SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KHỈ VÀ NGƯỜI
Bạn đã từng thấy một con khỉ trong bộ lễ phục7 chưa? Tôi thật lòng hy vọng là rồi, nhưng nếu chẳng may bạn chưa có cơ hội được thấy thì hãy vui lòng đặt cuốn sách này xuống một lát, sử dụng công cụ tìm kiếm yêu thích của bạn, rồi bạn sẽ thấy trò bắt chước này đã được xếp đặt trong vội vàng.
7 Lễ phục: giống như bộ vest thông thường nhưng trang trọng và lịch thiệp hơn, dùng trong các dịp đặc biệt, các sự kiện buổi tối, thường thắt với nơ thay cho cà-vạt và khăn thắt lưng thay cho thắt lưng.
Bạn thấy rồi chứ? Tốt rồi!
Trong quá trình chứng kiến vẻ ngoài hoành tráng của con khỉ mặc lễ phục, có lẽ bạn đã trải qua một vài phản ứng trái ngược nhau. Phản ứng đầu tiên của bạn có thể là mỉm cười hoặc cười phá lên, nhưng khi nhìn kỹ hơn, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu. Xét về khía cạnh hài hước thì một con khỉ mặc vest (từ giờ ta sẽ gọi tắt là MIAT: Monkey In A Tuxedo) có lẽ thật buồn cười, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy có gì đó không đúng khi nhìn loài vật hoang dã này quấn chiếc khăn thắt lưng8 quanh eo.
8 Nguyên tác: cummerbund: là phụ kiện dùng thay thế cho thắt lưng khi mặc vest lễ phục, thường được làm từ lụa và vải sa-tanh.
Xét về tính lạ lùng thì hình ảnh này tạo cảm giác giống như bạn đang đầu tư sai. Nghịch lý đáng buồn là:
1. Bạn phải đầu tư vào những tài sản rủi ro cao nếu muốn sống sót.
2. Bạn không đủ mạnh mẽ về mặt tâm lý để đầu tư vào chúng.
Trước tiên, chúng ta hãy cùng xem xét lý do tại sao bạn phải đầu tư vào các tài sản rủi ro cao nếu bạn muốn ăn bất cứ thứ gì mà không phải là cơm hẩm cháo thiu trong suốt năm tháng vàng son của mình. Theo cuốn sách này thì mức lương bình quân của Mỹ là 26.695 USD và thu nhập bình quân của một gia đình là 50.500 USD.
Tuy nhiên, chúng ta hãy giả định rằng bạn thông minh gấp bốn lần mức trung bình và xoay xở để đảm bảo mức lương thoải mái là 100.000 USD một năm. Chúng ta hãy giả định thêm rằng bạn là tín đồ trung thành của chuyên gia phản đối vay nợ Dave Ramsey và đều đặn dành ra 10% thu nhập hàng năm bỏ vào tài khoản tiết kiệm không rút gốc và lãi đến khi nghỉ hưu. Nếu bạn bắt đầu tiết kiệm từ năm 25 tuổi và nghỉ hưu ở tuổi 65, nỗ lực tiết kiệm của bạn sẽ mang lại con số tổng là 400.000 USD.
400.000 USD có vẻ là một số tiền kha khá, nhưng nó cũng khó có thể giúp một người sống thoải mái thêm 30 năm sau khi nghỉ hưu. Với 13.333 USD mỗi năm, bạn sẽ sống ở mức gần sát với chuẩn nghèo theo thống kê hiện nay, đó là còn chưa kể đến lạm phát sẽ xói mòn sức mua của con số này trong vòng 40 năm.
Nếu quay trở lại 40 năm trước, chúng ta sẽ thấy với 90.000 USD năm 1975 sẽ có sức mua tương đương 400.000 USD ngày nay. Chỉ cần một phép tính đơn giản cũng giúp chúng ta thấy rõ rằng hiện tại con số 400.000 USD có vẻ ổn, nhưng sau 40 năm nữa chúng ta sẽ cần 1,5 triệu USD để đảm bảo duy trì sức mua tương tự.
