Tôi đã thề cai hẳn bao bì dùng một lần và chuẩn bị tái chế hũ đựng mù tạt Dijon cuối cùng thì một tích tắc tò mò đã đưa ánh mắt tôi dừng lại nơi thành phần sản phẩm. Nước, hạt mù tạt, dấm, muối. Tự làm ở nhà thì khó chừng nào nhỉ? Chỉ có một nguyên liệu ở trên là tôi chưa có thôi. Có ai tự chế mù tạt ở nhà không? Tôi lao vù đến máy tính, lòng phấn khích mường tượng về nhiệm vụ rất khả thi, rồi trong vòng vài phút, tôi đã khám phá ra một công thức chế mù tạt vô cùng đơn giản.
Trước đó tôi ngây thơ nghĩ mù tạt là một trong những thứ chỉ mua được từ cửa hàng! Tại sao tôi không nghĩ về điều này sớm hơn? Có phải do tôi chưa bao giờ thực sự quan sát cách mẹ pha trộn gia vị? Hay vì mớ hỗn hợp đó chưa từng xuất hiện trên kệ đựng thức ăn của bà tôi? Mà cũng có thể do tôi không nhớ nổi sự chăm chút tỉ mỉ của bà mẹ Caroline Ingalls trong bộ phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên. (Tôi rõ ràng vẫn nhớ cách bà ấy đánh bơ mà... có lẽ tôi cũng làm được, tôi cho là thế.)
Vậy là tôi quyết định qua cửa hàng mua loại hạt mù tạt không-đóng-gói, và chỉ trong một ngày tôi cho ra một hũ đầy mù tạt nhà làm. Tôi bắt đầu suy nghĩ về khả năng tự làm một vài gia vị rồi trao đổi ý tưởng đó cùng mẹ đẻ, mẹ chồng và bạn bè. Và thế là tôi dành hàng giờ đồng hồ để tìm kiếm thông tin công thức trên Google. Tôi nóng lòng được thử nghiệm mọi thứ.
Cuộc trò chuyện với cô bạn Karine đã tạo cảm hứng cho tôi làm kefir1. Tôi thêm hạt kefir vào sữa và thu được một loại sữa chua sủi bọt chỉ sau một đêm. Đơn giản như đan rổ! Cách thức làm vô cùng đơn giản và hai đứa con của tôi đánh chén ngon lành. Nhưng khi niềm hứng thú của bọn trẻ nhạt phai cùng thời gian, tôi đã dùng kefir đã lên men không uống hết để làm pho mát. Tôi dùng khăn tay buộc số sữa đã lên men lại, rồi treo lên phía trên bồn rửa để chất lỏng quánh lại thành pho mát mềm. Cái vị rất “thật” của nó đã nhận được sự tấm tắc ngợi khen từ gia đình và bạn bè. Sự động viên của mọi người (và một chút tự hào “cây nhà lá vườn”) đã thôi thúc tôi tiếp tục thử nghiệm với việc nêm thêm gia vị và thay đổi kết cấu: lăn qua hạt tiêu, gói trong lá nguyệt quế (“thất bại toàn tập”, như con trai tôi gọi nó), ướp dầu, ép, sấy khô, v.v…
Hạt kefir rất nhỏ, trông giống như những hạt gạo trắng nhưng yêu cầu nuôi trồng rất khắt khe và phải được cho ăn thường xuyên. Rồi thì hạt kefir nhanh chóng trở nên quan trọng đối với gia đình tôi. chúng tôi quan tâm đến tình trạng của hạt kefir chẳng khác nào quan tâm đến chú cún con Zizou của mình: Hôm nay đã cho nấm kefir ăn chưa? Chúng tôi có nên cho chúng đi cắm trại cùng vào cuối tuần này không? Chúng tôi có nên mang chúng theo đến Pháp vào mùa hè này không? Vấn đề nghe đơn giản nhưng luẩn quẩn ấy đã khiến cuộc sống của tôi trở nên bi đát và phức tạp ngoài sức tưởng tượng.
1 Kefir là một vi sinh vật sống, ăn sữa và sản sinh ra một loại men rất tốt cho cơ thể. Nó có nhiều tên gọi khác nhau: nấm kefir, hạt kefir, nấm sữa, men sữa, men kefir, sữa chua kefir.
Tại thời điểm mà tôi nghiền ngẫm lại sau cơn cuồng hạt kefir, những hạt nhỏ (và những hạt mù tạt trước đó) đã mãi mãi thay đổi mối quan hệ của tôi với thức ăn, bao bì và thậm chí cả con người.
Điều tôi thấy tuyệt vời nhất khi tự tay làm mọi thứ là biết được làm như thế nào − và từ những gì − các loại thực phẩm gần gũi với chúng ta “chào đời”. Ngoài tác dụng thỏa mãn sự tò mò, việc tự tay chế biến thực phẩm giúp tôi kiểm soát và đảm bảo những nguyên liệu thành phần do chính mình lựa chọn mà không lo vấn đề bức tử hệ tiêu hóa do thực phẩm chế biến với một danh sách dài những thành phần tôi chẳng thể phát âm hay tin tưởng. Các thành phần phức tạp được tiết lộ trên nhãn là rào cản làm chùn bước các bà nội trợ, nhưng một khi đã xắn gọn tay áo, tôi thấy hầu hết những đồ mua sẵn kia hoàn toàn có thể tự làm chỉ với đôi ba thành phần cơ bản.
Đồ bán sẵn mang lại sự tiện lợi cho con người nhưng đổi lại sẽ bắt con người trả giá vì sự bỏ bê của mình với quy trình tạo nên thành phẩm. Khi càng ít cất công tự làm một thứ gì đó, ta sẽ càng trở nên phụ thuộc vào hàng sản xuất sẵn có. Kết quả là ta ngày một rời xa cội rễ của những điều đã từng cho chúng ta tự do và sự sống. Khi nhìn lại cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn ra và tìm lại kết nối với thế giới, chúng ta sẽ thấy mình về với nguồn cội để lần tìm những giải pháp thay thế. Ngày nay, với sự thuận lợi của Internet và truyền thông xã hội, chỉ cần ở nhà với vài click chuột nhẹ nhàng bạn đã hoàn toàn có thể chia sẻ kiến thức và cộng tác cùng những cao thủ nội trợ trên khắp thế giới. Việc tự tay làm mọi thứ tại nhà giúp thắt chặt sự xa cách giữa các thế hệ và các nền văn hóa. Tôi thậm chí phải cảm ơn nó đã chữa lành mối quan hệ của tôi và mẹ đẻ khi khoảng cách vật lý đã từng tách biệt chúng tôi; nó còn đưa tôi xích lại gần mẹ chồng hơn khi sự chênh lệch văn hóa cũng đã từng làm chúng tôi xa cách. Tôi hi vọng những đứa con của mình cũng sẽ thấy lợi ích từ nó và cả con cháu sau này của chúng cũng vậy (sau tất cả, phép đối nhân xử thế là của cải duy nhất tôi dự định để lại cho các con − tôi sẽ viết nhiều hơn về điều này ở phần sau).
Ừ thì tôi phải thú nhận: sự nổi loạn trong tôi cũng rất hả hê vì tôi có thể tự tay sản xuất mà không phải mua từ các công ty hay từ các chiêu trò tiếp thị của họ. Tôi tự tại, tôi không ràng buộc, cảm tưởng như thể tôi còn sáng dạ hơn cả cái hệ thống sản xuất nào đó.
Nhưng bạn đừng có dương dương tự đắc rồi đánh mất lý trí như tôi. Không có lý do gì để kefir chi phối cuộc sống của bạn cả! Xét cho cùng, những thay đổi chỉ thực sự bền vững khi chúng khả thi về lâu dài.
Thời điểm hiện tại tôi không còn chế biến pho mát từ kefir và cũng không còn nuôi nấm kefir nữa. Tôi ủ phân kefir (với niềm thương tiếc vô bờ) cùng với “yêu cầu nuôi trồng khắt khe của nó” (thở phào nhẹ nhõm). Tôi không hề hối hận về việc học làm pho mát từ sữa chua thừa. Tôi cũng không hối tiếc khi học cách làm bơ, vì giờ đây tôi đã hiểu và tính được cần bao nhiêu kem để làm 500g bơ. Khoảng 500ml kem khá đắt tiền mới cho ra 50ml bơ. Với số lượng bơ chúng tôi ăn (hai con ăn bánh quy hằng ngày), việc tự làm bơ ở nhà là rất tốn kém.
Căn bếp của tôi thực ra là một phòng thí nghiệm khoa học. Chỉ cần lấy củ cải đường ra khỏi tủ lạnh, tôi sẽ có ngay salad, son dạ hoặc thuốc nhuộm màu nước. Sự lựa chọn là vô hạn và chỉ giới hạn bởi sức sáng tạo của tôi. Bản thân tôi đã trở nên cẩn thận hơn khi áp dụng những thay đổi trong tầm kiểm soát thời gian và giới hạn tài chính của mình. Trải nghiệm vừa qua cho thấy thời gian và chi phí bỏ ra để làm pho mát và bơ không thể nằm trong kế hoạch không có rác thải lâu dài. Điều quan trọng trong suốt cuộc hành trình là phải kiên trì tìm kiếm sự cân bằng bền vững giữa việc sống “dễ chịu” và sống “tươi xanh”.
Trong chương này, tôi sẽ chia sẻ cách tôi áp dụng lối sống Không Rác trong căn bếp của mình. Tôi sẽ chỉ cho bạn cách tổ chức bếp, phương thức mua sắm và cách lên kế hoạch cho các bữa ăn. Lối sống này ít nhiều yêu cầu việc bạn phải tự tay làm nhiều thứ (những thứ không có ở cửa hàng không-đóng-gói), nhưng bạn phải tự tìm ra phương pháp khả thi cho riêng mình trong suốt cuộc hành trình. Đơn giản hóa là bí quyết cho một lối sống Không Rác dễ thở nên đừng lo lắng, bạn không cần phải trở thành tín đồ đạo “nhà-làm-lấy” đâu. Khi đã quen với nó, lối sống này sẽ tự khắc trở thành bản năng của bạn. Bạn sẵn sàng chưa nào? Vào chỗ, sẵn sàng, chạy (nhớ là chạy từ từ thôi)!
THIẾT BỊ BẾP
Biến một căn bếp thường thành không có rác thải không hề khó như bạn tưởng tượng. Tất cả những gì phải làm chỉ là một chút cải tổ và nghiên cứu thôi. Một khi cả hệ thống đã vào guồng và mọi thành viên được tập huấn bài bản thì nhiệm vụ này nhẹ nhàng như một cơn gió.
Đơn giản hóa
Trước khi bắt tay vào hành động, chúng ta cùng tìm hiểu thêm về mục tiêu đơn giản hóa nhé.
Nhà bếp là một phòng sinh hoạt chung và thường được coi là trái tim của ngôi nhà. Đây là nơi chúng ta cùng nấu nướng, ăn uống, chia sẻ, trò chuyện và thậm chí là đọc sách hoặc làm bài tập về nhà. Với tần suất hoạt động cao như vậy, nhà bếp chính là nơi tạo ra nhiều rác nhất và loạn xị ngầu nhất trong nhà.
Không cần nhìn đâu xa, tủ bếp chính là nơi tích tụ lượng rác áp đảo. Bánh sandwich và túi khóa bấm miệng ziplock, khăn giấy, cốc dùng một lần và đồ ăn đông lạnh cho bữa tối – tất cả sự dư thừa phổ biến này xuất phát từ sự ngụy biện: chúng ta đang tìm cách để tiết kiệm thời gian mà.
Trong việc thiết lập một nhà bếp Không Rác, hiệu suất là yếu tố cốt lõi. Hiệu suất mang lại sự thư thái và thanh nhàn cho việc chuẩn bị đồ ăn, cùng với đó nó giúp chuyển hóa một công việc hay bị coi là lao động khổ sai thành một niềm vui hứng khởi. Trong nhà bếp, không rác thải sẽ tiết kiệm thời gian quý báu và cứu bạn thoát khỏi những thói quen lãng phí và không lành mạnh; và tất nhiên nó cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá năng lượng và tiền bạc. Nhưng có một điều không thể phớt lờ: để thu về kết quả khả quan, bạn cần phải biến căn bếp của mình thành một địa giới không-tạp-nham. Tùy thuộc vào cách bài trí hiện tại, việc dọn dẹp ban đầu nghe chừng khó khăn nhưng khi quá trình sàng lọc đồ đạc diễn ra đủ dài, thời gian dọn dẹp rút ngắn, thời gian phát huy năng lực sáng tạo của bạn sẽ tăng lên.
Một căn bếp ấm áp không-rác-thải không chỉ giúp đơn giản hóa việc nấu ăn, giảm thiểu chất độc gây hại tới sức khỏe, tối đa hóa chất lượng thực phẩm xứng đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra hằng ngày; nó thậm chí còn là một không gian thư giãn và nghỉ ngơi lý tưởng cho mọi thành viên trong gia đình. Mục tiêu không-rác-thải, đối với chúng tôi, không chỉ gói gọn trong chất thải rắn.
Mô hình bếp phổ biến của các hộ gia đình hầu hết đều được trang bị những tiện ích giúp việc nấu nướng và giải trí trở nên dễ dàng hơn như máy làm kem trái cây, máy nướng bánh mì... Nhưng chúng có thực sự được ngó đến thường xuyên? Nếu có thì bao lâu một lần? Còn dao bào vỏ chanh, khuôn nướng bánh đủ kích cỡ, khuôn tạo hình bánh quy, hàng tá thảm trải nhà, bộ sưu tập nút chai rượu vang đắt đỏ, bộ sưu tập đồ sứ, các loại ly rượu và bộ sưu tập khăn trải bàn...? Ồ! Và cả những cây nến đẹp đến nỗi không nỡ châm lửa? Thử dành vài tích tắc nghĩ về cái ngăn kéo nén đầy miếng bắc nồi (chẳng phải một đôi là đủ sao?). Rồi cả cái ngăn kéo kế bên đựng tràn trăm thứ bà giằn (nếu thiếu chúng, ta có chết không?).
