K
hi đoàn tàu hỏa bánh xe răng cổ xưa bò dần lên đoạn dốc cao chóng mặt, Edmond Kirsch ngắm nghía phần đỉnh núi lởm chởm phía trên đầu. Cách một quãng, tòa tu viện bằng đá đồ sộ được xây đối diện với vách núi dựng đứng, dường như treo lơ lửng trong không trung, như thể được gắn nối một cách kỳ diệu vào phần vách núi thẳng đứng. Tòa tu viện không nhuốm màu thời gian này ở Catalonia, Tây Ban Nha, này đã phải chịu sức kéo liên tục của trọng trường suốt hơn bốn thế kỷ, nhưng chưa bao giờ chệch khỏi mục đích ban đầu của nó: bảo vệ những cư dân của mình tách biệt khỏi thế giới hiện đại.
Mỉa mai thay, giờ họ sẽ là những người đầu tiên biết sự thật, Kirsch nghĩ thầm, tự hỏi không biết họ sẽ phản ứng ra sao. Xét về lịch sử, những kẻ nguy hiểm nhất trên Trái Đất lại là những người của Chúa... đặc biệt khi các vị thần của họ bị đe dọa. Và mình lại sắp phóng một ngọn lao rực lửa vào tổ ong bắp cày.
Khi đoàn tàu lên đến đỉnh núi, Kirsch nhìn thấy một bóng người lẻ loi đang đứng đợi anh trên sân ga. Một người đàn ông với khung xương khô đét quấn trong lớp áo chùng màu tía truyền thống và chiếc áo lễ trắng thêu hoa văn của Công giáo, cùng chiếc mũ sọ[1] trên đầu. Kirsch nhận ngay ra những nét xương xẩu của vị chủ nhà qua những tấm ảnh và cảm thấy lượng adrenaline bất ngờ trào lên.
[1] Nguyên văn: zucchetto, là loại mũ hình bán cầu, gồm tám mảnh tam giác bằng lụa tơ tằm hoặc vải polyester ghép lại, dành cho các giáo sĩ trong Giáo hội Công giáo La Mã, Anh giáo và một số giáo hội Chính Thống giáo Đông phương. Tất cả những ai có chức thánh trong Giáo hội Công giáo La Mã đều được quyền đội mũ sọ màu đen nhưng bắt buộc phải đi kèm với áo chùng thâm hoặc áo lễ. Giám mục có thể đội mũ sọ màu tím, hồng y đội màu đỏ, và màu trắng chỉ dành riêng cho Giáo hoàng. Một giáo sĩ đang đội mũ sọ sẽ phải cởi mũ này ra khi gặp một giáo sĩ ở chức cao hơn. (Trong bản dịch này, trừ những chỗ được chỉ rõ, tất cả các chú thích đều của dịch giả.)
Valdespino đích thân ra đón mình.
Giám mục Antonio Valdespino là một nhân vật ghê gớm ở Tây Ban Nha - không chỉ là một người bạn và cố vấn đáng tin cậy của Đức vua, mà ở đất nước này, ngài còn là một trong những người ủng hộ có ảnh hưởng và lớn tiếng nhất cho việc bảo tồn những giá trị Công giáo bảo thủ cùng những chuẩn mực chính trị truyền thống.
“Ta chắc anh là Edmond Kirsch phải không?” vị giám mục mở lời khi Kirsch rời khỏi tàu.
“Vâng,” Kirsch mỉm cười nói khi chìa tay bắt bàn tay xương xẩu của vị chủ nhà. “Thưa Giám mục Valdespino, tôi muốn cảm ơn Đức cha đã thu xếp cuộc gặp gỡ này.”
“Ta đánh giá cao đề nghị của anh.” Giọng vị giám mục mạnh mẽ hơn Kirsch nghĩ - rõ ràng và lanh lảnh, như tiếng chuông ngân. “Thường thì chúng ta đâu có được những người làm khoa học hỏi ý kiến, nhất là người xuất chúng như anh. Mời đi lối này.”
Valdespino hướng dẫn Kirsch băng qua sân ga, không khí lành lạnh vùng núi quất vào lớp áo chùng của vị giám mục.
