Tác giả cuốn “Ngược dòng thời gian” chính là một người bạn thân của tôi trong suốt bốn năm cùng học lớp Anh văn 4 (niên khóa 1961 – 1965) tại Ban Anh văn, Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Đọc xong 6 câu chuyện được kể trong cuốn sách của bạn Tiến Hùng, tôi thấy thích vì tôi hiểu được tâm tư của bạn, từ câu chuyện vô cùng cảm động về người cha, người thầy giáo thuộc thế hệ đầu tiên của đất nước Việt Nam được chính phủ Pháp bảo hộ công nhận được phép hành nghề thầy giáo trong khuôn khổ hệ thống giáo dục của chính phủ Pháp từ năm 1918, một người thầy giáo xưa vô cùng mẫu mực, có đức, có tài, đầy tâm huyết, tận tụy trong suốt hơn 40 năm của cuộc đời trong nghiệp thầy để dạy dỗ hết lớp học trò này đến lớp học trò khác nên người hữu dụng cho quê hương, đất nước…, đến câu chuyện về người mẹ của bạn, một bà mẹ cả đời hy sinh để tần tảo vừa nuôi chồng con, vừa báo hiếu cha mẹ và chăm sóc đàn em còn thơ dại chưa được trưởng thành. Tôi suy nghĩ và quá khâm phục cuộc đời của mẹ bạn. Có một cái gì sao giống bài hát Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến quá! Biết bao chàng trai lịch lãm đến xin cưới hỏi, nhưng mẹ bạn từ chối, không chịu đi lấy chồng vì thương mẹ già cơ cực và vì các em trai, gái còn thơ dại, chưa đủ khôn lớn để ra đối đáp với đời…Nhưng sự khác biệt giữa bài hát Chị tôi và cuộc đời thực của mẹ bạn là ở chỗ từ chỗ bằng mọi giá từ chối, không chịu đi lấy chồng để tập trung lo chuyện nhà, đến chỗ gần tuổi 30, tuổi của một “cô gái đã luống thì”, mẹ mới chịu nghe theo lời khuyên của mẹ già, các anh chị em và bạn bè bước lên xe hoa, và rồi tiếp theo lại còn phải đèo bồng thêm cho đủ “hai gánh nặng trĩu” trên vai, và phải mang vác những gánh nặng đó trong suốt cuộc đời “quá gian nan, vất vả” của mẹ.
Tiếp theo là chuyện bệnh tật kéo dài liên miên của bạn tôi, nhưng tôi thấy thích vì bạn Tiến Hùng lúc nào cũng lạc quan chữa bệnh, bằng mọi giá phải vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ, làm tốt công việc của một thầy giáo ở một trường đại học nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh, một công việc trông bề ngoài có vẻ bình thường, nhưng thực ra bạn đã gặp muôn vàn khó khăn, và gian khổ, rồi cũng lại như những năm xưa đã từng làm tốt trong cuộc chiến, người bạn thân Nguyễn Tiến Hùng của chúng tôi vẫn lại luôn luôn làm tốt nhiệm vụ của mình.
Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất, vượt trội lên tất cả trong toàn bộ suy tư của tôi, chính là tình cảm bạn bè vô cùng tuyệt vời của hai người bạn rất thân của tôi là Nguyễn Hùng Trí và Nguyễn Tiến Hùng (nhà hai bạn ở Hà Nội chỉ cách nhau một con phố: phố Bà Triệu và phố Bùi Thị Xuân), một mối tình bạn thắm thiết, được trải rộng trên mọi khía cạnh của cuộc sống, được kiểm nghiệm khắt khe thông qua bao thăng trầm của lịch sử, từ thời còn vô tư ngồi trên ghế nhà trường đại học, đến thời binh đao khói lửa, cả hai bạn cùng đi bộ đội, rồi ngay sau đó cả hai lại cùng nhau được vào chiến đấu ở chiến trường Nam bộ (B2) trong hàng chục năm trời, và chính ở trong những vùng chiến sự ác liệt nhất, nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh, tính mạng con người luôn ngàn cân treo trên sợi tóc, tình bạn thân thiết của Hùng Trí và Tiến Hùng lại vượt lên trên tất cả mọi thứ trên đời, đâm hoa kết trái vô cùng tươi đẹp, hiếm có thể tìm thấy được một tình bạn hiện hữu đẹp đến như vậy trên chốn nhân gian này!
Tôi nhận thấy 6 câu chuyện trong cuốn sách rất phong phú, sống động thuộc thời xưa, trong chiến tranh cũng như hòa bình, là những tâm tình rất chân thực của người bạn thân của tôi, của chính tác giả Nguyễn Tiến Hùng, về gia đình, bản thân và bạn bè.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc ấn phẩm mới của một người bạn thân, thầy giáo Nguyễn Tiến Hùng.
Lê Thụy Ánh
Nguyên Giảng viên Bộ môn Anh văn
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội