Phản ứng mạnh mẽ với cảm quan đầu vào
Ngay cả những em bé sơ sinh cũng sẽ phản ứng theo những cách khác nhau với các kích thích từ cảm quan đầu vào. Nếu bạn cho trẻ uống nước qua ống hút và đột ngột thay đổi độ ngọt của nước, một số trẻ sẽ tiếp tục uống một cách bình thường, trong khi những trẻ khác sẽ phản ứng dữ dội ngay tức khắc. Một nghiên cứu của La Gasse, Gruber và Lipsitt (1989) cho thấy rằng sau hai năm những đứa trẻ phản ứng mạnh với sự thay đổi này thường nhút nhát và thận trọng hơn những đứa trẻ khác.
Nghiên cứu này từng được đề cập bởi nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu người Mỹ Jerome Kagan trong cuốn sách The Long Shadow of Temperament (Kagan và Snidman 2004). Ông cũng mô tả các nghiên cứu của riêng mình về tính di truyền và tính cách. Jerome Kagan đã tiến hành nghiên cứu 500 trẻ sơ sinh bốn tháng tuổi và phát hiện ra rằng thường cứ cách năm trẻ lại có một đứa phản ứng khác với phần còn lại. Ban đầu ông đặt tên cho những đứa trẻ này là “những đứa trẻ rụt rè” vì chúng tỏ ra cảnh giác và thận trọng hơn những đứa trẻ khác. Sau đó, ông đã thay đổi thuật ngữ này thành “những đứa trẻ có phản ứng mạnh mẽ”.
Theo thuật ngữ của Kagan, phản ứng mạnh mẽ có nghĩa là bạn sẽ có thể ghi nhận mức độ căng thẳng cao hơn ở một đứa trẻ khi chúng phải chịu những thay đổi và thâu nạp dữ liệu mới. Khi bạn tặng những đứa trẻ đó vài quả bóng bay nổ tung, những chiếc điện thoại di động có màu sắc lạ và mẹ đứa trẻ đang cười với chúng nhưng lại giữ im lặng – khác với người mẹ của mọi khi. Bốn trong số năm trẻ sẽ giữ bình tĩnh và thoải mái, nhưng Kegan đã tiếp tục theo dõi những trẻ sơ sinh nà sang giai đoạn hai, bốn, bảy và 11 tuổi, và phát hiện ra rằng mọi trường hợp đều tiếp tục có phản ứng nổi bật với các cảm quan đầu vào mới.
Không nên nhầm lẫn thuật ngữ “phản ứng mạnh mẽ” với những phản ứng bên ngoài, vì đây là hai phạm trù khác biệt. Khi chúng ta nói về phản ứng mạnh mẽ, chúng ta nói về sự căng thẳng và ảnh hưởng từ nội tâm. Dù những trẻ sơ sinh có phản ứng mạnh mẽ sẽ khóc và vẫy tay khi có thứ không quen thuộc xảy ra xung quanh chúng, nhưng khi chúng lớn hơn, bạn sẽ khó có khả năng ghi lại phản ứng mạnh mẽ mà trẻ cảm nhận nó qua nội tâm. Những gì bạn nhận thấy có thể là đứa trẻ náu mình sau lưng bố hoặc mẹ khi gặp người lạ. Vì vậy, những đứa trẻ khóc và vẫy tay thường không lớn thành những đứa trẻ ồn ào. Ngược lại, chúng dễ trở thành những đứa trẻ ít nói và dè dặt, những người mang suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống so với các bạn cùng lứa tuổi.
Nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu người Mỹ Elaine Aron đã đặt nền tảng cho phần lớn nghiên cứu của mình vào các nghiên cứu của người khác. Cô tin rằng những đứa trẻ mà Jerome Kagan xếp vào loại phản ứng mạnh mẽ thực sự rất nhạy cảm. Kể từ đó, Elaine Aron đã thực hiện nghiên cứu về những người trưởng thành có độ nhạy cao và phản ứng của họ với các cảm quan đầu vào bằng cách quét não nhờ fMRI (máy chụp cộng hưởng từ chức năng). Kết quả nghiên cứu của cô đã được công bố gần đây trên tạp chí khoa học quốc tế Brain and Behavior (Acevedo et al. 2014).
