Hầu hết chúng ta thường nhầm lẫn hoặc mơ hồ trong việc xác định những thứ giúp ta có được cuộc sống an khang, hạnh phúc(1).
(1) Từ gốc là “wellbeing”, chỉ trạng thái hạnh phúc, khỏe mạnh và phồn thịnh. Để rõ nghĩa và phù hợp hơn khi kết hợp với năm yếu tố trong cuộc sống là nghề nghiệp, xã hội, tài chính, thể chất và đời sống cộng đồng, chúng tôi xin phép chuyển ý từ “wellbeing” theo các nghĩa: sự bền vững, an khang, vui vẻ, hạnh phúc, an tâm… tùy theo ngữ cảnh.
Trái với những gì nhiều người vẫn nghĩ, hạnh phúc không chỉ gói gọn trong niềm vui sướng hay sự giàu có, thành đạt, và chắc chắn càng không giới hạn ở sức khỏe thể chất và sự tráng kiện. Trên thực tế, việc tập trung đơn lẻ vào bất kỳ yếu tố nào nêu trên cũng sẽ khiến chúng ta cảm thấy thất vọng, hay thậm chí suy sụp.
Chúng ta dễ cuốn vào các kế hoạch hứa hẹn giúp ta kiếm được nhiều tiền, giảm cân, hoặc thắt chặt các mối quan hệ. Thế rồi trong nhiều tuần lễ tiếp theo, ta đổ dồn thời gian và công sức vào đấy, để rồi cuối cùng lại từ bỏ khi các kế hoạch ấy tự mâu thuẫn với các khía cạnh khác trong cuộc sống.
Nếu bạn từng mua sách, xem băng đĩa hoặc tham dự các lớp học có nội dung như vậy, ắt hẳn bạn sẽ nhận thấy việc tập trung hoàn toàn vào một khía cạnh đơn lẻ nào đó có thể phương hại đến sự an khang, hạnh phúc của bạn tới mức nào. Hãy nghĩ đến những người đã dành hết thời gian và sức lực cho công việc, để rồi phải trả giá bằng những mối quan hệ cá nhân. Có vẻ khá dễ dàng nếu bạn nhìn nhận những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống như các yếu tố hoàn toàn độc lập và không liên quan gì với nhau. Song chúng lại không như thế - các khía cạnh ấy phụ thuộc lẫn nhau.
Hạnh phúc chính là sự kết hợp của cái tâm ta dành cho những việc mình làm mỗi ngày, chất lượng các mối quan hệ, sự đảm bảo về mặt tài chính, sự ổn định về sức khỏe và niềm tự hào khi được đóng góp cho cộng đồng. Quan trọng là cách mà năm yếu tố này tương tác lẫn nhau.
Điều làm cho cuộc sống trở nên đáng sống
Từ giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học của Viện Thăm dò Dư luận Gallup đã khám phá ra các nhu cầu của một cuộc sống viên mãn. Gần đây, trong quá trình cộng tác với các nhà kinh tế học, tâm lý học và các nhà khoa học đầu ngành khác, chúng tôi đã khám phá ra năm yếu tố phổ biến quyết định một cuộc sống hạnh phúc, mà không lệ thuộc vào bối cảnh đặc thù của quốc gia và sự khác biệt về văn hóa.
Gallup đã tiến hành một cuộc nghiên cứu mang tính toàn cầu ở hơn 150 quốc gia để nhận định sâu hơn về hạnh phúc của hơn 98% dân số thế giới. Từ Afghanistan đến Zimbabwe, chúng tôi đã đặt ra hàng trăm câu hỏi về sức khỏe, sự giàu có, các mối quan hệ, công việc và đời sống cộng đồng, rồi đem so sánh kết quả này với cách họ trải nghiệm cuộc sống hàng ngày cũng như đánh giá chất lượng sống nói chung.
Trong cuộc nghiên cứu ban đầu, chúng tôi đã hỏi mọi người về “tương lai tốt nhất có thể” và phát hiện ra rằng khi đánh giá cuộc sống, người ta thường đưa ra hai tiêu chí chủ yếu là thu nhập và sức khỏe. Theo kết quả khảo sát, “sức khỏe dồi dào” và “của cải” là hai câu trả lời phổ biến nhất. Có lẽ bởi vì các tiêu chí này dễ đo lường và dễ theo dõi theo thời gian. Chúng ta có thể kiểm soát chiều cao, cân nặng, huyết áp và thu nhập của mình, thế nhưng lại không có tiêu chuẩn nào để đo lường chất lượng nghề nghiệp hoặc sự lành mạnh của các mối quan hệ.
