Thật thoải mái khi ở nhà, ngồi chễm chệ trước tivi, ngốn bất cứ thứ gì bạn muốn, ném tất cả chúng vào thùng rác, rồi bỏ mặc chúng bên lề đường chờ xe rác chở đi, đơn giản như đan rổ. Nhưng thực chất, rác thải đi đâu về đâu?
- Magna, cựu nhân viên tái chế tại bãi chôn rác Jardim Gramacho ở Rio de Janeiro trong bộ phim tài liệu Waste Land (Đời Rác)
Nhà chúng tôi thường tha lôi cái thùng rác ra lề đường vào buổi tối, đến lúc thức dậy sáng hôm sau, những bao gói hạt ngũ cốc và khăn giấy bẩn hoàn toàn biến mất như một phép thuật. Mà khi ta nói “vứt cái gì đó đi”, thì vứt cái gì, đi đâu cơ? “Vứt đi” có thể làm rác và bạn tạm thời “xa mặt”, nhưng bạn có chắc nó và bạn sẽ “cách lòng” không? Rác thải sẽ không bốc hơi chỉ vì nhân viên vệ sinh mang nó đi. Nó sẽ kết thúc vòng đời của mình tại bãi chôn rác và phá hỏng môi trường quý giá của chúng ta. Sau khi đốt, nước rỉ rác sẽ ngấm vào đất và bốc hơi lên không trung. Tài nguyên sử dụng để tái tạo đồ tái chế sẽ ngốn hàng tỉ đô-la mỗi năm cho toàn bộ quy trình.
Đó là lý do tại sao thực hành lối sống Không Rác là vô cùng cấp thiết. Đã đến lúc chúng ta cùng tìm hiểu khái niệm này rồi. Không Rác (Zero Waste) là triết lý dựa trên một tập hợp các phương thức nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Trong lĩnh vực sản xuất, nó truyền cảm hứng cho việc thiết kế sản phẩm đạt chỉ tiêu bền vững với vòng đời tuần hoàn khép kín (cradle to cradle); trong phạm vi gia đình nó khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ một cách có trách nhiệm. Rất nhiều người sai lầm khi cho rằng không rác thải đồng nghĩa với tái chế càng nhiều càng tốt. Trên thực tế, không rác thải không khuyến khích tái chế. Trái lại, nó đi sâu vào những bất ổn và chi phí liên quan của quy trình tái chế. Rác − lý tưởng nhất là có thể hoàn toàn bị xóa sổ, tái chế chỉ là một trong những phương án thay thế để xử lý chất thải. Và mặc dù bản thân tái chế là một trong những giai đoạn của 5R nhưng thực chất rác tái chế hay rác ủ phân hữu cơ cuối cùng cũng sẽ dừng chân ở bãi chôn rác mà thôi.
Để thực hành lối sống Không Rác ở quy mô gia đình chúng ta cần gì? Cắt giảm chất thải tại hộ gia đình khá đơn giản nếu bạn thực hiện năm bước 5R nói trên.
Như hình minh họa dưới đây, bạn sẽ thấy việc áp dụng quy trình 5R theo thứ tự sẽ làm giảm đáng kể lượng rác thải. Chữ R thứ nhất và thứ hai ngăn chặn chất thải phát sinh, chữ R thứ ba nhấn mạnh tiêu thụ có trách nhiệm, hai chữ R còn lại là quá trình xử lý phế thải.
BƯỚC 1: REFUSE {TỪ CHỐI NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG CẦN}
Khi bắt đầu khởi hành chuyến hành trình Không Rác, chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng để đến đích, mọi hành vi phải điều chỉnh đều được bắt đầu từ bên ngoài ngôi nhà. Hạn chế tiêu thụ là vấn đề cốt lõi trong cắt giảm rác thải (những gì không được tiêu thụ sẽ không trở thành rác), nhưng tiêu thụ không chỉ thể hiện ở việc mua sắm bề nổi. Trong xã hội ngày nay, chúng ta bắt đầu tiêu thụ ngay từ thời điểm bước ra khỏi cửa, khi ta lượm lên tờ quảng cáo treo trên tay nắm cửa hay bắt gặp túi ni lông nhét đầy những tờ rơi dịch vụ thiết kế thi công cảnh quan ở sân trước. Sau những cuộc họp chốn công sở, bàn tay ta đầy ứ cả xấp danh thiếp. Tại các hội nghị, túi quà tặng làm tinh thần ta phấn khởi. Khi vô tình liếc nội dung bên trong, ta thầm thốt lên: “Tuyệt cú mèo, một cái bút!” mặc dầu số bút ở nhà đủ dùng tới kiếp sau. Trên đường về nhà, ta dừng lại mua chai rượu vang được bọc tới hai lần túi cùng cái hóa đơn trước khi ta kịp mở miệng phát ngôn bất cứ điều gì; lúc trở ra xe ta tiếp tục bắt gặp tờ rơi quảng cáo kẹp lịch sự dưới cần gạt mưa. Khi về nhà, đập ngay vào mắt lại là thùng thư biến dạng vì bội thực với thư rác.
Lối sống Không Rác bao gồm cả hình thức tiêu thụ trực tiếp và tiêu thụ gián tiếp. Chữ R đầu tiên Refuse (từ chối) giải quyết loại tiêu thụ gián tiếp như tờ rơi quảng cáo và các vật phẩm tiếp thị len lỏi trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể tái chế hầu hết chúng, nhưng lối sống Không Rác không phải là tái chế nhiều hơn mà là phản ứng với những loại rác thải không cần thiết và ngăn chặn nó luồn lách vào nhà ngay từ ban đầu.
Một khi ta chấp nhận và tiếp nhận một món đồ dù nhỏ, ta gửi đi thông điệp hãy sản xuất nhiều hơn. Nói cách khác, sự chấp nhận theo kiểu bị áp đặt (ngược lại với chủ động từ chối) sẽ dung túng và tăng cường những thói quen lãng phí. Khi ta không uống nữa nhưng vẫn để người phục vụ đổ thêm nước, khi ống hút ta không dùng nhưng vẫn được cắm nhã nhặn theo thói thường. Khi đó ta đang gửi đi thông điệp: “Nước không quan trọng” và “Hãy làm thêm ống hút dùng một lần”.
Khi ta lấy chai dầu gội “miễn phí” từ khách sạn, dầu mới sẽ được sản xuất để thay thế. Khi ta thụ động chấp nhận một tờ quảng cáo, một cái cây có thể vừa đổ xuống tại một nơi nào đó, còn thời gian vàng bạc quý giá của chúng ta rốt cục cũng chỉ để xử lý và tái chế những thứ tầm thường như vậy.
