8giờ 14 phút sáng, chuông điện thoại reo vang. Phải làm việc gần như cả đêm nên tôi vẫn còn ngủ trong khi vợ tôi đã dậy và chăm lo cho lũ trẻ được một lúc. Cô ấy chạy đến bắt máy ngay sau tiếng reng thứ hai. Và khi tôi chưa kịp thiếp đi thì Polly đã cầm điện thoại đến sát bên cạnh:
- Anh yêu. - Cô ấy khẽ lay tôi.
- Gì thế? - Tôi lầm bầm, quay người sang và cố hết sức mở mắt ra.
Polly lay người tôi lần nữa:
- Thức dậy đi anh. Anh Ted ở cửa hàng Pack N’ Mail gọi anh đây này. Nghe giọng anh ấy có vẻ rất buồn. Anh ấy bảo có chuyện gấp muốn nói với anh.
Tôi nhíu mày, cố tỉnh táo hơn:
- Mấy giờ rồi em?
- Tám giờ mười lăm.
- Ừ.
Polly đưa điện thoại cho tôi nhưng vẫn nán lại ngồi cạnh. Tôi nghiêng người chống khuỷu tay ngồi dậy, vừa quan sát gương mặt vợ vừa trả lời điện thoại:
- Chào Ted.
- Chào Andy. - Anh nói. - Xin lỗi đã làm phiền anh…
- Không, không phiền gì đâu. Có chuyện gì thế?
- À... - Anh bắt đầu. - Tôi không biết gọi cho ai khác… Tôi không muốn báo cảnh sát…
Tôi bắt đầu tập trung hơn. Hoàn toàn tỉnh giấc, tôi ngồi dậy và hỏi:
- Ted, có chuyện gì thế?
- Có thể cũng không phải là chuyện gì… - Anh trả lời.
- Ted à!
- Tôi phát hiện ra chiếc cặp của Jones nằm trong bãi đậu xe sáng nay. Chỉ có nó thôi. Ngay giữa bãi đậu xe. Và không hề thấy ông ấy ở gần đó.
Tôi không biết phải nói sao về điều này. Trăm ngàn ý nghĩ bỗng ào ạt đến trong tâm trí tôi. Ông bị thương? Hay ông để quên chiếc cặp? Hay một kẻ nào đó đã lấy cắp rồi để ở đó? Liệu Ted có chắc đó chính là chiếc cặp của Jones không?
- Anh đã đem nó vào trong chưa? - Tôi hỏi.
- Chưa. - Ted ngập ngừng trả lời. - Tôi chưa làm gì cả, ở đây cũng không có nhiều xe lắm. Tôi… không muốn chạm đến nó. Tôi có nên mang nó vào không?
- Có lẽ không. - Tôi trả lời. - Cứ chờ ở đó, tôi sẽ đến ngay.
Tôi vội vàng vừa kể lại với Polly mọi chuyện vừa mặc áo sơ mi và chiếc quần Tommy Bahama tôi đã mua ở khu gần bờ biển. Tôi đánh răng, hôn tạm biệt Polly cùng hai cậu con trai và ngồi vào xe, tất cả chỉ trong có năm phút.
Tôi lái xe một đoạn ngắn đến bờ biển trong khoảng bảy tám phút gì đấy. Khi tôi chạy vào bãi đậu xe thì đã thấy một đám đông đang xúm quanh chiếc cặp. Ted nói đúng. Lúc này có rất ít xe trong bãi. Phần lớn những người sống ở đây đều phải đi làm từ sớm.
Tôi lái xe đến gần đám đông và bước xuống. Ted đứng sát chiếc cặp. Susan và Clay ở tiệm Winn-Dixie đối diện bãi đậu xe cũng có mặt. Jenny, Abraham đang đứng cạnh Al trong quán cà phê. Tất cả đều nhìn tôi trân trân khi tôi đi đến. Không ai nói gì, dù chỉ là một câu chào.
Tôi dừng lại bên Ted rồi nhìn anh - mong đợi anh làm một điều gì đó, tôi không chắc nhưng trông anh rất bàng hoàng. Tôi quỳ bên chiếc cặp rồi hỏi:
- Đã ai cầm đến nó chưa?
- Chưa, chưa ai cả. - Tất cả mọi người trả lời.
Tôi hiểu. Vì bản thân tôi cũng không muốn chạm vào. Kỳ lạ thay, thật sự… chúng tôi đã nhiều lần nhìn thấy chiếc cặp này. Chúng tôi háo hức bàn luận về nó. Chúng tôi rất hiếu kỳ khi thấy Jones luôn hết sức cẩn thận chẳng bao giờ để ai xách giùm hay lén nhìn khi ông mở nó ra. Nhưng giờ thì nó ở ngay đây, ngay trước mắt chúng tôi mà không một ai muốn là người đầu tiên chạm vào.
