Tên ông là Jones. Hay ít ra, đó là cách tôi gọi ông. Không phải “ông Jones”… chỉ đơn giản là Jones thôi. Còn ông thì gọi tôi là “chàng trai trẻ”, “con trai”. Cũng ít khi thấy ông gọi tên thật của ai cả. Luôn là anh bạn trẻ, cô gái, nhóc hay con trai.
Ông đã già, nhưng khó mà đoán được ông chừng bao nhiêu tuổi. Có thể là sáu mươi lăm, tám mươi hay một trăm tám mươi tuổi gì đó… Mỗi lần gặp ông, tôi đều thấy ông mang theo một chiếc cặp màu nâu cũ kỹ.
Về phần mình, tôi gặp ông lần đầu tiên năm tôi hai mươi ba tuổi. Ông dang rộng vòng tay nâng đỡ tôi, và vì nhiều lý do, tôi đã đón nhận vòng tay ấy. Mỗi khi nhớ lại, tôi luôn cảm thấy đó thực sự là một phép lạ diệu kỳ. Nếu vẫn là hoàn cảnh ấy, nhưng ở vào một thời điểm khác, và với một người khác, hẳn tôi đã rúc vào trong nỗi sợ hãi hoặc bước ra với nắm đấm thủ sẵn.
Lúc đó tôi đang khóc, và có lẽ ông đã nghe thấy tiếng khóc của tôi. Đó không phải là tiếng khóc nức nở vì cô đơn, cũng không phải tiếng nghẹn ngào đau khổ, dù rằng tôi rất lẻ loi và đau đớn tột cùng. Thường thì một thằng con trai chỉ có thể để nỗi đau của mình bật lên thành tiếng khi chắc rằng mọi người xung quanh không ai nghe thấy. Tôi biết suy nghĩ như vậy là không đúng, nhưng tôi thực sự không muốn để ai biết. Nhất là với một kẻ đang sống dưới gầm cầu như tôi.
Vài năm trước, mẹ tôi qua đời vì căn bệnh ung thư, và rồi điều bất hạnh lại tiếp tục ập đến ngay sau đó khi cha tôi, vì vô ý quên thắt dây an toàn nên cũng theo mẹ về cõi vĩnh hằng trong một tai nạn xe hơi.
Hậu quả của những quyết định sai lầm nối tiếp nhau trong khoảng thời gian tôi tự bỏ mặc mình khiến tôi phải sống ở vùng Gulf Coast(1) suốt nhiều năm liền trong tình cảnh không nhà cửa, không xe cộ, không tiền bạc. Trong thời gian này, tôi làm vài việc vặt như làm cá, bán mồi câu cá cho khách du lịch. Muốn tắm thì tôi sẽ tắm trên biển hay trong hồ bơi ở các khách sạn.
(1) Gulf Coast: Vùng duyên hải ven vịnh Mexico.
Nếu trời lạnh thì luôn có gara của nhiều biệt thự nghỉ dưỡng bỏ trống rải rác khắp bờ biển. Tôi sớm nhận ra rằng những người giàu có thường để cả tủ lạnh trong gara. Nó không chỉ là nơi tuyệt vời để bảo quản đồ ăn thức uống cũ mà còn là lò sưởi khi tôi nằm gần luồng không khí nóng phát ra từ cánh quạt phía dưới.
Nhưng vào mỗi tối, tôi vẫn thích ở “căn nhà” ngay dưới gầm cầu Gulf State Park hơn. Tôi có một cái hốc rộng nằm giữa khoảng bê tông nối liền với cát. Trông hơi kỳ cục nhưng nó ấm cúng, khuất tầm nhìn và khô thoáng nhất trong vùng bờ biển này. Tôi thường để đồ đạc của mình trong đó, chủ yếu là dụng cụ đánh cá, áo sơ mi, quần soóc... và chưa bao giờ bị mất thứ gì. Thật tình tôi không nghĩ là có ai đó biết mình ngủ ở đây, thế nên tôi thật kinh ngạc khi nhìn thấy Jones.
- Đến đây nào, con trai. - Ông vừa gọi vừa dang rộng vòng tay. - Hãy đi về phía ánh sáng.
Tôi lê bước về phía trước, nắm lấy bàn tay phải của ông rồi nhẹ nhàng hòa vào ánh sáng rực rỡ phát ra từ những ngọn đèn trên cầu.
Jones không cao to, cũng không quá nhỏ bé. Mái tóc trắng chải ngược ra sau. Ông luôn cẩn thận vuốt thẳng nếp mái tóc khá dài ấy bằng mấy đầu ngón tay. Đôi mắt ông như ngời sáng dù dưới ánh đèn mờ ảo. Đôi mắt trong xanh, lấp lánh trên khuôn mặt hằn những nếp nhăn. Dù chỉ mặc quần jeans, áo sơ mi và mang đôi dép tông bằng da nhưng trông ông thật trang nghiêm. Đến tận hôm nay tôi vẫn phải thừa nhận rằng khó có ngôn từ nào có thể diễn tả về người đàn ông lớn tuổi, cao khoảng một mét bảy mươi bảy xuất hiện dưới gầm cầu đêm ấy.
