G
iáo đường Do Thái lớn nhất châu Âu nằm tại Budapest trên Phố Dohány. Được xây dựng theo phong cách Moor với cặp tháp nhọn đồ sộ, giáo đường có đủ chỗ cho hơn ba nghìn tín đồ - với những hàng ghế dài dưới nhà cho nam giới và các ghế băng trên ban công cho phụ nữ.
Ngoài vườn, có một hố chôn tập thể là nơi mai táng xác của những người Do Thái Hungary đã chết trong những sự kiện kinh khủng thời Đức Quốc xã chiếm đóng. Nơi này được đánh dấu bằng một Cây Sự sống - một tác phẩm điêu khắc bằng kim loại mô tả một cây liễu rủ với mỗi nhành lá có khắc tên một nạn nhân. Khi có gió thổi, những nhành lá kim loại lanh canh va vào nhau, vang lên thứ tiếng vọng rất kỳ quái phía trên vùng đất thánh thiêng.
Suốt hơn ba thập niên, vị thủ lĩnh tinh thần của Đại Giáo đường là học giả giáo luật kiêm thầy bí thuật rất xuất chúng - Giáo trưởng Yehuda Köves - người mà, mặc dù tuổi tác đã cao và sức khỏe yếu, ông ấy vẫn là một thành viên tích cực của cộng đồng Do Thái ở cả Hungary và trên thế giới.
Lúc mặt trời lặn bên kia dòng Danube, Giáo trưởng Köves rời giáo đường. Ông ấy băng qua các gian hàng và “những quầy rượu đổ nát” bí ẩn của Phố Dohány trên đường trở về nhà mình chỗ Quảng trường Marcius 15, chỉ cách Cầu Elisabeth một tầm ném đá, công trình kết nối hai thành phố cổ Buda và Pest, được chính thức hợp nhất năm 1873.
Kỳ lễ Quá hải đang đến rất gần - bình thường đây vẫn là một trong những khoảng thời gian vui vẻ nhất trong năm của Köves - thế nhưng, kể từ lúc ông ấy từ Nghị viện các Tôn giáo Thế giới trở về tuần trước, ông ấy chỉ cảm thấy một sự lo lắng vô tận.
Ước gì ta không bao giờ tham dự.
Buổi gặp gỡ đặc biệt với Giám mục Valdespino, Allamah Syed al-Fadl và nhà vị lai chủ nghĩa Edmond Kirsch đã ám ảnh suy nghĩ của Köves suốt ba ngày liền.
Giờ đây, lúc Köves về đến nhà, ông sải bước thẳng ra khu vườn trong sân và mở khóa căn házikó - căn nhà gỗ nhỏ dùng làm điện thờ và phòng làm việc riêng của ông.
Căn nhà gỗ là một gian phòng duy nhất với những giá sách cao võng xuống dưới sức nặng của những bộ sách tôn giáo. Köves sải bước tới bên bàn làm việc và ngồi xuống, cau mày nhìn mớ lộn xộn trước mặt.
Nếu có bất kỳ ai nhìn thấy bàn của ta trong tuần này, họ sẽ nghĩ ta mất trí.
La liệt khắp mặt bàn, có đến nửa tá văn bản tôn giáo khó hiểu mở toang, có gắn những miếng dán ghi chú. Đằng sau đó, cũng mở toang trên những chiếc giá gỗ, là ba tập sách nặng trịch - các bản tiếng Do Thái, tiếng Aramaic[17], và cả bản tiếng Anh của bộ Ngũ thư[18] - tập nào cũng mở vào đúng một cuốn.
[17] Ngôn ngữ chính của vùng Cận Đông cổ đại, hình thành khoảng thế kỷ IV trước Công nguyên, hiện còn thông dụng ở Syria, Iran, Iraq.
[18] Ngũ thư: Năm quyển sách đầu tiên trong Thánh kinh Do Thái giáo.
Sáng thế ký.
Lúc mở đầu...
