**
“Nung nấu chuyện trả thù sẽ làm vết thương còn mãi; ngược lại, sự tha thứ sẽ chữa lành mọi vết thương.”
– JOHN MILTON
E
dward R. Murrow và William L. Shirer, hai phóng viên đài phát thanh CBS, là đôi cộng sự ăn ý. Họ làm nhiều chương trình phát thanh gây chấn động về châu Âu trước chiến tranh, nổi tiếng nhất là chương trình “Tổng hợp tin tức châu Âu” ngay sau khi Áo bị Đức quốc xã thôn tính.
Quá trình làm việc cùng nhau dưới nhiều áp lực đã xây dựng sự tin tưởng mãnh liệt giữa hai phóng viên. “Chúng tôi đã tạo nên mối liên kết thật sự, và bạn chỉ có thể có được một vài lần như thế trong đời”, - Shirer cho biết sau chương trình phát thanh cuối cùng từ châu Âu.
Vào năm 1947, Shirer là bình luận viên của đài CBS, nhưng khi nhà quảng cáo tài trợ cho chương trình tỏ ra không hài lòng về anh, anh bị chuyển xuống làm chương trình vào giờ phát sóng không được tài trợ. Shirer tuyên bố từ chức. Với tuyên bố công khai như vậy, Shirer đã đặt Murrow, khi ấy đang nằm trong ban giám đốc điều hành CBS, vào tình thế khó xử trước những đồng nghiệp đứng về phía Shirer.
Hai nhà báo gặp nhau bàn chuyện trong một quán rượu ở khách sạn New York. “Họ là hai cộng sự già từng bên nhau trong những đường hào chiến đấu để có ngày hôm nay”, - Joseph E. Persico, người viết tiểu sử Murrow, viết. Họ nghĩ ra cách sắp xếp cho Shirer ở lại CBS. Hai người trình bày với Tổng Giám đốc CBS là William S. Paley mong được chấp thuận. Tuy nhiên, Paley không quan tâm. “Tôi chỉ biết rằng anh không còn hữu dụng nữa. Anh bị sa thải”.
Shirer nhìn sang Murrow tìm kiếm sự ủng hộ. Thế nhưng, thay vì đứng về phía người cộng sự lâu năm của mình, Murrow lại nói: “Nếu anh không muốn thì thôi vậy Bill. Anh là sếp”. Shirer cảm thấy như bị phản bội.
Việc rời khỏi CBS rốt cuộc lại có lợi cho Shirer. Anh chuyển sang viết lách và tác phẩm hay nhất của anh đã ra đời, cuốn “The Rise and Fall of the Third Reich” (Thời Kỳ Huy Hoàng Và Sụp Đổ Của Đệ Tam Quốc xã). “Nếu Shirer tiếp tục làm trong lĩnh vực phát thanh, thay vì nghiên cứu và viết lách, thì sẽ không bao giờ có quyển sách đó”, - tờ The New York Times bình luận.
Shirer thôi làm phát thanh. Nhưng đó không phải là vấn đề. Murrow đã dập tắt sự tin tưởng ở Shirer, nhưng lại nhen nhóm lên sự căm phẫn trong anh. Trong cuốn tiểu thuyết năm 1954 “Stranger Come Home” (Người Lạ Trở Về Nhà) của Shirer mô tả một nhân vật với tính cách nhu nhược và đạo đức giả, như là bức chân dung biếm họa của Murrow.
Gần hai mươi năm sau sự việc, Murrow lúc đó đang ở giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư, đã đòi được gặp Shirer. Hai người cộng sự cũ lái xe lòng vòng trong một ngày hè oi ả gần trang trại của Murrow ở thành phố New York. Murrow có vẻ mệt mỏi và ho. “Có đôi lần anh ấy muốn nhắc về quá khứ, nhưng tôi đã lảng sang chuyện khác”, - Shirer nhớ lại. - “Tôi không muốn nói lại nữa. Chuyện đó đã xảy ra, đã tàn phá con người tôi, nhưng tôi vẫn sống được. Chỉ thế thôi”.
Họ trở lại nhà của Murrow và tạm biệt nhau. Murrow mất vào mùa Xuân năm sau.
“Shirer đã gạt bỏ ký ức đó ra khỏi trái tim mình, và khi ấy, anh đã tha thứ”, - Persico viết.
Khi một mối quan hệ hợp tác đang tốt đẹp thì những người cộng sự sẽ hành động vì nhau. Người này thay đổi mục tiêu để thích ứng với người kia. Họ công bằng với nhau. Họ tập trung vào ưu điểm và bỏ qua nhược điểm của nhau.
Đỉnh điểm của sự hợp tác là khi cả hai đều hy sinh lợi ích cá nhân vì hạnh phúc của người kia.
