G
iáo sư Robert Langdon ngước nhìn bức tượng con chó cao tới mười hai mét chầu hẫu ở quảng trường. Bộ lông con vật này là một thảm cỏ và hoa thơm ngát.
Tao sẽ cố gắng thích mày, ông nghĩ. Thật sự đấy.
Langdon trầm ngâm nhìn con vật thêm một chút rồi tiếp tục đi dọc một lối đi đã tạm ngừng sử dụng, bước xuống cầu thang ngổn ngang với những mặt bậc khấp khểnh dự định gây khó chịu cho vị khách đang bước tới với nhịp đi và tốc độ thông thường của mình. Nhiệm vụ hoàn thành, Langdon quyết định, suýt vấp ngã hai lần trên mấy bậc thang không đều nhau.
Dưới chân cầu thang, Langdon nhảy xuống một chỗ dừng, mắt trân trân nhìn một khối to tướng lù lù phía trên.
Giờ thì mình nhìn trọn được nó rồi.
Một con nhện góa phụ đen xì, dữ tợn xuất hiện trước mặt ông, mấy cái chân mảnh khảnh bằng sắt của nó chống đỡ phần thân hình củ hành ở độ cao chí ít cũng gần bốn mét trong không trung. Phần dưới bụng con nhện lủng lẳng một bọc trứng bằng lưới thép, đựng đầy những quả cầu thủy tinh.
“Tên nó là Maman,” một giọng nói vang lên. Langdon hạ ánh mắt và nhìn người đàn ông mảnh khảnh đứng ngay bên dưới con nhện. Người ấy mặc một chiếc áo khoác sherwani[5] thêu kim tuyến màu đen và có bộ ria kiểu Salvador Dalí[6] uốn cong rất hài hước.
[5] Loại áo khoác dài đến đầu gối dành cho nam giới, rất phổ biến ở tiểu lục địa Ấn Độ.
[6] Salvador Felipe Jacinto Dalí Domènech (1904–1989), thường gọi là Salvador Dalí, là nghệ sĩ sinh ra tại Figueras, xứ Catalonia, Tây Ban Nha. Ông được coi như một trong những hoạ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX với phong cách siêu thực. Ông còn được biết đến như một nhà điêu khắc, nhiếp ảnh, sản xuất phim... Ông đã đoạt giải Oscar dành cho phim hoạt hình ngắn Destinohợp tác cùng Walt Disney.
“Tên tôi là Fernando,” anh ta nói tiếp, “và tôi có mặt ở đây để chào đón ông tới thăm bảo tàng.”
Người đàn ông nhìn lướt một loạt thẻ ghi tên bày trên chiếc bàn trước mặt anh ta. “Xin cho tôi biết danh tính của ông?”
“Vâng. Robert Langdon.”
Ánh mắt người đàn ông vụt trở lại. “À, tôi rất xin lỗi! Tôi không nhận ra ngài!”
Tôi còn khó nhận ra mình nữa là, Langdon nghĩ, di chuyển cứng ngắc trong chiếc áo gi lê trắng, áo đuôi tôm đen và chiếc nơ trắng. Trông tôi hệt một gã Whiffenpoof[7]. Cái áo đuôi tôm cổ điển của Langdon đã ngót ba mươi năm, được gìn giữ từ những ngày ông còn là một thành viên Câu lạc bộ Ivy ở Princeton, nhưng nhờ chế độ bơi đều đặn hằng ngày, bộ đồ vẫn khá vừa vặn với ông. Lúc Langdon vội vàng sắp đồ, ông đã vớ nhầm cái túi quần áo treo trong tủ, mà bỏ lại bộ tuxedo quen thuộc của mình.
[7] Tên nhóm hát của Đại học Yale, Hoa Kỳ, thành lập từ năm 1909, gồm mười bốn thành viên được lựa chọn hằng năm. Trang phục đặc trưng gồm áo đuôi tôm đen, áo gi lê và nơ trắng.
“Giấy mời nói mặc đồ đen và trắng,” Langdon nói. “Tôi tin áo đuôi tôm hoàn toàn phù hợp nhỉ?”
“Áo đuôi tôm là trang phục truyền thống mà! Trông ngài rất bảnh!” Người đàn ông bước vội lại và cẩn thận dán một miếng thẻ ghi tên vào ve áo vest của Langdon.
“Thật vinh hạnh được gặp ngài,” người đàn ông có bộ ria nói. “Chắc hẳn trước đây, ngài đã từng ghé chỗ chúng tôi rồi?”
Langdon chăm chú nhìn xuyên qua mấy cái chân nhện hướng về phía tòa nhà lấp loáng trước mặt họ. “Thực ra, tôi rất ngại khi phải nói rằng tôi chưa có dịp.”
“Ôi không!” Người đàn ông vờ ngã bổ chửng. “Ngài không phải là người hâm mộ nghệ thuật hiện đại sao?”
Langdon vốn luôn thích thú thử thách của nghệ thuật hiện đạicơ bản là khám phá xem tại sao một số tác phẩm cụ thể lại được ca ngợi là kiệt tác: những bức tranh màu nhỏ giọt[8] của Jackson Pollock; tác phẩm vỏ hộp súp Campbell của Andy Warhol; những hình chữ nhật màu đơn giản của Mark Rothko. Tuy nhiên, Langdon thấy thoải mái hơn hẳn khi thảo luận về biểu tượng tôn giáo của Hieronymus Bosch[9] hoặc phong cách vẽ của Francisco de Goya[10].
[8] Nguyên văn “drip painting” là một hình thức nghệ thuật trừu tượng trong đó người ta nhỏ giọt hoặc đổ màu lên toan. Phong cách hội họa này được các họa sĩ như Francis Picabia, André Masson và Max Ernst thử nghiệm vào nửa đầu thế kỷ XX và đặc biệt được phát huy, trở thành phong cách độc đáo của họa sĩ trường phái biểu hiện trừu tượng Mỹ Paul Jackson Pollock (1912 –1956).
[9] Hieronymus Bosch (1450 –1516) là một họa sĩ giai đoạn Hà Lan sớm. Tác phẩm của ông được biết đến với hình ảnh đẹp, cảnh quan chi tiết, minh họa các khái niệm đạo đức, tôn giáo và các châm ngôn. Ông nổi tiếng với các tranh miêu tả địa ngục rùng rợn và đầy ác mộng.
[10] Francisco José de Goya y Lucientes (1746 - 1828) là một họa sĩ trường phái lãng mạn, thợ in và nhà ghi chép biên niên sử người Tây Ban Nha. Ông là một hoạ sĩ cung đình phục vụ hoàng gia Tây Ban Nha, nổi tiếng với các tác phẩm mang phong cách nghệ thuật phá cách và sáng tạo.
‘‘Tôi là một người ủng hộ chủ nghĩa kinh điển hơn,” Langdon đáp. “Tôi thạo da Vinci hơn là de Kooning.”
“Nhưng da Vinci và de Kooning thì cũng đều như nhau mà!”
Langdon nhẫn nại mỉm cười. “Vậy thì rõ ràng tôi cần phải học một chút về de Kooning rồi.”
“Ồ, ngài tìm đến đúng chỗ rồi đấy!” Người đàn ông vung cánh tay về phía tòa nhà đồ sộ. “Trong bảo tàng này, ngài sẽ tìm thấy một trong những bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại tuyệt vời nhất trên cõi đời này! Tôi rất hy vọng ngài thấy thích.”
“Tôi cũng định như vậy,” Langdon trả lời. “Tôi chỉ ao ước biết được tại sao mình lại ở đây.”
“Ngài và tất cả những người khác!” Người đàn ông cười vui vẻ, đầu lắc lắc. “Vị chủ nhà của ngài rất kín tiếng về mục đích của sự kiện tối nay. Ngay cả nhân viên bảo tàng cũng không biết đang có việc gì. Bí mật là một nửa sự thú vị - vẫn đang có rất nhiều đồn đoán! Có vài trăm vị khách ở trong kia- nhiều gương mặt rất nổi tiếng - và chưa ai có bất kỳ ý tưởng nào xem chương trình tối nay là gì!
Giờ thì Langdon cười toe toét. Rất ít vị chủ nhà trên thế giới này có gan đến phút cuối cùng mới gửi đi những tờ giấy mời về cơ bản có nội dung: Tối thứ Bảy. Đến chỗ đó. Hãy tin tôi. Và lại càng ít người có thể thuyết phục được hàng trăm nhân vật VIP tạm gác mọi việc và bay tới miền bắc Tây Ban Nha để tham dự sự kiện. Từ dưới bụng con nhện, Langdon bước ra và tiếp tục theo lối đi, mắt ngước lên nhìn một tấm băng rôn đỏ rất lớn căng phồng phía trên.
BUỔI TỐI CÙNG EDMOND KIRSCH
Chắc chắn Edmond chưa bao giờ thiếu tự tin, Langdon vui vẻ nghĩ. Khoảng hai mươi năm trước, chàng thanh niên Eddie Kirsch là một trong những sinh viên đầu tiên của Langdon tại Đại học Harvard - một anh chàng đam mê máy tính để kiểu tóc như cây chổi lau nhà. Sự ham thích các mật mã của anh đã đưa đẩy anh đến với buổi hội thảo của Langdon dành cho sinh viên năm thứ nhất: Mật mã và ngôn ngữ của các biểu tượng. Trí thông minh tinh tế của Kirsch gây ấn tượng rất sâu sắc cho Langdon và mặc dù cuối cùng Kirsch từ bỏ thế giới ký hiệu học lỗi thời để theo đuổi lời hứa hào nhoáng của ngành máy tính nhưng anh và Langdon đã tạo dựng được một mối quan hệ thầy-trò vẫn luôn duy trì liên lạc suốt hơn hai thập kỷ qua kể từ khi Kirsch tốt nghiệp.
Giờ thì chàng sinh viên vượt xa thầy rồi, Langdon nghĩ. Đến vài năm ánh sáng ấy chứ.
Đến hôm nay, Edmond Kirsch đã là một chính khách phi đảng phái nổi tiếng thế giới - một nhà khoa học máy tính, người theo thuyết vị lai, nhà sáng chế và doanh nhân tỉ phú. Anh chàng bốn mươi tuổi này là cha đẻ một loạt công nghệ tiên tiến thể hiện những bước nhảy vọt rất lớn trong vô số lĩnh vực khác nhau như người máy học, khoa học não bộ, trí thông minh nhân tạo và công nghệ nano. Những dự đoán chính xác của anh về những đột phá khoa học trong tương lai đã tạo nên một trường bí mật xung quanh người đàn ông này.
Langdon ngờ rằng sở trường dự báo kỳ lạ của Edmond bắt nguồn từ kiến thức quảng bác phi thường của anh về thế giới quanh mình. Theo như Langdon còn nhớ được, Edmond là người đam mê và sưu tầm sách không biết đâu mà thỏa mãn - đọc mọi thứ trong tầm mắt. Niềm đam mê của người đàn ông này dành cho sách, cùng khả năng tiếp thu nội dung sách, vượt xa bất kỳ điều gì ông từng chứng kiến.
Mấy năm qua, Kirsch sống chủ yếu ở Tây Ban Nha, dành lựa chọn của mình cho một mối tình với nét quyến rũ cổ kính, kiến trúc tiên phong, những quầy rượu gin kỳ dị và thời tiết hoàn hảo của đất nước này.
Mỗi năm một lần, khi Kirsch trở lại Cambridge để diễn thuyết tại Phòng Truyền thông Học viện Công nghệ Massachusetts, Langdon đều ăn một bữa với cậu ấy tại một trong những trung tâm ăn chơi hợp thời mới tinh ở Boston mà Langdon chưa bao giờ nghe nói đến. Những cuộc trò chuyện của họ chẳng bao giờ đề cập đến công nghệ, tất cả những gì Kirsch muốn thảo luận với Langdon đều là nghệ thuật.
“Thầy là kết nối văn hóa của em, thầy Robert ạ,” Kirsch thường bông đùa. “Vị cử nhân nghệ thuật độc thân của riêng em!”
Câu châm chọc khôi hài nhằm vào tình trạng hôn nhân của Langdon càng mang sắc thái mỉa mai vì nó xuất phát từ một anh chàng độc thân vẫn kịch liệt phản bác chế độ hôn nhân một vợ một chồng là “một sự sỉ nhục đối với quá trình tiến hóa” và đã từng chụp hình với vô số siêu mẫu suốt nhiều năm.
Nghĩ đến tiếng tăm của Kirsch như là một nhà cải cách trong ngành khoa học máy tính, người ta có thể dễ dàng hình dung anh là một tay đam mê công nghệ kiệm lời. Nhưng thật ra anh lại tạo dựng bản thân như một hình tượng nhạc pop hiện đại gia nhập các giới có tiếng tăm, phục sức theo những phong cách mới nhất, nghe thứ âm nhạc bí ẩn không công khai và sưu tập vô vàn tác phẩm trường phái Ấn tượng và nghệ thuật hiện đại vô giá. Kirsch thường gửi thư điện tử cho Langdon để xin lời khuyên về những tác phẩm nghệ thuật mới mà anh đang cân nhắc cho bộ sưu tập của mình.
Và rồi cậu ta sẽ lại làm ngược hẳn lại, Langdon trầm ngâm.
Khoảng một năm trước, Kirsch đã khiến Langdon ngạc nhiên khi không hỏi ông về nghệ thuật, mà lại về Chúa - một chủ đề rất lạ lùng với một nhân vật tự nhận là vô thần. Bên đĩa sườn sống chặt nhỏ tại quán Tiger Mama ở Boston, Kirsch đã khai thác bộ não của Langdon về những tín điều cốt lõi của rất nhiều tôn giáo trên thế giới, đặc biệt là những câu chuyện khác nhau của họ về Sáng tạo.
Langdon đã nói với cậu ấy kiến thức tổng quan rất đáng tin cậy về các tín điều hiện hành, từ câu chuyện Sáng thế ký mà cả Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo cùng chung nhau, tới cả câu chuyện về thần Brahma của Ấn Độ giáo, chuyện thần Marduk của người Babylonia và những câu chuyện khác.
“Tôi rất tò mò. Tại sao một nhân vật vị lai chủ nghĩa lại quan tâm đến quá khứ vậy chứ? Phải chăng điều đó có nghĩa là anh chàng vô thần nổi tiếng của chúng ta cuối cùng đã tìm thấy Chúa?” Langdon hỏi khi họ rời nhà hàng.
Edmond cười rất thành thật. “Thầy lại mơ tưởng rồi! Em chỉ đánh giá cuộc cạnh tranh của mình thôi, thầy Robert.”
Langdon mỉm cười. Rất đặc trưng. ”Chậc, khoa học và tôn giáo không phải là đối thủ cạnh tranh nhau, đó là hai ngôn ngữ khác nhau đang tìm cách kể cùng một câu chuyện. Thế giới này có chỗ cho cả hai.”
Sau cuộc gặp gỡ đó, Edmond cắt đứt liên lạc suốt gần một năm trời. Và rồi, rất đột ngột, ba ngày trước, Langdon nhận được một phong bì FedEx kèm vé máy bay, một biên nhận đặt chỗ khách sạn và một thông báo viết tay từ Edmond, hối thúc ông tham dự sự kiện tối nay. Thông báo ghi: Thầy Robert, sẽ vô cùng có ý nghĩa với em nếu thầy có thể tham dự. Hiểu biết sâu sắc của thầy trong cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng ta giúp làm nên buổi tối này.
Langdon rất bối rối. Cuộc trò chuyện hôm đó dường như chẳng có liên hệ gì dù rất xa xôi với một sự kiện do một nhân vật vị lai chủ nghĩa chủ trì cả.
Chiếc phong bì FedEx còn có tấm hình đen trắng hai người đứng mặt đối mặt. Kirsch đã viết một bài thơ ngắn gửi Langdon.
Thầy Robert,
Khi thầy trực diện gặp em,
Không gian trống rỗng mở toang đợi thầy.
-- Edmond
Langdon mỉm cười khi nhìn tấm hình - một sự ám chỉ rất khôn khéo tới một tình huống mà Langdon từng tham gia vài năm trước. Hình bóng một chiếc cốc lễ, hay Chén thánh, lộ ra trong khoảng trống giữa hai khuôn mặt.
Giờ Langdon đang đứng bên ngoài bảo tàng này, háo hức muốn biết anh chàng sinh viên cũ của mình định công bố điều gì. Một làn gió nhẹ hất đuôi áo của ông khi ông men theo lối đi bộ bằng xi măng trên bờ sông Nervión uốn khúc, vốn từng là nguồn sống của một thành phố công nghiệp thịnh vượng. Không khí phảng phất mùi đồng hun.
Lúc Langdon vòng theo một khúc quanh trên lối đi, rốt cuộc ông cũng cho phép mình ngắm nhìn tòa bảo tàng đồ sộ, lấp lánh. Chỉ mới nhìn, khó có thể đánh giá đúng về tòa nhà được. Thay vào đó, ánh mắt của ông lướt tới lướt lui dọc theo toàn bộ chiều dài của những hình khối kéo dài, kỳ quái.
Tòa nhà này không chỉ phá bỏ mọi quy tắc, Langdon nghĩ. Nó hoàn toàn phớt lờ chúng. Một địa điểm hoàn hảo cho Edmond.
Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao, Tây Ban Nha, trông giống thứ gì đó hiện ra từ một hình ảnh ảo giác lạ lẫm - một bức tranh cắt dán xoáy tròn của những hình thù kim loại biến dạng có vẻ tì đỡ vào nhau một cách gần như ngẫu nhiên. Chạy dài ra xa, cái khối những hình thù hỗn độn này được phủ bằng hơn ba mươi nghìn viên gạch ốp titanium sáng lấp lánh như lớp vảy cá, khiến cho tòa nhà mang cảm giác vừa là sinh vật sống vừa xa lạ như ở ngoài hành tinh này, hệt một con thủy quái tương lai nào đó vừa bò lên khỏi mặt nước để sưởi nắng trên bờ sông vậy.
Khi lần đầu tiên tòa nhà khai trương vào năm 1997, tờ The New Yorker đã ca ngợi kiến trúc sư của nó, Frank Gehry, là đã thiết kế ra “một con tàu tương lai ngoài sức tưởng tượng có hình thù lượn sóng trong lớp vỏ titanium,” trong khi các nhà phê bình trên khắp thế giới lên tiếng, “Tòa nhà vĩ đại nhất thời đại chúng ta!” “Nét tài hoa từ Sao Thủy!” “Một chiến tích kiến trúc phi thường!”
Kể từ khi bảo tàng khai trương, hàng chục tòa nhà “theo xu hướng phi tạo dựng” khác đã mọc lên - Sảnh Hòa nhạc Disney ở Los Angeles, BMW World ở Munich và thậm chí cả tòa thư viện mới tại chính học hiệu của Langdon. Mỗi cái đều mang đặc trưng thiết kế và xây dựng hoàn toàn trái với thông lệ, nhưng Langdon vẫn ngờ rằng không công trình nào trong số đó cạnh tranh được với Bilbao Guggenheim về giá trị gây sốc tuyệt đối của nó.
Lúc Langdon tiến lại, phần mặt tiền ốp gạch dường như biến hình theo mỗi bước chân, đem lại một nét đặc trưng mới qua mỗi góc nhìn. Cái ảo giác ấn tượng nhất của bảo tàng lúc này trở nên rõ rệt. Thật ngạc nhiên khi từ góc nhìn này, tòa công trình đồ sộ xuất hiện đúng như đang nổi trên mặt nước, bập bềnh trong một đầm nước mênh mông “vô tận” vỗ sóng vào phần tường ngoài của bảo tàng.
Langdon dừng lại một lúc ngỡ ngàng trước cái hiệu ứng ấy và rồi mới bắt đầu vượt đầm nước qua cây cầu bộ hành hết sức giản tiện uốn thành một vòng cung phía trên vùng nước trong vắt. Ông mới chỉ đi được nửa đường thì có âm thanh rít lên rất to khiến ông giật mình. Nó phát ra ngay từ bên dưới chân ông. Ông dừng sững lại đúng lúc một đám hơi nước xoáy tròn bắt đầu cuộn lên từ phía dưới lối đi bộ. Màn sương mù dày đặc ấy bốc lên quanh ông và rồi tỏa ra khắp đầm nước, lan về phía bảo tàng và phủ kín phần chân móng của toàn bộ công trình.
Tác phẩm Điêu khắc Sương mù, Langdon nghĩ.
Ông đã đọc về công trình này của nghệ sĩ người Nhật Fujiko Nakaya. “Tác phẩm điêu khắc” này mang tính cách mạng ở chỗ nó được kiến tạo bằng phương tiện không khí hữu hình, một màn sương mù hiện hữu và tan đi theo thời gian. Và bởi lẽ các đợt gió thổi cùng điều kiện khí quyển chẳng bao giờ giống nhau giữa ngày này với ngày tiếp theo nên tác phẩm điêu khắc luôn khác biệt mỗi lần nó xuất hiện.
Cây cầu ngừng tiếng rít, Langdon nhìn bức tường sương mù lặng lẽ tụ trên khắp đầm nước, cuộn xoáy và lan đi như thể nó có ý nghĩ riêng vậy. Hiệu ứng này vừa thoát tục vừa khiến người ta mất phương hướng. Toàn bộ bảo tàng lúc này như đang lơ lửng trên mặt nước, tọa lạc nhẹ hẫng trên một đám mây - một con tàu ma lạc trên biển.
Langdon vừa định đi tiếp thì mặt nước tĩnh lặng bị xé toang bởi một loạt điểm phun trào nho nhỏ. Rất bất ngờ, năm cột lửa cháy bùng bùng từ đầm nước vọt lên không trung, liên tục gầm rít như động cơ tên lửa xuyên thủng bầu không khí thấm đẫm hơi nước và tung những chùm ánh sáng rực rỡ loang khắp lớp gạch ốp titanium của bảo tàng.
Thị hiếu kiến trúc của Langdon có xu hướng thiên về những kiểu cách bảo tàng như Louvre hay Prado nhiều hơn, và lúc nhìn màn sương cùng lửa lơ lửng phía trên đầm nước, ông không nghĩ ra được chỗ nào khác phù hợp hơn là chính cái bảo tàng siêu hiện đại này để làm nơi tổ chức một sự kiện được khởi xướng bởi một người yêu nghệ thuật và đổi mới, cũng như hình dung về tương lai một cách rõ ràng đến vậy.
Lúc này, khi đi qua màn sương, Langdon chú tâm đến lối vào bảo tàng - một chỗ trống đen ngòm đầy hăm dọa trên tòa công trình không mấy thân thiện. Lúc đến gần ngưỡng cửa, Langdon có cảm giác khó chịu rằng ông đang bước vào miệng một con rồng.