Hãy nhớ rằng một cặp vợ chồng Mỹ trung bình đang chi tiêu gần 250.000 USD cho dịch vụ y tế, vượt xa mức bảo hiểm hàng tháng của họ. Ngay cả khi tính toán với tỉ lệ lạm phát thấp nhất trong vòng 40 năm tới thì chỉ riêng chi phí y tế cũng vượt xa khoản bạn tiết kiệm được, dù đã áp dụng mô hình tiết kiệm phần lớn khoản tiền kiếm được.
Dù bạn có thể phức tạp hóa các giả định trên để phản ánh chính xác hơn thực tế của người lao động trung bình (hầu hết mọi người không thể kiếm được 100.000 USD ngay sau khi vừa ra trường mà tăng dần trong quá trình làm việc và đa phần mọi người không dành ra 10% thu nhập để tiết kiệm) thì kết quả về cơ bản vẫn giống nhau. Đơn giản là bạn không thể đạt được mục tiêu tiết kiệm cần thiết vào năm 65 tuổi mà không có sự trợ giúp của tài sản rủi ro cao mà lợi nhuận chúng mang lại vượt quá sức xói mòn của lạm phát.
Burton Malkiel đã đúc rút, “Rõ ràng là dù đối mặt với lạm phát nhẹ, chúng ta vẫn duy trì sức mua thực của bản thân, nếu không chất lượng sống sẽ suy giảm.” Do đó chúng ta phải đầu tư nếu muốn sống sót.
Nhưng, xem xét vấn đề thứ hai ở trên, liệu chúng ta có đầu tư đúng hướng không?
Câu chuyện Alice ở xứ sở thần tiên là minh chứng điển hình nhất cho thể loại “văn chương phi lý.” Như một người mong đợi vào câu chuyện cổ tích vô lý, Alice thấy mình đang ở trong một thế giới kỳ lạ, nơi mà trên thành dưới, đúng thành sai và “dù bạn đi lối nào cũng không quan trọng.” Vòng xoáy kỳ quái của cuốn sách được minh họa rõ nét qua cuộc đối thoại giữa Alice và chú mèo Cheshire:
“Nhưng tôi không muốn đi cùng những kẻ điên rồ,” Alice bình luận.
“Ồ, vô ích thôi,” con mèo đáp. “Ở đây chúng ta đều trở thành kẻ điên. Tôi điên. Cô cũng điên.”
“Làm sao cậu biết tôi điên?” Alice vặn lại.
“Cô buộc phải thế,” con mèo nói, “nếu không thì cô đã không ở đây.”
Giống như Alice trong vương quốc của Cheshire, nhà đầu tư cảm thấy họ đang sống ở một thế giới thách thức các luật lệ trong cuộc sống thường ngày. Thế giới của các nhà đầu tư là nơi mà tương lai sẽ chắc chắn hơn hiện tại, làm ít sẽ hiệu quả hơn làm nhiều và tập thể thì thiếu hiểu biết hơn một cá nhân. Chúng ta hãy xem xét chi tiết hơn từng đặc tính của thế giới điên rồ này.
Tương lai chắc chắn hơn hiện tại?
Giả sử tôi đặt câu hỏi bạn sẽ làm gì trong vòng 5 phút. Kỳ quặc là bạn có thể trả lời câu hỏi này với mức độ chắc chắn cao. Cuối cùng, nó lại có vẻ giống như những gì bạn đang làm vào thời điểm được hỏi.
Nào, giờ chúng ta thay đổi câu hỏi một chút và tưởng tượng rằng tôi hỏi bạn sẽ làm gì trong vòng 5 tuần kể từ lúc này. Chắc chắn sẽ khó xác định hơn, nhưng một bản kế hoạch có lẽ sẽ đưa ra vài manh mối về việc bạn định làm trong thời gian đó. Giờ hãy tưởng tượng bạn được yêu cầu dự đoán hành động của mình trong vòng 5 tháng, 5 năm hoặc thậm chí là 50 năm tới. Chết tiệt, gần như là không thể, đúng không? Dĩ nhiên, bởi vì trong cuộc sống thường ngày của chúng ta thì hiện tại vẫn dễ nắm bắt hơn tương lai xa vời.
