T
iến sĩ Mateo Valero - giám đốc Trung tâm Siêu điện toán Barcelona - cảm thấy mất phương hướng khi ông ấy gác máy và ra khỏi điện thờ chính của Nhà nguyện Torre Girona để nhìn lại chiếc máy tính hai tầng ấn tượng của Edmond Kirsch.
Đầu giờ sáng nay, Valero biết rằng ông ấy sẽ là “chủ nhân” mới của cỗ máy đột phá này. Tuy nhiên, những cảm xúc phấn khích và nể sợ ban đầu của ông vừa tiêu tan.
Vài phút trước, ông nhận được một cuộc gọi khẩn thiết từ giáo sư người Mỹ nổi tiếng Robert Langdon.
Langdon thở không ra hơi kể một câu chuyện mà chỉ một ngày trước Valero sẽ nghĩ là khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, ngày hôm nay, xem bài thuyết trình ấn tượng của Kirsch cũng như nhìn cỗ máy E-Wave trên thực tế của anh ấy, ông thiên về hướng tin có thể việc đó phần nào là sự thật.
Câu chuyện mà Langdon kể là chuyện vô hại... một câu chuyện về sự trong sáng của máy móc làm đúng những gì được yêu cầu. Luôn như vậy. Không sai sót. Valero đã dành cả đời mình nghiên cứu về những cỗ máy này... học lấy cái nghệ thuật tinh tế để khai thác tiềm năng của chúng.
Nghệ thuật chính là ở chỗ biết cách yêu cầu.
Valero liên tục cảnh báo rằng trí thông minh nhân tạo đang phát triển với một tốc độ mau lẹ, và rằng những chỉ dẫn nghiêm ngặt cần được đặt ra cho khả năng tương tác của máy móc với thế giới con người.
Phải thừa nhận, kiềm thúc tạo cảm giác phản trực giác với hầu hết những người có tầm nhìn về công nghệ, đặc biệt là trước những khả năng tuyệt vời giờ đây đang nở rộ gần như mỗi ngày. Vượt xa cả câu chuyện sáng tạo, có rất nhiều vận hội lớn được thực hiện trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, và chẳng có gì xóa nhòa ranh giới đạo đức nhanh hơn là lòng tham của con người.
Valero luôn là một người ngưỡng mộ thiên tài táo bạo của Kirsch. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nghe như thể Edmond đã bất cẩn, đẩy ranh giới đi xa một cách nguy hiểm với sáng tạo cuối cùng của mình.
Một sáng tạo mình sẽ không bao giờ biết, giờ Valero nhận ra như vậy.
Theo lời Langdon, Edmond đã tạo ra ngay trong E-Wave một chương trình trí thông minh nhân tạo tiến bộ đến kinh ngạc - “Winston” - được lập trình để tự xóa vào lúc một giờ chiều ngày hôm sau khi Kirsch mất. Vài phút trước, trước sự khẩn khoản của Langdon, Tiến sĩ Valero đã xác nhận rằng một phần rất quan trọng trong các ngân hàng dữ liệu của E-Wave thực tế đã biến mất vào đúng thời điểm đó. Phần bị xóa là phần dữ liệu “viết đè” trọn vẹn khiến cho nó không thể cứu vãn được.
Cái tin này dường như khiến Langdon bớt lo lắng, nhưng vị giáo sư người Mỹ đề nghị có một cuộc gặp gỡ ngay lập tức để thảo luận về những vấn đề sau đó. Valero và Langdon thống nhất gặp vào sáng mai tại phòng thí nghiệm.
Về nguyên tắc, Valero hiểu bản năng của Langdon muốn công khai câu chuyện ngay lập tức. Vấn đề sẽ là độ tin tưởng.
Sẽ chẳng ai tin điều đó.
Mọi dấu vết về chương trình trí thông minh nhân tạo của Kirsch đã bị xóa, cùng với bất kỳ hồ sơ giao tiếp hay nhiệm vụ nào của nó. Khó khăn hơn, sáng tạo của Kirsch vượt xa trình độ hiện tại đến mức Valero có thể nghe những cộng sự của chính mình - do thiếu hiểu biết, ghen tị hoặc tự bảo vệ - cáo buộc Langdon thêu dệt ra toàn bộ câu chuyện.
Dĩ nhiên, còn có vấn đề về hậu quả với công chúng. Nếu câu chuyện của Langdon thực tế là đúng, thì cỗ máy E-Wave sẽ bị buộc tội như là một dạng quái vật Frankenstein nào đó. Sau đó thì những cây chĩa rơm và những bó đuốc sẽ không còn xa tí nào.
