**
“Tình bạn nảy sinh từ mối quan hệ kinh doanh tốt hơn là mối quan hệ kinh doanh nảy sinh từ tình bạn.”
– JOHN D. ROCKEFELLER
C
uối những năm 90, một nhóm nghiên cứu của hai trường đại học và Trung tâm Vũ khí Hải quân Hoa Kỳ (NWC) đã tuyển 112 thanh niên nam nữ và chia họ thành từng đôi một cách ngẫu nhiên để xem mức độ phối hợp tác chiến của từng cặp trong chuyến bay mô phỏng chiến đấu cơ F-16. Tất cả “phi công” đều được tham gia khóa huấn luyện thực hành 45 phút. Với mỗi cặp, sẽ có một người lái máy bay, người còn lại thu thập thông tin, điều chỉnh tốc độ bay, vận hành các hệ thống vũ khí khác nhau, và cả hai đều có thể kích hoạt vũ khí.
Các cặp nhận được mục tiêu đối lập nhau làm họ rất khó chọn lựa. Theo yêu cầu, họ phải sống sót trước sự tấn công của kẻ địch, bay theo lộ trình được lập sẵn với bốn “điểm dừng” và bắn hạ máy bay địch. Các nhà nghiên cứu cho biết “lộ trình ghi điểm này khiến các đội nan giải về mặt chiến thuật, vì các mục tiêu đều khác nhau. Ví dụ như việc bay thẳng đến các điểm dừng sẽ đặt cả đội vào tình thế vô cùng mạo hiểm và còn rất ít thời gian bắn hạ máy bay địch. Ngược lại, chủ động tấn công máy bay địch thì chẳng còn mấy thời gian đến các điểm dừng”. Đường bay đến các điểm dừng đều chạm trán với máy bay địch, bởi máy bay địch luôn bay lòng vòng.
Các nhà khoa học tò mò muốn biết không chỉ mức độ phối hợp ăn ý của mỗi cặp trong việc hoàn thành nhiệm vụ, mà cả cách đảm đương vai trò riêng của mỗi người, mức độ thích thú đối với nhiệm vụ được giao và cả sức mạnh của “tinh thần đồng đội”.
Kết quả thử nghiệm cho thấy những đội có cùng quan điểm về thử thách thì thực thi nhiệm vụ tốt hơn những đội khác. Các nhà khoa học kết luận rằng việc phối hợp ăn ý đòi hỏi đội nhóm phải có cùng quan điểm, chứ không phải chỉ đơn thuần là hiểu biết công việc.
Cuộc thử nghiệm trên đòi hỏi sự phối hợp hết mình. Và sứ mệnh chung chính là nền tảng trong mọi mối quan hệ hợp tác.
Sự hợp tác còn hơn cả tình bạn hay sự bình đẳng về quyền hạn, hơn cả việc làm cùng một văn phòng hay cùng một công ty, hơn cả sự thân cận hay đánh giá cao lẫn nhau. Khi bạn và người cộng sự cùng phấn đấu vì một mục tiêu thì giữa hai người sẽ nảy sinh mối quan hệ hợp tác. Khi đó, các bạn sẽ cùng chia sẻ công việc, cùng suy nghĩ, cùng thực hiện nhiệm vụ mà mỗi người không thể đơn độc hoàn thành. Vì thế, mối quan hệ đó sẽ là độc nhất. Nó tồn tại để phục vụ cho mục tiêu được đặt ra và chỉ kéo dài cho đến khi nhiệm vụ kết thúc.
Một khi đã đạt được mục tiêu, nếu không có mục tiêu mới, mối quan hệ hợp tác sẽ chấm dứt. Các đồng tác giả là cộng sự của nhau cho đến khi quyển sách của họ hoàn thành. Các phi hành gia là liên minh của nhau cho tới khi du hành đoàn trở về trái đất.
Theo nghiên cứu của Gallup, mức độ hợp tác của hai người trong đội đang cùng theo đuổi một mục tiêu được đánh giá dựa vào ba câu sau:
• Chúng tôi cùng chia sẻ mục tiêu chung.
• Chúng tôi có cùng mục đích đối với việc mình làm.
• Chúng tôi có cùng sứ mệnh trong cuộc sống.
