**
“Có một thứ mà tôi vẫn hằng tin là tuyệt diệu nhất trong tất cả các kỳ tích khi lập nhóm và cùng trải qua hiểm nguy với nhóm leo núi: đó là nỗ lực hết mình, cho đi mọi thứ mà bạn có. Một cảm giác thật sự dễ chịu.”
– SIR EDMUND HILLARY
E
rnest Shackleton, Frank Wild và hai nhà thám hiểm Nam Cực đi theo họ đang sắp chết đói.
Wild bị ốm và rất yếu, không ăn được món thịt khô và mỡ trộn – loại thức ăn chính trong chuyến thám hiểm. Anh đành ngấu nghiến miếng bánh quy duy nhất còn lại của mình. Khi họ tiếp tục tìm trạm lương thực tiếp theo, Shackleton lấy phần bánh quy của anh bỏ vào túi Wild.
- Gì vậy, sếp? - Wild hỏi.
- Anh cần nó hơn tôi. – Đội trưởng đáp.
Wild xúc động đến nỗi anh nhấn mạnh từng từ khi kể lại chi tiết câu chuyện này trong bài báo: “Shackleton kín đáo ép tôi nhận phần bánh quy bữa sáng của anh, và có thể đã đưa cho tôi một phần nữa vào buổi tối nếu tôi chịu nhân nhượng anh ấy. Tôi cho rằng không ai khác trên thế giới này có thể hiểu hết sự cao thượng và cảm thông qua hành động này, trừ tôi, và ơn Chúa, tôi sẽ không bao giờ quên được. Tiền bao nhiêu cũng không thể mua được chiếc bánh quy đó”.
Có lẽ nhờ phần bánh quy đó mà Wild có thể tiếp tục hành trình khi nhóm may mắn tìm thấy các trạm lương thực trên đường đi. Và anh thề sẽ không bao giờ đến Nam cực lần nữa.
Sự kiên quyết của anh không kéo dài được lâu. Wild viết: “Trên đường về, khi chúng tôi trú cùng lều, Shackleton hỏi tôi có đi với anh đến Nam Cực thêm lần nữa không. Trong nhật ký của tôi có một đoạn như thế này: ‘Chuyến đi này đã xóa khỏi đầu tôi bất kỳ ước muốn khám phá một địa cực nào nữa. Không gì có thể cám dỗ tôi đối mặt với dòng sông băng khủng khiếp và vùng đất rộng lớn kinh hoàng đó một lần nữa’. Tuy nhiên, sự kính trọng của tôi dành cho ‘Sếp’ lớn đến nỗi tôi đã không chút chần chừ mà đáp ngay rằng ‘Có!’. Rồi chúng tôi bàn bạc chi tiết luôn”.
Năm năm sau, Shackleton dẫn đầu chuyến hải hành lịch sử trên con tàu phá băng Endurance, đưa thủy thủ đoàn đến một hòn đảo hoang - chuyến đi làm cho Shackleton trở nên nổi tiếng.
Do sự tin tưởng được xây dựng trong chuyến thám hiểm đầu tiên, Wild là người thứ hai sau Shackleton chỉ huy Endurance. “Wild không bao giờ quên hành động tốt bụng kín đáo của Shackleton, và sự trung thành không thể lay chuyển của anh với Shackleton chính là một trong những thành tựu giá trị nhất của chuyến thám hiểm”, - tác giả Caroline Alexander viết.
Trong cuốn “Nguồn Gốc Các Loài” xuất bản vào năm 1859 của Charles Darwin có viết: “Khi hai bộ tộc người nguyên thủy sống cùng một vùng bước vào cuộc đua tranh, nếu bộ tộc nào có nhiều thành viên dũng cảm, biết cảm thông và đáng tin cậy, sẵn sàng cảnh báo nguy hiểm, hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau, thì sẽ chinh phục được bộ tộc còn lại. Một bộ tộc có đủ những tố chất trên sẽ phát triển và giành thắng lợi trước những bộ tộc khác”.
