Câu chuyện số 1Cha, thầy, bạn
Những kỷ niệm trân quý về cha, thầy và bạn
Trong gia đình, ba người chủ chốt là cha, mẹ và anh trai cả của tôi đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, phương pháp nhận thức các mặt tích và tiêu cực trong xã hội.
Nhưng tôi phải thừa nhận trong ba người tôi vô cùng kính mến và yêu quý ở trên, cuộc đời và sự nghiệp của cha tôi có một tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn lao trong thời tuổi ấu thơ của tôi, đặc biệt trong thời gian tôi theo học bậc tiểu học dưới thời Pháp thuộc (từ năm 1949 đến cuối năm 1954).
Trong thời gian này, bất kỳ đi đâu, thăm hỏi bà con, bạn bè ở các nơi cha tôi đã từng đến dạy học nhiều năm như làng Phúc Xá, làng Hoàng Mai, tôi luôn được đi theo cha, thậm chí kể cả những buổi cha tôi lên lớp dạy học ở trường tiểu học Hoàng Mai, tôi cũng đi theo để học “ké”, để được cha kèm cặp thêm. Cha tâm sự vói tôi nhiều điều thú vị, kể tôi nghe nhiều chuyện rất cảm động về hoàn cảnh thiếu thốn của gia đình trong thời niên thiếu, về những cố gắng hết sức mình của ông bà nội trong thời gian phải gồng mình từng bữa để nuôi dưỡng sáu người con (bốn trai, hai gái) trưởng thành, đặc biệt những kỳ vọng của ông nội về kết quả học tập của người con trai thứ tư là cha tôi. Nghe chuyện cha hồi nhỏ, nhiều lúc tôi tự nhủ thầm số anh chị em chúng tôi sung sướng hơn cha nhiều lắm.
Cha tôi kể ba người anh trai của cha tôi học không được,ông nội tôi phải cho ba bác chuyển sang tay ngang, đi học nghề tài xế lái xe vận tải.
Bác Cả tôi lập gia đình và hành nghề lái xe thuê ở Hà Nội. Do bác cả gái không có con trai (con gái bác cả gái làm ăn rất phát đạt, đặc biệt là chị Thành (tức chị cả Tế, nhà ở phố Hàng Đào) và chị Cả Tước (nhà ở phố Hàng Đường). Lấy bác hai gái, bác Cả tôi sinh hạ được con trai, đặt tên là anh Thuận (chúng tôi gọi là anh Cả Thuận).
Bác Hai tôi lang bạt vào lái xe thuê và sinh sống ở Sài Gòn. Sau này không còn việc, bỏ cả vợ con ở trong Nam bộ (trong đó, sau khi hòa bình lại, khoảng đầu tháng 5 năm 1975, tôi có được gặp một chị sống ở Cát Lái, ngoại vi Sài Gòn, còn một chị khác sống ở Đà Lạt, bác Hai quay trở về Hà Nội, mong được cuối đời sống với hai anh con trai, nhưng cũng không dược toại nguyện vì anh con trai cả tên là Du, đi lính cho chính phủ Pháp – Bảo Đại bị chết trong trận Na Sản, còn người con trai thứ hai là anh Phổ đi lính vệ quốc đoàn của cụ Hồ. Sau khi tiếp quản thủ đô, anh Phổ cùng vợ con về sinh sống hình như ở khu vực Lương Yên. Riêng bác Hai, cha tôi giúp cất tặng bác một căn nhà ở trong làng. Bác Hai ở căn nhà này cho đến lúc bác về với Trời, Phật. Các chị con gái khác của bác Hai tôi như chị Phát, chị Trường cũng sống vô cùng vất vả.
Bác Ba tôi cũng chuyển sang học nghề tài xế. Học xong, bác lên lái xe thuê ở Tuyên Quang và lập gia đình trên đó. Tôi không biết bác Ba tôi sinh hạ được bao nhiêu các anh, các chị. Nhưng cha tôi kể bác có ba anh con trai, gồm anh Lưu, anh Lãng, và anh Minh. Tôi chưa hề được gặp mặt anh Lưu. Riêng hai anh Lãng và Minh, tôi gặp nhiều lần trước khi tôi đi vào Nam bộ làm việc. Nghe nói các cháu trai và gái (con của hai anh Lãng và Minh) làm ăn thành đạt, chuyên môn giỏi, tôi rất mừng.
Ngoài ba người anh trai, cha tôi còn có hai người em gái là cô Nguyễn thị Tần (tức cô Tư Ngọ) và cô Nguyễn Thị Tấn (hình như mọi người gọi cô là cô Hai Đảng) chủ yếu sống với chồng con ở trong làng Hoàng mai, làm nghề trồng rau, củ, qủa v.v..., và hàng sáng các cô cùng con gái gánh rau lên tận Chợ Hôm (gần nhà tôi ở trên phố) bán lẻ. Cô Tần (tức cô Tư Ngọ) tôi được gặp thường xuyên, còn cô Tấn mất sớm, tôi chưa hề được gặp mặt.
Riêng về cha tôi, những câu chuyện về thời cha được ông bà nội cho đi học từ những năm đầu tiên của thập kỷ 1910 tôi đều được cha kể cho nghe nhiều lần.
Bất kể chuyện gì trong tuổi ấu thơ, nếu tôi không biết, tôi đều hỏi cha và Người luôn giải đáp thật chi tiết từng câu tôi hỏi. Riêng về học ở trường cũng như ở nhà, cha kiểm tra từng bài tập xem tôi làm như thế nào và có thưởng, phạt nghiêm minh. Chỉ riêng về ngoại ngữ, cha trực tiếp dạy tôi tiếng Pháp ngay từ khi tôi bước vào học lớp năm, bậc tiểu học (tức lớp 1 bây giờ). Học hết bậc tiểu học, chuẩn bị lên lớp Đệ Thất, bậc Trung học, trong kỳ nghỉ hè, cha còn mang sách học Toán bằng tiếng Pháp của anh Dũng (anh trai cả trong gia đình) bắt tôi phải tập làm và trả lời bằng tiếng Pháp. Cha tôi có ý định cho tôi thi tuyển vào trường Lycée Albert Sarraut, nhưng chính trong năm học đó không thi tuyển vì chính phủ kháng chiến tiếp quản thủ đô Hà Nội (tháng 10 năm 1954).Sau đó, cha cho tôi thi tuyển vào học trường Trung học Chu Văn An ở Phố Cửa Bắc (sau này trường Chu Văn An mới được chuyển về trường cũ là trường Bưởi ở đầu phố Thụy Khuê, gần chùa Quan Thánh, vì trong chiến tranh, Pháp lấy trường Bưởi làm trại lính).
