G
iọng nói thân thiện của Winston lại vang lên trong chiếc tai nghe của Langdon. “Thẳng trước mặt ngài, thưa Giáo sư, ngài sẽ thấy bức tranh lớn nhất trong bộ sưu tập của chúng tôi, mặc dù hầu hết quan khách không nhận ra nó.”
Langdon phóng mắt nhìn qua tiền sảnh bảo tàng nhưng chẳng thấy gì ngoài một vách kính nhìn thẳng xuống đầm nước. “Tôi rất tiếc, tôi nghĩ mình có thể cũng nằm trong nhóm đa số ở đây. Tôi chẳng hề thấy bức tranh đâu cả.”
“Chà, nó được trưng bày rất khác thông lệ,” Winston bật cười nói. “Bức vẽ không được treo trên tường, mà ngay trên sàn nhà.”
Đáng lẽ mình phải đoán ra chứ, Langdon nghĩ, hạ ánh mắt và di chuyển về phía trước cho tới khi anh nhìn thấy bức vẽ hình chữ nhật trải dài trên nền đá dưới chân mình.
Bức tranh khổng lồ chỉ gồm một màu duy nhất cả một trường đơn sắc màu xanh nước biển thẫm - và người xem đứng quanh rìa của nó, đăm đăm nhìn xuống như thể đang nhìn xoáy xuống một cái ao nhỏ.
“Bức tranh này cỡ năm trăm năm mươi bảy mét vuông,” - Winston cung cấp.
Langdon nhận ra nó rộng gấp mười lần kích thước căn hộ đầu tiên của mình ở Cambridge.
“Nó là tác phẩm của Yves Klein và được trìu mến biết đến với tên gọi Bể bơi.”
Langdon phải thừa nhận rằng cái sắc màu xanh dương lôi cuốn này tạo cho ông cảm giác ông có thể lao mình thẳng xuống bức tranh.
“Klein sáng chế ra màu này,” Winston nói tiếp. “Nó được gọi là màu Xanh dương Klein Quốc tế và ông ấy tuyên bố rằng chiều sâu của bức vẽ gợi lên tính vô hình và vô tận trong hình ảnh không tưởng của ông ấy về thế giới.”
Langdon cảm thấy lúc này Winston đang đọc kịch bản.
“Klein nổi tiếng nhất với những bức vẽ màu xanh dương, nhưng ông ấy cũng nổi tiếng với một bức ảnh dựng trông rất đáng sợ gọi là Nhảy vào khoảng trống, từng gây hoảng loạn khi được hé lộ năm 1960.”
Langdon từng xem bức Nhảy vào khoảng trống tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York. Bức ảnh hơi gây hoang mang khi mô tả một người đàn ông ăn mặc rất bảnh bao đang lao mình khỏi một tòa nhà cao tầng và sắp rơi xuống vỉa hè. Thực tế, đó là hình ảnh dựng - được sáng tác rất xuất sắc và chỉnh sửa cực khéo bằng một lưỡi dao cạo, rất lâu trước khi ra đời phần mềm Photoshop.
“Thêm nữa,” Winston nói. “Klein cũng sáng tác tác phẩm âm nhạc Monotone-Silence (Sự im lặng đều đều), trong đó một dàn nhạc giao hưởng từng biểu diễn chỉ với một hợp âm Rê trưởng duy nhất trong trọn vẹn hai mươi phút.”
“Và mọi người vẫn nghe à?”
“Cả nghìn người nghe. Mà một hợp âm chỉ là màn đầu. Trong màn thứ hai, dàn nhạc ngồi bất động và trình diễn ‘sự im lặng thuần túy’ suốt hai mươi phút.”
“Anh đang đùa phải không?”
“Không, tôi hết sức nghiêm túc. Nếu nói bênh vực thì màn trình diễn có lẽ không buồn chán như nghe qua vậy đâu; sân khấu còn có ba người phụ nữ khỏa thân, người thấm đẫm sơn màu lam, lăn lộn trên những tấm toan khổng lồ.”
Mặc dù Langdon dành phần lớn sự nghiệp của mình nghiên cứu về nghệ thuật, nhưng ông vẫn thấy băn khoăn chuyện mình chưa bao giờ biết rõ cách thưởng thức những đề xướng mang tính tiên phong của thế giới nghệ thuật. Sức hấp dẫn của nghệ thuật hiện đại vẫn là một bí ẩn với ông.
“Tôi không có ý xem thường, anh Winston, nhưng tôi phải nói với anh rằng tôi thường thấy khó nhận biết được khi nào thì một thứ là ‘nghệ thuật hiện đại’ và khi nào thì một thứ lại hoàn toàn là dị hợm.”
Câu trả lời của Winston nghe thật vô cảm. “Ôi dào, thường đó là một câu hỏi, phải không ạ? Trong thế giới nghệ thuật cổ điển của ngài, các tác phẩm được tôn sùng nhờ kỹ năng thực hiện của nghệ sĩ - tức là, người đó đặt cây bút lên toan hay chiếc đục lên đá khéo léo đến mức nào. Thế nhưng, trong nghệ thuật hiện đại, các kiệt tác thường thiên về ý tưởng hơn là thực hiện. Chẳng hạn, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng soạn được một bản giao hưởng dài bốn mươi phút chẳng có gì ngoài một hợp âm và sự im lặng, nhưng chỉ có Yves Klein mới là người có ý tưởng.”
“Cũng đúng.”
“Dĩ nhiên rồi, Điêu khắc Sương mù ngoài kia là một ví dụ hoàn hảo về nghệ thuật khái niệm. Nghệ sĩ có một ý tưởng - cho những đường ống đục lỗ chạy bên dưới cầu và thổi sương mù trên mặt đầm - nhưng quá trình sáng tạo tác phẩm lại được thực hiện bởi những người thợ ống nước địa phương.” Winston ngừng lại. “Mặc dù tôi dành cho nghệ sĩ điểm số rất cao vì đã sử dụng phương tiện của bà ấy như một mật mã.”
“Sương mù là một mật mã sao?”
“Đúng thế. Một tặng vật bí ẩn gửi tới kiến trúc sư của bảo tàng.”
“Frank Gehry à?”
“Frank O. Gehry,” Winston đính chính.
“Phải.”
Lúc Langdon di chuyển về phía cửa sổ, Winston nói, “Từ chỗ này ngài có góc nhìn con nhện rất đẹp. Ngài đã thấy Maman trên đường đi vào rồi chứ?”
Langdon phóng ánh mắt ra ngoài cửa sổ, qua đầm nước, về phía bức tượng con nhện đen to tướng trên quảng trường. “Vâng. Khó mà không nhìn thấy nó được.”
“Qua giọng điệu của ngài tôi cảm thấy ngài không phải là thích nó nhỉ?”
“Tôi đang cố gắng đây.” Langdon ngừng lại. “Là một người ủng hộ nghệ thuật kinh điển, ở đây tôi có phần lơ ngơ như cá rời nước vậy.”
“Hay lắm,” Winston nói. “Tôi cứ hình dung rằng ngài cũng như tất cả mọi người sẽ đánh giá cao Maman. Nó là một ví dụ hoàn hảo cho quan niệm cổ điển về đối lập tương cận[19]. Thực tế, có thể ngài muốn sử dụng nó trong lớp học khi ngài dạy về khái niệm này lần tới.”
[19] Juxtaposition: Thủ pháp nghệ thuật bố trí những yếu tố đối lập nhau cạnh nhau để tăng hiệu ứng đối xứng..
Langdon nhìn con nhện, chẳng thấy gì như vậy cả. Khi đến lúc phải dạy về nghệ thuật đối lập tương cận, Langdon thích thứ gì đó truyền thống hơn một chút. “Tôi nghĩ tôi sẽ trung thành với tác phẩm David.”
“Vâng, Michelangelo là chuẩn mực vàng rồi,” Winston bật cười nói, “quá xuất sắc khi tạo dáng cho David ở một tư thế bất đối xứng rất nữ tính, tay ngẫu nhiên cầm một chiếc ná cao su mềm oặt, càng thể hiện khả năng dễ bị tổn thương của phái nữ. Và đôi mắt David toát ra vẻ cương quyết có khả năng giết người, những sợi gân và mạch máu của anh ta phình lên trong trạng thái đề phòng gã Goliath sát nhân. Tác phẩm thanh nhã mà vẫn rất chết chóc.”