Tuy nhiên, khi sự việc chuyển hướng tiêu cực, một loạt cảm xúc và phản ứng song song sẽ bùng phát. Mỗi người sẽ theo đuổi một mục đích riêng. Điểm mạnh của người cộng sự dường như không còn ấn tượng nữa. Đến lúc mối quan hệ trở nên tồi tệ, các cộng sự không chỉ từ chối hy sinh vì lợi ích của nhau, mà còn “không muốn nhìn mặt nhau” và khiến người kia bị tổn thương.
“Sẽ có ngày họ phải trả giá”, - Terry Garnett tự nhủ khi Giám đốc Điều hành Oracle Larry Ellison sa thải ông. Cuối cùng, Garnett đã trở thành chủ tịch của Ingres, đối thủ cạnh tranh của Oracle. Garnett chia sẻ trên Bussiness Week: “Tôi nuôi mối hận thù. Phải chăng đó là động lực của tôi? Đúng là như vậy đấy”.
Trong một mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, các cộng sự thường bảo: “Hai cái đầu thì tốt hơn một”. Còn trong trường hợp ngược lại thì là: “Một mình tôi làm còn tốt hơn” hay “Tôi ước mình chưa bao giờ gặp anh ta”.
Có hai câu phát biểu trong cuộc nghiên cứu của Gallup giúp phân biệt mối quan hệ tốt và xấu trong việc giữ cho sự cộng tác khỏi chuyển biến tiêu cực là:
• Đã có những lúc hoặc tôi hoặc người cộng sự khiến cho người kia mất lòng tin.
• Khi ấy, chúng tôi có thể tha thứ cho nhau.
Khi có bất hòa xảy ra, những cặp có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp sẽ vượt qua tốt hơn. 85% số người có mối quan hệ hợp tác tốt chấp nhận tha thứ, nhưng chỉ 14% số người có quan hệ hợp tác lỏng lẻo chấp nhận giảng hòa.
Niềm tin giữa hai cộng sự giống như sợi dây cột chặt hai người leo núi trên mép núi tuyết. Nếu sợi dây đứt, những cảm xúc tiêu cực sẽ bùng phát. Đó là cảm giác của Shirer khi Murrow quay lưng với mình.
Và, một trong những quyết định hợp tác khó khăn nhất mà một người phải đối mặt là việc nối lại mối quan hệ khi bị người kia phản bội lòng tin. Sẽ không có câu trả lời nào được xem là hoàn hảo trong mọi trường hợp.
Nếu bạn là người bội tín trước, hãy xin lỗi và thể hiện rõ ràng thành ý, đưa ra đề nghị giảng hòa và chứng tỏ thiện chí bằng cách tỏ ra đáng tin cậy. Còn ngược lại, bạn cần kiểm soát bản thân, nhận thức thấu đáo, và không buộc tội người cộng sự khi chưa đoan chắc sự việc.
Trong nhiều trường hợp, dù người ta có tha thứ cho một hành động xấu hay không, họ cũng sẽ nói về tính cách của người bị lợi dụng lòng tin nhiều hơn là tính nghiêm trọng của hành động sai trái đó.
Theo triết gia Aristotle, những cảm giác giận dữ cần phải được trút bỏ hoặc giải tỏa, tránh bị dồn nén, bởi điều đó có thể khiến cảm giác tiêu cực bùng nổ dữ dội hơn. Nhà phân tâm học Sigmund Freud lập luận rằng nếu con người không phản ứng mạnh mẽ trước sự tấn công về mặt cảm xúc, những cảm giác chưa được giải tỏa sẽ vẫn còn mãi. Ông viết: “Nếu phản ứng bị kìm nén thì ảnh hưởng còn lưu lại đó sẽ ăn sâu vào ký ức và sẽ gây ra thảm họa một khi người ta có ý muốn trả thù”.
Lời khuyên của Freud đã được lặp lại sau đó hàng thập kỷ. Một cuốn sách xuất bản năm 1993 nói về cách kiểm soát cơn giận dữ đã viết: “Hãy đấm thật mạnh vào cái gối hay bao cát. Hãy trút tất cả sự phẫn nộ vào đó. Và như vậy, bạn sẽ tránh làm tổn hại đến bản thân khi giữ trong lòng sự bực tức tai hại”.
Chỉ có một vấn đề với giải pháp trên là nó… không hiệu quả. Theo giả thuyết của Freud, nếu một người nào đó bị đồng nghiệp lăng mạ, anh ta sẽ chuyển cơn giận sang việc đóng đinh suốt 10 phút, và sau đó sẽ giải tỏa được cảm giác tiêu cực trong lòng. Vào năm 1959, một nhà nghiên cứu ở Đại học Iowa đã thử nghiệm ý tưởng này khi cho phép một nửa đối tượng nghiên cứu đập búa để trút cơn giận sau khi bị lăng mạ. Kết quả là những người đóng đinh càng tăng nỗi hận thù với người đã xúc phạm họ.