“Ta phải thú thực rằng trông anh khác hẳn ta hình dung,” Valdespino nói. “Ta cứ đinh ninh là một nhà khoa học, nhưng anh lại hoàn toàn...” Ông ấy nhìn bộ vest Kiton K50 cùng đôi giày Barker da đà điểu của vị khách với một thoáng coi thường. “ ‘Dân chơi’, ta tin từ ấy mới đúng nhỉ?”
Kirsch mỉm cười hết sức nhã nhặn. Từ ‘dân chơi’ lỗi thời cả mấy thập kỷ trước rồi còn đâu.
“Khi đọc danh sách thành tích của anh,” vị giám mục nói, “ta vẫn không tin hẳn đó là những gì anh làm.”
“Tôi chuyên về lý thuyết trò chơi và làm mẫu máy tính.”
“Vậy là anh làm ra các trò chơi trên máy tính cho trẻ con à?”
Kirsch cảm thấy vị giám mục đang vờ ngây ngô nhằm tỏ ra mình kỳ quặc. Kirsch biết thừa, chính xác hơn thì Valdespino là một sinh viên công nghệ cực kỳ thạo tin và vẫn thường cảnh báo những người khác về các hiểm họa của công nghệ. “Không, thưa cha, thực ra thì lý thuyết trò chơi là một lĩnh vực toán học chuyên nghiên cứu các mô thức để đưa ra những dự đoán về tương lai.”
“À phải. Ta tin ta đã đọc được rằng mấy năm trước anh từng dự báo về một cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Âu thì phải? Khi chẳng ai chịu lắng nghe, anh đã cứu nguy bằng việc phát minh ra một chương trình máy tính giúp EU thoát chết. Câu trích nổi tiếng của anh là gì nhỉ? ‘Lúc ba mươi ba tuổi, tôi bằng tuổi Đức Kitô khi Ngài hồi sinh.’”
Kirsch nhũn nhặn. “Một sự loại suy kém cỏi, thưa Đức cha. Tôi còn trẻ dại.”
“Trẻ dại ư?” Vị giám mục cười khùng khục. “Và giờ anh bao nhiêu nhỉ... có lẽ bốn mươi chăng?
“Vừa hay ạ.”
Vị tu sĩ già mỉm cười trong lúc cơn gió mạnh tiếp tục thổi áo choàng của ông căng phồng. “Chà, thánh nhân thường đãi kẻ khù khờ, nhưng nay điều đó chuyển hết sang đám trẻ - những kẻ chạy theo công nghệ, chỉ căng mắt nhìn mấy cái màn hình video chứ đâu có nhìn vào tâm hồn của chính mình. Ta phải thừa nhận rằng ta chưa bao giờ hình dung mình lại có lý do gặp gỡ một người trẻ tuổi đang rất nỗ lực thế này. Người ta gọi anh là nhà tiên tri cơ đấy.
“Với cha thì không phải là gì ghê gớm, thưa Đức cha,” Kirsch trả lời. “Khi tôi đặt vấn đề liệu tôi có thể gặp riêng cha và các đồng đạo của cha, tôi tính mình chỉ có hai mươi phần trăm cơ hội được chấp thuận.
“Và đúng như ta vẫn nói với các đồng đạo, người mộ đạo luôn có thể được lợi nhờ lắng nghe những kẻ vô thần. Chính khi nghe giọng nói của quỷ dữ mà chúng ta có thể trân trọng tiếng nói của Chúa hơn.” Vị tu sĩ già mỉm cười. “Dĩ nhiên ta đùa thôi. Thứ lỗi cho cái khiếu hài hước già nua của ta nhé. Thỉnh thoảng, những bộ lọc của ta lại lừa ta.”
Nói xong, Giám mục Valdespino làm hiệu về phía trước. “Những người khác đang đợi đấy. Đi lối này nào.”
Kirsch nhìn đích đến của họ, một tòa thành đồ sộ bằng đá xám chênh vênh bên rìa vách núi dựng đứng chạy hun hút hàng trăm mét[2] xuống cả mảng chân đồi um tùm cây cối. Choáng váng vì độ cao, Kirsch rời ánh mắt khỏi phía vực sâu và dõi theo vị giám mục men theo lối đi khấp khểnh bên vách núi, chuyển suy nghĩ của mình trở lại cuộc gặp sắp tới.
[2] Nguyên tác sử dụng các hệ đo lường Anh. Để tiện cho độc giả theo dõi, người dịch đã quy đổi sang hệ đo lường tương ứng của Việt Nam.