Cuộc nghiên cứu đã tìm ra năm yếu tố thống kê riêng biệt. Đây là những yếu tố chung để phân biệt giữa một cuộc sống hạnh phúc và khổ đau, mô tả những lĩnh vực trong cuộc sống mà chúng ta có thể cải thiện, và đó là những điều hết sức quan trọng đối với mọi người trong từng hoàn cảnh mà chúng tôi nghiên cứu.
Năm yếu tố cốt lõi
Các yếu tố này là nền tảng của một cuộc sống an khang, hạnh phúc và đóng vai trò thiết yếu trong cuộc sống của hầu hết mọi người.
1. Niềm vui trong công việc, tức là cách bạn sử dụng thời gian, hay nói đơn giản hơn là về những gì bạn làm mỗi ngày.
2. Hạnh phúc về mặt xã hội, đề cập đến những mối quan hệ bền chặt và tình yêu cuộc sống.
3. Hài lòng về tài chính, tức là việc quản lý đời sống kinh tế một cách hiệu quả.
4. Bền vững về thể chất, cụ thể là sức khỏe và năng lượng để bạn hoàn tất công việc mỗi ngày.
5. Yên vui trong đời sống cộng đồng, cảm giác về mối quan hệ của bạn với địa phương và cư dân nơi bạn sinh sống.
Trong khi 66% mọi người làm tốt ở ít nhất một trong số năm yếu tố trên thì chỉ có khoảng 7% là thành công ở cả năm yếu tố. Nếu chúng ta đang phải lao tâm khổ tứ với một trong số đó, mà hầu hết ai cũng như thế, thì chính điều đó sẽ làm tổn hại đến hạnh phúc và làm trì trệ cuộc sống hàng ngày của ta. Khi đã củng cố được các yếu tố này về tổng thể thì ta sẽ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khó tận dụng được hết những gì cuộc sống ban tặng nếu không hoạt động thật hiệu quả ở cả năm lĩnh vực.
Mặc dù đây là những yếu tố mang tính phổ quát, không phụ thuộc vào tín ngưỡng, văn hóa và quốc tịch, nhưng mỗi người có những phương thức khác nhau để gia tăng mức độ hạnh phúc cá nhân. Đối với nhiều người, đời sống tâm linh chi phối họ trong tất cả những lĩnh vực trên. Đức tin chính là khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống và là nền tảng cho mọi nỗ lực hàng ngày của họ. Còn với nhiều người khác, một sứ mệnh to lớn như bảo vệ môi trường lại mang đến nguồn cảm hứng trong cuộc sống. Cho dù nguồn động lực giữa người này và người khác là hết sức khác biệt, song kết quả nhận được thì lại giống nhau.
Có rất nhiều cách để tạo nên trạng thái an tâm trong công việc, đời sống xã hội, tài chính, sức khỏe và đời sống cộng đồng. Bởi vì những yếu tố quan trọng này đều nằm trong tầm kiểm soát nên chúng ta hoàn toàn có khả năng cải thiện chúng, ví dụ tập thể dục, dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè, hoặc sử dụng đồng tiền một cách khôn ngoan… Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với hạnh phúc và cảm giác an bình có vẻ lại nằm ở… chính bản thân ta. Do thiếu cân nhắc mà chúng ta cho phép những quyết định nhất thời ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình trong dài hạn.
Cưỡng lại ham muốn
Chúng ta biết rằng hoạt động thể chất sẽ cải thiện sức khỏe, thế nhưng ta lại không chịu tập thể dục. Ta thường tự bào chữa rằng “bỏ tập một buổi không thể nào gây ra chứng đau tim hay đột quỵ”, thế là ta tự cho phép mình có một ngày lười biếng.
Chúng ta biết rằng thực phẩm chiên xào hoặc chứa nhiều đường không tốt chút nào, thế nhưng ta vẫn bốc cả nắm kẹo và khoai tây chiên mà chẳng thèm đắn đo cân nhắc. Một túi khoai tây chiên thì không thể gây bệnh tiểu đường hay béo phì được mà!
Tương tự như thế, chúng ta biết rằng việc dành thời gian trọn vẹn cho bạn bè và gia đình là rất quan trọng, nhưng khi công việc cấp bách, ta chẳng thể dừng lại để hỏi thăm sức khỏe một người bạn.
