Những người nhạy cảm cao và liệu pháp tâm lý trị liệu
Những người nhạy cảm cao được hưởng lợi rất lớn từ liệu pháp tâm lý trị liệu. Thông thường họ sẽ rất chú tâm vào bài tập trị liệu và có những phản hồi sâu sắc trong mỗi buổi học. Nhưng đôi khi tôi cũng gặp phải vấn đề ngược lại. Đó là quá trình trị liệu diễn ra quá nhanh đối với khách hàng dễ dẫn đến cảm giác quá tải. Trong những trường hợp này, nhiệm vụ của tôi là làm chậm mọi thứ lại. Đôi lúc điều tôi có thể làm đó là lặp lại những gì tôi đã nghe khách hàng của mình nói. Chỉ cần nghe tôi lặp lại lời nói của họ, ngay lập tức sẽ kích thích những phản xạ mới bên trong những con người nhạy cảm cao và họ sẽ tiến xa hơn trong quá trình của riêng họ. Đôi khi tất cả những gì họ cần chỉ là sự quan tâm và sự hiện diện của tôi. Họ sẽ tự động thực hiện quá trình.
Trước một buổi trò chuyện với khách hàng, tôi sẽ xem xét các cuộc trò chuyện sắp tới và mục tiêu hướng đến là gì. Khi khách hàng mang tính nhạy cảm cao, công đoạn chuẩn bị sẽ rất khó khăn. Qua thời gian, tôi lại nhận ra rằng khách hàng đã tự suy ngẫm và tự mình thực hiện quá nhiều công việc giữa các phiên và chúng tôi đã vượt được mục tiêu và khách hàng đang ở một nơi hoàn toàn khác.
Mục đích chính yếu trong liệu pháp tâm lý cho những người nhạy cảm cao thường là thúc đẩy và hỗ trợ cho khả năng học cách yêu thương chính mình. Nhiều người nhạy cảm cao phải đấu tranh với lòng tự tôn thấp mà họ cố gắng bù đắp lại bằng việc đặt ra những tiêu chuẩn cực cao cho bản thân khiến họ vướng vào một vòng luẩn quẩn. Những tiêu chuẩn cao đồng nghĩa với chuyện người nhạy cảm cao liên tục nếm trải sự thất bại, điều này dễ ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức về bản thân của họ.
Do vậy, tôi thường sẽ làm việc với những khách hàng của mình về những châm ngôn cá nhân và những nhận thức về bản thân của họ.
Yêu thương bản thân - ủng hộ bản thân
Khi bạn là người nhạy cảm cao, bạn sẽ gặp phải những tình huống mà dường như không ai xung quanh hiểu được bạn là như thế nào. Mọi người có thể nghĩ rằng bạn chỉ cần học cách để giống “người bình thường” hơn. Nếu bạn bắt gặp những thái độ nêu trên, điều quan trọng là bạn phải ủng hộ bản thân và trung thành với những giá trị vốn có của mình. Nếu bạn làm điều đó, bạn có thể bắt đầu thấy thoải mái khi ở trong những tình huống mà những người khác cho rằng bạn đang đi sai đường.
“Mọi người trong gia đình đều trách móc tôi vì đã không tham dự lễ kỷ niệm đám cưới vàng của ông bà. Nhưng tôi biết rằng tôi đã nỗ lực rất nhiều ngay cả khi năng lượng của tôi có hạn. Vì vậy, tôi đã tự khen bản thân mình.”
Rasmus, 32 tuổi
Một số người nói chuyện với chính họ theo những cách không chính đáng cho lắm. Và thường họ không nhận ra vấn đề này lớn như thế nào. Họ thường sẽ nói chuyện với chính mình theo cách này trong một thời gian dài từ khi họ có thể nhớ và không nhận ra rằng cách nói chuyện này có thể thay đổi.