Khi kể về Jones, tôi không ngại nói với bạn rằng tôi chưa bao giờ biết ông là người da trắng hay da màu. Có làm cho bạn khó tưởng tượng không nhỉ, nhưng đúng là tôi chưa từng để ý xem làn da ngăm của ông là do di truyền hay do sương gió cuộc đời. Dù sao đi nữa, ông cũng là người có màu da nâu đậm. Đại loại vậy.
- Cháu đang khóc vì điều gì hay vì một ai đó rất đặc biệt phải không? - Ông hỏi.
Đúng thế! - Tôi nghĩ. Và tôi chính là cái “người đặc biệt” ấy đấy. Rồi tôi hét to: - Ông định cướp đồ của tôi hả? - Rõ là một câu hỏi ngớ ngẩn. Nhưng lúc đó tôi luôn nghi ngờ tất cả.
Ông nhướn mày. Ánh mắt lướt qua tôi chạm vào bóng tối nơi tôi vừa bước ra rồi khẽ cười:
- Cướp của cháu à? Để xem… cháu có đồ đạc hay một chiếc ti vi mà ta không thấy sao?
Tôi không trả lời. Đầu gục xuống. Cái cách đùa cợt đó khiến tôi đau buồn hơn. Nhưng hình như ông chẳng quan tâm.
Ông vỗ vai tôi đùa:
- Nhìn lại đi chàng trai, trước hết cháu cao hơn ta ít nhất bốn tấc, vì vậy ta không dám cướp của cháu đâu. Thứ hai… rước cái đống hỗn độn đó vào người làm gì cho phiền phức nhỉ!
Tôi ngây người nhìn ông. Ông nói tiếp:
- Cháu luôn được an toàn. Cả ta và người khác, chẳng ai trên đời này muốn cướp của cháu. Cháu không có gì để mà lấy.
Ông ngừng lại một chút, nhận ra tôi không hề cười. Ngược lại là đằng khác, tôi đang nổi khùng lên. Ông thay đổi chiến thuật:
- Nè Andy, nếu ta hứa không cướp gì của cháu thì cháu cho ta một lon Coca đang giấu ở kia chứ? - Ông chỉ về phía sau. Tôi tròn mắt nhìn ông. - Được không nào?
- Sao ông biết tên tôi? - Tôi hỏi.
- Nhân tiện, cứ gọi ta là Jones.
- Được thôi. Nhưng sao ông biết tên tôi? Và sao ông lại biết tôi giấu Coca ở đó?
- Không có gì khó cả. - Ông nhún vai. - Ta để mắt đến cháu lâu rồi, ta ở quanh đây thôi. Cháu lấy cắp mấy lon Coca đó khi vào gara của một nhà giàu có nổi tiếng trong vùng tối qua. Vậy… cho ta một lon được chứ?
Tôi nhìn ông trong giây lát, suy ngẫm về câu trả lời ấy rồi chậm rãi gật đầu, đi lấy Coca cho ông. Trở lại với hai lon nước trên tay, tôi đưa cho ông một lon.
- Cháu không lắc lên à? - Ông cười to. Đoạn quay sang nhìn tôi lần nữa nhưng thấy tôi tuyệt nhiên không cười dù chỉ là một cái nhếch môi, ông thở dài. - Cái thằng nhóc này. Thật là cứng đầu quá. - Bật nắp lon Coca, Jones bước vài bước trên cát, đoạn ông ngồi xuống và bắt chéo chân. - Thôi được, chúng ta bắt đầu nào. - Ông vừa nói vừa đưa lon Coca lên hớp một ngụm.
-Bắt đầu… cái gì? - Tôi hỏi một cách vô cảm.
Jones đặt lon nước xuống rồi nói:
- Chúng ta cần bắt đầu nhận thức một vài ý niệm. Cần soi xét lại tâm hồn. Chúng ta cần một chút dự cảm cho tương lai.
Tôi đốp chát:
- Tôi không biết ông đang nói cái gì và cũng không hề biết ông là ai.
Ông mỉm cười:
- À, để xem nào… biết nói thế nào đây… - Rồi ông nghiêng nhanh người về phía tôi. - Về chuyện ta là ai thì, cứ gọi ta là Jo...
- Tôi biết rồi. - Tôi ngắt lời. - Ý tôi là…
- Ta hiểu. Cháu muốn hỏi ta từ đâu đến cùng mấy thông tin vớ vẩn đại loại thế chứ gì?