Langdon rất ấn tượng với phần mô tả trên và thầm ước sinh viên của chính ông cũng có sự hiểu biết rành rẽ về kiệt tác của Michelangelo như vậy.
“Maman cũng không khác David,” Winston nói. “Một sự đối lập tương cận táo bạo không kém giữa các nguyên lý mẫu đối chọi nhau. Về bản chất, con nhện đen là một sinh vật đáng sợ - một kẻ săn mồi chuyên bắt các nạn nhân bằng mạng lưới của nó rồi giết thịt. Mặc dù nguy hiểm chết người, nó vẫn được khắc họa ở đây với một bọc trứng đang phát triển, sắp nở, khiến cho nó vừa là kẻ săn mồi vừa là sinh vật tổ - phần thân khỏe khoắn tọa lạc trên đỉnh những chiếc chân mảnh khảnh đến khó tin, thể hiện cả sự mạnh mẽ lẫn sự mỏng manh. Có thể gọi Maman là một David thời hiện đại, nếu ngài muốn.”
“Không đời nào,” Langdon mỉm cười trả lời, “nhưng tôi phải thừa nhận phân tích của anh khiến tôi có chất liệu để suy ngẫm.
“Tốt quá, vậy thì để tôi giới thiệu với ngài tác phẩm cuối cùng.
Thật tình cờ nó lại là nguyên bản của Edmond Kirsch.”
“Thật sao? Tôi chưa hề biết Edmond lại là một nghệ sĩ.”
Winston cười to. “Tôi sẽ để ngài tự đánh giá.”
Langdon để Winston hướng dẫn ông đi qua các ô cửa sổ tới một hốc tường rộng rãi bên trong có một nhóm quan khách tụ tập trước một mảng bùn khô rất lớn treo trên tường. Mới nhìn, mảng đất sét cứng đanh ấy gợi cho Langdon nhớ tới một chương trình trưng bày hóa thạch của bảo tàng. Nhưng chỗ bùn này không hề có hóa thạch. Thay vào đó, nó có những vết khắc rất thô tương tự như dấu vết một đứa trẻ có thể vạch ra bằng một cái que trên nền xi măng ẩm.
Đám đông trông có vẻ chẳng lấy gì làm ấn tượng.
“Edmond thực hiện cái này à?” một người phụ nữ mặc đồ da chồn với cặp môi bơm căng Botox càu nhàu. “Tôi không hiểu gì cả.”
Người thầy trong Langdon không nhịn được lên tiếng. “Thực tế thì khá tài tình,” ông ngắt lời. “Cho đến giờ, nó là tác phẩm ưa thích của tôi trong cả bảo tàng này.”
Người phụ nữ xoay người, mắt nhìn ông với vẻ xem thường. “Ồ thật sao? Vậy hãy khai sáng cho tôi đi nào.”
Rất hân hạnh. Langdon bước tới chỗ đám dấu vết hằn khắc một cách thô bạo vào bề mặt đất sét.
“Chà, trước hết,” Langdon nói, “Edmond khắc tác phẩm này trên đất sét như một sự kính trọng dành cho thứ ngôn ngữ viết sớm nhất của nhân loại, chữ hình nêm.
Người phụ nữ chớp mắt, vẻ không lấy gì làm chắc.
“Ba vết hằn sâu ở giữa,” Langdon nói tiếp, “là cách đánh vần từ ‘cá’ trong tiếng Assyria. Nó được gọi là chữ tượng hình. Nếu bà nhìn kỹ, bà có thể hình dung cái miệng há to của con cá hướng về bên phải, cũng như những cái vảy tam giác trên thân mình nó.”
Cả nhóm người đều nghiêng đầu ngoẹo cổ, ngắm nghía lại tác phẩm.
“Và nếu quý vị nhìn từ đây,” Langdon vừa nói vừa chỉ vào một loạt vết lõm bên trái con cá, “quý vị có thể thấy rằng Edmond in những dấu chân trên bùn đằng sau con cá, thể hiện cho bước tiến hóa lịch sử của cá lên đất liền.”
Những cái đầu bắt đầu gật gù tán thưởng.
“Và cuối cùng,” Langdon nói, “cái dấu hoa thị bất đối xứng bên phải - cái biểu tượng mà dường như con cá sắp nuốt lấy - là một trong những biểu tượng về Chúa cổ xưa nhất lịch sử.