Về mặt tài chính, chúng ta thường tiêu xài thay vì tiết kiệm. Việc bỏ tiền vào quỹ hưu trí có thể làm gia tăng giá trị của khoản tiền ấy gấp nhiều lần về sau, nhưng ngay lúc này, việc chi tiêu để nuông chiều sở thích cá nhân có vẻ thú vị hơn nhiều.
Với quá nhiều lựa chọn để thỏa mãn bản thân trong hiện tại như thế thì việc đưa ra những quyết định đúng đắn trong dài hạn quả thực khá khó khăn. Bởi rốt cuộc thì bản chất của chúng ta là muốn làm những việc mang về lợi ích tức thời. Vì nhu cầu sinh tồn mà đặc tính này đã được mã hóa trong ADN của con người. Qua nhiều thập niên, các nhà tâm lý học đã mô tả khả năng hoãn lại sự thỏa mãn chính là nền tảng phát triển của con người để chuyển từ giai đoạn thơ ấu sang giai đoạn trưởng thành.
Tuy nhiên trên thực tế, cái-tôi-nhất-thời vẫn giành phần thắng và có được món ngon, bất chấp sự phản kháng từ cái-tôi-trường-tồn muốn có cơ thể khỏe mạnh và trường thọ. Khi chúng tôi hỏi hơn 23.000 người về thói quen mua sắm, chỉ 10% cho biết họ mua kẹo thường xuyên. Nhưng trong một cuộc khảo sát sau đó, khi hỏi cùng nhóm người ấy rằng nếu có sẵn một đĩa đầy kẹo ngay trước mặt, liệu họ sẽ ăn một ít chứ, thì hơn 70% thừa nhận là có.
Chừng nào chúng ta còn cho phép những ham muốn nhất thời giành chiến thắng thì chừng đó chúng ta còn gặp khó khăn về việc thay đổi hành vi về lâu dài. Tuy nhiên, qua những người có mức độ hạnh phúc cao nhất, chúng tôi biết được rằng có một giải pháp đơn giản cho vấn đề này: Nếu chúng ta có thể tìm ra những nguồn khích lệ ngắn hạn phù hợp với các mục tiêu dài hạn thì việc đưa ra quyết định đúng đắn trong hiện tại sẽ dễ dàng hơn.
Ví dụ, chúng ta sẽ dễ dàng bỏ qua một chiếc bánh mì kẹp phô mai và khoai tây chiên không phải vì cân nhắc đến nguy cơ sau này sẽ mắc bệnh béo phì hoặc tiểu đường, mà là vì xét đến thực tế trước mắt nếu cứ ngấu nghiến loại thức ăn đó thì “dư vị béo ngậy ấy sẽ cứ ở mãi trong cổ họng”, làm hỏng cả một ngày. Hoặc, sáng mai chúng ta sẽ tập thể dục vì biết rằng chỉ cần 20 phút tập luyện có thể giúp tâm trạng phấn chấn suốt 12 giờ tiếp theo.
Khi thấy được sự tưởng thưởng ngay trước mắt, chúng ta sẽ dễ dàng thay đổi hành vi ở hiện tại hơn, với tinh thần những hoạt động hàng ngày sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Do vậy, mong muốn có được nguồn năng lượng dồi dào suốt cả ngày (nguồn khích lệ ngắn hạn) sẽ dẫn đến việc tập thể dục 20 phút mỗi sáng (một quyết định sáng suốt vào thời điểm hiện tại), dần dần điều đó sẽ giúp bạn tránh được những căn bệnh mãn tính (mục tiêu dài hạn). Như chúng ta sẽ thảo luận trong suốt quyển sách này, việc thay đổi những hoạt động hàng ngày, dù là nhỏ nhất, cũng có thể tạo ra tác động to lớn và lâu dài đối với mục tiêu sống vui, sống khỏe của chúng ta.
Sống an khang, hạnh phúc
Trong những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đề cập đến những người đạt được cả năm yếu tố trên. Họ có mức độ hạnh phúc cao nhất trong toàn bộ cơ sở dữ liệu của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng sau khi đọc quyển sách này, bạn sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về những gì góp phần tạo nên hạnh phúc của bạn trong suốt cuộc đời. Điều này sẽ cho phép bạn tận hưởng trọn vẹn từng ngày trôi qua, gặt hái được nhiều hơn từ cuộc sống và có lẽ quan trọng hơn cả là bạn có thể giúp bạn bè, người thân, đồng nghiệp và những người khác trong cộng đồng có cuộc sống an khang, hạnh phúc như bạn.