Dĩ nhiên, bằng trí nhớ, Köves có thể trích dẫn Sáng thế ký bằng cả ba thứ ngôn ngữ; ông ấy càng có khả năng đọc những dẫn giải học thuật về kinh điển Zohar hay còn gọi là luận thuyết vũ trụ học bí truyền cao cấp. Với một học giả có năng lực như Köves thì nghiên cứu Sáng thế ký chẳng khác gì Einstein quay lại nghiên cứu số học bậc tiểu học. Tuy nhiên, đó lại chính là những gì ngài giáo trưởng thực hiện trong tuần này, và tập giấy ghi chép trên bàn ông ấy xem ra đã nhằng nhịt những dòng ghi chú nguệch ngoạc viết vội, lộn xộn đến mức chính Köves cũng khó nhận ra.
Trông mình như đã hóa điên mất rồi.
Giáo trưởng Köves bắt đầu với Ngũ thư - câu chuyện Sáng thế ký mà cả người Do Thái và người Thiên Chúa giáo cùng chung nhau. Lúc mở đầu Chúa trời tạo ra Thiên đàng và Trái Đất. Tiếp đến, ông ấy chuyển sang những văn bản chỉ dẫn về giáo luật Do Thái, đọc lại những chỗ giải thích của các bậc giáo trưởng về Ma’aseh Bereshit - Công việc Sáng tạo. Sau đó, ông ấy lại nghiên cứu kỹ thuật giảng giải Kinh thánh Do Thái, nghiền ngẫm những dẫn giải của nhiều bậc trí giả khả kính, những người đã cố gắng giải thích những điểm mâu thuẫn dễ thấy trong câu chuyện Sáng tạo truyền thống. Cuối cùng, Köves vùi mình trong khoa học bí truyền của kinh điển Zohar, trong đó vị Chúa trời bất khả tri thể hiện mười sephirot, hay phương diện, khác nhau bố trí dọc theo các mạch nguồn gọi là Cây Sự sống, từ đó trổ ra bốn vũ trụ riêng biệt.
Tính chất phức tạp khó hiểu của các tín điều hình thành nên Do Thái giáo vốn lại luôn khiến Köves thấy dễ chịu - một lời nhắc nhở từ Chúa trời rằng ngài không có ý định để nhân loại hiểu tất cả mọi việc. Và lúc này đây, sau khi xem thuyết trình của Edmond Kirsch và suy ngẫm về sự đơn giản và rõ ràng trong những gì Kirsch phát hiện ra, Köves cảm thấy như thể mình đã bỏ ra ba ngày vừa qua chỉ để nghiền ngẫm một mớ những điều mâu thuẫn lỗi thời. Đã có lúc, tất cả những gì ông ấy có thể làm là gạt bỏ những văn bản cổ của mình và đi bộ một quãng dài dọc sông Danube để tập trung suy nghĩ.
Cuối cùng, Giáo trưởng Köves cũng bắt đầu chấp nhận một sự thật đau đớn: Thực tế, công trình của Kirsch sẽ có những tác động tai hại cho những sinh linh sùng đạo trên thế giới này. Khám phá của nhà khoa học này trái ngược rõ rệt gần như với tất cả những giáo điều tôn giáo đã từng được xác lập và cái điều ấy lại thể hiện một cách thuyết phục và đơn giản đến xót xa.
Ta không thể quên được hình ảnh cuối cùng ấy, Köves nghĩ, nhớ lại phần kết luận kinh khủng trong thuyết trình của Kirsch mà họ đã xem trên chiếc điện thoại quá khổ của Kirsch. Tin tức này sẽ tác động đến mọi con người - không chỉ những người mộ đạo.
Giờ đây, bất chấp mọi nghiền ngẫm của ông ấy suốt vài ngày qua, Giáo trưởng Köves vẫn cảm thấy không tiến triển chút nào để biết cần phải làm gì với thông tin mà Kirsch cung cấp.
