Chỉ vài tháng trước khi bị ám sát vào năm 1968, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy (tên thân mật Bobby Kennedy, em trai tổng thống Mỹ John F. Kennedy) có nói người Mỹ vẫn còn đánh giá sự phát triển cuộc sống, các tổ chức và cộng đồng dựa trên những tiêu chuẩn hạn hẹp và nông cạn:
Chúng ta dường như để việc tích cóp vật chất lấn át sự ưu việt và những giá trị cộng đồng. Tổng sản phẩm quốc nội… - nếu đánh giá nước Mỹ bằng tiêu chuẩn này - có tính cả ô nhiễm không khí và quảng cáo thuốc lá cùng những xe cứu thương dọn sạch xác chết trên đường cao tốc. Tính cả những ổ khóa cửa đặc biệt và tù đày cho những kẻ cố tình phá hỏng. Tính cả sự tàn phá những cây gỗ quý hiếm và sự biến mất của bao kỳ quan thiên nhiên từ những cuộc khai thác bừa bãi. Tính cả bom napan và chi phí đầu đạn hạt nhân cùng những xe cảnh sát bọc thép chống bạo động trên đường phố. Tính cả súng trường Whitman và dao Speck cùng những chương trình truyền hình tô vẽ bạo lực nhằm bán đồ chơi cho con em chúng ta.
Thế nhưng, tổng sản phẩm quốc nội không tính đến sức khỏe, chất lượng giáo dục và niềm vui chơi đùa của con em chúng ta. Cũng không tính đến vẻ đẹp thơ ca, sức mạnh của hôn nhân, trí tuệ của buổi tranh luận công khai, hay tính chính trực của công chức. Nó không đo lường trí thông minh lẫn lòng quả cảm, sự thông thái lẫn hiểu biết, tình yêu lẫn sự tận tâm của chúng ta dành cho đất nước. Nói tóm lại, nó đo đếm tất cả, trừ những thứ làm cho cuộc sống trở nên đáng sống.
Như Kennedy đã hùng hồn mô tả, cuộc sống là hỗn hợp của rất nhiều thứ, chứ không chỉ có sản lượng kinh tế. Để có một cuộc sống đáng sống, không chỉ cho bản thân mà cho cả những người xung quanh, chúng ta cần tìm điều gì đó yêu thích để làm, đồng thời đem lại lợi ích cho xã hội. Chúng ta cần dành thời gian vun đắp tình cảm với những người yêu thương. Chúng ta cần sự đảm bảo về tài chính để đáp ứng nhu cầu của gia đình. Chúng ta cần thích nghi với lối sống lành mạnh để có sức khỏe và năng lượng tiếp bước mỗi ngày.
Chúng ta cũng cần đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn ngay từ bây giờ. Như nhà kinh tế học đạt giải Nobel Thomas Schelling mô tả, chúng ta cư xử như thể hai người khác nhau: người thì muốn có một cơ thể thon gọn, còn người kia thì muốn ăn thêm món tráng miệng.
Ngay cả cách chúng ta phân bố thời gian, dù chỉ là những thay đổi nhỏ, cũng có thể mở ra những ngày tốt đẹp. Ngủ thêm nửa tiếng hay tăng thời gian giao tiếp xã hội thêm một giờ đồng hồ cũng có thể tạo nên sự khác biệt giữa một ngày tuyệt vời và một ngày bình thường. Thay đổi một chút thói quen cũng có thể tạo ảnh hưởng lớn lao đến chất lượng sống mỗi ngày.
Một ngày, chúng ta ngồi ngay xuống giải quyết công việc thay vì làm vài động tác khởi động, uể oải dán mắt vào tivi thay vì ra ngoài tập thể dục, hay gây ra điều bực dọc đến vài tuần hay vài tháng sau. Chúng ta cũng có nghĩ đến chuyện đóng góp cho cộng đồng, nhưng rồi sau đó gác lại và không bao giờ để ý đến nữa. Và rồi một chu kỳ có hại bắt đầu.
Đến một ngày chúng ta ăn không ngon, lười tập thể dục, căng thẳng trong công việc, không có đủ thời gian gặp gỡ mọi người và lo lắng về tiền bạc thì sẽ xảy ra hàng loạt điều tiêu cực. Vào những ngày như thế, chúng ta thiếu năng lượng, mệt mỏi rã rời, cư xử không tốt và đêm về trằn trọc không an giấc. Kết quả là chúng ta bỏ lỡ nút khởi động giấc-ngủ- sâu, nên chu kỳ trên lại tiếp diễn.
Khi chấm dứt tình trạng xuống tinh thần và có được một đêm ngon giấc, chúng ta sẽ quay về mốc khởi đầu đúng đắn. Như vậy, ta sẽ thức dậy thật sảng khoái và tăng cơ hội tập thể dục buổi sáng. Nếu có thể vận dụng những điểm mạnh trong công việc mỗi ngày thì những hoạt động thường nhật sẽ gắn liền với mục tiêu cao hơn và ta sẽ hoàn thành tốt nhiều việc hơn. Chỉ cần dành ra sáu giờ giao tiếp thì cơ hội có những giây phút vui vẻ sẽ tăng lên gấp 10 lần.
Một trong những cách tốt nhất để có được nhiều ngày tốt đẹp là tạo ra những mặc định tích cực. Bất cứ khi nào cái-tôi-nhất-thời có sự hòa hợp với cái-tôi-trường-tồn thì bạn đã cho mình thêm một cơ hội. Khi đó, bạn có thể chủ động dành thời gian ở cạnh người bạn yêu quý nhất và phát huy điểm mạnh một cách tối ưu; có thể cân đối tài chính để giảm thiểu nỗi lo nợ nần; tạo thói quen tập thể dục hàng ngày; chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe; và gắn kết với cộng đồng, hay nhóm tình nguyện một khi đã tham gia. Qua những chọn lựa hàng ngày này, tình bạn, tình cảm trong gia đình, trong công ty và trong cộng đồng của bạn ngày càng thêm bền chặt.
Yếu tố nào quan trọng nhất trong năm yếu tố?
Bạn có thể băn khoăn đâu là yếu tố quan trọng nhất trong năm yếu tố cấu thành một cuộc sống an khang, hạnh phúc: công việc, xã hội, tài chính, thể chất hay đời sống cộng đồng. Chúng tôi đã xếp năm yếu tố vào năm chương dựa vào thứ tự tầm quan trọng đối với những người bình thường được khảo sát. Có nghĩa là trung bình thì niềm vui trong công việc ảnh hưởng nhiều hơn một chút so với sự bền vững về thể chất hay yên vui trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, bất kỳ yếu tố nào trong năm yếu tố trên đều là dự báo quan trọng cho những thành quả khác nhau trong cuộc sống.