Trong khi nói chuyện với tôi, một khách hàng nhận ra rằng cô ấy thường gằn giọng với chính mình mỗi khi lo lắng. Cô ấy sẽ nói những câu như “Thoải mái nào” hoặc “Kiềm chế lại nào.” Dưới đây là một mẩu nhỏ của cuộc trò chuyện sau đó:
Bác sĩ trị liệu: Hãy tưởng tượng em gái của bạn là người đang cảm thấy lo lắng. Liệu bạn sẽ nói chuyện với cô ấy theo cách tương tự?
Khách hàng: Không, tất nhiên là không rồi! Có nằm mơ tôi cũng không làm vậy.
Nhà trị liệu: Khi đó bạn sẽ nói những điều gì với em mình?
Khách hàng (sau khi cân nhắc): Tôi sẽ hỏi em xem liệu tôi có thể làm gì giúp em ấy bớt lo lắng không.
Sau đó, cô ấy có một nhiệm vụ phải làm ở nhà là tưởng tượng ra em gái mình đang cảm thấy lo lắng và viết một bức thư bày tỏ sự quan tâm. Không phải là viết bức thư rồi đưa cho em gái mình xem mà là mang đến cho buổi trò chuyện tiếp theo và đọc thành tiếng.
Nếu bạn phát hiện ra rằng có những tình huống dẫn đến việc bạn bắt đầu tự chỉ trích mình, thì chuẩn bị trước cho những tình huống đó có thể là một cách hay. Bắt đầu bằng việc tưởng tượng ra tình huống: có thể bạn sẽ tự động chỉ trích bản thân khi mắc sai lầm. Hãy thử tưởng tượng bạn mắc lỗi; quan sát bản thân từ góc nhìn của người thứ ba trong từng trường hợp cụ thể, rồi sau đó hãy nói những lời tốt đẹp, khích lệ bản thân. Bạn có thể viết một bức thư cho chính mình để đọc vào những lúc bạn mắc sai lầm. Giữ lá thư trong ví hoặc túi xách của bạn và luôn mang theo bên mình. Hãy lấy nó ra và đọc bất cứ khi nào bạn mắc sai lầm. Ví dụ về một bức thư như vậy sẽ là:
Suzy à,
Cậu có quyền mắc sai lầm. Ai cũng có lúc mắc sai lầm và không ai có quyền làm phiền cậu vì sai lầm này. Cậu biết cậu là người tận tâm và cố gắng làm mọi thứ vì hạnh phúc cho mọi người. Hãy chắc chắn rằng cậu vẫn luôn sống hết mình. Vậy là đủ rồi, Suzy à. Đó là tất cả những gì chúng ta mong muốn từ những người xung quanh. Hãy tự an ủi mình và dành một chút thời gian để thu mình lại. Hãy cảm nhận giá trị thực của bản thân.
Trân trọng,
Suzy
Khi Suzy đọc to bức thư này, cô ấy bắt đầu khóc. Tôi tin rằng cô ấy đã nhận ra mình đã luôn khao khát được tâm sự với chính mình như thế này đến nhường nào. Bây giờ, Suzy đang luyện tập cách tự tạo cho mình một vài sự công nhận mà cô ấy không đạt được khi còn nhỏ.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc viết thư cho chính mình một cách tử tế và đầy vị tha, bạn có thể thử tưởng tượng rằng bạn đang viết thư cho một người mà bạn vô cùng quan tâm, người đang ở trong hoàn cảnh của bạn. Sau đó, bạn có thể đề tên của chính mình thay vì tên của họ. Ta luôn mất rất nhiều thời gian để có thể thay đổi thói quen và những khuôn mẫu cũ. Nếu bạn đã luôn tự chỉ trích mình trong suốt 30 năm, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể thay đổi thói quen này một sớm một chiều. Cần sự cố gắng, quyết tâm và chăm chỉ. Rồi từng chút, từng chút một, những thói quen mới sẽ phát triển và những thói quen cũ sẽ dần dần biến mất.