Các nhà sản xuất hứa sẽ biến chúng ta thành đầu bếp Alice Waters, nhưng trên thực tế những đồ đoàn đó không chỉ chiếm lĩnh nhiều không gian, gây khó dễ cho việc tìm ra công cụ nấu nướng cần thiết mà còn gây căng thẳng, xáo trộn cuộc sống và lãng phí thời gian (đó là còn chưa kể đến những nguồn tài nguyên quý giá). Nhưng tin tốt cho bạn là hầu hết các đồ đạc kể trên hay bị lãng quên và dễ dàng được thay thế bởi một thứ khác (ví dụ cái nạo pho mát cũng nạo được vỏ củ quả). Càng ít phụ kiện, thời gian chuẩn bị món ăn càng được cắt giảm: một chiếc cốc đong cỡ vừa sẽ dễ lấy ra khỏi ngăn kéo hơn so với việc sở hữu nhiều cỡ riêng lẻ; bạn sẽ ít phải lau chùi hơn. Sẽ có ít đồ rơi vỡ hơn để rồi kết thúc vòng đời ở nơi ai cũng biết đó là đâu. Bản thân Alice Waters cũng nhận ra tầm quan trọng của việc đơn giản hóa. Alice từng nói, “Theo tôi, điều kiện lý tưởng nhất của một căn bếp là khi nó chỉ sở hữu lượng đồ đạc tối thiểu. Bởi một khi quá mải mê với những thiết bị nấu ăn tiện ích, bạn đang tự phá vỡ mối giao cảm giữa tâm trí mình với hoa trái; nhưng một khi sử dụng cối, chày hay thái tay thoăn thoắt thay vì máy, bạn đang trải nghiệm sự thật và sẽ tự chịu trách nhiệm về những gì mình đang làm một cách tự nhiên”.
Giờ thì hành trình dọn dẹp của chúng ta chính thức bắt đầu! Theo nguyên lý Pareto, khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra. Áp vào căn nhà ngồn ngộn đồ kia, 20% đồ đạc trong nhà có tần suất sử dụng lên đến 80%. Rốt cục, 80% còn lại không hề hữu ích như bạn nghĩ. Trên lý thuyết, việc đơn giản hóa căn bếp là thao tác không rối rắm gì, ước chừng 20% đồ thiết yếu, tống khứ 80% thứ còn lại. Nhưng, từ bỏ chưa bao giờ là điều dễ dàng. Lúc cần đến, ti tỉ lập luận trong đầu bắt đầu chơi khăm, bám riết và léo nhéo: “Đừng, phí của giời!”, “Nhỡ mình muốn mở một bữa tiệc kiểu Ma rốc thì sao?”, “Mình cần cái nồi đất nung kiểu Ma rốc đó!”. Thực ra, một cách bớt bốc đồng hơn là bạn dành hẳn ra một hoặc hai ngày (phụ thuộc vào tốc độ đưa ra quyết định của bạn) để bỏ đi (kể cả thức ăn) tất tật, chỉ giữ lại những thứ vượt qua được những câu hỏi sau:
• Nó còn dùng được không? Đã hết hạn sử dụng chưa? Thiện ý mang sửa thứ đồ kia chỉ có thể giúp nó trì hoãn cái chết cận kề mà không thể cứu rỗi việc nó vẫn phải kết thúc vòng đời của mình tại bãi chôn rác. Một là sửa nó ngay và luôn, hoặc bán/quyên góp một phần linh kiện hữu ích, còn không hãy vứt bỏ một cách triệt để (luôn nhớ rằng thức ăn có thể đem ủ phân).
• Tôi có đang dùng nó thường xuyên? Tháng vừa rồi mình có động đến nó không? Nếu tự thấy trí nhớ không đáng tin, hãy dán mẩu giấy ngày tháng sử dụng gần nhất rồi giấu nó khuất tầm nhìn. Nếu nguyên cả tháng bạn không đoái hoài đến nó, hãy mang nó đi quyên góp. Đừng tự dối lòng mình. Đừng lấy cái nồi nấu lẩu pho mát phủ đầy bụi bạn lôi ra dùng tối nay để phản biện tôi.
• Có sự trùng lặp nào ở đây không? Chỉ cần một đôi găng tay là có thể lấy bánh ra khỏi lò. Hãy quyết định đâu là đôi găng tay yêu thích của bạn. Khi đối mặt với sự trùng lặp đồ đạc, hãy tự đặt ra số lượng tối đa hoặc không gian giới hạn cho đồ đạc hay kể cả các loại thực phẩm.
• Nó có gây nguy hại cho sức khỏe gia đình không? Ví dụ, chất chống dính, nhôm và nhựa đã được chứng minh là gây nguy hại cho sức khỏe con người. Những thứ này đều nên được loại bỏ. Câu hỏi này cực kì hữu ích trong việc loại bỏ các vật dụng trùng lặp (như các loại thìa nấu ăn: tái chế thìa nhựa, giữ lại thìa gỗ và inox). Loại bỏ thói quen sử dụng những đồ dùng này hằng ngày sẽ giúp bạn dọn dẹp tâm trí và duy trì một thể trạng khỏe khoắn hơn cho cả nhà.
• Tôi có đang tích đồ chỉ vì “cả nể”? Nếu bạn đang do dự việc phải vứt bỏ món quà từ những vị khách đến chơi nhà thì hãy nhớ rằng, những vị khách ấy không hề có ý xốc lên vai bạn chiếc đòn gánh hay tưới tắm cảm giác tội lỗi cho bạn. Họ chỉ đơn thuần cư xử hết sức lễ nghi và đúng mực thôi. Việc bỏ đi món đồ mà bạn chẳng bao giờ có ý định mua hay không hề hứng thú là một điều hoàn toàn hợp đạo đức. Trong trường hợp vị khách gặng hỏi quà giờ nơi đâu, hãy một lần nữa thể hiện lòng biết ơn và cho họ biết bạn đang thực hiện cuộc đại cách mạng tối giản hóa cuộc đời, không ai trách cứ bạn nửa lời. Hãy là ông chúa/bà hoàng trong chính tòa lâu đài của mình.
• Tôi có giữ nó vì “ai cũng có” không? Nó có phải là đồ chuyên dụng? Nó có thực sự tiết kiệm thời gian như quảng cáo? Chúng ta đã và đang tích trữ và sử dụng tiện ích nhà bếp chỉ vì đã quy phục trước tiếp thị. Hãy một lần nữa đánh giá nhu cầu thực sự của bạn với dao gọt bưởi chuyên dụng, máy trộn salad hay cán lăn bột... Hãy lục lọi trí nhớ và tự vấn bản thân: Mình đang sở hữu thứ gì có chức năng tương tự không? Một chiếc khăn bếp sạch có thể thay thế máy trộn salad, một cái chai thủy tinh có thể thay thế cán lăn bột. Mà thực ra dụng cụ uy lực nhất không đâu khác ngoài đôi bàn tay xinh.
• Thời gian quý báu bỏ ra để phủi bụi và dọn dẹp có đáng không? Đồ đạc trong bếp kể cả những thứ rất nhỏ treo trên tường hay chất cao trên nóc tủ cũng thuộc danh sách cần cân nhắc. Hãy suy nghĩ về những món đồ bạn chắt chiu sưu tập trong suốt nhiều năm qua: giờ đây chúng chẳng làm nên trò trống gì ngoài việc gây rối mắt và tích trữ bụi bặm. Lấy ví dụ như máy xay thực phẩm đa năng, một món đồ yêu cầu bảo trì rất cao. Riêng thời gian lôi nó ra, cọ rửa cái cối nhựa to kềnh cũng đủ để bạn thái được gấp đôi lượng hành cần dùng.
• Tôi có thể sử dụng không gian này cho việc gì khác? Nếu bạn coi không gian nhà bếp là một bất động sản, thì cái vị trí đáng ra đắc địa kia lại thành nơi trưng một thùng rác bốc mùi “phong thủy xấu”. Những thứ một khi đã gắn mác “đồ thừa” thì nên sớm loại bỏ để lấy lại không gian cho sự tồn tại của thứ thực sự có giá trị.
• Nó có thể tái sử dụng chứ? Nếu không, người khác có thể sử dụng nó không? Lát nữa chúng ta sẽ đi sâu hơn vào vấn đề này.
Đừng sợ buông bỏ, hãy tập trung vào những thứ bạn gặt hái được sau cuộc cách mạng này. Cũng đừng lo rằng rồi bạn sẽ hối hận. Nỗi khiếp đảm “giá như mà” là một điều rất bình thường trên cuộc hành trình. Không loại trừ việc bạn sẽ tiếc hùi hụi vì đã nỡ bỏ đi một thứ gì đó. Nhưng hãy tin tưởng rằng món đồ đó chỉ là một hi sinh nhỏ, một cái giá quá rẻ để giành lại quyền kiểm soát căn bếp.
Hãy thám hiểm từng chân bàn góc tủ, quyết không sót bất cứ điều gì. Còn nếu sau cùng bạn vẫn quyết giữ lại bất kì món đồ nào chỉ để “lấp khoảng trống” (vâng xin thưa đây là tư duy không hiếm gặp), thì hãy bỏ ngay những chiếc giá treo tự do trên tường hoặc cân nhắc đến việc chuyển tới căn nhà nhỏ hơn với một gian bếp vừa vặn hơn. Bởi để đạt hiệu quả cao nhất, “Nhu cầu” và “Sự vừa đủ” ắt phải luôn kề vai sát cánh bên nhau. Những thứ vượt quá ranh giới đó đều sẽ gây lãng phí về không gian, bất động sản, sự bảo trì, hoặc nhiệt lượng làm nóng chúng.
Lẽ dĩ nhiên, cắt giảm đồ đạc là một quá trình vô cùng chủ quan, phụ thuộc rất nhiều vào kích thước ngôi nhà, sở thích nấu nướng và thói quen của mỗi người. Để lấy ví dụ về số lượng đồ dùng nhà bếp thực sự cần cho một cuộc sống tự tại, tôi xin liệt kê minh họa những đồ dùng được “vào vòng sau” của gia đình tôi (tủ đựng thức ăn tôi sẽ đề cập ngay sau đó):
• Bát đĩa: 12 đĩa lớn, 12 đĩa nhỏ, 12 chén và 12 bát. Chúng tôi đã mua đồ gốm sứ khá chất lượng từ một xưởng gốm địa phương. Con số 12 cho mọi thứ vì chúng tôi có thể ngồi bàn mười người và số còn lại là phòng trường hợp dùng thêm.
• Đồ thủy tinh: 1 kệ đầy ly rượu, 1 kệ đầy cốc cao không quai (khoảng 24 cái). Hai kệ này chủ yếu sử dụng cho tiệc gia đình và giảm thiểu đồ dùng một lần. Chúng tôi cũng sử dụng những ly này để dọn các món xúp lạnh cùng món khai vị và thay đổi theo nhiều mục đích sử dụng khác nhau, như đựng từ muối hạt đến bàn chải đánh răng.
• Bộ dụng cụ ăn (đũa, thìa, dĩa, thìa…): 12 bộ.
• Đồ nấu: Chảo và nồi với ba kích thước khác nhau, 1 nồi hầm xương, 3 nắp đậy, 1 ấm pha trà (tất cả đều là inox).
• Đồ chuẩn bị và phục vụ: 3 bát và 2 đĩa.
• Nướng: 2 đĩa bánh, 1 nồi nướng lớn, 1 chảo nướng bánh, 2 khay nướng bánh.
• Dụng cụ nấu ăn: Thìa canh, thìa, xẻng chiên, kẹp, đánh trứng đều bẳng inox và 1 xẻng chiên gỗ.
• Đồ cắt: 1 dao gọt, 1 dao nấu, 1 dao răng cưa, 1 kéo và 1 thớt.
• Phụ kiện: Rổ, sàng, nạo, nồi hấp, phễu, 1 bộ thìa đo, 1 cốc đo, 1 cân, 1 dụng cụ mở chai, 1 máy xay hạt tiêu, 2 cái nhấc nồi, 2 kiềng để nồi đều bằng inox.
• Các thiết bị nhỏ: Máy xay sinh tố đa năng và 1 máy nướng bánh mì.
Còn thiếu gì nữa nhỉ? Dưới đây là một số ví dụ về các mục không vượt qua được những câu hỏi phía trên của tôi.
• Máy xay thực phẩm đa năng: Thái tay không chỉ nhanh (hơn là đi làm sạch một cỗ máy lớn) mà cảm giác còn chân thực hơn. Kết nối với thực phẩm khi nấu làm cho toàn bộ quá trình trở nên lý thú hơn.
• Lò vi sóng: Tôi không thích khoảng không bị nó chiếm giữ và nhu cầu sử dụng cũng không nhiều hơn việc hâm nóng nước. Thay vào đó chúng tôi sẽ dùng ấm đun.
• Đồ khui hộp: Đơn giản vì chúng tôi không mua lon.
• Rổ vắt rau: Chúng tôi sử dụng một cái rổ inox hoặc khăn hay túi lưới (xem phần về bộ đồ nghề mua sắm thực phẩm) để thay thế.
• Cán lăn bột: Những ngón tay hoàn toàn có thể thực hiện nhiệm vụ nhào và nặn bột, còn không tôi sẽ dùng chai.
• Khuôn bánh: Nhiều vật dụng khác trong nhà có thể thực hiện công việc này.
