Giun chỉ và Sự giàu có
“Tâm lý học dường như là lời giải đáp cho tất cả các giải pháp tiềm năng nhằm cải thiện thu nhập từ thị trường chứng khoán.”
- Ben Stein và Phil DeMuth,
cuốn The Little Book of Alternative Investments 2
(Tạm dịch: Cuốn sách nhỏ về Các khoản đầu tư thay thế )
2 Alternative Investments (AI) là cách thức đầu tư dựa trên nhiều loại tài sản khác nhau ngoài những loại đầu tư thông thường như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt. Những loại tài sản này bao gồm: Đầu tư vào Quỹ đầu cơ (Hedge fund), Công ty tư nhân (Private Equity), Bất động sản, Hàng hóa và các loại hình đầu tư khác.
Từ giun chỉ…
Miền Nam nước Mỹ là một vùng đất đáng tự hào và đôi khi cũng rất phiền phức bởi nền ẩm thực độc đáo, chất giọng không thể nhầm lẫn cùng sự ấm áp cả về tình người và khí hậu. Tôi là một người con của vùng đất kỳ lạ và tuyệt vời đó, một người Alabama chính cống hiện đang sống tại Atlanta - thủ phủ của miền Nam.
Atlanta có rất nhiều điều kỳ thú: là quê hương của hai giải Nobel Hoà bình - Martin Luther King, Jr. và Jimmy Carter; là thành phố duy nhất của Mỹ hai lần bị hoả hoạn thiêu rụi hoàn toàn và là nơi tổ chức Thế vận hội mùa hè 1996. Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả, Atlanta chính là cái nôi nghiên cứu dịch tễ học của thế giới với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh (CDC) và Trung tâm Carter.
CDC tự hào với hơn 14.000 nhân viên tại 50 quốc gia và là mũi nhọn chống lại các căn bệnh truyền nhiễm trong nước và quốc tế. Trung tâm Carter, di sản từ thiện của tổng thống Mỹ Jimmy Carter, đã đưa ra phương châm đầy tham vọng: Gìn giữ hoà bình. Chống lại bệnh tật. Khơi nguồn hy vọng.
Mặc dù cả hai trung tâm đều hoạt động rất cần mẫn, nhưng có vẻ công việc của họ mới chỉ dừng ở chỗ thu hút sự chú ý của người dân tới các dịch bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, SARS, cúm gia cầm và gần đây nhất là virus Ebola. Với cái tên ấn tượng được giật tít trên các trang nhất (đang nói mày đó, bệnh Bò điên), những dịch bệnh này luôn nhận sự quan tâm của công chúng. Một số chương trình có ảnh hưởng nhất của các tổ chức này đã có tác động trên diện rộng. Một trong số các chiến dịch như vậy là nỗ lực loại trừ giun chỉ do Tiến sĩ Donald Hopkins chỉ đạo.
Để nhận biết đầy đủ tầm quan trọng của công trình do Tiến sĩ Hopkins cùng nhóm của ông đã thực hiện tại trung tâm Carter, trước tiên chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ khó khăn là hiểu rõ tác hại của loài ký sinh Dracunculus hay thường được biết đến là giun chỉ (rất khó chịu đấy). Giun chỉ là loài ký sinh trong mô lớn nhất và có thể dài đến ba feet (tương đương 1 mét). Chúng cũng sinh sản rất nhanh chóng, một con cái trưởng thành có thể chứa tới ba triệu phôi, một con số đáng kinh ngạc. Tổ chức Y tế Thế giới đã mô tả đặc điểm, “loài ký sinh trùng này di chuyển qua các mô dưới da của nạn nhân, gây ra các cơn đau khủng khiếp, nhất là khi xâm nhập vào khớp xương. Cuối cùng chúng sẽ chui ra ngoài (đa số là qua bàn chân), gây ra chứng phù thũng hết sức đau đớn kèm các vết lở loét đi cùng cơn sốt, buồn nôn và nôn mửa.” Ôi!
