T
rong suốt chiều dài lịch sử, gần như không có thành phố nào có thể so sánh được với sự huy hoàng của Babylon. Chỉ cái tên của thành phố này đã mang hàm nghĩa về sứ giàu có và lộng lẫy. Kho báu vàng bạc của thành phố xa hoa hơn bất cứ đâu. Chúng ta sẽ nhanh chóng liên tưởng tới hình ảnh của một thành phố giàu có nằm giữa vùng khí hậu nhiệt đới dồi dào, được bao quanh bởi tài nguyên thiên nhiên phong phú từ rừng và các mỏ quặng. Nhưng thực tế không phải vậy. Thành phố Babylon nằm bên cạnh sông Euphrates, trong một thung lũng khô cằn và bằng phẳng. Không có rừng, không có mỏ, thậm chí không có đá để xây dựng: Thành phố thậm chí không nằm trên tuyến đường thương mại. Lượng mưa hằng năm thậm chí không đủ để nông dân có thể trồng trọt.
Babylon là một minh chứng nổi bật về khả năng đạt được những mục tiêu vĩ đại của con người bằng bất cứ phương tiện nào có sẵn. Tất cả nguồn lực hỗ trợ thành phố này đều do con người xây dựng, phát triển. Sự giàu có của thành phố đều là do con người tạo ra.
Babylon chỉ sở hữu hai nguồn tài nguyên thiên nhiên duy nhất - đất đai màu mỡ và nước tưới tiêu từ dòng sông. Bằng một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất của thời đại và cả trong suốt chiều dài lịch sử, các kỹ sư người Babylon đã chuyển hướng nước của sông bằng các con đập và kênh tưới tiêu trải rộng mênh mông. Ở khắp thung lũng khô cằn đó, họ đã sử dụng những con kênh như vậy để dẫn nước mang lại sự sống màu mỡ cho vùng đất. Công trình này được xếp hạng trở thành một trong số các kỳ công kỹ thuật đầu tiên được biết đến trong lịch sử. Những vụ mùa dồi dào có được nhờ hệ thống thủy lợi Babylon là điều mà thế giới chưa từng thấy trước đó.
May mắn thay, trong suốt thời gian tồn tại, Babylon được cai trị bởi những vị vua thực hiện các cuộc chinh phục và cướp bóc chỉ vì tình cờ. Mặc dù thành phố từng rơi vào nhiều cuộc chiến tranh, hầu hết trong số đó chỉ xảy ra ở địa phương hoặc các cuộc phòng thủ chống lại những kẻ chinh phục đầy tham vọng đến từ nhiều quốc gia, những kẻ thèm muốn kho báu tuyệt vời của Babylon. Chính vì vậy, người trị vì xuất sắc của Babylon sẽ còn sống mãi với lịch sử vì sự thông thái, chí tiến thủ và sự công bằng của họ. Babylon không tạo ra các quốc vương luôn tìm cách chinh phục thế giới để buộc tất cả các quốc gia khác phải tỏ lòng tôn kính với sự tự cao tự đại của họ.
Babylon hiện giờ đã không còn tồn tại như một thành phố nữa. Khi nguồn nhân lực xây dựng và duy trì thành phố trong hàng ngàn năm bị rút dần, nó nhanh chóng trở thành một đống đổ nát hoang tàn. Các di chỉ còn lại của thành phố ở châu Á nằm ở khoảng sáu trăm dặm về phía Đông của kênh đào Suez, ngay phía Bắc của Vịnh Ba Tư. Khoảng ba mươi độ vĩ độ so với đường xích đạo, ngang với Yuma, Arizona. Thành phố cũng có khí hậu nóng và khô tương tự như thành phố ở Mỹ.
Ngày nay, tại thung lũng Euphrates này, nơi từng là một khu vực nông nghiệp đông dân cư được tưới tiêu đầy đủ, giờ đã trở về khung cảnh sa mạc khô cằn. Chỉ có cỏ dại và cây bụi sa mạc trụ vững lại được trước gió cát. Đã qua rồi những cánh đồng màu mỡ, những thành phố hùng vĩ và những đoàn lữ hành trải dài chất đầy hàng hóa phong phú. Toán người Ả Rập du mục sống qua ngày bằng việc chăm sóc đàn gia súc nhỏ là cư dân duy nhất của vùng đất. Cuộc sống ở đó đã như vậy kể từ khi Công nguyên bắt đầu.
