mẹ tôi hết mình làm công việc của “thư ký” và “cố vấn” cho mẹ ở từng buổi họp của khu phố, mẹ nhận với bà con làm tổ trưởng.
Tôi thật sự khâm phục khi thấy mẹ tôi làm rất tốt nhiệm vụ của một tổ trưởng dân phố. Tổ dân phố của mẹ luôn được biểu dương hàng năm. Mỗi lần nói chuyện với tôi, ông Sự, tổ phó phụ trách bảo vệ dân phố, luôn nói về mẹ tôi với một lòng kính trọng. Ông nói ai ai trong khu phố cũng yêu quý mẹ tôi vì mẹ tôi chân tình, luôn giúp đỡ mọi người và luôn vô cùng gương mẫu, đã nói là làm, không quản ngại khó khăn gì cả. Nghe ông nói, tôi rất tự hào về mẹ. Làm tổ trưởng được khoảng trên dưới ba năm, mẹ xin nghỉ để nhường cho các cô trẻ hơn, có trình độ hơn, đảm trách công việc tổ trưởng dân phố.
Từ năm 1961 đến tháng 4 năm 1965 tôi theo học đại học, ở nội trú trong Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội, Khu Cầu Giấy, hàng tuần chỉ về nhà một hoặc hai lần, nên tâm sự với mẹ không được nhiều như trước. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi bộ đội biền biệt cả chục năm trời, phải xa cha mẹ và gia đình cho đến khi sau hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, tôi mới được phép về nhà. Đây là Tết Nguyên đán đầu tiên tôi được ăn Tết Bính Thìn (năm 1976) với bố mẹ và gia đình sau gần mười năm xa cách.
Cuộc sống của gia đình sau chiến tranh, đặc biệt khi cha mẹ tôi đã về già
Trong thời kỳ hậu chiến (từ tháng 5 năm 1975), cuộc sống của nhân dân từ Bắc vào Nam bước vào thời kỳ “thắt lưng, buộc bụng” rất vất vả. Cha mẹ khuyên tôi công tác ở xa, cha mẹ không góp ý với tôi được nhiều, tôi phải tập trung giải quyết công việc gia đình trong đó, đừng lo nghĩ quá nhiều vế cuộc sống của cha mẹ.
Cha tôi nói: “Ở ngoài này, cha mẹ đã có kế hoạch rồi, dè sẻn cũng đủ tiền ăn đến lúc cha mẹ từ biệt cõi đời này, kể cả tiền ma chay nữa, con ạ! Cứ mỗi buổi chiều, ngồi ngắm nhìn gia đình từng đứa con chuẩn bị bữa ăn chiều mà cha mẹ đau lòng. Có cặp vợ chồng gọi là ăn bữa chiều, nhưng thực ra chúng nó đứng gần bể nước, và vào mồm thật nhanh tô mỳ sợi chẳng hề có một miếng thịt. Cha mẹ nhìn chúng nó ăn uống mà ứa nước mắt. Cha mẹ bây giờ phải tần tiện, thu vén làm sao cho đủ sống, không muốn để các con phải lo, mà thực ra lương nhà nước trả các con hàng tháng như vậy làm sao các con nuôi nổi cha mẹ?”
Một lần tôi ra Hà Nội công tác thấy cha mẹ già, ăn uống quá kham khổ, tôi không đành lòng. Tôi có tâm sự điều này với Anh Dũng. Ngồi trầm ngâm một lúc, anh cho rằng cách giải quyết tốt nhất là cha mẹ bán căn nhà 123 Bùi Thị Xuân để mua một căn nhà nhỏ hơn, lấy ra một số tiền để cha mẹ bồi dưỡng lúc tuổi già. Tìm mua một căn nhà mặt tiền, diện tích nhỏ hơn một chút, thích hợp để bố mẹ và hai người em là gia đình chú Bình và cô Điệp ở. Còn ở ngoài này, anh Dũng đã có căn phòng của Sở Thể dục thể thao, chị Chi đã có nhà tập thể ở trường Đại học Bách Khoa, cô Đính đã có nhà chồng ở phố Cửa Đông. Riêng tôi ở Sài gòn, cũng có chỗ ở rồi.
