Cuốn sách trình bày quan niệm và ý tưởng của riêng tác giả với mục đích cung cấp tài liệu và nguồn thông tin hữu ích về các chủ đề khác nhau tới bạn đọc. Cuốn sách được xuất bản theo sự đồng thuận rằng tác giả và nhà xuất bản không tham gia vào việc giáo dục y tế, sức khỏe hoặc bất kì loại hình dịch vụ chuyên nghiệp tư nhân nào khác. Người đọc nên dựa vào tình hình sức khỏe thực tế và kiến nghị y tế phù hợp của các chuyên gia có thẩm quyền trước khi áp dụng bất kì đề xuất nào hay rút ra bất kì kết luận nào từ cuốn sách.
Tác giả và nhà xuất bản đặc biệt từ chối mọi trách nhiệm đối với mọi mất mát hoặc rủi ro của cá nhân hay tập thể, trực tiếp hoặc gián tiếp, xuất phát từ việc sử dụng hay ứng dụng bất kì nội dung nào trong cuốn sách này.
Cách đây không lâu, mọi thứ với tôi hoàn toàn khác biệt: tôi sở hữu 1 ngôi nhà gần 300 m2, 2 chiếc xe ô tô, 4 cái bàn, 26 cái ghế và lượng rác thải mỗi tuần có thể nhét đầy một thùng rác dung tích 242 lít (tương đương một thùng rác công cộng cỡ lớn). Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi sở hữu càng ít tôi càng cảm thấy mình sung túc hơn bao giờ hết. Và điều tuyệt vời nhất là những tháng ngày tay xách nách mang lỉnh kỉnh những rác đã mãi trôi vào dĩ vãng.
Không phải do ngôi nhà bị thiêu rụi, cũng chẳng phải vì tôi xuống tóc đi tu. Mới vài năm trước thôi, cục diện đã hoàn toàn xoay chuyển.
Và đây là câu chuyện của tôi.
Tôi sinh ra và lớn lên từ vùng Provence miền Nam nước Pháp, trong một ngõ cụt với những ngôi nhà rập khuôn y đúc liền kề nhau. Nơi chôn rau cắt rốn ấy khác một trời một vực với thời thơ ấu của bố tôi nơi đồng quê nhỏ bé yên bình hay của mẹ tôi ở căn cứ quân sự Pháp tại Đức. Bố không khi nào ngừng nỗ lực để tận dụng tối đa hiệu quả vùng đất ngoại ô bình dị mà mình đang sở hữu. Vào những tháng ngày thời tiết ấm áp, đúng với bản năng của một nông phu, bố sẽ dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để làm vườn. Cần mẫn với từng luống rau, mồ hôi của bố đổ xuống dịu mát cả khoảnh đất vườn nhà. Vào mùa đông, mối quan tâm của bố sẽ đổ dồn về ga-ra; nơi cái ngăn kéo chứa đầy ốc vít, bu lông và dãy dài các linh kiện treo kín mặt tường. Tháo rời, sửa chữa và tái sử dụng chính là sở trường của bố. Bố đã và vẫn đang là kiểu người không ngần ngại tấp thẳng vào lề đường nếu bất ngờ phát hiện cái máy hút bụi, cái đài phát thanh, tivi hay cái máy giặt đã bị thải hồi. Nếu món đồ đó trông có vẻ chưa hết thuốc chữa, bố sẽ ném nó ngay vào cốp xe, mang về nhà, tháo rời ra rồi lại lắp ráp lại, bằng cách nào đó “cải lão hoàn đồng” được nó mới thôi. Bố thậm chí còn có thể sửa bóng đèn đã cháy khét lẹt cơ! Bố quả thật khá tài hoa, nhưng tài năng như thế trong vùng thực ra không phải dạng hiếm có khó tìm. Người dân ở vùng nông thôn nước Pháp luôn sở hữu một loại kỹ xảo đặc biệt có thể kéo dài tuổi thọ cho đồ đạc của họ. Khi tôi còn bé, bố gỡ lõi của máy giặt cũ ra và biến nó thành bẫy ốc sên, tôi thì nhớ mình đã sử dụng vỏ rỗng của máy để làm nhà đồ chơi (cho dù nó khá nhỏ và nóng).
Trong con mắt non nớt lúc ấy, ngôi nhà đồ chơi kia chính là phiên bản hiện đại của phim Little House on the Prairie (Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên) – loạt phim truyền hình ngày nhỏ tôi không bỏ sót một tập nào. Mặc dù chúng tôi cũng sống ở vùng ngoại ô, song tôi và hai anh em trai của mình chẳng giúp ích được nhiều như những đứa trẻ nhà Ingalls (anh trai tôi thậm chí còn mắc hội chứng sợ miếng xốp rửa bát), may thay bố luôn là nhân vật khéo tay hay làm còn mẹ lại luôn là bà nội trợ tài hoa sở hữu năng lực siêu việt quán xuyến cả gia đình dù trong bối cảnh ngân sách eo hẹp. Thực đơn mẹ chuẩn bị cho mọi bữa trưa và tối luôn đầy đủ 3 món (món khai vị, món chính và món tráng miệng). Cũng giống như mẹ của Laura Ingalls, một tuần của mẹ tôi xoay quanh việc tới nhà thờ, nấu ăn, nướng bánh, dọn dẹp, là (ủi) áo quần, may vá, đan lát và muối rau củ quả theo mùa. Vào thứ Năm hằng tuần, mẹ sẽ lùng tìm các chợ nông sản để mua vải và sợi. Sau giờ học, tôi giúp mẹ đánh dấu các mẫu may và quan sát cách mẹ hô biến miếng vải thành những trang phục lộng lẫy. Tôi tự bắt chước cách của mẹ để thiết kế quần áo cho hai bạn búp bê Barbie từ ni lông và gạc y tế cũ (gạc y tế có được trong chuyến đi của bố mẹ tới ngân hàng máu). Ở tuổi 12, tôi đã tự may được bộ quần áo đầu tiên; một năm sau, tôi có thể tự tay đan áo len cho mình.
Trừ những lúc thi thoảng chành chọe nhau, anh em chúng tôi dường như có một cuộc sống rất hạnh phúc. Nhưng điều mà chúng tôi đã không nhận ra là những rạn nứt sâu thẳm lâu nay trong mối quan hệ của bố mẹ, để rồi ly dị là điều buồn thảm nhất có thể kết thúc cuộc hôn nhân này. Năm 18 tuổi, lúc đã sẵn sàng vượt lên những khó khăn về tâm lý và tài chính, tôi khởi hành tới California theo chương trình giao lưu văn hóa quốc tế Au Pair với thời hạn một năm. Tôi không biết rằng chính trong khoảng thời gian đó tôi sẽ gặp và phải lòng người đàn ông của định mệnh, người sau này sẽ là chồng tôi, anh Scott. Scott có thể không phải là chàng trai lướt sóng “cool ngầu” trong mộng của các cô gái Pháp trẻ, nhưng lòng thấu cảm của anh luôn mang lại sự an định cho tâm hồn tôi. Chúng tôi cùng nhau đi du lịch vòng quanh thế giới và định cư ở nước ngoài, nhưng khi tôi mang thai, khát khao sống cuộc sống bà- mẹ-bóng-đá (soccer-mom) Mỹ (như trên tivi) cuối cùng đã thôi thúc chúng tôi quay trở lại với Hoa Kỳ.
GIẤC MƠ MĨ: PLEASANT HILL
Hai cậu con trai của chúng tôi, Max và sau đó không lâu là Léo, chào đời tại vùng ngoại ô San Francisco − Pleasant Hill, trong cạm bẫy giấc mơ Mỹ của tôi: một ngôi nhà hiện đại 279 mét vuông, hoàn hảo với trần cao, bên trong có phòng nghỉ gia đình, phòng khách, phòng để quần áo và thay đồ rộng rãi, một ga-ra với sức chứa ba xe hơi cùng một ao cá chép Koi Nhật Bản. Chúng tôi còn sở hữu một chiếc xe thể thao đa dụng SUV, một tivi cỡ lớn cùng một chú chó đáng yêu. Ngoài ra, ngôi nhà được nhồi hai cái tủ lạnh lớn, một chiếc máy giặt và một máy sấy quần áo kích cỡ công nghiệp với tần suất sử dụng vài ngày trong tuần. Ý tôi không phải là ngôi nhà rất lộn xộn hay đồ gì cũng là mua mới đâu. Tính tiết kiệm thừa hưởng từ bố mẹ là kim chỉ nam dẫn lối tôi đến những cửa hàng quần áo, đồ chơi và đồ đạc đã qua sử dụng. Bên ngoài ngôi nhà là một thùng rác ngoại cỡ có thể thu gom sơn nhà còn sót và trăm thứ bà giằn những đồ bỏ đi hằng tuần. Thế nên, chúng tôi vẫn cảm thấy ổn với những tác động của mình đến môi trường bởi ít ra chúng tôi cũng tái chế.
Trong suốt bảy năm làm việc, Scott với những thăng tiến ở công ty giúp cả gia đình có một cuộc sống dư dả hơn cùng những kì nghỉ nước ngoài tần suất nửa năm một lần, những bữa tiệc thịnh soạn, một chế độ ăn phong phú với các loại thịt đắt tiền, mấy cái thẻ thành viên của hồ bơi cá nhân, các chuyến đi mua sắm hằng tuần tại siêu thị Target và cả hàng kệ đồ dùng sử dụng một lần rồi vứt đi. Chúng tôi không có gánh nặng tài chính, và cuộc sống cứ thế êm đềm lướt đi. Tôi đã từng có một mái tóc vàng bạch kim của búp bê Barbie, một làn da nhân tạo, một đôi môi tiêm phun và một vầng trán tiêm Botox giảm nhăn. Tôi thậm chí còn thử nối tóc, làm móng giả, sử dụng các loại màng bọc thực phẩm xuất xứ châu Âu (tôi có thói quen quấn màng bọc thực phẩm của hãng Saran quanh người để đạp xe giảm béo tại nhà). Chúng tôi khỏe mạnh và có những người bạn tuyệt vời. Dường như chẳng còn thứ gì trên đời chúng tôi chưa sở hữu.
