North Richmond2, phố cụt, là một phố vắng lặng, chỉ trừ đến giờ trường Christian Brothers3 giải phóng bọn con trai. Một ngôi nhà hai tầng bỏ hoang nằm ở góc phố, xây tách khỏi nhà hàng xóm trên một khoảnh đất vuông. Những ngôi nhà khác trong phố, ý thức được về những nhân vật đáng kính đang sống bên trong, điềm tĩnh đứng ngắm nhìn mặt tiền màu nâu của nhau.
1 Araby: Hội chợ từ thiện diễn ra từ ngày 14 đến ngày 19 tháng 5 năm 1894, do bệnh viện Công giáo Jervis Street bảo trợ. Araby là tên gọi thi vị hóa của Arabia - từ thời đó để chỉ vùng Trung Đông nói chung.
2 North Richmond: Phố khu đông bắc Dublin.
3 Trường Christian Brothers: Trường Công giáo ngoại trú dành cho nam sinh, nằm trên góc phố North Richmond, thu học phí thấp, chú trọng vào giáo dục nghề.
Người trọ trước trong nhà của chúng tôi, một ông mục sư, đã qua đời trong phòng xép sau nhà. Không khí, ẩm thấp vì bị đóng kín quá lâu, lơ lửng khắp các phòng, và trong gian chứa đồ sau bếp la liệt toàn sổ sách giấy tờ cũ. Trong đống đó tôi tìm được mấy quyển sách bìa giấy, các trang đã quăn mép và ẩm mốc: Cha Trưởng tu viện của Walter Scott, Con chiên ngoan đạo và Hồi ký Vidocq4. Tôi thích quyển cuối cùng nhất bởi giấy của nó đã ngả vàng. Khu vườn hoang sau nhà có một cây táo và lác đác mấy đám cây bụi, dưới một đám cây tôi tìm thấy cái bơm xe đạp gỉ sắt của người ở trọ quá cố. Ông là một mục sư rất nhân đức; trong di chúc ông để lại tất cả tiền bạc của mình cho các cơ sở từ thiện và toàn bộ đồ đạc trong nhà cho bà chị gái.
4 Cha Trưởng tu viện (The Abbot): Tiểu thuyết lịch sử xuất bản năm 1820 của Walter Scott về Nữ hoàng Mary (1542-1587); Con chiên ngoan đạo (The Devout Communicant): có nhiều tác phẩm mang tiêu đề này, và giới nghiên cứu nghiêng về Gifford, cho rằng cuốn sách đề cập ở đây là của Franciscan Friar Pacificus Baker (1695-1774), nổi bật với ngôn ngữ sùng kính; Hồi ký Vidocq (The Memoirs of Vidocq): cuốn sách rất được ưa chuộng vào thế kỷ XIX, của François-Jules Vidocq (1775-1857) xuất bản năm 1829, kể lại cuộc đời của thám tử, cũng là một tên trộm người Pháp, có tài cải trang phá án.
Những ngày ngắn ngủi của mùa đông bắt đầu, và bóng tối de dọa trùm lên ngay khi chúng tôi chưa kịp ăn xong bữa tối. Khi chúng tôi tụ tập trên phố những ngôi nhà đã trở nên xám xịt. Màu tím phủ lên khoảng trời trên đầu dần biến đổi sắc, và in lên nó là những ngọn đèn trên phố tỏa bóng hiu hắt. Hơi lạnh bắt đầu buốt nhói nhưng chúng tôi chơi đùa cho đến khi cơ thể nóng bừng. Những tiếng hò hét vang dài con phố vắng. Địa phận của trò chơi kéo từ những con đường tối tăm lầy lội phía sau các ngôi nhà, từ phía đó chúng tôi sẽ bị đám thổ dân tàn bạo đánh đuổi, qua cửa hậu những khu vườn tối đẫm nước mưa, bốc lên mùi rác đốt, tới phía những tàu ngựa tối tăm hôi hám có người đánh xe đang chải lông ngựa hay lắc lắc tấm yên cương rung lên leng keng.