Để thiết lập mối quan hệ hợp tác, đầu tiên bạn phải có khả năng hỗ trợ người cộng sự hoàn thành nhiệm vụ chung của cả hai. Vì thế, người bạn chọn làm cộng sự sẽ khác với người bạn chọn làm bạn, người yêu, hàng xóm, hay bạn cùng phòng. Tuy nhiên, bạn sẽ là kẻ ngốc khi bắt đầu mối quan hệ hợp tác với một người mà bạn chỉ đơn thuần quý mến, đánh giá cao khả năng, hoặc ngưỡng mộ tính quyết đoán của người ấy nhưng cả hai không có cùng quan điểm khi thực hiện chung một mục tiêu.
Với mục tiêu chung, hai người trong một nhóm có thể gạt đi mối bận tâm cá nhân để hoàn thành mục tiêu ấy.
Ở độ cao xấp xỉ 8.504 mét so với mặt nước biển, chỉ còn Tenzing Norgay và Edmund Hillary nỗ lực chinh phục đỉnh Everest.
Ban đầu, có nhiều người khác tham gia cùng họ trong chuyến leo núi, mang theo dụng cụ, bình oxy và giày đế đinh để đi trên băng tuyết. Đoàn thám hiểm người Anh và người dẫn đường đã mất ba tháng để đưa hai chàng trai đến Camp Nine. Đến chiều ngày 28 tháng 5 năm 1953, đội hỗ trợ trở xuống sau khi để lại chỉ vừa đủ khí oxy, thức ăn và dụng cụ cho Tenzing và Hillary để họ tự leo lên đỉnh núi.
“Tenzing và tôi nhìn mọi người rời đi, và tôi thấy cô độc vô cùng khi họ chầm chậm leo xuống sườn núi, để chúng tôi ở lại trên một rìa đá nhỏ”, - Hillary viết. Họ thành công hay thất bại, có sống sót được hay không, đều phụ thuộc vào mức độ phối hợp ăn ý với nhau. Mối quan hệ hợp tác này không hoàn hảo, bởi Tenzing thích leo núi cùng với một nhà leo núi khác, và Hillary cũng vậy. Cả hai chọn nhau làm cộng sự chỉ vì bất đắc dĩ.
Tuy nhiên, Tenzing và Hillary có chung một mục tiêu là chinh phục “nóc nhà thế giới”. Để đứng được trên đỉnh núi, cả hai sẵn sàng chịu áp lực của độ cao, mạo hiểm mạng sống và loại bỏ những mối bận tâm riêng. Tenzing chia sẻ: “Khi người ta sắp leo lên một ngọn núi, họ nên quên đi những việc nhỏ nhặt. Khi làm việc lớn, họ nên có một trái tim lớn song hành cùng nó”. Biết là vậy, nhưng với việc chinh phục đỉnh Everest vào năm 1953 thì không chỉ nỗ lực là đủ.
Hai người luôn tốt hơn một người. Một người chuẩn bị bình dưỡng khí, trong khi người còn lại nhóm lửa nấu ăn và đun nước chanh đường nóng để cung cấp năng lượng và tránh mất nước. Lúc leo lên đỉnh núi, cả hai luân phiên thay đổi vai trò dẫn đường, tạo điều kiện cho người phía sau leo dễ dàng hơn.
Yếu tố thuận lợi quan trọng nhất khi hai nhà leo núi cần có nhau là họ có thể buộc dây vào nhau và leo cách nhau một quãng. Ở những vị trí nguy hiểm, chỉ một người mạo hiểm tiến lên phía trước, người còn lại siết chặt sợi dây trong trường hợp người dẫn đường rơi xuống. Kỹ thuật này gọi là siết dây.
Kỹ thuật siết dây đã cứu tính mạng của Hillary trong chuyến hành trình đó. Anh đang ở vị trí dẫn đường khi họ băng qua các ngọn tháp của thác băng mỏng Khumbu. Bất ngờ, tuyết dưới chân Hillary sạt lở và anh trượt xuống khe nứt. Anh hét to: “Tenzing! Tenzing!”. Tenzing liền bổ mạnh chiếc rìu vào tuyết để lấy chỗ bám và đu người về phía chiếc rìu khi sợi dây buộc hai người do bị căng đột ngột đã bất ngờ đứt ra.
