Các vấn đề sinh tử
Đối với quá trình tiến hóa của nhân loại, tìm hiểu bản chất Tạo hóa được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất.
Song dù muốn hay không, vấn đề này có liên quan đến những điều cốt yếu của cuộc sống như vận mệnh của con người, bản chất của thiện và ác, cuộc đấu tranh giữa hai yếu tố này, sự tồn tại hay không tồn tại công lý tối thượng trong thế giới này, v.v.
Mọi người thường thấy rõ ràng có sự bất công ở thế giới này. Kẻ trộm cắp và lừa đảo ngày càng tăng còn người tử tế không hiểu vì sao lại gặp tai họa hoặc trở thành nạn nhân của những kẻ bất lương. Người ta thường đặt câu hỏi tại sao Thượng đế lại để điều này xảy ra? Nếu đúng là Ngài tạo ra thế giới này, thì tại sao sự sáng tạo đó lại bất công như vậy? Tại sao điều thiện thì ít mà điều ác lại nhiều? Và nếu tất cả điều này là do các thế lực ma quỷ đối cực với Thượng đế thực hiện, thì tại sao Thượng đế không thể hay không muốn ngăn chặn? Không lẽ cái ác mạnh hơn cái thiện? Một người biết suy nghĩ không thể không tự đặt ra cho mình những câu hỏi như vậy.
Tuy nhiên, sự hiểu biết không thấu đáo của mọi người về bản chất của Tạo hóa và nguyên tắc của Thượng đế mới chính là nguyên nhân dẫn tới những câu hỏi này.
Nếu cho rằng Thượng đế là một nhân vật siêu nhiên thần bí có trí tuệ và ý chí, tự mình tạo ra thế giới này và định đoạt số phận của nó, thì đương nhiên cũng chính Thượng đế là người có lỗi khi làm cho thế giới này trở nên bất công. Nhưng thực chất vấn đề nằm ở chỗ Thượng đế không phải là một nhân vật giống con người.
Thượng đế không phải là một thực thể mà là một yếu tố vũ trụ siêu nhiên không có hình dạng, là khởi nguồn tinh thần tối thượng, hiện diện trong vạn vật - từ tinh thể cho đến con người.
“Chúa là lửa”, Kinh Thánh đã nói như vậy về bản chất của Tạo hóa.Thế giới này không phải do Thượng đế mà do chính Thiên nhiên tạo ra. Thượng đế, Tạo hóa đơn thuần chỉ là sự hòa nhập với thiên nhiên, trở thành nền tảng tinh thần của mọi hình thức sống trong vũ trụ, là yếu tố duy nhất không thể hủy diệt của vạn vật. Sự hiện diện trong mỗi thực thể (thậm chí ở dạng vật chất, ví dụ như tinh thể) của Tạo hóa giúp cho thực thể đó có khả năng phát triển và tiến hóa. Thực thể có tổ chức càng cao, thì Tạo hóa càng thể hiện rõ trong đó. Trên thực tế, nó được gọi là linh hồn. Như vậy, Thượng đế có ở trong chính bản thân con người, được giấu kín trong sâu thẳm tâm hồn con người.
Tâm hồn của con người, tới lượt mình, được ban cho năng lượng sáng tạo mạnh mẽ nhất – ý chí tự do. Chính ý chí là thứ đã định hình nên lối sống, nghiệp và số phận của con người chứ không phải Tạo hóa nào cả.
Vanga hiểu tầm quan trọng của ý chí tự do trong cuộc sống của con người. Bà nói:
Thượng đế đã ban cho con người một vũ khí mạnh mẽ - ý chí mà không sức mạnh nào có thể phá vỡ, để con người tự mình quyết định sẽ phụng sự ai.
Phụng sự ai là một nguyên tắc quan trọng. Nó là sự lựa chọn mà ở đó, con người tự quyết định xem cần ưu tiên yếu tố nào ở thế giới này và cho chính mình - Thiện hay Ác? Con người không chỉ có Phẩm chất Cao thượng - là tinh thần, khởi điểm cho nguyên tắc của Thượng đế, mà còn có đặc tính thấp hơn - là nhân cách của chính con người. Trong Agni Yoga, Phẩm chất Cao thượng đôi khi được gọi là “Cái Tôi” viết hoa, còn đặc tính bậc thấp là “cái tôi” viết thường. “Cái Tôi” viết hoa là một phẩm chất tinh thần vĩnh cửu thúc đẩy con người hướng tới cái Thiện và phụng sự những người khác. “Cái tôi” viết thường là bản ngã nhất thời (hay chóng vánh) mà con người đã có từ giai đoạn quá khứ khi tiến hóa từ động vật của mình. Đặc tính này khiến con người chỉ biết phục vụ cho mình, cho những lợi ích cá nhân nhỏ bé của mình. Vì vậy, nhận thức của con người là đấu trường giữa hai đặc tính, giữa sáng và tối. Con người sẽ lựa chọn thế nào? Sẽ phụng sự ai, như Vanga nói? Điều này phụ thuộc vào ý chí tự do của người đó. Sự lựa chọn này sẽ quyết định hoàn toàn số phận của anh ta và đôi khi, không chỉ trong một cuộc đời mà còn trong nhiều kiếp tiếp theo.
Phẩm chất Cao thượng thể hiện trong nhận thức của con người qua cái mà chúng ta có thể gọi là lương tâm. Nhưng nếu con người không có lương tâm - có khá nhiều người như vậy, nhất là trong thời đại của chúng ta - điều này không có nghĩa là trong tâm hồn của người đó không có Phẩm chất Cao thượng. Nó chỉ có nghĩa là ý chí tự do của cá nhân này đã quyết định từ chối tiếng gọi của “Cái Tôi” cao cả của mình và đi theo con đường của sự ích kỷ và cái ác. Kết cục của con đường này sẽ ra sao? Kết quả là con người sẽ phải trả nghiệp cho tất cả những điều ác đã phạm phải trong suốt cuộc đời của mình.
Nếu một cá nhân cứ tiếp tục đi theo con đường dẫn tới vực thẳm đó không chỉ trong một đời mà trong nhiều kiếp sống thì ý chí tự do của người đó sẽ từ bỏ phẩm chất Cao thượng của nó. Kết quả, sẽ xảy ra cái mà trong giáo lý bí truyền gọi làchết tâm linh, hay chết phần hồn. Đây là điều bất hạnh nhất có thể xảy ra với con người.
Trong bất kỳ trường hợp nào, con người đều nhận sự trừng phạt cho những tội lỗi mà mình gây ra, song không phải từ Thượng đế, mà theo luật nhân quả chung của toàn vũ trụ, là nguyên tắc chi phối của chính Tự nhiên, là một trong những luật vũ trụ cơ bản. Những đau khổ cũng như niềm vui mà con người trải qua trong cuộc sống đều không phải do Thượng đế tạo ra mà chính là theo luật nhân quả, là kết quả của những suy nghĩ, hành động của riêng người đó được thực hiện trong hiện tại hoặc trong những kiếp sống trước đây ở trên Trái Đất. Thượng đế không trừng phạt hay khen thưởng, Thượng đế chỉ ở trong chúng ta, trong mọi thứ xung quanh chúng ta và đảm bảo cho chúng ta có khả năng phát triển, tiến bộ và tiến hóa!
Sứ giả của Thượng đế
Nếu Phẩm chất Cao thượng ẩn chứa trong chính con người, thì điều này có nghĩa là trong Vũ trụ không có ai mạnh mẽ và hoàn thiện hơn con người, cũng không có Sức mạnh Tối thượng nào có khả năng đến giúp đỡ con người? Tất nhiên là có. Các Sức mạnh Tối thượng tồn tại và kịp thời giúp đỡ con người trong quá trình tiến hóa, bất chấp bản chất đạo đức chưa hoàn hảo của con người. Nhiều người trong chúng ta đã cảm nhận được rằng các Sức mạnh Tối thượng có thể đến giúp đỡ con người, nếu con người xứng đáng được nhận sự giúp đỡ đó. Song các sức mạnh này không phải là các thánh thần, nghĩa là không phải các thực thể siêu nhiên. Họ cũng chỉ có nguồn gốc tự nhiên giống như bản thân con người.
Các Sức mạnh Tối thượng là những người trong các kiếp sống quá khứ cũng giống như chúng ta, nhưng họ đã trải qua con đường tiến hóa trước chúng ta và đạt tới giai đoạn phát triển cao hơn - thánh nhân, trong Ki-tô giáo có một khái niệm như thế - Đức Chúa. Khái niệm này được dành cho những bậc thánh nhân vĩ đại nhất của mọi thời đại và dân tộc. Học thuyết Agni Yoga nói rằng tất cả những bậc tu khổ hạnh và bậc Thầy tâm linh ở các nước trên thế giới xét được tập hợp trong một tổ chức duy nhất trên toàn thế giới. Theo học thuyết của Roerich, tổ chức này được gọi là Thánh đoàn Ánh sáng. Ở phương Đông thậm chí còn có một địa điểm trên Trái Đất dành cho các đại diện của tổ chức các lực lượng ánh sáng này; nó được gọi là Shambhala.