Vấn đề còn phức tạp hơn, bởi chính phương thức nhằm làm dịu cơn đau tồi tệ này lại làm tăng nguy cơ truyền nhiễm. Trong nỗ lực đầy tuyệt vọng để giảm bớt sự đau đớn, người bệnh thường tìm tới các nguồn nước và ngâm phần chân tay chứa đầy giun xuống đó. Kết quả tức thì đối với bệnh nhân là rất khả quan - họ sẽ thấy mát lạnh ở vết thương và đỡ đau nhức trong chốc lát. Tuy nhiên, sự cứu rỗi ngắn ngủi với một cá nhân sẽ gây ra thiệt hại cho rất nhiều người khác, bởi vì lúc này lũ giun chỉ đã chui vào trong nước, môi trường sinh sản ưa thích của chúng. Giờ chắc bạn cũng đã đoán ra, đám ký sinh trùng sinh sôi nhanh chóng trong nước, rồi lại xâm nhập vào trong cơ thể những người đã uống nguồn nước đó, và rồi họ lại trở lại nguồn nước để giảm đau, chu kỳ cứ thế tiếp diễn.
Nhưng những hậu quả tiêu cực với xã hội lớn hơn rất nhiều so với cơn đau thể chất (nói thì dễ lắm ấy). Cuốn sách Influencer: The Power to Change Anything đã mô tả các hệ quả đó như sau:
“Người bệnh không thể làm việc trong nhiều tuần lễ. Khi cha mẹ bị đau đớn, lũ trẻ sẽ phải nghỉ học để giúp việc nhà. Hoa màu không được gieo trồng. Mùa màng thất bát. Kéo theo nạn đói. Thế hệ tiếp theo vẫn sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn của nghèo đói và mù chữ. Thông thường người bệnh có thể chết vì nhiễm trùng thứ cấp do ký sinh trùng gây ra. Kết quả là, trải qua hơn 3.500 năm, bệnh giun chỉ vẫn là rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế và xã hội ở hàng chục quốc gia.”3
3 J. Grenny, K. Patterson, D. Maxfield, R. McMillan and A. Switzler, Influencer: The Power to Change Anything (McGraw-Hill Education, 2013), 17.
Lúc này chúng ta dễ dàng nhận thấy Tiến sĩ Hopkins cùng nhóm của ông đã tuyên chiến với một kẻ thù ghê gớm khi khởi động chiến dịch chống lại bệnh giun chỉ năm 1986. Nhưng kế hoạch chiến đấu của họ chưa phải là điều tuyệt vời nhất. Thay vì nỗ lực tập trung vào việc chữa bệnh, họ đã tìm cách thay đổi hành vi của con người nhằm ngăn chặn bệnh lan rộng. Và nhờ vậy họ đã làm được điều mà rất nhiều người cho rằng không thể - gần như tiêu diệt hoàn toàn một căn bệnh mà không cần tới một phương thuốc cụ thể nào.
Cách thức họ tiến hành để đạt được thành công không tưởng này lại diễn ra hết sức trực quan: họ kiểm tra những ngôi làng không bị nhiễm bệnh, lưu ý một số hành vi quan trọng và công bố rộng rãi phát hiện của mình. Cụ thể các hành vi đó như sau (nếu đã từng sống ở một nước đang phát triển bạn sẽ hiểu rõ tầm quan trọng của chúng):
1. Người dân sống trong các ngôi làng khoẻ mạnh phải luôn sẵn sàng thông báo cho mọi người khi bạn bè, người thân hay hàng xóm của họ bị nhiễm bệnh.
2. Người bệnh phải được giữ tránh xa nguồn nước chung trong giai đoạn đau đớn nhất (chẳng hạn như lúc giun chui ra ngoài qua da).
Bằng cách quy định hoá hai hành vi quan trọng này và cho mọi người thấy hiệu quả của chúng, Tiến sĩ Hopkins và nhóm của ông đã mang lại sức khoẻ dồi dào về thể chất, tinh thần và kinh tế cho hàng triệu người. Nghiên cứu của họ có tầm ảnh hưởng to lớn, song giải pháp lại vô cùng đơn giản; hầu như họ chẳng làm gì mang tính đột phá đặc biệt mà vẫn cứu được thế giới thoát khỏi thảm hoạ này. Chỉ nhờ Tiến sĩ Hopkins hiểu được sức mạnh của một số hành vi quan trọng, rồi áp dụng rộng rãi và nhất quán mà thôi.
… đến lợi nhuận khổng lồ
Dường như chẳng có bất kỳ dính líu gì giữa sự giàu có của bạn với một loài ký sinh trùng nhiệt đới cả (hoặc nó quá kinh tởm để so sánh), nhưng thực ra chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học từ công cuộc loại trừ căn bệnh này. Trước tiên chúng ta phải thừa nhận rằng, thực tế các nhà đầu tư đang mắc phải một căn bệnh mà không có và sẽ không bao giờ có phương thuốc cứu chữa. Căn bệnh đó chính là nỗi sợ hãi và lòng tham. Tôi hy vọng rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn cũng sẽ bị thuyết phục như tôi rằng tâm lý chính là trở ngại lớn nhất đối với cả lợi nhuận thoả đáng từ đầu tư, đồng thời cũng là lợi thế tiềm năng nhất của bạn để đánh bại các nhà đầu tư khác kém kỷ luật hơn.
Thứ hai, bạn phải đồng ý rằng cách duy nhất để tiêu diệt căn bệnh sợ hãi và tham lam này là tuân thủ tuyệt đối một nhóm các hành vi sống còn. Cũng giống những hành vi đã giúp giải thoát dân làng, các hành vi ở đây cũng rất đơn giản, trực quan, dễ nắm bắt nhưng sẽ đau thấu xương khi thực hiện. Nó có dễ hiểu như việc một người nhiễm bệnh không nên tiếp cận nguồn nước không? Tất nhiên rồi. Liệu có dễ làm trong lúc cơ thể bạn đang đau đớn không? Không đời nào.
Tương tự như vậy, các ý tưởng bạn tìm thấy ở cuốn sách này trong giây phút tỉnh táo nào đó xứng đáng nhận được cái gật đầu mạnh mẽ. Nhưng khả năng thực hiện chúng theo đúng kỷ luật của bạn trong mọi điều kiện thị trường sẽ quyết định hiệu quả của chúng. Một người dân bình thường biết không được nhúng chân xuống nước mà vẫn làm thì cũng chẳng hơn một người không biết gì, các nhà đầu tư cũng vậy. Giống như người dân, chỉ khi học được cách chịu đựng đau đớn hôm nay để xây dựng ngày mai tốt đẹp hơn thì chúng ta mới trở thành nhà đầu tư thực thụ.
Vượt qua rào cản ‘‘Hãy nói không”
Dường như bản chất con người là thường thích thú môn học gọi là bệnh lý học. Sigmund Freud bắt đầu nghiên cứu tâm lý con người bằng cách xây dựng các tình huống khiến họ rơi vào tuyệt vọng (ví dụ: liên quan đến Mẹ) và các quy tắc của phương pháp phân tâm học này tiếp tục được áp dụng trong suốt hơn một thế kỷ. Đó là khoảng thời gian 150 năm trước khi tâm lý học lâm sàng được hoàn chỉnh bằng một phương pháp mà ngày nay chúng ta gọi là tâm lý học tích cực - nghiên cứu về những điều khiến con người hạnh phúc, mạnh mẽ và phi thường.
Có lẽ chẳng có gì đáng kinh ngạc khi tài chính hành vi cũng bắt đầu với một nghiên cứu về sự bất thường và chỉ mới dần chấp nhận quan niệm tập trung hơn vào giải pháp. Mặc dù xem xét kỹ lưỡng quá trình chuyển đổi từ cách tiếp cận hiệu quả sang tiếp cận hành vi không phải là lý do tại sao chúng ta lại ở đây, nhưng vẫn xứng đáng để cân nhắc cơ sở của ý tưởng này và làm thế nào chúng ta có thể cải thiện chúng.
Trong nhiều thập kỷ, các lý thuyết kinh tế phổ biến đã tán thành quan điểm “Con người Kinh tế” với đặc điểm lý trí, tối đa hoá lợi ích và tư lợi. Với những giả định đơn giản này (mà thường không thực tế), các nhà kinh tế học đã xây dựng một mô hình toán học vượt trội song lại khó ứng dụng trong thực tiễn. Nó đã rất hiệu quả cho đến khi không còn phù hợp nữa. Bị kích động bởi niềm tin vào khả năng dự đoán của con người Kinh tế, những người Thông minh nhất đã mạo hiểm “nhặt vài đồng xu nhỏ ngay trước mũi xe ủi”4 - cho đến khi chúng bị ủi phẳng hoàn toàn.
