**
“Càng nhiều phương tiện giao tiếp, chúng ta càng ít liên lạc với nhau.”
– JOSEPH PRIESTLEY
C
ơ trưởng Kim Sasse và cơ phó Jonathan Palmer đã nhiều lần bay cùng nhau và phối hợp khá tốt. Chuyến bay đêm số hiệu 5966 vào ngày 19 tháng 10 năm 2004 là một chuyến bay ngắn từ thành phố St. Louis đến hạt Adair, bang Missouri. Hầu hết 13 hành khách trên máy bay đều là giáo sư y khoa trên đường đi tham dự hội nghị. Không khí trong buồng lái khá thoải mái.
- Phải vui vẻ lên chứ. - Sasse nói.
- Đúng đấy, ông bạn. Phải vậy thôi. - Cơ phó tán đồng.
- Tay phi công nào cũng quá nghiêm túc khi làm việc. Tôi ghét như vậy. Tôi đã bay với họ và cứ im như thóc. Một tháng trời hành xác… - Sasse nói vào radio.
Khoảng 23 phút trước thời điểm hạ cánh dự kiến, hai viên phi công nghe bản báo cáo thời tiết tự động từ điểm hạ cánh rằng tầm nhìn đang hạn chế do sương mù dày đặc.
- Chúng ta sẽ không đáp được. - Sasse bảo.
- Tiếp tục đi. Cứ thử xem nào. - Palmer nói.
- Được, chúng ta sẽ thử. Tôi chẳng muốn bay vòng vèo ở đây mà chẳng được gì. - Sasse đáp.
Máy bay đang hạ cánh, nhưng theo thông báo, họ bị cấm đáp vào lúc đó.
- Chúng ta sắp lọt vào đống phân. - Sasse lên tiếng khi máy bay rơi vào màn mây trong bóng đêm.
- Nhìn kìa, ôi, thật kỳ quái và ớn lạnh. Tôi ngạt thở khi trông thấy điều đó. - Palmer hục hặc ho.
- Tôi cũng đang chết ngộp đây. - Cơ trưởng đùa lại.
Trong khi bỡn cợt, họ đã lẫn lộn vai trò của nhau và mắc lỗi nghiêm trọng. Máy bay giảm độ cao quá nhanh, thấp hơn độ cao tối thiểu mà lẽ ra Palmer phải báo với cơ trưởng. Palmer đã không can thiệp vào việc hạ độ cao liên tục của Sasse.
- Tôi thấy mặt đất kia rồi. - Cơ trưởng nói.
- Tôi chẳng thấy gì cả. - Cơ phó nói.
Đoạn đối thoại cuối cùng giữa Sasse và Palmer là sự hoảng hốt khi nhận ra rằng họ sắp chạm mặt đất.
- Cây kìa! - Palmer lên tiếng.
- Không. Dừng lại đi! - Sasse thốt lên.
- Ôi Chúa ơi!
- Lạy Chúa!
Máy bay đâm sầm xuống, gãy làm đôi và bốc cháy tại cánh đồng đậu cách sân bay chưa đầy hai dặm. Cả hai phi công và 11 trong số 13 hành khách đều tử nạn.
Trong báo cáo tai nạn, Hội đồng An toàn Giao thông Quốc gia kết luận ngoài những yếu tố khác thì lỗi thuộc về hai phi công. Họ không trao đổi về chuyến bay và phớt lờ cảnh báo quan trọng.
Việc không hiểu ý nhau giữa hai phi công đã trả giá bằng mạng sống của 13 con người.
Trao đổi thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mối quan hệ hợp tác bền chặt. Dĩ nhiên, hai người làm việc cùng nhau phải nỗ lực để tránh việc hiểu lầm. Hai cái đầu không thể tốt hơn một, nếu không có sự trao đổi và chia sẻ thông tin với nhau.
Theo nghiên cứu của Gallup, ba câu phát biểu về giao tiếp sau thể hiện tầm quan trọng của việc thông báo hành động cho nhau trong mối quan hệ cộng tác của hai người cộng sự:
• Chúng tôi ít khi hiểu lầm nhau.
• Chúng tôi là những người biết lắng nghe cộng sự.