Trong xã hội do người tiêu dùng vận hành, ta có rất nhiều cơ hội để từ chối, và đây là bốn lĩnh vực đáng để lưu tâm:
1. Nhựa dùng một lần: Bao gồm túi ni lông, chai, cốc, nắp đậy, ống hút, dao, nĩa, thìa, v.v.. Việc sử dụng sản phẩm nhựa có chủ ý trong vòng 30 giây đồng nghĩa với việc tán thành quy trình sản xuất công nghiệp độc hại; ủng hộ hóa chất độc hại thấm vào đất, vào các chuỗi thức ăn và cơ thể con người; cung cấp tiền cho việc sản xuất những vật liệu không hoặc không thể tái chế và sẽ không bao giờ có thể phân hủy sinh học. Những sản phẩm này là nguồn cơn của tình trạng ô nhiễm đại dương như chúng ta từng biết tại đảo rác Thái Bình Dương hay như chúng ta thấy hằng ngày bên lề đường, trong lòng thành phố, trong các công viên hay bên trong những cánh rừng. Vấn đề này nghe có vẻ choáng ngợp nhưng ta hoàn toàn có thể bấm chuyển từ kênh “sợ hãi” sang kênh “hành động” đơn giản bằng cách từ chối nhựa dùng một lần và thậm chí “thề” sẽ không bao giờ sử dụng lại nữa. “Thề thốt” hóa ra lại là một cách vô cùng hiệu quả để tiến gần hơn đến mục tiêu. Thực chất nhựa dùng một lần hoàn toàn có thể bị ngăn ngừa chỉ bằng một chút quy hoạch và tái sử dụng (xem “Bước 3: Tái sử dụng“).
2. Tặng phẩm: Với đồ vệ sinh trong khách sạn, quà dự tiệc, đồ ăn thử, túi từ hội nghị/giải thưởng/sự kiện/lễ hội (bao gồm cả các sự kiện về môi trường “bền vững”) bạn có thể thầm nghĩ: “Ô hay, miễn phí mà”! Những quà tặng miễn phí được thiết kế chủ yếu bằng nhựa với giá rẻ, có nghĩa là tuổi thọ của chúng rất ngắn. Mọi sản phẩm công nghiệp hoặc nhựa đều đi kèm với lượng khí thải các-bon lớn và chi phí môi trường song hành tương ứng. Việc tích lũy những thứ đó trong nhà chỉ dẫn đến chi phí dọn dẹp, lưu trữ và tiêu hủy sau này. Từ chối đồ miễn phí tuy đòi hỏi ý chí sắt đá nhưng chỉ cần một vài lần luyện tập, bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy những cải thiện đáng kể trong cuộc sống của mình.
3. Thư rác: Vô số người không mảy may đắn đo ném ngay thư rác từ thùng thư qua thùng tái chế. Những hành động tưởng chừng đơn giản này đang góp phần duy trì việc gửi hơn 100 tỉ thư rác hằng năm. Thư rác đã và đang góp sức mình vào nạn phá rừng và tận dụng các nguồn tài nguyên quý giá để tái diễn vòng tuần hoàn ác tính – lãng phí thuế và thời gian. Bản thân tôi cho rằng một chính sách không-khoan-nhượng (xem phần “Thư rác”) là cách tốt nhất để chống lại thư rác. Nhưng tiếc là chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn thư rác nếu chúng được chính phủ cung cấp. Khi lật giở những trang tiếp theo, bạn sẽ thấy chiến tranh nảy lửa giữa gia đình tôi và thư rác. Và cho dù chúng tôi hầu như chiến thắng trên khắp các mặt trận, nhưng trận đấu với thư rác có thể nói là phần khó nhằn nhất trên suốt cuộc hành trình. Tôi thấy rất kì dị là tại sao tôi có thể ngăn chặn các loại rác xâm nhập vào nhà mà không thể ngăn chặn nó công kích hòm thư nhà mình.
4. Những hành vi không bền vững: Bao gồm việc mang đồ ăn vặt bọc riêng từng món đến các sự kiện thể thao của con vì đó là “thông lệ”, chấp nhận biên lai hoặc danh thiếp mà chúng ta sẽ không bao giờ cần đến, mua bao bì một cách dư thừa rồi vứt nó đi mà không yêu cầu nhà sản xuất thay đổi. Những ví dụ này cho thấy hành động cá nhân sẽ có tác động to lớn đến việc thay đổi cách thức mọi thứ vận hành vì bản chất những sự việc đó đều ẩn chứa cơ hội để ta lên tiếng và dấn thân (xem phần “Chủ động loại bỏ”). Người tiêu dùng có thể thay đổi quy trình lãng phí nếu họ cho nhà sản xuất và cửa hàng bán lẻ biết họ thực sự muốn gì. Ví dụ: hành động từ chối biên lai sẽ dẫn đến những lựa chọn khác, chẳng hạn như không in và/ hoặc gửi email thay thế.
Trong các bước 5R mà tôi sẽ đề cập đến ở chương này, bạn sẽ thấy rằng từ chối là điều khó thực hiện nhất, đặc biệt đối với những gia đình có trẻ nhỏ. Không ai muốn làm trái ý hoặc cư xử thô lỗ khi nhận được những yêu cầu không hề ác ý. Nhưng chỉ với một chút thực hành và giải thích khúc chiết, chúng ta sẽ dễ dàng từ chối những khẩn cầu lịch sự đó. Tất cả những gì bạn phải nói sẽ là, “Tôi xin lỗi, tôi không có thùng rác”, “Tôi xin lỗi, tôi đang hạn chế tiêu thụ giấy”, “Tôi xin lỗi, tôi đang cố gắng đơn giản hóa cuộc sống của mình”, hoặc “Tôi xin lỗi, tôi đã có quá nhiều ở nhà rồi”. Mọi người sẽ hiểu và tôn trọng sự lựa chọn cá nhân và thường không tiếp tục khăng khăng nài nỉ nữa. Trong một số trường hợp, chúng tôi thấy rằng sự chủ động − chẳng hạn như xóa tên mình khỏi danh sách gửi thư trước khi thư rác được gửi đi − là cách hiệu quả nhất.
Từ chối không hướng tới mục tiêu làm chúng ta cảm thấy xa rời xã hội. Mục đích của nó là giúp ta suy nghĩ về các quyết định hằng ngày về những hành vi tiêu thụ gián tiếp mà chúng ta can dự, và quan trọng hơn cả là sức mạnh mà chúng ta nắm giữ trong một cộng đồng. Những hành động từ chối cá nhân không thực sự làm cho chất thải biến mất, nó tạo ra nhu cầu cho các lựa chọn thay thế. Từ chối là một khái niệm dựa trên sức mạnh tập thể: nếu tất cả chúng ta từ chối đồ miễn phí ở khách sạn, thì chúng sẽ không còn được biếu tặng; nếu tất cả chúng ta từ chối biên lai, thì chúng sẽ không được in ra nữa. Còn trong trường hợp cụ thể, nếu bạn bước vào các cửa hàng bán lẻ (ví dụ: Apple) hoặc các chuỗi khách sạn, bạn có thể lựa chọn nhận biên lai qua email thay vì in ra. Hãy cho “từ chối” một cơ hội. Bạn sẽ có vô số dịp để thử đó!
BƯỚC 2: REDUCE {TIẾT GIẢM NHỮNG GÌ CHÚNG TA CẦN VÀ KHÔNG THỂ TỪ CHỐI}
Cuộc đời chúng ta, sở hữu càng ít, lo lắng càng ít; sở hữu càng nhiều, mất mát càng nhiều.