Song, hình như có gì đó sai sai ở đây. Thời điểm ấy tôi 32 tuổi, cái ý nghĩ thoáng qua rằng đời mình kể từ đây sẽ ổn định mãi mãi làm tôi sởn hết gai ốc. Cuộc sống vắng bóng những hoạt động thể chất. Khu nhà thì nằm lọt thỏm giữa những đại lộ và trung tâm mua sắm xung quanh. Chúng tôi dành quá nhiều thời gian trên xe và quá ít thời gian tản bộ. Tôi và Scott nhớ da diết cuộc sống nhiều năng lượng như trước kia, khi cả hai cùng lang thang rong ruổi khắp phố phường những thủ đô nơi chúng tôi từng sinh sống. Những ngày tháng tay nắm tay cùng dạo bộ tới cửa tiệm bánh ngọt, quán cà phê vẫn luôn là nỗi nhớ thường trực không nguôi.
BƯỚC NGOẶT TỚI ĐƠN GIẢN HÓA
Gia đình tôi quyết định chuyển tới Mill Valley – một khu trung tâm sầm uất mang hơi thở Âu châu bên kia bờ vịnh. Chúng tôi bán đi ngôi nhà cũ, chuyển tới một căn hộ tạm thời chỉ với những vật dụng thiết yếu và cất những thứ còn lại trong kho vì chắc mẩm thế nào cũng tìm được một ngôi nhà có đủ không gian để tôi bày biện đống đồ nội thất trang trí theo phong cách Moorish của mình.
Điều chúng tôi rút ra được trong thời kì quá độ này là khi sở hữu càng ít, chúng tôi càng có nhiều thời gian để làm những gì mình thích. Khi không còn phải dành mỗi cuối tuần để xén cỏ và trau chuốt cho căn nhà khổng lồ, mọi người dành thời gian bên nhau, cùng nhau đạp xe, đi bộ đường dài, dã ngoại và khám phá những bờ biển như một gia đình đúng nghĩa. Cuối cùng Scott đã hiểu được ý nghĩa đằng sau lời bố anh từng nói: “Bố ước mình đã không lãng phí quá nhiều thời giờ cho bãi cỏ vườn nhà”. Nhớ lại đống bàn ghế ăn mà tôi đã mua để bài trí trong nhà bếp, phòng ăn rồi cả hai cái sân sau ở nhà cũ, tôi chột dạ nghĩ về câu nói của Eric bạn tôi: “Rốt cuộc một căn nhà cần tới bao nhiêu chỗ ngồi nhỉ”?
Tôi nhận ra hầu hết đồ đạc hiện chất trong kho đều không cần thiết, chúng tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian và tâm sức cho những điều vô bổ. Việc mua sắm ở nhà cũ thực chất là một trò tiêu khiển vô giá trị. Nó chỉ là cái cớ để chúng tôi trông có vẻ bận rộn hơn và tạm thời có thể thoát ra khỏi khu dân cư ngột ngạt của mình. Rõ ràng là ngoài việc chiếm diện tích, những thứ chất đầy kho chẳng có tích sự gì. Chúng tôi đã quá xem trọng “vật chất”. Bước chuyển hướng tới lối sống tối giản mới thực sự mang đến cho gia đình tôi một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
Phải mất đến một năm cân nhắc giữa 250 ngôi nhà chúng tôi mới thực sự tìm được nơi mình mong muốn. Đó là một ngôi nhà không nằm trong dự tính ban đầu với diện tích 137 mét vuông được xây từ năm 1921, không-bãi-cỏ và khá gần trung tâm thành phố. Giá đất ở Mill Valley cao gấp đôi so với khu cũ Pleasant Hill. Tiền bán nhà cũ chỉ có thể mua được một nửa căn này nhưng mong ước có thể rảo bước đến những con đường mòn bộ hành, thư viện, trường học, quán cà phê đã thôi thúc chúng tôi nhanh chóng đưa ra quyết định.
Khi mới chuyển đến, ga-ra và tầng hầm nhà mới chất đầy đồ nội thất từ bên nhà cũ. Nhưng chẳng bao lâu sau, chúng tôi bán dần tất cả những thứ không còn phù hợp với căn mới. “Những gì không thực sự được sử dụng, không cần thiết và không còn được yêu thương đều phải ra đi” trở thành câu thần chú dọn dẹp của cả nhà. Chúng tôi có thực sự sử dụng, cần đến và yêu thương xe đạp, thuyền kayak, giày trượt ba tanh, ván trượt tuyết, bộ dụng cụ Taewondo, găng tay đấm bốc, giá để xe đạp, xe tay ga Razor, bóng rổ, bi sắt, vợt tennis, ống thở [đồ lặn], đồ cắm trại, ván trượt, gậy và găng tay bóng chày, lưới bóng đá, cầu lông, gậy chơi golf hay cần câu cá không?
Scott ban đầu rất bối rối. Anh ấy rất yêu thể thao và đã luôn nỗ lực làm việc để có thể mua tất cả những vật dụng đó. Nhưng cuối cùng Scott cũng nhận ra đã đến lúc phải xác định bản thân thực sự muốn gì và khoanh vùng chúng thay vì để cho chiếc gậy golf cáu bụi nằm chỏng chơ góc nhà. Và rồi chỉ sau vài năm, gia đình tôi và 80% tổng số đồ đạc đã đường ai nấy đi.
TỪ ĐƠN GIẢN HÓA LỐI SỐNG ĐẾN ĐƠN GIẢN HÓA RÁC THẢI
Chúng tôi học về sự đơn giản hóa qua hướng dẫn trong sách của Elaine St. James và tuyển tập Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (Little House) của Laura Ingalls Wilder. Cuốn sách truyền cảm hứng thôi thúc chúng tôi xem xét lại những sinh hoạt thường ngày của mình. Chúng tôi quyết định ngắt kết nối tivi, hủy đăng ký các ấn phẩm quảng cáo và tạp chí. Khi không lãng phí thời gian vào tivi và mua sắm, chúng tôi dành thời gian tìm hiểu về các vấn đề môi trường – điều mà trước nay nằm ngoài vùng phủ sóng của cả gia đình. Chúng tôi đọc những cuốn như Natural Capitalism (Chủ nghĩa tư bản tự nhiên), Cradle to Cradle (Vật liệu bền vững) và In Defense of Food (Biện hộ cho thực phẩm). Qua Netflix, chúng tôi xem các bộ phim tài liệu như Earth and Home (Trái đất và Mái nhà) tái hiện cuộc sống của những chú gấu Bắc cực vô gia cư và những đàn cá mất phương hướng. Chúng tôi tìm hiểu những hiểm họa không ngờ của chế độ ăn uống không lành mạnh và tiêu thụ vô trách nhiệm. Lần đầu tiên chúng tôi nhận ra hành tinh xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng như thế nào, những quyết định bất cần hằng ngày sẽ làm thế giới hiện tại và thế giới tương lai nơi bọn trẻ sinh sống trở nên tồi tệ ra sao.
Chúng tôi đã sử dụng xe hơi một cách bừa bãi, gói bữa trưa trong túi ni lông dùng một lần, uống nước đóng chai, dùng giấy lau và khăn giấy không tiết chế, sử dụng vô số sản phẩm độc hại để dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc cơ thể. Ký ức về những thùng rác chứa đầy túi ni lông thực phầm, những bữa tối đông lạnh quấn ni lông giã đông trong lò vi sóng khi còn ở Pleasant Hill lại chập chờn ẩn hiện trong tâm thức. Tôi nhận ra khi càng chìm sâu vào cạm bẫy giấc mơ Mĩ, chúng tôi càng trở thành những công dân, những người tiêu dùng vô trách nhiệm. Sao chúng tôi có thể tảng lờ hệ lụy từ những hành động của mình như thế? Hay là chúng tôi chưa từng nghĩ trách nhiệm đó mảy may tồn tại? Tôi đã dạy Max và Léo cái gì thế này? Những bài học ấy làm chúng tôi bật khóc, trách giận bản thân lâu nay luôn sống trong tăm tối, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng những u mê đó đã tiếp sức mạnh, giúp chúng tôi quyết tâm thay đổi lối sống và thói quen tiêu dùng tích cực hơn vì tương lai của con cái.
Scott nhanh chóng bắt tay đưa lý thuyết vào thực tế. Mặc dù nền kinh tế đang trên đà suy thoái nhưng anh ấy đã bỏ công việc hiện tại để khởi nghiệp một công ty tư vấn phát triển bền vững. Chúng tôi cũng quyết định xin các con ra khỏi trường tư vì không còn đủ khả năng chi trả học phí và bắt đầu triển khai chiến dịch “xanh hóa” ngôi nhà.
Khi biết rằng tái chế không phải là câu trả lời cho cuộc khủng hoảng môi trường và hiểm họa nhựa phá hủy đại dương, chúng tôi đã chuyển từ việc sử dụng nước đóng chai hay túi dùng một lần sang các vật dụng có thể tái sử dụng. Tất cả những gì cần làm là nhớ mang theo chúng khi cần. Tôi bắt đầu mua sắm tại các cửa hàng thực phẩm tự nhiên và dần nhận ra việc lựa chọn các sản phẩm hữu cơ và địa phương rất đáng đồng tiền bát gạo. Gần như có thể tránh hoàn toàn việc sử dụng bao bì bằng cách mua sắm ở những cửa hàng không- đóng-gói (bulk − hàng bán theo số lượng lớn hoặc theo cân). Tôi sử dụng túi lưới và túi vải được may từ ga trải giường cũ để mua đồ. Khi tích đủ một bộ sưu tập chai lọ rỗng, tôi giảm dần việc tiêu thụ đồ đóng gói và sử dụng hũ thủy tinh để đựng thực phẩm. Có thể nói tôi bị nghiện mua hàng không đóng gói. Tôi có thể lái xe rất xa trong vùng Vịnh để tìm kiếm những cửa hàng như thế. Tôi may một tá khăn bếp cũng từ ga trải giường cũ và mua những chiếc khăn vải nhỏ để từ bỏ thói quen dùng khăn giấy. Scott bắt đầu làm một thùng ủ phân hữu cơ ở sân sau còn tôi thì đăng kí lớp thực vật học để tìm hiểu về tác dụng của các loại cây dại gần nhà.
Do quá ảm ảnh với rác thải nhà bếp mà tôi bỏ sót mất phòng tắm. Nhưng không lâu sau đó, chúng tôi cũng bắt đầu sử dụng những sản phẩm thay thế hạn chế rác thải. Trong sáu tháng, tôi gội đầu bằng baking soda (muối nở) và gội sạch lại bằng dấm táo, nhưng đến khi Scott không chịu nổi “mùi dầu dấm” trên giường, tôi phải chuyển hướng bằng cách dùng chai thủy tinh để đi mua dầu gội và dầu xả. Cảm giác ngây ngất ngày xưa khi mua sắm ở Pleasant Hill được thay thế bằng những phút giây vỡ òa khi tôi bất chợt học được một phương pháp sống xanh mới toanh hay khi cả gia đình tiết kiệm được một khoản tiền để sống sót qua thời kì thắt lưng buộc bụng của Scott khởi nghiệp.
Cả Max và Léo cũng tham gia tích cực bằng cách đi xe đạp đến trường, tắt các thiết bị chiếu sáng khi không cần thiết và thi xem đứa nào tắm nhanh hơn. Nhưng một ngày nọ, khi cùng con dừng lại tại một cửa hàng thực phẩm địa phương không đóng gói trong chuyến đi thực địa của trường, tôi nhận ra con rất ấp úng khi phải trả lời câu hỏi của cô giáo: “Tại sao mua hàng không-đóng-gói lại là sống xanh”? Ngay khoảnh khắc đó, tôi đã nhận ra rằng mình chưa hề giảng giải cho con về những nỗ lực cắt giảm chất thải của cả gia đình. Một đứa trẻ ngày ngày được ăn bánh quy mẹ làm có thể chưa nhận ra sự thiếu vắng của bánh quy ngoài hàng. Tối hôm đó, tôi giải thích cho các con sự khác biệt đặc trưng của kệ bếp gia đình và những thay đổi tưởng như đã trở thành một phần bản năng khi các con áp dụng chúng một cách vô thức. Khi bọn trẻ nhận thức rõ ràng hơn, cả gia đình chúng tôi đã chính thức chung một chiến tuyến, chúng tôi đã có thể nhắm tới mục tiêu “Zero Waste - Không Rác”.
Khi tìm kiếm các giải pháp thay thế, tôi gặp phải các thuật ngữ liên quan đến thực tiễn công nghiệp. Thường thì tôi không tra cứu các định nghĩa và không để ý đến hệ lụy của nó với các ngành công nghiệp, nhưng bằng cách nào đó, khái niệm này lại làm tôi ngộ ra nhiều điều. Nó giúp tôi hình thành tư duy định lượng những nỗ lực của mình. Không chắc rằng chúng tôi có thể hoàn toàn loại bỏ rác thải nhưng việc đặt mục tiêu “Không Rác”, nghiên cứu dòng chất thải và nắm rõ những vật dụng dù nhỏ nhất sẽ đưa chúng tôi đến gần hơn mục tiêu và chạm chân tới bước ngoặt của cuộc hành trình.
THỬ NGHIỆM KHÔNG RÁC TRIỆT ĐỂ
Để chuẩn bị cho những bước tiếp theo, tôi bắt đầu kiểm tra thùng rác và thùng tái chế trong nhà. Tôi thấy những bao bì thịt cá, pho mát, bánh mì, bơ, kem và giấy vệ sinh trong thùng rác rồi hàng tá các lon cà chua đóng hộp, chai rượu rỗng, hũ mù tạt, hộp sữa đậu nành ở thùng tái chế. Tất cả chúng sẽ bị xóa sổ.
Tôi bắt đầu mang hũ thủy tinh đến các quầy thịt. Những ánh nhìn, câu hỏi và bình luận từ những người xung quanh và nhân viên quầy hàng là điều tôi phải đối mặt. Câu cửa miệng “Tôi-không-có-thùng-rác” đã trở thành sách lược dự phòng bỏ túi. Chiếc vỏ gối tôi mang đến tiệm bánh để lấy bánh mì đặt hằng tuần ban đầu thu hút vài lời bình phẩm nhưng rồi cũng nhanh chóng được chấp nhận như thói quen thường nhật. Gần nhà mới mở một chợ nông sản địa phương nên tôi còn có thể tự tay đóng hộp cà chua tươi thành đồ đông lạnh cho mùa đông sắp tới. Tôi tìm ra một nhà máy rượu cho phép mua rượu vang đỏ bằng chai cũ. Tôi cũng học được cách làm giấy tái chế từ tờ rơi các con mang ở trường về cũng như các thể loại thư rác trong hộp thư gia đình. Khi thư viện không có sách về cắt giảm rác thải, tôi tự tìm kiếm trên Google những giải pháp thay thế cho các vật dụng chưa có lựa chọn không- đóng-gói. Tôi học cách nhào bánh mì, xay mù tạt, ủ sữa chua, làm pho mát thủ công, lọc sữa đậu nành, khuấy bơ và tự chế son dưỡng môi.
Ngày nọ, một vị khách thiện chí xuất hiện trước cửa nhà cùng chiếc bánh ngọt được đóng gói. Giây phút đó khiến tôi nhận ra rằng chúng tôi sẽ không bao giờ đạt tới mục tiêu không có rác thải nếu thiếu sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình. Tôi cho rằng lối sống Không Rác cũng bắt đầu từ bên ngoài ngôi nhà − khi bạn lựa chọn những cửa hàng không-đóng-gói và những sản phẩm dùng nhiều lần thay cho những sản phẩm dùng một lần. Nhưng nó cũng bắt đầu khi bạn từ chối những món quà không cần thiết và yêu cầu bạn bè mình không mang rác khi họ tới thăm. Chúng tôi thêm “refuse” (từ chối) vào câu thần chú quen thuộc “reduce, reuse, recycle, rot” (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế, ủ phân”) và bắt đầu viết blog như một sứ mệnh để chia sẻ tới bạn bè và người thân rằng những nỗ lực của chúng tôi là chân thật và mục tiêu không rác thải là nghiêm túc. Tôi nguyện cầu sẽ không còn những hộp bánh không mời mà đến, những tiệc tùng và những cánh thư rác. Tôi cũng bắt đầu mở dịch vụ tư vấn để lan truyền ý tưởng và giúp người khác đơn giản hóa cuộc sống. Chẳng bao lâu chúng tôi chỉ còn một vài lá thư, tài liệu từ trường và chai rượu vang rỗng. Tôi thậm chí còn dự tính nhắm đến mục tiêu “hoàn toàn không-tái-chế”. Trong lần chuẩn bị cho chuyến đi thường niên đến Pháp, tôi mơ gia đình mình chạm tới một cột mốc mới, rằng khi quay trở lại Mĩ, chúng tôi có thể chính thức hủy bỏ dịch vụ tái chế.
LẤY LẠI CÂN BẰNG
Việc nhìn thấy rác ngập tràn ở sân bay và trên chuyến bay nhanh chóng đưa tôi quay về thực tại. Tôi đã sống trong bong bóng của sự ảo tưởng. Thế giới này chưa từng ngừng phung phí. Việc dành thời gian một vài tháng với mẹ, trong một ngôi nhà “bình thường”, đã cho tôi thời gian tạm nghỉ để thư giãn, để buông bỏ những phán xét và buồn phiền. Lùi một bước trời cao biển rộng. Khoảng tĩnh đó giúp tôi thấu hiểu hơn những nỗ lực điên cuồng của bản thân. Tôi nhận ra trong những phương pháp của mình còn có nhiều hạn chế, quá lãng phí thời gian nên chưa bền vững. Chi phí tự làm bơ tốn kém trong khi số lượng bánh quy được làm mỗi tuần là không đáng kể rồi cả quy trình làm pho mát rắc rối không cần thiết mà đáng ra tôi cũng có thể mua ở siêu thị, tôi chợt nhận ra rằng mình đã đi quá xa. Tôi thậm chí còn dùng rêu thay cho giấy vệ sinh, lạy Chúa!
Xét cho cùng, ta chỉ có thể gắn bó với lối sống Không Rác lâu dài nếu nó đủ đơn giản và người thực hiện có thể tìm thấy sự cân bằng. Không Rác là sự lựa chọn về lối sống, nếu muốn dài hơi theo đuổi, ta phải làm nó trở nên khả thi và thuận tiện với thực tế đời sống. Hành trình đơn giản hóa cần về đúng vị trí của nó.