Điều đó cho thấy việc giải tỏa cơn giận theo cách đó chẳng khác nào trút thêm dầu vào lửa, và sẽ càng làm cho ngọn lửa cháy bùng lên. Nghĩ đến cảm giác hận thù, hận thù sẽ ngày càng chồng chất.
Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một người càng nuôi dưỡng sự giận dữ hay gợi lại những sự kiện tồi tệ thì vấn đề càng khó giải quyết, và vì thế mối quan hệ hợp tác sẽ càng khó kéo dài và dễ rạn nứt.
Vậy bạn nên làm gì để hàn gắn mối quan hệ hợp tác của mình? Giải pháp mang tính xây dựng đòi hỏi sự dung hòa giữa việc tách biệt và đắm chìm vào những xúc cảm do sự việc gây ra – đủ gần để chấp nhận hoàn cảnh và đủ xa để tránh hồi tưởng đến nó. Lúc ấy, bạn có thể đánh giá nguyên nhân cảm giác khó chịu mà không khuấy động cảm xúc ban đầu.
Một trong những cách tốt nhất để giải quyết vấn đề trong quá khứ là tìm kiếm điều tích cực bên trong nó. Shirer đã cảm thấy thanh thản hơn khi thôi day dứt về hành động quay lưng của Murrow, mà nghĩ nhiều đến việc rời khỏi CBS đã mang đến cho anh cơ hội viết nên một cuốn sách đỉnh cao.
Một nghiên cứu trên 304 sinh viên với yêu cầu họ nhớ lại “một việc xấu mà ai đó đã làm với bạn” đã khám phá ra rằng những sinh viên được hướng dẫn tư duy tích cực vượt qua sự việc dễ dàng hơn. Nhóm nghiên cứu bảo họ: “Hãy viết ra những điều tốt đẹp sau sự việc ấy. Mặt tích cực mà bạn nhận được là gì? Có thể bạn nhận thức được điểm mạnh của bản thân mà trước đó bạn không hề nhận ra, hoặc có thể bạn trở nên sáng suốt và mạnh mẽ hơn”.
Kết quả là những sinh viên tư duy tích cực dễ dàng tha thứ hơn. Họ ít nghĩ đến việc trả thù và né tránh người gây sự với họ so với những tình nguyện viên được hướng dẫn tập trung vào sự công kích.
Gần đến cuối đời, John Adams và Thomas Jefferson mới giảng hòa.
Vào ngày đầu năm mới năm 1812, trước sự thúc giục của bạn bè, Adams lúc đó đã 76 tuổi, mới viết thư đề nghị tái lập mối quan hệ của hai người. Ông gửi kèm vài bản viết tay của con trai là John Quincy Adams, bởi ông biết chắc điều đó sẽ khiến Jefferson xúc động. “Chúc mừng năm mới. Chúc anh một năm mới thành công, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho công chúng như hiện nay”. Một lá thư ngắn nhưng là dấu hiệu của sự tin tưởng, bấy nhiêu cũng đủ để bắc cây cầu nối liền khoảng cách giữa hai người.
Jefferson phúc đáp như sau: “Lá thư của anh gợi lại trong tôi nhiều ký ức thật thân tình. Nó khiến tôi nhớ lại cái thời mạo hiểm và gian khó, khi ấy chúng ta có chung lý tưởng, đấu tranh vì điều giá trị nhất cho con người, vì quyền tự do của con người”. Ông già 68 tuổi bang Virginia kết thư với lời cam đoan rằng không gì “có thể ngờ vực lòng quý trọng chân thành của tôi dành cho anh; chào anh với sự yêu mến và tôn trọng không hề thay đổi”.
Lần “trò chuyện” đầu tiên này đánh dấu cuộc trao đổi thư tín suốt 14 năm giữa hai cựu tổng thống Mỹ. Họ bàn luận những giả thuyết về nguồn gốc thổ dân da đỏ châu Mỹ và các quan điểm khác nhau về công bằng xã hội. Họ tranh cãi, nhận lỗi và khiêm tốn nhượng bộ nhau. Họ đã tái xây dựng niềm tin rằng hai bên có thể bất đồng ý kiến mà không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ chung. “Anh và tôi, không ai được ra đi mà không nói với người kia”, - Adams viết vào tháng 7, năm 1813.