Để phục vụ cho nghiên cứu ngày, 18 người tham gia đã được quét não trong khi xem ảnh đối tượng yêu đương của họ hay ảnh của những người lạ khi những người này đang ở trạng thái tích cực, tiêu cực hoặc bình ổn. Kết quả quét não cho thấy các vùng não liên quan đến sự đồng cảm bao gồm hệ thống tế bào thần kinh gương1 hoạt động tích cực hơn đáng kể ở những người được xác định là nhạy cảm cao hơn so với những người tham gia khác. Họ còn nhận được nhiều phản hồi hơn khi những người tham gia có độ nhạy cảm cao xem ảnh của đối tượng yêu đương và thường đó là các bức hình tươi cười. Các loại cảm xúc của người khác - tích cực cũng như tiêu cực - tạo ra nhiều căng thẳng nội tâm ở những người tham gia có độ nhạy cảm cao hơn so với những người khác.
1 Hệ thống tế bào thần kinh gương được phát hiện vào những năm 1990. Nó cho phép chúng ta cảm nhận và phản ánh cảm xúc của người khác chính xác như thể họ là của chính chúng ta.
Mặc dù số lượng người tham gia nghiên cứu này không nhiều, nhưng tôi không bất ngờ khi kết quả trên cho chúng ta biết một điều rất quan trọng. Những gì họ thể hiện đều rất ý nghĩa và nó rất giống với những kinh nghiệm của riêng tôi về những người nhạy cảm cao. Tôi đặc biệt vui mừng khi biết rằng nó cho thấy những phản ứng quan trọng nhất trong não của những người nhạy cảm cao khi họ được cho xem những bức ảnh đối tượng của họ đang trong trạng thái hạnh phúc. Nó mâu thuẫn với giả định phổ biến rằng những người nhạy cảm chỉ phản ứng trước mọi thứ không an toàn hay không quen thuộc. Họ thực sự có phản ứng mạnh mẽ hơn cả với những trải nghiệm tích cực, như đã được chứng minh bởi nghiên cứu trên.
Một khớp nối mới
Thuật ngữ “nhạy cảm cao” là một cách hiểu mới về kiểu tính cách đã được mô tả trong quá khứ bằng những từ như “lo âu”, “nhút nhát” hoặc “rối loạn thần kinh”. Khi tôi còn nhỏ, người ta từng gọi đó là chứng “thần kinh tiêu cực”. Thường thì con người có xu hướng coi những người hướng ngoại và sôi nổi là những người khỏe mạnh và có giá trị hơn những người hay tỏ ra ít nói, dè dặt và trầm lặng, và những người nhạy cảm cao thường được gắn mác như vậy. Dưới đây là một ví dụ về cách thức thể hiện xu hướng này trong lĩnh vực tâm lý học.
Mô hình năm yếu tố - hay Big Five - là một trong những mô hình có ảnh hưởng lớn nhất trong tâm lý nhân cách. Nó được sử dụng để mô tả tính cách của một người bằng năm yếu tố khác nhau: rối loạn thần kinh, hướng ngoại, cởi mở, dễ chịu và tận tâm. Sự hướng ngoại được mô tả bằng những từ sau: ấm áp, hòa đồng, có sức ảnh hưởng lớn, chủ động, thích cảm giác phấn khích và cảm xúc tích cực. Mặt khác, hướng nội đơn giản được mô tả là người thiếu đặc điểm của sự hướng ngoại. Có vẻ như những người đã góp công phát triển mô hình trên đều là dạng hướng ngoại và mạnh mẽ. Mô hình này không coi trọng những đặc điểm như có đời sống nội tâm phong phú và suy nghĩ sâu sắc - những đặc trưng của người nhạy cảm cao hoặc hướng nội.1
1 Ba mươi phần trăm những người nhạy cảm cao là người hướng ngoại, nhưng ngay cả những người nhạy cảm hướng ngoại cũng có thể nhận ra bản thân trong những mô tả về tính cách hướng nội (xem Chương 1). Điều này chỉ cho thấy chúng ta mô tả và nhận thức mọi thứ theo những cách rất khác nhau.
Sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng mọi thứ, tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên khi những người hướng nội và nhạy cảm cao thường phải đối mặt với lòng tự tôn thấp. Tôi rất biết ơn Elaine Aron đã đưa ra một cách suy nghĩ khác và định hình những đặc điểm này.
Cách người ta mô tả và đánh giá các đặc điểm khác nhau của con người trong một số nền văn hóa hoặc thời kỳ nhất định có tác động lớn đến cá thể.