Trao đổi với tôi, anh Dũng cho rằng ở nhà này chỉ có tôi đề xuất ý kiến này may ra cha mẹ nghe theo vì anh biết cha mẹ rất thương và quý mến tôi, nhất là tôi đi lính xa nhà biền biệt cả hơn mười năm trời mới trở về nhà.
Tôi suy nghĩ trong hai ngày liền, thấy điều anh Dũng nêu ra là hợp lý, vì vấn đề mấu chốt là cha mẹ đã già rồi, phải có tiền để tẩm bổ thêm, để mua thuốc chữa bệnh. Con cái lớn rồi, đã yên bề gia thất, ráng tự lo liệu mà sống. Của cải của cha mẹ để lại sau khi qua đời là “lộc” cha mẹ cho, thực chất là tạo “phước đức”” cho con cái.
Tôi mang ý kiến của anh Dũng ra bàn với cha mẹ. Ngồi trầm ngâm một lúc, cha tôi nói: “Hùng ạ, cha mẹ biết con ở xa, nói ra điều này là con lo cho cha mẹ. Cha mẹ cám ơn con. Nhưng cha mẹ không thể chiều lòng để theo ý của con được, vì Hùng thấy đấy cuộc sống của anh chị em con với đồng lương nhà nước trả không đủ nuôi sống mình như thế này thì làm sao cha mẹ ngồi ăn cơm có thể nuốt trôi được một miếng thịt hay một miếng cá, trong khi các con, các cháu cứ phải sáng cũng như trưa, cũng như chiều ăn toàn rau xanh, lúc thì luộc, lúc thì xào và một vài bát cơm không độn khoai, thì độn mỳ, hoặc độn sắn, hả Hùng? Rồi con tính tiếp xem, khi cha mẹ quy tiên, nhà cửa chật hẹp, con cái, họ hàng bên nội cũng như bên ngoại đến viếng, phải đứng cả ở ngoài đường hay sao?”
Cha mẹ tâm sự như vậy, tôi không thể không đồng ý. Sau này, tôi nói với anh Dũng không nên đề xuất ý kiến này nữa vì cha mẹ không chịu đâu.
Sau khi cha tôi qua đời (ngày 16 tháng 4 năm 1983), mẹ tôi bị suy sụp hẳn, sức khỏe yếu đi rất nhiều, chân bị thấp khớp hành hạ, đi lại rất khó khăn. Những năm cuối của thập niên 1980, mẹ tôi bị liệt, không còn đi lại được nữa, mọi thứ từ ăn uống, đến đi tiểu và đại tiện, đến tắm rửa hàng ngày đều do các con thay nhau chăm sóc mẹ. Bác sĩ đến thăm bệnh cho mẹ vô cùng ngạc nhiên và thán phục anh chị em tôi về việc chăm sóc mẹ lúc tuổi già. Bác sĩ cho rằng anh chị em tôi phải tắm rửa cho mẹ rất sạch sẽ vì mẹ tôi nằm liệt trên gường gần một năm trời không hề không có mùi hôi, da thịt vẫn sạch sẽ như những người bình thường.
Mẹ từ giã trần thế trong niềm thương tiếc vô hạn của mọi người
Một điều rất đặc biệt khoảng đâu tuần cuối tháng 6 năm 1989, Cậu Lân và tôi đều được gia đình ở Hà Nội thông báo mẹ tôi trở bệnh năng, hai cậu cháu sắp xếp công việc ra ngay để kịp gặp mẹ tôi.
Tôi vội vã chạy lên trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh gặp anh Lý Hòa, Hiệu trưởng, xin anh cấp cho một giấy giới thiệu đặc biệt đề nghị Hàng Không Việt Nam bán một vé máy bay ra công tác gấp ở Hà nội. Ra đến nơi bán vé, họ trả lời tôi tất cả các vé cho các chuyến bay (sáng, trưa, chiều và tối) ngày hôm sau không còn vé, chỉ còn một hay hai vé cho hai ngày gần cuối tuần. Tôi sốt ruột muốn đi ngay nên hỏi họ có còn vé VIP (hạng Business) buổi sáng hôm sau không? Họ trả lời còn đúng hai vé VIP cho chuyến bay 06g30 sáng hôm sau, ngày 24 tháng 6 năm 1989. Tôi mua ngay một vé VIP, chịu tiền gần gấp đôi vé thường.