Nằm rải rác trong thung lũng này là những ngọn đồi đất. Trong nhiều thế kỷ, người qua lại đây không coi chúng là thứ gì đặc biệt. Cuối cùng, chỉ có các nhà khảo cổ mới bị thu hút bởi những mảnh gốm vỡ và gạch bị cuốn trôi xuống do cơn mưa hiếm hoi. Các nhóm thám hiểm được tài trợ bởi viện bảo tàng châu Âu và Mỹ, được gửi đến đây để khai quật lịch sử. Qua quá trình tìm kiếm, tàn tích cổ đại của thành phố nhanh chóng lộ ra. Người ta gọi chúng là ngôi mộ của thành phố.
Babylon là một trong số những ngôi mộ đó. Trong khoảng hai mươi thế kỷ, gió đã thổi bụi sa mạc che lấp đi mọi tàn tích của thành phố. Do được xây dựng bằng gạch, nên tất cả các bức tường đã tan rã và trở về với cát bụi. Đó là Babylon ngày nay, thành phố giàu nhất thế giới cổ đại, giờ chỉ còn là một đống bụi bẩn, bị bỏ hoang từ lâu đến nỗi không ai còn sống biết đến cái tên ấy cho đến khi chúng được phát hiện nhờ công sức tỉ mẩn dọn dẹp sự tàn phá của thời gian trên đường phố và đống đổ nát của những ngôi đền và cung điện cao quý.
Nhiều nhà khoa học coi nền văn minh Babylon và các thành phố khác trong thung lũng này là lâu đời nhất, và họ có bằng chứng xác đáng cho khẳng định đó. Các phân tích cho kết quả tuổi đời của tàn tích là khoảng 8.000 năm trở đi. Có một câu chuyện khá thú vị về việc các nhà khoa học tìm ra con số ấy. Trong tàn tích của Babylon, họ tìm được những mô tả về nhật thực. Các nhà thiên văn học hiện đại dễ dàng tính toán được thời gian khi nhật thực có thể nhìn thấy ở Babylon và từ đó thiết lập mối quan hệ giữa lịch của người thời đó và của chúng ta.
Bằng cách đó, các nhà khoa học đã chứng minh rằng 8.000 năm trước, người Sumer đã sinh sống ở Babylon trong các bức tường kiên cố. Người ta chỉ có thể phỏng đoán những thành phố tương tự như vậy đã tồn tại từ bao nhiêu thế kỷ trước. Cư dân của những thành phố này cũng không phải là những kẻ man rợ sống trong các bức tường. Họ là những người tinh khôn, có học thức. Cho đến nay, theo ghi chép, họ là những kỹ sư, nhà thiên văn học, nhà toán học, nhà tài chính đầu tiên và đồng thời cũng là những người phát minh ra chữ viết sớm nhất.
Hệ thống thủy lợi đã biến thung lũng khô cằn trở thành thiên đường cho nông nghiệp. Tàn tích còn lại của những kênh đào này vẫn được tìm thấy, mặc dù giờ đây trong kênh chỉ còn là những núi cát. Có những kênh đào khổng lồ tới mức, khi không có nước, hàng chục con ngựa có thể chạy theo hàng ngang dưới đáy kênh. Về mặt kích thước, những kênh đào ở Babylon có thể được so sánh ngang với các kênh lớn nhất ở Colourado và Utah.
Ngoài việc cung cấp tưới tiêu cho các vùng đất ở thung lũng, các kỹ sư của Babylon đã thực hiện một hệ thống công trình khổng lồ không kém. Với hệ thống thoát nước phức tạp, họ đã khai hoang được một khu vực đầm lầy rộng lớn ở cửa sông Euphrates và sông Tigris để đưa vùng đất đó vào canh tác.