Elaine Aron mô tả người nhạy cảm cao là một tổ hợp phức tạp với nhiều đặc điểm khác nhau: tận tâm, sáng tạo, đầy cảm hứng, gợi mở, đồng cảm, có hệ thần kinh và giác quan nhạy cảm, v.v. Những đặc điểm này có thể gây ra những khó khăn trong cuộc sống nhưng cũng có thể là nguồn sáng tạo, tạo nên sự hiện diện và sự đồng cảm.
Elaine đã mô tả nên một kiểu tính cách giúp những tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương có thể nhận ra chính bản thân mình. Những người nhạy cảm tìm hiểu được câu truyện mới về bản thân chứ không chỉ nằm ở việc chúng ta đang có vấn đề gì, mà đó còn là một câu chuyện về hẳn một cộng đồng những người có khả năng trải nghiệm sâu sắc những niềm vui hay sở hữu những dạng tài năng khác.
Bản tính và giáo dục
Mô tả của Elaine Aron về đặc điểm của người nhạy cảm cao không được gợi ra một cách bộc phát. Nó dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn và nhiều năm nghiên cứu của bà trên cương vị một nhà tâm lý học.
Ta không có gì phải nghi ngờ rằng chúng ta được sinh ra là những cá thể khác biệt khi xét theo những đặc điểm tính cách của chúng ta. Công sức nghiên cứu nhiều năm đã xác nhận điều này và rất khó để phản biện lại. Một số nghiên cứu được thực hiện trên các cặp song sinh giống hệt nhau tại Đại học Minnesota từ năm 1979 (ví dụ trong Lewis 2014) cho thấy rằng các đặc điểm di truyền trong nhiều trường hợp còn quan trọng hơn yếu tố môi trường hay giáo dục.
Trong một nghiên cứu của nhà tâm lý học người Mỹ, Giáo sư Stephen J. Suomi (1987), người ta thấy rằng những khỉ con thường thừa hưởng những đặc điểm từ khỉ bố mặc dù chúng có thể chưa từng thấy qua bố mình.
Dù nghiên cứu từ những thập kỷ trước cho thấy yếu tố di truyền quan trọng hơn nhiều so với những giả thuyết trước đây, các yếu tố xã hội và môi trường vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của chúng ta với tư cách là con người. Khi nói đến sự nhạy cảm, môi trường và giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định liệu nó sẽ trở thành điểm yếu hay điểm mạnh.
Kết quả kiểm tra
Ta không cần phải hoài nghi về chuyện có thực một số người được sinh ra với sự nhạy cảm hay không. Cũng không cần nghi ngờ về chuyện nhạy cảm có thể là lợi thế lớn trong một số trường hợp nhất định.Ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu chúng ta có biết chắc chắn rằng 15-20% dân số là người nhạy cảm cao hay không. Khi chúng ta xem xét nghiên cứu của Jerome Kagan cho 500 trẻ sơ sinh, kết luận là cứ năm đứa trẻ lại có một đứa mang phản ứng mạnh mẽ hơn so với những đứa trẻ khác, vì vậy chúng ta có thể tranh luận rằng điều này cho thấy con số ước tính 15-20% là đúng. Thật không may, mọi thứ không đơn giản như vậy. Kagan chỉ thu nhận trẻ sơ sinh từ những phụ nữ thuộc lớp trung lưu, hầu hết là những người có trình độ học vấn cao. Ngoài ra, ông cũng sàng lọc những đứa trẻ có biến chứng khi mang thai hoặc sau khi sinh. Nếu ông ấy thực hiện nghiên cứu ngẫu nhiên với từng trẻ sơ sinh, kết quả có thể đã khác.
Elaine Aron thực hiện nghiên cứu của mình bằng cách yêu cầu hàng nghìn người dân Bắc Mỹ trả lời một bảng câu hỏi mà cô đã tự mình phát triển. Tuy nhiên, kết quả của bảng câu hỏi dựa trên việc tự báo cáo; và chỉ ghi lại những nhận thức riêng của mọi người về bản thân họ. Không có quan sát khách quan nào về hành vi của người tham gia, và gia đình hay bạn bè người tham gia cũng không được hỏi liệu họ có đồng tình với câu trả lời được đưa ra hay không - ví dụ như liệu người này có thực sự tận tâm/đồng cảm hay không. Một số người đã nhanh chóng đánh dấu vào các ô mà họ tin rằng sẽ đem đến phản hồi tích cực. Những người khác có thể sẽ cảm thấy ngờ vực và tự vấn bản thân: “Tôi có thực sự tận tâm không?” Họ có thể nhớ lại những tình huống mà họ cảm thấy bị choáng ngợp và rất hành xử vô tâm đối với người khác khi cố gắng thoát khỏi một tình huống khó khăn. Điều này có thể đã làm sai lệch kết quả của các bảng câu hỏi.