Khi chúng tôi quay lại phố, ánh đèn từ những ô cửa bếp đã chan hòa cả bậc thềm. Nếu nhìn thấy bác tôi đang rẽ về từ góc phố, chúng tôi sẽ nấp vào bóng tối cho đến khi thấy ông đã vào hẳn trong nhà. Hay nếu chị của Mangan bước ra bậc thềm gọi em trai về ăn tối, chúng tôi cũng sẽ nấp trong bóng tối rình cô ngó ngược ngó xuôi dọc phố. Chúng tôi chờ xem liệu cô có đứng yên hay sẽ đi vào và, nếu cô vẫn đứng yên, chúng tôi rời khỏi bóng tối và bước lại chỗ bậc thềm nhà Mangan, chịu xin hàng. Cô đứng đó chờ chúng tôi, dáng hình nổi bật dưới ánh đèn tỏa ra từ cánh cửa đang khép hờ. Em trai cô luôn phải trêu cô một câu gì đó trước khi nó chịu vâng lời, và tôi đứng bên hàng rào nhìn cô. Váy cô bay nhẹ khi cô xoay người, và cái bím tóc mềm mại đung đưa từ bên này sang bên kia.
Sáng nào tôi cũng nằm trên sàn nhà phòng khách nhìn sang cửa nhà cô. Tấm rèm cửa sổ đã được kéo xuống chỉ cách khung kính khoảng mấy centimet để tôi không bị phát hiện. Khi cô bước xuống bậc cửa, tim tôi thót lên. Tôi chạy ra sảnh, vớ lấy sách vở và đi theo cô. Tôi không rời mắt khỏi cái dáng hình màu nâu của cô, và khi hai chúng tôi đi gần tới đoạn phải rẽ sang hai đường khác nhau, tôi rảo bước và vượt lên trên cô. Chuyện đó sáng nào cũng lặp lại y như thế. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với cô, trừ mấy câu thông thường, thế nhưng tên cô vẫn như một mệnh lệnh tối cao làm thằng dại khờ tôi hồn xiêu phách lạc.
Hình ảnh cô theo tôi cả những nơi đáng ghét nhất để tỏa thơ mộng. Mỗi tối thứ Bảy khi bác gái tôi đi chợ tôi phải đi theo để phụ mang đồ. Chúng tôi bước qua những đường phố đèn chiếu rực rỡ, bị xô đẩy giữa những gã say và các bà nội trợ đang ráo riết mặc cả, trong tiếng chửi rủa của đám thợ thuyền, tiếng rít lên của bọn trai phụ hàng đang đứng canh đống thùng chứa đầy má lợn, tiếng ca nghèn nghẹt của những người hát rong, đang hát một bài come-all-you5 về O’Donovan Rossa6, hay một bài ca kể về những khó khăn Tổ quốc chúng tôi đang gặp phải. Những âm thanh này hòa quyện đem lại cho tôi một cảm giác lạ thường về cuộc sống: Tôi tưởng tượng mình đang ôm chặt một cốc rượu thánh vượt qua tầng tầng lớp lớp kẻ thù. Tên của cô bật ra trên môi tôi trong những lời cầu nguyện và tụng ca kỳ lạ nhất mà chính tôi cũng không hiểu. Mắt tôi thường đẫm lệ (tôi không thể giải thích tại sao) và đôi lúc dường như có một con sóng cuộn trào từ tim làm tôi nghẹt thở. Tôi không nghĩ ngợi nhiều về tương lai. Tôi không biết liệu có khi nào tôi được nói chuyện với cô hay không, hoặc, nếu được nói chuyện với cô, làm sao tôi có thể nói cho cô hiểu tình cảm rối bời của tôi đây. Nhưng thân thể tôi như một cây phong cầm và những lời nói cử chỉ của cô như những ngón tay lướt trên dây đàn.
5 Come-all-you: Một thể loại ca khúc dân gian phổ biến của Ireland, thường mở đầu bằng câu “come all you” (nào tất cả hãy đến đây) để lôi kéo khán giả.
6 O’Donovan Rossa: Jeremiah O’Donovan Rossa (1831-1915), một trong những nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống lại ách cai trị của Anh tại Ireland.
Một buổi tối tôi đi vào phòng xép, nơi ông mục sư đã qua đời. Đó là một tối mưa gió và trong nhà hoàn toàn không có một tiếng động. Qua một ô kính vỡ tôi nghe thấy tiếng mưa chạm đất, những sợi nước mảnh liên tiếp châm vào khoảnh hoa sũng nước. Một vài ngọn đèn hay ô cửa sổ thắp sáng le lói xa xa. Tôi thấy biết ơn vì chỉ nhìn thấy có như vậy. Tất cả giác quan của tôi dường như đều muốn biến mất và cảm thấy mình đang chuẩn bị trượt khỏi chúng, tôi ấn mạnh hai mu bàn tay vào nhau cho đến khi chúng run lên, miệng thầm thì liên tục: Ôi tình yêu! Ôi tình yêu!