−Rick Ray trong bộ phim tài liệu của ông
10 câu hỏi cho Đạt Lai Lạt Ma
Tiết giảm là một biện pháp tức thời cho cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay. Nó giải quyết các vấn đề cốt lõi của rác thải và suy xét các hậu quả môi trường sắp tới của việc dân số, tiêu dùng gia tăng và những tài nguyên hữu hạn của hành tinh không còn có thể thỏa mãn nhu cầu của con người. Việc tiết giảm cũng đưa bạn tới lối sống tối giản, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, trải nghiệm thay vì vật chất. Tiết giảm cũng khuyến khích bạn đặt câu hỏi về nhu cầu và việc mua sắm của bản thân trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Và bạn sẽ chỉ sở hữu những thứ bạn thực sự cần.
Dưới đây là ba phương pháp chúng tôi thực hiện để chủ động tiết giảm rác thải trong nhà:
1. Đánh giá tiêu dùng trong quá khứ: Nhận định tính hữu dụng và nhu cầu thực sự cho mọi vật dụng trong gia đình qua việc từng bước tinh giảm để loại bỏ những thứ không cần thiết. Thách thức bản thân bỏ đi những thứ bạn luôn cho rằng mình bắt buộc phải sở hữu. Ví dụ thông qua quá trình này, chúng tôi phát hiện ra rằng mình không hề cần đến rổ vắt rau. Hãy đặt dấu chấm hỏi cho mọi thứ trong ngôi nhà, rồi bạn sẽ khám phá ra nhiều điều cực kì hay ho.
• Tinh giảm tạo thói quen mua sắm tốt hơn: Thời gian và sức lực đầu tư để nhìn lại việc mua sắm trước kia khiến ta phải suy nghĩ thận trọng hơn trước khi rước bất kì thứ gì mới về nhà. Thông qua quá trình đó, ta học được cách hạn chế những hành vi gây cạn kiệt nguồn tài nguyên; lựa chọn đồ dùng trên tiêu chí chất lượng (có thể sửa chữa) thay vì số lượng (dùng một lần).
• Tinh giảm ủng hộ việc chia sẻ tới cộng đồng: Việc quyên góp hoặc bán đồ đã qua sử dụng thể hiện sự ủng hộ thị trường đồ cũ và cộng đồng (xem “Bước 3: Tái sử dụng“). Nó khuyến khích sự hào phóng của tập thể thông qua việc chia sẻ nguồn tài nguyên cũ và tăng lượng sản phẩm đã qua sử dụng (từ đó giúp việc mua đồ cũ trở nên dễ dàng hơn).
• Tinh giảm giúp bạn quản lý lối sống Không Rác: Đơn giản hóa giúp ta dễ dàng lên kế hoạch và sắp xếp lối sống này. “Ít hơn” ở đây là ít lo lắng, ít dọn dẹp, ít bảo quản, ít sửa chữa và ít vứt bỏ sau này.
2. Khống chế tiêu dùng hiện tại và tương lai về cả số lượng lẫn phạm vi: Hạn chế mua sắm (cả đồ mới lẫn đồ cũ) sẽ giúp bảo tồn nguồn tài nguyên, tiết kiệm các nguồn lực cần để sản xuất ra những sản phẩm mới và đưa những đồ đã qua sử dụng đến tay người cần. Các hạng mục cần cân nhắc bao gồm: giảm bao bì đóng gói (Tôi có thể mua đồ không-đóng-gói không?); sử dụng xe hơi (Tôi có thể đạp xe nhiều hơn không?); kích thước nhà (tôi có thể thu hẹp lại không?); các tác động cá nhân (Tôi có cần nó không?); công nghệ (Tôi có thể làm mà không có nó không?); và giấy (Tôi có cần in nó không?). Tôi có thể mua ít hơn (hoặc ở dạng nhỏ hơn) không? Số lượng hay kích thước sản phẩm tôi muốn mua có phù hợp với nhu cầu của tôi? Hãy đặt câu hỏi cho những vấn đề có thể phát sinh, cân nhắc vòng đời của sản phẩm và chọn ra những sản phẩm tốt nhất là có thể tái sử dụng hay chí ít là có thể tái chế (xem “Bước 4: Tái chế”, về việc lựa chọn sản phẩm có thể tái chế).
3. Giảm thiểu các hoạt động hỗ trợ hoặc dẫn đến tiêu dùng: Việc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông (tivi, tạp chí) và mua sắm để giải tỏa cho ta rất nhiều cảm hứng; tuy nhiên, bất luận những chiêu trò tiếp thị khôn ngoan của truyền thông hay nhà sản xuất, mục đích duy nhất của họ là khiến bạn cảm thấy không khỏe mạnh, quê mùa và thiếu thốn. Những cảm xúc này dễ làm người ta gục ngã trước cám dỗ để thỏa mãn nhu cầu cảm nhận. Việc kiểm soát sự tương tác của bản thân với quảng cáo có tác động cực lớn không chỉ trong tiêu dùng mà còn với hạnh phúc của chúng ta. Hãy tìm sự hài lòng với những gì bạn có.
Thực hành từ chối là vấn đề không mấy phức tạp. Tất cả những gì cần làm là nói KHÔNG. Tiết giảm, ngược lại, là một chuyện cá nhân hơn nhiều. Bạn cần đánh giá mức độ thoải mái của mình dựa trên thực tế cuộc sống gia đình, tình hình tài chính và yếu tố vùng miền nơi bạn sinh sống. Trên tất cả, tiết giảm là việc nhận thức thói quen tiêu dùng hiện tại và tìm cách giảm thiểu những thói quen không bền vững.
Trên suốt chặng đường Không Rác, tiết giảm là yếu tố mang tính gợi mở, cũng là vũ khí bí mật tối tân nhất. Và lối sống tối giản hóa mọi thứ đã bất ngờ mang lại cho chúng tôi những lợi ích ngoài dự tính.
Khi Scott bỏ việc để khởi nghiệp công ty tư vấn phát triển bền vững đúng vào thời kì Đại Suy thoái, chúng tôi đã sớm đi vào quỹ đạo của lối sống tối giản. Thực tế nhu cầu thắt chặt chi tiêu làm chúng tôi không còn được thường xuyên tổ chức du lịch và chạy trốn thực tại như trước, đổi lại, thời kì suy thoái ấy lại cho chúng tôi một cái nhìn hoàn toàn tươi mới về xã hội. Chúng tôi tự an ủi bản thân bằng cách trân trọng những giá trị mà lối sống Không Rác mang tới cho cả gia đình.
Ngoài việc giúp nhà cửa xanh sạch và dễ bảo dưỡng hơn, việc đơn giản hóa cuộc sống còn giúp chúng tôi dễ dàng cho thuê căn hộ của mình. Lần đầu cho thuê nhà, chúng tôi phải chuẩn bị chút ít trước khi rời khỏi nhà, chẳng hạn như việc tạo dán nhãn “Hướng dẫn vận hành Nhà Không Rác” và chuẩn bị lại thùng rác/thùng tái chế cho người thuê. Số tiền cho thuê nhà đủ để chi trả cho chuyến bay và chỗ ở cho hành trình tới Pháp thăm ông bà, và quan trọng hơn nữa là hai đứa trẻ được đắm mình trong môi trường ngôn ngữ nơi đất mẹ thân thương. Việc cho thuê nhà còn giúp chúng tôi chi trả cho những chuyến đi cuối tuần và thậm chí, tới những điểm đến ấm áp trong những kì nghỉ lễ truyền thống. Khoản thu nhập ngoài luồng này là điều thú vị nhất nằm ngoài dự liệu của cả gia đình.
BƯỚC 3: REUSE {TÁI SỬ DỤNG NHỮNG GÌ CHÚNG TA TIÊU THỤ, KHÔNG THỂ TỪ CHỐI HOẶC KHÔNG THỂ TIẾT GIẢM}
Dùng sạch trơn, mặc đến sờn, tận dụng nó hoặc đừng tậu nó.
−Ngạn ngữ cổ
Không ít người nhầm lẫn cụm từ “tái sử dụng” và “tái chế” cho dù chúng hoàn toàn khác nhau trên phương diện bảo tồn thiên nhiên. Tái chế là tái xử lý một sản phẩm để hình thành một sản phẩm mới. Tái sử dụng, trái lại, có nghĩa là tận dụng sản phẩm với hình dạng sản xuất ban đầu của nó nhiều lần để tối đa hóa công năng và tăng tuổi thọ sản phẩm, từ đó ta có thể tiết kiệm được nguồn tài nguyên bị hao tổn cho quy trình tái chế. Tái sử dụng đã từng mang tai tiếng là lối sống của “kẻ lập dị” hay hội chứng bệnh “tích trữ đồng nát”. Bản thân tôi từng nhầm lẫn “bảo tồn” với “tích trữ” nguồn tài nguyên và gắn tư tưởng Không Rác với mớ chai lọ tái sử dụng chỉ tổ làm bừa kệ bếp. Tái sử dụng không phức tạp thế đâu, nó thực ra đơn giản và dễ chịu hơn nhiều.
Nếu bạn tuân thủ hệ thống phân cấp 5R, thì R1 “từ chối” và R2 “tiết giảm” bước đầu đã giúp bạn loại bỏ một mớ những thứ không cần thiết, nhờ đó mà R3 “tái sử dụng” bớt nhức đầu hơn hẳn. Ví dụ túi ni lông mua rau có thể được tái sử dụng với mục đích khác như thay cho màng xốp hơi hay đựng chiếc giày bẩn. Nhưng nếu ngay từ đầu bạn nhất quyết cự tuyệt túi ni lông thì những ngày về sau bạn chẳng phải mất công tích trữ hay tìm cách tái sử dụng cho nó. Nguyên lý thật đơn giản, việc tinh giảm đồ đạc đến mức đáp ứng được những nhu cầu thực sự của bản thân sẽ giúp bạn kiểm soát được số lượng đồ cần tái sử dụng. Tôi từng tự vấn, rốt cuộc mình cần bao nhiêu cái túi tái sử dụng? Tiết giảm đã góp sức giúp tôi đánh giá nhu cầu sử dụng thật sự của mình, và ba cái túi lớn là số lượng cần và đủ cho sự nghiệp gồng rau gánh củ trọn đời của tôi.
Tái sử dụng là điểm bùng phát của lối sống Không Rác: nó cùng lúc đề cập đến cả hai phương diện tiêu thụ và bảo tồn, đồng thời nó cũng đưa ra một chuyển hướng tối ưu khác thay vì chỉ đơn thuần xử lý rác. Tái sử dụng giúp:
1. Loại bỏ tiêu dùng lãng phí: Đồ dùng tái sử dụng có thể loại bỏ khâu đóng gói và các sản phẩm sử dụng một lần lãng phí bằng cách:
• Mua sắm với đồ có thể tái sử dụng: Mang vật chứa có thể tái sử dụng để giảm và loại bỏ khâu đóng gói.
• Dùng đồ tái sử dụng thay cho đồ dùng một lần: Nếu thế giới này tồn tại đồ dùng một lần thì đồ tái sử dụng hoặc đồ đựng có thể đổ đầy lại cũng tồn tại. Các chương thiết thực tiếp sau đây sẽ tập trung nhiều hơn về khía cạnh này, nhưng nếu là người mới bắt đầu, bạn hãy tham khảo “Danh sách đồ dùng có thể tái sử dụng cơ bản” ở trang tiếp theo nhé.
2. Tránh làm kiệt nguồn tài nguyên bằng cách:
• Tham gia vào tiêu dùng hợp tác (nền kinh tế chia sẻ): Nhiều đồ dùng chúng ta mua không được sử dụng trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày (như máy cắt cỏ, xe hơi, nhà cửa, v.v.). Thông qua việc cho người khác mượn, vay, mua bán hoặc trao đổi những đồ vật có giá trị tương đương giúp ta tối đa hóa việc sử dụng, thậm chí tạo ra lợi nhuận. Những ví dụ về tiêu dùng hợp tác bao gồm các hạng mục như ô tô (RelayRides.com), nhà cửa (Airbnb.com), không gian văn phòng (desknearme.com) và công cụ (sharesomesugar.com), v.v..
• Mua đồ cũ: Tại những cửa hàng đồ second-hand, sự kiện bán đồ cũ của gia đình (ga-ra sales), cửa hàng ký gửi, chợ đồ cổ, trang rao vặt Craigslist (ở Mĩ), eBay và Amazon. Việc mua sắm luôn nên bắt đầu tại những nơi như vậy.
• Mua thông minh: Tìm các sản phẩm có thể tái sử dụng/có thể đổ đầy lại/có thể sạc lại, có thể sửa chữa, đa năng và bền chắc. Ví dụ, giày da có độ bền cao và có thể sửa lại dễ dàng hơn so với giày nhựa và giày với chất liệu nhân tạo.
3. Kéo dài tuổi thọ của sản phẩm tiêu dùng:
• Sửa chữa: Một chuyến đi đến cửa hàng dụng cụ hay đơn giản là một cuộc điện thoại tới nhà sản xuất sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề của bạn.
• Cân nhắc: Cốc thủy tinh có thể dùng làm lọ đựng bút, khăn ăn có giúp ta gói ghém những bữa ăn trưa không rác thải.
• Trả lại: Móc treo đồ giặt khô nên được trả lại cho cửa hàng để tái sử dụng.
• Giải cứu: Các hộp giấy vận chuyển hay giấy in một mặt có thể được sử dụng lại trước khi tái chế. Quần áo cũ sờn có thể dùng làm giẻ lau trước khi kết thúc vòng đời tại bãi rác.
BƯỚC 4: RECYCLE {TÁI CHẾ NHỮNG GÌ KHÔNG THỂ TỪ CHỐI, KHÔNG THỂ TIẾT GIẢM HOẶC KHÔNG THỂ TÁI SỬ DỤNG}
Tái chế là liều thuốc aspirin giảm đau, hạ sốt cho cơn tiêu dùng quá độ của những đám đông nguy hiểm.