Elaine Aron nghiên cứu dựa theo các cuộc phỏng vấn được thực hiện với người dân Bắc Mỹ. Những người không phải người Mỹ có thể sẽ có nhận thức khác về bài kiểm tra. Tôi nghi ngờ rằng phụ nữ ở Đan Mạch nhìn nhận sự nhạy cảm khá tích cực và cứ mỗi năm người thì sẽ có một người chọn có cho 12 câu hỏi trở lên1.
1 Bài tự kiểm tra của Elaine Aron có 23 câu hỏi; người trả lời câu hỏi cần phải đáp “đúng” trên 12 câu để xếp vào dạng người có độ nhạy cảm cao. Bạn có thể tìm thấy bài kiểm tra đó trong Aron 1997.
Dựa trên những nghiên cứu trong lĩnh vực này, và kinh nghiệm của bản thân dưới tư cách là một nhà tâm lý học trị liệu cho những người nhạy cảm cao, tôi đã phát triển bài trắc nghiệm của riêng mình1. Kể từ khi được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010, bài trắc nghiệm trên đã được sử dụng bởi nhiều người có độ nhạy cao ở khắp vùng Scandinavia. Tuy nhiên, giống như bài kiểm tra của Elaine Aron, kết quả hoàn toàn dựa vào ý niệm và tuyên bố của mọi người về bản thân họ.
1 Không giống như Elaine Aron, tôi không phải là một nhà khoa học và bài trắc nghiệm của tôi không nhằm mục đích trở thành một công cụ nghiên cứu. Nó được tạo ra cho các cá nhân giống như tôi, thích các bài trắc nghiệm trò chuyện và tìm hiểu thêm về bản thân theo cách đó.
Có lẽ chúng tôi có thể tiến hành những bài kiểm tra không phụ thuộc vào trắc nghiệm tự kiểm tra trong tương lai. Từ đó, chúng ta có thể thấy tính toán kỹ hơn số người nhạy cảm cao có nhiều hơn hay ít hơn so với ước tính hiện nay là khoảng 15- 20%. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ước tính trên là khá chính xác. C. G. Jung, một nhà tâm thần học người Thụy Sĩ và là người sáng lập ra tâm lý học phân tích, cho rằng cứ bốn người trên thế giới thì sẽ có một người hướng nội và tính hướng nội có nhiều điểm tương đồng với tính nhạy cảm cao. Tôi nghĩ rằng không sai khi cho rằng những người nhạy cảm cao thuộc thiểu số. Nếu không chúng ta sẽ không bao giờ gặp đi gặp lại cái cảm giác bản thân mình khác biệt.
Tôi đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ sử dụng 23 câu hỏi của Elaine Aron với 24 khách hàng trước khi tôi nổi tiếng hơn trong vai trò chuyên viên tư vấn cho những người nhạy cảm cao. Kết quả cho thấy rằng 50% khách hàng của tôi là những người rất nhạy cảm. Đối với tôi, điều này có ý nghĩa là những người nhạy cảm cao có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ thông qua tư vấn thường xuyên hơn so với dân số trung bình. Điều này có thể bắt đầu từ một số lý do như:
• Những người nhạy cảm cao gặp khó khăn hơn trong cuộc sống hàng ngày do hệ thần kinh nhạy cảm của họ.
• Những người nhạy cảm cao cảm thấy phải chịu áp lực khi sống trong một xã hội đánh giá cao tính sôi nổi và hướng ngoại.
• Khi những người nhạy cảm cao cảm thấy mình đang gặp khó khăn, họ ít có khả năng che giấu cảm xúc - một phần vì ngưỡng chịu đau của họ thấp hơn những người khác, nhưng cũng vì họ thích nhìn nhận mọi thứ sâu sắc hơn và thích suy ngẫm về cuộc sống của họ.