Tôi vô cùng nể phục trình độ tiếng Pháp của cha tôi. Hồi học ở bậc tiểu học, hàng ngày cha tôi dạy tôi tiếng Pháp theo một chương trình riêng, nằm ngoài chương trình học ở nhà trường. Thông thường buổi chiều, lúc rảnh rang, cha tôi thường ra trước cửa gặp gỡ, đàm đạo nhiều lúc cả giờ đồng hồ cùng ông hàng xóm là ông Petite (chồng bác Đức ở 125 Huyền Trân Công chúa – sau này (sau 1955) mới đổi tên là Bùi Thị Xuân), là một viên chức người Pháp. Thấy hai người nói tiếng Pháp “lầu lầu” là tôi đã vô cùng kính nể rồi. Tôi không dám vô lễ so sánh thời xưa với thời nay, nhưng tôi tự hỏi không hiểu có thầy cô giáo nào đang dạy cấp tiểu học nói được ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp với người bản xứ “làu làu” như cha tôi từ hồi được bổ nhiệm đi dạy tiểu học thời Pháp thuộc từ những năm thập niên 1920 của thế kỷ trước hay không? (cách đây đúng 100 năm).
Tôi phải thành thật thú nhận rằng chính trong thời gian sáu năm của thời thơ ấu (1949 - 1954) đã để lại những kỷ niệm rất đẹp, những kỷ niệm đã hằn lên thật sâu đậm không bao giờ phai mờ trong tiềm thức của tôi về cách đối nhân, xử thế với các tầng lớp nhân dân trong xã hội của cha tôi thông qua những việc làm, cách tiếp cận và sự giúp đỡ mọi người không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn của Người ngay trong thế giới nhỏ bé hàng ngày đến dạy học trò tại hai làng Phúc Xá và Hoàng Mai, về phẩm chất đạo đức cao quý của một thầy giáo, một người lúc nào cũng tận tâm, tận lực, tìm mọi cách dạy dỗ các thế hệ học trò thân yêu trở thành những công bộc phục vụ đắc lực cho dân, cho nước.
Nếu được Trời, Phật cho phép, từ đáy lòng, tôi kính xin Cha kính yêu cho đứa con trai này được coi Người không những là một người cha, một người thầy giáo, mà còn là một người bạn thân thiết nhất trong đời, và chính NGƯỜI đã giúp con vượt mọi khó khăn trong cuộc đời của con thông qua những trải nghiệm, thử thách đầy ắp những kỷ niệm không thể nào quên trong quá trình 80 năm con khôn lớn và trưởng thành.
Cha kính yêu, người đã ảnh hưởng vô cùng lớn lao trong quá trình tôi khôn lớn và trưởng thành, thầy giáo dạy trường Tiểu học Phúc Xá và trường Tiểu học Hoàng Mai
Thầy Nguyễn Tiến Duyến (1900 – 1983)
Sáng ngày mồng một Tết Tân Sửu (2020), tôi thức dạy từ 5g30. Ngồi suy nghĩ một lúc, tôi quyết định mở máy laptop, khai bút đầu năm mới bằng viết một câu chuyện về người cha yêu quý của tôi, một thầy giáo thuộc thế hệ đầu tiên được nhà nước Pháp bảo hộ thừa nhận đủ tư cách là giáo viên trong hệ thống giáo dục của Pháp từ năm 1918. Đó chính là thầy Nguyễn Tiến Duyến, người thầy giáo đã từng dạy trường tiểu học ở các làng Phúc Xá và Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, mỗi trường trên dưới 20 năm.
Cha kính yêu của tôi
Hoàn cảnh gia đình và con đường học vấn của cha
Cha tôi sinh năm 1900 trong một gia đình viên chức nghèo ở Làng Hoàng Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Sau chính quyền Pháp bảo hộ đổi huyện Hoàn Long thành đại lý Hoàn Long, thuộc thành phố Hà Nội (hiện nay làng Hoàng Mai trở thành Phường Hoàng Văn Thụ, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội).
Tuy sống trong gia đình viên chức nghèo, nhưng cha tôi rất chịu khó học, và học rất giỏi, cả làng ai cũng biết. Nghe cha tôi kể khi đi học, cha luôn đứng nhất lớp, năm nào cũng được phần thưởng, ông nội tôi rất quý cha tôi và dồn mọi sức lo cho cha tôi ăn học. Đến năm 18 tuổi, cha đã đậu bằng Thành Chung. Sau đó, cha tôi làm đơn, xin đi dạy học. Đơn xin việc được chấp nhận, cha tôi trở thành giáo viên thuộc thế hệ đầu tiên được chính phủ Pháp bổ nhiệm đi dạy học ở các trường tiểu học nằm trong hệ thống giáo dục của chính phủ bảo hộ Pháp tại Hà Nội.
Cha tôi kể rằng thời cha tôi đi học, hệ thống giáo dục phổ thông Pháp-Việt chưa được xây dựng hoàn chỉnh, còn nhiều chỗ chắp vá. Lúc đầu chỉ có bậc Tiểu học, học trong 06 năm, gồm lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) ; lớp Dự Bị (Cours Préparatoire); lớp Sơ Đẳng (Cours Élémentaire); lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année); lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) ; và lớp Nhất (Cours Supérieur)
Trong Hệ Tiểu học, ba lớp đầu được gọi là bậc Sơ Học. Học xong lớp Sơ Đẳng, học sinh phải thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire). Những học sinh được tuyển thẳng lên lớp Nhì năm thứ nhất không bắt buộc phải thi Sơ Học Yếu Lược. Học hết lớp Nhất học sinh được thi bằng Tiểu Học Yếu Lược hay Sơ Đẳng Tiểu Học (Certificat d’Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI). Sau khi có bằng Sơ Đẳng Tiểu học (CEPFI), nếu muốn được bổ nhiệm làm giáo viên Bậc Sơ Học, học sinh đó bắt buộc phải học thêm một năm lớp Sư phạm (Cours de Pédagogie).
Riêng đối với học sinh muốn được dự tuyển học lên lớp trên thuộc bậc Cao Đẳng Tiểu Học, đương nhiên phải có bằng Sơ Đẳng Tiểu Học.