Theo khảo sát của Gallup, ba câu phát biểu sau thể hiện sức mạnh của mối quan hệ hợp tác:
• Chúng tôi rất hài lòng khi thấy người kia cũng thành công như mình.
• Cộng sự của tôi sẽ mạo hiểm vì tôi, và tôi cũng sẽ làm như vậy vì cô ấy/anh ấy.
• Cộng sự của tôi giống như người anh em/chị em của tôi.
Những người cộng sự tuyệt vời hoàn toàn đồng ý với cả ba câu trên. Điều đó thể hiện tinh thần quảng đại trong mối quan hệ hợp tác của họ, và đó cũng là yếu tố dẫn đến thành công trong mối quan hệ hợp tác ấy.
Khi bạn xem phần thưởng của người cộng sự cũng như của bạn, bạn sẽ không còn bận tâm về tính công bằng. Khi đó, câu hỏi “Tôi được lợi gì trong đó?” sẽ trở thành “Cộng sự của tôi sẽ nhận được gì từ việc này?”; “Tôi được trả công xứng đáng chứ?” trở thành “Tôi có được trả quá nhiều so với người cộng sự của tôi không?”; “Cộng sự của tôi làm đủ chưa?” trở thành “Tôi làm đủ chưa?”.
Nếu một người mong muốn cộng sự nhận được phần ngang bằng với anh ta thì giải pháp tối ưu luôn là sự hợp tác.
Daniel Kahneman kể: “Tôi lớn lên trong một thế giới chỉ có con người và chuyện kể, mà hầu hết những chuyện ấy là kể về con người”. Ông thấy con người phức tạp và thú vị. “Một số người tốt hơn số khác, nhưng những người tốt nhất còn cách mức độ hoàn hảo rất xa, và chẳng có ai xấu hoàn toàn. Nhiều câu chuyện được bàn tán bằng giọng điệu mỉa mai, nhưng cái gì cũng có hai mặt cả”, - ông lý giải.
Kahneman hãy còn là một cậu bé con khi quân đội Đức quốc xã tràn vào nước Pháp. Là người Do Thái, cậu phải đeo ngôi sao sáu cánh trên áo - biểu tượng của Do Thái giáo và trở về nhà trước 6 giờ chiều. Ngày nọ, mải chơi với người bạn Thiên Chúa giáo, cậu trễ giờ giới nghiêm nên lúc băng qua mấy dãy phố trở về nhà, cậu phải lộn ngược áo khoác ra ngoài để giấu đi biểu tượng đó.
“Khi đang đi trên con đường vắng, tôi thấy một người lính Đức đi ngược lại”, - ông kể. - “Ông ta mặc bộ quân phục đen của lính SS - bộ quân phục mà tôi được cảnh báo là đáng sợ nhất. Càng đến gần ông ta, tôi càng cố đi nhanh, và nhận ra ông ta đang nhìn tôi chằm chằm. Thế rồi ông ta vẫy tay chào và nhấc bổng tôi lên. Tôi sợ ông ta sẽ thấy ngôi sao bên trong áo khoác của mình mất. Nhưng ông ta xúc động nói chuyện với tôi bằng tiếng Đức. Khi thả tôi xuống, ông mở ví chỉ cho tôi xem bức ảnh của một cậu bé và cho tôi ít tiền. Tôi về nhà, tin vào câu nói của mẹ hơn bao giờ hết: Con người lúc nào cũng phức tạp và thú vị”.
Sau chiến tranh, Kahneman và gia đình di cư đến Palestine. Chàng trai trẻ vẫn hứng thú tìm hiểu cách tư duy của con người. Ông có cơ hội tìm hiểu sâu hơn khi học ngành tâm lý học thần kinh tại Đại học Hebrew ở Jerusalem và sau đó, khi được gọi vào Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), ông được phân vào mảng tâm lý học, nghiên cứu về sự khó khăn trong việc cố gắng dự đoán hành vi con người.