• Chúng tôi đánh giá cao điều người kia làm.
Trên thang điểm từ 1 đến 5, những cộng sự xuất sắc chấm họ ở mức điểm 5.0; mức 2.0 cho thấy sự hợp tác yếu kém. Những người hợp tác thành công nhất dành đủ thời gian trao đổi để hiểu suy nghĩ của nhau và theo đó khích lệ lẫn nhau.
Não bộ của chúng ta thu được những tín hiệu nhỏ nhoi nhất như nụ cười, cái nháy mắt, gật đầu, hay bắt tay để đánh giá độ tin cậy của người cộng sự trước khi bắt đầu hợp tác. Những người có mối quan hệ cộng tác tốt đẹp thường nhạy bén nhận ra cảm xúc của người khác để biết được đâu là người họ có thể tin tưởng, song điều đó chỉ xảy ra khi họ có cơ hội giao tiếp với người đó.
Một cuộc thử nghiệm về giao tiếp chia đối tượng tham gia làm bốn nhóm như sau: nhóm đầu tiên không thể giao tiếp với nhau, nhóm thứ hai gửi tin nhắn, nhóm thứ ba nghe đọc tin nhắn qua một giọng nói phát ra từ máy tính và nhóm thứ tư trao đổi với nhau qua điện thoại. Hầu hết những người ở nhóm cuối đều hợp tác tốt đẹp cho đến gần cuối cuộc thử nghiệm.
Từ thực tế, việc liên lạc với cộng sự cho phép cả hai nhận thức được bước tiếp theo của người kia và có thể cùng nhận xét thẳng thắn về nhau.
Trong khi đó, im lặng tạo ra hiệu ứng ngược. Sự im lặng sẽ khiến cộng sự của bạn ngờ rằng bạn không cam kết hợp tác, không tin tưởng họ, hoặc bạn có thể một mình hoàn thành mục tiêu và nhận hết phần thưởng về mình. Thật dễ dàng nghĩ xấu về một người khi họ không giải thích động cơ; dễ dàng cảm nhận được trong sự im lặng đó là mối đe dọa về một bất ngờ không mấy dễ chịu.
Khi cựu tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt tham gia cuộc thám hiểm xuôi theo dòng River of Doubt(*) vào năm 1913, một sáng nọ, nhóm của ông được ba người da đỏ Nhambiquara ghé thăm. “Họ bỏ vũ khí lại trước khi xuất hiện và la hét ầm ĩ dù vẫn còn khuất dạng trong rừng, và chỉ sau khi nghe đáp trả lời chào đón, họ mới tiến đến gần. Những người bạn hoang dã luôn báo trước sự xuất hiện; còn sự im lặng chỉ dành cho kẻ thù”, - Roosevelt viết.
* River of Doubt nằm ở lưu vực sông Amazon. Vào năm 1913- 1914, Theodore Roosevelt và Candido Rondon đã thực hiện cuộc thám hiểm khoa học đầu tiên suốt chiều dài 1.000 dặm trên con sông này, về sau nó được đặt lại tên là Roosevelt River.
Mối quan hệ hợp tác giữa Francis Crick và James D. Watson tại Đại học Cambridge được xây dựng dựa trên sự trao đổi thông tin. Không có gì khác ngoài điều đó và tài năng của họ.
Trong quá trình khám phá ra cấu trúc phân tử ADN, Watson và Crick không có mẫu gien thuần như người bạn của Crick là Maurice Wilkins tại King’s College; không có thiết bị chụp tia X tân tiến của Rosalind Franklin(*) - một nhà khoa học khác cũng tại trường này; cũng không có sự khởi đầu thuận lợi của nhà hóa sinh học người Mỹ Linus Pauling.
* Rosalind Franklin là nhà sinh lý học người Anh, gốc Do Thái.
Tuy nhiên, cả hai có khả năng chuyên môn mà người khác thiếu và cùng ám ảnh về việc giải mã ADN. Điều quan trọng nhất đó là họ thường xuyên thảo luận cùng nhau nên hiểu rõ cộng sự của mình và nhờ đó đồng khám phá ra cấu trúc ADN.