Tôi gật đầu.
- Thì ta vừa bước ra từ con đường ven biển này đấy thôi.
Tôi thở hắt ra và trợn mắt lên. Ông vẫn cười, giơ cả hai tay huơ huơ thật hài hước. - Thôi, thôi. Đừng giận lão Jones này nhé. - Ông hạ giọng nói thêm. - Được không?
Đợi tôi gật đầu xong, ông ngồi xuống và nói tiếp.
- Ta là một người-thấu-hiểu. Đó là một đặc ân. Có người hát rất hay, có người chạy nhanh phi thường, còn ta thì lại có khả năng cảm nhận được những điều mà người khác không nhận ra. Cháu biết đấy, người ta thường có xu hướng nhìn sự việc một cách đơn giản mà.
Ông ngả người ra sau, gối đầu lên tay.
- Ta quan tâm đến hoàn cảnh và những con người có thể tạo nên niềm hy vọng mới. Điều nhiều người vẫn còn thiếu đó chính là niềm tin và tầm nhìn sâu rộng hơn.
Chúng tôi ngồi bên nhau, lặng ngắm dòng nước ấm áp tuôn chảy từ vịnh Mexico. Một cảm giác bình yên kỳ lạ tràn ngập trong tôi. Jones nằm nghiêng, khuỷu tay tì lên nền cát ẩm ướt, đầu tựa vào bàn tay, thảnh thơi. Một lát sau, ông quay sang nhìn tôi và hỏi:
- Ba mẹ cháu đã đi xa rồi phải không?
Tôi hỏi lại:
- Sao ông biết?
Ông khẽ nhún vai như thể nói rằng “ai cũng biết cả”, nhưng rõ ràng không phải ai cũng biết điều đó mà.
Dù thật hoang mang khi người đàn ông lạ mặt này biết quá nhiều về mình, tôi vẫn cảm thấy có một lực hút kỳ lạ nào đó và trả lời ông:
- Đúng vậy. Ba mẹ cháu đã chết.
Ông mím môi:
- Đấy… Đó cũng là một vấn đề của cách cảm nhận sự việc.
Trước vẻ mặt đầy thắc mắc của tôi, ông nói tiếp:
- Có sự khác biệt lớn giữa “chết” và “đi xa”.
Tôi khịt mũi:
- Với cháu thì không.
- Cháu thì không được xem là người đi xa đâu!
Tôi trả lời cay đắng:
- Ông nói đúng, cháu là kẻ bị bỏ lại. - Nước mắt chỉ chực trào ra, tôi buột miệng nghẹn ngào. - Và cái cách cảm nhận của ông trong chuyện này là sao?
Jones thận trọng hỏi lại tôi:
- Vậy, tại sao cháu lại ở đây? Trong tình cảnh này… ý ta là ở nơi này?
- Bởi vì cháu đã chọn như vậy! - Tôi gào lên. - Vì những quyết định ngu ngốc của chính cháu. Vì cách suy nghĩ của cháu. - Tôi nhìn ông chằm chằm rồi nói tiếp. - Đúng không? Cháu hiểu hết. Vì vậy ông không cần nói nữa. Đều là lỗi lầm của cháu, được chưa? Có phải ông muốn cháu nói vậy không?
- Không. - Giọng ông ôn tồn. - Ta chỉ tò mò xem cháu có chút khả năng nhận thức sâu sắc nào không.
- À không, chắc cháu không có. Cháu lớn lên cùng những lời giáo huấn rằng Chúa an bài số phận con người theo ý muốn của Ngài. Và chẳng phải Ngài đã đặt cháu dưới gầm cầu này sao? - Tôi mỉa mai rồi nói thêm. - Còn nữa, nói về sự khác biệt giữa “chết” và “đi xa”, đời cháu đã có đủ thời gian ở trong nhà thờ để nghe những chuyện đó rồi. Cháu không nghĩ là mình còn muốn mua thêm những lời răn dạy đó nữa đâu.
Jones nhẹ nhàng đáp:
- Thôi được rồi. Ta lắng nghe cháu. Ta cũng hiểu tại sao cháu lại cảm thấy như vậy. Nhưng nghe này…Ta đâu có bán cái gì. Ta đến đây chỉ vì…
- Vì tầm nhận thức sự việc sâu sắc hơn. Cháu biết.
Jones im lặng một lúc, và tôi bắt đầu tự hỏi thái độ thô lỗ của tôi đã đủ khiến ông câm nín luôn chưa. Chưa đâu. Đó chỉ là bước đầu trong kế hoạch buộc ông phải rời khỏi tôi và ra đi. Nhưng ông không làm như tôi muốn.
Jones vuốt những sợi tóc bạc đang rủ xuống mắt rồi bảo:
- Này cháu, cháu nghĩ sao nếu ta nói rằng chính sự lựa chọn cùng với những quyết định sai lầm đã góp phần dẫn đến tình cảnh hiện tại của cháu? Và có chắc là Chúa sẽ vẫn để cháu sống như vậy trong một tương lai mà cháu chưa thể tưởng tượng ra không?
Tôi trả lời:
- Cháu không biết. Cháu không còn đủ niềm tin nữa.
Jones cố thuyết phục:
- Hãy tin ta. Một ngày kia cháu sẽ thấy.
Rồi đột nhiên ông mỉm cười:
- Có một vấn đề, hình như người ta đã hiểu sai về lời giáo huấn mà cháu nói lúc nãy. Tại sao họ luôn nghĩ rằng khi nói “Chúa an bài số phận mỗi người theo ý muốn của Ngài” thì có nghĩa là Chúa mang họ lên đỉnh núi cao, đưa họ vào những ngôi biệt thự hay xếp họ đứng đầu tất cả?
Hãy thử nghĩ xem… trên đỉnh núi chót vót luôn trơ trọi và lạnh lẽo. Hầu như không có sự sống ở đó. Dĩ nhiên, ở trên cao ta có được tầm nhìn rộng lớn, nhưng nhìn quá xa để làm gì? Tầm nhìn xa chỉ khiến ta phát hiện ra một mục tiêu mới - một khát khao mới. Và để chinh phục ước vọng này, chúng ta lại phải băng đèo vượt suối rồi bắt đầu trèo lên những sườn dốc cheo leo. Trong khi đó, chính ở thung lũng xanh tươi và màu mỡ mới là nơi con người học được cách vươn lên và thành công trong cuộc sống.
Vì vậy, quan điểm của ta là dù một người được sắp đặt thuộc về nơi nào thì cũng tốt thôi. - Ông vốc cát đầy hai bàn tay, để chúng chảy dần giữa các kẽ ngón rồi tiếp tục giảng giải. - Giống như vùng cát này đối với cháu thật cằn khô, nhưng mọi việc đã như vậy rồi con trai à. Khi ta nói với cháu điều này, có lẽ lúc ngả lưng tối nay cháu sẽ cảm thấy như đang ngủ trên một mảnh đất phì nhiêu. SUY NGHĨ. HỌC HỎI. CẦU NGUYỆN. DỰ TÍNH. ƯỚC MƠ. Cháu sẽ đạt được nhanh thôi.
Trước khi đi, Jones cẩn thận mở chiếc cặp che khuất ánh nhìn tò mò của tôi và lấy ra ba quyển sách nhỏ bìa màu cam. Ông hỏi:
- Cháu đọc chứ?
Thấy tôi gật đầu, ông nói tiếp.
- Ta không hỏi “cháu đọc được chứ”, ta chỉ muốn hỏi “cháu có đọc không” thôi.
Tôi khẳng định:
- Vâng. Cháu đọc, dù là tạp chí hay bất cứ cái quái quỷ gì.
- Tốt quá, hãy đọc hết đi.
Tôi chăm chú nhìn mấy cuốn sách trong ánh sáng mờ ảo, nào là Winston Churchill, Will Rogers, George Washington Carver. Tôi liếc nhìn ông:
- Toàn là sách lịch sử à?
- Không đâu, truyện phiêu lưu đấy! Thành công, thất bại, tình yêu, âm mưu, toan tính, chiến tích vẻ vang, và điều tuyệt nhất là mỗi câu chữ đều là sự thật! Cháu hãy luôn nhớ rằng kinh nghiệm nói chung chưa hẳn dạy ta được nhiều, kinh nghiệm mà người khác đã thực sự trải qua mới thật là người thầy tuyệt vời. Đọc về cuộc đời của những vĩ nhân, cháu sẽ khám phá được bí mật khiến họ trở nên vĩ đại.
****
Tôi đã đọc quyển Winston Churchill cho đến tận sáng. Tôi cảm thấy được an ủi khi biết rằng có một mảnh đời còn cơ cực lẻ loi hơn tôi. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc là cuối cùng Churchill vẫn rất thành công.
Khi tôi bắt đầu cầm sách lên đọc, Jones đã chào tạm biệt tôi ra về. Tôi không để ý lắm đến điều đó, nhưng sáng hôm sau thì tôi ước gì mình đã cư xử với ông tế nhị hơn. Tôi cảm thấy bối rối, và một chút xấu hổ nữa, nhưng không phải cảm giác tuyệt vọng như đêm hôm trước. Khi màn đêm buông xuống, tôi đã đọc xongGeorge Washington Carver và mệt mỏi ngủ thiếp đi đến tận sáng hôm sau.