Trước đó, Kahneman từng nghe câu chuyện về một viên trung úy trong biệt đội nhảy dù. Trong lúc luyện tập dùng đạn thật, anh ra lệnh cho một người lính dưới quyền cài sẵn chất nổ dưới hàng rào dây thép gai nơi đơn vị sắp tấn công. Theo tính toán, vụ nổ sẽ mở ra một chỗ trống để đội quân có thể đột nhập. Người lính đặt thuốc và châm ngòi, rồi kẹt lại đó. Nhận ra anh ta chỉ cách cái chết trong gang tấc, viên trung úy nhảy qua hòn đá chắn, xô mạnh anh ta ra ngoài ngay trước vụ nổ. Viên trung úy đã bị thương khi cứu nguy đồng đội.
Vào năm 1969, Kahneman lập nhóm với một đồng nghiệp trẻ ở Jerusalem để viết chung bài luận về một số thói quen bẩm sinh của con người. Hóa ra đồng sự của Kahneman chính là viên trung úy đã mạo hiểm tính mạng cứu sống đồng đội. Anh ta tên là Amos Tversky.
Kahneman nhận ra người cộng sự mới có nhiều năng lực mà ông còn thiếu. Phong cách của Tversky tự tin và dứt khoát, và nhờ thế, ý tưởng của Kahneman thể hiện trên bài viết mạnh mẽ hơn. Kahneman nhớ lại: “Cậu ấy luôn vận động để tiến về phía trước. Quá trình có thể chậm, nhưng chất lượng của bản thảo sau luôn được cải thiện so với bản trước. Tôi sẽ không làm được như vậy nếu chỉ viết một mình”.
“Trải nghiệm thật kỳ diệu. Khi có mặt cậu ấy, tôi trở nên vui vẻ và kết quả là chúng tôi có thể làm việc nhiều giờ liên tiếp cùng nhau với tâm trạng phấn chấn, thoải mái”, - Kahneman viết. Sau khi hoàn thành, hai người tung đồng xu để quyết định xem ai sẽ được đứng tên trước trong bài viết chung.
Trong quá trình làm việc với Tversky, Kahneman đã tìm thấy người cộng sự hoàn hảo để cùng hợp tác chặt chẽ trong suốt mười năm sau đó. Hai người nhận ra rằng họ tâm đầu ý hợp một cách đáng kinh ngạc.
“Niềm vui lớn nhất và cũng là yếu tố tạo thành công trong mối quan hệ hợp tác của chúng tôi là chúng tôi biết đào sâu ý tưởng còn non nớt của nhau”, - Kahneman viết. - “Chỉ mới trình bày một nửa thì tôi biết Amos đã hiểu được vấn đề, có lẽ còn chi tiết hơn tôi, và thấy được ưu điểm của nó. Như hầu hết mọi người, tôi hơi e dè khi trình bày ý tưởng của mình trước người khác dù biết rằng những ý tưởng đó không hề ngốc nghếch. Tuy nhiên, trong sự hợp tác này, tôi không còn cẩn trọng như thế nữa. Sự tin tưởng lẫn nhau khiến chúng tôi bỏ đi thái độ phòng vệ, e dè. Amos và tôi chia sẻ điều kỳ diệu khi cùng sở hữu con ngỗng đẻ trứng vàng - đó là hai cái đầu thì tốt hơn một”.
Vì Kahneman là con người của ban mai còn Tversky là cú đêm, nên họ gặp nhau vào giờ ăn trưa và dành cả buổi chiều làm việc cùng nhau. Họ nói rất nhiều, không chỉ về đề tài nghiên cứu, mà về mọi thứ. Cả hai học lối suy nghĩ của nhau, đôi khi người này có thể tiếp lời để nói nốt ý của người kia. Không có một sự phân công lao động rõ ràng nào; họ đặt ra câu hỏi và thảo luận cùng nhau. Khi bất đồng quan điểm, họ thảo luận vấn đề cho tới khi giải quyết ổn thỏa.
Công trình nghiên cứu và báo cáo khoa học của Kahneman và Tversky trở thành đề tài quan trọng nhất trong lĩnh vực mà ngày nay gọi là kinh tế học hành vi. Kinh tế học hành vi tập trung vào cách phản ứng của con người trong cuộc sống thực, khác với phỏng đoán hành động của một người duy lý. Kinh tế học cổ điển cho rằng giữa con người ít có sự hợp tác trong khi kinh tế học hành vi thì ngược lại, kết hợp hai người lại với nhau và xem cách họ hợp tác. Một bên dựa vào lý thuyết, bên kia dựa vào thực tế.
Con người không nghĩ như máy tính, Tversky và Kahneman biện luận. Họ quyết định dựa vào kinh nghiệm chứ không phải lý thuyết chuẩn mực. Với sự hiểu biết sâu sắc cách con người thật ra những quyết định thật, Kahneman và Tversky đã trở thành hai ngôi sao trong ngành kinh tế học hành vi mặc dù thực tế, họ là hai nhà tâm lý học.
Vào năm 1978, Kahneman cùng vợ chuyển đến British Columbia, Canada, trong khi Tversky cùng vợ định cư ở Stanford, California. “Khi đó, Amos và tôi đang gắn kết mật thiết với nhau. Trong vài năm, chúng tôi cố gắng duy trì sự hợp tác ấy bằng cách làm việc cùng nhau mỗi hai tuần và thực hiện các cuộc gọi đường dài mỗi ngày, một số cuộc gọi kéo dài hàng giờ đồng hồ”, - Kahneman nhớ lại. - “Nhưng cuối cùng con ngỗng đẻ trứng vàng cũng mệt mỏi và sự hợp tác của chúng tôi chững lại. Chúng tôi đã đấu tranh suốt hàng năm trời để làm sống lại điều kỳ diệu mà chúng tôi đã mất, nhưng vô vọng”.
Đầu năm 1996, Tversky được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đã sang giai đoạn di căn và ông chỉ còn sống được vài tháng. Với thời gian ít ỏi như vậy, ông và người cộng sự lâu năm quyết định nhận dự án cuối cùng là biên tập một cuốn sách về việc ra quyết định, mô tả toàn bộ công việc trong ngành kể từ khi hai người bắt đầu mối quan hệ hợp tác.
Tháng 6, năm 1996, Tversky qua đời. “Lời giới thiệu đầu sách do tôi viết một mình có lẽ là trải nghiệm viết lách đau đớn nhất của tôi”, - người cộng sự còn sống nhớ lại.
Năm 2002, Daniel Kahneman nhận giải thưởng Nobel Kinh tế. Người ta cho rằng Amos Tversky chắc sẽ cùng nhận giải thưởng nếu ông còn sống. Không thể vinh danh cùng với cộng sự, Kahneman tưởng nhớ đến người bạn bằng cách chiếu một bức ảnh lớn của Tversky trên màn hình khi bắt đầu bài phát biểu nhận giải. “Công trình mà tôi được trao giải là do tôi cùng Amos Tversky hợp tác cùng nhau suốt một thời gian dài”, - Kahneman nói trước khán giả. - “Anh ấy đáng lẽ phải có mặt ở đây”.
Trong cuốn tự truyện về giải Nobel của mình, Kahneman dành sự ngưỡng mộ lớn nhất cho Tversky và kể lại cảm giác mất mát khi Amos ra đi. “Thế giới này đã mất đi một nhà trí thức. Mất đi một người hóm hỉnh. Cuộc sống trở nên đơn điệu hơn. Có một khoảng trống lớn mang hình dáng Amos trong bức tranh ghép và nó sẽ không thể nào hoàn thiện được”.
Kahneman kết thúc câu chuyện cuộc đời với lời ca ngợi dành cho nhà nghiên cứu cộng sự của ông: “Tôi chưa bao giờ có những trải nghiệm tương tự với bất kỳ ai khác. Nếu bạn chưa từng trải qua cảm giác đó, bạn sẽ không biết sự hợp tác tuyệt vời là như thế nào”.