• Dao bào vỏ chanh: Tôi có thể sử dụng nạo hoặc dao thay thế.
• Dụng cụ ép tỏi: Tôi sử dụng mặt dao để đập tỏi ra khỏi vỏ.
• Bàn chải phết dầu bơ: Tôi sử dụng một bó thảo mộc, tay hoặc thìa để thay thế.
• Dụng cụ nạo rau củ: Việc từ bỏ các loại nạo rau củ đơn giản hóa cuộc sống của tôi bằng cách hạn chế gọt những loại trái cây không cần bỏ vỏ; điều này giúp giảm lượng số rác phân ủ và tăng cường các vitamin được lưu trữ trong vỏ thực vật.
• Thớt riêng: Chúng tôi sử dụng một cái thớt đa năng duy nhất.
• Khuôn nướng bánh ngọt: Tôi sử dụng khay nướng để thay thế.
• Thảm và khăn trải bàn: Tôi thấy cả hai đều dính bẩn nhanh và tiêu tốn nhiều sức lực, điện cũng như chất tẩy rửa. Lau bàn dễ dàng hơn nhiều so với làm sạch một tấm thảm hoặc khăn trải bàn. Và thông thường sau khi lau thảm xong bạn vẫn phải lau bàn!
• Các vật dụng trang trí: Tôi không muốn tốn thời gian lau chùi hoặc chăm sóc một thứ gì đó không được sử dụng. Cuộc sống quá ngắn ngủi để lựa chọn dọn dẹp thay vì dành thời gian cho các con.
• Nịt cao su và kẹp túi: Vì chúng tôi không mua thực phẩm đóng gói nên tôi không cần phụ kiện hoặc tiện ích để gói phần còn lại.
• Bát đĩa thìa dĩa dự phòng: Tôi không thể biện minh cho không gian chúng chiếm dụng hay việc chăm sóc tỉ mỉ mà chúng yêu cầu.
• Xiên nướng thịt: Chúng tôi sử dụng cành hương thảo để thêm vị đậm đà tuyệt hảo cho thịt nướng.
• Và đồ dùng một lần!
Khả năng tái sử dụng
Nếu những đồ dùng một lần bằng cách nào đó sống sót qua cuộc khảo nghiệm này thì để tôi nói ngay với bạn rằng: Đừng tiếp tục nhu nhược trong chính căn bếp của mình, tống khuất mắt những đồ dùng một lần đi, kẻ khôn ngoan giữ tiền nằm yên trong ví mà không phải ngoài hố chôn rác đầy giòi bọ!
Loài người luôn khát khao không ngừng thông qua trăm phương ngàn kế, lượm lặt về cho mình những bí quyết tiết kiệm thời gian nhất có thể, bằng bất cứ giá nào (bao gồm cả môi trường) khi chấp nhận bỏ tiền ra mua các tiện ích tiết kiệm thời gian mà biết bao chiến dịch tiếp thị hứa hẹn. Và cuối cùng ai là người được lợi với mối quan hệ “dùng một lần” này? Ta hãy đặt quy trình sử dụng chiếc cốc dùng một lần lên bàn cân xem sao. Vòng tuần hoàn ác nghiệt: (1) Bóc lớp túi bóng lớn đựng cốc (2) Gồng gánh túi bóng và chiếc cốc đoản mệnh ra trạm tái chế/thùng rác bên lề đường (3) Tha lôi thùng rác cồng kềnh về (4) Qua siêu thị mua thêm (5) Vận tải hàng về “kho” có tiết kiệm thời gian hơn so với: (1) Lấy chiếc cốc thủy tinh yêu thích từ kệ bếp (2) Dùng xong đặt ngay ngắn trong máy rửa (3) Trả nó về vị trí ban đầu không?
Có vẻ chúng ta bị rơi vào bẫy tư duy quảng cáo khi nghĩ rằng những lần đi sắm sửa, khoảng thời gian bỏ ra để tái chế cho những đồ dùng một lần kia sẽ tiết kiệm nhiều thời gian hơn là sử dụng những đồ sẵn có. Slogan “Đập không hỏng, ném không vỡ” đằng sau những sản phẩm dùng một lần đã đến lúc cần thế hệ người tiêu dùng trưởng thành ứng đối: “Chúng tôi hoàn toàn có thể kiểm soát được đồ dễ vỡ”.
Gia đình tôi đã thay thế khăn giấy bằng khăn vải sợi nhỏ, tình trạng hết khăn lau từ đó không bao giờ xảy ra nữa. Chúng tôi cũng loại bỏ nhu cầu sử dụng túi lót thùng rác từ khi bắt đầu ủ phân. Chúng tôi mua sandwich với khăn vải thay vì bọc ni lông như ngày trước. Tôi nhận ra chúng tôi hoàn toàn sống ổn mà không cần giấy sáp và giấy nhôm nướng bánh. Scott trộm mừng khi chi tiêu gia đình lược hẳn đi những khoản “tích tiểu thành đại” như đĩa, cốc hay khăn ăn dùng một lần. Và tất nhiên, những ngày tất tả tay xách nách mang từ siêu thị từ đây đã xa tận chân trời.
Chỉ cần tạm dừng mua sản phẩm dùng một lần cho nhà bếp bạn sẽ nhận ra rằng sống mà không có chúng là hoàn toàn khả thi. Những đồ đạc bền vững khi được đặt lên đặt bàn cân với đồ dùng một lần xem chừng có vẻ kém ưu thế, nhưng tỉnh táo mà xét, chỉ sau một thời gian ngắn bạn sẽ hoàn vốn nếu lựa chọn mua sản phẩm bền vững. Một động thái tiêu dùng cá nhân có thể cứu vãn môi trường ư? Có chứ, nếu bạn hướng về sản phẩm bền vững. Số tiền thu được từ việc bán đồ đạc thuộc danh mục sau trong quá trình tinh giảm nhà cửa có thể sử dụng để mua những sản phẩm bền vững. Song bạn hãy chú ý đến những chất liệu bền vững cho cuộc đầu tư tiếp theo: kim loại, thủy tinh, giấy và bỏ nhựa ra khỏi từ điển.
Một lần nữa, với mục đích minh họa, tôi xin liệt kê những đồ đạc bền vững thay cho đồ dùng một lần của gia đình tôi!
• Khăn giấy: Tôi xếp một xấp khăn lau dành cho kệ bếp và và một xấp khăn bếp (được làm từ ga trải giường cũ) để lau tay. Ngay cả những chi tiết rất nhỏ như việc gạn nước từ thớ thịt hoặc cá, chúng tôi cũng sẽ sử dụng dao chứ không tùy tiện dùng khăn giấy.
• Nước đóng chai: Tôi chuẩn bị một chiếc bình inox cho mỗi thành viên trong gia đình, hai cái loại thường (cho hai con) và hai cái loại cách nhiệt (cho Scott và tôi). Nước đóng chai không chỉ lãng phí mà còn không được quản chế hệ thống như nước máy nên thực tế là bạn không thể biết những gì mình đang nạp vào cơ thể.
• Màng bọc thực phẩm/túi giữ bánh sandwich tươi và túi đông lạnh: Tôi sử dụng một bộ sưu tập các hũ đóng hộp với khoảng 100 kích cỡ cho những mục đích như muối rau củ, bảo quản, làm đông và mua sắm thực phẩm. Tôi còn dự trữ khoảng 10 hũ rỗng để đựng thức ăn thừa. Tôi ưa dùng bộ hộp thủy tinh của Pháp, không phải vì tôi là người Pháp, mà bởi vì nó là một bộ hoàn chỉnh với nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau nên dễ kiểm soát và vô cùng vệ sinh (thương hiệu tôi yêu thích này cũng sử dụng miếng đệm cao su nguồn gốc 100% tự nhiên).
• Khăn ăn giấy: Tôi thay thế tất cả bằng khăn vải. Tổng số lượng khăn là khoảng 30 cái phòng khi gia đình cần tiếp khách. Để sử dụng linh hoạt, tôi lựa chọn loại kích thước trung bình (có thể dùng cho cả cocktail và bữa ăn) và loại có hoa văn để che những vết bẩn dầu mỡ khó làm sạch. Chúng tôi đánh dấu danh tính cho khăn bằng việc thêu những vòng tròn chữ cái tượng trưng cho tên của mỗi thành viên trong gia đình.
• Trà túi lọc: Tôi lựa chọn thay thế bằng quả lọc trà inox kích cỡ vừa phù hợp với miệng và dung tích của bình cách nhiệt inox.
• Phin pha cà phê: Tôi sẽ dùng bình pha cà phê. Bạn cũng sẽ thấy phin pha cà phê có thể tái sử dụng sẵn có trong máy pha cà phê.
• Tăm: Tôi lựa chọn que xiên kim loại để thay thế. Số lượng xiên tôi dự trữ là khoảng 30 chiếc, dựa trên số lượng khách tối đa tới thăm nhà. Bạn cũng có thể mua các loại tăm xiên cocktail bằng inox hoặc titan loại tái sử dụng.
Tái sử dụng không chỉ là câu chuyện loại bỏ những đồ dùng một lần, mà còn là việc bắt đầu thói quen mua sắm những đồ dùng chất lượng tốt hơn và độ bền cao hơn.
Bạn có thể cân nhắc việc mua những đồ chuyên dụng cũ như đồ dùng nhà bếp cũ của nhà hàng hoặc nếu không, bạn có thể khéo léo hỏi thăm những cửa hàng cung ứng đồ bếp cho nhà hàng địa phương để có thể tìm ra những sản phẩm đủ sức chịu “nhiệt” với cường độ làm việc cao của gia đình.
Thu gom
Quy hoạch chỗ chứa cho từng loại rác là một trong những bước quan trọng để hình thành một căn bếp Không Rác. Dán nhãn cụ thể trên từng thùng không chỉ thuận tiện cho gia đình mà còn cho cả những vị khách đến thăm nhà. Dán chú thích lên tủ lạnh cũng là một cách, nhưng chưa tối ưu. Kích thước của thùng chứa phụ thuộc nhiều vào việc bạn có mua được nhiều hàng không-đóng-gói hay không. Một thùng chứa rác thường (loại rác trực tiếp kết thúc số phận của mình tại bãi chôn) nên là chiếc thùng có kích thước nhỏ nhất.
Ủ phân hữu cơ
Bước đầu tiên để vận hành một căn bếp Không Rác là lắp đặt hệ thống ủ phân. Khi nhận thức được rằng ¼ lượng rác nhà bếp có thể ủ phân hữu cơ, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt trong thùng đựng chất thải rắn. Dù lựa chọn hệ thống bón phân nào cũng hãy nhớ việc quan trọng nhất là phải thu gom được nguyên liệu ủ. Để ủ phân dễ dàng hơn, thùng chứa cần:
1. Đủ lớn: Một thùng chứa lớn sẽ giảm số lần di chuyển đến trạm ủ. Chỉ cần là thùng thì đều có thể ủ phân, bạn có thể tận dụng ngay chiếc thùng rác hiện tại. Một tuần chúng tôi dọn thùng ủ một lần, cá và thịt thừa có thể cho vào ngăn đông lạnh cho đến ngày thu phân ủ. Những sản phẩm hữu cơ thường chỉ dậy mùi khi bị để lẫn với những thành phần không thể phân hủy (thứ rác ở bãi chôn lấp) vì nó sẽ ngăn chặn quá trình ủ phân diễn ra bình thường. Ở giai đoạn đầu, việc ủ phân sẽ không gây mùi, bạn không nhất thiết phải dùng đến thiết bị lọc các-bon (thiết bị này yêu cầu thay thế định kì). Bạn có thể dùng khoản tiền đó vào việc hữu ích hơn.
2. Đủ thẩm mĩ: Không ít người sẽ giữ tâm thế né tránh việc ủ phân vì chỉ tưởng tượng đến viễn cảnh về sự tồn tại của cái thùng bẩn thỉu trên kệ bếp là họ đã buồn nôn. Tôi không chỉ trích họ. Nhưng thùng ủ phân đâu nhất thiết phải chình ình ngay kệ bếp. Dưới kệ bếp là ổn nhất. Xa mặt nhưng không cách lòng.
3. Trong tầm với: Thùng ủ của chúng tôi được đặt dưới bồn rửa, có dạng trượt, vô cùng tiện lợi khi bạn phải cắt gọt rau củ. Vị trí để thùng này còn cho phép bạn đổ ngay những mảnh rau hay thức ăn vụn ướt át trong lưới lọc của bồn rửa.
Tùy vào hệ thống tái chế bạn sử dụng, dưới đây là danh sách bạn có thể dán lên thùng ủ phân:
• Xiên nướng tre* hoặc cành hương thảo
• Túi giấy bóng kính (đảm bảo là giấy bóng kính, không phải túi ni lông!)
