Erasmus ngồi trên chiếc ghế gỗ đặt gần đài phun nước khổng lồ trong sân, khuỷu tay tựa trên gối. Ông vẫn tiếp tục nhìn chằm chằm xuống đôi dép quai của mình ngay cả khi có tiếng bước chân tiến đến gần.
– Sao thế, Erasmus? – Galenus ngập ngừng hỏi.
– Ngài ấy đã ở một mình trên ngọn núi đó bao lâu rồi?
Galenus mỉm cười. Đó là câu hỏi mà ông đã nghe thấy một ngày không biết bao nhiêu lần trong suốt tuần qua.
– Đã hai mươi tám ngày trôi qua kể từ khi chúng ta nói lời từ biệt ngài Hafid.
Erasmus chán nản lắc đầu và đứng dậy.
– Hãy đi dạo cùng tôi, Galenus. Sự đồng hành và gương mặt tươi cười của ông đã là điều vô giá trong khoảng thời gian đầy lo âu này.
Chẳng mấy chốc họ đã đến khu phía Bắc của khoảnh sân, bên dưới chiếc cổng tò vò bằng những cây tùng bách che chắn phần mộ của Lisha. Erasmus khẽ hất đầu về phía băng ghế gỗ xà cừ Tây Ấn gần đó và bắt đầu kể:
– Khi Hafid còn ở nhà, mỗi buổi sáng ngài ấy luôn ngồi đây và nói chuyện với Lisha như thể bà đang hái hoa gần đó. Sau đó, ngài sẽ chợp mắt một chút. Ngài hay nói, điều duy nhất mà ngài không thích trong những chuyến lưu diễn là nỗi nhớ cảm giác được trò chuyện cùng phu nhân hằng ngày.
– Trong những lần tản bộ, tôi chưa bao giờ dám đi đến khu vực này. – Galenus vừa nói vừa tiếp tục bước về phía lăng mộ cẩm thạch, trong khi Erasmus nghỉ ngơi trên chiếc ghế ưa thích của Hafid.
– Thật là một bông hồng khác thường! – Galenus thốt lên, đột nhiên quỳ xuống trước một bụi gai mọc quanh cánh cửa bằng đồng của hầm mộ.
– Bông hồng trắng thì có gì mà lạ lùng chứ? – Erasmus thở dài. – Nó được trồng ở đó vì nó là loài hoa mà phu nhân Lisha yêu thích nhất. Hafid đã yêu cầu chúng tôi trồng một bụi hồng đỏ bên cạnh bụi hồng trắng của bà Lisha, khi nào chúng tôi chôn cất ngài ấy cạnh bên vợ mình.
– Erasmus! – Galenus gần như hét lên. – Ông phải đến đây! Ngay lập tức!
Giật mình vì sự gấp rút trong giọng nói của vị khách, viên quản lý sổ sách già nua đứng bật dậy và vội vàng đi về phía Galenus đang ngồi dưới đất, miệng há hốc, tay run run chỉ vào một cặp hồng đang nở rộ.
– Nhìn kìa, Erasmus!
Những chùm hồng trắng, cả nụ và hoa, gần như bao phủ toàn bộ bụi cây cao, nhưng Galenus đang chỉ vào một bông hồng duy nhất.
– Không thể nào. – Erasmus nức nở, quỳ phục xuống. – Không thể nào!
– Nhưng quả thật là như vậy. – Galenus kêu lên, mắt dán vào khóm hoa như thể không tin nổi. – Một bông hồng đỏ thắm nở giữa một bụi hồng trắng!
– Ngài Hafid gặp chuyện gì rồi! – Erasmus rên rỉ. – Chúng ta phải đi tìm ngài ấy thôi. Ngay bây giờ!
Chưa đầy một giờ đồng hồ sau, một cỗ xe ngựa nhỏ phóng ra khỏi chuồng ngựa của dinh thự và đến trưa, với tài cầm cương của Galenus, cả hai đã đến chân núi Hermon. Sau khi bắt đầu leo núi được một lúc, Erasmus xem bản đồ và chỉ Galenus quẹo phải khi họ gặp một ngã ba trên con đường đất. Sau đó, khi cả hai đi qua cột đá khổng lồ, Erasmus thông báo:
– Chúng ta sắp đến đó rồi. Ngài Sergius có lần nói với tôi nơi ẩn dật của ngài ấy nằm tách biệt trong một rừng cây nhỏ.
– Đây rồi. – Galenus kêu lên, huơ roi về phía hàng cây bách xù với đá trắng và cát xung quanh. Ngay khi họ vào khu rừng, Galenus dừng cỗ xe lại. Chỉ cách đó vài cubi là chiếc xe ngựa của Hafid với dây cương được vắt lên cây cột ở gần trước nhà.