Khi trở về nhà, tôi quyết định tập trung buông bỏ những gì là quá cực đoan nhưng đồng thời cũng không để nó ảnh hưởng đến những nỗ lực trước đó. Thay vì tìm kiếm nguồn hàng không-đóng-gói xa xôi, tôi cân nhắc và tìm những nguồn cung địa phương sẵn có. Thay vì tự làm kem, tôi bắt đầu mua kem bằng hũ thủy tinh tại chuỗi cửa hàng kem Baskin-Robbins địa phương. Chúng tôi đồng ý nhận rượu vang của bạn bè và từ bỏ hẳn ý tưởng không-tái-chế. Tôi dừng việc tự làm bơ và bắt đầu ủ phân giấy gói bơ từ cửa hàng. Bơ đã và đang là thức ăn duy nhất chúng tôi dùng hàng-đóng-gói. Chỉ trong vòng một tháng, lối sống Không Rác dần trở nên đơn giản, dễ thực hiện, thú vị và thoải mái.
Scott luôn canh cánh rằng niềm say mê của tôi đối với chợ nông sản địa phương, những giải pháp sống xanh thay thế rồi thực phẩm hữu cơ không-đóng-gói sẽ dẫn đến việc thất thoát tài chính lớn cho cả gia đình. Vì thế anh ấy đã phải định thần để ngồi xuống tính toán lại toàn bộ chi tiêu của cả gia đình. Scott so sánh chi phí trước (năm 2005) và sau (năm 2010) khi chúng tôi thực hiện lối sống này, xem xét các bản sao kê giao dịch ngân hàng trong quá khứ và xét đến cả vấn đề khẩu phần thức ăn của hai con trai tăng lên đáng kể (đều đã hơn 5 tuổi). Và những gì Scott tính ra vượt ngoài sức tưởng tượng của hai vợ chồng: chúng tôi đã tiết kiệm được gần 40% chi phí hằng năm cho cả gia đình! Số tiền và thời gian cả nhà tiết kiệm được từ một lối sống đơn giản hơn, ít phải mua sắm hơn đã làm tan biến mọi nỗi sợ trong Scott.
Hiện tại, cuộc sống Không rác của gia đình chúng tôi vô cùng suôn sẻ. Chúng tôi áp dụng mọi quy tắc vào đời sống hằng ngày và tận hưởng những niềm hạnh phúc vượt xa cả cảm giác “vui vui” của mỹ danh “bảo vệ môi trường”. Gia đình tôi dần nhận thấy những cải thiện không thể phủ nhận về mặt sức khỏe, tài chính và thời gian. Chúng tôi học được rằng lối sống Không Rác không tước đoạt điều gì từ bạn, ngược lại, nó sẽ giúp bạn tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu của cuộc đời mình. Tôi đã đi đến ngã rẽ của cuộc đời, tôi trân trọng trải nghiệm thay vì vật chất, tôi chấp nhận đổi thay thay vì trốn tránh trong cự tuyệt.
VỀ CUỐN SÁCH
Môi trường, kinh tế và sức khỏe của chúng ta đang bị khủng hoảng trầm trọng. Tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, tình hình kinh tế không ngừng biến động, nền sức khỏe toàn dân đang trên đà tuột dốc, mức sống con người ở mức thấp kỷ lục. Một cá nhân có thể làm gì để đối mặt với những vấn đề khốc liệt ấy? Những thực tế choáng ngợp đó chỉ nghe thôi đã khiến người ta tê dại, nhưng xin hãy nhớ rằng mỗi hành động của một cá nhân đều can hệ đến môi trường và sự đổi thay không đâu khác chính từ đôi bàn tay ta.
Tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt nhưng chúng ta chỉ chăm chăm mua các sản phẩm từ dầu mỏ. Nền kinh tế yếu kém, chúng ta chỉ sính đồ ngoại. Sức khỏe toàn dân xuống dốc, con người chỉ nạp vào cơ thể những thực phẩm chế biến sẵn và mang về nhà những sản phẩm độc hại. Việc tiêu thụ bất kì thứ gì sẽ đều trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế và sức khỏe vì trên thực tế bạn đang ủng hộ một hình thức sản xuất nào đó và gửi đi thông điệp về nhu cầu để kích thích nguồn cung. Nói cách khác, mua sắm là một dạng biểu quyết và những quyết định chúng ta thực hiện mỗi ngày đều có tác động nhất định. Ta có thể lựa chọn, hoặc làm tổn thương hoặc chữa lành xã hội.
Nhiều người trong chúng ta không nhất thiết phải bị thuyết phục mới bắt đầu sống thân thiện với môi trường, tôi tin ai nấy đều từng mong mỏi và tìm mọi cách để đơn giản hóa các giải pháp mà không chỉ dừng lại ở tái chế… Lối sống Không Rác sẽ tiếp thêm sức mạnh và rèn giũa bạn khi bạn phải đối mặt với những thử thách trên cuộc hành trình.
Zero Waste Home: Nhà Không Rác sẽ tiếp động lực giúp bạn giải tán bớt đồ đạc và tái chế ít hơn, không chỉ góp phần xây dựng một môi trường xanh sạch đẹp hơn mà còn giúp bạn hoàn thiện bản thân. Cuốn sách đưa ra những giải pháp thực tiễn cũng như đã được kiểm chứng để sống lành mạnh và phong phú hơn bằng các tài nguyên không sinh rác thải vốn sẵn có. Quy trình thực hiện chỉ đơn giản theo thứ tự: Refuse (từ chối những gì chúng ta không cần), Reduce (tiết giảm những gì chúng ta cần), Reuse (tái sử dụng những gì chúng ta tiêu thụ), Recycle (tái chế những gì chúng ta không thể từ chối, không thể tiết giảm, hoặc không thể tái sử dụng) và Rot (ủ phân những gì còn lại).
