Bạn có thích những gì mình làm mỗi ngày không?
Đây có lẽ là câu hỏi cơ bản nhất, song lại quan trọng nhất, về hạnh phúc mà chúng ta có thể tự hỏi mình. Thế nhưng chỉ có 20% số người được hỏi có thể dõng dạc trả lời là “Có”.
Về cơ bản, tất cả chúng ta đều cần một công việc để làm và lý tưởng nhất là việc ấy khiến chúng ta hăng hái hướng đến mỗi sáng khi thức dậy. Những gì bạn dành thời gian để làm mỗi ngày sẽ định hình bản sắc của bạn, bất luận bạn là sinh viên, phụ huynh, tình nguyện viên, người đã về hưu, hoặc làm công việc thông thường nào đó.
Chúng ta dành phần lớn thời gian trong tuần để làm những gì mà ta cho là một công việc, một cái nghề. Khi gặp gỡ lần đầu, người ta thường hỏi nhau: “Anh/chị làm nghề gì?”. Nếu bạn trả lời câu hỏi ấy với vẻ hài lòng và trân trọng thì có khả năng bạn đã đạt được niềm vui trong công việc.
Người ta thường xem nhẹ tác động của nghề nghiệp đối với trạng thái an khang nói chung. Song niềm vui trong công việc có thể được cho là yếu tố cơ bản nhất trong năm yếu tố. Nếu bạn không có cơ hội được thường xuyên làm công việc mà mình yêu thích - công việc bạn làm vì đam mê hay thích thú, chứ không hẳn vì đồng lương - thì cơ hội bạn tìm thấy cảm giác an khang ở những lĩnh vực khác cũng sẽ tan biến nhanh chóng. Những người có mức độ hạnh phúc cao trong công việc có khuynh hướng thành công trong cuộc sống cao gấp hai lần người bình thường.
Hãy tưởng tượng rằng bạn có những mối quan hệ xã hội tuyệt vời, được đảm bảo về mặt tài chính và có sức khỏe tốt, nhưng bạn lại không thích công việc mình đang làm. Như thế, nhiều khả năng là hầu hết thời gian giao tiếp của bạn chỉ quẩn quanh với việc lo lắng hoặc phàn nàn về công việc tệ hại mà thôi. Điều này sẽ gây căng thẳng, tổn hại đến sức khỏe của bạn. Nếu mức độ hạnh phúc của bạn trong công việc thấp thì theo thời gian, điều đó có thể gây nguy hại đến các lĩnh vực khác.
Đánh mất bản sắc
Để đánh giá xem nghề nghiệp góp phần định hình bản sắc và sự an khang của chúng ta như thế nào, hãy xem xét những gì xảy ra khi một người rơi vào tình trạng thất nghiệp trong suốt một năm trời. Một nghiên cứu được đăng trên tờ Economic Journal cho thấy thất nghiệp có lẽ là sự kiện lớn duy nhất trong đời khiến người ta không thể hoàn toàn hồi phục trong vòng năm năm. Cuộc nghiên cứu này đã khảo sát 130.000 người trong vài thập kỷ, cho phép các nhà nghiên cứu nhìn nhận cách thức những sự kiện lớn trong đời như kết hôn, ly hôn, sinh con, mất đi người bạn đời… ảnh hưởng đến sự thỏa mãn trong cuộc sống theo thời gian.
Một trong những phát hiện của cuộc nghiên cứu này là thậm chí khi phải đối mặt với vài sự kiện đau thương nhất trong đời như cái chết của chồng hoặc vợ, thì sau một vài năm, người ta cũng hồi phục mức độ hạnh phúc bằng với trước khi người bạn đời của họ mất đi. Nhưng đối với những người bị thất nghiệp trong một thời gian dài thì mọi việc lại không diễn ra như thế, đặc biệt là đối với nam giới. Chúng ta sống vui vẻ trở lại sau cái chết của người bạn đời nhanh hơn là sau khi thất nghiệp trong thời gian dài.