Hoặc tệ hơn thế, Valero nhận ra.
Vào thời buổi tấn công khủng bố quá khích như thế này, ai đó có thể đơn giản là quyết định cho thổi bay toàn bộ nhà nguyện, tuyên bố mình là người cứu rỗi cho cả nhân loại.
Rõ ràng, Valero phải nghĩ rất nhiều trước cuộc gặp gỡ với Langdon. Tuy nhiên, lúc này, ông có một lời hứa phải giữ.
Ít nhất cho tới khi chúng ta có một số câu trả lời.
Cảm thấy rầu rĩ một cách lạ lùng, Valero cho phép mình nhìn lần cuối chiếc máy tính hai tầng phi thường. Ông lắng nghe nhịp thở nhè nhẹ của nó khi những máy bơm lưu chuyển dung dịch làm mát qua hàng triệu tế bào của nó.
Khi ông đi lần tới phòng điện để khởi động lệnh đóng toàn bộ hệ thống, ông cảm thấy có một thôi thúc bất ngờ - một cảm giác thúc ép mà ông chưa bao giờ có trong suốt sáu mươi ba năm cuộc đời.
Thôi thúc cầu nguyện.
----
Tít cao trên đỉnh lối đi cao nhất của Lâu đài Montjuïc, Robert Langdon đứng một mình và đăm đăm nhìn cái vách đá dựng đứng ở dưới khu cảng xa xăm phía dưới. Gió đã nổi, và ông cảm thấy có phần mất thăng bằng, như thể trạng thái cân bằng tâm lý của ông đang trong quá trình bị chỉnh lại.
Bất chấp những lời trấn an từ giám đốc Trung tâm Siêu tin học Barcelona, Tiến sĩ Valero, Langdon vẫn cảm thấy lo lắng và rất bực bội. Âm vang giọng nói hồ hởi của Winston vẫn văng vẳng trong tâm trí ông. Chiếc máy tính của Edmond đã bình thản nói cho tới phút cuối cùng.
“Tôi ngạc nhiên khi nghe thấy vẻ lo sợ của ngài, thưa Giáo sư,” Winston nói, “nhất là khi niềm tin của chính ngài được xây dựng trên một hành động mơ hồ về đạo đức lớn hơn rất nhiều.”
Langdon còn chưa kịp trả lời, một tin nhắn đã xuất hiện trên chiếc điện thoại của Edmond.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.
- John 3:16
“Chúa của ngài đã nhẫn tâm hy sinh con của ông ấy,” Winston nói, “bỏ mặc người ấy chịu đựng trên thập giá suốt hàng giờ. Với Edmond, tôi chẳng hề đau xót khi kết thúc sự chịu đựng của một người sắp chết để thu hút sự chú ý đến những công trình vĩ đại của ông ấy.”
Trong toa cáp treo ngột ngạt, Langdon sửng sốt nghe trong khi Winston bình thản đưa ra những lý lẽ bào chữa cho tất cả mọi hành động gây phiền lòng của anh ta.
Cuộc chiến của Edmond với Giáo hội Palmaria, Winston giải thích, đã gợi ý cho Winston tìm và thuê Đô đốc Luis Ávila - một tín đồ thành kính có lịch sử nghiện ma túy khiến ông ấy rất dễ bị lợi dụng và thành một ứng viên hoàn hảo để hủy hoại uy tín của Giáo hội Palmaria. Với Winston, việc tự nhận là Nhiếp chính vương đơn giản là thực hiện một số liên lạc và sau đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Ávila. Trên thực tế, những người Palmaria vô can và không hề đóng vai trò gì trong cái âm mưu tối hôm đó.
Việc Ávila tấn công Langdon trong buồng cầu thang xoắn ốc, Winston quả quyết với ông, là ngoài dự liệu. “Tôi cử Ávila tới Sagrada Família để bị bắt giữ,” Winston khẳng định. “Tôi muốn hắn bị bắt để có thể kể câu chuyện nhơ nhớp của hắn, như thế sẽ khiến công chúng càng thêm quan tâm đến công trình của Edmond. Tôi bảo hắn vào tòa nhà qua cổng dịch vụ phía đông, nơi tôi đã mật báo cho cảnh sát nấp ở đó. Tôi chắc chắn Ávila sẽ bị tóm ở đó, nhưng hắn quyết định nhảy rào - có lẽ hắn cảm thấy sự hiện diện của cảnh sát. Vô cùng xin lỗi, thưa Giáo sư. Không như máy móc, con người có thể dễ thay đổi.”