Herodotus, nhà lữ hành và sử học Hy Lạp đã đến thăm Babylon khi thành phố này đang ở thời kỳ đỉnh cao và để lại cho chúng ta một mô tả về thành phố từ góc nhìn của người ngoài.
Các tác phẩm của ông đã miêu tả vô cùng chi tiết về thành phố và những phong tục khác thường của người dân. Ông cũng đề cập đến sự phì nhiêu của đất đai và những vụ mùa lúa mì, lúa mạch bội thu.
Vinh quang của Babylon đã phai mờ nhưng trí tuệ của thành phố vẫn được bảo tồn. Chúng ta biết được điều đó là nhờ phương thức ghi chép đặc biệt của họ. Ở thời cổ đại, giấy viết chưa được phát minh. Thay vào đó, họ chăm chỉ khắc chữ viết của mình lên những phiến đất sét ẩm. Khi viết xong, phiến đất sét được đem đi nung và cứng lại. Những phiến đất sét có kích thước khoảng 6 x 8 inch và dày 1 inch.
Các phiến đất sét này được sử dụng phổ biến như cách ghi chép của thế giới hiện đại ngày nay. Truyền thuyết, thơ ca, lịch sử, phiên âm, các sắc lệnh của hoàng gia, luật đất đai, quyền sở hữu, giấy ghi nợ và thậm chí cả những lá thư được sứ giả gửi đến các thành phố xa xôi đều được khắc lên tấm đất sét đó. Từ những phiến đất này, chúng ta có thể học được nhiều điều về các vấn đề cá nhân của người dân thời cổ đại. Chẳng hạn trên một phiến đá, thuộc về bộ hồ sơ của một thủ kho quốc gia, kể rằng vào một ngày nọ, một khách hàng đã mang một con bò đến và đổi lấy bảy bao lúa mì, ba bao được giao ngay thời điểm đó và bốn bao còn lại sẽ được vận chuyển tới tận tay của vị khách sau đó.
Bị chôn vùi ín trong các thành phố đã sụp đổ, các nhà khảo cổ đã phục hồi được toàn bộ thư viện gồm hàng trăm ngàn những phiến đá như thế. Một trong những kỳ quan nổi bật nhất của Babylon chính là những bức tường mênh mông bao quanh thành phố. Người xưa gọi chúng, cùng với kim tự tháp vĩ đại của Ai Cập là “Bảy kỳ quan của thế giới”. Nữ hoàng Semiramis được cho là người đã dựng lên những bức tường đầu tiên trong lịch sử ban đầu của thành phố. Máy đào hiện đại không thể tìm thấy bất cứ dấu vết nào của các bức tường ban đầu. Chiều cao chính xác của các bức tường cũng không thể xác định được. Theo những văn bản ghi chép văn thư đầu tiên, chúng ta có thể ước tính chúng cao khoảng năm mươi đến sáu mươi feet, mặt ngoài được bọc bằng gạch nung và được bảo vệ bởi một hào nước sâu.
Những bức tường sau này nổi tiếng hơn được bắt đầu xây dựng khoảng sáu trăm năm trước thời Chúa Kitô bởi vua Nabopolassar. Ông đã lên kế hoạch xây dựng công trình với quy mô khổng lồ tới mức ông không thể sống được tới ngày nhìn thấy bức tường được hoàn thiện. Con trai ông, Nebuchadnezzar, một cái tên quen thuộc trong lịch sử Kinh Thánh, là người đã kết thúc công việc của cha mình.
Chiều cao và chiều dài của những bức tường đó có thể khiến chúng ta cảm thấy choáng váng. Theo thông tin đáng tin cậy, chiều cao của bức tường rơi vào khoảng một trăm sáu mươi feet, tương đương với chiều cao của một tòa nhà văn phòng hiện đại mười lăm tầng. Tổng chiều dài ước tính là từ chín đến mười một dặm. Bức tường rộng tới mức một cỗ xe sáu ngựa có thể thoải mái chạy trên bức tường. Tuy nhiên, cấu trúc to lớn này bây giờ chỉ còn lại rất ít ngoại trừ các phần của nền móng và hào nước. Ngoài sự tàn phá của thiên nhiên, người Ả Rập đã phá hủy hoàn thoàn những gì còn lại do họ đã khai thác đá gạch cho các mục đích xây dựng khác.