Bạn sẽ có thêm nhiều năng lượng nhờ quá trình rèn luyện. Tự chỉ trích bản thân cũng khiến hệ thần kinh của bạn mệt mỏi và căng thẳng hệt như khi những người khác làm điều đó với bạn. Bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để học cách đánh giá cao bản thân. Đây là một ví dụ về tác động của việc tự công nhận bản thân:
“Vào một buổi tối muộn, chị gái tôi đã gọi tôi dậy và mắng mỏ tôi vì tôi đối xử với mẹ không đủ tốt theo quan điểm của chị ấy. Nếu chuyện này xảy ra trước đó một thời gian, nó sẽ khiến tôi buồn bã và mất ngủ nhiều đêm. Lần này tôi tự nói với chính mình: ‘Anna thân mến, tôi biết bạn đang làm hết sức mình. Mọi thứ đều ổn.’ Sau đó, tôi tự ôm lấy chính mình và chìm vào giấc ngủ.”
Anna, 49 tuổi
Khi bạn dần giỏi hơn trong việc tự công nhận bản thân, bạn sẽ luôn có ít nhất một người ở bên để ghi nhận những nỗ lực của bạn ngay cả khi họ dường như không quá quan trọng.
Động lòng trắc ẩn với chính mình
Một số người nghĩ rằng ta không nên động lòng trắc ẩn với chính mình. Trong các buổi làm việc với khách hàng khi chúng tôi khám phá những sự việc từ thời thơ ấu của họ, tôi hay hỏi câu này: “Khi bạn nhìn lại mình hồi còn nhỏ, bạn cảm thấy thế nào?” Câu trả lời thường sẽ là “Tôi thấy xót thương cho chính mình” và sau đó rất nhanh chóng “Ồ không, có lẽ tôi không nên nói ra những lời này.” Nhưng tôi lại rất vui khi biết rằng cô ấy có thể tự cảm thấy buồn cho chính mình. Tôi xem đó là sự đánh thức tình yêu đối với chính bản thân. Hầu hết những người tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà trị liệu tâm lý không sở hữu nhiều cảm giác đó.
Đúng là bạn có thể cảm thấy tiếc thương cho ai đó theo cách không lành mạnh. Hãy tưởng tượng cảnh một người phụ nữ lặp đi lặp lại những lời rên rỉ bất cứ khi nào cô ấy ngồi với một người nào đó, và những lời than phiền đó đều giống nhau. Vấn đề của cô ấy chính là đang cảm thấy quá thương xót bản thân. Cô ấy có lẽ không biết tự thương yêu chính mình và đây là lý do tại sao cô ấy cảm thấy tồi tệ. Nằm ẩn bên dưới việc tự biến mình thành nạn nhân có thể là vô số sự tức giận đang che lấp những nỗi buồn vô cùng lớn. Khi người phụ nữ đó cảm nhận được sự liên kết của bản thân với những nỗi đau và động lòng trắc ẩn với chính mình, cô ta chắc chắn sẽ không còn lặp đi lặp lại những câu chuyện tương tự nữa.
Đôi khi tôi sẽ yêu cầu khách hàng của mình tự ôm hay tự vỗ về bản thân. Thường họ tỏ ra rất miễn cưỡng. Một vài người thì bắt đầu khóc vì họ nhận ra rằng họ nhớ sự quan tâm yêu thương đến nhường nào. Sau khi khóc, họ cảm thấy tốt hơn và đã học được một bài học rất có giá trị.
Hòa giải
Bạn có thể cảm thấy mình là một nỗi phiền toái đối với người khác. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn có những châm ngôn cá nhân ngăn cấm chính điều này hoặc bạn có tiêu chuẩn cao về mức độ thoải mái khi ở bên người khác. Là một người nhạy cảm cao, đôi lúc bạn cần phải yêu cầu người khác giới hạn bản thân họ.
“Tôi thực sự không thích việc đi lên tầng trên để yêu cầu người hàng xóm bớt gây ồn. Ngay cả khi tôi cố gắng hết sức để mỉm cười và tỏ ra tử tế, tôi biết mình có lẽ đang rất cau có, bởi vì tôi luôn cảm thấy rất tiêu cực khi phải nghe những âm thanh mà tôi không thích. May mắn thay, anh ấy tỏ ra khá nền nã.”