Đúng vào năm cha tôi thi đậu bằng Sơ Đẳng Tiểu Học, chính phủ Pháp cho phép tuyển sinh Hệ Đào tạo Cao Đẳng Tiểu Học tại các trường Collège ở thành phố, học trong 4 năm. Cha tôi nộp đơn xin dự tuyển học khóa Cao Đẳng đầu tiên. Kết thúc khóa học, bố tôi thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène), hay còn gọi tên khác là Bằng Thành Chung.
Cha tôi tâm sự, sau khi lấy được Bằng Thành Chung, cha phải đi xin việc làm để giúp đỡ ông bà. Hơn nữa, muốn học thêm cũng không được, vì thời gian đó chưa có chương trình đào tạo Bậc Trung Học, hay còn gọi bậc Tú Tài Pháp-Việt (Enseignement Secondaire).
Theo cha tôi, ở Việt nam, bắt đầu khoảng từ năm học 1937-1938, chương trình giáo dục Pháp-Việt mới được xây dựng hoàn chỉnh trong khung học 13 năm. Nếu cha tôi muốn học tiếp, cha tôi phải xin thi tuyển vào Hệ đào tạo Trung Học, hay còn gọi là Hệ Tú Tài Pháp-Việt, và nếu đỗ, cha tôi phải học thêm ba năm nữa.
Thông thường, học xong hai năm đầu, học sinh được phép thi lấy bằng Tú Tài phần thứ nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Đậu xong bằng này, học sinh được học tiếp năm thứ ba không phải thi tuyển.
Năm thứ ba được chia làm ba ban: Toán, Khoa Học, Triết. Ngoài ban mình học, học sinh được phép thi tốt nghiệp các ban khác nhưng phải tự học thêm những môn mà ở ban mình theo học không có. Học sinh cũng được phép thi bằng Tú Tài Pháp. Học xong năm thứ 3 trung học, học sinh được thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d’Études Secondaire Franco-Indigènes).
Cha tôi kể thời gian đó cha tôi đã lập gia đình, có vợ, có con nên không thể nào có thể theo học tiếp được, vì phải đi làm kiếm tiền lo cho gia đình.
Dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp làm thầy
Từ khi bắt đầu được bổ nhiệm làm thầy giáo dạy bậc tiểu học (từ năm 1918), cha tôi đi dạy ở nhiều trường trong phạm vi của Huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Sau này (từ tháng 8/1942), Huyện Hoàn Long biến thành nhượng địa của Pháp, gọi là Đại lý đặc biệt Hoàn Long, trực thuộc Thành phố Hà Nội.
Mỗi khi kể chuyện về đời đi dạy học, cha thường kể nhiều đến những kỷ niệm về cuộc đời dạy học trong quá trình dạy ở Trường Tiểu Học Phúc Xá khoảng trên dưới hai mươi năm với chức danh Hiệu trưởng kiêm giáo viên (trước 1946) và ở Trường Tiểu Học Hoàng Mai khoảng gần hai mươi năm, với nhiệm vụ Hiệu trưởng kiêm giáo viên từ sau năm 1948.
Do cha tôi đã từng dạy học nhiều năm ở hai trường trên nên nhiều thế hệ khác nhau đã từng theo học cha tôi ở làng Phúc Xá và Hoàng Mai quen biết cha tôi, coi cha tôi như người ông, người cha và thường xuyên đến thăm cha tôi.
Trường Tiểu Học Phúc Xá
Trường Tiểu Học Phúc Xá nằm trên khu bãi bồi của Sông Hồng. Cha tôi kể rằng các bô lão trong làng cho biết ngày xưa làng này tên là làng An Xá, thuộc thành Đại La. Sau vua Lý thái Tổ cho xây thành, buộc dân làng phải di ra bãi đất bồi ở Sông Hồng. Thời vua Lý Thần Tông, vua ra sắc chỉ đổi tên làng An Xá thành làng Cơ Xá. Dân sống ở đây rất cơ cực, đất đai không trồng lúa được, chủ yếu trồng dâu, nuôi tằm. Vì sống quá cơ cực nên sau này người dân xin vua Duy Tân (1911) đổi tên từ làng Cơ Xá thành làng Phúc Xá để mong xóa bỏ được nỗi cơ cực trong cuộc sống, và để cầu Trời khấn Phật ban cho dân được nhiều hồng phúc.
Theo Phó giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Hà nội, một vài nhà Hà Nội học cho rằng khi buộc dân phải di dời ra khu bãi đất bồi ở sông Hồng để nhường đất xây thành Đại La, vua Lý Thái Tổ ban tên làng mới là Cơ Xá với ý nghĩa CƠ là cơ động chứ không phải là CƠ CỰC vì khi nước ở sông Hồng dâng lên, dân làng có thể cơ động biến bất cứ vật gì nổi để thoát lũ. Nghe mấy ông nghiên cứu về Hà Nội học nói vậy thì phải ngồi dựa cột mà nghe vì tôi tuy dân chính gốc Hà Nội từ biết bao đời nay, có bao giờ đi sâu vào khía cạnh nghiên cứu của các ông đâu mà tranh luận.
Nhưng suy đi, nghĩ lại, tôi thấy dân sau này xin vua Duy Tân (năm 1911) đổi tên thành làng Phúc Xá nghe hợp lý hơn, ấm cúng hơn vì người dân ở thời nào cũng vậy chỉ mong được nhiều hồng phúc trong cuộc sống mà thôi.
Sau ngày hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, tôi ở lại thành phố Hố Chí Minh để tiếp tục nghề dạy học của cha tôi ở trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay, tôi đã xa Hà nội 55 năm rồi. Thành phố Hà Nội nay đã thay đổi nhiều. Ranh giới địa chính các làng, xã ven thành phố Hà Nội trước kia không còn nữa. Tôi hỏi nhiều người dân gốc Hà Nội hiện trường Tiểu học Phúc Xá có còn hay không? Và câu trả lời là không biết. Nhiều người cho tôi hay ngày xưa làng Phúc Xá còn có Phúc Xá Hạ, Phúc Xá Nam, Phúc Xá Tây, Phúc Xác Bắc Biên và Phúc Xá Trung Hà.
