Đã có nhiều cuốn sách viết về Chân dung nhà văn Việt Nam, Chân dung và bút tích, Chân dung và đối thoại… Bộ sách Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược này, lần đầu tiên tập hợp đầy đủ, giới thiệu chi tiết về “khoảng lặng mà hết sức sôi động bi hùng” trong cuộc đời các nhà văn có số phận đặc biệt, bị bắt bị giam vào nhà tù đế quốc thực dân nhưng vẫn giữ trọn khí tiết, trung thành bất khuất, nêu tấm gương sáng về phẩm chất người chí sĩ yêu nước, người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Nhà văn khi sa vào tay kẻ thù đều trung kiên bất khuất như bất kỳ chiến sĩ yêu nước nào. Đặng Dung trước lúc hy sinh còn để lại bài thơ “Cảm hoài” bất hủ. Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu… bị kết án tử hình, nhưng rất mực kiên trung; Tố Hữu, Xuân Thủy, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Vĩnh Mai, Trần Kim Trắc, Võ Quê… trải qua hết nhà tù này đến trại giam khác; Trần Mai Ninh bị khoét mắt dẫn đi rong trên đường phố Tuy Hòa, Nguyễn Quang Diêu chết âm thầm khi vẫn mang trên người án tù biệt xứ vượt ngục…
Nhưng khác với người bình thường, nhà văn tuy bị giam trong tù, mất tự do, thể xác đau đớn mà tâm hồn vẫn tự do, vẫn dành cho thơ, tâm trí vẫn chăm chú quan sát và ghi chép lại các cảm xúc, sự kiện quanh mình. Sau 13 năm trong nhà tù Yên Kinh (Bắc Kinh) Lê Quýnh mang về một tập “Bắc hành tùng ký” và 30 bài thơ. Giữa những ngày tuyệt thực trong nhà tù Lao Bảo, nghĩ đến cái chết mà Tố Hữu vẫn bình thản… Như cày xong thửa ruộng/ Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng/Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành.
Trên đường đi đày từ Hà Nội lên Sơn La mấy anh em nhà văn trong đám tù dây chợt nhìn thấy những bông hoa đỏ tươi rực rỡ trên sườn núi thì vui sướng kêu lên: Nhạn lai hồng!/ Giờ đây hoa Nhạn lai hồng (có nơi gọi hoa Trạng Nguyên) ngập tràn các nơi báo tin vui mỗi độ xuân về.
Bài thơ Đập đá Côn Lôn được khắc trên cổng vào Khu đập đá khổ sai ở Di tích nhà tù Côn Đảo, không chỉ nhằm tôn vinh sự bất diệt của truyền thống đấu tranh, mãi mãi tưởng nhớ một nhà thơ yêu nước vĩ đại mà còn vì, như khách tham quan trầm trồ khen ngợi “Thơ hay quá!”
Nhiều người vì duyên nợ văn chương yêu nước mà phải ngồi tù; nhiều người vào tù rồi làm thơ, trở thành nhà thơ, ra tù viết hồi ký trở thành nhà văn.
Cho đến hôm nay, đã có hàng nghìn cuốn hồi ký về tù đày trại giam do những người yêu nước, chiến sĩ cách mạng bị bắt, bị tù đày viết ra; thêm ngày càng nhiều những tiểu thuyết, truyện ký về đề tài tù đày do các nhà văn, nhà báo sáng tác; Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, Sống như Anh của Trần Đình Vân, Mối tình trong tù ngục của Nguyễn Tân (giải thưởng văn học Công an Nhân dân “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 1999 - 2002)… được tái bản nhiều lần chứng tỏ nhu cầu của thế hệ trẻ hôm nay.
Từ đó, những trang viết giản dị trong cuốn sách này mang lại cho chúng ta điều to lớn, mới mẻ: Có một dòng văn học viết về nhà tù đế quốc xâm lược! Nó giống như những nguồn suối có từ trước, rất lâu, nhỏ lẻ, rải rác giờ đây được tập hợp lại, cho thấy cả một dòng chảy độc đáo. Nếu tính về tuổi, nó xuất hiện rất sớm, từ thời nhà Minh, nhà Thanh đô hộ nước ta. Nó phát triển cực kỳ mạnh mẽ vào thế kỷ XX, những năm thực dân đế quốc xâm chiếm nước ta. Và ngày nay, tổ quốc độc lập, nước nhà thống nhất, nhân dân thoát cảnh nô lệ, cuộc sống ngày càng ấm no thì nó càng được quan tâm, có sức sống dồi dào, là tài sản thiêng liêng, tinh hoa của dân tộc, một động lực mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng con người thời đại mới.
Lê Văn Ba (Trần Khắc Cần) cũng là một chiến sĩ cách mạng đã bị bắt, bị giam trong nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) thời kỳ 1947-1954. Với tình cảm thiết tha và đầy tinh thần trách nhiệm, trong cuốn sách này, ngoài những nét chung nhất về cảnh tù đày, ông còn giúp chúng ta thú vị nhận ra tính cách cố hữu của từng văn hữu quen thuộc: Ông già Sơn Nam ngồi trong nhà giam Phú Lợi phập phèo khói thuốc thả hồn về miệt vườn Nam Bộ viết Hương rừng Cà Mau; nhà thơ trào phúng Tú Mỡ hài hước cả khi bị bắt và khi trốn thoát khỏi đồn Tây; Nguyễn Tuân khinh bạc chỉ ghi vẻn vẹn một câu trong lý lịch để ở cơ quan Hội nhà văn “Đi căng một năm vì chứa chấp Phùng”; rất nhiều nữa: khí phách Tạ Ngọc Phách, bài Nhớ máu và món nợ máu Trần Mai Ninh, ngòi bút cứng cỏi Vũ Hạnh, nữ sĩ Vân Đài tiểu thư khuê các Hà Nội trong nhà tù hiến binh Nhật… Đó là thêm một điều khác biệt giữa cuốn sách này với những cuốn đã xuất bản về chân dung nhà văn Việt Nam. Và khái quát lại toàn bộ những gì mình nhiều năm tâm đắc, Lê Văn Ba khẳng định: từ sau cuộc đại chiến thế giới lần thứ II, xuất hiện ở nhiều nước một nền văn học mới mẻ viết về nhà tù, trại giam (trại giam của phát xít). Tham gia vào dòng văn chương đặc biệt mà nhân loại cầu mong không muốn có trên thế giới này, văn học viết về nhà tù, trại giam của Việt Nam xếp ở vị trí hàng đầu, cả về khối lượng đồ sộ, lẫn giá trị nội dung, nghệ thuật.
Hội Nhà văn Việt Nam những năm qua đã có nhiều cuộc hội thảo, lễ tưởng niệm, cùng các ngành, đoàn thể ra những cuốn sách về nhà văn liệt sĩ và chiến sĩ nhà văn. Những gì làm được quả là ít ỏi so với sự hi sinh to lớn của lớp người đi trước. Riêng mảng văn học viết về nhà tù trại giam, - một mặt trận theo đúng nghĩa của nó - chưa được quan tâm thích đáng, mà nhân chứng, tư liệu ngày càng mất dần hoặc có dấu hiệu đi vào quên lãng. Ở đây, không chỉ là giáo dục truyền thống, động viên lòng yêu nước mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là văn hóa. Trong bối cảnh đó, Bộ sách Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược này có ý nghĩa như một tượng đài vinh danh các nhà thơ, nhà văn, tác gia, tác phẩm ưu tú đã làm nên một dòng văn học độc đáo trong văn học Việt Nam.
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam