Trần Bảo Hưng
(Nhà lý luận - phê bình)
“Chiến sĩ cách mạng - nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc” tập 1 của Lê Văn Ba (550 trang, khổ 14 x 27cm)1 - NXB Văn hóa - Thông tin vừa xuất bản, giới thiệu 56 chiến sĩ cách mạng - nhà văn từng bị bắt, tù đày trong nhà tù của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ... trong cuộc trường chinh lâu dài, gian khổ và bất khuất của dân tộc để giành độc lập, tự do. Đây là cuốn sách đầu tiên giới thiệu có tính hệ thống những chiến sĩ cách mạng, yêu nước Việt Nam bị kẻ thù bắt tù đày nhưng ở trong tù họ lại tiếp tục đấu tranh không chỉ với tư thế của một chiến sĩ mà còn với tư cách của một người cầm bút tiếp tục tố cáo tội ác của giặc, tỏ rõ khí tiết, luôn luôn lạc quan tin tưởng vào ngày mai tất thắng của dân tộc. Họ có thể là những lãnh tụ cách mạng, những nhà yêu nước lớn, những nhà văn cũng có khi chỉ là những chiến sĩ bình thường... Viết văn, làm thơ để tỏ rõ ý chí của mình - chứ không định sáng tác theo nguyên lý thường tình. Nhưng không ít áng văn, bài thơ của họ lại có giá trị nghệ thuật cao, trở nên bất tử, không ít người xuất thân là người cách mạng, sau khi ra tù sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị như những nhà văn chuyên nghiệp.
1 Năm 2011 NXB Văn Hóa – Thông Tin giới thiệu một phần cuốn sách này mang tên “Chiến sĩ cách mạng – Nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc”.
Chúng ta bắt gặp trong cuốn sách, chân dung của nhiều lãnh tụ cách mạng, những nhà ái quốc như: Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Sóng Hồng, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Thụ, Tôn Quang Phiệt, Xuân Thủy, Trần Huy Liệu...; nhiều nhà văn, nhà văn hóa lớn, như Trần Tuấn Khải, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Tú Mỡ, Lý Văn Sâm, Vũ Bão... Tác giả xếp danh sách theo thứ tự tháng, năm các nhà văn bị bắt, bị tù. Có thể nói cuốn sách đã tập hợp được một khối lượng tư liệu đồ sộ, do tác giả sưu tầm trên sách báo và trong nhiều trường hợp là tài liệu do thân nhân, gia đình của các nhà văn cung cấp. Với tài liệu quý giá, phong phú ấy tác giả xử lý, sắp xếp một cách khoa học: “Với từng nhà văn, chúng tôi trình bày tóm tắt tiểu sử, nêu rõ thời gian bị bắt, bị tù, liệt kê các tác phẩm viết trong nhà tù, các tác phẩm văn học tiêu biểu. Tiếp đó là phần giới thiệu tác giả, những năm tháng sống trong nhà tù, các hoạt động, đấu tranh nổi bật thiên lương, phẩm cách nhà văn trong tù và sau này ra khỏi nhà tù. Và phần thứ ba, chúng tôi giới thiệu bài thơ, đoạn văn viết trong tù hoặc trích in một đoạn hồi ký, một đoạn tác phẩm nhà văn viết về tù đày” (Lời cảm ơn).
Những bài giới thiệu các tác giả hầu hết do Lê Văn Ba viết (một vài trường hợp ông sử dụng bài viết của các tác giả khác và đều có ghi rõ xuất xứ), thực sự có giá trị, có thể đứng riêng thành một tác phẩm độc lập. Với sự yêu mến, hiểu biết cặn kẽ, qua những trang viết Lê Văn Ba đã nêu bật được phẩm cách, thần thái, những nét riêng khó trộn lẫn trong cuộc đời cũng như sự nghiệp văn chương của từng người... Viết về Trần Cung, ông rút tít “Người tù khổ sai chung thân trở thành chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao”; về đồng chí Hồ Tùng Mậu: “Người làm báo miệng, xuất bản tiểu thuyết miệng”, kể chuyện Hồ Tùng Mậu xuất bản tiểu thuyết “Giọt máu hồng” bằng miệng trong tù. Sau được anh em khích lệ ông chuyển thành kịch bản sân khấu, tổ chức diễn trong tù, ông đóng vai chính và vở diễn rất thành công. Lê Văn Ba giới thiệu Nguyễn Cát Ngạc bị bắt khi tham gia cuộc vận động bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh (1926) và trong những năm 30 thế kỷ 20, với bút danh Nam Xương đã là tác giả hai vở kịch nổi tiếng “Chàng Ngốc” (1930), “Ông Tây An Nam” cùng với Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc... là những người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật kịch nói Việt Nam. Có thể nói viết về ai Lê Văn Ba cũng có những phát hiện thú vị: “Nhà thơ “tiền chiến” Quỳnh Dao vượt ngục Hỏa lò”; tiểu thuyết “Nhạn lai hồng” của Hoàng Công Khanh viết trong nhà tù Sơn La đến năm 1992 mới xuất bản lần đầu. Ông khẳng định “Hoàng Văn Thụ, nhà thơ dân tộc Tày” bởi ngoài bài thơ “Nhắn bạn” viết từ xà lim tử tù, Hoàng Văn Thụ còn sáng tác nhiều bài then, sli cách mạng... mà nếu thu thập đầy đủ chúng ta có thể in thành vài tập. Như lời khẳng định của Lê Văn Ba đến nay Hoàng Văn Thụ còn chưa được biết đến và giới thiệu với tư cách là một nhà thơ dân tộc Tày.