Kirsch đã đề nghị một cuộc tiếp kiến với ba vị thủ lĩnh tôn giáo nổi bật, những người vừa tham dự một hội thảo ở đây.
Nghị viện các tôn giáo trên thế giới.
Từ năm 1893, cứ vài năm, hàng trăm thủ lĩnh tinh thần từ gần ba mươi tôn giáo trên thế giới lại tụ họp ở một địa điểm khác nhau và dành trọn một tuần tham gia cuộc đối thoại giữa các tín điều. Những người tham gia bao gồm nhiều linh mục Thiên Chúa giáo có ảnh hưởng, các giáo trưởng Do Thái và các giáo sĩ Hồi giáo từ khắp thế giới, cùng với các đạo sư Ấn Độ giáo, các vị tỉ khâu Phật giáo, các tín đồ Kỳ Na giáo, đạo Sikh và các tôn giáo khác.
Mục tiêu tự tuyên bố của nghị viện này là “vun đắp tình hòa hợp giữa các tôn giáo trên thế giới, tạo dựng cầu nối giữa các giá trị tinh thần đa dạng, và đề cao sự giao thoa của mọi tín điều.”
Một mục đích cao quý, Kirsch nghĩ thầm, mặc dù xem đó là một việc làm chẳng ích gì - một sự kiếm tìm vô nghĩa về những điểm tương ứng ngẫu nhiên trong cả mớ thập cẩm những truyền thuyết, ngụ ngôn và điều hư cấu cổ xưa.
Khi Giám mục Valdespino dẫn anh đi dọc con đường, Kirsch đăm đăm nhìn xuống sườn núi với một ý nghĩ đầy mỉa mai. Moses leo lên núi để nhận Thánh Ngôn... còn ta leo lên núi để làm điều ngược lại.
Động cơ để Kirsch leo lên ngọn núi này, anh đã tự nhủ, là một nghĩa vụ đạo đức, nhưng anh biết có cả tá tham vọng ngông cuồng tiếp nhiên liệu cho chuyến đi này - anh rất háo hức cảm nhận cái tâm trạng hài lòng ngồi đối diện với các vị tu sĩ và tiên báo về kết cục sắp tới của họ.
Các vị đã xong lượt của các vị trong việc định nghĩa chân lý của chúng tôi rồi.
“Ta đã xem lý lịch của anh,” vị giám mục đột ngột lên tiếng, mắt liếc nhìn Kirsch. “Ta thấy anh là sản phẩm của Đại học Harvard thì phải?”
“Vâng. Bậc cử nhân ạ.”
“Ta hiểu. Gần đây, lần đầu tiên ta đọc về lịch sử Harvard, khối sinh viên đầu vào gồm những kẻ vô thần và bất khả tri còn đông hơn cả những người nhận là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào. Đó quả là một con số thống kê biết nói, Kirsch ạ.”
Tôi biết nói gì với ngài đây, Kirsch rất muốn trả lời, sinh viên của chúng tôi ngày càng thông minh.
Gió quất mạnh hơn khi họ đến tòa dinh thự cổ kính bằng đá. Bên trong thứ ánh sáng lờ mờ của lối vào tòa nhà, không khí nặng mùi thơm đặc quánh của nhựa nhũ hương[3] đang cháy. Hai người luồn lách qua cả mê cung hành lang tối om và mắt Kirsch đã tìm cách thích nghi được khi anh bám theo vị chủ nhà khoác áo chùng. Cuối cùng, họ đến một cánh cửa gỗ nhỏ một cách khác thường. Vị giám mục gõ cửa, khom người và bước vào, ra hiệu cho vị khách đi theo.
[3] Nguyên văn: frankincense, loại nhựa thơm được dùng làm nguyên liệu trong hương đốt và nước hoa, chiết xuất từ các cây thuộc chi Boswellia. Nhũ hương là một trong ba vật phẩm được tặng cho Chúa Jesus Hài đồng.
Ngập ngừng, Kirsch bước qua ngưỡng cửa.
Anh thấy mình ở trong một gian phòng hình chữ nhật với những bức tường cao được che kín bởi những bộ sách bọc da rất cổ. Lại thêm những kệ sách không có giá đỡ nhô ra khỏi tường như những dẻ xương sườn, rải rác những lò sưởi bằng gang kêu lanh canh hoặc xì xì, tạo cho căn phòng cảm giác kỳ dị như thể nó là sinh vật sống. Kirsch ngước mắt nhìn phần lối đi có chấn song trang trí quây tròn lấy tầng hai và biết ngay mình đang ở đâu.