Ngày hôm đó tôi vừa cọ rửa những chiếc du thuyền trên bến vừa không ngừng suy nghĩ về những gì mình đã đọc. Tôi cũng để mắt tìm Jones nhưng không thấy bóng dáng ông đâu. Gene - người quản lý bến, bảo rằng ông biết rất rõ về Jones. Jones sống gần khu này nhiều năm qua. Gene nói:
- Hồi chú còn nhỏ, Jones cũng khá già rồi. Và giờ thì chú năm mươi hai tuổi rồi đấy.
Chỉ một ngày thôi tôi đọc xong quyển Will Rogers, nhưng phải mấy hôm sau tôi mới gặp lại Jones. Tôi đang thả lưới cố kiếm một ít tôm cá làm mồi để bán thì ông lặng lẽ đến phía sau tôi rồi hỏi:
- Làm gì đấy?
Tôi nói to:
- Ồ, Jones, cháu không biết ông đến. Mấy hôm nay ông ở đâu thế? Cháu đọc hết sách rồi.
Jones cười sảng khoái trước thái độ nhiệt tình của tôi. (Chính tôi cũng khá ngạc nhiên với sự hồ hởi của mình). Ông vui vẻ:
- Từ từ, từ từ, để ta xem. Cháu không biết ta đến vì cháu vẩy nước tung tóe đến nỗi dù ta có cưỡi cả một con voi thì cháu cũng chẳng nghe thấy. Còn mấy hôm nay ta ở đâu hả? Ta ở quanh đây thôi mà, thỉnh thoảng ta còn thấy cháu nữa kìa, chỉ là ta không muốn làm phiền cháu thôi. Ta thấy vui vì cháu đã đọc hết sách. Cháu có thích không?
Tôi hồi hộp:
- Có chứ, cháu rất thích!
- Hay quá. Ta biết cháu đọc hết rồi. Hy vọng là cháu không bực… Ta có ghé qua gầm cầu để lấy mấy quyển cũ và đưa thêm ba quyển khác.
- Thật à? - Tôi ngạc nhiên. - Cảm ơn ông nhé.
- Không có gì. Ta mượn ở thư viện, cốt đem đến cho cháu xem mà.
Rồi Jones chìa ra một túi nhựa:
- Đói chưa? Ta có bữa trưa nè.
- Lúc nào cháu cũng thấy đói. Cháu thuộc dạng “mỗi ngày là một bữa ăn”, hay nói theo cách của mẹ cháu là“ăn bất cứ khi nào có thể”.
Ông bảo:
- Nào, lên đây đi. Bữa tiệc thịnh soạn đấy.
“Bữa tiệc” gồm xúc xích và cá mòi của Áo. Nhưng lúc đó tôi đói đến nỗi ăn mà không hề biết nó là gì. Jones hiểu điều đó. Sau này ngẫm lại, tôi không biết đó có phải là lý do khiến ông chọn hai món ấy để mang đến cho tôi hay không.
Chúng tôi ngồi ăn dưới gốc sồi trên một đụn cát cao, biển mênh mông trước mắt và bãi bồi xanh biếc sau lưng. Tôi mang đôi giày thể thao cũ, quần soóc, lưng trần. Jones vẫn mặc giản dị như thường ngày, đầu quấn chiếc khăn xanh nước biển. Màu xanh của khăn khiến ánh mắt ông thêm ngời sáng. Chúng tôi ngồi đó, nghe được tiếng sóng rì rầm, cảm nhận được làn gió nhè nhẹ đủ làm dịu đi cái nóng mùa hè. Jones quay về phía tôi cười hỏi:
- Cháu đang ăn gì đó?
Tôi nhìn lên bối rối. Quẹt tay chùi miệng, tôi nuốt vội vàng rồi ngạc nhiên hỏi:
- Gì ạ? Ông biết cháu đang ăn món gì mà. Thì cũng giống ông thôi.
- Thật vậy sao? - Ông già nhìn tôi một cách ranh mãnh rồi trêu chọc. - Ta thấy nghi ngờ điều này. Để xem nào…
Ông chồm tới, liếc nhìn các món ăn rồi quay lại hỏi:
- Cháu đang ăn gì? Ăn ở đâu?
Dường như nhận ra sự luống cuống của tôi, ông nhẹ nhàng:
- Không phải là trò bịp gì đâu, cháu chỉ cần trả lời câu hỏi thôi.
Tôi nhướn mày, giơ tay lên lắc lắc ra ý “Cháu vẫn không hiểu ý ông” rồi đáp:
- Cháu đoán là cháu…
- Không, đừng đoán, chỉ cần trả lời thôi.
- Được, cháu đang ăn cá mòi và xúc xích Áo.
- Ở đâu?
- Trên cát.
Jones mỉm cười:
- Đúng như ta nghĩ.