• Phin pha cà phê*
• Bã cà phê
• Hộp trứng carton*
• Vỏ trứng
• Thực phẩm hết hạn*
• Thức ăn thừa*
• Bã trà (hãy nhớ hầu hết túi bọc của trà túi lọc đều được tráng lớp nhựa polypropylene sẽ không bị phân hủy hoàn toàn)
• Diêm
• Thịt và xương cá
• Vỏ các loại hạt
• Khăn ăn giấy*
• Đĩa giấy*
• Khăn lau giấy*
• Động vật giáp xác
• Giấy và bìa cứng như bìa hộp pizza*
• Bánh mì hỏng*
• Tăm xỉa răng*
• Rau quả
• Giấy sáp bao gồm cả giấy gói bơ*
Tái chế
Hãy bỏ thời gian tìm hiểu cộng đồng nơi bạn ở đang tái chế những gì (bao gồm cả những loại vật liệu khó tái chế) để phân bố các thùng đựng sao cho hợp lý nhất. Những vật liệu khó tái chế thường sẽ không nằm trong dịch vụ tái chế thu gom bên lề đường mà cần phải gửi đến địa điểm tái chế chuyên biệt. Ví dụ trong nhà bếp của chúng tôi có một chiếc hộp đựng tất cả những loại rác mà địa phương tôi có thể tái chế như: thủy tinh, giấy, lon nhôm và sắt, nhựa loại 1 đến 7 (ký hiệu trên sản phẩm nhựa, thể hiện thông tin về độ độc hại của sản phẩm). Tôi cũng dùng một chiếc hộp nhỏ thu thập tất tần tật các nút chai rượu vang vỏ sồi để đưa chúng đến những cửa hàng tạp hóa có thể tái chế chúng một cách sáng tạo (upcycling). Chúng tôi cũng dùng một thùng chứa khác cho những nút rượu nhựa và những chiếc vỏ kẹo không biết bằng cách nào đã tuồn vào nhà. Khi hộp đã đầy tôi sẽ chuyển chúng đến công ty tái chế TerraCyle để tái chế sáng tạo. Việc vận chuyển những đồ tái chế này chắc chắn sẽ tạo ra vết các-bon1 (các-bon footprint), đó tuy chưa phải là phương pháp tối ưu nhất nhưng nó ổn cho đến khi quy trình sản xuất và tái chế được cải thiện tích cực hơn.
1 Vết các-bon: tổng lượng khí thải phát sinh do một cá nhân, một sự kiện hay tổ chức, hoặc một quá trình sản xuất.
Hãy chuẩn bị tâm thế rằng lượng rác thải bạn tái chế hiện tại sẽ thay đổi một khi bạn bắt đầu thực hiện lối sống này. Hệ thống tái chế của bạn cần có tính linh hoạt ít nhất trong thời gian ngắn. Ví dụ, trong nhà bạn hiện đang có một thùng cố định đựng túi ni lông cho tái sử dụng hoặc tái chế nhưng sẽ rất nhanh thôi, nó sẽ biến mất khỏi cuộc đời bạn.
Bãi chôn rác
Nếu đang sử dụng thùng rác cũ để đựng rác ủ phân thì bạn cũng có thể dùng thùng đựng ủ phân cũ để đựng rác sẽ được đem ra bãi chôn. Túi lót thùng rác là không cần thiết vì hầu hết những thứ nhớp nháp đều đã dùng để ủ phân.
Rác trong thùng này đại diện cho lời kêu gọi hành động, hãy bắt đầu từ việc thay đổi thói quen mua sắm thực phẩm.
MUA HÀNG TẠP HÓA
Danh sách đồ cần mua và việc cần làm
Lên danh sách mua sắm ngoài việc giúp bạn tiết kiệm thời gian còn mang một sứ mệnh cực kì cao cả.
Từ những trải nghiệm trong công việc cố vấn, tôi khá ngạc nhiên khi ¾ số hộ gia đình mà tôi tư vấn không lên danh sách mua sắm, dẫn đến tần suất ghé thăm siêu thị rất thường xuyên (có khi là hằng ngày) và những cơn mua sắm bốc đồng (rất hay mua thứ mình đã có).
Gia đình tôi luôn có hai danh sách mua sắm: một cho hàng tạp hóa, một cho những thứ lặt vặt. Hai tập được đặt ngay vị trí đắc địa sát kề tủ bếp và đều được làm bằng giấy tái chế (thường từ bài tập về nhà in một mặt của các con). Chúng được kẹp với nhau và đính kèm gọn gàng với cây bút chì. Thông thường khi lên danh sách tôi sẽ viết từ dưới lên trên để khi đi mua hàng chỉ cần xé xoẹt phần dưới là xong. Điện thoại thông minh có thể tiết kiệm giấy nhưng bản thân tôi cảm thấy nó không tiện khi muốn thêm bớt gạch xóa và nhất là khi cả gia đình đang dành thời gian cùng nhau điền vào mấy cuốn sổ này.
Khi bất kì thành viên nào trong nhà sử dụng hết thứ gì trên kệ bếp thì người đó sẽ phải ghi chú lại vào cuốn Tạp hóa. Sự đóng góp phải đến từ mọi thành viên. Léo đã có lần viết 10.000 quả chuối vì quá bức xúc với chính sách chỉ mua sản phẩm nông sản địa phương của bố mẹ. Tôi không thể làm cậu bé hài lòng 100%, mà chỉ 0,06% (chỉ có 6 quả chuối thuồn thuỗn), coi như nguồn khích lệ nhỏ cho con. Tôi cũng sử dụng danh sách này để viết những thứ cần mua cho những dịp đặc biệt. Mọi hạng mục trong danh sách tạp hóa bao quát tất cả những thực phẩm chủ đạo tại tiệm tạp hóa mà tôi ghé qua hằng tuần, tiệm này đã lọt vào mắt xanh của tôi nhờ đáp ứng được các tiêu chí về hàng không-đóng-gói, địa điểm, bánh tươi.
Khi cần mua đồ từ cửa hàng khác, những món đồ không- đóng-gói đặc biệt hay lên danh sách đồ nên mang tặng, chúng tôi sẽ viết vào cuốn Tạp nham. Trước khi lên đường đi mua đồ hằng tuần, tôi sẽ một lần nữa nỗ lực cắt giảm hoặc tìm phương án thay thế cho các món đồ trong danh sách.
Thời gian và tiền bạc của chúng tôi từ đó không còn bị ném qua cửa sổ nữa.
Hàng không-đóng-gói hay Hàng số-lượng-lớn
Là một người tiêu dùng, chúng ta không nên xem nhẹ sức mạnh mà mình sở hữu. Sự sống loài người hiện đại phụ thuộc lớn vào việc mua sắm bổ sung hàng hóa hằng tuần (thậm chí là hằng ngày). Và quyết định của chúng ta sẽ hỗ trợ hay hạ bệ nhà sản xuất và chuỗi các cửa hàng cung ứng, chủ yếu dựa trên tiêu chí bao bì đóng gói và chất lượng sản phẩm. Địa chỉ chúng ta quyết định trao gửi đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình không nên chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu lấp trống chạn bếp mà còn nên là một nơi phản ánh những giá trị của bản thân, qua đó truyền tải thông điệp ngầm tới các cửa hàng: “Tiệm các anh đúng là vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, thành tâm chúc các anh bền đời buôn may bán đắt”. Những đồng tiền trong ví cũng có thể bỏ phiếu nếu chủ nhân của chúng tránh xa những sản phẩm đóng gói lãng phí và ưu tiên sử dụng những sản phẩm hữu cơ địa phương. Việc mua hàng không-đóng-gói sẽ giúp bạn làm điều này.
Ở Mĩ, nhắc đến khái niệm bulk (mua hàng số lượng lớn) người ta sẽ liên tưởng ngay đến chế độ thành viên thân thiết của các cửa hàng hay siêu thị lớn như việc mua một lúc ba thùng lớn lá nguyệt quế hay một hũ bơ thực vật khổng lồ. Mô hình kinh doanh “mua càng nhiều ưu đãi càng lớn” tạo điều kiện cho những đối tượng khách hàng như doanh trại quân đội hay trường học nội trú mua sắm hàng hóa với mức giá thấp nhất có thể. Đối với những gia đình có nhiều thành viên, kiểu mua hàng này thoạt nghe có vẻ khá kinh tế nhưng trên thực tế thì không hẳn.
Scott và tôi từ bỏ tư cách hội viên của những cửa hàng bán đồ số lượng lớn sau lần mua một hộp bơ thực vật gần 1,5kg. Chuyện là trước khi chúng tôi vét đến đáy hộp thì hỗn hợp nào là mẩu bánh mì, nào là mứt rồi vô số hạt nhỏ nặc danh đã mọc lên thành nấm. Xin lỗi nếu tôi làm bạn lợm giọng, nhưng thú thật là vì cảnh tượng đó mà tôi đã vội vàng tống tất cả chỗ bơ còn lại ra bãi rác. Cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền vào thứ bản thân không đủ nhẫn nại để dùng hết làm chúng tôi chấm dứt tâm thế tích trữ thực phẩm. Việc mua thực phẩm nhiều hơn nhu cầu thực tế tất sẽ dẫn đến tình trạng chán ngấy và nhồi nhét bao tử cho đến tận ngày hết hạn. Hậu quả rõ ràng là gây lãng phí thực phẩm, tài nguyên, tiền bạc, không gian và thời gian quý giá của bạn và gia đình.
Tuy nhiên, loại hình mua hàng bulk (không-đóng-gói, số- lượng-lớn) chúng tôi đề cập trong cuốn sách này là loại hình mua thực phẩm tại những cửa hàng thực phẩm sạch, những cửa hàng liên doanh cung cấp những sản phẩm được bày trong thùng, không-đóng-gói. Loại hình mua hàng này cho phép người tiêu dùng dùng đi dùng lại đồ chứa và mua hàng tùy theo nhu cầu sử dụng.
Trên thực tế cả hai mô hình kinh doanh Bán hàng số- lượng-lớn (chế độ thành viên của siêu thị) và Bán hàng không-đóng-gói (cửa hàng thực phẩm sạch) đều hạn chế số lượng bao bì thải ra môi trường. Nhưng nếu so sánh không gian sẵn có cho việc tích trữ đồ thì kệ bếp nhà tôi sẽ phải rộng như một sảnh khiêu vũ nếu tôi mua hàng theo mô hình kinh doanh thứ nhất.
Những cửa hàng thực phẩm sạch không-đóng-gói tất nhiên không thể hoàn toàn loại bỏ bao bì trong quá trình nhà sản xuất vận chuyển hàng hóa tới các cửa hàng bán lẻ. Những lô hàng đó đôi khi cũng lớn như những kiện hàng tại các siêu thị thường nhưng ta không thể bỏ qua ưu điểm cho phép người tiêu dùng mua hàng với số lượng phù hợp nhu cầu và khoảng không gian cho phép của loại hình cửa hàng không- đóng-gói. Một ngôi nhà cỡ tầm trung không cần một lúc đến 500gr đường cỏ stevia (tôi chỉ cần nửa thìa cà phê đường này cho một tháng) hay đến 15kg hạt hồ đào (tôi cũng chỉ thực sự cần một cốc cho những ngày nghỉ lễ). Và những cửa hàng thực phẩm sạch không-đóng-gói – “nhà kho quốc dân” vĩ đại – đã cứu rỗi tâm tình của những bà nội trợ như thế đấy.
Mọi người hay cho rằng đồ không-đóng-gói thường rất đắt đỏ. Trên thực tế, gia đình tôi đã giảm được 1/3 chi tiêu bằng việc mua hàng tại đó. Nếu bạn tránh xa những thực phẩm đã qua xử lí, giảm lượng tiêu thụ thịt, tỉ mỉ lựa chọn những món hàng giá cả hợp lý cũng giống như quá trình bạn mua tại các siêu thị lớn, thì chỉ sau một thời gian ngắn bạn sẽ thấy hoá đơn mua sắm nhà mình giảm xuống đáng kể.
Ở Mĩ, các cửa hàng thực phẩm sạch và cửa hàng liên doanh cung cấp rất nhiều sự lựa chọn địa phương và hữu cơ. Thông thường, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường, những cơ sở này sẽ làm những bước tiền trạm như đánh giá thành phần, nguồn gốc thực phẩm mang mác “địa phương” và “hữu cơ”. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian vào việc giải mã các nhãn thành phần phức tạp. Thực phẩm sạch thường không hề rẻ, nhưng về lâu dài bạn sẽ thấy lợi ích ngay trên cơ thể mình và môi trường xung quanh bạn. Đây là một dạng đầu tư tôi sẵn lòng đánh đổi để bảo vệ sức khoẻ cho cả gia đình lẫn hành tinh của chúng ta.
Nghĩ đến viễn cảnh cắt giảm rác thải và gia tăng số lượng cửa hàng không-đóng-gói cho tương lai của các con, tôi hoàn toàn tự nguyện đầu tư những thành quả lao động vất vả của mình vào lý tưởng trong mỗi chuyến hành trình mua sắm hằng tuần cho gia đình.
Từ lúc này, cụm từ hàng không-đóng-gói sẽ được dùng để chỉ những mặt hàng bán rời, không được bọc bằng bao bì, bao gồm cả thực phẩm và nhiều loại mặt hàng khác.
Tìm kiếm những cửa hàng không-đóng-gói
Yếu tố quyết định bạn có thể hàng loại này hay không phụ thuộc vào việc phải tìm nguồn hàng sẵn có. Rất nhiều người bày tỏ với tôi họ không thể tìm được cửa hàng như thế tại nơi họ sinh sống. Bản thân, mãi cho đến khi bắt đầu công cuộc xử lý rác thải, tôi cũng không biết rằng có một cửa hàng như thế tồn tại trong thị trấn chúng tôi ở. Chính vì thế tôi đã tạo một ứng dụng tìm kiếm cửa hàng không đóng gói tên Bulk, và bạn cũng có thể sử dụng nó để tận hưởng niềm phấn khích mà các “nhà kho quốc dân” mang tới. Ứng dụng Bulk hoàn toàn miễn phí, giúp bạn tìm kiếm những cửa hàng không-đóng-gói tại Mỹ và Canada.
Bộ công cụ mua sắm cho lối sống Không Rác
Để giảm lượng rác bao bì xuống mức thấp nhất khi mua hàng tại các cửa hàng không-đóng-gói bạn cần có:
• Túi vải tote: Các túi mua sắm xuất hiện trên thị trường những năm gần đây vô cùng đa dạng về cả mẫu mã lẫn bao bì. Kinh tế nhất là bạn nên đầu tư hẳn một chiếc chắc chắn thay vì một chiếc trị giá 1 đô-la Mĩ. Tôi cũng sử dụng một chiếc xe làn kéo làm bằng vải bạt canvas với tay cầm kim loại khá chắc chắn.
