Trong khi năm yếu tố cấu thành hạnh phúc biểu thị việc đánh giá toàn diện cuộc sống thì trải nghiệm hàng ngày đóng vai trò quan trọng không kém. Những trải nghiệm nhất thời tích lũy và định hình cuộc sống của chúng ta. Và chính trong những trải nghiệm hàng ngày này, chúng ta bắt đầu tạo nên những thay đổi thực sự trong cách ứng xử. Để hiểu được những trải nghiệm cụ thể ảnh hưởng đến hạnh phúc, các nhà tâm lý học và kinh tế học hàng đầu đã dành nhiều thời gian trong thập kỷ qua để khám phá đề tài này.
Gần đây, nhóm các nhà khoa học giàu kinh nghiệm của tổ chức Gallup đã đưa ra phương pháp National Time Accounting để đo đếm cách chúng ta sử dụng thời gian. Nghiên cứu này mang đến cách tiếp cận độc đáo những trải nghiệm hàng ngày, đồng thời tiết lộ những hoạt động cụ thể mà chúng ta yêu thích nhất và nhóm người mà chúng ta mong muốn hay không mong muốn ở cạnh nhất.
Trong nghiên cứu, những người tham gia được khảo sát về lượng thời gian dành cho 45 hoạt động khác nhau - theo thứ tự từ những hoạt động không thường xuyên, như tham dự một sự kiện thể thao đến những hoạt động thường xuyên hơn, như xem tivi hay làm việc. Bởi vì trong số 45 hoạt động này có những hoạt động chúng ta bỏ ra không đến 1% tổng thời gian trong một ngày, nên các nhà nghiên cứu đã gộp chúng lại thành sáu nhóm chung(4).
(4) Sáu nhóm chung được xác định là: công việc (việc làm, sửa chữa nhà cửa), việc lặt vặt trong nhà (rửa chén bát, giặt ủi), thú vui (xem tivi, nấu nướng), hoạt động giải trí (thăm bạn bè, nghe nhạc), việc thích làm hàng ngày (mua sắm, sử dụng máy vi tính), việc buộc phải làm (chăm sóc y tế, quan tâm đến tài chính).
Cách sử dụng thời gian
Chúng ta thích làm gì nhất
Để đánh giá mức độ yêu thích của chúng ta trong những hoạt động nhất định, các nhà nghiên cứu đã tạo ra công thức tính mức độ hạnh phúc, mệt mỏi, căng thẳng, muộn phiền, thích thú và đau đớn của mỗi người trong từng hoạt động. Điều này cho phép họ so sánh ảnh hưởng của cách phân bổ thời gian trong mỗi lĩnh vực lên hạnh phúc hàng ngày. Như bạn thấy trong biểu đồ dưới đây, mọi người hạnh phúc và thích thú nhất khi tham gia các hoạt động giải trí.
Biểu đồ dưới đây cho thấy còn có một khoảng cách đáng kể giữa các mức độ thích thú mà chúng ta nhận được từ các hoạt động khác nhau.
10 hoạt động yêu thích nhất
10 hoạt động ít yêu thích nhất
Ví dụ, nghe nhạc là một trong những hoạt động được yêu thích nhất không chỉ vì người ta thấy vui hơn khi nghe nhạc, mà còn vì mức căng thẳng gắn liền với nó là vô cùng thấp. Chơi với trẻ con cũng thực sự làm gia tăng mức độ hạnh phúc, nhưng mức căng thẳng gắn liền lại cao hơn một chút so với nghe nhạc.
Khảo sát còn cho thấy xu hướng xem tivi giải trí ngày càng tăng cao. Trong những năm 60, phụ nữ chỉ dành 8% còn đàn ông dành 11% thời gian trong ngày để xem tivi, nhưng ngày nay con số đó đã lên đến 15% và hơn 17%.
Nghiên cứu toàn cầu của Gallup chỉ ra rằng tivi đóng vai trò tích cực trong hầu hết các gia đình trên khắp thế giới. Trung bình, những người có tivi trong nhà thường vui vẻ, hạnh phúc hơn những người không có tivi. Mức độ hài lòng về cuộc sống của họ cao hơn 10% và họ cũng lạc quan về tương lai hơn.
Thậm chí, khi so sánh với những người có cùng mức thu nhập, những người có tivi vẫn lạc quan và có mức độ hạnh phúc cao hơn. Kết quả này cho thấy trên thước đo toàn cầu thì việc sở hữu một chiếc tivi đem lại lợi ích thực sự. Ví dụ, ở những quốc gia đang phát triển, tivi có thể phổ biến những thông tin cơ bản, kiến thức và kết nối với những gì đang xảy ra trên khắp thế giới.
Chúng ta thích ở bên cạnh ai nhất
Qua tất cả các nghiên cứu về hạnh phúc hàng ngày, chúng tôi nhận thấy một trong những yếu tố dự báo chính xác nhất về những ngày tốt đẹp và những ngày tồi tệ là lượng thời gian mọi người dành cho bạn bè và người thân. Nhóm nhà nghiên cứu khoa học của chúng tôi đã tạo nên “chỉ số khó chịu” (U-Index) để đo tỉ lệ thời gian mọi người trải qua trạng thái không thoải mái khi ở cạnh một người cụ thể. Chỉ số này là tỉ lệ thời gian mà mức cảm xúc tiêu cực (“muộn phiền”, “giận dữ”, “chán nản”) vượt qua mức cảm xúc tích cực (“hạnh phúc”, “thích thú”, “thân thiện”).
Biểu đồ trên cho thấy so với bạn bè thì thời gian ở cạnh cấp trên gây khó chịu hơn gấp hai đến bốn lần. Điều này thể hiện rõ hơn ở đàn ông.
Mặc dù về trung bình, thời gian ở cạnh cấp trên là thời gian tồi tệ nhất trong ngày nhưng không nhất thiết phải như vậy. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hàng ngàn nhà quản lý đã đảo ngược chuyện này bằng cách cố gắng nâng cao mức độ gắn bó của nhân viên cũng như nâng cao thành tích của công ty.
Xét ảnh hưởng của niềm vui trong công việc trên phương diện tâm lý thì các nhà lãnh đạo và tổ chức cần quan tâm nhiều hơn những tác động lên hạnh phúc của mỗi nhân viên.