Nói rồi ông gật gù lặp lại lần nữa:
- Ta đã nghĩ thế. Những quyển sách đó sẽ giúp cháu, và ta tin rằng ta cũng có thể giúp cháu nữa.
Tôi lắc đầu hỏi lại:
- Jones, ông đang nói gì vậy?
- Về quan điểm cuộc sống của cháu, con trai à. Giờ đây vẫn còn khá rối rắm nhưng ta tin rằng chúng ta sẽ làm cho sáng tỏ hơn để tạo được sự kết nối từ lý trí đến trái tim và tương lai của cháu.
Tôi thất vọng nhưng càng tò mò hơn:
- Quả thật cháu vẫn chưa hiểu.
Ông khoác vai tôi:
- Ta biết cháu không hiểu và cũng không mong đợi cháu hiểu. - Rồi ông tiến sát đến bên tôi. - Vì cháu thiếu khả năng nhận thức sự việc xa hơn.
Ông cười to trước vẻ mặt ngơ ngác của tôi, nói tiếp:
- Chàng trai trẻ, cháu chỉ nhìn thấy dưới chân mình là cát, thức ăn của mình là xúc xích và cá mòi Áo rồi mơ ước những thứ tốt hơn. Điều đó không có gì đáng trách, suy nghĩ của cháu rất bình thường. Phần lớn chúng ta đều như thế, oán trách bản thân vì vị trí mình tồn tại, vì thức ăn mình ăn, vì chiếc xe mình sử dụng. Hầu như chúng ta không bao giờ dừng lại để nghĩ đến hàng triệu người trên thế giới này không có được phúc phần hay cơ hội như vậy. Họ không có đồ để ăn, và chưa bao giờ dám hy vọng sở hữu một chiếc xe hơi.
Hoàn cảnh khiến cháu phải đối mặt với nhiều thử thách thì cũng chứa đựng rất nhiều cơ hội. - Jones dừng lại, suy ngẫm, nheo mắt rồi tiếp tục. - Đây này, cái này là dành cho cháu, nó là quy luật của vũ trụ. Có rất nhiều, nhưng câu này đặc biệt thích hợp với cháu trong hoàn cảnh hiện tại. Hãy nhớ “Khi chúng ta quá chú tâm đến điều gì đó, nỗi khao khát có được nó sẽ càng tăng lên mãnh liệt”.
Tôi chau mày cố hiểu những gì ông nói. Cũng may, ông đã không để tôi phải đoán.
- Khi cháu dồn tâm trí nghĩ đến cái mình cần, cháu sẽ thấy nhu cầu đó tăng lên. Nếu cháu tập trung suy nghĩ cái cháu không có, cháu sẽ nhanh chóng phát hiện mình còn thiếu thốn nhiều thứ khác, và thế là mọi việc càng trở nên tồi tệ. Nếu cháu cho là đầu óc mình lú lẫn, cháu càng có vẻ lú lẫn hơn... Nhưng khả năng cảm nhận sự việc một cách thanh thản sẽ mang lại cho cuộc đời mỗi người niềm hạnh phúc và sự giàu có.
Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, Jones đặt chai nước sang bên, đứng đối diện với tôi và nói:
- Nghĩ xem nhé, khi chúng ta vui vẻ, hào hứng thì ai cũng thích ở bên cạnh chúng ta. Đúng không?
- Chắc vậy!
Jones không hài lòng:
- Không phải “chắc là”. Khi ta vui vẻ, những người xung quanh thích gần gũi với ta. Đúng hay sai?
- Đúng.
- Và chúng ta cũng biết cơ hội, sự hỗ trợ mà một người có được là do người khác mang đến, vậy một người mà ai cũng thích giao tiếp thì sao nhỉ?
Tôi bắt đầu hiểu và đánh bạo trả lời:
- Thế có nghĩa là họ sẽ có thêm nhiều cơ hội và sự động viên hỗ trợ, đúng không?
- Chính xác. Vậy một cuộc sống có nhiều cơ hội và sự hỗ trợ thì sao?
Tôi há miệng định nói thì ông đã tiếp tục:
- Một người có nhiều cơ hội và sự khích lệ sẽ càng dễ dàng tìm được những điều đó hơn nữa, và thành công của họ sẽ là điều tất yếu.
Nhận thấy niềm hy vọng và nhận thức mới mẻ trong tôi, Jones đưa tay ra dấu:
- Nhưng ta cũng cảnh báo với cháu, chiều ngược lại của quy luật này cũng rất chính xác đấy. Với người lúc nào cũng bi quan, than phiền, hay tranh cãi thì ai cũng muốn tránh xa. Cũng vì thế mà cơ hội và sự động viên của người khác dành cho anh ta sẽ ít đi. Cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu mất nhiều cơ hội và sự ủng hộ...