Tác động đối với hạnh phúc
Trong những năm trước và sau khi sự kiện xảy ra
Điều này không có nghĩa là việc bị sa thải sẽ làm tổn hại đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc của bạn mãi mãi. Cuộc nghiên cứu trên cũng cho thấy rằng việc bị sa thải năm vừa rồi không dẫn đến thay đổi dài hạn đáng kể nào. Điều chính yếu là làm sao để tránh thời gian thất nghiệp kéo dài (hơn một năm) khi mà bạn chủ động tìm việc nhưng lại không thể tìm ra. Bên cạnh tổn thất rõ ràng về thu nhập do tình trạng thất nghiệp kéo dài thì sự thiếu vắng các mối giao tiếp xã hội và sự nhàm chán trong cuộc sống hàng ngày thậm chí có thể gây tổn hại nhiều hơn đối với trạng thái hạnh phúc trong cuộc sống của bạn.
Bạn không nhất thiết phải được trả lương hậu hĩnh thì mới có được niềm vui trong công việc, nhưng bạn cần phải tìm ra công việc mà mình yêu thích và có cơ hội được làm việc ấy mỗi ngày. Cho dù đó là việc văn phòng, việc tình nguyện, việc nuôi dạy con cái, hay tự kinh doanh, điều quan trọng nhất là bạn thật sự cảm thấy gắn bó với công việc mà mình đã chọn.
Chờ tiếng chuông reo
Hãy nhớ lại thời đi học, lúc ấy bạn phải ngồi trong lớp với tâm trạng chẳng thích thú gì. Có lẽ bạn cứ dán mắt vào chiếc đồng hồ hoặc lơ đãng nhìn tận đẩu tận đâu. Chắc bạn vẫn còn nhớ cảm giác nhấp nhổm lúc chờ tiếng chuông tan lớp vang lên để có thể rời khỏi bàn học. Hơn hai phần ba số người lao động trên thế giới cũng trải qua cảm giác tương tự vào cuối một ngày làm việc điển hình.
Để tìm hiểu nguyên nhân tại sao quá nhiều người chểnh mảng khi làm việc, chúng tôi đã tuyển dụng 168 nhân viên và nghiên cứu sự gắn bó, nhịp tim, mức độ căng thẳng và các cảm xúc khác nhau của họ trong một ngày. Trước khi cuộc nghiên cứu bắt đầu, chúng tôi đã thu thập dữ liệu về mức độ gắn bó với công việc của mỗi nhân viên cũng như kiểm tra sự khác biệt giữa các nhân viên toàn tâm toàn ý vào công việc và các nhân viên không mấy thiết tha với việc mình đang làm. Những người tham gia cuộc nghiên cứu mang theo các thiết bị cầm tay, có chức năng báo động vào những thời điểm nhất định trong ngày khi mà chúng tôi hỏi họ đang làm gì, ở cùng ai và một số câu hỏi khác về tâm trạng.
Chúng tôi cũng yêu cầu mỗi người tham gia đeo thiết bị nhỏ theo dõi nhịp tim. Vào cuối ngày, các thiết bị này - được dán vào ngực, vốn bé xíu, nhỏ hơn cả một đồng xu, được nối với một máy tính để tải dữ liệu. Việc này cho phép chúng tôi nghiên cứu sự tương quan giữa sự dao động nhịp tim và các sự kiện khác nhau trong ngày.
Các mẫu nước bọt cũng được thu thập để đo lường mức độ căng thẳng (thông qua nội tiết tố gây căng thẳng là cortisol). Mỗi khi thiết bị cầm tay phát ra tiếng bíp thì những người tham gia lại được yêu cầu nhổ nước bọt vào một ống nghiệm. Hàm lượng cortisol trong nước bọt giúp đo mức độ căng thẳng của họ vào từng thời điểm trong ngày.