Riêng cậu Lân tôi lúc đó đã về hưu (lúc đó cậu 64 tuổi), có nhiều thời gian, nên ra xếp hàng để mua vé về Hà Nôi. Chờ đợi cả buổi sáng cậu mới được ưu tiên mua vé ra Hà Nội vào chuyến bay lúc 06g30 sáng ngày 19 tháng 7 năm 1989. Thế là tôi về thăm mẹ trước Cậu Lân gần một tháng trời (khoảng thời gian này đi lại tuyến đường hàng không Hà Nội-Sài Gòn rất khó khăn, chủ yếu dành cho cán bộ đi công tác và phải đăng ký trước cả tháng trời mới có thể có vé máy bay. Nhiều cán bộ không thể chờ đợi được, phải giải quyết đi công tác bằng phương tiện vận chuyển đường bộ (đi xe đò hoặc đi xe lửa).
Trưa ngày 24 tháng 6 năm 1989, đúng 11g00, tôi đã về tới nhà ở Bùi Thị Xuân. Bước vào nhà, tôi thấy đầy đủ các chú Triệu, chú Tạo, chú Kính, dì Trà, dì Khánh, và một số anh chị em trong gia đình đang đứng quanh giường, gọi mẹ liên tục nhưng không hề thấy mẹ trả lời, nét mặt mẹ không hề thay đổi. Thấy tôi, dì Trà ôm tôi mếu máo khóc, rồi gọi mẹ tôi: ”Chị Mỹ ơi, thằng Hùng, con trai chị từ Sài gòn về thăm chị này!” Tôi đến ngay mẹ, tay ôm mẹ. Nét mặt mẹ lúc đó dãn ra, mỉm cười. Dì Trà lại mếu máo khóc: ”Chúng em đến thăm chị từ sáng đến giờ, hỏi chị cũng chẳng thèm nói. Khi con trai chị về, chị biết, chị vui, chị cười, Chúng em giận chị rồi. Chúng em về đây để chị vui vẻ với con trai mới về, chị nhé!”
Sau đó các chú, các dì ra về. Tôi mang ba lô lên gác, cất dọn đồ đạc, rồi xuống ngồi đút cơm cho mẹ tôi. Lúc đó chị Chi cũng từ Trường Bách Khoa tới, em Đính cũng mới xuống lo tắm rửa cho mẹ. Riêng em Bình lúc này đang công tác ở Tiệp Khắc, không có nhà. Em Điệp chắc bận việc ở cơ quan, buổi chiều tôi mới gặp khi em về nhà.
Buổi tối hôm đó, gia đình tôi tụ họp tại nhà Bùi Thị Xuân. Anh Dũng rất vui khi bất ngờ thấy tôi đã ra ngay được Hà Nội. Cả nhà ngồi trao đổi với nhau về tình hình sức khỏe của mẹ, ý kiến của bác sĩ. Tất cả đều nhất trí tập trung mọi sức lực chăm lo tốt nhất cho mẹ. Tôi không có đi chơi đâu, suốt ngày quanh quẩn bên mẹ, đút cơm cho mẹ ăn từng bữa một. Có lần thấy có hàng bánh đúc đi qua, tôi gọi mua, rồi đút một chút xem mẹ có ăn được không. Tôi thấy mẹ ăn ngon lành, tôi rất mừng, nhưng không dám cho mẹ ăn nhiều sợ có chuyện gì xảy ra, chắc chắn tôi sẽ bị bác sĩ và anh chị em trong nhà “cạo đầu “mất. Khi chị Chi và các em đến chăm sóc mẹ, tôi nói sáng đút cơm cho mẹ xong, tôi còn cho mẹ ăn thêm bánh đúc và mẹ ăn rất ngon. Mọi người la tôi ẩu, cho mẹ ăn như vậy, bánh đúc có vôi mà dạ dày mẹ lại không tốt, nhỡ có chuyện gì thí tính làm sao? Tôi cười và nói mẹ đâu có làm sao.