—William McDonough,
Cradle to Cradle (Vật liệu bền vững)
Thông thường tại các bữa tiệc khi mọi người biết rằng tôi đang vận hành một căn nhà Không Rác, rất nhiều người trong số họ muốn chia sẻ rằng họ cũng “tái chế mọi thứ”.
Tất nhiên, đến lúc này thì bạn đã biết một ngôi nhà Không Rác không chỉ đơn giản vận hành bằng tái chế, việc quản lý chất thải phải bắt đầu bên ngoài ngôi nhà bằng cách hạn chế tiêu dùng − yếu tố quan trọng giúp tiết giảm tái chế và giảm thiểu những mối bận tâm liên quan. Những mối quan ngại này bao gồm các vấn đề liên quan như hệ thống tái chế đòi hỏi nhiều năng lượng xử lý trong khi quy trình còn thiếu các quy định hướng dẫn và yêu cầu phối hợp chặt chẽ nỗ lực từ các bên như nhà sản xuất, chính quyền thành phố, người tiêu dùng và người thi hành tái chế. Tái chế ngày nay còn phụ thuộc vào quá nhiều biến số nên chưa thể trở thành một giải pháp đáng tin cậy trong vấn đề xử lý rác thải. Ví dụ, nó phụ thuộc vào việc:
• nhà sản xuất trao đổi thông tin với người tái chế: thiết kế những sản phẩm có độ bền cao nhưng cũng dễ tái chế (các vật liệu tổng hợp nếu muốn tách rời sẽ khá tốn kém, việc trực tiếp đưa thẳng đến bãi rác sẽ rẻ hơn việc tái chế; một số thứ chỉ có thể tái chế tại một thành phố nhất định), và ghi nhãn khả năng tái chế cùng hàm lượng tái chế phù hợp (theo chỉ số của doanh nghiệp).
• người tiêu dùng cần nhận thức rõ chính sách tái chế tại địa phương, tái chế có trách nhiệm, khuyến khích mua đồ tái chế để tạo thị trường cho sản phẩm tái chế.
• chính quyền thành phố cung cấp các địa điểm tái chế và thu gom lề đường cho những đồ dùng khó tái chế, giáo dục phương pháp tái chế cho cư dân và những người vận chuyển rác (các hình vẽ đơn giản và trạm ý kiến phản hồi lề đường đã được chứng minh là khá hiệu quả).
• người vận chuyển rác làm việc với chính quyền thành phố trong việc cung cấp dịch vụ tiện lợi và hấp dẫn về mặt tài chính cho người dân (như việc được trả tiền khi tái chế), người vận chuyển rác được đào tạo đầy đủ từ CSTHVL (xem bên dưới) để trả lời câu hỏi của khách hàng (số liên lạc của người vận chuyển rác thường là cách mối liên hệ của người dân với dịch vụ tái chế).
• cơ sở thu hồi vật liệu (CSTHVL) để phân loại rác hiệu quả và cung cấp vật liệu chất lượng tốt nhất đã được lọc sẵn (ví dụ, vật liệu với tỉ lệ chất gây ô nhiễm thấp nhất), mục đích là để trả lời câu hỏi của người dân và ký kết hợp đồng với người tái chế tại địa phương.
• người tái chế kết nối thông tin với nhà sản xuất để sản phẩm của mình được biết đến và mua bán rộng rãi, khuyến khích việc nâng cấp tái chế và tái chế mà không phải giảm cấp tái chế (ví dụ, sản xuất loại sản phẩm không thể tái chế).
Với mỗi lần mua hàng, toàn bộ vòng đời của một sản phẩm sẽ được đánh giá lại cả về khả năng tái chế của nó. Nhựa không chỉ độc hại khi sản xuất, tiêu thụ (khí thải, rò rỉ) và tái chế, mà kể cả những loại nhựa được tái chế (ký hiệu tái chế nhựa số 1 và số 2) cũng phân giải trong quá trình này và tạo thành các sản phẩm không thể tái chế và do đó, rốt cuộc vẫn không thể tránh khỏi kết thúc vòng đời tại bãi rác.
Một vấn đề đáng phải xem xét nữa là kết quả của nền kinh tế xanh mới nổi. Rất nhiều nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm được pha trộn với các vật liệu bí hiểm (chẳng hạn như nhựa “phân hủy sinh học” hoặc nhựa “có thể làm phân bón”). Những sản phẩm này dễ gây nhầm lẫn cho những người tiêu dùng có tâm và những người trong ngành công nghiệp tái chế, kết quả không mong đợi mà kiểu gì cũng tới chính là ảnh hưởng tiêu cực đến cả quy trình tái chế. Nếu mục đích tái chế là tạo ra vòng xử lý rác thải khép kín một cách có trách nhiệm, thì quy trình ấy cần được đơn giản hóa để hỗ trợ mục tiêu này. Trong thế giới Không Rác, việc tái chế sẽ được tiêu chuẩn hóa trên toàn cầu, hoặc thậm chí lý tưởng hơn, là các sản phẩm sẽ được thiết kế để tái sử dụng và có thể sửa chữa để việc tái chế thậm chí không còn cần thiết hoặc ít nhất sẽ được giảm đáng kể.
Nhưng chúng ta cách đó còn xa.
Tin tuyệt vời là người tiêu dùng chúng ta có thể làm nguôi ngoai những lo ngại liên quan đến tái chế bằng cách áp dụng quy trình 5R theo thứ tự. Một khi đã từ chối những gì chúng ta không cần, tiết giảm những gì chúng ta cần, và tái sử dụng những gì chúng ta tiêu thụ thì việc tái chế hầu như không còn cần thiết. Đồng thời ta cũng đơn giản hóa được việc phỏng đoán vật liệu tái chế (không phải đi tìm hiểu xem cái cốc dùng một lần đó có tái chế nổi không) và hơn cả là ta còn giảm được những chuyến đi đến địa điểm thu gom vật liệu khó tái chế nữa.
Khi nào bắt buộc thì tái chế mới là sự lựa chọn tối ưu vì ít ra nó cũng còn hơn thực tế phũ phàng rằng ta lại phải đăng ký một vị trí mới cho món đồ mang dấu ấn của mình ở bãi chôn rác. Tái chế giúp Trái Đất tiết kiệm năng lượng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, chuyển hướng vật liệu rẽ ngang khỏi bãi chôn rác và tạo ra nhu cầu cho vật liệu tái phục hồi. Mặc dù tái chế cũng là một hình thức xử lý rác nhưng nếu mỗi người tiêu dùng đều sở hữu những kiến thức nền tảng về những vật liệu có khả năng tái chế cao, chúng ta chắc chắn sẽ đưa ra được lựa chọn tiêu dùng đúng đắn. Khi mua đồ dùng mới, ta nên lựa chọn những sản phẩm không chỉ hỗ trợ việc tái sử dụng mà còn được làm bằng vật liệu thân thiện với tái chế, tương thích với chương trình tái chế địa phương và có khả năng tái chế nhiều lần (như thép, nhôm, thủy tinh hoặc giấy) mà không phải những loại sản phẩm khó tái chế (như nhựa).