Helle, 57 tuổi
Hòa giải với chính mình cũng có nghĩa là bạn phải chấp nhận rằng đôi khi bạn sẽ trở thành gánh nặng cho người khác. Tự hòa giải là một nhiệm vụ suốt đời không chỉ đối với những người nhạy cảm cao mà còn đối với tất cả mọi người.
Khi chúng ta còn trẻ, ta luôn tràn trề những ý tưởng về việc chúng ta muốn cuộc sống của mình diễn ra như thế nào. Nhưng khi lớn lên, chúng ta bắt đầu nhận ra cuộc sống phức tạp ra sao và chúng ta thường bất lực đến nhường nào, và ta sẽ phải từ bỏ một số thứ mà chúng ta luôn hy vọng sẽ đạt được. Một số giấc mơ của ta về cuộc sống sau này bỗng trở nên không thực tế. Khi hiện thực xảy đến, điều quan trọng là phải tử tế với chính mình; tự nói với chính mình, “Tôi mong muốn mình phải làm tốt hơn” hay “Mọi chuyện đã thành và không gì phải buồn cả”, ngụ ý rằng “Tôi đã làm mọi thứ đủ tốt để luôn yêu bản thân mình.”
Niềm vui khi trở thành chính mình
Việc nhận thức được bản thân là một người nhạy cảm cao có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với một số người. Bạn đột nhiên cảm thấy bớt kinh hãi và chấp nhận rằng bản thân mình khác biệt. Điều này mở ra cơ hội gặp gỡ những người có cùng hoàn cảnh và đấu tranh với những tình huống khó xử tương tự trong cuộc sống. Một số người tham gia các khóa học của tôi trở thành nguồn cảm hứng cho những người khác vì họ đã thành công trong hành trình khám phá thêm về bản thân. Sự dũng cảm được là chính mình rất dễ truyền cảm hứng.
“Giờ đây, tôi cho phép mình đi bộ với tốc độ mà tôi cảm thấy tự nhiên mặc dù tôi đi rất chậm. Tôi đã phải luôn tự điều chỉnh để đi nhanh hơn rất nhiều nhưng giờ tôi không làm vậy nữa. Tôi mất nhiều thời gian hơn để di chuyển tới nơi mình muốn, bù lại tôi cảm thấy rất thoải mái.”
Lisa, 28 tuổi
Nhạy cảm cao không phải là một căn bệnh cần điều trị và chữa lành. Khi bạn sở hữu sự nhạy cảm cao, bạn sẽ cần được nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân nhiều hơn những người khác. Nhưng một khi bạn nắm chắc được bản thân, bạn sẽ không cần tiêu tốn nhiều năng lượng để hòa nhập và bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong một số lĩnh vực nhất định, tính nhạy cảm cao khiến mọi việc vận hành khó khăn hơn. Nhưng có lĩnh vực, chúng ta như được sinh ra cho công việc này. Một nghiên cứu về loài vượn người cho thấy những con vượn non có phản ứng nhạy (nhạy cảm) hơn các con vượn khác sẽ khó tăng kích cỡ khi chúng dần trưởng thành dưới bàn tay chăm sóc của những con vượn mẹ luôn căng thẳng. Nhưng nếu những con vượn non nhạy phản ứng được nuôi nấng bởi những con vượn mẹ trầm tĩnh hơn, chúng sẽ trở thành con đầu đàn (Suomi 1987).
Nếu bạn có một tuổi thơ khó khăn, nếu bạn không có được sự bảo vệ đầy đủ và giờ đây cảm thấy bản thân đang gặp khó khăn trong cuộc sống, bạn nên biết rằng mình không hề mất tất cả. Vết sẹo cũ có thể lành và bạn có thể học cách trao cho mình của hiện tại thứ tình yêu mà bạn không nhận được trong thời thơ ấu. Khi bạn học cách yêu thương chính mình, bạn cũng đang tạo ra những điều kiện cần thiết để cho đi và nhận lại tình cảm từ những người xung quanh.