Người phụ nữ môi Botox quay lại và quắc mắt nhìn ông. “Một con cá định ăn Chúa à?”
“Rõ ràng là vậy. Đó là một phiên bản mang tính bông đùa loài cá của Darwin - tiến hóa ăn tôn giáo.” Langdon hờ hững nhún vai với nhóm người. “Như tôi nói, khá tài tình.”
Lúc Langdon rời đi, ông vẫn nghe thấy đám đông rì rầm phía sau và Winston bật lên tiếng cười. “Rất thú vị, thưa Giáo sư! Edmond sẽ rất biết ơn bài giảng ngẫu hứng của ngài. Không có nhiều người giải mã được tác phẩm đó đâu.”
“Ôi dào,” Langdon nói, “thực tế thì đó là công việc của tôi mà.”
“Vâng, và giờ tôi có thể hiểu tại sao ngài Kirsch lại đề nghị tôi xem ngài như một vị khách siêu đặc biệt. Thực tế, ông ấy dặn tôi chỉ cho ngài xem thứ gì đó mà không vị khách nào khác được trải nghiệm tối nay.
“Ồ? Đó là thứ gì thế?”
“Bên phải các cửa sổ chính, ngài có thấy một hành lang có rào cách ly không?”
Langdon ngó sang bên phải mình. “Tôi thấy rồi.”
“Tốt rồi. Mời theo chỉ dẫn của tôi.”
Langdon ngập ngừng làm theo những hướng dẫn từng bước của Winston. Ông bước tới lối vào hành lang và sau khi kiểm tra kỹ rằng không có ai theo dõi, ông thận trọng nép vào phía sau những cây cột thẳng đứng và lẩn nhanh theo hành lang khuất bóng hẳn.
Lúc này, đã bỏ lại đám đông ở tiền sảnh phía sau, Langdon đi khoảng chín mét tới một cánh cửa kim loại có một bàn phím bấm số.
“Hãy nhập sáu chữ số này,” Winston nói và thông báo cho Langdon dãy số.
Langdon nhập mã, cánh cửa có tiếng lách cách.
“Tốt rồi, thưa Giáo sư, xin mời vào.”
Langdon đứng một lúc, không dám chắc chuyện gì sắp tới. Sau khi trấn tĩnh lại, ông đẩy cửa mở ra. Không gian phía sau gần như tối om.
“Tôi sẽ bật đèn cho ngài,” Winston nói. “Xin hãy bước vào và đóng cửa lại.”
Langdon nhích vào bên trong, căng mắt ra nhìn trong bóng tối. Ông đóng cánh cửa lại phía sau mình, tiếng khóa lạch xạch vang lên.
Dần dần, thứ ánh sáng dìu dịu bắt đầu sáng lên quanh rìa căn phòng, để lộ ra một không gian như hang núi khó hình dung nổi - một gian phòng rộng hơ rộng hoác - như một khoang chứa máy bay dành cho cả một phi đội phản lực cỡ lớn.
“Chính xác là ba nghìn một trăm năm mươi tám mét vuông,” Winston nói.
Gian phòng này hoàn toàn nuốt chửng khu tiền sảnh.
Khi các ngọn đèn tiếp tục sáng dần lên thêm, Langdon nhìn thấy một nhóm những hình thù rất lớn nằm trên sàn - bảy hoặc tám bóng đen tối thui - như những con khủng long đang gặm cỏ trong đêm.
“Tôi đang thấy cái thứ quái quỷ gì thế này?” Langdon hỏi.
“Nó có tên gọi là Vật chất thời gian.” Giọng nói vui vẻ của Winston vang lên trong tai nghe của Langdon. “Đây là tác phẩm nghệ thuật nặng nhất của bảo tàng. Gần chín trăm tấn.”
Langdon vẫn đang cố xác định phương hướng. “Và tại sao riêng tôi lại ở đây?”
“Như tôi đã nói, ngài Kirsch dặn tôi chỉ cho ngài xem những thứ đáng kinh ngạc này.”
Các bóng đèn dần sáng rõ, nhấn chìm không gian rộng lớn trong thứ ánh sáng dìu dịu và Langdon chỉ có thể trân trối nhìn khung cảnh trước mắt mình đầy sững sờ.
Mình vừa bước vào một vũ trụ song song.