Tôi rất hi vọng có thể viết ở đây với các bạn rằng chúng tôi đã đạt gần tới mục tiêu không-tái-chế. Nhưng chỉ thoạt nghĩ lại những chi tiêu mua sắm trước khi bắt tay vào lối sống này cùng với sự thật phũ phàng của xã hội tiêu dùng hiện tại, tôi đành quay trở lại mặt đất và thừa nhận việc đạt tới không- tái-chế tuyệt đối là điều không tưởng (cả mục tiêu hoàn toàn không có rác thải cũng thế). Chúng tôi đã thử nhưng thấy không-tái-chế là điều quá cực đoan (nó buộc chúng tôi từ chối chai rượu bạn bè tặng), tốn quá nhiều thời gian (cho việc tái chế giấy từ tài liệu ở trường của con), và không bền vững về lâu dài (như việc bảo trì nhà cửa không thể chỉ dựa vào việc tái sử dụng vật liệu). Nhưng lần thử nghiệm đó khiến tôi đặt ra những câu hỏi và học được rất nhiều về quy trình. Khi chúng tôi làm vỡ một vài ly rượu, tôi đã cố gắng tìm ra cách tốt nhất để xử lý chúng: bãi rác hay tái chế? Kết quả tìm kiếm trên mạng không phải là câu trả lời mà tôi mong muốn. Hầu hết các giải pháp đều khuyên tôi nên tống ngay nó ra bãi rác, nhưng điều tôi cần là một đáp án cụ thể và tối ưu. Thế là tôi đã cất công tìm tới hai trung tâm tái chế khác nhau, liên lạc với 21 người, và vận chuyển các mảnh thủy tinh vỡ tới nơi người tái chế (lần tìm dấu vết của anh ấy không dễ dàng chút nào) với mục đích cuối cùng là chắc mẩm cái ly của tôi có thể tái chế được (các loại ly pha lê thì không làm được như thế vì chúng tan chảy ở nhiệt độ khác so với phần lớn các loại thủy tinh).
Tôi không gợi ý bạn ném ngay chiếc cốc vỡ vào thùng rác (hãy xác nhận lại với bộ phận tái chế địa phương trước), mà tôi mong rằng sau khi bạn nhận ra hệ thống tái chế phức tạp như thế nào, để tái chế thành công cần những công đoạn ra sao thì những lần tái chế tiếp theo sẽ dễ thở hơn nhiều. Do vậy, chỉ nên tái chế khi thực sự cần thiết, còn bây giờ việc chúng ta phải làm là tiếp tục một lòng hướng về những R còn lại.
BƯỚC 5: ROT {Ủ PHÂN NHỮNG GÌ CÒN LẠI}
Tôi đã từng dành cả cuộc đời đón chờ một sự giác ngộ, một cuộc gặp gỡ hiển linh với Đức Chúa, một trải nghiệm siêu việt, ma lực cho phép tôi thấy dấu vết của mình giữa vũ trụ bao la. Và điều đó đã thực sự xảy ra khi tôi ủ thành công đống phân đầu tiên trong đời.
—Bette Midler, trích dẫn theo tờ Los Angeles Times
Chữ R thứ 5 là quá trình ủ phân hữu cơ hay đơn giản là việc tái chế các vật liệu hữu cơ.
Đây là quy trình tái chế đơn thuần từ thiên nhiên cho phép các chất thải hữu cơ phân hủy theo thời gian và trả lại chất dinh dưỡng của chúng cho đất. Việc ủ phân tại hộ gia đình tạo điều kiện lý tưởng và đẩy nhanh quá trình xử lý chất thải nhà bếp và sân vườn; từ đó có thể tránh việc chuyển rác thải đến bãi chôn lấp (tại đây, quá trình phân hủy tự nhiên bị ức chế sẽ gây ô nhiễm không khí và đất). Trên thực tế, một phần ba rác thải gia đình là rác hữu cơ nên việc ủ phân có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giảm thiểu chất thải.
Bản thân tôi tìm thấy rất nhiều niềm vui trong việc ủ phân. Bạn có thể dễ dàng quan sát toàn bộ quá trình ủ kể từ lúc thả những cuống rau vỏ củ vào chiếc thùng chứa giun, chứng kiến những chú giun làm việc miệt mài, quan sát chúng biến các vật chất hữu cơ thành những thành phần giàu dinh dưỡng rồi sau cùng chỉ việc sử dụng thành phẩm của quy trình kì diệu ấy. Thành quả ta có được khi ủ phân là một chất đất phì nhiêu màu mỡ hơn (đôi khi được ví là “vàng đen” của kẻ làm vườn). Ngược lại, kết quả của việc tái chế nhựa chỉ là một số không tròn trĩnh. Khi vứt đi chiếc hộp dung dịch ngâm kính áp tròng đã qua sử dụng, bạn có thắc mắc nó sẽ được tái chế thành cái boong tàu, cái ghế, cái bàn chải đánh răng hay là lưu lạc nơi chôn rác chưa? Chắc chắn là nó chết mất xác ở bãi rác rồi. Tôi đã từng mường tượng ủ phân là một công việc nhầy nhụa, hôi thối, bẩn thỉu, cầu kì và đầy rẫy những nguyên tắc khoa học. Nhưng giờ tôi đã ngộ ra tất cả những suy nghĩ kia đều hoàn toàn sai lạc.
Cũng như việc tái chế, tôi còn lâu mới thành chuyên gia ủ phân. Rất nhiều thế hệ đi trước đã áp dụng ủ phân trước khi tôi thậm chí nghe nói về nó. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn gia đình tôi đã tiếp nhận và đưa nó vào khuôn khổ thực hành Không Rác và cố gắng tạo nên những khác biệt thực sự. Ủ phân là yếu tố chủ chốt của lối sống Không Rác, nó xử lý tất tần tật những thứ không thể từ chối, không thể tiết giảm, không thể tái sử dụng và không thể tái chế. Chúng tôi đặc biệt thấy ủ phân hữu ích trong việc giảm tiêu thụ nhựa. Gia đình tôi luôn lựa chọn chất liệu gỗ có thể phân hủy khi không có các lựa chọn như kim loại hoặc thủy tinh (chẳng hạn như với bàn chải đánh răng).
Qua thời gian chúng tôi đã thử ba kiểu ủ phân khác nhau. Ban đầu chúng tôi bắt đầu với phương pháp ủ hiếu khí mở (open aerobic compost); bước đầu bổ sung một thùng phân trộn giun; sau đó trực tiếp chuyển qua dạng ủ phân mô hình thành phố và từ bỏ phương pháp ủ dạng mở ban đầu. Hoàn cảnh và thành công trong việc ủ phân của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Việc lựa chọn một phương pháp tối ưu thật không dễ khi chúng ta phải đối mặt với vô số lựa chọn (đặc biệt cho người mới bắt đầu).
Hãy an tâm rằng chắc chắn luôn có một hệ thống phù hợp đang xếp hàng để đáp ứng cả lựa chọn cá nhân và ưu tiên công năng mà bạn mong muốn. Dưới đây là một vài điểm bạn cần lưu ý:
• Chi phí: Một số hệ thống ủ phân không tốn kinh phí thiết kế vì chúng không yêu cầu kết cấu riêng biệt; một số có thể được làm từ những nguyên liệu sẵn có (như thanh hàng rào còn thừa); trong khi các hệ thống khác yêu cầu đầu tư một công trình thiết kế riêng biệt mới có thể đảm bảo hiệu quả ủ phân cho ngôi nhà của bạn.