Chiếc cặp mòn nhẵn - như dấu tích thời gian còn in bóng trên những vật đã thật sự trải qua nhiều năm tháng. Bề mặt nó màu nâu đậm nhưng đã bị phai từ lâu nên chuyển sang màu vàng nhạt. Chiếc cặp như tơi ra với những đường rãnh bé xíu làm tôi liên tưởng đến làn da của ông… mềm mại nhưng săn chắc, dẻo dai...
Tôi chầm chậm đặt tay vào chiếc cặp, giữ yên một lúc rồi nhấc nó lên. Khi nhìn lên, tôi thấy vài người khác lẳng lặng nhập vào đám đông. Tom và Becky ở cửa hàng dược phẩm, vài cô gái trong tiệm làm móng, nhiều gã ở cửa hàng bán dụng cụ thể thao đã đến để theo dõi hay chờ xem sẽ làm gì đối với sự việc đang diễn ra. Âm thanh xôn xao lan đi. Tôi quay sang hỏi:
- Chúng ta có nên đem nó vào trong không?
Mọi người đều đồng ý nên làm vậy.
Tôi đứng lên và nhìn Ted lần nữa.
- Anh mang vào đi. - Ted nói ngắn gọn rồi bước vào trong.
Thế là tôi cầm chiếc cặp của ông lên. Nhẹ đến ngạc nhiên dù tôi nghĩ là nó không rỗng. Nhóm chúng tôi, giờ đã có khoảng hai mươi người, cùng đi bộ qua bãi đậu xe và vào quán cà phê Beignet. Tôi mang chiếc cặp vào và cẩn thận đặt nó lên một cái bàn ngay giữa quán. Mọi người vào hết trong quán nhưng vẫn còn đứng cho đến khi Al rót cà phê ra. Chúng tôi ngồi lộn xộn ở mấy cái bàn khác quanh chiếc cặp với tâm trạng bứt rứt không yên.
- Vợ chồng người hàng xóm của tôi đã ly hôn nếu không gặp được Jones. - Clay lên tiếng nói với không riêng một ai cả. Chúng tôi nhìn anh, anh cũng nhìn lại, nhún vai. - Chỉ là một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu và tôi nói nó ra vậy thôi.
- Ông ấy ổn chứ? - Susan dành câu hỏi đó cho tôi. - Ý tôi là ông ấy không bị thương ở đâu đó, đúng không?
- Tôi cũng không biết nữa. - Tôi thành thật trả lời. - Tôi hy vọng là không…tôi thật sự không nghĩ như vậy. Các vị cũng biết Jones là người thế nào mà. Ông đến rồi đi thật bất ngờ. Việc ông xuất hiện ở đâu hay khi nào luôn khác nhau. - Tôi ngừng lại một chút và nói thêm. - Tôi chỉ biết là ông không bao giờ rời khỏi chiếc cặp này.
Tất cả chúng tôi chăm chú nhìn chiếc cặp cũ mòn giờ đây đã nhanh chóng trở thành một điều bí ẩn.
Cánh cửa lại mở ra và chúng tôi nhìn thấy những người khác bước vào, gồm Robert Craft, Barry và Jan Hanson. Robert kéo ghế ngồi cạnh tôi và nói:
- Tôi vừa nghe chuyện. - Rồi khẽ khàng: - Có thông tin gì không?
Tôi lắc đầu.
Al bắt đầu phục vụ mỗi bàn một đĩa bánh rán to và rót cà phê cho những người vừa đến. Chỉ một lát sau, có thêm nhiều người nữa. John và Shannon Smith, Mike và Melanie Martin, Jonathan và Debra Langston, gia đình Norwood, tất cả thành viên gia đình Ward và gia đình Kaiser… đó mới chỉ là những người tôi biết thôi. Họ uống cà phê mà lòng bồn chồn không yên, cũng không quan tâm lắm tới món bánh rán dù mùi vị của nó rất ngon.
- Này mọi người. - Tôi nói khi trong đầu chợt lóe lên một ý tưởng. - Tôi chỉ tò mò thôi… có ai biết tối thì Jones ngủ ở đâu không? Ông trú ngụ chỗ nào? Có bao giờ ông ở lại với người nào trong số quý vị một đêm không?
Những ánh mắt ngơ ngác. Tôi thở dài:
- Ồ, tôi chỉ nghĩ... Mọi người biết đấy, tôi sẽ đi tìm ông nếu có được một manh mối, dù là nhỏ nhất.