- Mọi thứ càng lúc càng tệ… - Tôi trả lời.
Jones dừng lại chốc lát để cho chân lý ấy thấm sâu vào tâm trí tôi. Sau đó ông đề ra cho tôi một kế hoạch:
- Vậy làm thế nào để được người khác yêu mến? Đây là cách của ta. Hãy tự vấn mình mỗi ngày bằng câu hỏi“Điều gì ở tôi khiến người khác muốn tôi thay đổi, nếu họ có thể?”.
Suy nghĩ một lúc, tôi hỏi lại:
- Jones, nếu cháu trả lời rằng cháu không muốn thay đổi thì sao?
Ông bạn già cười khục khặc, nói:
- Vấn đề không phải là cháu thay đổi hay không mà là người khác muốn cháu thay đổi như thế nào nếu họ có thể làm điều đó.
Nhìn vẻ thắc mắc của tôi, ông giải thích thêm:
- Này con trai, ta không bảo cháu phải sống theo những ý muốn luôn đổi thay của người khác. Đơn giản, ta chỉ muốn cho cháu thấy rằng để trở thành một người có sức ảnh hưởng - nếu cháu muốn người ta tin vào điều cháu tin, mua cái gì cháu bán, thì ít nhất họ phải cảm thấy dễ chịu khi ở bên cháu. Một cuộc sống thành công có liên quan rất nhiều đến tầm nhận thức sự việc. Và cảm nhận của người khác về mình đôi khi cũng quan trọng không kém cảm nhận của chính bản thân mình.
Chúng tôi ngồi lặng im bên nhau, ngắm nhìn lũ mòng biển đang bay lượn lên cao, nghe tiếng sóng vỗ vào bờ cát. Một lúc sau, Jones đứng lên và bắt đầu nhặt mấy vỏ chai rỗng cho vào túi nhựa.
- Thôi, đứng dậy nào! - Ông đưa tay kéo tôi đứng lên, cười vui vẻ và nói: - Cháu ăn cả xúc xích và cá mòi trên cát. Còn ta thì thưởng thức sóng gió và đất cát trong khung cảnh biển khơi.
Ông vỗ vai tôi:
- Tất cả là do cách cảm nhận thôi.
****
Tôi lê bước trở về gầm cầu khi đã khá muộn. Trên hộp đựng đồ nghề là ba quyển sách bìa màu cam được đặt ngay ngắn. Cũng là sách về tiểu sử danh nhân. Thánh Joan, Abraham Lincoln, Viktor Frankl. Tôi lấy quyển Frankl ra đọc trước. Tôi không biết ông ấy. Tựa quyển sách là “Man’s Search for Meaning” (Đi tìm ý nghĩa cuộc sống). Đọc rồi, tôi mới biết Frankl là một chuyên gia tâm thần học người Áo, đã sống sót trở về từ họa thảm sát của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Cả cha mẹ và vợ ông đều bị giết chết.
Tất cả là do cách cảm nhận… Câu nói của Jones cứ lởn vởn trong tâm trí tôi.
Đột nhiên tôi bắt gặp một mảnh giấy kẹp trong quyển sách. Cầm lên, tôi nhận ra đó là một chiếc khăn ăn, trên đó viết:
Này chàng trai trẻ.
Hãy đọc cái này trước tiên. Ta rất tự hào về cháu.
Jones
Nước mắt tôi chợt trào ra. Tôi cẩn thận đặt lại bức thư vào quyển sách. Đã lâu lắm rồi không ai tự hào về tôi cả.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ba quyển sách tiếp theo tôi được đọc là Harry Truman, Florence Nightingale và Vua David. Sau đó tôi được đưa cho các quyển: Harriet Tubman, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất và John Adam. Quyển thứ mười ba, mười bốn và mười lăm là Eleanor Roosevelt, Mark Twain và Joshua Chamberlain. Jones gấp một mảnh giấy để trong quyển Chamberlain bảo tôi tự đi đến thư viện trả ba quyển sách cuối cùng này. Khi đến thư viện, tôi tự tìm thấy những quyển sách khác nhưGeorge Washington, Anne Frank và Christopher Columbus.
Không lâu sau tôi nhận ra là Jones đã rời khỏi nơi này. Tôi tìm kiếm ông nhiều tuần liền, xem xét những dấu hiệu cho thấy ông đang “ở đâu đó quanh đây”. Jones đã dặn Nancy, chủ của Sea N Suds - một nhà hàng lớn trên bãi biển, nướng cho tôi bất kỳ con cá nào tôi mang đến. Tôi được giảm giá đặc biệt khi ăn ở đây: chỉ với một đô-la cho cả bữa ăn gồm món ăn nhẹ, trà đá và bánh quy.