Tenzing kể lại: “May sao đoạn dây nối chúng tôi không quá dài, và tôi đã tính trước điều đó. Tôi hãm đà rơi của anh ấy sau khi anh ấy rơi được khoảng 4 mét, rồi tôi từ từ kéo anh lên. Đến khi anh ấy thoát khỏi kẽ nứt thì găng tay của tôi đã bị mòn do sức kéo căng của sợi dây, còn Hillary bị vài vết xước”.
Ở độ cao trên 8.000 mét, không khí rất loãng nên một người chỉ có thể cầm cự trong vòng ít ngày. Nhiều nhà leo núi cố gắng chinh phục đỉnh Everest vào những thập kỷ 30 và 40 đều thất bại.
Hillary và Tenzing đã trải qua một đêm khó khăn tại Camp Nine. Họ thay phiên sử dụng bình oxy để ngủ và thức dậy uống nhiều nước chanh hơn. Chưa tới 4 giờ sáng ngày 29 tháng 5, họ thức hẳn. Nhiệt độ lúc đó là - 25 độ C.
Ba tiếng sau, Tenzing dẫn đường, trong khi Hillary sưởi ấm đôi chân bị lạnh cóng vì băng tuyết. Khi chân của Hillary ấm dần, họ đổi vị trí cho nhau, chia sẻ phần việc đạp chân vào tuyết.
Cặp đôi nhanh chóng đối mặt với sự lựa chọn: hoặc tiến lên dọc theo đỉnh núi, hoặc men theo dốc tuyết phía sườn bên trái. Hillary quyết định dốc tuyết sẽ an toàn hơn. Qua được những chỗ hiểm trở nhất, hai người thay đổi vị trí dẫn đầu thường xuyên hơn, rón rén từng bước để chọn những điểm trụ an toàn. Có lúc họ rơi vào tình huống nguy hiểm khi phải đối mặt với một khối tuyết cứng trên miệng vực thẳm phía bên phải cao chừng 3.000 mét và một vách núi đứng phía bên trái ở độ cao gần 2.500 mét.
Rồi họ cũng băng qua được dải đất hẹp. Độ dốc không quá lớn nữa. Địa hình đủ an toàn để hai người có thể đi bộ cùng nhau. Không chắc chắn về việc liệu tuyết ở mép núi bên phải có bị lở không, hai nhà leo núi đã chọn đi theo sườn núi bên trái, vượt qua những mô tuyết chập chùng dường như vô tận.
Hillary nhớ lại: “Đột nhiên tôi nhận ra rằng đỉnh núi đang ở phía trước, không phải dốc lên, mà là dốc xuống. Tôi quay ngoắt sang phải. Ở phía trên tôi, có một cái gì tròn tròn nho nhỏ, bị tuyết bao phủ, trông như một đống cỏ khô. Là đỉnh núi”. Anh quay sang nhìn người bạn đồng hành đang cười rạng rỡ sau chiếc mặt nạ dưỡng khí và giơ tay ra bắt theo đúng kiểu của người Anh.
“Sự bày tỏ cảm xúc như vậy là chưa đủ đối với Everest. Tôi đưa tay lên vẫy và ôm chầm lấy Hillary, rồi chúng tôi đấm vào lưng nhau thùm thụp cho tới khi cả hai gần như không thở được”, - Tenzing hào hứng kể.
Các phương tiện truyền thông tranh nhau đăng tin về thành tích của cặp đôi này. Câu hỏi họ nhận được nhiều nhất là: “Ai là người lên đỉnh trước tiên?”. Các nhà leo núi hiểu rằng hỏi như thế thật vô nghĩa. Tenzing viết: “Khi hai người cùng buộc chung một sợi dây thì họ là một đội, và sự kết hợp đó đã tạo nên kỳ tích”.
“Cả lúc leo lên và lúc xuống núi, chúng tôi đều giúp đỡ lẫn nhau, và đó là điều nên làm. Giữa chúng tôi không có ai là người dẫn đầu và người đi theo. Chúng tôi là cộng sự của nhau”, - anh giải thích.