- À. - Alan nói. - Chắc ông ấy đã biến mất trước đó. Chẳng phải là không ai nhìn thấy ông một thời gian rồi sao?
Chúng tôi nhìn anh ta. Anh nhún vai, bối rối:
- À tôi biết. Ông không bao giờ không mang theo chiếc cặp.
Từ khi đặt nó lên bàn, tôi không hề chạm đến một lần nào nữa, những người khác cũng vậy.
Cửa mở, tôi thấy Jason cùng một vài thuyền trưởng ở bến tàu bước vào. Tôi gật đầu chào cậu, Jason cũng vẫy nhẹ tay chào tôi.
- Tôi không nghĩ có ai biết ông ấy từ đâu đến. - Một người nào đó nói.
Đúng là không ai biết cả.
- Cuộc đời tôi gần như đã kết thúc trước khi tôi gặp được Jones. - Jake Conner nói. - Tôi nghĩ việc mình sắp phá sản không phải là bí mật gì.
Tất cả quay đầu về phía cuối phòng. Jake Conner? Phá sản ư? Đối với tôi điều này là một bí mật đó chứ. Và vẻ mặt mọi người trong phòng cho thấy nó cũng là bí mật với họ. Nếu tin vào chuyện người ta kể về Jake thì ông ấy đúng là một trong những người giàu có và keo kiệt nhất vùng. Nhưng theo lời đồn đại thì không hiểu vì sao ông hoàn toàn thay đổi chỉ sau một đêm cách đây vài năm. Có vẻ như chúng tôi sắp được biết nó diễn ra như thế nào.
Jake bắt đầu kể:
- Trước giờ tôi chưa kể ai nghe chuyện này, nhưng khi tôi nói “cuộc đời tôi gần như đã kết thúc” thì không chính xác lắm. Sự thật là lúc đó tôi sắp tự kết liễu đời mình. Những khoản nợ đến hạn phải trả, cùng lúc đó thị trường chứng khoán lao dốc. Về mặt tài chính tôi gần như trắng tay. Tôi bối rối. Rồi… sợ hãi. Vì thế, một đêm nọ tôi lái con thuyền Mistee Linn rời bến và định sẽ tự vẫn.
Chúng tôi đều biết Mistee Linn là chiếc du thuyền dài khoảng 26,5 mét mà Jake để trong vịnh Terry.
- Tôi đã đứng trên con thuyền hàng giờ liền, nghĩ ngợi, cảm thấy hối tiếc cho chính mình trong lúc cố sức gom hết can đảm để thực hiện ý định kết thúc cuộc sống của bản thân. Tôi muốn để chế độ lái tự động với tốc độ một trăm tám mươi - tiến thẳng về phía Nam rồi nhảy qua mạn tàu đâm sầm xuống biển. Sẽ có người tìm thấy con thuyền khi nó chạy hết nhiên liệu và công ty bảo hiểm sẽ nhanh chóng chi trả tiền cho gia đình tôi. Không một ai có thể chứng minh được là tôi tự tử và… tốt thôi… - Giọng Jake chìm trong không gian im lặng của gian phòng. Đôi mắt ông nhìn xa xăm như chỉ chú tâm vào vùng ký ức mà không một ai trong chúng tôi thấy được, và hầu như cũng không một ai muốn trông thấy.
Roger Kaiser phá tan cảm giác như bị thôi miên đó:
- Nhưng ông vẫn đang còn đây, Jake à. - Anh ta hỏi khẽ. - Vì sao ông đã không làm như vậy?
Jake quay sang Roger cười lạ lùng như thể bản thân ông còn không tin được vào điều mình sắp kể:
- Tôi đã không tự sát vì bỗng nhiên Jones đến vỗ vai tôi và bảo rằng không nên làm thế.
Để cho mọi người cảm nhận hết ý nghĩa của câu đó rồi Jake kể tiếp.
- Ngay lúc ấy, vợ tôi gần như sẽ nhận được khoản tiền bảo hiểm, vì tôi nghĩ mình đã lên cơn đau tim.
Có một chuyện… tôi biết - ý tôi là tôi biết rõ ông lão không hề có trên thuyền khi tôi rời bến. Ông ấy không ở đó... Ông ấy chỉ… không phải. Tôi đã nghĩ đến việc này hàng triệu lần kể từ đêm hôm ấy. Tôi chỉ định tự tử chứ không hề điên rồ, tôi nói với mọi người rằng tôi chỉ có một mình khi rời khỏi bến.
- Đó là một con thuyền lớn, và có rất nhiều phòng… - Roger nghi ngờ.