Hơn nữa, nhiều chủ tàu bắt đầu đưa tàu cho tôi cọ rửa, và đôi khi họ còn mang giúp cá của khách hàng đến cho tôi làm.
Mỗi lần như vậy họ đều nhắc đến Jones.
Một hôm, Brent Burns - nhạc sĩ biểu diễn ở khách sạn Holiday, nói cho tôi biết có một ông lão đã giới thiệu với anh rằng tôi là một người vui tính và đề nghị tôi diễn hài kịch vào thời gian nghỉ giữa các bản nhạc. Tôi nhận lời, nhưng tôi nghĩ mình đã làm không tốt lắm. Brent trêu chọc tôi và động viên tôi bằng lời nói, đôi khi bằng một bữa ăn.
****
Nhiều năm lặng lẽ trôi qua, tôi không còn trú ngụ nơi gầm cầu nhưng vẫn tiếp tục đọc rất nhiều sách viết về tiểu sử những người nổi tiếng khác. Trước sức ảnh hưởng của các nhân vật trong sách như Thống tướng George Patton, Marie Curie, Joshua, Caleb, Harriet Stowe, Alexander Đại đế, T. Washington, Daniel Boone,… tôi bắt đầu thay đổi cuộc sống của mình theo một hướng mới.
Đôi lúc tôi cảm thấy thật phấn chấn khi trải lòng cùng cuộc đời của những con người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, giàu có và thành công. Tôi ngẫu nhiên tìm ra bảy đặc điểm chung của những con người vĩ đại ấy. Đó chính là bảy nguyên tắc họ áp dụng trong cuộc sống của mình. Cuộc sống của tôi sẽ ra sao khi tuân thủ theo bảy nguyên tắc này nhỉ? Tôi nhận thấy những nguyên tắc này luôn hiện hữu, cho dù ta có biết chúng hay không. Ví như nguyên lý trọng lực đã tồn tại từ rất rất lâu trước khi quả táo rơi trúng vào đầu Newton. Nhưng chỉ cho đến khi thấy quả táo rơi, Newton mới phát hiện ra định luật gắn liền với hiện tượng này. Và cũng từ đó con người bắt đầu áp dụng định luật này vào việc chế tạo máy bay, xây dựng cầu treo và nhiều công trình khác nữa.
Tiếp tục suy nghĩ theo hướng đó, tôi đúc kết được rằng nguyên tắc để thành công trong việc nuôi dạy con cái, tài chính, lãnh đạo và giao tiếp... cũng không khác gì định luật của Newton. Vì chúng đã tồn tại nên chúng sẽ vẫn tồn tại cho dù tôi có biết đến hay không. Rồi tôi chợt nghĩ: Sao tôi không áp dụng những nguyên tắc này cho bản thân trong cuộc sống hàng ngày để làm chủ tương lai mà Chúa đã dành cho tôi?
Và tôi đã làm như thế.
Giờ đây tôi đã có một gia đình hạnh phúc, và thành công tôi đạt được là nhờ vào quyền năng của bảy nguyên tắc đơn giản đó. Cách đây vài năm tôi đã chia sẻ những nguyên tắc này với độc giả qua quyển sách“The Traveler’s Gift” - quyển sách được báo The New York Times bình chọn là sách bán chạy nhất và đã được dịch ra hơn hai mươi thứ tiếng. Đó cũng là quyển sách được nhiều tổ chức, chính phủ và cá nhân trên toàn thế giới nhiệt tình đón nhận.
****
Nếu bạn từng nghe tôi diễn thuyết hay từng đọc những cuốn sách do tôi viết ra và thắc mắc rằng tại sao tôi lại đọc hơn hai trăm quyển sách về tiểu sử các nhân vật rồi rút ra bảy nguyên tắc sống này, thì giờ bạn đã có được câu trả lời. Vì có một ông lão tên Jones đã đem đến sự quan tâm, lòng trắc ẩn cho một đứa trẻ bơ vơ mất hết niềm tin vào cuộc sống như tôi.
Suốt hai mươi lăm năm sau đó, hầu như ngày nào tôi cũng nghĩ đến Jones. Vào ngày cưới, tôi ước mong ông có mặt để chia vui cùng tôi. Tôi muốn ông ngồi vào hàng ghế đầu tiên giống như cha mình. Và mỗi khi sắp có thêm một đứa con, tôi lại đi ra ngoài một mình trong ánh sáng mờ nhạt của buổi bình minh, hy vọng có thể nhìn thấy Jones đang chờ ở đó, mỉm cười, sẵn sàng khuyên bảo tôi và chia sẻ niềm hạnh phúc được làm cha của tôi. Có biết bao lần tôi ước rằng tôi lại được ở bên cạnh ông dù chỉ một giờ. Nhưng tôi chẳng thể nào gặp ông lần nữa.
Cho đến tuần trước…