4 Hàm ý: chấp nhận rủi ro lớn chỉ để có được tỷ suất lợi nhuận nhỏ bé.
Với ưu thế của các quỹ đầu tư mạo hiểm, sự mê muội kỳ quặc cùng những vụ phá sản và các chứng cứ ngày càng nhiều về tính phi lý của loài người, Con người Kinh tế dần nhường chỗ cho Con người Ảo tưởng. Nhóm ủng hộ lý thuyết hành vi bắt đầu ghi chép lại sai lầm của các nhà đầu tư cũng như những người từng nhiệt tình ủng hộ lý thuyết hiệu quả thị trường để bảo vệ sự khôn ngoan chung của đám đông. Theo ghi nhận gần đây nhất thì các nhà tâm lý học cùng các nhà kinh tế học đã ghi chép 117 sai lầm có thể ảnh hưởng xấu tới quyết định tài chính sáng suốt. Có tới một trăm mười bảy khả năng khác nhau khiến bạn mắc sai lầm.
Vấn đề của triết lý Tháp Ngà5 này là nó chẳng có điểm nào hữu dụng với các nhà đầu tư. Đối với các nhà tâm lý học lâm sàng, chẩn đoán là cần thiết, nhưng lại không phải là phần trọng yếu trong quá trình điều trị. Nếu một giờ trị giá 200 USD của ông ta không giúp xác định bệnh lý của bạn và chỉ cho bạn lối thoát, thì ngược lại cái mà phần lớn các lý thuyết tài chính hành vi mang đến cho công chúng đầu tư là: quá nhiều căn bệnh và bế tắc về giải pháp.
5 Nguyên gốc là Ivory Tower: nghĩa bóng là thế giới cao siêu, xa vời của tri thức sách vở và ý nghĩa chủ quan mà trong đó các nhà trí thức náu mình, cách xa thế giới thực.
Để xem xét trực tiếp tính vô ích của lời khuyên không nên làm cái gì, chúng ta hãy thử bài tập đơn giản sau đây:
“Đừng nghĩ tới một con voi màu hồng.”
Chuyện gì xảy ra sau khi bạn đọc đề nghị trên? Kỳ lạ là bạn làm chính xác điều tôi yêu cầu đừng làm và tưởng tượng ra một con voi màu hồng. Thất vọng làm sao! Bạn có thể tưởng tượng bất kỳ thứ gì - bạn có vô số chỉ trừ một lựa chọn - và dĩ nhiên bạn vẫn không tuân theo yêu cầu đơn giản của tôi. Ồ, tôi vẫn chưa bỏ cuộc đâu. Chúng ta hãy thử thêm một lần nữa.
“Cho dù thế nào, đừng nghĩ tới một con voi lớn màu tím với chiếc ô xinh xắn đang nhón gót đi trên một chiếc dây trên cao nối giữa hai toà nhà trong một khu đô thị rộng lớn.”
Bạn lại tiếp tục không làm theo lời tôi, đúng không?
Trải nghiệm vừa rồi của bạn là xu hướng hết sức tự nhiên, con người thường sẽ tưởng tượng hoặc thậm chí là ngẫm nghĩ về thứ gì đó, ngay cả khi biết rõ là không nên. Xem xét trường hợp một người ăn kiêng đã tự xây dựng một danh sách dài những thực phẩm cần loại bỏ. Chẳng hạn, anh ta có thể lặp đi lặp lại câu thần chú, “Tôi sẽ không ăn bánh quy. Tôi sẽ không ăn bánh quy. Tôi sẽ không ăn bánh quy” bất kỳ lúc nào gặp phải sự cám dỗ dù nhỏ nhất.
Nhưng tác dụng chính của cách tự kỷ ám thị đầy cực đoan của anh ta là gì? Thực tế là anh ta đã nghĩ tới bánh quy cả ngày và có vẻ sẽ đầu hàng ngay khi nhìn thấy một chiếc Oreo. Nghiên cứu cho thấy có một cách tiếp cận hiệu quả hơn nhiều là định hướng lại hành vi thành điều gì đó đáng mong ước hơn việc lặp đi lặp lại các thông điệp mang tính hành xác, mà trớ trêu thay lại luôn khiến chúng ta bận tâm về những thứ xấu xa.
Thật không may cho các nhà đầu tư, cho đến nay thì luôn có quá nhiều các thông điệp giả dối “Đừng làm” hơn là những điều mang tính xây dựng như “Hãy làm.” Mục đích của tôi là khôi phục lại sự cân bằng và cung cấp cho bạn những gợi ý cụ thể để quản lý cả hành vi lẫn tiền bạc của bạn.
Vượt qua định kiến
Tiêu cực và hổ thẹn không chỉ mang lại hành vi trái mong muốn, mà đôi khi còn khiến chúng ta mất hoàn toàn tính chủ động. Lãnh đạo của VitalSmarts - những người tiên phong đổi mới trong đào tạo và phát triển năng lực lãnh đạo trong công ty - vừa chia sẻ một câu chuyện như vậy trong tác phẩm của họ, Influencer: The Power to Change Anything. Họ kể câu chuyện về Đức vua Rama IX của Thái Lan đã ban hành một quyết định lịch sử nhằm thể hiện sự nhân từ của mình nhân dịp sinh nhật 60 tuổi. Quà tặng của ông là gì? Ông đã ân xá cho hơn 30.000 tù nhân. Sự việc xảy ra vào năm 1988, và cho tới trước lúc đó, virus HIV/AIDS ở Thái Lan phần lớn nằm trong hệ thống nhà tù. Nhưng với việc phóng thích hàng chục ngàn tù nhân ở đất nước có ngành công nghiệp tình dục phát triển này, tình hình đã nhanh chóng thay đổi. Trong vòng 365 ngày, có tới 1/3 số người hành nghề mại dâm ở các tỉnh đã bị phát hiện nhiễm HIV. Và thực tế đáng buồn có thể dự đoán trước được, những người đàn ông đã lập gia đình mau chóng bị lây nhiễm từ gái mại dâm, đưa căn bệnh trở lại vùng ngoại ô và truyền sang cho vợ con họ. Với hơn một triệu người Thái mắc bệnh và gần 1% dân số hoạt động trong lĩnh vực tình dục, dự báo tỉ lệ nhiễm HIV trong tương lai thật đáng sợ.
Để đối phó với tình trạng này, chính phủ đã triệu tập một nhóm đặc biệt do Tiến sĩ Wiwat đứng đầu. Thực tế, ông nhận được yêu cầu phải khiến công chúng sợ hãi. Ông cùng nhóm cộng sự đã làm các tấm băng-rôn với dòng chữ đầy kịch tính như, “sắp xảy ra dịch bệnh đáng sợ!” Nhưng sau vài năm, khi kiểm tra lại hiệu quả việc làm của mình, họ phát hiện chiến dịch “đe doạ” chỉ mang lại phản ứng tiêu cực. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn, vì vậy họ quyết định phải đưa ra phương pháp mới.
Lần đầu tiên, Tiến sĩ Wiwat cùng cộng sự đã xác định được gốc rễ của vấn đề: 97% các ca nhiễm mới là do quan hệ tình dục với gái mại dâm. Từ đó ông tập trung vào hướng thuyết phục người hành nghề mại dâm buộc khách hàng phải dùng bao cao su. Nơi mà nỗi sợ từng thống trị giờ được thay thế bằng giáo dục. Chiến dịch sợ hãi mơ hồ dần được thay thế bằng những lời khuyên hữu ích về cách tìm kiếm, tham gia và sử dụng biện pháp phòng ngừa. Cuối những năm 1990, lẽ ra phải có tới năm triệu người Thái mắc bệnh AIDS nhưng kết quả thực tế khả quan hơn nhiều. Nó cho thấy điểm mấu chốt mang tới hiệu quả trong chiến dịch của Tiến sĩ Wiwat - cung cấp nền tảng thông tin có tác dụng hơn là gây ra nỗi sợ hãi. Cho dù là với trường hợp con voi hồng hay gái mại dâm Thái Lan, kết quả khảo sát đều như nhau - xấu hổ và sợ hãi chỉ mang lại hiệu quả tiêu cực, thậm chí còn dẫn đến tâm lý phản kháng.
