Đức Phật trước khi thành đạo cũng từng sai lầm.
Đó là một ý trong cuộc nói chuyện của một sư thầy mình từng nghe.
Theo đó, thầy chia sẻ, Đức Phật trước khi giác ngộ, ngài cũng đã trải qua sáu năm tu khổ hạnh ép xác đến mức cơ thể chỉ còn da bọc xương, nhưng không cảm thấy giải thoát.
Thầy kể bằng giọng gần gũi và vui rằng, lúc đó chắc Đức Phật nhủ trong lòng: Sai rồi, sai rồi. Và ngài rất THÀNH THẬT VỚI CHÍNH MÌNH.
Thấy sai, thấy chưa phù hợp, là nhận ngay, nên ngài đã từ bỏ con đường tu ép xác, mà chọn con đường trung đạo.
Mà ngay cái sai đó cũng đã là một kinh nghiệm, trải nghiệm.
Sáu năm “sai” của Đức Phật, là sáu năm ngài đạt được những thành tựu kinh nghiệm về thiền định. Chỉ với các thiền chứng của Tứ không định rất sâu xa, tịch tịnh, tinh tấn đến độ vượt thắng tất cả mọi hình thức khổ hạnh của các đạo sĩ đương thời.
Thực tế, trong đời ai chẳng có lúc sai lầm, nhưng mấy ai can đảm dám nhìn ra rằng mình sai. Để rồi, cái sai đôi khi còn ảnh hưởng dài lâu về sau, hay thậm chí là đánh đổi bằng cả cuộc sống.
Cuộc sống ngoài kia, còn nhiều những cái sai khác lắm. Sai từ làm ăn, sai từ các mối quan hệ, cho đến thù hằn ngay chính người thân trong gia đình...
Hay cái sai lớn lắm mà gần đây ai cũng thấy rõ, là cái sai với các quy luật tự nhiên, sai với thiên nhiên, mà chúng ta ai cũng đang trong thời gian phải “trả giá”.
Và cách nhiều người chọn là lẩn tránh, hoặc lướt qua.
Mình nghĩ, cách giải quyết tốt nhất là có sai lầm đừng nhìn sai lầm đó như một ám ảnh. Chúng ta không thể chối bỏ điều đã là một phần trong cuộc đời của mình. Mà nghĩ thoáng rằng, khi bạn thừa nhận bạn sai, nghĩa là bạn đang thành thật với chính bản thân. Điều này rất quý.
Thành thật với bản thân, thành tâm sửa chữa và bắt đầu lại, còn hơn là không bao giờ.
Nếu nhìn rộng ra hơn, thì có cái gì là Sai hoàn toàn, cái gì là Đúng hoàn toàn.
Chúng ta đang từng bước trải nghiệm, hoàn thiện phù hợp cho từng giai đoạn.
Vậy thì khái niệm SAI, xin chuyển là: THÀNH THẬT VỚI BẢN THÂN.