Theo bản đồ Hà Nội hiện nay, Phúc Xá Hạ thuộc quận Ba Đình, Phúc Xá Nam thuộc phường Đống Mác quận Hai Bà Trưng, Phúc Xá Tây là An Dương thuộc quận Tây Hồ, và Phúc Xá Bắc Biên, Phúc Xá Trung Hà thuộc phường Ngọc Thụy.
Như vậy theo phân chia địa chính hiện hữu, không còn làng Phúc Xá như trước kháng chiến toàn quốc năm 1946 nữa. Tôi cho rằng chắc hầu hết dân làng Phúc Xá ngày xưa theo học ở trường Tiểu học Phúc Xá là dân ở Phúc Xá Bắc Biên và Phúc Xá Trung Hà, vì tôi còn nhớ nghe được loáng thoáng các câu chuyện các cụ bô lão tâm sự với cha tôi mỗi khi ghé qua nhà tôi chơi, thường nhắc nhiều đến bà con, bè bạn ở làng Ngọc Thụy. Đến nay đường làng ở Phúc Xá Bắc Biên, Phúc Xá Trung Hà đã trở thành đường phố khang trang, có nhiều nhà cao tầng thuộc Phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên.
Tôi còn được biết tháng 2 năm 2020, theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, Phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên đã được sắp xếp, sáp nhập lại còn 26 tổ dân phố. Trên địa bàn phường, hiện có 9 trường học công lập (2 trường trung học cơ sở, 3 trường tiểu học) rất nổi tiếng trong đào tạo học sinh giỏi ở quận cũng như ở thành phố. Tôi rất mong trường tiểu học Phúc Xá ngày xưa khi cha tôi từng dạy nay là một trong những trường kể trên.
Ngày 20 tháng 6 năm 2021, trong lúc cả thành phố Hồ Chí Minh đang căng mình chống dịch Covid-19, trên facebook, trong phần dành cho “”Những người bạn yêu Hà Nội”, tình cờ tôi thấy tấm ảnh chụp cổng làng Phúc Xá – Ngọc Thụy của bạn Trong Tan Ngo đăng lên (xin lỗi tôi không biết bạn bao nhiêu tuổi để xưng hô cho phải phép, nhưng tôi mạnh dạn dùng chữ “bạn” vì tôi chắc có lẽ bạn nhỏ tuổi hơn tôi, vì năm nay tôi đã ở ngưỡng cửa của tuổi 80 rồi!). Thấy bức ảnh chụp cổng làng Phúc Xá (mặc dù qua tấm ảnh chụp, cổng làng mới được xây lại khá đồ sộ, nguy nga), tôi mừng quá vì chính cái ngôi làng cha tôi đã từng đến dạy học cả hai chục năm trời từ ngày xửa ngày xưa… đến nay vẫn còn tồn tại.
Cơ may làm sao gần đây (sau Tết Nhâm Dần – 2022) tôi còn được biết Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Hùng chính là dân gốc làng Cơ Xá - Ngọc Thụy. Vợ chồng PGS TS cho tôi biết ngày xưa cụ Ngô Tuấn (sau được đổi tên mang dòng họ nhà vua là cụ Lý Thường Kiệt) có thời gian sinh sống ở làng Cơ Xá – Ngọc Thụy. Chính Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Hùng và một vài thành viên trong dòng họ NGUYỄN NGỌC đã có công đòi lại nơi thờ cụ Lý Thường Kiệt bị xuống cấp để xây lại khang trang thành Cơ Xá Linh Từ (công trình 1000 năm Thăng Long ở số 4 phố Nguyễn Huy Tự, Phường Hai Bà Trưng, Hà Nội). Hiện PGS TSKH Nguyễn Ngọc Hùng là một thành viên trong Ban quản lý đền thờ cụ Ngô Tuấn.
Trường tiểu học Hoàng Mai
Trường Tiểu Học Hoàng Mai thời Pháp thuộc ở ngay trung tâm làng Hoàng Mai, đối diện với Ủy ban Xã Hoàng Mai, thuộc Quận Hoàn Long, thành phố Hà Nội.
Sau khi tiếp quản Hà Nội, nhà nước đổi tên là làng Hoàng Văn Thụ vì trên cánh đồng làng, Pháp đã lập trường bắn để xử bắn lãnh tụ Đảng Cộng Sản Đông Dương là ông Hoàng Văn Thụ (hiện trường đã được đổi tên thành Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, số 19/160 phố Hoàng Mai, Phường Hoàng Văn Thụ, Quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Ngôi trường tiểu học nằm ngay ở trung tâm của làng Hoàng Mai. Thông thường khi cha tôi đến trường dạy học, tôi thường được cha cho đi cùng, bắt tôi ngồi cuối lớp, để tiện kèm cặp thêm về hai môn toán và văn.
Thực ra từ thời cuối vua Lê, làng Hoàng Mai, quê hương của chúng tôi, là một xã thuộc Tổng Hoàng Mai, Huyện Thanh Trì, Phủ Thường Tín, Tỉnh Hà Đông. Từ năm 1915, Huyện Thanh Trì được đổi tên thành Huyện Hoàn Long, Tỉnh Hà Đông.Từ tháng 8/1942, Huyện Hoàn Long được nhập lại vào thành phố Hà nội. Sau tiếp quản thủ đô (tháng 10/1954), làng Hoàng Mai được đổi tên thành Làng Hoàng Văn Thụ. Tháng 10/1990, xã Hoàng Văn Thụ được chuyển thành phường Hoàng Văn Thụ, thuộc quận Hai Bà Trưng. Từ tháng 11/2004 đến nay, phường Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hoàng Mai.
Tháng 12 năm 1946, toàn quốc kháng chiến, gia đình tôi tản cư về làng Thường Xuyên, Tỉnh Hà Đông. Khoảng cuối năm 1947, cha tôi bị ốm rất nặng.Mẹ tôi phải thuê người cáng cha trên võng, dắt díu cả gia đình tôi (lúc đó có năm anh em chúng tôi gồm ba trai và hai gái) trở lại Hà Nội để chữa bệnh cho cha tôi.
Giữa năm 1948, cha tôi khỏi bệnh, tiếp tục xin đi dạy học ở Đại lý Hoàn Long, thành phố Hà Nội. Lần này, chính quyền Pháp bảo hộ bổ nhiệm cha tôi về làm Hiệu trưởng ở ngay chính trường tiểu học của quê chúng tôi là làng Hoàng Mai.
Trở về quê nhà dạy học, được gặp lại họ hàng, bà con, cô bác thân quen, cha tôi vô cùng phấn khởi, ngày đêm cùng các thầy, cô giáo khác làm việc hết sức mình để xây dựng nhà trường.