Để cung cấp thêm các bằng chứng về việc ám chỉ tác động lên hành vi ra sao, trong cuốn Predictably Irrational, Dan Ariely đã chỉ ra kết quả của một bài kiểm tra toán thử nghiệm trên một nhóm phụ nữ lại phụ thuộc vào việc họ có được nhắc nhở trước rằng mình là người châu Á (vốn được cho là rất giỏi toán) hay chỉ là một phụ nữ bình thường (được cho là rất kém môn này). Và chắc chắn bạn cũng đoán ra, kết quả của những người được mớm ý nghĩ rằng họ là người châu Á tốt hơn hẳn so với những phụ nữ chỉ được nhắc nhở về giới tính.
Tương tự như vậy, Meir Statman cũng chia sẻ nghiên cứu về kinh tế xã hội và hành vi tiêu dùng trong cuốn sách What Investors Really Want. Những người tham gia được gieo ý nghĩ rằng họ là người nghèo và thường có xu hướng tiêu tiền vào hàng hoá xa xỉ, như để thể hiện sự giàu có với mọi người. Trong cả hai trường hợp, hành vi của người tham gia bị thao túng bởi lời nhắc nhở về hoàn cảnh, địa vị của bản thân. Họ được cho biết nơi mình thuộc về và hành động theo đúng như vậy.
Xem xét hiện tượng này trong thế giới đầu tư, như đã biết, việc ám chỉ tinh thần rất nguy hiểm. Bằng cách nhấn mạnh những sai lầm về hành vi luôn ngáng chân nhà đầu tư - và không đưa ra các phương pháp thay thế mang tính xây dựng - tài chính hành vi đã ám chỉ rằng các nhà đầu tư sẽ rơi vào bế tắc với các sai lầm này và phản ứng bằng các hành vi khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Nhà đầu tư không phải những kẻ lười biếng tư lợi, chỉ luôn muốn tối đa hoá lợi ích như nhóm lý thuyết thị trường hiệu quả từng nghĩ, nhưng họ cũng không phải ông bố Homer Simpson6 đần độn như vẫn được tô vẽ gần đây.
6 Homer Simpson: là nhân vật chính - người bố trong gia đình Simpson - của loạt phim hoạt hình truyền hình The Simpsons.
Thay vì đưa ra một bản danh sách ngày càng dài về sai lầm mà họ sẽ mắc phải, nhà đầu tư cần hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, cũng như lời khuyên cụ thể để phát triển điểm mạnh và hạn chế điểm yếu. Cũng giống vị bác sĩ Thái Lan khôn ngoan, tôi hy vọng cuốn sách này đủ sợ hãi để khiến bạn quan tâm và cung cấp cho bạn giải pháp tích cực để tránh xa rủi ro do hành vi xấu mang lại.
Nhà văn Michel de Montaigne đã nói về hiện tượng này một cách uyển chuyển hơn:
“Tôi thật lòng biết ơn cô thiếu nữ thành Miletus, người đã đặt vài rào cản khiến nhà hiền triết Thales vấp ngã để cảnh báo ông rằng thay vì mất thời gian thích thú ngắm nhìn những thứ ẩn nấp trong mây thì hãy nhìn rõ con đường dưới chân, khi thấy ông luôn luôn ngước nhìn lên vòm trời xanh. Quả thực cô đã cho ông lời khuyên rất hữu ích, hãy nhìn thấu bản thân mình hơn là ngắm nhìn những thứ xa vời.”
Tài chính hành vi cũng dành phần lớn thời gian cho thiên đường trên cao mà không hề ý thức được những cân nhắc thực tế hơn dưới chân mình. Mục đích của tôi trong cuốn sách này là cung cấp các lý thuyết, giai thoại và nghiên cứu đủ thuyết phục lý trí, song luôn hướng tới kết quả thiết thực là giúp bạn trở thành nhà đầu tư khôn ngoan hơn.
Vì thế hãy đọc cuốn sách này, nhưng đừng chỉ đọc suông thôi, bởi những nguyên tắc trong này sẽ chỉ hữu ích khi bạn sẵn sàng thử nghiệm chúng. Hành trình của một nhà đầu tư hành vi đòi hỏi một chút lý trí, song nhiều hơn cả là sự kiên trì.