Cuối cùng cô cũng nói chuyện với tôi. Khi cô cất những lời đầu tiên, tôi thấy bối rối đến nỗi không biết nên trả lời sao. Cô hỏi tôi có đi Araby không. Tôi không nhớ đã trả lời là có hay không. Đấy sẽ là một hội chợ từ thiện hay lắm; cô nói; cô rất muốn được đi.
- Vậy sao chị không đi? - tôi hỏi.
Trong lúc nói cô xoay đi xoay lại cái lắc bạc nơi cổ tay. Cô không thể đi được, cô nói, bởi vì tuần đó trường dòng của cô sẽ có đợt cầu nguyện chay tịnh. Thằng em cô đang giành mấy cái mũ với hai đứa khác, và tôi đang đứng một mình bên hàng rào. Cô nắm một thanh rào, nghiêng đầu về phía tôi. Ánh sáng từ cái đèn đối diện nhà làm nổi đường cong nơi cần cổ trắng muốt của cô, chiếu sáng làn tóc đang nằm yên và, rơi xuống, chiếu sáng bàn tay cô đang đặt trên thanh rào. Ánh sáng rơi xuống một bên cạnh váy cô và chiếu vào viền trắng của chiếc váy lót, chỉ hơi lộ ra khi cô nghiêng người.
- Mày may thế, - cô nói.
- Nếu em đi, - tôi nói, - em sẽ kiếm cái gì đó về cho chị.
Sau buổi tối hôm ấy trong đầu tôi chỉ ngập tràn những cơn phấn khích, chúng tràn cả vào giấc ngủ của tôi! Tôi chỉ cầu mong những ngày dằng dặc đáng ghét từ nay cho đến hôm đó biến đi thật nhanh. Tôi thấy sốt ruột cả với việc học hành. Ban đêm trong phòng và ban ngày trong lớp, hình ảnh cô hiện lên giữa những trang sách phải khó nhọc lắm tôi mới đọc hết. Những âm tiết của từ Araby vang lên vẫy gọi phá tan sự tĩnh lặng tâm hồn tôi đang được hưởng và bao phủ quyến rũ tôi trong thứ ánh sáng phương Đông huyền bí. Tôi xin phép được nghỉ lần đi chợ tối thứ Bảy đó để đi hội chợ từ thiện. Bác gái tôi ngạc nhiên, nói hy vọng chuyện đó không dính dáng gì đến Hội Tam điểm7 đấy chứ. Hầu như tôi không trả lời được các câu hỏi ở lớp. Tôi nhận thấy nét mặt thầy giáo chuyển dần từ yêu quý sang nghiêm khắc; thầy hy vọng không phải là tôi đang trở nên lười biếng. Tôi không thể tập trung những ý nghĩ đang rối tung của mình lại được. Tôi gần như chẳng còn chút kiên nhẫn nào với những công việc nghiêm túc của cuộc sống, những thứ giờ đây khi đứng chắn giữa tôi và ham muốn của tôi, dường như chỉ là một trò cho trẻ con, một trò xấu xí nhàm chán.
7 Hội Tam điểm (Freemason): Hội kín có lịch sử lâu đời; Hội Tam điểm thời hiện đại thành lập đầu thế kỷ XVIII tại London, chủ trương xây dựng những giá trị luân lý và xã hội ở mức cao nhất có thể, có tầm ảnh hưởng lớn. Hội chống lại Giáo hội Công giáo Rô-ma.
Vào sáng thứ Bảy tôi nhắc bác trai tôi rằng tôi muốn đi hội chợ tối nay. Ông đang mải lục trên giá treo mũ áo cái bàn chải mũ, và trả lời tôi cụt ngủn:
- Rồi, nhóc, biết rồi.
Bởi ông đang ở trong sảnh, tôi không thể đi vào phòng khách để nhìn qua cửa sổ. Tôi bực bội rời khỏi nhà và thất thểu đến trường. Không khí lạnh lẽo ảm đạm một cách tàn nhẫn, và chưa gì trái tim tôi đã ngập đầy linh cảm u ám.