Sau khi xem xét tất cả các dữ liệu này, chúng tôi phát hiện ra rằng những người say mê làm việc có trải nghiệm hoàn toàn khác so với những người còn lại. Ở họ, niềm vui và hứng thú trong suốt một ngày làm việc cao hơn và mức độ căng thẳng thấp hơn. Có lẽ đáng chú ý nhất là mức độ căng thẳng ở những người không chú tâm vào công việc giảm dần và mức độ hạnh phúc của họ tăng dần vào cuối ngày. Như bạn thấy trong biểu đồ sau, những người kém tập trung vào công việc đang làm và có mức độ hạnh phúc trong công việc thấp thường trông mong cho ngày làm việc mau chóng kết thúc.
Tập trung vào công việc và niềm vui trong một ngày
Ngày nào cũng như ngày cuối tuần
Cũng trong nghiên cứu này, chúng tôi đã khám phá ra sự khác biệt qua các trải nghiệm ngắn ngủi giữa ngày làm việc và ngày nghỉ. Những người gắn bó với công việc có cùng mức độ hạnh phúc giữa ngày làm việc và ngày nghỉ, chỉ có mức độ căng thẳng là hơi gia tăng khi họ làm việc. Tuy nhiên, những người không thiết tha với công việc có mức độ hạnh phúc và niềm hứng thú suy giảm mạnh, đồng thời mức độ căng thẳng lại tăng cao vào những ngày làm việc.
Đối với nhóm đầu, một ngày làm việc có thể hơi mệt mỏi hơn so với ngày nghỉ, nhưng điều đó được đền bù xứng đáng bởi mức độ hạnh phúc và thậm chí là nhiều hứng thú hơn khi họ làm việc. Còn nhóm sau thì chỉ sống cho ngày cuối tuần và sợ hãi những ngày đi làm. Vì vậy, nếu bạn thấy hạnh phúc với công việc hiện tại, bạn sẽ có được ngày cuối tuần và cả những ngày làm việc thật vui vẻ. Thời gian mà bạn dành để làm việc cũng thú vị không kém thời gian nghỉ ngơi.
Yêu thích công việc hàng ngày rất quan trọng. Jay là một kỹ sư cơ khí rất yêu thích công việc của mình. Như nhiều người khác, trong sự nghiệp, Jay đã trải qua nhiều việc khác nhau và có những lúc anh phải đối phó với sự tranh quyền đoạt vị hết sức mệt mỏi. Thế nhưng anh vẫn cố gắng đeo đuổi niềm đam mê đối với công việc quản lý dự án xây dựng. Chính niềm đam mê và sự hứng thú này đã giúp anh duy trì niềm hạnh phúc trong công việc ở mức độ cao.
Khi chúng tôi hỏi Jay điều gì tạo hứng thú cho anh nhiều nhất, anh đã mô tả niềm đam mê đối với quy trình vận hành của mọi thứ. Anh thích quá trình quyết định độ dày của các tấm sàn, khoảng cách giữa các cột và dầm thép dựa trên chiều cao của các bức tường. Jay mang cả niềm đam mê đó về nhà - anh thường xuyên tu sửa nhà cửa. Trong thời gian rảnh rỗi, anh nghiên cứu về thiết kế nền móng và các giải pháp thi công mới. Đây là một trong những khuôn mẫu mà chúng tôi đã quan sát thấy ở những người có mức độ hạnh phúc cao trong nghề nghiệp: Họ yêu công việc nhiều đến nỗi nó gần như hòa quyện vào cuộc sống cá nhân.
Liệu chỗ làm tệ có giết chết bạn?
Sự khác biệt rõ nét giữa một ngày cuối tuần vui vẻ và một ngày làm việc tồi tệ có thể lý giải nguyên nhân các cơn đau tim thường xảy ra vào những ngày đầu tuần. Điều này có thể là do sự chuyển tiếp khó chịu từ Chủ nhật sang thứ Hai. Trong nghiên cứu đã nêu, chúng tôi đã kiểm chứng được mức độ căng thẳng về mặt sinh lý (dựa trên hàm lượng cortisol trong các mẫu nước bọt) biến động từ ngày làm việc sang ngày cuối tuần.