Jake thở dài không vui:
- Được thôi. Anh muốn nghĩ thế nào cũng được... Nhưng điều tôi muốn nói với mọi người nhất chính là việc Jones đã trò chuyện cùng tôi hàng giờ trong đêm ấy. Và cả sáng hôm sau nữa. Khi chúng tôi ra về, tôi vẫn bị bủa vây trong cảnh nợ nần, nhưng bản thân đã có cái nhìn khác hơn về mọi việc, như ông thường gọi là một “cách nhìn mới” đấy. Tôi bắt đầu giải quyết công việc trên tinh thần như thế. Tôi trả hết nợ. Tôi nghĩ tôi là một con người mới. Kể từ lúc đó tôi chưa hề gặp lại ông cho đến khi ông lại xuất hiện ở đây. Khoảng bao lâu rồi nhỉ? Chắc cách đây sáu, bảy tuần gì đó thì phải?
Tôi nhẩm tính trong đầu. Đúng là chỉ vài tuần trước Jones vẫn còn xuất hiện quanh đây.
- Chắc tất cả các vị đều biết Harrison nhà tôi…
Mọi người lại đổ dồn về phía vang lên giọng nói gần giá sách sát bên tường. Chuyện liên quan đến Nancy Carpenter - một phụ nữ trạc sáu mươi tuổi. Bà là một nhân viên thu ngân làm trong ngân hàng và thường xuyên tham gia các công tác tình nguyện. Chồng bà - Harrison là một viên chức chứng thực di chúc đã qua đời cách đây vài năm sau một thời gian dài mắc bệnh ung thư phổi. Vâng, tôi nghĩ những người trong quán đều biết Harrison Carpenter.
Nancy đứng dậy nói:
- Harrison đã qua đời gần ba năm, à, đến tháng sau là tròn ba năm. - Giọng bà nghẹn ngào và phải mất vài phút để trấn tĩnh lại. Cuối cùng bà cất tiếng. - Sáng hôm ấy, tôi nhìn xung quanh thấy một vài người trong số các vị đứng đó trước khi khâm liệm Harrison. Không một ai hỏi tôi về điều này, có lẽ vì lịch sự - tôi nghĩ thế. Nhưng tôi biết chắc rằng nhiều người vẫn thắc mắc vì sao Harrison lại được chôn cùng với cây nĩa đang cầm trên tay. Hoặc có thể do không ai để ý đến nó…
Không để ý à? Bà ấy nói đùa sao? Đây là điều duy nhất trong vùng mà mọi người bàn tán xôn xao suốt cả tháng trời! Ba năm qua, cứ nhắc đến đám tang là có ai đó sẽ nói: “Nhớ chuyện một người đàn ông nằm trong quan tài cầm cái nĩa trên tay không?”. Nhưng Nancy cũng có phần đúng, chúng tôi đã chẳng bao giờ hỏi tại sao. Chúng tôi quý mến Harrison và cũng thương yêu bà nên thấy không tiện khi khơi ra điều này. Nhưng chúng tôi sẽ được nghe điều đó ngay bây giờ.
- Cũng giống như Jake, tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe cả. - Bà hít một hơi thật sâu. - Các vị biết đấy, Harrison đã trải qua thời gian khổ sở dai dẳng suốt vài tháng trước khi… trước khi ông ra đi. Không hẳn là do cơ thể, mặc dù nó cũng rất đau đớn. Chúng tôi ngủ riêng phòng. Điều này chưa bao giờ xảy ra trong suốt ba mươi tám năm kể từ ngày chúng tôi cưới nhau. Nhưng ông ấy thường trằn trọc khó ngủ vì thuốc, hơn nữa ông ấy ho liên tục nên chúng tôi phải ngủ riêng…- Bà dừng lại một chút và như bị cuốn vào dòng suy tưởng, hoài niệm. Đột nhiên bà bừng tỉnh sau vài phút mơ màng. - Tôi đang nói đến đâu rồi nhỉ? À, ông ấy đã có khoảng thời gian rất khổ sở. Ông không cảm thấy thanh thản khi nghĩ về cái chết. Dĩ nhiên, tôi cũng không. Ý tôi là, làm sao các vị có thể cảm thấy như vậy được chứ, đúng không? Ông ấy quẩn quanh suy nghĩ rồi khóc rất nhiều và không bao giờ bước ra khỏi phòng. Tôi cũng đã khóc hết nước mắt.
Nhưng chỉ vài tuần trước khi Harrison mất, tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm và nghe ông ấy cười. Tôi cũng nghe có một giọng nói khác trong căn phòng Harrison đang ở. - Nancy ngừng một chút rồi tiếp.