• Túi vải (2 cỡ): Tôi tự làm túi từ ga trải giường cũ với nhãn trọng lượng bao bì (Nhãn này ghi chú trọng lượng của bao bì rỗng của bạn. Khi thanh toán, nhân viên thu ngân chỉ cần trừ đi trọng lượng bao bì trên tổng trọng lượng sản phẩm bạn mua). Bạn cũng có thể làm túi từ lụa (vừa nhẹ vừa nhanh khô) hoặc mua chúng ở các cửa hàng không- đóng-gói. Nếu chiếc túi ở cửa hàng không có dán nhãn trọng lượng bao bì (thường là không), bạn hãy cân nó ở quầy phục vụ khách hàng và làm một cái nhãn trọng lượng vĩnh viễn cho nó ( có thể dùng bút thường, bút lông dầu hoặc sơn cũ). Cũng để giảm thiểu loại dây buộc dùng một lần, bạn có thể tự thiết kế loại túi luồn dây buộc dễ thương cho riêng mình.
• Túi lưới (tùy chọn): Túi lưới với đặc tính có thể nhìn xuyên thấu có thể thuận lợi hơn cho nhân viên thu ngân kho kiểm tra mã số sản phẩm. Túi lưới máy giặt hoặc túi lọc sơn cũng khá ổn nhưng đều là sợi tổng hợp. Các loại sợi tự nhiên (như gai hoặc bông) cũng luôn sẵn có trên thị trường.
• Hũ thuỷ tinh (2 cỡ): Những hũ thủy tinh Mason cực kì hữu dụng. Thường tôi sẽ sử dụng loại 1l và 500ml và cân trọng lượng tại khu vực phục vụ khách hàng (ghi chú trực tiếp lên hũ hoặc làm một chiếc nhãn trọng lượng).
• Chai (tự chọn): Những chai thuỷ tinh miệng rộng rất hữu ít. Song bạn cũng có thể sử dụng chai rượu cũ hoặc chai nước chanh nắp bật (flip-top). Quy trình mua hàng bằng chai cũng sẽ tương tự như khi bạn mua bằng hũ thuỷ tinh.
• Bút sáp màu: Vết bút sáp màu sau khi ghi chú số trực tiếp lên túi vải hoặc bình thuỷ tinh có thể tẩy rửa mà không cần dùng đến những dán nhãn một lần tại các cửa hàng.
• Vỏ gối: Hoặc một chiếc ga trải giường cũ để làm túi đựng bánh mì.
• Và danh sách những thực phẩm cần mua
Nếu gặp khó khăn trong việc lựa chọn những bộ đồ dùng mua sắm không-đóng-gói, bạn có thể tham khảo bộ sản phẩm này trên website của tôi: ZeroWasteHome.com.
Tại cửa hàng và khi ở nhà
Nếu bạn đã sẵn sàng với bộ đồ dùng mua sắm rồi thì đây sẽ là việc bạn cần làm tại cửa hàng và sau khi áp tải chúng về nhà:
• Dùng túi vải để đựng thực phẩm khô như bột, đường, đậu, ngũ cốc, bánh quy và các loại hương liệu… Sử dụng bút sáp màu có thể tẩy rửa để ghi chú trên túi số thứ tự loại thực phẩm cần mua. Hãy nhớ chỉ mua lượng phù hợp với kích cỡ đồ chứa ở nhà. (Đối với các loại gia vị, tôi sẽ mang trực tiếp hộp đựng theo để tránh việc ước lượng nhầm.) Bạn cũng có thể dùng những chiếc túi này để mua bánh mì. Về nhà: Trút đồ khô vào các hũ kín. Tôi sử dụng hũ thuỷ tinh Pháp đủ mọi kích cỡ để đựng hầu hết các loại thực phẩm này.
• Sử dụng túi lưới (hoặc túi vải) để đựng đồ nông sản.
Về nhà: Cất đồ vào ngăn có độ ẩm cao của tủ lạnh. Nếu ngăn chứa rau củ hoạt động không tốt (làm lá rau bị héo) bạn có thể cho vào một miếng vải ướt hoặc làm ẩm túi vải đựng rau. Tôi hay cho rau thơm vào một cốc nước, bỏ những loại rau củ lớn ra khỏi túi, dùng túi lưới để bỏ những loại nhỏ cùng nhau (nho chẳng hạn) để rửa qua chúng (đơn giản là để chúng dưới vòi nước).
• Sử dụng hũ thủy tinh cỡ nhỏ cho những loại đồ không-đóng-gói “ướt” như mật ong, bơ lạc, dưa chuột muối… và đánh số thứ tự loại sản phẩm trên hũ bằng bút sáp. Mẹo nhỏ cho bạn khi mua hàng là đừng bỏ qua khu vực quầy ôliu và salad. Khu vực đó cực kì nhiều đồ không-đóng-gói ngon lành đấy. Về nhà: Cất đồ trực tiếp vào tủ bếp hoặc tủ lạnh.
• Dùng vỏ gối cũ để mua bánh mì. Bạn cũng có thể đặt hàng trước qua điện thoại hoặc qua tiệm mua đặt trực tiếp. Khi sử dụng vỏ gối cũ để dồn bánh, nhân viên quầy sẽ đưa nhãn giá hoặc mã vạch mà bạn có thể giữ lại cho những lần sử dụng tiếp sau. Một khi mọi thứ đã vào guồng, bạn có thể thiết lập việc đặt hàng một cách có hệ thống hơn cho những tuần mua bánh sau này. Về nhà: Cho bánh mì vào một chiếc vỏ gối cũ khác (thường tôi sẽ cắt chiếc bánh mì dài ngoẵng đó làm đôi) để bảo quản một tuần trong tủ lạnh và giã đông khi dùng bánh.
• Sử dụng chai để chứa các chất lỏng như dầu ô liu, dấm, xi rô phong [làm từ nhựa cây phong đường], (thường thì những loại chất lỏng không-đóng-gói khó tìm hơn các loại hạt ngũ cốc và các sản phẩm “tại quầy”1). Đôi khi van bình chứa của cửa hàng sẽ to hơn cổ chai của bạn, nên việc sử dụng bình thuỷ tinh miệng rộng sẽ giúp bạn phần nào vơi đi chút nhọc nhằn. Và đừng quên đánh mã số thứ tự cho sản phẩm bằng bút sáp nhé! Về nhà: Cho sản phẩm vào tủ bếp hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
1 Sản phẩm tại quầy (counter product) là những sản phẩm cần được cắt và đóng gói bởi nhân viên quầy hàng thực phẩm. Thông thường đây sẽ là những thực phẩm như thịt sống, cá, pho mát và các thực phẩm chín.
• Sử dụng hũ thuỷ tinh lớn cho các sản phẩm tại quầy như thịt sống, cá, pho mát và các thực phẩm chín. Bạn chỉ cần nhờ nhân viên quầy dồn đầy hũ và ghi giá lên bình, sau đó tiến thẳng đến quầy thanh toán. Về nhà: Bảo quản trực tiếp các hũ sản phẩm này bằng cách cất chúng vào tủ lạnh.
Việc tự mang đồ chứa khi đi chợ thường không quá phổ biến và rất dễ bị phản ứng với những cú “nhướn mày” nếu bạn thể hiện thái độ không dứt khoát. Tôi phát hiện ra điều này khi đối mặt với những nhân viên mới, nhẹ nhàng đưa cái hũ về phía nhân viên, mắt một lòng hướng về phía thịt cùng chất giọng khảng khái trực tiếp đề nghị: “Bạn ơi cho mình bốn miếng bít tết, vào đây, bạn nhé!” sẽ hiệu quả hơn là mở lời xin phép sự chấp thuận được hay không sử dụng đồ chứa cá nhân. Bẽn lẽn chờ đợi sự chấp thuận sẽ chỉ làm họ nghi ngờ lời thỉnh cầu của bạn mà thôi. Tôi thường sẽ cư xử như thể việc dùng hũ thuỷ tinh là điều hết sức bình thường (theo kiểu đây là cách duy nhất tôi làm tự thuở cha sinh mẹ đẻ). Còn nếu bị tra vấn về mục đích của các loại chai lọ, tôi chỉ hồi đáp nhẹ nhàng: “Nhà mình không có thùng rác”. Nghe thấy vậy là chẳng ai buồn hỏi thêm câu nào. Gần đây tôi đã từ bỏ cửa hàng mà tôi từng là khách “ruột” trong ba năm. Cô nhân viên quầy mới ở đó tuyên bố chắc nịch với tôi rằng, “Việc sử dụng hũ thuỷ tinh là đi ngược lại quy định về sức khỏe và an toàn”. Tôi cương quyết yêu cầu nhân viên đó xác nhận lại với quản lý cửa hàng, rồi rốt cuộc cô ấy cũng phải chấp nhận cho tôi sử dụng đồ chứa của mình. Dẫu vậy, một cách từ chối mang tính sát thương kiểu đó hoàn toàn có thể khiến cho những người mới bắt đầu thực hành lối sống này không đủ dũng cảm thử lại lần hai. Việc chấp nhận cho người tiêu dùng sử dụng đồ chứa cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào các khu vực có phạm vi quyền hạn, những hạng mục khác nhau của các cơ sở kinh doanh (quầy, nhà phân phối, thực phẩm khô, thực phẩm ướt...) theo quy định của từng địa phương. Mỗi cửa hàng hoặc sẽ đưa ra những lời giải thích khác nhau, hoặc sẽ hoàn toàn tảng lờ vấn đề này. Khi cơ sở hoặc các khu vực pháp lý chỉ cần nghe phong thanh vấn đề này sẽ ngay lập tức cau mày, nguyên nhân không đâu khác xuất phát từ nỗi sợ kiện tụng. Họ không muốn chịu trách nhiệm việc bạn lăn ra ốm chỉ vì bạn không rửa sạch cái hũ trước khi đặt chân lên bậc thềm của cửa hàng. Một điều bạn nên nhớ là đừng chỉ nghe từ phía nhân viên cửa hàng, hãy hỏi trực tiếp người quản lý để được cung cấp lý do chính xác và luật cấm liên quan đến vệc sử dụng đồ chứa cá nhân. Với trải nghiệm của mình, tôi thấy họ rất hiếm khi đưa ra được những lập luận thuyết phục.
Dẫu vậy, để phá vỡ lối mòn, đôi khi cần đến lòng can đảm. Cho nên, đừng bao giờ bỏ cuộc, nếu bị từ chối, bạn hãy thử ở một cửa hàng khác, hay thậm chí là một ngày khác!
Lên danh sách và làm tất cả các việc vặt trong cùng một ngày, một lần một tuần. Một danh sách cụ thể sẽ không chỉ cứu rỗi bạn khỏi những cơn mua sắm bốc đồng mà còn giúp bạn xây dựng mối quan hệ bền chặt với nhân viên cửa hàng. Mỗi thứ Sáu, tôi luôn mong chờ việc được chào Carl và đội ngũ bán pho mát của anh ấy, rồi cả việc nói lời cảm ơn với Kito vì anh luôn giúp tôi chuẩn bị những chiếc bánh mì ấm nóng nhất hay những nụ cười đầy nội lực ấm áp của Jay quầy thu ngân bất kì khi nào tôi nhìn thấy anh ấy. Những con người ấy cùng sự kiên nhẫn của họ chính là điều kiện cần cho hiện tại và tương lai để lối sống Không Rác có thể vận hành một cách trơn tru. Hãy luôn thân thiện, kiên nhẫn và biết ơn. Và không có gì là không thể.
Hơn cả cửa hàng tạp hóa
Còn nếu trong trường hợp bạn không thể tìm thấy đồ không- đóng-gói trong cửa hàng thực phẩm sạch hay những cửa hàng liên doanh địa phương thì sao? Hay nếu trong khu vực bạn sống không tồn tại lấy một cửa hàng thực phẩm sạch nào?
Hàng không-đóng-gói không chỉ có mặt tại những cửa hàng thực phẩm sạch. Những nơi khác như cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp, chợ nông sản hay những sạp bán thực phẩm đặc sản cũng là nơi có nguồn hàng không-đóng-gói cực kì phong phú. Ngoài ra, nếu những cộng đồng này không phù hợp với mục tiêu sống bền vững của mình, tôi chuyển hướng sang các sản phẩm từ chợ nông sản địa phương, không chỉ vì sự đa dạng về thực phẩm theo mùa sẵn có mà còn vì những cuộc trò chuyện trực tiếp với các chủ sạp hàng cùng quyền hạn tự do trong việc từ chối sử dụng túi ni lông. Rồi một ngày nào đó người bán hoa cũng sẽ cân nhắc việc bán những nhành hoa không-bọc-nhựa cũng nên.
Ngoài các cửa hàng, đây là những sự lựa chọn thực phẩm không-đóng-gói mà bạn có thể cân nhắc:
• Mua trứng từ chợ nông sản, từ cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp, từ người hàng xóm: cả chợ nông sản hay cộng đồng hỗ trợ nông nghiệp sẽ đều vui lòng nhận lại hộp đựng trứng bằng bìa các-tông để tái sử dụng. Nhưng nếu bạn sống tại các miền quê, việc bạn phải làm chỉ là mua trứng từ người hàng xóm, bìa các-tông không tồn tại trong câu chuyện này.
• Mua sữa và sữa chua bán trong bình thủy tinh có thể hoàn trả. Tùy vào nơi bạn sống, bạn có thể mua trực tiếp từ nguồn sữa địa phương, từ dịch vụ giao hàng hoặc từ cửa hàng thực phẩm đông lạnh gần nhà. Nếu mua tại các cửa hàng đông lạnh, khoản đặt cọc cho chai sẽ được hoàn lại khi bạn trả chai cho cửa hàng.
• Mang hũ thuỷ tinh hoặc túi vải đến cửa hàng đồ đặc sản để mua những sản phẩm như kem hoặc bánh kẹo. Bạn có thể sẽ bị từ chối nhưng bản chất thương mại của việc mua hàng bằng hũ đâu có thay đổi. Chính vì thế, ngày càng có nhiều cửa hàng bắt đầu cởi mở hơn với việc này.
• Mua rượu vào những sự kiện cho phép bạn mua rượu vào chai rượu sạch và cũ của bạn. Gia đình tôi rất thích sử dụng chai thủy tinh bật nắp vì không cần đến nút chai mới. Những trạm đổ đầy lại chai rượu rỗng tùy thuộc vào khu vực bạn sống và không hẳn tồn tại để phục vụ nhu cầu này của bạn. Ứng dụng Bulk của chúng tôi có thể sẽ giúp bạn định vị những trạm rượu như thế. Hoặc nếu không, bạn có thể gọi điện hay lục tìm thông tin về những địa điểm đó trên Google. Giá trị kinh tế chính là điểm cộng cho thói quen mua rượu này.
• Mua bia bằng bình chuyên dụng tại nhà máy bia địa phương. Một số nhà máy bia địa phương có cung cấp bình đựng bia chuyên dụng rỗng để bạn có thể nạp mới ngay tại quầy. Bạn có thể gọi điện tới các quán bar để hỏi về vấn đề này. Nếu bị từ chối, lời đề nghị của bạn ít nhất cũng có hi vọng được cân nhắc thi hành. Chú ý: phương pháp này chỉ phù hợp nếu bạn có thể uống 4l bia trong một lần uống. Bia để qua đêm hết ga sẽ ảnh hưởng đến hương vị vốn có của nó. Do đó, nhớ rủ thêm vài bạn nhậu nữa!
• Tự làm những thứ không thể tìm thấy trong cửa hàng không-đóng-gói. Để duy trì sự minh mẫn của não bộ, tôi sẽ không làm những thứ đã có ở cửa không-đóng-gói. Thay vì tự nướng bánh mì, tôi chỉ cần xắn tay áo lựa nhẹ từ chiếc bánh mì tí hon đến cây bánh mì dài ngoẵng vào chiếc vỏ gối là xong. Để duy trì lối sống không-rác-thải đơn giản và dễ thở (xin lỗi hạt kefir), việc tối giản hóa và ưu tiên thời gian hữu hạn cho những đồ ăn không thể tìm thấy ở các cửa hàng không-đóng-gói cùng những món ăn với nguyên liệu và công thức đơn giản là điều tối quan trọng.
• Cân nhắc việc tự đóng hộp những sản phẩm đóng trong lon mà bạn từng sử dụng. Việc tự làm đồ hộp là một lợi thế đáng cân nhắc vì hầu hết đồ hộp bạn mua ngoài cửa hàng đều đầy mì chính và dư lượng BPA. Để không phức tạp hóa mọi thứ, tôi chỉ làm cà chua đóng hộp. Lý do đơn giản là cả gia đình tôi cuồng món này bất kể mùa nào trong năm. Tôi lựa chọn mua cà chua vào cuối vụ (thường là cuối mùa hè) tại chợ nông sản địa phương với mức giá cực hời. Bạn có thể truy cập website ZeroWasteHome.com để xem chi tiết hướng dẫn làm cà chua đóng hộp nhé!
• Tham gia hoặc thành lập một câu lạc bộ mua sắm. Câu lạc bộ mua sắm thường là cho một nhóm (từ 7 gia đình trở lên) với mục đích mua hàng từ những nhà phân phối liên doanh lớn. Mọi người sẽ phân công thu tiền, đặt hàng và chia hàng, Rất nhiều cửa hàng bán buôn, ngoài phân phối cho cửa hàng và nhà hàng, còn cung ứng các thực phẩm tự nhiên và hữu cơ cho các câu lạc bộ mua sắm. Trong trường hợp những hộ gia đình đơn lẻ không thể mua đồ ở các cửa hàng thực phẩm sạch thì việc tham gia vào một nhóm câu lạc bộ mua sắm như vậy sẽ vô cùng kinh tế.
• Tự trồng lấy. Đồ nhà trồng lấy lẽ dĩ nhiên không phải lo vấn đề bao bì hay dán nhãn sản phẩm. Ví dụ rau thơm thường được bán trong những hộp nhựa trong suốt và thường phải mua với số lượng lớn nhưng trên thực tế, nó rất dễ sinh trưởng chỉ với một nhúm đất và một chiếc chậu nhỏ. (Tùy vào địa phương sinh sống, hãy lựa chọn loại rau thích hợp để thử sức).
• Săn bắt hái lượm. Hộp nhựa không thể mọc lên từ lòng đất. Bạn hãy thử tham gia một lớp học sinh tồn ngoài thiên nhiên và chạm vào phần hoang dã bên trong con người bạn. Những hoạt động ngoài trời luôn là khoảng thời gian ưa thích nhất của gia đình tôi. Léo khi thì về nhà với cây son môi làm từ dâu tây cùng đôi môi hồng mọng, lúc lại là một xô đầy tôm câu được. Còn Scott câu được cả cá và bắt được các loại nghêu sò ốc hến khác nhau. Tôi chuyên trách lĩnh vực rau xanh cho cả nhà. Phải thừa nhận săn bắt hái lượm là biện pháp vô cùng tuyệt để tiết kiệm chi tiêu và tăng lượng thực phẩm cho cả gia đình.
Một chuyến mua sắm điển hình
Mọi người có thể nghĩ chúng tôi bị ảm ảnh với lối sống này. Cho dù nó là một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng tôi nhưng tôi không còn coi nó là một nỗi ám ảnh nữa. Mặc dù thời gian đầu, đúng là có chút tẩu hỏa nhập ma nhưng sau khi tất cả vào quỹ đạo, chúng tôi bắt đầu tận hưởng những lợi ích về tài chính, sức khỏe và thời gian mà nó đem lại. Yếu tố đóng góp nên sự thành công cho lối sống này chủ yếu đến từ sự cân bằng hài hòa giữa kỹ năng mua sắm và tổ chức. Việc từ bỏ thói quen cũ yêu cầu sự luyện tập bền bỉ và thời gian để tìm ra hệ thống nào thực sự phù hợp với bạn. Không Rác và quy trình 5R sẽ giúp bạn đưa ra quyết định chính xác nhất.
Những chướng ngại trước mắt có thể khó khăn nhưng việc chứng kiến cách con người hiện đại tiêu dùng thực sự thôi thúc tôi phải làm gì đó.
Bây giờ tôi xin chia sẻ cùng bạn hành trình mua sắm điển hình của mỗi ngày thứ Sáu trong tuần để bạn hiểu được đại khái những gì tôi miêu tả trước đó.
Xe ô tô là phương tiện sử dụng chung của tôi và Scott nhưng tôi có quyền ưu tiên hơn vào thứ Sáu hằng tuần cho việc mua sắm đồ lặt vặt và các loại thực phẩm tại chợ nông sản.
Tôi luôn để trong cốp xe chiếc túi cho chợ nông sản (bên trong đựng một túi lưới) và một chiếc túi mua rau củ (bên trong bao gồm túi mua đồ không-đóng-gói sạch, bút sáp, vỏ gối và mã vạch cho bánh mì dài).
Cạnh cuốn sổ mua đồ tạp hóa tôi sẽ để chiếc túi tote khác (túi tote nhà bếp) dùng để đựng các túi mua đồ sạch, hũ thủy tinh rỗng, chai rỗng để trả lại và lấy lại tiền đặt cọc từ cửa hàng (gồm chai sữa và chai sữa chua), hộp đựng trứng bằng bìa các- tông rỗng và túi đựng thực phẩm rỗng.
Vào thứ Sáu tôi mang chiếc túi tote nhà bếp này ra xe cùng hai danh sách mua hàng và ít nhất 5 hũ thuỷ tinh rỗng loại 1l để đựng: (1) thịt, (2) cá, (3) thực phẩm chín, (4) pho mát, (5) pho mát bào sẵn. Tôi chuyển hộp các-tông đựng trứng và túi mua thực phẩm sang túi nông sản.
Để tối ưu hóa thời gian và nhiên liệu, tôi đánh số những việc vặt phải làm qua từng trạm, bắt đầu từ trạm xa nhất và tối đa hóa số lần rẽ phải (đây là mẹo của Scott vì hầu hết những công ty anh làm việc cùng đều luôn cố gắng tối đa hóa hiệu suất sử dụng nhiên liệu của họ).
Rồi cứ theo lộ trình định sẵn, tôi gạch dần đi những việc phải làm và kết thúc với ba trạm dừng quen thuộc: chợ nông sản, cửa hàng tạp hóa và thư viện.
Ở chợ nông sản, tôi sẽ sử dụng túi tote chuẩn bị sẵn và đến ngay quầy rau xanh (xếp rau xanh dưới đáy túi tote rồi tới quầy hoa quả (thường mềm hơn rau). Nếu cần mua các loại quả mọng được đựng trong làn nhỏ, tôi sẽ gỡ chúng ra, bỏ vào túi lưới của mình và trả lại chiếc làn nhỏ cho người bán để họ có thể tái sử dụng. Cuối cùng, tôi sẽ mua trứng với chiếc hộp các-tông đựng trứng cũ của mình. Quyết định mua những sản phẩm nông sản tại quầy khá trực quan, đơn giản là tôi thấy đồ ngon và đủ cho nhu cầu sử dụng cho cả gia đình trong vòng một tuần.
Ở cửa hàng thực phẩm sạch:
• Tôi cùng chiếc xe đẩy và hai túi tote mua rau bắt đầu hành trình với trạm dừng trước quầy phục vụ để trả lại hũ thủy tinh đựng sữa và sữa chua (thường tôi sẽ kẹp phiếu hoàn tiền cùng thẻ tín dụng để tránh việc bỏ quên khi thanh toán).
• Tiếp đó tôi đến tiệm bánh để mua 10 chiếc bánh mì dài không- đóng-gói (đủ thực lượng cho một tuần của gia đình).
• Tôi tiến hành dồn đầy các hũ thủy tinh tại quầy salad (chủ yếu là pho mát nạo với giá ưu đãi), quầy ô liu (cho các gia vị như nụ bạch hoa dầm, dưa chuột muối chua và ô liu muối), quầy đồ ăn chín, thịt và cá sống.
• Tôi lấy bơ được bọc bằng giấy sáp; dồn sữa, sữa chua vào chai thủy tinh trong khi hũ thủy tinh được đang được nhân viên quầy hàng dồn đầy pho mát vào.
• Tôi dùng túi vải và hũ thủy tinh để mua hàng không-đóng-gói từ các bình chứa trong quầy.
• Đôi khi tôi sẽ dừng ở các quầy thực phẩm nông sản trong cửa hàng thực phẩm sạch để mua những đồ không tìm thấy ở chợ nông sản (như rau chân vịt không-đóng-gói) hay món bánh mì sừng bò tại quầy bánh mì.
• Lộ trình mua sắm cuối cùng sẽ trở lại với tiệm bánh, nơi những chiếc bánh mì nóng hổi mới ra lò đang nằm yên vị trong chiếc vỏ gối cũ đợi chờ tiếp thêm sức ấm cho chủ nhân (cứ tầm đó là tôi lạnh run lên vì máy lạnh quầy hàng thực phẩm). Hương thơm hòa quyện của bánh đưa tôi trở về với ký ức của tuổi thơ (và trở ra tới quầy thanh toán).
• Tôi đặt các hũ thủy tinh lên quầy trước vì chúng nặng nhất, sau đó sẽ là đồ không đóng gói và bánh mì. Tôi đưa mã vạch bánh mì dài và phiếu hoàn tiền của hũ thủy tinh cho người thu ngân, họ sẽ trừ trọng lượng vật chứa và trả lại số tiền đặt cọc.
• Cuối cùng là tiến hành thanh toán và từ chối hóa đơn. Lên xe và tiến thẳng đến thư viện trước khi đáp xuống nhà “kho” − điểm cuối của hành trình.
Bạn có thể tưởng tượng rằng, nếu vẽ lại vết xe đẩy hàng trên các địa điểm đã đi, tôi đã đánh lái chiếc xe đẩy qua quầy thực phẩm tươi, bỏ qua quầy gia công và đóng gói. Thứ đóng gói duy nhất tôi phải mua chính là bơ vì những lí do đã được nêu trước đó. Khi về đến nhà, tôi tháo dỡ tất cả và làm những việc còn lại như cấp đông thực phẩm, xếp đồ đã mua vào các hũ, kệ bếp, cắt chiếc bánh mì dài làm đôi và chia vào một vỏ gối khác, cất đồ rau củ vào ngăn giữ ẩm tủ lạnh, bổ sung đĩa trái cây lên bàn ăn, xếp những túi mua hàng bẩn vào máy giặt, tái chế tờ danh sách mua hàng và đặt chiếc túi tote lại vị trí van đầu: hai cái trong ô tô, một cái trong nhà để khởi động cho chuyến mua sắm lần tới.
KẾ HOẠCH CHO BỮA ĂN
Rất nhiều rác thải sinh hoạt thông thường hình thành từ bao bì của những sản phẩm tiện lợi (thức ăn nhanh), khiến cho lối sống Không Rác trở thành mục tiêu không tưởng đối với rất nhiều người. Nhưng thức-ăn-chậm thực ra cũng không phức tạp lắm đâu. Chỉ cần một vài phụ kiện nhà bếp, một chút dọn dẹp, một chút tổ chức và một kế hoạch nghiêm túc là bạn sẽ duy trì được cả chặng đường dai sức.