Khi tôi trở về nhà ăn tối, bác trai tôi vẫn chưa về. Tuy nhiên vẫn còn sớm. Tôi ngồi nhìn chằm chằm vào cái đồng hồ một lúc, và đến khi những tiếng tích tắc của nó sắp làm tôi nổi khùng, tôi rời khỏi căn phòng. Tôi bước lên cầu thang đi lên gác. Những căn phòng cao, lạnh lẽo, trống rỗng, u ám làm tôi thấy được giải thoát và tôi đi từ phòng này sang phòng khác miệng hát vang. Từ cửa sổ tôi nhìn thấy lũ bạn mình đang chơi đùa dưới phố. Những tiếng hò hét vang đến tôi một cách yếu ớt và mờ nhạt, và, gí sát trán vào kính lạnh, tôi nhìn sang ngôi nhà tối đen bên kia nơi cô sống. Có lẽ tôi phải đứng đó đến một tiếng đồng hồ, không nhìn thấy gì khác ngoài cái bóng dáng mặc váy nâu in trong trí tưởng tượng của tôi, được ánh đèn chiếu mờ mờ trên đường cong nơi cần cổ, trên bàn tay đặt trên hàng rào và trên đường viền lộ ra phía trong làn váy.
Khi quay trở xuống, tôi thấy Mrs Mercer đang ngồi bên lò sưởi. Bà ta là một phụ nữ đứng tuổi, nhiều chuyện, vợ góa của ông chủ hiệu cầm đồ, thích sưu tầm tem cũ vì mấy nguyên do sùng đạo nào đó. Tôi phải cố chịu đựng ngồi nghe câu chuyện ngồi lê đôi mách bên bàn ăn tối. Bữa ăn kéo dài thêm đến hơn một tiếng mà bác trai tôi vẫn chưa về. Mrs Mercer đứng lên cáo từ: bà rất tiếc không thể đợi lâu hơn nữa, đã hơn tám giờ và bà không muốn về muộn bởi không khí buổi đêm không tốt cho bà. Khi bà ta đã đi khỏi, tôi bắt đầu đi đi lại lại trong phòng hai tay nắm chặt. Bác gái tôi nói:
- Bác sợ có khi cháu phải bỏ cái hội chợ đêm nay của Đức chí tôn rồi8.
8 Đêm nay của Đức chí tôn: Tức đêm nay - bác gái của cậu bé là người mộ đạo.
Lúc chín giờ tôi nghe thấy tiếng bác trai tôi tra khóa vào ổ. Tôi nghe thấy ông nói một mình và nghe thấy tiếng cái giá treo mũ áo ngả nghiêng dưới sức nặng của chiếc áo choàng. Tôi có thể giải nghĩa những dấu hiệu này. Khi ông đang ăn tối, tôi xin ông tiền để đi hội chợ. Ông đã hoàn toàn quên mất.
- Giờ thì người ta đã lên giường đi ngủ được mấy giấc rồi, - ông nói.
Tôi không cười. Bác gái tôi nói với ông một cách sôi nổi:
- Ông không thể đưa tiền cho nó đi được sao? Ông bắt nó chờ đến tận giờ là đủ lắm rồi đấy.
Bác trai tôi nói ông rất xin lỗi vì đã quên mất việc này. Ông nói ông rất biết câu ngạn ngữ: Làm mà không chơi đánh rơi tuổi trẻ9. Ông hỏi tôi muốn đi đâu, và, khi tôi nhắc lại với ông lần thứ hai, ông hỏi tôi có biết bài thơ Khúc giã biệt chiến mã của người Ả Rập10 không. Khi tôi rời khỏi bếp ông đang chuẩn bị cất giọng ngâm đoạn đầu tiên của bài thơ cho bác gái tôi nghe.
9 Nguyên văn là “All work and no play makes Jack a dull boy”.
10 Khúc giã biệt chiến mã của người Ả Rập (The Arab’s Farewell to his Steed) của thi sĩ Ireland Caroline Norton (1808-1877), bài thơ rất phổ biến thời đó.