Các đội quân chiến thắng hết lượt này tới lượt khác diễu hành qua các bức tường Babylon sau khi đã đánh bại những kẻ chinh phục trong thời đại chiến tranh đó. Một loạt các vị vua đã bao vây Babylon, nhưng luôn thất bại. Quân đội xâm lược ngày đó không hề yếu. Các nhà sử học đưa ra các con số lên tới 10.000 kỵ binh, 25.000 xe ngựa, và 1.200 trung đoàn lính bộ binh với 1.000 người trong một trung đoàn. Các đội quân thường mất tới hai hoặc ba năm để chuẩn bị và lắp ráp các vật liệu chiến tranh và kho thực phẩm dọc đường hành quân theo kế hoạch đánh chiếm.
Thành phố Babylon được tổ chức gần giống như một thành phố hiện đại. Có đường phố và cửa hàng. Những người bán hàng rong cũng thường đi rao qua các khu dân cư. Các linh mục hành lễ trong những ngôi đền tráng lệ. Sâu trong lòng thành phố là cung điện hoàng gia được bao quanh kính cẩn. Những bức tường bao quanh đó được cho là cao hơn cả các bức tường xung quanh thành phố.
Người Babylon có nền nghệ thuật rất phát triển. Họ thành thạo mọi ngành nghề bao gồm điêu khắc, hội họa, dệt, gia công vàng, sản xuất vũ khí kim loại và dụng cụ nông nghiệp. Thợ kim hoàn của họ có thể chế tạo ra mọi đồ trang sức nghệ thuật. Nhiều mẫu vật trang sức đã được tìm thấy ở các ngôi mộ của những công dân giàu có và hiện đang được trưng bày trong các bảo tàng hàng đầu thế giới.
Trong thời kỳ đầu của nhân loại, khi phần còn lại của thế giới vẫn còn đang chặt cây bằng rìu đầu đá, hoặc săn bắn và chiến đấu bằng giáo và mũi tên đá, thì người Babylon đã sử dụng rìu, giáo và mũi tên bằng đầu kim loại.
Người Babylon là những nhà tài chính và thương nhân thông thái. Theo như giới nghiên cứu đã tìm hiểu được, thì họ đã phát minh ra tiền tiêu như một phương tiện trao đổi cùng với các loại giấy khế ước và văn bản chứng minh tài sản.
Babylon chưa bao giờ bị chiếm bởi các thế lực thù địch mãi cho đến khoảng 540 năm trước Công nguyên. Ngay cả khi đó, các bức tường vẫn luôn đứng vững. Sự sụp đổ của Babylon là một câu chuyện bất thường. Cyrus, một trong những kẻ chinh phục vĩ đại thời kỳ đó, có ý định tấn công thành phố và hy vọng có thế chiếm được những bức tường bất khả xâm phạm. Các cố vấn của Nabonidus, Quốc vương Babylon thời bấy giờ, đã thuyết phục ông đi ra ngoài thành để đối mặt Cyrus và chủ động chiến đấu thay vì chờ đợi cho đến khi thành phố bị bao vây. Đội quân của Babylon đã thất bại và phải trốn chạy khỏi thành phố. Cyrus, sau đó, bước vào cánh cổng đã được mở rộng và chiếm thành một cách dễ dàng mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào.
Sau đó, sức mạnh và uy tín của thành phố dần suy yếu cho đến vài trăm năm sau thì bị bỏ hoang, chỉ còn lại những cơn gió và bão tố đã đưa Babylon trở về với sa mạc mà cũng từ nơi đó sự hùng vĩ của thành phố được xây dựng. Babylon sụp đổ và không bao giờ có thể trở lại, nhưng nền văn minh Babylon thì còn tồn tại mãi mãi.
Thời gian có thể lật đổ được các bức tường kiêu hãnh bên ngoài những ngôi đền chót vót, nhưng trí tuệ của thành phố Babylon sẽ luôn trường tồn theo thời gian.