Thư viện Montserrat lừng danh, anh nhận ra, thấy giật mình vì đã được chấp nhận. Căn phòng bất khả xâm phạm này được đồn đại là nơi chứa những văn bản cực hiếm chỉ những tu sĩ dâng trọn đời mình cho Chúa và lánh mình ở đây trên ngọn núi này mới được tiếp cận.
“Anh được theo ý mình rồi nhé,” vị giám mục nói. “Đây là không gian riêng tư nhất của bọn ta. Rất ít người ngoài từng vào được đây.”
“Quả là một đặc ân to lớn. Xin cảm ơn cha.”
Kirsch theo vị giám mục tới một chiếc bàn gỗ lớn, nơi có hai người đàn ông lớn tuổi nữa đang ngồi đợi. Người ngồi bên trái trông như bị thời gian bào mòn, với đôi mắt mỏi mệt và hàm râu trắng rối bù. Ông ấy mặc một bộ vest đen nhàu nhĩ, áo sơ mi trắng và đội mũ phớt mềm.
“Đây là Giáo trưởng Yehuda Köves,” vị giám mục nói. “Ông ấy là triết gia Do Thái có tiếng, từng viết rất nhiều về vũ trụ học bí truyền.”
Kirsch nhoài người qua bàn và nhã nhặn bắt tay Giáo trưởng Köves. “Hân hạnh được gặp ngài,” Kirsch nói. “Tôi đã đọc sách của ngài về pháp thuật bí truyền. Tôi không dám nói mình hiểu nhưng tôi đã đọc rồi.”
Köves gật đầu hòa nhã, lấy khăn tay chấm nhẹ lên cặp mắt ướt nhoèn.
“Còn đây,” vị giám mục nói tiếp, ra hiệu về phía người còn lại, “xin giới thiệu với anh ngài allamah[4] đáng kính Syed al-Fadl.”
[4] Danh hiệu tôn vinh tặng cho các vị học giả thông thạo kiến thức giáo luật, luật học và triết học Hồi giáo.
Vị học giả Hồi giáo khả kính đứng lên và cười rất tươi. Ông ấy thấp lùn và to bè, với khuôn mặt vui vẻ dường như rất không hợp với đôi mắt đen nhìn như xoáy của mình. Ông ấy mặc một chiếc áo dài trắng rất khiêm nhường. “Anh Kirsch, tôi đã đọc những phỏng đoán của anh về tương lai của nhân loại. Tôi không dám nói tôi tán thành với những điều ấy, nhưng tôi đã đọc rồi.”
Kirsch mỉm cười lịch thiệp và bắt tay người đàn ông.
“Và vị khách của chúng ta, Edmond Kirsch,” vị giám mục kết luận, miệng nói với hai vị đạo hữu - như các ngài biết, là một nhà khoa học máy tính, chuyên gia lý thuyết trò chơi, nhà sáng chế và phần nào là một nhà tiên tri rất được trọng vọng trong thế giới công nghệ. Dựa trên lai lịch của anh ấy, tôi rất bối rối trước đề nghị của anh ấy xin được nói chuyện với ba chúng ta. Do đó, giờ tôi sẽ nhường cho anh Kirsch được giải thích lý do anh ấy đến đây.
Nói xong, Giám mục Valdespino ngồi xuống giữa hai vị đạo hữu, khoanh tay và nhìn Kirsch đầy trông đợi. Cả ba người đàn ông đối diện với anh như trong tòa án, tạo nên một bầu không khí có phần giống một phiên tòa xử dị giáo hơn là một cuộc gặp gỡ thân thiện của các học giả. Giờ Kirsch nhận ra vị giám mục thậm chí còn chưa lấy ghế cho anh.
Kirsch cảm thấy bối rối hơn là bị đe dọa khi anh chăm chú nhìn ba ông già trước mặt mình. Ra đây là Chúa Ba ngôi mà mình đề nghị. Ba bậc trí giả.
Ngừng một lúc để khẳng định sức ảnh hưởng của mình, Kirsch bước tới bên cửa sổ và nhìn ra khung cảnh đẹp mê hồn phía dưới. Một khoảnh đất đồng cỏ cổ xưa ngập nắng vắt ngang vùng thung lũng sâu, nhường chỗ cho những đỉnh núi lởm chởm của dãy núi Collserola. Xa hơn mấy dặm, đâu đó ngoài Biển Balearic, lúc này một khối mây dông bão đầy hăm dọa đang dồn tụ phía trên đường chân trời.
Hợp quá đi, Kirsch thầm nghĩ, cảm nhận rõ tình trạng náo loạn anh sắp gây ra trong căn phòng này và cả thế giới ngoài kia nữa.
“Thưa các vị,” anh mở lời, quay phắt lại phía họ. “Tôi tin Giám mục Valdespino đã chuyển tới các vị lời đề nghị giữ bí mật của tôi. Trước khi chúng ta tiếp tục, tôi chỉ muốn nói rõ những gì tôi sắp chia sẻ với quý vị phải được giữ kín hết mức. Nói đơn giản, tôi đề nghị tất cả các vị thề giữ im lặng. Tất cả chúng ta đồng ý chứ?”
Cả ba người đàn ông gật đầu ngầm tỏ ý ưng thuận, điều Kirsch có lẽ đã biết thừa rồi. Họ sẽ muốn chôn giấu thông tin này - chứ không phải lan truyền nó.
“Tôi ở đây hôm nay,” Kirsch bắt đầu, “vì tôi đã có một phát hiện khoa học mà tôi tin các vị sẽ thấy giật mình. Đó là điều tôi đã theo đuổi nhiều năm, với hy vọng đem lại câu trả lời cho hai câu hỏi cơ bản nhất về nhận thức của loài người chúng ta. Giờ tôi đã thành công, tôi đến gặp riêng các vị vì tôi tin thông này sẽ tác động đến niềm tin của cả thế giới một cách sâu sắc, hoàn toàn có thể gây nên một sự thay đổi mà chỉ có thể mô tả như chúng ta sẽ nói là - đổ vỡ. Lúc này, tôi là người duy nhất trên Trái Đất có được thông tin tôi sắp tiết lộ với các vị.”
Kirsch thò tay vào túi áo vest của mình và móc ra một chiếc điện thoại thông minh ngoại cỡ - thứ anh đã thiết kế và chế tạo để phục vụ cho những nhu cầu khác thường của riêng mình. Chiếc điện thoại có phần vỏ khảm màu sắc rất rực rỡ và anh mở bung nó ra như một cái ti vi trước mắt ba người đàn ông. Thoắt cái, anh dùng thiết bị đó kết nối với một máy chủ siêu an toàn, nhập mật khẩu gồm bốn mươi bảy mẫu tự của mình và phát trực tiếp một buổi thuyết trình cho họ xem.
“Những gì các vị sắp xem,» Kirsch nói, ”là đoạn cắt thô một tuyên bố mà tôi hy vọng chia sẻ với cả thế giới - có lẽ trong khoảng một tháng nữa. Nhưng trước khi làm việc đó, tôi muốn tham vấn một vài nhà tư tưởng tôn giáo có ảnh hưởng nhất thế giới, để hiểu cho thấu đáo xem tin tức này sẽ được những người bị nó tác động nhiều nhất tiếp nhận như thế nào.
Vị giám mục thở dài rất to, nghe có vẻ chán ngán hơn là lo lắng. “Phần nói đầu hấp dẫn đấy, Kirsch. Anh nói cứ như thể điều gì đó anh sắp cho chúng ta thấy sẽ lay chuyển nền tảng của các tôn giáo trên thế giới vậy.”
Kirsch đưa mắt nhìn khắp thư viện cổ kính chứa toàn những văn tự thiêng liêng. Nó sẽ không lay chuyển nền tảng của các vị đâu. Nó sẽ đập tan những thứ ấy cơ đấy.
Kirsch đánh giá mấy người trước mặt anh. Những gì họ không hề biết là trong thời gian chỉ ba ngày nữa, Kirsch đã lên kế hoạch công bố thuyết trình này trong một sự kiện gây chấn động được dàn dựng kỹ càng. Khi anh thực hiện việc đó, người dân trên khắp thế giới sẽ nhận ra rằng những giáo điều của mọi tôn giáo trên thực tế đều có chung một điểm.
Chúng đều sai lầm một cách thê thảm.