– Hình như ngài ấy đang chuẩn bị quay về Damascus. – Erasmus nói khi ông và Galenus bước xuống xe. – Chắc Hafid cuối cùng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và sắp trở về nhà. Có vẻ như nỗi lo lắng của chúng ta cũng như chuyến đi này là vô nghĩa rồi.
Galenus gõ lên cửa chính mấy lần nhưng không ai trả lời, bèn quay sang nhìn Erasmus, ông không chút do dự, chầm chậm mở cửa và gọi to:
– Ngài Hafid! Chủ nhân Hafid! Tôi là Erasmus đây. Xin hãy trả lời tôi!
Không có tiếng đáp lại. Vừa bước vào trong, Erasmus nhìn thấy chiếc bàn làm việc lớn cùng những lọ mực và bút lông ngỗng. Trên bàn còn món đồ quen thuộc khác.
– Nhìn xem, đây là chiếc rương cũ mà ngài Hafid đã mua ở Rôma!
Chiếc rương mở toang, bên trong chất đầy những cuộn giấy da.
– Galenus, xem này, những cuộn giấy này đã được ngài Hafid đánh số ở bên ngoài. Những cuộn giấy mà khi xưa ngài ấy nhận được cũng đánh số y như vậy. Nếu không biết trước, có lẽ tôi sẽ dám thề rằng mình đang nhìn thấy chiếc rương và những cuộn giấy da nguyên bản mà Pathros đã truyền lại cho chủ nhân khi ngài ấy chỉ mới là một cậu bé chăn lạc đà. Đây quả thật là một ngày kỳ diệu.
Erasmus đưa tay vào rương, lấy ra cuộn được đánh số “X” theo chữ số La Mã, tháo chiếc nơ xanh và từ từ mở cuộn giấy ra.
– Cảm ơn Thượng Đế. – Ông nói, mỉm cười khi đưa tờ giấy ra cho Galenus có thể nhìn thấy chữ viết tay của Hafid. – Chủ nhân đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đây là cuộn giấy cuối cùng. Bây giờ chúng ta hãy đi tìm ngài ấy để tất cả có thể trở về nhà. Hẳn ngài ấy chưa thể đi quá xa.
Hai người đàn ông đi ra phía cửa trước và từ từ vòng ra phía sau, nơi lần đầu tiên họ nhìn thấy vòng tròn bằng đá, vừa đi vừa gọi tên Hafid.
– Ngài ấy kìa! – Erasmus kêu lên. – Người đang dựa vào tảng đá lớn nhất ấy! Cảm tạ Thượng Đế. Ngài Hafid! Ngài Hafid!
Erasmus không thể di chuyển nhanh như người bạn đồng hành của mình. Khi ông đến bên tảng đá, Galenus đã đứng dậy, không còn quỳ nữa, và giơ cao hai tay. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, ông nức nở:
– Erasmus, người bạn của chúng ta đã không còn nữa. Cuối cùng Hafid cũng về bên cạnh bà Lisha yêu quý của ngài ấy.
Erasmus kêu lên và ngã khuỵu xuống đất, ôm vào lòng cơ thể không còn sức sống của chủ nhân.
– Cơ thể vẫn còn ấm. Nếu đến sớm hơn, chúng ta đã có thể cứu được ngài ấy. Ngài ấy đã ra đi một mình. Thế này không đúng tí nào! Ngài ấy đã ra đi trong cô độc. Ôi Hafid, xin hãy tha thứ cho tôi. Hãy rộng lòng lượng thứ vì tôi đã không chăm lo cho ngài chu đáo hơn. Tôi yêu quý ngài vô cùng. Tôi rất xin lỗi vì đã để ngài ra đi một mình.
Một làn gió ấm bất ngờ thổi qua ngọn núi. Galenus quỳ xuống cạnh Erasmus và nói:
– Xin đừng khóc nữa. Chủ nhân của ông đã không ra đi một mình đâu.
– Ý ông là sao? – Erasmus kêu lên, tay vẫn tiếp tục nhẹ nhàng vuốt trán Hafid.
– Ngài ấy không hề ra đi trong cô độc. – Galenus lặp lại. – Hãy nhìn kìa!
Trong cơn đau khổ và bàng hoàng, cả hai người không ai nhận ra rằng quấn quanh đôi bờ vai của người bán hàng vĩ đại nhất thế giới là một chiếc áo choàng đỏ… một chiếc áo choàng đỏ đã sờn.