Bằng bề dày kinh nghiệm làm hiệu trưởng ở trường tiểu học Phúc Xá gần hai mươi năm, cha tôi cùng đội ngũ thầy, cô giáo đã xây dựng Trường Tiểu Học Hoàng Mai thành một trường học khang trang, mẫu mực, đào tạo được nhiều học sinh giỏi cho thành phố Hà Nội. Nếu tôi nhớ không nhầm, trường của cha tôi đã được bác Tống Từ Ninh, Giám đốc Ty Tiểu học Hà nội (thời Pháp đô hộ) đến thăm và khen ngợi nhiều lần.
Những năm từ 1950 đến cuối năm 1954 (năm tiếp quản thủ đô), chương trình giáo dục của chính phủ Pháp bảo hộ có một chút thay đổi về khung chương trình, từ chế độ đào tạo 13 năm xuống còn 12 năm, cụ thể như sau:
-Hệ giáo dục tiểu học gồm 5 năm học thay vì trước phải học 6 năm. Cụ thể có các lớp Năm; Tư; Ba; Nhì và Nhất.
Học xong lớp Nhất học sinh sẽ dự thi lấy Bằng Tốt Nghiệp Tiểu Học.
- Hệ giáo dục trung học bao gồm:
Hệ giáo dục trung học đệ nhất cấp gồm 4 năm học với các lớp Đệ Thất; Đệ Lục; Đệ Ngũ và Đệ Tứ.
Học xong lớp Đệ Tứ, học sinh dự thi lấy Bằng Tốt Nghiệp Trung Học Đệ Nhất Cấp.
Hệ giáo dục trung học đệ nhị cấp gồm 3 năm học với các lớp đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất. Điểm nổi bật là từ lớp Đệ Tam trở đi bắt đầu học phân Ban (Ban A đi chuyên sâu vào các môn Toán, Lý; Ban B đi chuyên sâu vào các môn Sinh; Hóa; và Ban C đi chuyên sâu vào ngoại ngữ (hai môn ngoại ngữ bắt buộc).
Sau khi học hết lớp Đệ Nhị, học sinh dự thi lấy Bằng Tú Tài 1 (Tú Tài bán phần), và sau khi học hết lớp Đệ Nhất, học sinh dự thi lấy Bằng Tú Tài 2 (Tú Tài toàn phần).
- Hệ giáo dục Đại Học: Muốn thi vào Đại Học, học sinh phải có Bằng Tú Tài 2 (Tú Tài toàn phần), và tùy theo ban ngành đã học, xin dự thi vào chuyên ngành học sinh đã chọn khi bước vào học Hệ Giáo dục Trung Học đệ nhị cấp.
Tóm lại, chương trình cắt giảm đi một lớp Nhì (lớp Nhì năm thứ nhất (Cours Moyen 1ère année) và lớp Nhì năm thứ hai (Cours Moyen 2è année) của Hệ Tiểu Học cũ gộp lại làm một lớp), và tên gọi các lớp thuộc các hệ đào tạo mới này tuy có khác với hệ đào tạo cũ, nhưng về đại thể, chương trình đào tạo và các bộ sách giáo khoa được sử dụng để dạy học vẫn theo chương trình cũ của Pháp, không thay đổi nhiều.
Những suy tư của cha tôi về giáo trình dạy học thời xưa
Cha tôi kể rằng về giáo trình dạy học, các tỉnh, thành phố phải sử dụng duy nhất Bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư do Nha Học Chánh Đông Pháp (của nhà nước bảo hộ Pháp), giao cho các học giả uyên bác thời bấy giờ là các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, và Đỗ Thận cùng biên soạn. Ngoài ra, còn một số sách giáo khoa khác như Toán, Văn học Việt nam, Lịch Sử Việt nam, Điạ lý Đông Dương, Tiếng Pháp v.v…sử dụng để dạy các lớp của Bậc Tiểu Học đều do Nha Học Chính Đông Pháp chủ trì biên soạn và xuất bản, bán rẻ cho học sinh. Riêng từ Bậc Cao Đẳng Tiểu Học trở lên, toàn bộ các lớp phải dùng sách giáo khoa xuất bản tại Pháp.
Nhìn chung, trong việc quản lý giáo dục từ việc triển khai dạy học đến tài liệu sử dụng để dạy học đã được chỉ đạo khá chặt chẽ, đã tạo cho người dân có một lòng tin vào chất lượng học tập của con em mình ở nhà trường. Hơn nữa, nhìn vào đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, có tâm huyết trong nghề “gõ đầu trẻ” cũng làm yên lòng bố mẹ học trò trong việc giao con em mình cho các thày dạy dỗ.
Cha tôi hết lời ca ngợi tâm huyết của các học giả, nhà văn, nhà giáo dục như các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, những người đã dày công biên soạn và để lại cho con cháu một bộ hai cuốn sách vô cùng sâu sắc mà cũng rất giản dị, trải rộng ra khắp lĩnh vực của cuộc sống đời thường nhưng luôn bảo đảm tính khoa học, tính logic của bộ giáo trình. Trong từng bài học, các tác giả yêu cầu thầy giáo lên lớp phải dạy làm sao để học sinh có thể thực sự cảm nhận được là các cháu được thầy yêu thương, chăm sóc, dạy bảo không khác chi cha mẹ các cháu ở nhà.
Thật vậy, những bài học đầu tiên trong bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, từ cuốn dành cho lớp Đồng Ấu, cho đến lớp Dự Bị và lớp Sơ Đẳng, từng bài một đều mở dần ra một chân trời vô cùng sáng sủa, rộng rãi, khái quát nhiều quan hệ của cuộc sống đời thường của một con người. Các em học để biết yêu kính tổ tiên từ trong tâm khảm. Các em học để kính trên, nhường dưới, sống hòa thuận, có trước, có sau. Thậm chí trong bộ sách, các tác giả chỉ ra rất rõ những mối quan hệ trong cuộc sống không chỉ riêng giữa con người với con người mà còn cả với cảnh vật xung quanh, với những con vật nhỏ bé như con gà, con chim, con cóc, con trâu v.v…Các tác giả nêu bật thiên nhiên là chốn nâng đỡ cuộc sống con người, là nơi sự sống phát sinh và phát triển.
Điều cha tôi rất tâm đắc là sau từng bài tập đọc, các tác giả tóm lược lại ý nghĩa của bài bằng một câu rất đơn giản, mang tính chất giáo dục cao về đạo đức, luân lý, rất dễ cho học sinh “nhập tâm”, không cần phải giải thích.
Thí dụ:
“Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
“Học trò phải biết ơn Thầy”
“Tiên học lễ, Hậu học văn”
“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
“Anh em như thể tay chân”
“Cờ bạc như bác thằng bần”
“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
“Bàu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” v.v…
Cha tôi rất thích giảng cho học sinh những bài tập đọc có giá trị giáo dục cao về lẽ sống làm người.
Chẳng hạn, bài tập đọc mở đầu cho cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Sơ Ðẳng, nhằm nhắc nhở học sinh phải đi học đúng giờ:
“Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng,
Hỏi rằng: " Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh, đến tràng làm chi ?”
Hay bài học thuộc lòng trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, lớp Dự Bị: "Con cò mà đi ăn đêm":
"Con cò mà đi ăn đêm
Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con".
Cha luôn ca ngợi người mẹ đẹp tuyệt vời qua hình ảnh “Con Cò” đã được nhân cách hóa trong bài ca dao. Con cò trong mắt của nhân dân ta chính là hình ảnh của người mẹ. Mẹ tần tảo suốt ngày đêm để nuôi dưỡng con có khác gì thân cò lặn lội ngày đêm để nuôi đàn cò con.
Trong cuốn Luân lý giáo khoa thư, các tác giả chia làm ba chương cho mỗi lớp: Chương đầu tiên nói về bổn phận của đứa trẻ trong gia đình và ở nhà trường; Chương thứ hai nói về những tính tốt và xấu của đứa trẻ, và Chương thứ ba nói về bổn phận của các cháu với xã hội.
Những bài học về Luân lý được đan xen rất khéo, rất công phu với những bài tập đọc trong bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư, làm sống động từng bài học bằng những tóm lược rất tinh vi của các tác giả, có giá trị giáo dục cao với học sinh.
Cha tôi thường nói là một thầy giáo, phải tinh ý thấy được ý đồ của các tác giả và phải dạy làm sao cho các cháu thấm được những ý tưởng trên để trở thành “cái cốt lõi” trong cuộc sống, ngõ hầu các cháu trở thành người “lương thiện”, người “tử tế” trong tương lai, một khi các cháu trưởng thành,
Ngay trong phần đầu cuốn sách, các tác giả căn dặn thầy giáo phải dạy học sinh làm sao để khi ở nhà phải là đứa con có hiếu, khi đến trường phải là một học sinh tốt, và khi ra đường phải là một đứa bé nết na.
Thực ra, để phát triển giáo dục cho một quốc gia, ngoài việc biên soạn một bộ sách giáo khoa công phu, có tính khoa học và tính hiện đại cao, còn phải tính đến phương pháp triển khai thực hiện có hiệu quả bộ sách giáo khoa, cách quản lý trong quá trình thực hiện ở cơ sở dạy học, và cao hơn hết là trình độ của những người trực tiếp thực hiện giảng dạy bộ sách giáo khoa đó (ở đây tôi muốn nói đến ba chữ “T“ gồm TRÌNH ĐỘ, TÂM và TẦM của thầy giáo).
Tôi còn nhớ vào một buổi tối khoảng đầu năm 1963, anh ruột tôi là anh Dũng tâm sự với tôi về chuyện gia đình, có thắc mắc không hiểu lý do gì mà cha tôi suốt đời dạy học, luôn một chương trình dạy giống nhau, nếu có khác thì cũng chỉ một tý chút thôi, mà chiều nào cha tôi cũng ngồi miệt mài soạn bài không những cho hôm sau mà thậm chí nhiều lúc cho cả tuần sau để lên lớp dạy học sinh. Điều đáng chú ý là cha tôi ngồi soạn một giáo án lên lớp cho một môn học rất công phu, viết nắn nót từng chữ rất đẹp, sử dụng cả bút máy màu đỏ gạch từng phần với thời lượng bao nhiêu phút cha sẽ dành để giảng từng phần cho học sinh.
Tôi mang thắc mắc của anh Dũng ra hỏi. Cha tôi ngồi trầm ngâm một lúc rồi nói:
“Đây chính là nghệ thuật sư phạm, con ạ! Lên lớp dạy học phải có “hồn”, người thầy giáo không phải là một cỗ máy, vô tri, vô giác. Muốn trở thành người thầy giáo được người đời thừa nhận thì trước hết phải là một người thầy giáo có tư cách đạo đức tốt, phải biết thương yêu học sinh, coi các em như con, cháu trong nhà, và thực sự phải có trách nhiệm cao khi lên lớp dạy dỗ các cháu để sau này các cháu trở thành người hữu dụng cho quê hương, đất nước. Cha ngồi soạn giáo án tỷ mỷ từng bài của sách giáo khoa là muốn làm sao truyền đạt được càng nhiều càng tốt những ý tưởng uyên bác của các tác giả đến với từng học sinh. Làm sao bài soạn để dạy học sinh hôm nay có thể giữ lại để năm sau dạy, hả con?, trong khi mỗi năm một thay đổi, cuộc sống của nhân dân ở từng nơi, ở từng vùng miền có nhiều điểm không giống nhau, trình độ học vấn, trình độ văn hóa của phụ huynh cũng như học sinh từng khu vực, trong một chừng mực nào đó, cũng khác nhau. Làm thầy giáo, cha phải hiểu thật thấu đáo những vấn đề này để dạy học sinh bài nào nên học trước, bài nào nên học sau, và dạy làm sao cho học sinh thấy được cái cần phải học, nghĩa là phải đạt được kết quả tốt nhất mà người thầy giáo mong muốn.”
Những lời tâm sự của cha tôi cho đến nay tôi gần 80 tuổi, cả cuộc đời làm nghề thầy giáo, giờ đây tôi mới thấm được một cách trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa thế nào là “tâm”, “tầm” và “đức độ” một thầy giáo và tôi mới thực sự hiểu được lý do tại sao cha tôi chỉ là một ông giáo dạy ở trường tiểu học bình thường như bao ông giáo khác mà được biết bao thế hệ học trò vô cùng kính trọng và yêu quý, coi bố tôi như người ông, người cha, người chú trong gia đình mình.