Dù bạn và người cộng sự cùng nhất trí về nhiệm vụ chung, nhưng cả hai không cần phải có chung lý do khi theo đuổi mục tiêu. Những cộng sự thành công thường có động lực khác nhau. Điều này thường không gây trở ngại cho mối quan hệ hợp tác nếu cả hai hiểu được động lực của đối phương và cùng phối hợp để đạt được ước vọng chung.
Vào những năm cuối đời, Ulysses S. Grant, Tổng thống Mỹ đời thứ 18, rất cần tiền. Ông bị phá sản và mắc bệnh ung thư thanh quản giai đoạn cuối. Mark Twain thì cần một cuốn sách bán chạy nhất cho công ty xuất bản non nớt của mình. Cả hai đều mong muốn cuốn tự truyện của Grant được xuất bản. Bộ sách Personal Memoirs of U.S. Grant (Hồi ký U.S. Grant) gồm hai tập gây được tiếng vang lớn, trở thành cuốn sách bán chạy nhất lúc bấy giờ, đem về cho gia đình Grant khoản tiền hơn 400 ngàn đô-la và giúp công ty của Twain vững mạnh hơn. Lý do mong chờ cuốn sách được xuất bản của Grant và Twain khác nhau, song họ đều nhất trí về kế hoạch in sách.
Động lực thúc đẩy thường khác biệt và mang tính riêng tư, điều này ít nhiều gây khó cho việc thống nhất mục tiêu đề ra. Động lực của người cộng sự nhiều khả năng không giống như của bạn. Một người có thể thấy thành công trong dự án lớn là cơ hội để tăng lương, trong khi người còn lại muốn được mọi người công nhận khả năng. Một luật sư muốn thắng kiện để dễ bề thăng tiến, trong khi luật sư khác chỉ muốn có cơ hội tham dự những vụ kiện lớn hơn. Trong khi một nhân viên cảnh sát thích tống giam tội phạm, thì viên cộng sự của anh ta lại thích gặp gỡ trao đổi hàng ngày với những công dân tôn trọng luật pháp.
Bạn cũng phải cẩn thận, không nên cho rằng chỉ vì bạn và một ai đó đã hợp tác tốt trong quá khứ mà lặp lại điều đó trong tương lai. Mỗi lần cộng tác sẽ cho bạn trải nghiệm khác nhau, và kết quả phụ thuộc vào mức độ ăn ý của hai bên trong mối quan hệ hợp tác ấy. Bạn phải đặt nền tảng riêng cho từng vụ việc.
John Adams và Thomas Jefferson đã rơi vào cái bẫy này. Là đại biểu tham dự Quốc hội kỳ đầu tiên, họ được giao nhiệm vụ soạn bản Tuyên ngôn độc lập cho nước Mỹ non trẻ. Những cuộc tranh cãi nổ ra, chủ yếu về việc ai sẽ là người soạn thảo, nhưng cuối cùng, cả hai đã thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần hợp tác cùng xây dựng. Jefferson chấp bút; Adams trình bày trước Quốc hội. Mỗi người nhượng bộ một chút vì mục tiêu lớn. Sứ mệnh chung đã gắn kết họ với nhau.
Năm 1796, cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở Mỹ lại một lần nữa mang hai người đến gần nhau, nhưng lần này họ không có mục tiêu chung và kết quả cuộc bầu cử là có thể đoán trước được. Adams là ứng viên Đảng Liên bang; Jefferson là sự lựa chọn của Đảng Dân chủ - Cộng hòa. Lúc bấy giờ, trước khi Tu chính án thứ 12(*) được thông qua, thì ứng cử viên xếp thứ hai sẽ trở thành phó tổng thống, bất luận thuộc đảng nào. Với tỉ số phiếu bầu 71-68, Adams trở thành tổng thống và Jefferson là phó tổng thống.
* Tu chính án thứ 12 được phê chuẩn vào năm 1808, cho phép đại cử tri bỏ phiếu độc lập chọn tổng thống và phó tổng thống.
Họ có cơ hội mang tính lịch sử để hợp tác cùng nhau trong mọi hoạt động chính trị. Song đường lối xây dựng đất nước mới của cả hai lại khác nhau. Không có chung mục tiêu nên không ai nhượng bộ ai. Yếu tố giúp họ gắn kết trước đây không còn nữa.