Ở nhà với mẹ được hai mươi mốt ngày, thấy mẹ khỏe ra, da đỏ hồng, thỉnh thoảng mẹ nói thì thào được, tôi khá yên tâm, nghĩ mẹ mình chắc chưa có mệnh hệ gì đâu. Trong trường đại học ở TP. HCM chuẩn bị tổ chức Hội nghị Khoa Học vào cuối tháng 7 năm 1989, tôi phải về sớm để chuẩn bị cho hội nghị của Khoa Ngữ Văn Anh. Tôi bàn với anh chị em trong nhà về tình hình sức khỏe của mẹ và chuẩn bị phải quay về thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi đi, tôi ngồi một lúc lâu với mẹ tôi, nói chuyện thật chậm để mẹ hiểu và thông cảm cho tôi vì công tác, tôi không ở lại Hà Nội với mẹ được lâu hơn.
Trở về Sài Gòn ngày 16 tháng 7 năm 1989, tôi tới thăm Cậu Lân và kể cậu nghe về tình hình sức khỏe của mẹ tôi. Cậu tôi cười và nói động viên tôi chắc mẹ chưa đến nỗi nào đâu.
Chiều ngày 18 tháng 7 năm 1989 tôi xuống thăm cậu và gửi cậu một vài món quà về biếu mẹ và anh chị em ở Hà nội vì cậu sẽ bay chuyến 6g30 sáng ngày hôm sau ra ngoài đó.
Ngay sáng ngày 20 tháng 7 năm 1989, cậu xuống thăm mẹ tôi. Các anh chị em trong nhà cho cậu biết mẹ mới trở bệnh lại khoảng hai ngày, nằm mê mệt, không ăn uống gì. Sức khỏe của mẹ yếu đi nhiều so với đầu tuần trước, khi tôi còn ở ngoài Hà Nội. Cậu nói với tôi nhìn mẹ con nằm không động đậy, thở thoi thóp làm cậu khóc, nước mắt cứ trào ra.
Hôm lên máy bay để ra Hà Nội thăm mẹ tôi, ngồi trên máy bay, linh tính mách bảo, cậu thấy bồn chồn như có điều gì chẳng lành đang xảy ra ở ngoài nhà tại Hà Nội. Xuống máy bay, em Việt ra đón, đưa cậu về chỗ em nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, cậu xuống thăm mẹ tôi rất sớm và trào nước mắt khi nhìn thấy mẹ tôi đã chuyển sang bệnh nặng rồi.
Mẹ tôi mất ngày 22 tháng 7 năm 1989 (nhằm ngày 20 tháng 06 Âm lịch). Cậu Lân cho tôi hay sở dĩ anh Dũng không gửi điện tín (telegram) báo tin mẹ ra đi cho tôi vì tôi vừa mới ra với mẹ cả ba tuần rồi. Hơn nữa đi lại quá khó khăn, tôi không cách nào về kịp để vĩnh biệt mẹ tôi được, vì ở Hà Nội lúc đó có quy định các đám tang phải giải quyết gọn trong 24 giờ sau khi mất, không được để lâu cả ba ngày như ngày xưa. Em Bình, cũng trong hoàn cảnh như tôi, đang công tác ở Tiệp Khắc, không thể trở về tiễn biệt mẹ được.
Cậu tôi cho biết đám tang của mẹ được anh Dũng và anh chị em trong gia đình tổ chức rất chu đáo, bà con lối xóm, bạn bè của mẹ, và các bác, các cô, các chú, các dì, các em và các cháu họ nội và họ ngoại đến đầy đủ, tiễn đưa mẹ con về nơi an nghỉ cuối cùng ở làng Hoàng Mai. Mộ mẹ tôi nằm cạnh mộ bố. Trước khi tiễn biệt, chú Triệu đọc một bài điếu văn rất cảm động, nêu bật công đức của mẹ tôi với gia đình trong dòng họ nội và ngoại. Mẹ tôi suốt đời tận tụy, lúc nào cũng hết sức ngoài chăm lo cho cha, mẹ, anh chị em trong đại gia đình Yên Phụ còn chăm lo cho chồng, con cái trong gia đình riêng của mình hết sức chu đáo. Mẹ là một tấm gương sáng chói cho mọi người noi theo, không ai có thể so sánh được với mẹ.