Cortisol là một nội tiết tố làm tăng huyết áp và mức đường huyết, đồng thời làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Cortisol quan trọng trong hoạt động bình thường của cơ thể và sự gia tăng hàm lượng cortisol là cần thiết để kích hoạt phản ứng phòng vệ khi chúng ta gặp nguy hiểm. Nhưng thường thì chúng ta nhận định các tình huống nghiêm trọng hơn bản chất thực sự của nó.
Ví dụ, nếu sếp chỉ trích công việc của bạn, hoặc nếu bạn đang phải làm một công việc chán nản thì lượng cortisol của bạn sẽ nhanh chóng gia tăng. Khi đó, máu bắt đầu chảy nhanh hơn trong mao mạch. Nhịp tim tăng buộc bạn phải thở gấp hơn. Những gì bạn cảm nhận ở bên trong thì người khác cũng có thể nhìn thấy được từ bên ngoài khi đồng tử của bạn mở rộng và mồ hôi bắt đầu túa ra trên trán.
Trong khi sự kích hoạt phản ứng phòng vệ này rất tốt cho chúng ta trong tình huống khẩn cấp thật sự thì nó lại không hữu ích như thế trong một vụ kẹt xe hoặc một cuộc họp căng thẳng ở nơi làm việc. Đây không phải là tình huống sống còn, nhưng não bộ của chúng ta không nhận biết được sự khác biệt. Vì vậy, việc chuyển từ ngày Chủ nhật nhàn nhã ở nhà sang buổi sáng thứ Hai bận rộn ở nơi làm việc mà chúng ta chẳng lấy gì làm thiết tha có thể tác động xấu đến sức khỏe.
Công việc làm thay đổi não bộ và máu huyết
Gia tăng niềm hạnh phúc trong công việc có thể làm giảm nguy cơ lo âu và trầm cảm. Chúng tôi đã nghiên cứu một nhóm lớn các nhân viên được lựa chọn ngẫu nhiên, những người đồng ý giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi. Chúng tôi đo lường mức độ gắn bó với công việc của họ và hỏi họ liệu họ có từng được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hay không, rồi loại ra khỏi bảng phân tích những người trả lời “Có”. Khi liên hệ với những người còn lại trong nhóm vào năm sau, chúng tôi hỏi lại họ năm vừa qua họ có được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm hay không.
Hóa ra có đến 5% những người trong nhóm (những người không trầm cảm hồi năm trước) vừa mới được chẩn đoán mắc phải chứng bệnh này. Hơn nữa, những người không gắn bó với công việc hồi năm trước gần như có khuynh hướng bị trầm cảm cao gấp hai lần những người khác vào năm sau. Mặc dù có rất nhiều yếu tố góp phần gây trầm cảm, nhưng chán việc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng bệnh này.
Ngược lại, khi nhân viên trở nên gắn bó với công việc hơn thì sức khỏe của họ cũng được cải thiện tương ứng. Trong một nghiên cứu khác, chúng tôi đã theo dõi các nhân viên trong vòng hai năm để kiểm tra mối tương quan giữa sự thay đổi mức độ gắn bó với công việc và sự thay đổi về hàm lượng cholesterol và triglyceride(2). Chúng tôi quan sát mức độ gắn bó của họ trong mỗi sáu tháng và thu thập các mẫu máu để đo lường hàm lượng cholesterol và triglyceride mỗi năm.
(2) Triglyceride là hợp chất hóa học cung cấp cho cơ thể năng lượng cần thiết cho sự chuyển hóa. Đây là dạng chất béo thông thường nhất mà chúng ta tiêu thụ và là thành phần chính yếu của dầu thực vật và mỡ động vật. Mức triglyceride cao là yếu tố gây ra bệnh xơ vữa động mạch, tạo thành các mảng mỡ làm hẹp động mạch có thể dẫn đến đột quỵ, đau tim, gây bệnh gan nhiễm mỡ, bệnh viêm tụy.