Tôi nắm chặt đồng florin11 trong tay trong lúc rảo bước dọc phố Buckingham12 về phía ga. Cảnh tượng những con phố nhộn nhịp khách mua hàng và đèn đuốc sáng rực nhắc tôi nhớ lại mục đích của chuyến đi. Tôi ngồi vào khoang hạng ba trên một con tàu vắng ngắt. Sau khi dềnh dàng một cách không thể chịu nổi con tàu mới chịu ề à rời ga. Nó bò đi giữa những ngôi nhà tồi tàn và qua dòng sông lấp lánh. Tại ga Westland Row13 một đám người chen lấn xô đẩy định trèo lên; nhưng nhân viên nhà ga xua họ lại, nói đấy là chuyến tàu riêng phục vụ hội chợ từ thiện. Tôi vẫn ngồi một mình trong khoang tàu trống trơn. Vài phút sau tàu dừng lại cạnh một thềm gỗ nhà ga mới dựng vội. Tôi bước xuống đường và nhìn thấy trên mặt chiếu sáng của cột đồng hồ kim đã chỉ mười giờ kém mười phút. Trước mặt tôi là một tòa nhà lớn treo cái tên kỳ diệu.
11 Florin: Đồng xu bạc có trị giá hai shilling, là một món tiền lớn với cậu bé trong truyện.
12 Phố Buckingham: Phố phía bờ bắc sông Liffey, khu trung tâm Dublin.
13 Westland Row: Ga xe lửa phía bờ nam sông Liffey.
Tôi không tìm được đồng sáu xu nào để trả vé vào cửa, và sợ rằng hội chợ sẽ đóng cửa mất, tôi đi vội qua thanh chắn quay, chìa ra đồng shilling cho một người đàn ông trông mệt mỏi. Tôi thấy mình đang ở trong một sảnh lớn, những dãy hàng chiếm một nửa chiều cao. Gần như tất cả các gian hàng đã đóng cửa và phần chính của sảnh đã chìm vào bóng tối. Tôi nhận ra sự im lìm vẫn xâm chiếm nhà thờ sau mỗi buổi lễ. Tôi rụt rè bước lại khu trung tâm của hội chợ. Một vài người đang tụ tập quanh những gian hàng vẫn còn mở. Trước một tấm rèm, bên trên viết chữ Café Chantant14 bằng đèn màu, hai người đàn ông đang đếm lại tiền trên cái khay sắt. Tôi lắng nghe tiếng những đồng xu rơi xuống.
14 Café Chantant: Tiếng Pháp, có nghĩa Quán cà phê hát. Đây là những quán cà phê có phục vụ giải trí, gợi nên không khí vui vẻ ăn chơi của Paris, là mốt thời kỳ đó.
Khó nhọc nhớ lại lý do tại sao mình đến đây, tôi đi tới một gian hàng và ngó nhìn những chiếc bình sứ và đống ấm chén vẽ hoa. Tại cửa gian hàng một quý cô đang nói cười với hai quý ông trẻ. Tôi để ý họ nói giọng Anh và nghe được loáng thoáng câu chuyện của họ.
- Ối, em chẳng bao giờ nói như thế!
- Đúng mà, chính em nói!
- Ôi không, em không nói!
- Cô ấy có nói vậy không?
- Có, tôi nghe thấy cô ấy nói mà.
- Ôi trời, chỉ có... bịa đặt!
Nhìn thấy tôi, quý cô tiến lại hỏi tôi có muốn mua gì không. Sắc giọng cô không tỏ ra khuyến khích; cô có vẻ chỉ nói thế với tôi vì nghĩa vụ phải thế. Tôi luống cuống nhìn những lọ lục bình đứng như hàng lính gác Đông phương ở hai bên lối vào mờ tối của gian hàng và mấp máy:
- Không, cảm ơn.
Quý cô đổi lại vị trí một trong những chiếc bình và quay lại với hai người đàn ông trẻ. Họ lại nói tiếp chủ đề cũ. Một hay hai lần cô gái liếc nhìn tôi qua vai.
Tôi chần chừ trước gian hàng cô, mặc dù tôi biết nán lại cũng chẳng ích gì, để làm cho chuyện tôi quan tâm đến hàng của cô có vẻ thật hơn chút nữa. Rồi tôi chầm chậm quay đi và đi tiếp vào giữa khu chợ. Tôi để mặc hai đồng penny và đồng sáu xu va vào nhau leng keng trong túi. Tôi nghe thấy một giọng cất lên từ phía đầu dãy thông báo đèn sẽ tắt. Phần trên của sảnh giờ đây hoàn toàn tối đen.
Ngẩng nhìn bóng tối tôi thấy mình như một sinh vật bị phù hoa dẫn dắt và cười nhạo; hai mắt tôi rực lên uất ức và giận dữ.