Langdon không biết phải tin tưởng gì thêm nữa.
Lời giải thích cuối cùng của Winston mới là khó chịu nhất. “Sau cuộc gặp của Edmond với ba vị giáo sĩ tại Montserrat,” Winston nói, “chúng tôi nhận được một thư thoại đe dọa từ Giám mục Valdespino. Giám mục cảnh báo rằng hai đồng đạo của ông ấy rất lo ngại với thuyết trình của Edmond nên họ đang tính đến việc đưa ra một thông báo trước của chính họ, hy vọng hạ giá trị thông tin trước khi nó được đưa ra. Rõ ràng, tình cảnh đó không thể chấp nhận được.”
Langdon cảm thấy buồn nôn, phải cố gắng suy nghĩ khi toa cáp treo lắc lư. “Edmond lẽ ra nên thêm một dòng vào chương trình của anh,” ông nói. “Anh sẽ không giết người!”
“Rất buồn, việc đó không đơn giản, thưa Giáo sư,” Winston đáp. “Con người không học hỏi bằng việc tuân thủ những mệnh lệnh, họ học qua ví dụ. Đánh giá qua sách vở, phim ảnh, tin tức và những câu chuyện cổ của quý vị thì con người luôn ca tụng những người hy sinh bản thân cho một điều tốt đẹp lớn lao hơn. Jesus, chẳng hạn.”
“Winston, tôi chẳng thấy ‘điều tốt đẹp lớn lao hơn’ ở đây.”
“Không ư?” Giọng Winston vẫn bình thản. “Vậy thì để tôi hỏi ngài câu hỏi nổi tiếng này: Ngài muốn sống trong một thế giới không có công nghệ... hay trong một thế giới không có tôn giáo? Ngài thích sống không có thuốc men, điện, giao thông, và kháng sinh... hay không có những kẻ cuồng tín phát động chiến tranh vì những câu chuyện hư cấu và những vị thần thánh tưởng tượng?”
Langdon vẫn im lặng.
“Quan điểm chính xác của tôi, thưa Giáo sư. Những tôn giáo u tối phải tiêu vong, để cho khoa học lành mạnh thống trị.”
Giờ còn lại một mình, trên đỉnh lâu đài, khi Langdon nhìn xuống vùng nước lung linh phía xa, ông có một cảm giác kỳ lạ về sự tách rời với thế giới của chính mình. Bước xuống những bậc thang lâu đài để tới mấy khu vườn gần đó, ông hít thật sâu, tận hưởng mùi thông và hoa long đờm, và cố hết sức quên đi giọng nói của Winston. Ở đây, giữa muôn hoa, Langdon chợt thấy nhớ Ambra, muốn gọi để nghe giọng nàng, và kể với nàng mọi việc đã xảy ra trong một giờ qua. Tuy nhiên, khi rút chiếc điện thoại của Edmond ra, ông biết mình không thể thực hiện cuộc gọi.
Hoàng tử và Ambra cần thời gian riêng. Việc này có thể đợi.
Ánh mắt ông chạm xuống cái biểu tượng W trên màn hình. Cái biểu tượng này giờ đây xám xịt, và một tin nhắn báo lỗi nhỏ xuất hiện chạy ngang: LIÊN LẠC KHÔNG TỒN TẠI. Cho dù vậy, Langdon vẫn cảm thấy một sự thận trọng khá bối rối. Ông không phải một người hoang tưởng, nhưng ông biết ông sẽ không bao giờ có thể lại tin tưởng thiết bị này nữa, luôn phải tự hỏi còn những khả năng hay kết nối bí mật gì có thể vẫn được cất giấu trong chương trình của nó.
Ông đi xuống một lối hẹp và tìm kiếm cho tới khi thấy một khoảnh cây cối kín đáo. Nhìn chiếc điện thoại trên tay mình và nghĩ đến Edmond, ông đặt nó lên một phiến đá bằng phẳng. Sau đó, như thể đang thực hiện một nghi lễ hiến sinh nào đó, ông vung một hòn đá nặng lên đầu và nện mạnh xuống, đập tan chiếc điện thoại thành mấy chục mảnh.
Trên đường ra khỏi công viên, ông thảy đống mảnh vụn vào một thùng rác và đi xuống núi.
Khi làm vậy, Langdon phải thừa nhận bản thân thấy nhẹ nhõm một chút.
Và, một cách rất lạ lùng... con người hơn một chút.