Jefferson nhớ lại cái ngày mối quan hệ của cả hai chấm dứt hẳn. Một tối thứ Hai, tháng 3 năm 1797, hai người dùng bữa tối với George Washington và tình cờ ra về cùng lúc. Rảo bước cùng nhau, họ có một cuộc thảo luận ngắn về việc có nên cử James Madison – một thành viên trong đảng của Jefferson – đến Pháp hay không. Đề xuất thiện chí từ Adams đã trở thành vô nghĩa bởi Đảng Liên bang không tán thành và Madison thì từ chối. Adams rút lại lời đề nghị.
“Đến đường Fifth, chúng tôi rẽ thành hai hướng, và chúng tôi chia tay nhau. Sau lần đó, anh ấy không bao giờ nói một lời nào với tôi về chủ đề đó nữa, cũng không còn cố vấn cho tôi bất kỳ phương sách nào của chính phủ nữa”, - Jefferson viết.
Bắt đầu từ tối hôm đó, hai vị tổng thống và phó tổng thống đã chọn hai con đường riêng biệt và họ đã không hợp tác với nhau suốt 15 năm sau. Chia tay nhau là điều không thể tránh khỏi khi cả hai theo đuổi những mục tiêu khác nhau.
Một người tham gia cuộc khảo sát than phiền rằng trong khi cô rất hào hứng thì người cộng sự của cô lại chẳng mấy mặn mà với dự án hệ thống báo cáo điện tử mới có thể tiết kiệm hàng triệu đô-la cho công ty. “Cộng sự của tôi không thấy được tầm quan trọng của việc này, hoặc có thể do cô ta mải chú tâm vào mục tiêu khác”, - cô nói. Và kết quả là dự án đó thất bại. - “Sự khác biệt giữa mối quan hệ hợp tác này với những mối quan hệ hợp tác thành công mà tôi từng có trước đây nằm ở chỗ tôi nhìn ra được điều này sẽ tiết kiệm được cho khâu vận hành một tỉ đô-la, còn cô ấy chẳng thấy đó là việc cần thiết”.
Vậy, làm thế nào để hai người có thể phối hợp thành công nếu họ không hướng tới cùng một mục tiêu? Làm thế nào một chiếc thuyền có thể cùng lúc bơi theo hai hướng khác nhau? Việc có chung mục tiêu thôi vẫn chưa đủ để tạo ra một cặp đôi hỗ trợ lẫn nhau, nhưng nếu không có, cả hai sẽ hành động vì mục tiêu riêng. Sứ mệnh chung sẽ hợp nhất hai tính cách khác biệt nhưng bổ trợ cho nhau, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai người.
Một người cho biết: “Tôi và một bậc đàn anh hơn tôi khoảng 15 tuổi đều nằm trong ban giám đốc cư xá. Chúng tôi có lối quản lý khác nhau, nên thường xảy ra mâu thuẫn gay gắt. Tuy nhiên, mùa hè năm ngoái, cả hai đã cùng nhất trí về việc đưa khu cư xá của chúng tôi sáp nhập vào thành phố. Trong một thời gian dài, tôi cùng anh ấy nỗ lực thu thập đơn từ hàng xóm về vấn đề ‘làm cư dân thành phố’. Chúng tôi cùng thống nhất về mục tiêu, và nhìn chung, có cùng quan điểm trong suốt quá trình hoàn thành nó. Trong dự án này, tôi khá tâm đầu ý hợp với anh ấy. Cũng có lúc, chúng tôi chẳng ưa tính cách của nhau, nhưng không hiểu sao, chúng tôi có thể gạt điều ấy sang một bên để bắt tay nhau trong một dự án mới”.
Nhờ sự đồng thuận trong quá trình hợp tác mà hai người đối kháng đã trở thành cộng sự. Nếu thiếu đi yếu tố đó, họ sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, không đạt được mục tiêu trong khi lẽ ra họ có thể trở thành bạn của nhau.
Tóm lại, vấn đề không nằm ở chỗ bạn và người cộng sự tài giỏi đến đâu, bổ sung ưu khuyết cho nhau như thế nào, điều quan trọng là nếu hai bạn không cùng chung quan điểm về nhiệm vụ, sứ mệnh chung, thì mối quan hệ hợp tác đó không thể kéo dài.