Ông ấy ngờ rằng Valdespino và al-Fadl cũng chẳng thấy gì sáng tỏ hơn. Cả ba người đã liên lạc qua điện thoại hai ngày trước, nhưng cuộc trò chuyện không đem lại kết quả gì.
“Các bạn của tôi,” Valdespino mở lời. “Rõ ràng, thuyết trình của anh Kirsch rất đáng ngại... ở nhiều cấp độ. Tôi đã giục anh ta gọi và thảo luận thêm với tôi, nhưng anh ta im bặt. Giờ tôi tin chúng ta phải đưa ra một quyết định.”
“Tôi đã có quyết định của mình,” al-Fadl nói. “Chúng ta không thể ngồi yên. Chúng ta cần kiểm soát tình hình này. Ai cũng rõ là Kirsch rất coi thường tôn giáo và anh ta sẽ trình bày phát hiện của mình theo cách gây hại hết mức cho tương lai của niềm tin. Chúng ta phải chủ động thôi. Chúng ta phải đích thân công bố phát hiện của anh ta. Ngay lập tức. Chúng ta phải soi rọi nó bằng thứ ánh sáng phù hợp để làm nhẹ bớt tác động và khiến cho nó bớt hăm dọa các tín đồ trong thế giới tinh thần.”
“Tôi nhận ra là chúng ta thảo luận chuyện công bố,” Valdespino nói, “nhưng rất tiếc, tôi không sao hình dung được ta phải trình bày thông tin này mà không gây hăm dọa như thế nào.” Ông ấy thở dài thườn thượt. “Lại còn vấn đề chúng ta đã thề với Kirsch rằng chúng ta sẽ giữ bí mật cho anh ta.”
“Phải,” al-Fadl nói, “và tôi cũng thấy mâu thuẫn trong chuyện vi phạm lời thề ấy, nhưng tôi cảm thấy chúng ta phải chọn phương án bớt tệ hại hơn và hành động nhân danh điều tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta đều bị công kích - Hồi giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, mọi tôn giáo - và cứ nghĩ đến những tín điều của chúng ta đều đồng quy trên những chân lý cơ bản mà Kirsch đang hủy hoại, chúng ta có nghĩa vụ nói ra vấn đề này theo cách không làm tổn hại các cộng đồng của mình.”
“Tôi e rằng không có cách nào làm được vậy,” Valdespino nói. “Nếu chúng ta có ý định công bố cái tin của Kirsch thì cách khả dĩ duy nhất là tạo ra nghi ngờ đối với phát hiện của anh ta - khiến anh ta mất uy tín trước khi anh ta có thể tiết lộ thông điệp của mình.”
“Edmond Kirsch ư?” al-Fadl băn khoăn. “Một nhà khoa học xuất chúng chưa bao giờ sai lầm về bất kỳ chuyện gì ư? Tất cả chúng ta đều có mặt trong cuộc gặp với Kirsch phải không? Phần thuyết trình của anh ta rất thuyết phục.”
Valdespino làu bàu. “Cũng chẳng thuyết phục hơn những thuyết trình của Galileo, Bruno hay Copernicus lúc sinh thời đâu. Các tôn giáo trước đây đều từng gặp khó khăn rồi. Lần này chỉ là khoa học đập cửa chúng ta một lần nữa thôi mà.”
“Nhưng lại ở một mức độ sâu hơn rất nhiều so với những phát hiện về vật lý và thiên văn!” al-Fadl kêu lên. “Kirsch đang thách thức điều cốt lõi - cái gốc rễ căn bản của mọi thứ chúng ta tin tưởng! Ngài có thể dẫn lại lịch sử tùy ý ngài, nhưng xin chớ quên, bất chấp những nỗ lực rất lớn của Vatican của ngài nhằm bắt những người như Galileo im lặng, rốt cuộc khoa học của ông ấy vẫn thắng thế. Và rồi Kirsch cũng sẽ vậy. Chẳng có cách nào ngăn được chuyện này xảy ra đâu.”