Cậu tôi nói “ông Trời” có mắt cho cậu tôi ra Hà Nội đúng lúc mẹ tôi hấp hối. Chắc đúng là như vậy, vì khi đi đăng ký vé máy bay, cậu được ưu tiên mà phải chờ đợi gần tháng trời. Còn tôi đi theo kiểu “công văn hỏa tốc” mới nhanh được như vậy. Cậu khuyên tôi không nên buồn vì chuyện không ra dự đám tang của mẹ được. Cậu đã làm nhiệm vụ thay tôi tiễn biệt mẹ, tiễn biệt người chị ruột yêu quý nhất của cậu về cõi vĩnh hằng.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi thường xuyên xuống thăm Cậu ở Đường Nguyễn Tri Phương nối dài (khu doanh trại Bộ Tư lệnh Công Binh trước kia của VNCH) cho đến khi cậu bị bạo bệnh, vĩnh biệt bạn bè, vợ con và các cháu trong gia đình chỉ sau Tết Âm lịch năm 2002 đúng mười ngày.
Tôi luôn nhớ khi đến thăm, Cậu thường kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về mẹ. Cậu nói mẹ không những là chị ruột mà cậu luôn coi mẹ tôi như người mẹ thứ hai vì cậu lớn lên, có vợ con, trưởng thành được như ngày nay là nhờ có mẹ.
Điều tôi khẳng định là cậu nói rất thật lòng, rất trân quý mẹ tôi vì sau khi mẹ mất, trên bàn thờ ông bà ngoại ở nhà cậu tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ duy nhất có ảnh của mẹ tôi được đặt thứ ba về phía bên trái, bên cạnh ảnh của ông bà ngoại.
Khi kể về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cậu tôi nói nếu không có tiếp tế thường xuyên của mẹ tôi thì cả đại gia đình bà ngoại ở Làng Vo lấy tiền đâu mà sinh sống. Cậu còn nói mẹ luôn cho cậu tiền tiêu thường xuyên, và gửi cho cậu mọi thứ khi cậu cần. Cậu cười nói, đi đánh nhau lúc nào vất vả nguy hiểm thì thôi, khi nào có dịp tranh thủ về thăm bà ngoại và gia đình vài ba ngày thì cậu vẫn ghé qua một vài nơi “vùng đệm” ăn phở bò và uống cà phê như thời gian cậu còn ở Hà Nội thời Pháp tạm chiếm.
Nhớ đến cậu, tôi không bao giờ quên được câu nói vô cùng trân trọng và quý mến của cậu đối với mẹ, mỗi khi cậu kết luận những câu chuyện kể về mẹ: “Con có một người Mẹ và Cậu có một người Chị trên cả tuyệt vời!”
Cậu tôi nói rất “chuẩn”. Đối với tôi, đúng như cậu đã ca ngợi, mẹ tôi là người tuyệt vời nhất của anh chị em trong đại gia đình ở phố Bùi Thị Xuân chúng tôi. Mẹ đã để lại muôn vàn kỷ niệm vô cùng yêu thương không bao giờ phai mờ được trong tâm khảm của anh chị em chúng tôi.
Mẹ tôi, Bà Lê Vũ Thị Mỹ,
Tổ trưởng dân phố Bùi Thị Xuân (1912 - 1989)
Một số hình còn lưu lại về cha mẹ và gia đình chúng tôi ở căn nhà phố Duvigneau ngày xưa tại Hà Nội
Căn nhà ở phố Duvigneau (sau được đổi tên là Huyền Trân Công Chúa, rồi tiếp theo là Bùi Thị Xuân), là nơi gia đình tôi sinh sống từ năm 1950. Cây ổi trước cửa nhà được cha tôi trồng kể từ khi tôi vào Nam bộ cuối năm 1967. Cha trồng cây ổi để nhớ ngày tôi ra đi. Tôi xa nhà bao nhiêu năm thì cây ổi trước nhà sống được bấy nhiêu năm.
Chiếc cầu thang làm bằng gỗ lim, bóng nhẫy và đen mun theo năm tháng của thời gian.Chính gầm cầu thang được xây dựng kiên cố này là hầm trú ẩn của cha mẹ tôi trong những đợt Mỹ ném bom hủy diệt khu phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai và một số khu dân cư khác ở Hà Nội …cuối năm 1972.
Cha mẹ kính yêu của chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Tiến Duyến (50 tuổi) và bà Lê Vũ Thị Mỹ (38 tuổi)
(Hình chụp năm 1950 tại Hiệu ảnh Ngọc Dung, phố Huế, Hà Nội, nhìn xéo từ Chợ Hôm sang)
Hình gia đình chúng tôi chụp tại hiệu ảnh phố Hàng Trống, Hà Nội khoảng cuối năm 1953.