- Lúc đầu tôi nghĩ là Harrison đang bật ti vi, nhưng vài phút sau tôi vào xem sao. - Nancy hơi hất cằm lên có vẻ như đưa ra một tuyên bố thuộc dạng đố chúng tôi dám tranh cãi. - Tôi nhìn quanh mọi ngóc ngách trong phòng, và Jones đang ở đó cùng Harrison. Lúc đó dĩ nhiên tôi chưa biết ông ấy là Jones. Với tôi đó chỉ là một ông lão nào đó vừa mới đến nhà mình. Tôi cảm thấy hơi sợ.
Tôi lập tức chạy ra kiểm tra các cửa, nhưng chúng vẫn được khóa, vẫn còn đóng chặt. Tôi cố gắng gọi cảnh sát nhưng điện thoại không hoạt động. Điện thoại di động cũng trong tình trạng đó. Cuối cùng tôi tự trấn an rằng có lẽ Harrison đã để ông vào. Ý tôi là… lâu rồi Harrison đã không ra khỏi giường, nên tôi thực sự không nghĩ ông ấy lại mời khách như vậy, nhưng... - Bà nhún vai.
Mọi người trong quán cà phê đều yên lặng, sững sờ. Sự chuyển động duy nhất trong phòng là dòng người chen nhau ở phía cửa trong khi Nancy nói:
- Tôi quay trở lại phòng ngủ. Jones tự giới thiệu và bảo rằng mình là bạn thân của Harrison. Harrison cũng thừa nhận như vậy. Dù Harrison bảo rằng ông ấy là bạn thân nhất của mình nhưng tôi biết rằng cả hai chúng tôi đều chưa từng gặp ông. Harrison dường như rất thoải mái... vui vẻ, ngay cả… vì thế tôi ngồi xuống một chiếc ghế trong góc phòng và lắng nghe họ trò chuyện.
Họ trò chuyện liên tục. Cuối cùng Jones khơi lên đề tài về mẹ của Harrison. Bà ấy đã qua đời trước khi chúng tôi cưới nhau vì thế tôi chưa bao giờ gặp mẹ chồng nhưng có nghe kể nhiều về bà ấy. Harrison rất yêu quý mẹ. Rồi Jones nói:
- Harrison này. Anh có nhớ cách mẹ anh thường chuẩn bị một bàn tiệc thịnh soạn vào lễ Tạ ơn hay đêm Giáng sinh không? - Khi ông lão nói đến điều này, chồng tôi nhắm mắt lại và mỉm cười. Tôi đã không thấy ông ấy hạnh phúc như vậy từ rất lâu rồi, giọng ông lão khiến Harrison cảm thấy bình yên… vỗ về.
Sau đó Jones nói:
- Harrison, anh có nhớ mẹ anh đã làm những món gì không? Giăm bông, thịt gà tây, khoai lang, bánh sữa, đậu Hà Lan. Bà ấy cũng nấu xúp bột bắp, dâu tây, thịt trộn salad. - Lúc đó, tôi đến gần họ. - Nancy nói. - Vì giọng ông lão càng lúc càng nhỏ dần, nhưng tôi vẫn nghe ông nói: - Nhưng mọi người thích nhất là món tráng miệng mẹ anh làm đúng không Harrison? Bà luôn rất sẵn lòng làm bánh nướng nhân hồ đào, bánh dừa, bánh kẹp nhân táo…Anh còn nhớ bánh quy đường không? Nhưng món anh thích nhất vẫn là bánh nướng nhân bí, nhớ không?
Ông nói tiếp:
- Anh còn nhớ mẹ mình thường nói gì với mọi người trong lúc dọn bàn không? Nhớ không Harrison? Ngay trước khi dùng món tráng miệng đó? Bà dọn bát đĩa xuống rồi nói: - Hãy giữ lại nĩa nhé… điều tuyệt vời nhất vẫn còn đang chờ phía trước!
Nước mắt lăn dài trên gương mặt Nancy, bà nói tiếp:
- Như tôi đã nói, tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe bí mật này. Trước khi đi, Jones hôn lên trán chồng tôi rồi nói:“Anh không cần phải sợ điều gì nữa Harrison ạ. Anh có thể cầm chiếc nĩa của mình trong tay. Và điều tuyệt vời nhất vẫn còn đang chờ phía trước”.
Tất cả chúng tôi im lặng, không biết trả lời sao thì Nancy nói thêm:
- Tôi chưa bao giờ gặp lại Jones cho đến khi ông đến đây vài tuần trước. Và chính tôi là người đã đặt chiếc nĩa vào tay Harrison khi ông ấy qua đời. Chính ông ấy đã bảo tôi làm như vậy.
Bà hất cằm lên lần nữa:
- Tôi rất vui lòng khi làm thế. Giờ đây tôi cũng tin điều này. Các vị biết đó… rằng điều tốt đẹp nhất vẫn còn đang chờ phía trước.