Một sự im lặng hoàn toàn.
“Quan điểm của tôi về chuyện này rất đơn giản,” Valdespino nói. “Tôi ước gì Edmond Kirsch không có phát hiện này. Tôi sợ rằng chúng ta chưa sẵn sàng xử lý những phát hiện của anh ta. Và ưu tiên mạnh mẽ của tôi là thông tin này không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng ban ngày.” Ông ấy ngừng lại. “Đồng thời, tôi tin rằng những sự kiện trên thế giới của chúng ta đều diễn ra theo ý Chúa. Có lẽ bằng cách cầu nguyện, Chúa sẽ nói chuyện với Kirsch và thuyết phục anh ta cân nhắc lại chuyện công bố phát hiện của mình.”
Al-Fadl giễu cợt thấy rõ. “Tôi không nghĩ Kirsch là hạng người có khả năng nghe được tiếng nói của Chúa đâu.”
“Có lẽ là không,” Valdespino nói. “Nhưng phép màu vẫn xảy ra hằng ngày mà.”
Al-Fadl nôn nóng vặn lại. “Bằng tất cả sự kính trọng, trừ phi ngài cầu nguyện rằng Chúa đánh chết Kirsch trước khi anh ta có thể công bố...”
“Thưa các ngài!” Köves xen vào, cố gắng làm giảm sự căng thẳng đang tăng lên. “Quyết định của chúng ta không cần vội vàng. Chúng ta không cần phải đạt được đồng thuận trong tối nay. Kirsch nói còn một tháng nữa mới công bố mà. Tôi xin gợi ý rằng chúng ta hãy tự suy ngẫm kỹ chuyện này và bàn bạc lại sau vài ngày nữa được không? Có lẽ phương pháp phù hợp sẽ tự hé lộ trong khi nghiền ngẫm.”
“Ý kiến rất sáng suốt,” Valdespino đáp lời.
“Chúng ta không nên chờ đợi quá lâu,” al-Fadl cảnh báo.
“Chúng ta sẽ bàn bạc lại qua điện thoại sau hai ngày nữa nhé.”
“Đồng ý,” Valdespino nói. “Khi đó chúng ta có thể đưa ra quyết định cuối cùng của mình.”
Đó là hai ngày trước, và lúc này, buổi tối cho cuộc trò chuyện tiếp theo của họ đã đến.
Một mình trong phòng làm việc của mình, Giáo trưởng Köves càng thêm bồn chồn. Cuộc gọi theo hẹn vào tối nay lúc này chỉ còn ngót mười phút nữa là đến.
Cuối cùng, điện thoại đổ chuông và Köves vồ lấy nó.
“Chào ngài, Giáo trưởng,” Giám mục Valdespino nói, nghe đầy lo lắng. “Tôi xin lỗi vì trễ hẹn.” Ông ấy ngừng lại. “Tôi e rằng ngài Allamah al-Fadl sẽ không tham gia cuộc gọi này với chúng ta.”
“Ồ?” Köves ngạc nhiên nói. “Mọi chuyện vẫn ổn chứ?”
“Tôi không rõ. Tôi đã cố gắng liên lạc với ông ấy cả ngày rồi, nhưng có vẻ như ngài allamah đã... biến mất. Không một đồng đạo nào của ông ấy biết ông ấy ở đâu.”
Köves cảm thấy lạnh toát. “Việc đó đáng lo đấy.”
“Tôi cũng cho là thế. Tôi hy vọng ông ấy không sao. Rất tiếc là tôi có thêm tin tức.” Vị giám mục ngừng lại, giọng ông ấy càng u ám hơn. “Tôi vừa được biết rằng Edmond Kirsch sắp tổ chức một sự kiện để chia sẻ phát hiện của mình với thế giới... vào tối nay.”
“Tối nay sao?!” Köves hỏi lại. “Anh ta nói sẽ là một tháng nữa cơ mà!”
“Phải” Valdespino nói. “Anh ta đã nói dối.”