• Địa điểm: Nếu nhà bạn có sân, bạn có thể áp dụng hệ thống ủ được cả rác sân vườn. Nếu bạn ở căn hộ, bạn cần thu hẹp lựa chọn sao cho tương thích với những đặc điểm cụ thể nơi bạn sống.
• Thẩm mĩ: Có những hệ thống trông có vẻ khá xấu xí. Dựa trên không gian sẵn có của gia đình, bạn có thể lựa chọn những hệ thống có thiết kế hòa hợp với những trang trí bạn mong muốn, nhỏ gọn hoặc nằm ngoài tầm mắt. Ủ phân với tấm chắn hoặc trong rãnh là sự lựa chọn lý tưởng và kín đáo cho cư dân thành phố.
• Đồ thực phẩm: Trừ trường hợp chỉ định riêng, hầu hết các mô hình ủ phân chấp nhận các loại trái cây và rau quả, lá trà, bã cà phê, hộp carton đựng trứng, vỏ trứng nghiền nát (những thực phẩm có thể phân hủy được mô tả sau trong sách). Một số mô hình khác còn có thể ủ thịt, sữa và xương − một điểm cộng tuyệt vời cho những gia đình không ăn chay.
• Sản phẩm phân sau ủ: Tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống và những gì bạn trồng (cây trong nhà hoặc rau quả), bạn có thể sử dụng phân hữu cơ hoặc phân bón lỏng. Lưu ý rằng nếu mô hình của bạn ủ ra số lượng phân dư thừa, bạn có thể tặng nó cho câu lạc bộ làm vườn hoặc bạn bè hoặc đăng thông tin tặng miễn phí trên Internet.
• Mức độ chăm sóc: Trong phân ủ truyền thống, tỉ lệ chính xác của những vật chất màu nâu (cacbon) và màu xanh lá cây (nitơ) rất quan trọng. Nhưng nếu bạn không muốn quá tốn nhiều thời giờ thì nên tham khảo những mô hình khác.
• Chuột bọ: Việc kiểm soát chuột bọ phụ thuộc khá nhiều vào chế độ ăn uống của gia đình và loại phân bạn ủ (ví dụ bọn động vật phá hoại lông lá thường rình mò chỗ thịt bỏ đi). Các loại phân nhà máy thường được sản xuất sao cho không chỉ tăng tốc quá trình phân hủy mà còn giữ phân xa tầm với của các loại sâu bọ ruồi chuột nữa.
• Thú cưng: Nếu nuôi thú cưng, bạn có thể cân nhắc giữa việc mua thùng ủ “phân vệ sinh” của chúng hoặc tự tay làm hẳn một chiếc (xem hướng dẫn ở phần sau). Sử dụng phân của chó mèo để bón rau củ quả thường không phải là một lựa chọn thông minh.
• Kích cỡ: Mô hình bạn chọn phải phù hợp với quy mô và số lượng đồ thừa hằng ngày của gia đình. Ví dụ khăn ăn, khăn giấy, túi trà, bã cà phê, quả bóng vải cotton và nhựa sinh học có nhãn “có thể ủ phân” đều có thể phân hủy (lưu ý rằng nhiệt độ thấp của thùng ủ trong nhà sẽ làm quá trình phân hủy diễn ra chậm hơn). Tuy nhiên, bạn phải nhớ luôn áp dụng 5R theo thứ tự và các mẹo đề cập trong các chương sau cùng những giải pháp thay thế để có thể hạn chế rác thải ngay tại nguồn.
Lưu ý: Vậy ta nên lựa chọn một sản phẩm có thể phân hủy hay có thể tái chế khi mua một món đồ mới? Lại quay về nguyên tắc muôn thuở: tránh xa nhựa, các chất tổng hợp và nhựa sinh học. Hãy dành sự ưu ái cho những vật dụng bền và khả năng tái chế cao như kim loại, thủy tinh, giấy và các sợi tự nhiên. Nếu không, hãy chọn những sản phẩm được làm từ các nguồn tài nguyên có thể phân hủy, có thể tái tạo và bền vững như gỗ cây.
Việc ủ phân đã mở ra trước mắt bản thân tôi một chân trời mới. Tôi đã từng bước bắt đầu hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc hơn về sự vận hành của thế giới tự nhiên. Đến giờ tôi vẫn không thể tưởng tượng nổi chính mình có thể dùng phân tự ủ để trồng những cây thảo mộc nho nhỏ trên ban công, cho giun đất ăn cuống hoa của cây rồi lại dùng chất thải của giun trồng thêm nhiều thảo mộc nữa, sử dụng thảo mộc xong ta sẽ có “trà ủ phân” để trồng các loại cây trong nhà với nhiệm vụ cải thiện chất lượng không khí bằng cách hấp thụ các chất gây ô nhiễm như formaldehyde và benzene. Tất tần tật những chiếc lá rụng hoặc cành khô, kể cả những bụi bặm từ cây cũng sẽ được tận dụng ủ phân. Ủ phân chính là đại diện của chu trình xử lý chất thải khép kín mà tất cả những mô hình chế tạo sản xuất khác của thế giới công nghiệp đáng ra phải áp dụng từ đầu.
LỢI ÍCH CỦA LỐI SỐNG KHÔNG RÁC
Không Rác là vị cứu tinh của những nhà môi trường học nghiệp dư.
—Jeffrey Hollender, Giám đốc điều hành của Seventh
Generation, trích dẫn trong
The Story of Stuff (Câu chuyện đồ đạc)
Lối sống Không Rác không chỉ cung cấp những lợi thế vô cùng thiết yếu và rõ ràng cho môi trường trong việc giảm ô nhiễm (giảm chất thải rắn và chất thải nguy hại) mà còn khuyến khích việc bảo tồn (giảm nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên). Lợi ích của lối sống này không chỉ dừng ở khía cạnh môi trường sinh thái mà còn là chuyện cải thiện mức sống của con người. Những “lính mới” tìm hiểu có thể nghĩ nó chỉ tổ tốn thời gian và lãng phí tiền bạc (như tư duy trước kia của tôi). Song trên thực tế là những phỏng đoán này đều sai!