Tham gia thường xuyên dạy các lớp tu nghiệp cho đồng nghiệp tại trường tiểu học Lê Ngọc Hân
Hàng năm, cứ mỗi kỳ nghỉ hè, do cha tôi là thế hệ giáo viên đầu tiên của nhà nước Pháp bảo hộ, nên Ty Tiểu Học Hà Nội điều động cha tôi và các bác giáo viên khác cùng thế hệ với bố tôi như bác Hợi, bác Kim, bác Thành v.v… đi giảng các lớp Tu nghiệp cho các thầy cô thuộc ngạch Hương Sư trong khoảng hai tháng tại Trường Tiểu Học Lê Ngọc Hân ở phố Lò Đúc, Hà Nội. Đây chính là những khóa bồi dưỡng, trao đổi trong đội ngũ giáo viên về kinh nghiệm sư phạm trong thực tiễn dạy học ở các trường tiểu học trong toàn thành phố.
Dành mọi nỗ lực, tâm huyết cho nghiệp làm thầy…
Tôi luôn nhớ trong thời gian dạy học ở Trường Tiểu Học Hoàng Mai, ngoài các bài lên lớp, cha tôi thường sưu tầm những vở kịch ngắn có tính giáo dục cao cho các anh, các chị lớp Nhất tập đóng kịch bằng thơ, nhằm củng cố lại kiến thức của các bài tập đọc và các bài luân lý cha tôi đã dạy họ trên lớp.
Nhiều buổi chiều, các anh, các chị đến nhà tôi để cha tôi trực tiếp hướng dẫn. Tôi nhớ nhiều nhất là vở kịch ngắn chỉ trích một anh chàng “rởm đời”, được cha mẹ cho lên tỉnh ăn học, có được một chút chữ nghĩa vào đầu, đã ngạo mạn, chê bai mọi người là “nhà quê”, khinh bỉ mọi người “ngu dốt” ra mặt, nhưng rồi cuối cùng khi anh bị sa cơ, thất thế, chính những người ”nhà quê” lại cứu mang, đùm bọc anh. Vở kịch bằng thơ lục bát này sau được diễn không những ở trên lớp mà còn được diễn công khai ở sân trường để học sinh các lớp khác và cha mẹ học sinh đến xem, được mọi người tán thưởng. Tôi rất thích vở kịch “Rởm Đời” này, đặc biệt là anh Cam, học sinh lớp Nhất niên khóa 1953-1954, người đóng vai chính của vở kịch.
Nhiều hôm ở trên lớp, cha tôi còn tổ chức cho các anh, các chị tập kể lại các câu chuyện đã học trong bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, nhưng phải có điệu bộ, phải diễn tả tình cảm như thật, chẳng hạn như kể lại câu chuyện anh chàng hà tiện đang đi trên đò qua sông, chẳng may bị rơi xuống sông. Anh không biết bơi, ngụp lặn liên tục.Những người đi đò kêu cứu, hứa ai cứu được anh sẽ được thưởng tiền. Họ đưa ra mức tiền thưởng từ 10 quan tiền xuống dần đến còn 3 quan tiền, nhưng mỗi lần ngoi lên khỏi mặt nước, anh chàng tuy có tiền, nhưng rất hà tiện, không chịu chấp nhận lời đề nghị của bà con đi đò, tuyên bố một câu xanh rờn: “Ba quan tiền đắt quá, thà chết còn hơn!”
Đôi lúc để kiểm tra kiến thức của học sinh, cha tôi lại tổ chức thi “Ai là người giỏi nhất lớp? ” bằng cách yêu cầu học sinh đọc thuộc lòng, làm bộ điệu tay chân và qua nét mặt để diển tả cảm xúc của mình khi trình bày bài thơ “Qua Đèo Ngang Tức Cảnh” của Bà Huyện Thanh Quan. Sau khi chấm điểm phần đầu tiên qua cách trình bày bài thơ và cách diễn tả cảm xúc của học sinh, cha tôi chuyển sang phần kiểm tra kiến thức của học sinh bằng cách hỏi nhiều câu hỏi về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, tâm tư của tác giả khi sáng tác bài thơ v.v…
Qua Đèo Ngang Tức Cảnh
(Bà Huyện Thanh Quan)
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác ven sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Sáng tạo đầy dụng ý khi lên lớp dạy học trò
Tôi sẽ thấy cực kỳ có lỗi nếu không nhắc lại một tình tiết rất nhỏ trong dạy học của cha tôi ở vùng tạm chiếm. Thông thường khi đến dạy cho các anh, các chị lớp Nhất ở Trường Tiểu học Hoàng Mai, cha cho tôi đi theo để học thêm. Tôi còn nhớ, có lần cha tôi giảng về cách tìm trọng lượng (poid), tỷ trọng (densité) và thể tích (volume) mà các anh, các chị học sinh không thể nào hiểu được, cha tôi nói bỏ tiếng Pháp đi và thay bằng tiếng Việt theo công thức như sau: Poid = Phạm; Volume =Văn; Densité= Đồng. Như vậy, muốn tìm Phạm phải lấy Văn nhân lên với Đồng (Văn x Đồng); muốn tìm Văn phải lấy Phạm chia cho Đồng (Phạm : Đồng), và muốn tìm Đồng thì phải lấy Phạm chia cho Văn (Phạm : Văn). Thế là các anh, các chị trong lớp hiểu và làm được bài.Ngồi học “lóm” trong lớp, tôi cũng biết như vậy, có biết gì đâu. Chỉ sau khi tiếp quản thủ đô, tôi mới biết Phạm Văn Đồng chính là tên ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chính phủ cách mạng. Ôi, thật tuyệt vời, cha của tôi! Trong vùng tạm chiếm, chỉ cần sơ hở một chút là bị cảnh binh bắt, mà cha tôi ngang nhiên “dám” dạy học trò như vậy!
Ngổn ngang trăm bề trước cảnh bạn bè, họ hàng nội ngoại, kẻ ở lại, người ra đi…
Trước ngày tiếp quản thủ đô, khoảng từ giữa tháng 8 năm 1954 trở đi đến ngày 10 tháng 10 năm 1954, Hà nội vô cùng chộn rộn, với đủ thứ tình cảm hỗn độn của kẻ ở lại miền Bắc hay người ra đi, vào miền Nam sinh sống.