Dường như không ai nói gì thêm trong vài phút sau đó. Rồi mọi người lại tiếp tục kể. Trong gần ba giờ đồng hồ, mọi người liên tiếp kể lại những câu chuyện về Jones, Garcia, Chen hay bất cứ tên gì mọi người vẫn gọi ông lão. Polly đến vào lúc Nancy đang nói và giục tôi kể về vị trí, ý nghĩa của Jones đối với cuộc đời tôi cũng như làm thế nào tôi quen biết ông ấy. Pat Simpson cùng vợ là Claudia cũng tham gia. Pat kể cho chúng tôi nghe là anh ta biết Jones khi còn là một cậu bé… Ông lão đã xuất hiện vào một đêm và giúp anh thoát khỏi vấn đề rắc rối như thế nào.
Chúng tôi cũng được nghe thêm vài câu chuyện tương tự như của Pat.
Brandon - cậu con trai mười bảy tuổi của Sharon Tyler từng gặp Jones khi cậu mới mười bốn tuổi. Cậu gặp tai nạn xe hơi cùng với hai anh bạn lớn tuổi hơn. Cậu cam đoan rằng ông lão cậu mới vừa gặp trong thị trấn mấy tuần trước cũng chính là ông lão đã lái xe cấp cứu ở bên cậu ba năm trước.
Kể từ dạo ấy, Brandon thường hay nhắc đến ông lão. Mẹ cậu lại kể với chúng tôi rằng dĩ nhiên lúc ấy bộ phận cấp cứu nói con trai họ đang mê sảng vì không ai ngoài trợ lý bác sĩ cùng ở với cậu lúc ấy cả.
Boyd Crawford thì kể rằng cách đây khoảng mười năm ông cùng con trai đã vớt một ông lão ở vịnh Wolf vào lúc nửa đêm. Trong lúc họ đang câu tôm và chèo thuyền thì va trúng ông lão. Họ tưởng mình đã cứu sống ông lão.
Boyd nói:
- Thế nhưng, khi tỉnh dậy thì ông bạn già lại cứu sống chúng tôi.
Tôi và con trai luôn xung đột nhau. Lúc đầu chúng tôi rất ghét nhau. Cả hai biết như vậy là không nên. Vợ tôi khóc suốt vì chuyện này. Chúng tôi thì không biết phải làm sao. Sẽ thật tệ nếu ông lão hài hước ấy không trò chuyện và đưa chúng tôi ra khỏi tình trạng căng thẳng ngay trên con thuyền vào đêm hôm đó. Tôi không còn nhớ ông dẫn dắt câu chuyện bằng cách nào nhưng khi ánh sáng mặt trời vừa chiếu rọi và chúng tôi lên khỏi thuyền thì hai cha con ôm nhau khóc nghẹn ngào. Còn ông bạn già đã ra đi từ lúc nào trước khi chúng tôi bước lên xe tải. Từ đó chúng tôi không hề gặp ông… cho đến sau này.
Cuối cùng không ai còn chuyện gì để kể hay ít ra là những chuyện họ có thể chia sẻ với người khác. Tôi nhìn quanh và thấy hơn một trăm người chen chúc trong quán cà phê nhỏ bé. Dường như ai cũng có mối quan hệ nào đó với người bạn vong niên của tôi. Càng nghĩ về điều này tôi càng thấy mông lung.
Thật lòng mà nói tôi không hiểu điều gì khiến cho những câu chuyện về Jones thường gắn với tình tiết ông xuất hiện đây đó hoặc biến mất khi người ta vừa quay đi. Nhưng có một dấu hiệu chung không thể chối cãi là Jones luôn xuất hiện ở nơi có điều gì đó hoặc ai đó đặc biệt cần đến ông. Tôi không thể phủ nhận điều này trong chính cuộc đời mình cũng như trong cuộc đời tất cả những người tụ tập quanh chiếc cặp sáng nay.
Tôi liếc nhìn quanh. Tôi biết hầu hết nơi làm việc của họ. Đã hơn mười một giờ trưa, và rõ ràng là hầu như tất cả những người này chấp nhận đi làm trễ. Một số là dân kinh doanh, công việc làm ăn phải tạm đóng cửa vì họ đang ở đây. Có cả những đôi vợ chồng còn chưa kịp đưa con cái đến trường sáng nay.
Tôi nhìn đồng hồ lần nữa rồi đi đến chỗ Polly, vẻ mặt hoài nghi. Cô ấy ngẩng lên rồi khẽ nhún vai. Tôi hít sâu, đứng lại và nói:
- Không một ai ở đây có cách nào để liên lạc với Jones đúng không?
Không ai trả lời.