Những năm qua, tôi nhận thấy mỗi người đều có một thái độ khác biệt về lối sống của chúng tôi. Một số nghĩ rằng chúng tôi quá cực đoan khi từ chối thức ăn nhanh. Những người khác lại nói chưa cực đoan lắm vì ít ra chúng tôi vẫn mua giấy vệ sinh, ăn thịt tuần một lần và thỉnh thoảng vẫn di chuyển bằng đường hàng không. Thực ra điều quan trọng đối với chúng tôi không phải là người khác nghĩ gì mà là chúng tôi cảm thấy như thế nào về những gì mình làm.
Lối sống Không Rác luôn không ngừng thôi thúc sự hiếu kì trong chúng tôi qua tiềm năng vô tận vốn có chứ không phải là những giới hạn được định sẵn. Chỉ cần nghĩ đến viễn cảnh được chia sẻ và tác động tích cực đến mọi người về hành trình này là tôi đã vô cùng hào hứng.
Cuốn sách không có tham vọng đạt tới mục tiêu tuyệt đối không có rác thải. Thực tiễn sản xuất ngày nay cho thấy đó là điều không tưởng. Không rác thải là một mục tiêu lý tưởng, một điểm tựa để bẩy ta gần hơn tới đích. Không phải mọi độc giả đều có thể thực hiện tất cả những gì đề cập trong cuốn sách hay giảm lượng chất thải hằng năm tới kích thước bình một lít như những nỗ lực của chúng tôi. Dựa trên phản hồi của độc giả trên blog, tôi hiểu rằng sự khác biệt về địa lý và dân cư sẽ quyết định khoảng cách chặng đường tới đích đến không rác thải của bạn. Tạo ra bao nhiêu rác không thực sự quan trọng. Quan trọng là bạn hiểu được tác động tiêu dùng của mỗi cá nhân tới môi trường và bắt tay vào hành động. Mọi người đều sẽ quen với những thay đổi có thể xảy ra trong cuộc sống của họ. Và mọi thay đổi dù nhỏ nhưng bền vững cũng đều có tác động tích cực đến hành tinh và xã hội loài người.
Tôi hiểu rằng khi đề cập đến quan điểm trên, nhiều người sẽ đặt câu hỏi vì sao tôi lại xuất bản một cuốn sách giấy? Theo quan điểm của tôi, thông tin giá trị không chỉ giới hạn tiếp cận đối tượng độc giả đọc sách điện tử. Tại thời điểm này, một cuốn sách giấy là cách tốt nhất để tôi có thể tiếp cận tối đa số lượng độc giả. Tôi tự nhận thấy việc truyền bá những kiến thức về lối sống Không Rác là sứ mệnh của đời mình. Hi vọng những nỗ lực của tôi sẽ thay đổi được phần nào những hành vi tiêu dùng quá mức, khuyến khích các công ty chịu trách nhiệm với những sản phẩm và sự lựa chọn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và nguồn tài nguyên hữu hạn. Là một độc giả trung thành của thư viện, sẽ là đạo đức giả nếu tôi không in giấy cuốn sách của mình. Tôi cũng hoàn toàn ủng hộ mọi người quyên góp cuốn sách của tôi tới thư viện địa phương hoặc chia sẻ nó với bạn bè khi không cần nó nữa.
Đây không phải là một cuốn sách về khoa học. Thống kê và số liệu không phải là chuyên môn của tôi. Rất nhiều tác giả đã phân tích một cách xuất sắc những bằng chứng cơ bản để chứng minh sự cấp thiết của xã hội loài người trong vấn đề áp dụng lối sống này. Cuốn sách này thì khác, nó mang tới những hướng dẫn thực tế và chân thực nhất của hành trình trải nghiệm tới mục tiêu không-rác-thải. Bạn sẽ không chỉ thấy những thành công mà còn cả những thất bại thảm hại! Bạn có thể sẽ thử, hoặc rất nghiêm túc hoặc rất hời hợt. Dù thế nào đi nữa, tôi hi vọng bạn sẽ tìm thấy những mẹo vặt hữu ích cho riêng mình trong bất cứ hoàn cảnh cá nhân hay địa lý nào.
Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa. Chúng ta – những ông bố, bà mẹ, những công dân của xã hội − có quyền, bổn phận và sức mạnh để mang lại sự thay đổi tích cực cho thế giới thông qua những quyết định nhỏ cho những thay đổi lớn.
Vì Nhà chính là mạch nguồn của tương lai! Xin chào mừng bạn đến với Nhà Không Rác.