Khi mức độ gắn bó với công việc của các nhân viên gia tăng thì hàm lượng cholesterol và triglyceride của họ lại giảm đi đáng kể. Còn những người có mức độ gắn bó với công việc giảm dần thì có hàm lượng cholesterol và triglyceride tăng dần. Kết quả này cho thấy những trải nghiệm của chúng ta ở nơi làm việc có khả năng trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe. Tăng niềm vui trong công việc có thể là một trong những ưu tiên quan trọng nhất cần xét đến nhằm duy trì tình trạng sức khỏe tốt theo thời gian.
Một vị sếp tốt có quan trọng như một bác sĩ giỏi?
Các nhà khoa học và kinh tế học hành vi ngày càng quan tâm đến cách mọi người sử dụng thời gian. Các nghiên cứu về cách sử dụng thời gian đã cung cấp dữ liệu quan trọng về việc mọi người dành thời gian ở cùng ai và cảm xúc của họ vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Một trong những phát hiện chính từ nghiên cứu này là người mà chúng ta ít thích ở cạnh nhất chính là… vị sếp của chúng ta.
Trong tất cả các nhóm được phân loại, từ bạn bè, họ hàng, đồng nghiệp, cho đến con cái, mọi người đều cho rằng khoảng thời gian họ phải ở cạnh cấp trên là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong ngày. Thậm chí cả khi so sánh với một danh sách những hoạt động thường nhật cụ thể thì thời gian ở cạnh sếp vẫn được xếp hạng thấp hơn thời gian làm việc vặt hoặc lau dọn nhà cửa. Điều này giúp lý giải tại sao một nghiên cứu trên hơn 3.000 nhân viên ở Thụy Điển đã chứng minh được những người cho rằng “sếp là người khó gần nhất” có nguy cơ gặp các vấn đề tim mạch nghiêm trọng cao hơn 24% so với người bình thường. Đối với những người đã làm việc với vị sếp ấy trong hơn bốn năm thì nguy cơ cao hơn 39%.
Nhóm nhân viên ít gắn bó với công việc của mình nhất mà chúng tôi từng nghiên cứu là những người có cấp trên thờ ơ. Nếu sếp phớt lờ bạn thì có 40% khả năng là bạn sẽ chủ động lơ là hoặc chán ghét công việc. Nếu sếp chú ý đến bạn, dù chú ý đến những điểm yếu, thì khả năng trên sẽ giảm xuống còn 22%. Nhưng nếu cấp trên chủ yếu tập trung vào các điểm mạnh của bạn thì khả năng chỉ còn 1%.
Hầu hết chúng ta đều không có quyền tự do lựa chọn cấp trên, đồng thời xem nhẹ tác động sâu sắc của mối quan hệ này đối với sự gắn bó trong công việc, sức khỏe và hạnh phúc. Một người không tìm thấy niềm vui trong công việc đã đúc kết: “Khi tôi trình bày một vấn đề với sếp, ông ta chẳng hề lắng nghe gì cả. Và rồi chất lượng sản phẩm giảm sút. Thật là chán, bởi tôi muốn làm tốt công việc. Nếu cấp trên của bạn không muốn lắng nghe hay quan tâm đến những gì bạn nói, bạn cũng sẽ đâm ra thờ ơ, chán nản như vậy thôi”. Rõ ràng, bên cạnh việc tìm hiểu danh tiếng của công ty, chức vụ, phúc lợi, hay mức thù lao mà mình nhận được, những người đang tìm việc cũng nên tìm hiểu xem cấp trên của mình là ai.