Điều khiến đầu tư trở nên phức tạp chính là sự trái ngược mới là đúng đắn. Chúng ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra hôm nay, có khái niệm mơ hồ với sự kiện tuần tới và hiểu biết đại khái về tiềm năng lợi nhuận trong một năm. Nhưng chúng ta lại có thể ước tính chính xác kết quả trong vòng 25 năm nữa. Hãy cùng xem xét hiệu suất dài hạn của cổ phiếu qua các thời kỳ nắm giữ như bảng dưới đây:
Bảng 1 - Giới hạn thu nhập cổ phiếu từ 1926 đến 19979
9 Nguồn: Damodaran Online, Quản lý Đầu tư, “Rủi ro và Đầu tư dài hạn.”
Trong khoảng thời gian ngắn, khoản thu nhập này gần như không thể xác định được. Trong 1 năm, khoảng giới hạn lợi nhuận rất rộng, từ mức cao nhất gần 54% tới mức thua lỗ nhiều nhất là 43%. Nhưng sau 25 năm, quãng thời gian phản ánh rõ nét hơn hiệu quả đầu tư dài hạn, tương lai sẽ trở nên chắc chắn hơn hiện tại khi giới hạn thu nhập thu hẹp hơn. Thu nhập thay đổi trong giới hạn từ mức tốt nhất là gần 15% đến mức tệ nhất là gần 6% một năm trong khoảng thời gian này.
Giới hạn thu nhập không đáng lo ngại trong quãng thời gian dài, có nghĩa là chúng ta nên đầu tư cổ phiếu dài hạn. Với nhiều người, để làm được như vậy đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận về thực tại, một điều dường như không thể xảy ra. Nhà thống kê xuất sắc Nate Silver chia sẻ trong cuốn sách The Signal and the Noise:
“Những năm 1950, trung bình cổ phiếu phổ thông của một công ty Mỹ thường được nắm giữ khoảng 6 năm trước khi đưa ra giao dịch - phù hợp với ý tưởng cổ phiếu là khoản đầu tư dài hạn. Những năm 2000, tốc độ giao dịch đã tăng lên gấp mười hai lần. Thay vì được giữ 6 năm như trước thì một cổ phiếu chỉ được giữ trong vòng 6 tháng. Xu hướng này cho thấy vài dấu hiệu giảm nhẹ: quy mô thị trường chứng khoán tăng gấp đôi sau mỗi 4 hoặc 5 năm.”10
10 N. Silver, The Signal and the Noise: Why so Many Predictions Fail - but Some Don’t (Penguin 2015).
Trực giác nói với chúng ta rằng hôm nay thường dễ đoán biết hơn ngày mai, song Thế giới điên rồ ở phố Wall (viết tắt WSBW: Wall Street Bizarro World) lại không nghĩ thế. Như ngài Silver đã chỉ ra, khả năng tiếp cận nhiều hơn với dữ liệu và những hiệu ứng không mong muốn của công nghệ sẽ khiến con người có khuynh hướng tập trung vào ngắn hạn hơn.
Chính điều này sẽ mang lại cơ hội cho những người có thể cưỡng lại được xu hướng trên; sự thiếu kiên nhẫn ngày càng tăng của phần lớn đám đông sẽ tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư khôn ngoan. Ben Carlson đã từng viết trong A Wealth of Common Sense, “Từng cá nhân phải hiểu rằng, dù ngành tài chính đổi mới thế nào thì tính kiên nhẫn vẫn luôn là vũ khí sắc bén nhất trên thị trường. Chẳng có thái độ nào hữu ích hơn nó trong đầu tư chứng khoán dài hạn. Thực tế, lợi thế lớn nhất của một cá nhân chính là khả năng kiên nhẫn.”11
11 B. Carlson, A Wealth of Common Sense: Why Simplicity Trumps Complexity in Any Investment Plan (John Wiley & Sons, 2015), P. 12.
Làm ít hiệu quả hơn làm nhiều.
“Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc án binh bất động.”
- Winnie The Pooh
“Lười nhác chẳng những không phải là gốc rễ của tội ác, mà còn thực sự là điều tốt đẹp.”
- Soren Kierkegaard
Hãy tưởng tượng một thế giới mà ở đó bạn tiếp thu được nhiều kiến thức hơn nhờ đọc sách ít hơn, chiêm ngưỡng được nhiều nơi hơn nhờ giảm đi du lịch và có hình thể cân đối hơn bằng cách tập luyện ít đi. Chắc chắn, một thế giới mà làm ít được nhiều sẽ trái ngược với kinh nghiệm sống của chúng ta, nhưng đó lại là cách mà WSBW đang hoạt động. Nếu chúng ta học cách để tồn tại ở WSBW (và buộc phải thế), thì bài học đầu tiên là: làm ít đi.