Tài chính
Ưu điểm dễ cân đo đong đếm nhất của của lối sống này chính là lợi ích về tài chính. Scott, chồng tôi, ban đầu vẫn còn bán tín bán nghi cho tới khi tính ra số tiền đã tiết kiệm được, anh ấy mới dứt áo nhảy lên toa tầu mang tên Không Rác. Để tôi kể cho bạn mười lợi ích tài chính của lối sống này:
1. Cắt giảm tiêu thụ (tập trung vào trải nghiệm thay vì “vật chất”).
2. Giảm chi phí lưu trữ, bảo trì và sửa chữa.
3. Loại bỏ nhu cầu mua đồ dùng một lần và tăng thêm khoản tiết kiệm không hề nhỏ.
4. Khuyến khích mua hàng không-đóng-gói (thường rẻ hơn đồ đóng bao bì).
5. Giảm (hoặc loại bỏ hoàn toàn) chất thải rắn giúp cắt giảm phí xử lý phế thải.
6. Không cần mua túi đựng rác (“rác lỏng” có thể ủ phân được).
7. Tạo thói quen xem trọng chất lượng hơn số lượng, do đó có thể nâng cao giá trị chi tiêu của đồng tiền.
8. Tăng cường lối sống lành mạnh (xem bên dưới) giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.
9. Khuyến khích việc bán đồ đạc chưa qua sử dụng và cho thuê đồ đạc ít sử dụng để sinh lời.
10. Tăng thêm lựa chọn bán đồ tái chế trực tiếp cho cơ sở phục hồi vật liệu địa phương và ủ phân phục vụ trồng trọt gia đình.
Sức khỏe
Lợi ích về sức khỏe của lối sống Không Rác chủ yếu đến từ việc giảm tiếp xúc trực tiếp với các chất tổng hợp. Nhược điểm duy nhất (thực ra là một lợi ích) là cơ thể tôi trở nên nhạy cảm hơn với mùi hóa học và nhựa. Nhờ Không Rác, mọi thành viên trong gia đình tôi đều trở nên khỏe mạnh hơn. Cảm giác lo sợ và áy náy trong tôi cũng biến mất khi thức ăn của con không bị bọc bằng những loại ni lông nguy hại cho sức khỏe. Dưới đây là mười điều mà lối sống Không Rác thể cho thấy cải thiện sức khỏe tổng thể cho gia đình bạn:
1. Không khuyến khích mua bao bì và các sản phẩm làm từ nhựa, từ đó giảm rủi ro liên quan đến mối lo ngày càng tăng về việc nhựa ngấm vào thực phẩm ta ăn hằng ngày (như nhựa Bisphenol A-BPA) và nhả khí độc trong nhà (như nhựa vinyl).
2. Khuyến khích tái sử dụng (như mua đồ cũ) giúp giảm thiểu khí thải vì các sản phẩm đã qua sử dụng (hầu như) đã thải hết khí hại.
3. Thúc đẩy mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm sạch – nơi cung cấp các lựa chọn thay thế tự nhiên cho các sản phẩm thông thường, giảm nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại như paraben, triclosan và nước hoa tổng hợp có trong các sản phẩm vệ sinh cá nhân (kem đánh răng, xà phòng…) và mỹ phẩm.
4. Khuyến khích mua đồ tái chế, giảm nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại khi sử dụng dụng cụ nhà bếp chống dính loại không thể tái chế.
5. Sử dụng các liệu pháp và sản phẩm tự nhiên để làm sạch nhà cửa, giảm nguy cơ tiếp xúc với hóa chất nguồn gốc không rõ ràng.
6. Khuyến khích nếp sống tối giản, giảm thiểu “bộ sưu tập bụi” và những dị ứng kèm theo.
7. Tăng cường các hoạt động ngoài trời, khắc phục sự thiếu hụt vitamin D, tăng cường lượng không khí sạch (không khí trong nhà có thể ô nhiễm hơn cả không khí bên ngoài) và nâng cao các hoạt động thể chất.
8. Khuyến khích mua thực phẩm toàn phần (whole food), hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm đã qua xử lý.
9. Hạn chế tiếp xúc với phương tiện truyền thông/quảng cáo, giảm cảm giác thèm ăn với các loại thực phẩm không lành mạnh.
10. Giúp việc thực hiện chế độ ăn kiêng hơn trở nên dễ dàng bằng cách giảm tiêu thụ thịt.
Thời gian
Khi bạn từ chối việc tích lũy quà tặng miễn phí, từ bỏ những thói quen lãng phí thời gian (như xử lý thư rác) và cắt giảm đồ dùng gia đình, bạn sẽ tìm lại khoảng thời gian đã bị thất lạc lâu nay và bắt đầu tận dụng nó hiệu quả hơn. Các công việc như xử lý, lưu trữ, bảo trì, dọn dẹp và sắp xếp đồ đạc được tối giản hóa. Việc quản lý nhà cửa và thực hành lối sống Không Rác do đó sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thao tác tái sử dụng cũng giúp chúng ta tiết kiệm đáng kể thời gian mua sắm, di chuyển và xử lý những rác thải dùng một lần.
Bất cứ ai cũng có thể thoát khỏi gánh nặng đồ đạc và lối sống lãng phí để tập trung vào những trải nghiệm thực sự. Lợi ích về thời gian cũng mở ra cơ hội cho chúng ta tham gia và hòa mình vào tiêu dùng hợp tác thông qua việc sẻ chia, tương tác và củng cố các kết nối cộng đồng. Trong suốt hành trình Không Rác, chúng tôi may mắn khám phá ra những người bạn cùng chí hướng, và dù cho hành trình của mỗi cá nhân là độc lập, song nỗi cô đơn trong chúng tôi dần tan biến, nhường chỗ cho những hi vọng và viễn cảnh tốt đẹp hơn.
Việc có thêm thời gian không chỉ làm cuộc sống của tôi trở nên phong phú hơn, mà còn cho phép tôi làm những điều tôi thực sự yêu thích, dành thời gian với những người tôi thực sự quan tâm. Tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm kiến thức, sự thông thái, tính tự chủ, niềm tin, niềm đam mê và mục đích sống của đời mình. Không Rác cho tôi cơ hội xanh hóa ngôi nhà, khơi dậy niềm đam mê học hỏi tìm tòi và trải nghiệm vô số kỹ nghệ thủ công. Tố chất hội họa của tôi cũng nhờ đó mà được phát huy tối đa. Việc đó cũng tạo cho tôi cơ hội viết blog, viết cuốn sách này và kết nối lại với thiên nhiên. Tôi nhận ra rằng vật chất chính là thứ đưa chúng ta xa khỏi nguồn gốc của chính mình và thiên nhiên. Thời điểm hiện tại khi dành nhiều thời gian với thiên nhiên, tôi không còn coi sự sống của mẹ Trái đất là một điều đương nhiên, niềm tin tâm linh của tôi đã được tái sinh.
Không Rác đã kết nối tất cả các mảnh ghép vụn vỡ trong tôi; và tôi tin, nó cũng sẽ làm lên kì tích cho bạn.
Trong mỗi chương thực hành sau đây, tôi sẽ chia sẻ cùng bạn những trải nghiệm của cá nhân tôi và sẽ để 5R đưa chúng ta tới đích của cuộc hành trình với những yếu tố vận hành tuần hoàn: đơn giản hóa, tái sử dụng và thu gom.
Đơn giản hóa ngăn chặn rác thải từ nguồn (từ chối-tiết giảm giảm), tái sử dụng giải quyết tiêu thụ lãng phí (tái sử dụng) và thu gom giải quyết quản lý rác thải (tái chế-ủ phân).
Không Rác không phải là lao động khổ sai mà thực chất là một sứ mệnh vô cùng thú vị và cao cả. Rồi bạn sẽ không nhớ nhung gì mùi rác hôi thối và cái đống rác bừa bãi khi xưa đâu, tôi hứa danh dự đấy!