Bà đã đạt được nhiều thành tựu khoa học đáng kể trong đó áp dụng kỹ thuật chụp tia X tân tiến để chụp được những bản kẽm ADN tuyệt đẹp - yếu tố quan trọng giúp Watson và Crick xây dựng cấu trúc ADN vào năm 1953.
Watson là một người phi thường. Ông học Đại học Chicago năm 15 tuổi, nhận bằng động vật học bốn năm sau đó, rồi nhanh chóng nhận bằng tiến sĩ khi bước sang tuổi 22. “Ông cao gầy, có vẻ rụt rè khi giao tiếp và dễ phá lên cười khi đang nói. Ông có thói quen nói thẳng những điều ông nghĩ”, - một người viết tiểu sử nhận xét. Còn Francis Crick là một nhà vật lý học người Anh, nhưng lại hứng thú với ngành sinh học.
Watson và Crick gặp nhau vào tháng 10 năm 1951, khi Watson tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Cavendish của Đại học Cambridge, nơi Crick đang làm việc. Họ kết hợp ăn ý ngay từ phút đầu gặp mặt. Trong vòng nửa giờ, họ đã thảo luận về khả năng tìm ra cấu trúc ADN. Watson viết: “Ngay ngày đầu tiên trong phòng nghiên cứu, tôi biết mình sẽ ở lại Cambridge trong một thời gian dài. Rời khỏi đó hẳn là một hành động ngốc nghếch vì tôi đã ngay lập tức nhận ra rằng thật vui khi trò chuyện cùng Francis Crick”.
Chỉ trong vài ngày, họ đã lên được kế hoạch. Đó là sử dụng các mô hình kim loại, tương tự như trò chơi lắp ráp của trẻ con, để giải quyết vấn đề. Sinh viên ngày nay thỉnh thoảng dựng mô hình xoắn kép ADN trong trường bằng tăm và kẹo cao su, nhưng vào năm 1951, cấu trúc gien vẫn là một cái gì đó vô cùng bí ẩn.
Để giải mã ẩn số này cần phải qua vô số phỏng đoán. Khả năng nảy sinh ý tưởng từ người cộng sự đã chứng minh được sức mạnh căn bản của sự hợp tác giữa Crick và Watson. Hầu như ngày nào cả hai cũng ăn trưa cùng nhau, sau đó trao đổi ý kiến trong lúc tản bộ quanh sân. Họ cùng uống cà phê vào buổi sáng và dùng trà vào buổi chiều.
Việc trao đổi thẳng thắn giữa họ thật hữu ích. Nếu một trong hai nghiêng về giả thuyết nào đó, người còn lại sẽ phản biện để bảo đảm cả hai có được kết luận chính xác. “Một điều tốt đẹp khác về mối quan hệ hợp tác của chúng tôi là chúng tôi không hề e ngại và thẳng thừng trao đổi với nhau, thậm chí tới mức thô lỗ”, - Crick nói. Sự kết hợp đó đã tạo ra một sự cộng hưởng kỳ diệu đạt đến trạng thái mà 1 cộng 1 không phải bằng 2, mà là hơn 10.
Trong lúc đó, cặp đôi khác là Rosalind Franklin và Maurice Wilkins lẽ ra đã đánh bại được Watson và Crick trong việc khám phá ra cấu trúc AND nếu kết hợp cùng nhau ăn ý.
“Tôi chẳng muốn trao đổi với bất kỳ ai về khoa học hay lĩnh vực khác, cho dù với một người trong giới thượng lưu hay một bộ óc xuất chúng đi chăng nữa”, - Franklin viết thư cho một người bạn ở Paris. Có lúc, bà ra lệnh cho Wilkins ngừng việc nghiên cứu ADN. Franklin bảo Wilkins: “Hãy quay về với chiếc kính hiển vi của anh đi”. Lúc khác, khi Wilkins đưa ra nhận xét chuyên môn thì bà công kích: “Sao anh dám giải thích về dữ liệu của tôi với tôi chứ?”. Sự gay gắt giữa họ trở nên trầm trọng đến nỗi trưởng phòng nghiên cứu phải chia dụng cụ và mẫu thử ADN cho cả hai để họ làm việc độc lập.