Cuộc tổng kiểm soát công thức nấu nướng
Cách đây không lâu, sổ ghi chú dạy nấu ăn của tôi chứa đầy những công thức nấu ăn thu thập trong nhiều năm, phần nhiều là những phương pháp chế biến thực phẩm gia công hoặc đồ đóng hộp. Những công thức không có lợi cho sức khỏe và/hoặc lãng phí lẫn lộn với cả những công thức lành mạnh và không rác không chỉ làm đầy cứng cuốn sổ mà còn làm cho việc mua sắm không rác thải trở nên khó khăn, phức tạp và bực bội hơn rất nhiều. Việc chạy khắp các cửa hàng không- đóng-gói cố gắng tìm đường bột để cho đúng nguyên liệu chế biến bánh Bourbon Ball là hoàn toàn vô nghĩa.
Tôi chợt nhận ra rằng một nhà bếp Không Rác ắt phải xuất phát từ việc mua sắm Không Rác, và để có được một danh sách mua sắm Không Rác thì thực đơn của tôi cũng phải bắt nguồn từ những nguyên liệu không-rác-thải. Nên tựu chung lại là tôi phải bắt đầu công cuộc khử rác cho tất cả những công thức nấu nướng của mình.
Và thế là tôi quyết định chỉnh đốn lại tất cả những công thức nấu nướng quen thuộc bằng cách:
• Chọn công thức nấu ăn chỉ chứa các nguyên liệu từ địa phương và sẵn có ở các cửa hàng không-đóng-gói.
• Tạm biệt những thứ đòi hỏi quá nhiều nguyên liệu hoặc quá nhiều thời gian chế biến. Những nguyên liệu đơn giản cũng có thể đằm vị như những thành phần phức tạp.
• Tái chế những món chưa được thử nghiệm. Áp lực thất bại khi làm thử món mới cứ lảng vảng mãi trong đầu nếu tôi không giải phóng chúng khỏi bộ não và danh sách những thứ cần làm.
• Loại bỏ các công thức cho những bữa tiệc tối bạn không có thời gian chuẩn bị trước. Tôi nhận ra rằng khi có người cùng vào bếp, tôi hoàn toàn mất tập trung, quên khuấy đi nguyên liệu hoặc ý niệm về thời gian. Cuối cùng tôi lại vụng về và phải xin lỗi vì những phút lỡ tay. Tôi nấu ăn nhanh hơn và tốt hơn khi có một mình. Tôi sẽ căn giờ ăn tối chuẩn xác hơn bằng việc hâm nóng thức ăn, tôi cũng sẽ là một vị chủ nhà chu toàn hơn nếu không bị mất tập trung bởi những nguyên liệu nấu nướng. Hơn nữa, việc chuẩn bị đồ sớm hơn một chút sẽ giúp hương vị hòa quyện và đậm đà hơn.
• Scan lại những công thức còn lại bao gồm cả các công thức bị gấp mép đến hết nửa quyển sách (bạn biết đấy, có những cuốn sách bạn giữ cả cuốn chỉ vì một công thức yêu thích duy nhất mà thôi). Tôi thường sử dụng ứng dụng scan CamScanner trên điện thoại thông minh để scan những tài liệu này nhanh chóng.
• Tái chế những tờ giấy vụn và quyên góp sách đến cộng đồng để ai cũng có thể tận hưởng kiến thức từ chúng.
Một khi tất cả những công thức nấu ăn đã được scan, tôi sẽ sắp xếp chúng vào các thư mục sau:
• Bữa sáng
• Những món bốc tay/Món khai vị
• Xúp
• Ngũ cốc
• Mì ống
• Các loại đậu
• Khoai tây
• Bánh
• Cá và động vật giáp xác
• Thịt gà
• Thịt
• Rau (công thức không chứa tinh bột hoặc thịt)
• Món tráng miệng
• Bánh quy/Đồ ăn nhẹ ngọt
• Các món từ đồ săn bắt hái lượm được
• Các món trong tủ bếp
• Thực đơn: một bộ từ ba đến bốn công thức nấu ăn xoay quanh một chủ đề
• Công thức làm đồ chăm sóc nhà cửa, cơ thể
Việc số hóa các công thức nấu ăn cải thiện tính lưu động một cách đáng kể. Những tài liệu đã scan tôi sẽ lưu vào bộ nhớ đám mây và có thể truy cập mọi lúc mọi nơi bằng điện thoại. Ngoài ra, điều này còn hỗ trợ rất nhiều trong việc tham khảo chéo các tài liệu: chẳng hạn tôi có thể sao chép một công thức nấu ăn ra nhiều tệp khác nhau để tham khảo và lên kế hoạch thực đơn. Ví dụ xúp súp lơ có thể dùng cho ba thư mục: Món khai vị, Xúp và Rau. Hơn nữa, hầu hết các công thức nấu ăn ngày nay đều có thể tìm kiếm trực tiếp trên mạng nên hoàn toàn có thể tìm và lưu vào các thư mục điện tử thích hợp (thay vì in ra) và dễ dàng chia sẻ qua email hoặc hệ thống đám mây.
Kế hoạch bữa tối hằng tuần
Bất cứ khi nào đề cập đến thực đơn thì đều có nghĩa là tôi đang chuẩn bị nấu cho khá nhiều người. Những bữa tối còn lại của tuần tôi thường cân nhắc nhiều hơn đến sự hài hòa giữa hương vị hoặc phối hợp giữa các món khác nhau. Tôi thích lấy cảm hứng nấu nướng từ thực đơn nhà hàng hoặc từ quầy đồ chín trong cửa hàng thực phẩm sạch. Việc tiếp cận ẩm thực theo phương diện này không những giúp tôi trau dồi sự sáng tạo mà còn rất phù hợp với triết lý mua sắm theo mùa và cảm thức của cá nhân tôi. Tôi có thể dùng phương pháp này điều chỉnh kế hoạch các bữa hằng tuần dựa trên điều kiện của gia đình như (1) khả năng sử dụng đồ không-đóng-gói, (2) chế độ ăn chay, và (3) lịch trình. Phương pháp này giúp tôi thoải mái sử dụng trứng, sữa và/hoặc pho mát làm nguồn protein cho các bữa ăn chay và giúp tôi dần thích nghi với nguồn cung ứng từ chợ nông sản. Kế hoạch dưới đây không phải là một hướng dẫn cứng nhắc và cũng không hẳn sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi hộ gia đình có thể điều chỉnh nó phù hợp với nhu cầu của mình, nhưng chỉ cần một vài giản đồ cho kế hoạch sẽ làm giảm bớt đi những phỏng đoán và câu hỏi không thể tránh khỏi thường ngày của các con: “Mẹ ơi, tối nay ăn gì”?
• Thứ Hai: Mì Ý
• Thứ Ba: Đậu
• Thứ Tư: Bánh (bánh quiche tự làm, pizza, hoặc bánh ngô)
• Thứ Năm: Bánh mì (kèm với món xúp hoặc rau “dọn-sạch-tủ lạnh”)
• Thứ Sáu (ngày mua sắm): Khoai tây và cá
• Thứ Bảy: Tự do, ăn tối với bạn bè hoặc ăn ngoài hàng
• Chủ nhật: Ngũ cốc và thịt
Nguyên liệu chủ chốt của tủ bếp
Tủ đựng thức ăn của chúng tôi được quy hoạch để chỉ chứa một số lượng hạn chế hũ thủy tinh đựng những lương thực thiết yếu cố định hoặc những món luân chuyển theo mùa. Mỗi gia đình sẽ có những món “tủ” khác nhau, còn tủ nhà tôi gồm có:
• Bột, đường, muối, muối nở, bột ngô, bột nở, men, bột yến mạch, cà phê, ngô khô, đường bột.
• Mứt, bơ, bơ lạc, mật ong, mù tạt, cà chua đóng hộp, dưa chua, ô liu, nụ bạch hoa ngâm.
• Dầu ô liu, dầu thực vật, dấm táo, dấm rượu vang, tương tamari, tinh chất vani.
• Một bộ các loại gia vị và thảo mộc.
Các nguyên liệu chủ lực thường là nhóm các thực phẩm chúng ta mua rất nhiều loại khác nhau. Ngày trước, bộ sưu tập các loại đậu của chúng tôi bao gồm đậu xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu đỏ, đậu răng ngựa, đậu pinto, v.v.. Việc dự trữ đa dạng các chủng loại tưởng chừng sẽ thêm phần đa dạng ẩm thực, nhưng sự thật không phải như vậy. Mọi thứ vận hành giống hệt trong tủ quần áo, món “tủ” sẽ luôn được ưu tiên lựa chọn, những món còn lại chỉ nằm ghế dự bị, bị ghẻ lạnh lãng quên, bị gắn mác là kẻ tội đồ xâm lấn không gian rồi tất yếu trở nên ôi thiu mục rữa, như quá trình chuyển hóa tự nhiên chưa-bỏ-sót-một-ai. Hiện tại, thay vì tích trữ nhiều chủng loại khác nhau, vào một thời điểm cố định, chúng tôi chỉ sử dụng một hũ nào đó và vận hành với hệ thống luân phiên. Ví dụ, quy trình luân phiên các loại ngũ cốc của chúng tôi sẽ là hũ gạo tuần này sẽ biến thành hũ hạt couscous cho tuần sau. Bộ sưu tập luân phiên của chúng tôi bao gồm:
• Ngũ cốc
• Mì Ý
• Đậu
• Hạt ngũ cốc ăn sáng
• Bánh quy
• Hạt hạch
• Đồ ăn vặt ngọt
• Đồ ăn vặt mặn
• Trà
Cách thức vận hành này qua thời gian không chỉ có thể duy trì sự phong phú trong chế độ ăn uống mà còn giúp gia đình tôi giải phóng không gian tích trữ đồ đạc cũng như hạn chế việc để thực phẩm quá hạn mà chưa sử dụng hết.
Giảm lãng phí đồ ăn
Ngoài việc luân phiên mặt hàng chủ lực còn có nhiều cách khác giúp chúng ta giảm lãng phí đồ ăn. Ở phần trên tôi đã đề cập tới việc nhớ “kẹp nách” danh sách mua hàng trước khi đi chợ, ngoài ra nếu làm khẩu phần thức ăn nhỏ, hâm nóng lại đồ bữa trước và tận dụng phương pháp đông lạnh, bạn có thể giảm thiểu lượng thức ăn không sử dụng/hư hỏng bắt buộc phải ủ phân. Bạn có thể làm đông các loại rau thơm trong khay đá và tách riêng đồ ăn từ bữa trước thành các phần nhỏ hơn trong các hũ thủy tinh rồi để ngăn mát. Tôi cũng sử dụng xương cấp đông trong tủ để nấu canh hầm xương trước khi ủ phân chúng.
Kể cả khi đã đạt đến cảnh giới Không Rác thì nhà bếp của bạn chắc chắn vẫn sẽ tạo ra những loại rác cần ủ phân. Đây là danh sách các bí quyết của tôi để giải quyết các loại đồ dùng dễ bị lọt khỏi “thiên la địa võng” Không Rác:
Bổ sung: Phần bí ngô không dùng hết có thể biến thành nguyên liệu tuyệt hảo cho bánh kếp mặn. Hoặc thử sử dụng một ít nước nấu mì ống để làm nước sốt mì cũng là một lựa chọn không tồi.
Nướng: Gia đình tôi đặc biệt thích cải xoăn nướng. Bạn có thể thử nướng với một vài giọt dầu ô liu và muối trong 10 phút ở nhiệt độ 350°C.
Gom: Tôi giữ một hũ thủy tinh trong tủ lạnh gom những miếng bánh mì cũ. Khi bình đầy, tôi sẽ làm bánh pudding.
Khử nước: Thực ra bạn có thể sử dụng máy khử nước, nhưng phơi nắng và làm khô bằng không khí vẫn là sự lựa chọn tiết kiệm tối ưu; tôi buộc các loại rau thơm thành bó nhỏ và để cho chúng khô trong nhà (gác mái cũng khá lý tưởng) để giữ lại tối đa màu sắc và hương vị. Công thức đặc biệt cho ra hạt muối cần tây đơn giản là lá cần tây phơi khô và xay cùng muối.
Chỉnh sửa: Khi các con không thích nho khô có trong ngũ cốc ăn sáng, tôi sẽ nhặt chúng ra để dùng nướng bánh quy.
Lên men: Rượu còn sót lại hoặc trái cây thừa là nguyên liệu lý tưởng để làm dấm. Tất cả những gì cần thiết để có dấm rượu vang mang nhãn hiệu cá nhân bạn là “dấm cái” − thường có sẵn ở các cửa hàng chế bia tươi.
Nạo: Táo nạo sẽ điểm thêm hương vị cho món salad hay bánh mì cũ nạo (bánh mì vụn) cũng sẽ làm món rau hoặc thịt hầm trở nên thú vị hơn.
Treo: Nếu sữa chua đã quá hạn nhưng chưa mốc, tôi sẽ dùng khăn tay treo nó lên bồn rửa để rút bớt nước và thu được pho mát mềm.
Uớp lạnh: Rau diếp héo có thể được hồi sinh trong bồn nước đá.
Xay sinh tố: Đừng ủ phân cọng cà rốt; hãy pha chúng với loại sinh tố màu xanh lá cây của bạn.
Cắt: Khi trong nhà có quá nhiều trái cây, tôi gọt vỏ rồi bày nó lên đĩa và thế là nó mất tích không dấu vết một cách diệu kì!
Nấu xúp: Một ngày trước khi đi mua đồ, tôi trút tất cả rau, xương gà trong tủ lạnh vào nồi nước để làm xúp. Lá atisô và vỏ hạt đậu cũng tạo nên thành phần hỗ trợ chính tuyệt vời để làm xúp kem nấm.