Thuật ngữ tâm lý dành cho khuynh hướng nỗ lực hết sức khi đối mặt với tiền cược cao là thiên kiến hành động. Một số nghiên cứu thú vị nhất về thiên kiến hành động đến từ thế giới hoang dã của các môn thể thao - nhất là bóng đá. Một nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra hành vi của thủ môn khi đối mặt với cú đá phạt penalty. Với 311 cú đá, họ nhận thấy có tới 94% số lần thủ môn lao sang trái hoặc phải cầu môn. Tuy nhiên, các cú đá lại rất đều nhau, một phần ba về bên trái, một phần ba về bên phải và một phần ba ở chính giữa. Kết quả là họ nhận thấy những thủ môn đứng giữa cầu môn sẽ có tới 60% cơ hội bắt được bóng hơn là lao sang trái hoặc phải.
Vậy tại sao đám thủ môn đó lại biểu diễn những pha bắt bóng đầy kịch tính như thế trong khi lười biếng mới có vẻ là chiến lược tốt nhất? Câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng hơn khi ta đặt mình vào vị trí của họ (đặc biệt là những người sống tại các quốc gia mà thất bại trên sân cỏ có thể bị trừng phạt bằng cái chết). Khi trò chơi này và sự vẹn toàn lãnh thổ được đặt cùng một chỗ, bạn sẽ muốn được nhìn nhận là đã nỗ lực hết sức, kết quả thế nào không quan trọng! Bạn đã làm mọi khả năng, mọi cách có thể, và đứng ở chính giữa là một tác động trực quan mang tính quyết định của sự tự mãn đáng kinh ngạc. Tương tự như vậy, các nhà đầu tư có nhiệm vụ phải bảo toàn và gia tăng tài sản mà mình khó khăn mới kiếm được sẽ không muốn ngồi yên trong những giai đoạn khó khăn, ngay cả khi các nghiên cứu đều chỉ ra đó là động thái phù hợp nhất.
Giống các nhà nghiên cứu giun ở Guinea được đề cập trong phần giới thiệu, một nhóm thuộc quỹ đầu tư Fidelity đã tiến hành kiểm tra hành vi của các tài khoản hoạt động hiệu quả nhất trong nỗ lực nhằm khoanh vùng hành vi của những nhà đầu tư thực sự tài giỏi. Kết quả khảo sát của họ có thể sẽ khiến bạn sửng sốt. Khi nhóm liên lạc với chủ của các tài khoản có kết quả tốt nhất, tình huống thường xuyên gặp nhất là họ đã quên mất tài khoản của mình. Vậy là chẳng còn gì để khoanh vùng hành vi phức tạp của các nhà đầu tư tài ba nữa? Có vẻ như sự quên lãng là vũ khí tuyệt vời nhất mà nhà đầu tư nên sử dụng.
Một quỹ đầu tư khác, Vanguard, cũng tiến hành so sánh tính hiệu quả của các tài khoản hầu như không có bất kỳ thay đổi nào với những tài khoản thay đổi thường xuyên. Chắc chắn, họ nhận thấy tình trạng “không thay đổi” hiệu quả hơn. Ngoài ra, Meir Statman trích dẫn nghiên cứu từ Thụy Điển cho thấy những nhà đầu tư giao dịch nhiều nhất thường mất 4% giá trị tài khoản hàng năm cho chi phí giao dịch và lựa chọn thời điểm đặt lệnh không chuẩn. Kết quả này nhất quán trên toàn cầu: với mười chín thị trường chứng khoán lớn nhất, tỷ lệ các nhà đầu tư thay đổi số cổ phiếu mua và nắm giữ thường xuyên nhất chiếm 1,5 điểm phần trăm mỗi năm12.
12 M. Statman, What Investors Really Want: Know What Drives Investor Behavior and Make Smarter Financial Decisions (McGraw-Hill Education, 2010), T. 6.
Có lẽ nghiên cứu nổi tiếng nhất về tác động có tính hủy hoại của thiên kiến hành động cũng mang lại cái nhìn sâu sắc về khuynh hướng gắn liền với giới tính trong việc mua bán. Terrance Odean và Brad Barber, cha đẻ của lý thuyết tài chính hành vi, đã xem xét các tài khoản cá nhân của một nhà môi giới chiết khấu lớn và tìm thấy điều đáng kinh ngạc vào thời điểm ấy.
Trong nghiên cứu này, nam giới giao dịch nhiều hơn nữ giới tới 45%, trong đó nam giới độc thân nhiều hơn nữ giới độc thân với tỷ lệ là 67%. Barber và Odean cho rằng số lượng giao dịch lớn hơn này liên quan đến tính tự tin thái quá, nhưng bất chấp nguồn gốc tâm lý là gì, nó vẫn làm suy giảm lợi nhuận. Kết quả của tích cực thái quá đó là lợi nhuận của nam giới bình thường trong nghiên cứu kém hơn nữ giới bình thường khoảng 1,4 điểm phần trăm mỗi năm. Tệ hơn nữa nam giới độc thân kém nữ giới độc thân tới 2,3 điểm phần trăm - một con số không thể tin được khi xem xét trong suốt quãng thời gian đầu tư.
Xu hướng nữ giới làm việc hiệu quả hơn không chỉ được phát hiện trong lĩnh vực đầu tư. Các nhà nữ quản lý nắm giữ quỹ đầu tư mạo hiểm tỏ ra kiên định hơn và lấn át đồng nghiệp nam, chủ yếu nhờ tính kiên nhẫn như đã nói ở trên. LouAnn Lofton từ công ty Motley Fool viết:
“… các quỹ đầu tư có quản lý là nữ giới, kể từ khi bắt đầu, luôn có lợi nhuận trung bình là 9,06%, so với mức bình quân 5,82% của các quỹ mạo hiểm khác. Như thể sự vượt trội này còn chưa đủ ấn tượng, nhóm cũng phát hiện ra trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, các quỹ có nữ quản lý không bị ảnh hưởng nặng nề như những quỹ mạo hiểm khác, với số lượng quỹ giảm 9,61% so với mức 19,03% của các quỹ khác.”13
13 L. Lofton, Warren Buffett Invests Like a Girl: And Why You Should, Too (Harper Business, 2012), p. 25.
Các chàng trai có vẻ vẫn còn rất hiếu động, nhưng ít ai có thể đoán được chi phí tài chính chóng mặt của thiên biến hành động này.
Tránh xa khỏi đám đông điên cuồng
“Bất cứ cá nhân nào được coi là có óc xét đoán và hợp lý nếu đứng một mình - thì cũng trở nên ngu dốt nếu lẫn trong đám đông.”
- Friedrich Von Schiller
Tôi hay phải đi xa, mỗi tuần một lần, ngoài việc phải ăn món gà nấu quá nhừ, tôi thường được yêu cầu nói chuyện với các cố vấn tài chính về những kiến thức cơ bản của tài chính hành vi. Như bất kỳ ai hay phải đi công tác thì việc xác định nơi nào ăn, ngủ và giải trí tốt nhất ở một thành phố xa lạ khá là phức tạp. Rất nhiều khách sạn đẳng cấp thường có người tư vấn giúp bạn, song lời khuyên của họ sẽ bị hạn chế bởi thực tế nó chỉ là ý kiến của một cá nhân.
Sau một lần được tư vấn bởi người có thị hiếu kém tinh tế hơn (chắc chắn, tôi có thể đảm bảo về khiếu thẩm mỹ của mình), tôi đã nhanh chóng học được cách khai thác sức mạnh từ nhận xét của đám đông. Các trình duyệt như Yelp, Urban Spoon và Rotten Tomatoes đã cung cấp các bài đánh giá tổng hợp để hướng dẫn thực khách và khán giả về nhà hàng ăn tối hay bộ phim được nhiều người ca ngợi. Trong khi không phải lúc nào cũng đồng tình với khẩu vị của nhân viên trợ giúp hay của nhà phê bình điện ảnh thuộc tờ báo địa phương, thì chưa bao giờ tôi thất vọng về bộ phim hay món ăn được đông đảo công chúng thừa nhận. Với những lĩnh vực này (ví dụ như thực phẩm hay phim ảnh), làm theo đám đông là khôn ngoan nhất.
Nhưng sức mạnh đồng thuận của đám đông không chỉ giới hạn trong việc chọn ra món cốt-lết bê ngon miệng hay quyết định có nên xem phim Dude, Where’s My Car? (đạt bình chọn 18% trên Rotten Tomatoes), mà còn là nền tảng xây dựng lên hệ thống chính trị thành công nhất. Ngài Winston Churchill có câu nói nổi tiếng, “chỉ cần một cuộc nói chuyện năm phút với cử tri thông thường sẽ phát hiện ra yếu điểm của chủ nghĩa dân chủ,” đó là các ý kiến được ghi nhận dưới nhiều hình thức trong thời gian bầu cử. Vậy tại sao nền dân chủ vẫn phát triển thành công (hay ít nhất là không hoàn toàn thất bại) trong suốt một thời gian dài? Tại sao lại là nó, mà theo như quan điểm của Churchill, “là mô hình chính phủ tồi tệ nhất, ngoại trừ tất cả những mô hình khác đã được thử thách theo thời gian”?
Câu trả lời chính là xu hướng chung của đám đông là trở nên khôn ngoan, đạo đức, khoan dung và độ lượng hơn từng cá nhân riêng lẻ. Các lựa chọn thay thế, như hệ thống chính trị tài phiệt và chế độ quân chủ, luôn sống hoặc chết phụ thuộc vào điểm mạnh hoặc yếu của một nhóm người, sẽ là rủi ro/phần thưởng cao hơn rất nhiều so với chủ nghĩa dân chủ. Có thể cử tri thông thường sẽ không thấy có gì ấn tượng, nhưng những người bình thường của nhóm cử tri thông thường mới là đối tượng đáng giá nhất.
Nếu sự khôn ngoan của đám đông có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề mâu thuẫn phức tạp và lựa chọn ra một chính phủ tốt, thì theo trực quan, dường như nó cũng có thể mang lại thứ gì đó hữu ích cho các nhà đầu tư, đúng không? Sai. Một lần nữa, quy tắc của WSBW lại trái ngược với các logic thông thường và buộc chúng ta phải hành động dựa trên một bộ giả thuyết khác. Giả định rằng đặc quyền hành vi cá nhân dựa trên quy tắc vượt quá sự khôn ngoan của đám đông.
Tại sao lại tồn tại khoảng cách chất lượng giữa các quyết định đầu tư và quyết định về ẩm thực? Richard Thaler, nhà kinh tế học hành vi xuất sắc, đã xác định bốn yếu tố khiến chúng ta khó có thể ra quyết định đúng đắn ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đó là:
1. Chúng ta luôn quan tâm đến lợi ích trước, sau đó mới tới chi phí.
2. Không thường xuyên ra quyết định đó.
3. Không nhận được phản hồi ngay.
4. Ngôn ngữ không rõ ràng.
Lựa chọn một món ăn bao gồm: ngôn ngữ rất rõ ràng (“bữa tối đặc biệt của chúng tôi là món chiên và ngập trong pho mát”), lập tức có phản hồi (“Chúa ơi! Thật là ngon”), được quyết định rất thường xuyên (ba lần mỗi ngày, hoặc nhiều hơn nếu bạn cũng giống tôi), và có sự lựa chọn giữa chi phí ngay lập tức và trì hoãn (“Nó sẽ ngốn mất 27 USD” hay “Tôi nên dừng lại sau khi ăn ba cuộn”).
Mặt khác, một quyết định đầu tư lại vi phạm hết cả bốn điều kiện của Thaler. Nó bao gồm ngôn ngữ cố ý gây nhầm lẫn (chẳng hạn: “Thị trường trung lập” là gì?), có vòng lặp thông tin phản hồi chậm trễ (mất hàng thập kỷ, nếu bạn thông minh), được thực hiện rất không thường xuyên (cảm ơn món thừa kế này, dì Mable), và lợi ích bị trì hoãn tới thời điểm mà chúng ta gần như chẳng còn gì nữa (ở tuổi 36, tôi khó lòng tưởng tượng 80 tuổi tôi sẽ chi tiêu số tiền này như thế nào). Đám đông có thể cho chúng ta lời khuyên tuyệt vời khi chọn một món ăn vì đó là quyết định được thực hiện rất nhiều lần với kết quả được biết ngay lập tức. Ngược lại, tính khôn ngoan hay dại dột của một quyết định đầu tư có thể không được thể hiện trong rất nhiều năm, nghĩa là đám đông thiếu kiên nhẫn sẽ khó có thể cho bạn lời khuyên sáng suốt.