- Có ai biết nên gởi chiếc cặp này đến đâu để ông ấy có thể nhận được không?
Cũng không ai nói gì.
Cuối cùng tôi thận trọng đưa ra ý kiến:
- Nếu không ai phản đối, tôi nghĩ chúng ta nên mở cặp ra. Nó không bị khóa. Chúng ta không cần bẻ khóa gì cả. Để xem trong ấy có gì có thể giúp chúng ta tìm một chút manh mối… địa chỉ… hay gì đó.
Mọi người đều đồng ý nên mở chiếc cặp ra, vì vậy tôi quay chiếc cặp và then cài về phía mình mà không gây ra tiếng động nào. Mọi người dường như nín thở. Chỉ nghe thấy tiếng “tách” của ổ khóa khi nó trượt ra khiến chiếc cặp cũ kỹ hé mở khoảng một tấc.
Ngay lúc đó, một gói nhỏ chứa hạt giống trị giá năm mươi chín cent(7) rơi ra trên mặt bàn. Mọi người rướn cổ rồi lại gần chiếc cặp hơn. Tôi cầm nó lên, quan sát một chút và đưa từng người xem. Nó chỉ là một gói giấy đựng hạt giống bình thường, không lớn hơn một cái thẻ bài, như bạn từng thấy hàng triệu lần ở bất cứ cửa hiệu nào. Đó là những hạt giống cúc vạn thọ.
(7) 1 cent: 0,01 đô la.
Khi tôi đang xem xét những hạt giống, một người nào đó vì muốn nhìn rõ hơn đã đụng vào cái bàn đang để chiếc cặp. Từ trong cặp trượt ra hai gói nữa, trông tương tự như gói ban đầu. Một gói đựng hạt giống cà chua và gói kia chứa hạt giống hoa mõm chó.
Tôi cầm chúng lên và đưa cho Ted đang ngồi đối diện. Anh nói:
- Nào tiếp tục mở đi.
Tôi làm theo lời anh.
Khi nắp chiếc cặp được mở rộng hơn, mọi người đều thấy rõ ràng là không hề có vách ngăn trong chiếc cặp cũ mòn này. Những hạt giống muôn màu được gói trong giấy đổ tung tóe khắp nơi - ra bàn, văng sang bàn khác và đổ cả lên sàn nhà.
Tôi nhanh chóng lục lọi. Nào hạt bí, hoa cúc, dưa chuột, hoa lưu ly, trúc đào, cây thạch nam, cúc Zinnias, mướp tây, dưa hấu, củ cải, hoa hướng dương, hoa huệ, cây phong lữ, hoa bí, hoa Iris, cây hoa chuông, dưa chuột vàng… Cũng phải đến hàng trăm loại hạt khác nhau, nhiều đến mức tối đa chiếc cặp có thể chứa và không ai biết thực sự có bao nhiêu loại khác nhau.
Vừa hoang mang vừa bối rối, chúng tôi tụ lại khe khẽ bàn luận với nhau rồi sắp xếp lại mớ hạt giống cho đến khi Dave Winck lôi từ dưới đáy cặp một bì thư nhỏ màu trắng. Mọi người tiếp tục yên lặng. Sự yên lặng này như khuyến khích Dave cẩn thận mở phong thư ra.
Trong phong thư là một mảnh giấy được gấp lại, anh đưa lên cho chúng tôi xem rồi mở nó ra. Dave nhìn tôi nói:
- Đây là lời nhắn nhủ của ông ấy. - Anh trao mảnh giấy cho tôi và nói thêm. - Anh hãy đọc to lên để tất cả mọi người cùng nghe nhé.
Tôi nhận mảnh giấy từ Dave và mỉm cười đồng thời cũng nghe được một vài giọng cười bối rối phía sau. Tôi không phải là người duy nhất chợt nhận ra tay mình đang run lên. Nhìn lướt qua trang giấy, tôi nhận thấy bức thư được viết tay, dòng chữ ngay ngắn nhưng yếu ớt, run rẩy của một ông lão. Tôi bắt đầu đọc:
Các bạn thân mến,
Đã từ rất lâu rồi ta luôn ở bên cạnh mọi người, quan tâm đến từng người hơn cả những gì mọi người biết. Rất nhiều lần ngay khi các bạn không hề thấy và cảm nhận được sự hiện diện của ta, ta vẫn ở đó chăm chú theo dõi và cẩn thận lắng nghe tất cả.
Cuộc đời mỗi người trên thế gian này là một món quà cần được sử dụng một cách khôn ngoan. Đừng bao giờ lãng phí lời nói cũng như suy nghĩ của các bạn. Hãy nhớ rằng những hành động của mình dù đơn giản nhất cũng có thể khiến cuộc đời mình trở nên khác biệt... và thay đổi mãi mãi.