Vận dụng điểm mạnh để tránh kiệt sức
Nhận thức của nhiều người chúng ta được xây dựng dựa trên tiền đề rằng công việc là thứ chẳng mấy thích thú. Nhận thức sai lầm cơ bản này đã len lỏi vào xã hội và các mô hình kinh tế trên thế giới. Kết quả là người ta cố gắng rút ngắn số giờ làm việc trong ngày hay trong tuần và mọi người cố gắng để được nghỉ hưu càng sớm càng tốt. Rồi nghịch lý là khi đến tuổi hưu thì họ lại nhận ra rằng cuộc sống sẽ buồn chán biết bao nếu chẳng có việc gì để làm. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy gần hai phần ba số người bước sang tuổi 50 muốn được tiếp tục làm việc.
Một cuộc nghiên cứu vào năm 1958 do George Gallup(3) tiến hành cho thấy niềm vui trong công việc là một trong những điểm khác biệt chính yếu giúp con người sống qua tuổi 90. Gallup đã thực hiện các cuộc phỏng vấn sâu hàng trăm người Mỹ từ 95 tuổi trở lên. Kết quả cho thấy trong khi tuổi hưu quy định đối với nam giới vào thập niên 50 là gần 65, thì những người sống đến 95 tuổi vẫn chưa nghỉ hưu cho đến khi họ 80 tuổi. Đáng lưu ý hơn, 93% số người này cho rằng họ vô cùng hài lòng với công việc mình làm và 86% cho biết họ cảm thấy rất vui khi làm việc.
(3) George Horace Gallup (1901 – 1984) người phát minh ra phương pháp thăm dò ý kiến Gallup, một phương pháp thống kê rất thành công về nghiên cứu mẫu để đo lường ý kiến công chúng.
Một trong những yếu tố cốt lõi để có được niềm vui trong công việc là có cơ hội vận dụng các điểm mạnh mỗi ngày. Khi tập trung vào điểm mạnh và gặt hái thành công từng ngày, thì thay vì chăm chăm nghĩ đến thất bại, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều hơn. Những người có cơ hội vận dụng điểm mạnh có khuynh hướng gắn bó với công việc cao hơn gấp sáu lần và đạt được chất lượng cuộc sống cao gấp ba lần so với những người còn lại. Các dữ liệu toàn cầu của chúng tôi cho thấy họ thích làm việc trọn 40 giờ đồng hồ một tuần, trong khi những người không được vận dụng điểm mạnh thì kiệt sức chỉ sau 20 giờ.
Nhưng bạn không tài nào tránh khỏi tình trạng kiệt sức và quá tải, ngay cả khi làm công việc mà mình yêu thích. Làm việc liên tục suốt 60 giờ một tuần là một ý tồi, bất luận bạn có yêu công việc của mình đến đâu chăng nữa.
Các yếu tố cốt lõi của niềm vui trong công việc
Những người có mức độ hài lòng cao trong công việc thức giấc với tâm trạng háo hức đón chào ngày mới. Cho dù làm việc ở đâu thì họ cũng có cơ hội vận dụng các điểm mạnh và nhờ đó mà họ tiến bộ lên mỗi ngày. Họ thường có mục đích sống sâu sắc và có kế hoạch đạt được những mục tiêu của mình. Trong hầu hết các trường hợp, cấp trên là những người truyền nhiệt huyết cho họ, xây dựng viễn cảnh tốt đẹp về tương lai và họ có những người bạn cùng chia sẻ niềm đam mê.
Không như bạn nghĩ, họ dành nhiều thời gian không phải để làm việc mà để tận hưởng cuộc sống, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và trân trọng những gì mình có. Điều quan trọng hơn cả là họ yêu thích công việc mình làm mỗi ngày.
Ba gợi ý thúc đẩy niềm đam mê trong công việc
1. Hãy vận dụng điểm mạnh của bạn mỗi ngày.
2. Hãy chọn ra một người cùng chia sẻ trách nhiệm trong công việc với bạn, khích lệ sự phát triển của bạn. Hãy dành thêm nhiều thời gian ở cạnh người này.
3. Hãy dành thêm thời gian giao tiếp với các cộng sự ở nơi làm việc - những người mà bạn yêu mến.