Như chúng ta có thể kỳ vọng ở nghiên cứu của giáo sư Thaler, đám đông luôn sai lầm trong lựa chọn thời điểm tham gia hoặc thoát khỏi thị trường chứng khoán. Họ tham gia vào thời điểm vui sướng chốc lát và đau đớn lâu dài (với thị trường giá lên còn gọi là Bull Markets) hay thoát ra tại thời điểm đau đớn chốc lát và vui sướng lâu dài (với thị trường giá xuống, còn gọi là Bear Markets). Trong cuốn A Wealth of Common Sense, Ben Carlson đã nhắc đến một kết quả nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhằm kiểm tra các dòng vốn từ năm 1984 đến 2012. Không có gì đáng ngạc nhiên khi “họ phát hiện ra rằng hầu hết các nhà đầu tư đổ tiền vào sau khi thị trường đã thu được lợi nhuận lớn và rút tiền ra sau khi bị thua lỗ một thời gian dài - chiến lược mua đắt bán rẻ thất bại hoàn toàn.” Một lần nữa, chúng ta có thể thấy rằng nếu áp đặt các quy tắc hàng ngày lên những người ở Thế giới điên rồ ở phố Wall thì chẳng khác gì đổi sự thoải mái về mặt cảm xúc thông thường lấy sự nghèo đói lâu dài.
Cuốn Collapse của Jared Diamond kể lại câu chuyện một người cố gắng làm những việc mà rất nhiều nhà đầu tư luôn cố thực hiện ở WSBW - cứng rắn áp dụng lối sống ưa thích của họ lên một hệ thống không tương thích14. Đó là câu chuyện về người Norse - một nhóm người rất khỏe mạnh đã rời quê nhà ở Na Uy và Iceland đến định cư tại Greenland.
14 J.Diamond, Collapse: How Societies Choose To Fail Or Succeed (Viking, 2005).
Chúng ta đã biết Dân Viking, những người luôn được biết đến với tính cách kiêu ngạo, đã kiên trì tiến về phía trước bằng cách phá rừng, cày xới đất đai và xây dựng nhà cửa - những hành động ngu ngốc đã cướp mất thảm cỏ mượt mà của lũ gia súc và tàn phá nguồn tài nguyên thiên nhiên ít ỏi còn lại. Đám người Norse còn tệ hơn nữa họ đã phớt lờ sự khôn ngoan của người Inuit bản địa, dè bỉu cách làm của người dân ở đây lạc hậu hơn cái mà họ cho là phương thức tinh vi của người châu Âu đối với nền nông nghiệp và xây dựng. Do coi thường cách sống của dân bản địa, người Norse đã chết trong một vùng đất vô thừa nhận - nạn nhân của chính thói kiêu ngạo của họ.
Giống như người Norse ở Greenland, bạn sẽ thấy mình rơi vào một vùng đất với những phong tục kỳ quái mà một số gần như chẳng có ý nghĩa gì. Đó chính là nơi mà làm ít được nhiều, tương lai dễ dự đoán hơn hiện tại và cần phải triệt để bỏ qua sự khôn ngoan của đám đông.
Nó cũng là một vùng đất cô độc, đòi hỏi tính nhất quán, kiên nhẫn và kiềm chế, mà chẳng yêu cầu nào dễ dàng với con người. Nhưng nếu muốn sống thoải mái và xứng đáng với nỗ lực của bản thân ở đó, bạn buộc phải đáp ứng. Các quy tắc rất ít và rất dễ học, nhưng khi mới áp dụng bạn sẽ cảm thấy không thoải mái. Tuy không dễ dàng nhưng chắc chắn nó sẽ rất xứng đáng - và nó hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn.
Chúng ta hãy tiến về phía trước và bắt đầu nghiên cứu các quy tắc của vùng đất này.