Tẩm ướp: Tôi học được từ mẹ cách ngâm nho hoặc trái cây khô vào rượu mạnh trong vài tháng (đôi khi nhiều năm) và sản phẩm là một món tráng miệng tuyệt cú mèo.
Trung hòa: Nếu bạn đang nghĩ đến việc bỏ món ăn nào đó vì nó quá cay, hãy thêm chanh, sữa, rượu, hoặc đường. Quá ngọt? Hãy thử muối, dấm hoặc chanh. Quá mặn? Một vài giọt dấm trắng hay nhúm đường là bớt gắt ngay. Quá chua? Thêm muối nở.
Tặng cho bạn bè, trường học, ngân hàng thực phẩm: Nếu bạn lỡ tay nấu quá nhiều hoặc trồng quá mức thì hãy tốt bụng tặng lại nó cho mọi người. Ai đó có thể sẽ rất bất ngờ nếu bỗng nhiên được tặng những trái chanh tươi rói đó.
Bảo quản: Trái cây chín có thể hô biến thành mứt hoặc dưa muối. Hỏi: Google sẽ chỉ giáo sách lược chiến đấu với đồ ăn thừa của bạn. Tái tạo: Sử dụng những mẩu giăm bông vụn để tạo hương vị cho xúp đậu, hoặc dùng táo đã chín thâm để làm sốt táo (bạn cũng có thể biến nước sốt thành trái cây sấy mỏng)!
Quan sát: Bảo quản đúng cách là yếu tố cốt lõi để kéo dài tuổi thọ của thức ăn thừa. Mục đích chính của việc sử dụng hũ thủy tinh trong suốt là để tránh các loại thực phẩm bị rơi vào quên lãng.
Làm đặc hoặc loãng: Đôi khi xúp hoặc nước sốt sẽ bị bỏ quên trong tủ lạnh do quá đặc hoặc quá loãng. Bạn có thể sử dụng bột ngô để xúp trở nên đặc hơn hoặc pha loãng với nước để vừa với khẩu vị của mình.
Dùng sạch: Không bóc vỏ là cách rất tuyệt để tận dụng tối đa các loại rau củ quả. Nhưng nếu lột vỏ phần cuộng súp lơ (phần này thường bị bỏ đi), bạn có thể thêm nó vào công thức.
Nâng cấp: Tôi rất thích tổ chức một bữa tiệc nhẹ để tống khứ hết các món đồ còn sót lại. Đây là một cách rất thú vị để dọn tủ lạnh trước khi mua đồ cho tuần mới. Bánh pizza còn sót lại có thể được chia thành từng miếng nhỏ, và hỗn hợp thịt hoặc ngũ cốc nhỏ có thể được nhồi vào lá rau cúc đắng, nấm, thìa, hoặc ly nhỏ. Bánh trang trí và đồ sót lại có thể được xếp lớp với kem và trái cây tươi để làm món tráng miệng bánh xốp kem.
Làm ướt: Vẩy một chút nước vào bánh mì khô và nướng lại để hồi sinh nó.
Kiểm tra khoa tức là hãy xác minh lại tình trạng nguyên vẹn của khóa kéo/nắp mở vật chứa của bạn. Ngũ cốc không được đóng kín đúng cách sẽ bị biến chất hoặc xuất hiện côn trùng gây hại. Việc bảo quản kín sản phẩm sẽ kéo dài thời hạn sử dụng từ khi bắt đầu sử dụng hũ thủy tinh để bảo quản thực phẩm, kệ đồ ăn của chúng tôi không còn bóng dáng một con kiến nào.
GIẢI TRÍ
Bạn đến chơi nhà, những yếu tố nào cần cân nhắc?
Khía cạnh quan trọng nhất của “Đãi khách chi đạo” khi thực hành lối sống này chính là kế “Đánh đòn phủ đầu”. Bản chất của binh lược này chính là bạn sẽ là người chủ động xuất chiêu ngăn chặn việc khách mời mang rác thải và sự hỗn loạn vào nhà mình. Bạn đã làm việc cật lực để đơn giản hóa căn bếp của mình và hi sinh cho những thay đổi: đừng để những vị khách làm hỏng tâm sức bạn đã bỏ ra. Hãy cho bạn bè biết về quyết tâm gạt rác ra khỏi cuộc đời, về những lựa chọn tái sử dụng mà bạn đã thực hiện hay những con giun mà bạn đã nuôi. Hãy để mọi người nhận thấy những nỗ lực của bạn trong việc giải tán bớt đồ cùng những minh chứng hùng hồn về khoản tiền gia đình bạn đã tiết kiệm. Việc truyền tải những thay đổi đó giúp bạn tránh được khâu nhức đầu khi phải đối phó với quà cáp và cảm giác tội lỗi khi phải vứt bỏ chúng. Hãy cho bạn bè cơ hội để hiểu và tôn trọng lựa chọn của bạn.
Dành thời gian giải trí với bạn bè không chỉ là cách tuyệt vời để nhân rộng lối sống của bạn mà còn tạo cơ hội thử nghiệm mô hình này trên quy mô lớn hơn. Bạn có thể không ý thức được mình đang truyền cảm hứng tới những ai đâu.
Dưới đây là một số ý tưởng đáng xem xét trên hành trình có sự tham dự của khách mời:
Thức ăn
• Mang thêm các hũ thủy tinh để mua lượng đồ cần thiết phải chuẩn bị.
• Tránh sử dụng đĩa cho từng cá nhân. Việc bày các món lên đĩa chung sẽ giúp đơn giản hóa, giảm thiểu việc rửa chén đĩa cũng như nâng cao tay nghề bày biện món ăn. Hành động này cũng cho phép bạn kiểm soát lượng thức ăn để tránh lãng phí. Bày vừa đủ, hết lại đơm.
• Ưu tiên phục vụ đồ ăn bốc tay cho các bữa tiệc lớn. Thức ăn bốc tay là những món đồ nguội khai vị giúp loại bỏ thức ăn thừa và lượng bát đĩa sử dụng. Đừng sợ khách tay miệng lấm lem, những chiếc khăn vải và những chiếc tăm nhỏ sẽ giải quyết vấn đề.
• Chuẩn bị đĩa cỡ đựng salad nếu bữa tiệc buffet ở nhà cần tới đĩa. Việc này sẽ khuyến khích mọi người lượng sức ăn của mình và hạn chế thực phẩm thừa.
• Chuẩn bị ít về chủng loại nhưng nhiều về số lượng thay vì ngược lại. Với tiệc buffet, làm 20 suất cho 6 món khai vị sẽ hiệu quả hơn làm 6 phần cho 20 món khai vị.
Đồ uống
• Thêm lát chanh, lát dưa chuột hoặc nhành hương thảo vào nước thay vì dùng nước đóng chai có ga.
• Cân nhắc việc dùng bình bia hoặc thùng chứa có thể nạp đầy lại cho bữa tiệc có nhiều người sử dụng bia.
• Mua đồ uống dựa trên khả năng sử dụng lại của vật chứa chúng. Tôi mua rượu vodka trong chai nắp lật 750ml vì nó giúp tôi tránh được việc dùng nút rượu vang cũng như cả một chai rượu mới.
• Sử dụng bút sáp để khách có thể đánh dấu chiếc ly mình đang sử dụng. Điều này ngoài việc giúp khách nhận dạng chiếc ly của mình còn hạn chế việc rửa nhiều chén đĩa và loại bỏ việc mua những chiếc vòng trang trí đánh dấu cho ly.
Không khí và Trang trí
• Sử dụng đĩa gốm, bộ đồ ăn uống “thật” và khăn ăn vải vừa giúp tiết kiệm tiền vừa mang lại sự sang trọng lịch lãm.
• Phát huy ý tưởng sáng tạo bằng cách: sử dụng các thủ thuật gấp khăn ăn hay trang trí bằng cây cỏ vườn nhà, lá/cành ngoài sân, nến hay đơn giản là trái cây theo mùa. Bạn cũng có thể sử dụng một lát sô-cô-la để tạo họa tiết trên bàn ăn hay rắc những hạt đậu lăng đỏ, ngô, hoặc những hạt ngũ cốc đầy màu sắc khác để trang khí không gian cho bữa ăn gia đình. Các con thì có thể sử dụng đất nặn (xem công thức trong chương “Con cái và trường học”) để làm hoa hoặc nặn hình. Thiết kế được cả gia đình tôi yêu thích là họa tiết được vẽ bằng một thìa bột mì trắng ở giữa bàn. Một thiết kế yêu thích khác là rắc những chiếc lông tơ được tách từ đầu cây atisô đã ngừng ra hoa. Trong các tiệc buffet, tôi đặt các nhánh dương xỉ trong ly nước và phủ chiếc chuông chụp cây trong suốt lên để điểm tô cho sự trang trọng của không khí bữa tiệc.
• Tự làm nến mới bằng những hộp thiếc nến cũ (và sợi bấc). Bạn có thể đổ đầy sáp hoặc dầu ô liu vào đó. Khối sáp ong khoảng 500gr có sẵn tại các cửa hàng thực phẩm sạch (không-đóng-gói) và sợi bấc không chì cũng có thể mua tại tại những cửa hàng thủ công. Tất cả những gì ta phải làm chỉ là dính sợi bấc ngắn vào đáy hộp và đổ đầy sáp ong tan chảy vào thôi (xem thêm chương “Lễ tết và quà tặng” để biết thêm chi tiết). Đôi khi tôi sẽ mua nến (loại không-đóng-gói) và nếu đã dùng xong tôi sẽ làm chảy lượng nến đã qua sử dụng vào các hộp thiếc. Đế để nến của gia đình tôi có thể dùng được cho cả nến thường lẫn nến trong hộp thiếc.
• Tải nhạc về máy iPod. Tặng máy nghe đĩa CD và đĩa CD cho người cần nó hơn rồi kết nối iPod với hệ thống âm thanh tại gia để thưởng thức.
CÔNG THỨC NẤU ĂN
Bạn có thể tham khảo những công thức khác trên trang web của tôi: ZeroWasteHome.com
DANH SÁCH 5R: 5 MẸO CHO NHÀ BẾP
Refuse (Từ chối): Từ chối những thực phẩm đóng gói và túi nhựa dùng một lần.
Reduce (Tiết giảm): Tối giản phụ kiện nhà bếp và sắp xếp lại những thực phẩm chủ chốt của gia đình.
Reuse (Tái sử dụng): Mua hàng với những vật chứa có thể có thể tái sử dụng và cân nhắc kỹ trước khi đổ thức ăn thừa.
Recycle (Tái chế): Chỉ định các thùng chứa riêng biệt phù hợp với nhu cầu tái chế của gia đình.
Rot (Ủ phân): Ủ phân thức ăn bỏ đi.
THÊM MỘT BƯỚC NỮA
Hầu hết ý tưởng gửi đến bạn trong chương này đều đề cập đến các khía cạnh hữu hình và vô hình của chất thải. Nhưng để làm cho nỗ lực bền vững của bạn được trọn vẹn hơn, tôi xin bổ sung những mẹo vặt giúp bạn tiết kiệm năng lượng, nước và thời gian của mình.
Năng lượng
• Không làm nóng lò trước.
• Chỉ mở tủ lạnh khi cần thiết.
• Nên dùng các thiết bị điện có thể điều khiển bằng tay.
• Đầu tư một chiếc nồi áp suất.
• Điều chỉnh lửa cháy chỉ trong kích thước đáy nồi.
• Sử dụng tối đa hiệu suất của ngăn đông và ngăn lạnh.
• Tắt máy làm đá; chỉ sử dụng nó khi cần làm đầy thùng chứa đá, hoặc bạn có thể sử dụng khay nước đá thay thế.
• Kiểm tra cửa tủ lạnh bằng cách kẹp 1 tờ tiền và đóng cửa tủ ở các vị trí đóng mở khác nhau. Nếu cửa tủ không thể giữ chặt đồng tiền, có thể đã đến lúc thay mới gioăng cao su rồi.
Nước
• Sử dụng lưới lọc rác bồn rửa bát và ủ phân cặn rác còn thừa trong đó.
• Kiểm tra tình trạng rò nước: Đọc đồng hồ của bạn trước và sau hai giờ đồng hồ không sử dụng nước để kiểm tra hệ thống nước gia đình có bị rò rỉ hay không.
• Lắp đặt vòi nước thông minh.
• Để sẵn một bình chứa nước sau khi rửa, hấp hoặc luộc rau để tưới cây.
• Khi tráng bát đĩa nên đổ nước vào bồn hoặc chậu để tráng một lượt mà không nên mở vòi liên tục để tráng từng cái.
Thời gian
• Tìm hiểu các thủ thuật chuyên nghiệp thái cắt thực phẩm để tiết kiệm thời gian bếp núc.
• Giữ thớt ở bồn rửa nơi bạn rửa thực phẩm.
• Chuẩn bị bữa ăn tại bồn rửa – nơi có vị trí và chức năng đắc địa của căn bếp.
• Cất dao thái bánh mì cùng chỗ với nạn nhân của nó (bánh mì).
• Mỗi thành viên trong gia đình luôn nên có bình nước riêng để tránh sử dụng ly.
• Đặt một tấm bảng gỗ phía sau những chiếc hũ để giữ chúng luôn trong tầm với nếu tủ quá sâu.
• Đặt một cây lô hội trên kệ bếp để đắp ngay lập tức khi bạn bị bỏng.
• Cho xương nấu luôn vào nồi xúp thay vì nấu nước hầm riêng.
• Trộn salad với chiến lược “tay không bắt giặc” (tránh dùng găng tay ni lông).
• Dùng dụng cụ rót chất lỏng khi rót dầu hoặc dấm.