Và họ đã làm như thế, trao đổi 161 bức thư cho nhau sau lần giảng hòa. Đó là những bức thư về lịch sử bản thân và quá trình làm việc cùng nhau. Tuy nhiên, nhà sử học Joseph J. Ellis nhận định: “Cả hai hiểu rằng họ đang gửi cho nhau những bức thư dành cho hậu thế”.
Mặc dù thư từ của họ trao đổi về đời sống cá nhân, thăm hỏi lẫn nhau nhưng họ cũng nói về những cuộc tranh luận, các bài xã luận ngắn, những suy nghĩ sâu sắc về tôn giáo và khoa học. Không phải những bức tượng cẩm thạch làm họ trở thành những nhà yêu nước, mà chính những lá thư đã chứng minh điều ấy.
Những bức thư của Adams và Jefferson là minh họa điển hình nhất cho một mối quan hệ tái hòa hợp. Cả hai thể hiện ước vọng chung đã gắn kết họ từ lúc đầu: nền độc lập và thịnh vượng của nước Mỹ.
Adams viết cho Jefferson: “Đừng ngại… nếu tôi viết bốn bức thư cho anh và chỉ nhận lại một. Một bức thư của anh có giá trị hơn bốn bức thư của tôi”. Sự trao đổi cho thấy mức độ đề cao khả năng, sự chấp nhận điều khác thường và mối bận tâm về hạnh phúc của hai người cộng sự dành cho nhau.
Những bức thư thậm chí thể hiện sự quan tâm về cách đánh giá của lịch sử dành cho người kia. Jefferson viết cho Adams vào tháng 6 năm
1813: “Nếu mục tiêu và ý kiến của anh bị hiểu sai lệch, nếu nguyên tắc của người khác quy tội cho anh một cách bất công, thì khi đó tôi tin rằng họ đã sai, rằng anh nên có một lời giải thích với họ, đó sẽ là một hành động công bằng cho chính anh”.
Những lá thư qua lại của họ đủ dài để có thể viết thành một quyển sách. Những bức thư hậu hòa giải giữa hai người, theo nhà sử học David McCullough, là “đặc biệt nhất trong lịch sử nước Mỹ. Họ là hai nhà lãnh đạo của thời đại, nhưng cũng là cây bút kiệt xuất, và họ đã cho thấy điều họ có thể làm”. Nếu họ không nhấc bút viết thư làm lành thì lịch sử nước Mỹ có lẽ sẽ nghèo nàn hơn bây giờ.
Mối quan hệ này nảy sinh từ sự cộng tác, nhưng đã bị rạn nứt do thiếu sự tín nhiệm lẫn nhau, để rồi kết thúc với một hợp tác then chốt khác.
Vào ngày 2 tháng 7, năm 1826, Jefferson rơi vào trạng thái hôn mê. Ông tỉnh dậy một lát vào buổi tối hôm sau và hỏi: “Hôm nay là ngày 4 ư?”. Nghe bảo ngày đó sắp đến, ông gắng gượng được đến giữa ngày kế tiếp, đúng 50 năm kể từ ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập.
Buổi sáng hôm ấy ở thành phố Quincy, Massachusetts, khi khẩu súng thần công khai hỏa ở đằng xa đánh dấu lễ kỷ niệm, Adams đang nằm hấp hối. Được biết hôm đó là ngày 4, ông đáp: “Một ngày tuyệt vời. Một ngày tốt lành”. Đến xế chiều, ông thì thào lời cuối: “Thomas Jefferson sống lâu hơn” mà không hề biết rằng Jefferson không còn nữa. Một lát sau, Adams qua đời.
Sáu năm trước cái chết cùng ngày, lúc họ đã giảng hòa và đang viết thư cho nhau, viên thư ký của Adams là Josiah Quincy, một sinh viên trường Đại học Harvard, đã hỏi ông rằng làm sao ông lại có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp với một người từng là đối thủ của mình. Adams vẫn thản nhiên. Sự khác biệt nằm ở quan điểm chính trị, chứ không phải tính cách.
Quincy trích nguyên văn lời Adams: “Ông ấy mong ước trở thành tổng thống của nước Mỹ, và tôi đã cản đường. Vì thế, ông ấy làm mọi thứ để hạ bệ tôi. Nhưng nếu vì vậy mà tôi tranh cãi với ông ấy thì có lẽ tôi sẽ gây hấn với tất cả mọi người mất. Và đó là bản chất của con người… Tôi tha thứ cho tất cả kẻ thù và cầu chúc họ tìm thấy hạnh phúc nơi thiên đàng. Ngài Jefferson và tôi giờ đã già rồi, cũng đã rút khỏi những hoạt động xã hội, thế nên chúng tôi đối đãi với nhau như hai người bạn già đầy thiện chí”.