Chính các nhà lãnh đạo của Thánh đoàn Ánh sáng đã truyền đến thế giới những giáo lý của Thuyết Thần trí và Agni Yoga hay là Đạo đức Sống. Trong Agni Yoga, các thành viên của Thánh đoàn Ánh sáng cũng được gọi là bậc Thầy tâm linh của nhân loại.
Hầu hết các bậc tu khổ hạnh vĩ đại ở hành tinh của chúng ta đều là thành viên của Thánh đoàn Ánh sáng. Rời khỏi cõi vật chất khi kết thúc kiếp sống nơi trần thế, linh hồn của các bậc tu khổ hạnh vĩ đại tập hợp lại ở cõi Tâm linh và cùng nỗ lực giúp nhân loại tiến hóa. Ở cõi Tâm linh, họ tồn tại ở thể vía bậc cao của mình - dạng vật chất có cấu trúc và độ sáng tinh tế, thực sự là loại ánh sáng sống động.
Khi Vanga được hỏi rằng liệu bà có nhìn thấy Thượng đế không, nhà tiên tri đã trả lời:
Thượng đế có tồn tại, nhưng không phải là con người bằng da bằng thịt. Đó là một quả cầu lửa chói lòa. Chỉ có ánh sáng và không có gì nữa.
Có lẽ Vanga đã thấy chính Chúa Giêsu trong trạng thái tâm linh đã biến đổi của Ngài.
Nhưng, như đã nói ở trên, bản thân các đại diện của Thánh đoàn Ánh sáng không coi bản thân mình là các vị thần, mà chỉ như những người anh lớn, người hướng dẫn và lãnh đạo tinh thần của con người. Họ giống như cầu nối, là mắt xích liên kết Trái Đất của chúng ta với thực tại vũ trụ Tối cao, với Tạo hóa siêu nhiên và không thể hiểu được, với Ý thức Vũ trụ. Như A. Klizovsky, đồng sự của E.I. Roerich, viết về bản chất của Thượng đế và Thánh đoàn Ánh sáng:
...toàn bộ cuộc sống đa dạng của vũ trụ cùng với sự tiến hóa và tất cả trật tự hài hòa của nó mà chúng ta quan sát thấy trong vũ trụ được thực hiện với sự trợ giúp của Thánh đoàn Ánh sáng. Hàng triệu thành viên thuộc các cấp lãnh đạo, lực lượng và quyền lực khác nhau tham gia vào việc thiết lập và quản lý vũ trụ, chứ không phải chỉ một mình Đức Chúa Trời thực hiện điều này như rất nhiều người theo đạo Ki-tô đã tưởng lầm.
A.I. KLIZOVSKY
Những nét cơ bản về thế giới quan trong kỷ nguyên mới
Như vậy, các đại diện của Thánh đoàn Ánh sáng là những người thực thi Tạo hóa đích thực và là sứ giả của Thượng đế trong thế giới trần tục của chúng ta.
Những người sáng lập các tôn giáo trên thế giới cũng thuộc Thánh đoàn này. Trong những văn bản mà B. Abramov nhận được có viết về điều này:
...Sự khác biệt giữa các tôn giáo là do cách tiếp cận khác nhau với Thánh đoàn Ánh sáng, do cách hiểu khác nhau về Thánh đoàn này. Thời đại, tính dân tộc và nét đặc trưng của các điều kiện đã để lại dấu ấn của mình. Nhưng trọng tâm của vạn vật là thống nhất. Người có trí tuệ sẽ thấy rằng trong các đức tin của con người (vốn bị giới hạn về phạm vi hiểu biết và mức độ nhận thức có được), đằng sau những tên gọi và những hình thức biểu hiện bên ngoài khác nhau, chính là cái bản chất thống nhất đó. Dưới những lớp vỏ bọc khác nhau của các thời đại và dân tộc, anh ta sẽ thấy được rằng gắn với các đức tin đó là những Nhân cách Vĩ đại đã Cống hiến cho thế giới những Tri thức phù hợp với mức độ phát triển của dân tộc đó, dưới hình thức này hay hình thức khác của triết học, tôn giáo, tín ngưỡng hoặc học thuyết. Chân lý vẫn luôn như vậy cho dù nó được đưa ra chỉ phần nào...
Muôn mặt Agni Yoga, tập 8, đoạn 144
Kinh Thánh Lửa được trao cho nhân loại dưới hình thức của một học thuyết triết học mà không phải một giáo lý tôn giáo. Nó kết hợp sự uyên thâm của những kiến thức bí truyền cổ đại với những thành tựu khoa học hiện đại, đó là lý do tại sao trong các tác phẩm của E.P. Blavatsky và Roerich có rất nhiều mối liên quan với các nghiên cứu khoa học trong nhiều lĩnh vực khác nhau.