Ta không tin rằng các bạn có thể gặp lại ta một lần nữa ở nơi này, nhưng ta chắc chắn hạt giống ta đã gieo trồng trong tâm hồn và trái tim các bạn sẽ đủ sức dẫn dắt các bạn tiến về phía trước. Đó là hạt giống của niềm tin vào hạnh phúc ở tương lai. Khi có nhiều thử thách đang chờ đợi phía trước, các bạn sẽ hiểu rằng hạt giống của niềm tin vào hạnh phúc ở tương lai còn quý giá hơn cả kim cương hay vàng bạc.
Đây đương nhiên chính là câu trả lời mà mọi người luôn tìm kiếm trong lúc khốn cùng. Đôi khi vì thiếu khả năng nhận thức vấn đề một cách sâu sắc mà một người không tìm thấy câu trả lời ấy dù nó hiển hiện ngay trước mắt. Nhiều người trong số các bạn đã thấu hiểu được điều này. Như vậy, các bạn đã nắm được một bí mật mà không phải ai cũng biết được. Nguyên nhân mọi người không tìm thấy câu trả lời trong lúc đang khủng hoảng là trong những giây phút đó không hề tồn tại một câu trả lời cụ thể nào.
Vào những lúc khốn cùng, con người cần phải có nhận thức đúng đắn hơn bất kỳ điều gì khác trên đời. Nhận thức đúng sẽ mang đến sự bình tâm. Khi bình tâm thì suy nghĩ sẽ sáng suốt. Suy nghĩ sáng suốt sẽ làm nảy sinh nhiều ý tưởng. Và ý tưởng sẽ tạo nên sự sáng tạo… Hãy giữ cho tâm hồn và trí tuệ mình luôn tỉnh táo. Vì nhận thức đúng cũng dễ dàng mất đi như khi tìm thấy vậy.
Ta để lại cho các bạn những hạt giống này chỉ để nhắc nhở rằng các bạn phải gieo trồng hạt giống của mình trong tâm hồn cũng như trong trái tim những người mà các bạn gặp. Các bạn sẽ mãi nhớ đến ta khi làm công việc này. Ta không hề ra đi. Ta vẫn sẽ còn ở quanh đây. Điều tốt đẹp nhất vẫn đang chờ phía trước.
Jones
Sau đó mọi người tiến đến, mỗi người tự mình đọc lại lời nhắn gởi của Jones lần nữa rồi lấy đi một gói hay vài hạt giống trước khi đến nơi làm việc, tới trường hay về nhà. Khi chỉ còn lại một vài người, chúng tôi cũng lấy vài hạt giống cho mình.
Chiếc cặp giờ đây đã trở thành một biểu tượng gần gũi, chúng tôi chuyền tay nhau gìn giữ. Ted thỉnh thoảng đặt nó trong cửa hàng Pack N’ Mail để mọi người có thể nhìn ngắm và chạm vào khi đến đây. Sau đó Al cũng trưng bày tại quán cà phê Beignet, Ted và Kathryn đem trưng bày ở Wall Decor. Tôi thấy Nancy cũng giữ nó ở Sea N Suds trong vài tuần. Còn Robert Craft thì đặt nó trong một cửa hiệu sang trọng ngay trong sân gôn. Tôi còn thấy Clay và Tom đặt nó trên quầy thuốc ở cửa hàng dược phẩm Winn-Dixie.
Về phần tôi ư? Thỉnh thoảng tôi không thể ngăn mình mải nhìn theo một ông lão có mái tóc bạc trắng nào đó. Tôi biết đó chỉ là một chút hy vọng mong manh mà thôi. Tôi mỉm cười khi nhìn thấy một nhành ngũ cốc đang vươn cao cạnh hòm thư, hay dây dưa hấu tươi tốt trong sân nhà ai đó. Giờ đây khi lái xe trên bất kỳ con đường nào trong vùng, chúng tôi dễ dàng nhận thấy điều gì đang diễn ra trước mắt. Mọi người gieo trồng hạt giống lấy được trong chiếc cặp như thể họ gieo trồng hạt giống họ đã có được trong đời mình. Điều này là minh chứng cho một sự thật hiển nhiên rằng việc ta quan tâm đến bản thân và cả những người khác nữa sẽ giúp chúng ta có được một cái nhìn toàn diện, để ta có thể hít một hơi thở thật sâu và bắt đầu cuộc sống mới. Điều tốt đẹp nhất chắc chắn sẽ đến. Đây là món quà quý giá nhất chúng tôi nhận được, món quà ấy chính là một tầm nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn… Món quà từ một ông lão tên Jones.