Gia đình tôi ở lại miền Bắc theo chính phủ cụ Hồ với lý do rất đơn giản vì chúng tôi được đoàn tụ trở lại trong đại gia đình lớn của họ ngoại (bà ngoại, các bác, các chú, các dì, các cậu, các mợ, các em v.v…đang ở ngoài vùng tự do, sắp trở về Hà nội).
Sau tiếp quản thủ đô (sau ngày 10 tháng 10 năm 1954), cha tôi thuộc diện “công chức lưu dung” của chính phủ Pháp bảo hộ, nhưng được nhà nước cách mạng sử dụng lại, tiếp tục làm nghề dạy học, và được bố trí làm tiếp hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Mai. Nghe nói trước khi nghỉ hưu một hai năm gì đó, cha tôi còn được nhà nước bố nhiệm làm hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Hiền (hiện ở số 10 ngõ Trại Cá, phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tình nghĩa bạn bè luôn trọn vẹn thủy chung, trước sau như một, mặc dù kẻ ở Bắc, người trong Nam
Tôi không bao giờ quên được sau khi cuộc chiến kết thúc, hòa bình được vãn hồi, giang sơn liền một giải, qua địa chỉ của các tấm bưu thiếp gửi từ trong Nam ra ngoài Bắc của các bác giáo cùng thế hệ cho cha tôi (thời kỳ những năm từ 1955 đến 1960, dưới chế độ chính phủ Ngô Đình Diệm ở miền Nam), cha tôi căn dặn tôi phải đi tìm, giúp cha đến thăm hỏi các bác. Tôi đã tìm đến các địa chỉ trên các tấm bưu thiếp của bác Thành, bác Kim nhưng không thể gặp được vì hai bác không còn ở những địa chỉ trên. Riêng khi tôi đến khu Bàn Cờ tìm bác giáo Hợi, do địa hình ở khu này rất quanh co, nên tôi phải nhờ nhân dân quanh khu vực chỉ, và cuối cùng tôi cũng tìm gặp được bác giáo trong một con hẻm nhỏ. Bác giáo gặp tôi rất vui mừng và rất lạ, mặc dù bác xa Hà nội 21 năm trời, nhưng khi tôi nhắc đến cha tôi và đến thời gian tôi đến nhà để bác dạy dỗ tôi thêm, bác nhớ ra ngay, và bác kể cho tôi rất nhiều kỷ niệm ngày xưa, thời Pháp thuộc, cùng học và cũng có lúc cùng dạy với cha tôi. Bác vô cùng xúc động, có lúc bác khóc, vì bác không thể ngờ rằng con trai người bạn thân cả gần nửa thế kỷ trước, lại có thể tìm đến thăm được bác chỉ một tuần sau ngày hòa bình lập lại, thống nhất đất nước. Sau này, khi ra thăm cha, mẹ và gia đình ở Hà Nội, tôi có kể cho cha tôi nghe về gia đình bác Hợi. Chỉ tiếc là khi tôi đến thăm, lúc đó mắt bác bị lòa, không nhìn được rõ tôi, chỉ ngồi nghe tôi nói chuyện, rồi khóc. Sau này, khoảng giữa năm 1976, tôi ghé tới thăm bác, nhưng gia đình bác đã chuyển đi ở nơi khác, không còn buôn bán ở khu chợ Bàn Cờ nữa.
Cha kính yêu về với tổ tiên, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho biết bao thế hệ…
Tất cả những điều tôi trình bày về người cha vô cùng kính yêu, một thầy giáo tiểu học rất bình thường, nhưng có một cuộc sống giản dị, chân tình và đẹp, cái đẹp đức độ ẩn dấu bên trong “đậm chất” lịch lãm của cư dân Hà Nội băm sáu phố phường, được minh chứng rất “chuẩn” khi cha tôi từ giã cõi đời năm 1983 (hưởng thọ 83 tuổi).
Đến viếng và tiễn đưa thầy giáo về an táng tại quê nhà ở làng Hoàng Mai có rất nhiều thế hệ học trò, đủ cả nam, phụ, lão, ấu, nhiều người tuổi 60 đến hơn 70 tuổi, trong đó có một học trò cũ là một người đương nhiệm có chức vụ lớn trong bộ máy nhà nước, quỳ khóc trước linh cữu cha tôi. Hai ngày trước khi di quan về làng, có khoảng mười cụ, ăn mặc áo dài đen, đội khăn xếp đen, xếp hàng ngay ngắn, từng người đến viếng cha tôi. Sau đó, các cụ khoanh tay xin phép mẹ tôi cho các cụ phóng một tấm hình lớn (vẽ truyền thần) để đưa thầy giáo về quê. Mẹ tôi vô cùng cảm kích về tình nghĩa thày trò của các cụ, đồng ý để cụ làm theo ý nguyện. Thế là trong đám tang đưa cha tôi về làng, tấm hình lớn vẽ truyền thần được để ở một nơi rất trang trọng, mọi người đến đưa tang, ai cũng khen tấm hình lớn quá đẹp.
Đoàn người tiễn đưa cha tôi về nơi yên nghỉ cuối cùng rất đông, xếp hàng trật tự, đi dọc phố Bùi Thị Xuân.Gia đình chúng tôi vô cùng xúc động trước tình cảm của các thế hệ học trò, của họ hàng, của bà con khu phố đã dành cho cha tôi trước lúc Người đi xa, về cõi vĩnh hằng.
Chúng tôi càng cảm động hơn khi linh cữu cha tôi vừa được đưa về nơi chôn rau cắt rốn, hầu như cả làng Hoàng Mai gồm đủ thành phần già, trẻ, lớn, bé chạy ra ngoài đồng để tiễn đưa người thầy giáo của ông họ, của cha họ, của ngay chính bản thân họ, của con, của cháu họ, được chở về chôn cất ngay tại quê nhà ở Thôn Đông, Làng Hoàng Mai. Đây chính là nơi an nghỉ cuối cùng của một con người mà họ luôn kính trọng, tự hào và biết ơn khi nói đến cha tôi, một người con đã được sinh ra và lớn lên ở quê nhà, và đã dành gần suốt một đời tận tâm, tận lực dạy dỗ họ, con cháu họ đạo “làm người” tại ngay chính ngôi trường của làng mang tên “Trường Tiểu Học Hoàng Mai”.
Thật là một kỷ niệm đẹp của mọi người đối với cha tôi lúc Người vĩnh biệt cõi đời này.
Hình cha tôi chụp tháng 10 năm 1955 (chụp sau tiếp quản Hà Nội đúng một năm)