Cuối cùng, Franklin tuyên bố rời khỏi King’s College. Ngay trước lúc Franklin ra đi, Watson ghé đến thăm Wilkins. Thấy Wilkins đang bận, ông ra sảnh phòng nghiên cứu của Franklin. Cảnh cửa khép hờ, ông bước vào và thấy bà đang xem xét tấm phim X-quang. Khi ông trao đổi những giả thuyết về ADN với Franklin, bà tỏ ra giận dữ và cuộc thảo luận trở thành cuộc tranh cãi. Watson nhanh chóng rút lui.
Sau đó, ông cùng Wilkins đi dùng trà. Họ bắt đầu thảo luận về ADN. Wilkins cho biết những hình chụp của Franklin sẽ chuyển giao cho ông khi bà rời đi, và những hình chụp đó thể hiện mẫu cấu trúc ADN cụ thể. Watson hỏi mẫu đó trông như thế nào. Wilkins bước vào phòng kế bên lấy ra một trong nhưng tấm phim rõ nhất. “Ngay phút giây nhìn thấy tấm phim, tôi há hốc mồm thở dốc”, - Watson viết.
Có thông tin mới, Crick và Watson quay lại với mô hình. Một chiều nọ, trong khi Watson chơi quần vợt thì Crick đã tái xây dựng mô hình với những chi tiết mới để đường xoắn kép có đúng số vòng. Ông đính kèm một mẩu ghi chú cho người cộng sự: “Nó đây rồi – xoay vòng 36 độ”.
Đọc tin Crick để lại, Watson cắt các mảnh bìa cứng thể hiện các phân tử giữa vòng xoắn kép. Khi cố ghép những mảnh ghép lại với nhau, ông đột nhiên thấy một điều gì đó thật đặc biệt. Đó là khi hai trong số bốn loại phân tử kết nối với nhau, chúng có hình dạng giống như khi hai loại phân tử kết nối với nhau. ADN trông hơi giống bậc thang dạng xoắn ốc. Watson vừa khám phá ra các bậc thang trong chuỗi xoắn kép có chiều dài bằng nhau.
Nhờ hợp tác cùng nhau mà Crick và Watson đã tìm ra lời giải đáp cho câu đố hóc búa về cấu trúc của sự sống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ sau.
Có nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh việc Wilkins cho Watson thấy tấm phim của Franklin.
Một số cho rằng thành tựu của bà bị nẫng tay trên. Số khác khẳng định rằng bà phát triển dựa trên nghiên cứu của Wilkins và trao nó lại cho ông. Một số cho đó là sự vi phạm trắng trợn. Số khác nữa phản biện rằng tấm phim đã được tiết lộ trong các cuộc họp công khai. Tuy nhiên, có một chi tiết rất hiếm được bàn tán là bằng thái độ giận dữ, Franklin đã từ chối hợp tác, thảo luận với Watson, và vì vậy bà đã đánh mất sự tôn trọng và quyền lợi mà các nhà bình luận cho rằng lẽ ra bà đã được nhận.
Năm 1953, Watson và Crick gửi công trình nghiên cứu đột phá của họ cho tờ Nature của Anh. Để quyết định tên ai sẽ xuất hiện trước, họ tung đồng xu. Hai người mời Wilkins cùng đề tên trên bài viết, nhưng ông từ chối.
Năm 1962, cả ba cùng nhận giải Nobel Y học cho nghiên cứu ADN. Franklin không được đề cử vì bà qua đời vào năm 1958 (giải Nobel không trao cho người đã qua đời). Có những phỏng đoán xuất hiện xoay quanh vấn đề liệu bà có được vinh danh không, nếu bà còn sống.
Vấn đề lớn hơn là về việc bà và Wilkins có thể đã đạt được thành tựu nếu chịu hợp tác cùng nhau.
Wilkins viết trong cuốn tự truyện của ông: “Thật đáng tiếc là Rosalind và tôi đã không dành nhiều thời gian thảo luận về cấu trúc của ADN. Nếu bà ấy và tôi chia sẻ vấn đề với nhau thì không gì có thể ngăn cản chúng tôi phát hiện ra chuỗi xoắn kép cả”.