Đặc biệt giới thiệu chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng người bị tù sớm nhất trong số những tác giả được giới thiệu trong tập sách này (bị Pháp bắt đầy ra Côn Đảo từ 1908 đến 1911) Lê Văn Ba đã viết những dòng hào sảng về “Người cựu tù Côn Đảo khẳng định chủ quyền đảo Hoàng Sa.” Tác giả nhắc đến sưu tập những bài báo nổi tiếng của cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong đó có một bài khảo cứu rất đáng chú ý có tựa đề “Dấu tích đảo Tây Sa” (Paracels). Trên cơ sở viện dẫn những tài liệu đề cập đến Hoàng Sa và chủ quyền của Việt Nam trên những đảo này từ xa xưa, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định: “Vấn đề “quốc tịch đảo Tây Sa” này, nếu trên sân khấu quốc tế, nhân chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phần thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta.”
Có thể nói Lê Văn Ba là một cây bút đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì ông là một chiến sĩ cách mạng bị Pháp bắt giam tại nhà lao Hỏa Lò một năm (1952 - 1953) mà còn bởi cả đời mình ông đau đáu nghĩ và viết về những đồng chí, đồng đội của mình từng bị địch bắt và tù đày.
Lê Văn Ba (tên khai sinh Trần Khắc Cần), sinh năm 1934 tại làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tuy chỉ bị tù một năm nhưng ông cho biết nó đã để lại ấn tượng sâu đậm trong cả cuộc đời. Năm mươi, sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí ông, cảnh ngộ những đồng chí của mình bị đói khát, tra tấn, tù túng, bệnh tật... nhưng vẫn kiên cường bất khuất cứ thôi thúc, giục giã ông phải viết về họ, về những năm tháng không thể nào quên ấy. Ông viết như để trả nợ hai mảnh đất yêu thương: đó là quê hương và Hà Nội.
Về quê hương, ông viết “Miền quê Văn Giang” (truyện, NXB Văn hóa - Dân tộc, 1984); “Chử Đồng Tử - Tiên Dung, vùng đất con người” (NXB Văn hóa - Thông tin 1994). Rồi truyện những danh nhân của quê hương như Giáo sư Dương Quảng Hàm, nhà thơ Chu Mạnh Trinh... Gọi là viết về Hà Nội - nhưng chủ yếu Lê Văn Ba viết về nhà tù Hà Nội những năm tạm chiếm: “Hà Nội - một thời xa” (truyện dài, NXB Thanh niên - 2002), “Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò” (NXB Văn hóa - Thông tin - 2004), “Thơ viết trong nhà tù Hỏa Lò”, (NXB Văn hóa - Dân tộc - 2006), “Cây bàng lá đỏ” (tiểu thuyết - NXB Phụ nữ - 2009), “Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng”, (tập hồi ký, in chung - NXB Hà Nội - 2009)...
Do có ý định viết về nhà tù, nên từ hàng chục năm nay ông đã chú ý sưu tầm tài liệu. Hễ thấy bất cứ tài liệu nào liên quan đến nhà tù và người tù thời thực dân đế quốc là ông sưu tầm, nhặt nhạnh, phân loại, với ý thức khi có điều kiện dùng để sáng tác, biên soạn về đề tài độc đáo, nhưng còn ít người viết này. Những năm 2008 - 2009 ông bắt tay viết “Kể tiếp chuyện nhà tù Hỏa Lò”, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Khi viết Lê Văn Ba thấy có nhiều nhà văn bị bắt, tù đày quá - mà không chỉ ở nhà tù Hỏa Lò. Từ đó ông nảy ra ý định viết “Chiến sĩ cách mạng - nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc”. Càng viết càng thấy quá sức mình (theo thống kê sơ bộ của Lê Văn Ba, số nhà văn bị địch bắt, tù đày lên tới trên dưới 200 người,) phải là một tập thể mới có thể thực hiện được. Nhưng chờ đợi đến bao giờ! Số anh chị em bị tù từ kháng chiến chống Pháp trở về trước hầu hết đã mất, những người còn sống có khả năng viết lách cũng chẳng là bao. Số anh em bị tù đày trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam còn trẻ hơn, nhưng người viết cũng không nhiều, vả lại ông cũng ít có điều kiện liên hệ, nên ông cứ cố viết, viết như chạy đua với thời gian. Khi tập 1 cuốn “Chiến sĩ cách mạng – nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc” viết được 2/3, Lê Văn Ba mang đến nhờ nhà thơ Hữu Thỉnh thẩm định. Nhà thơ Hữu Thỉnh thích lắm, bảo quý quá, cái này phải để ở Bảo tàng văn học Việt Nam. Được ủng hộ, tác giả càng vững tâm hơn và bản thảo ngày càng dày thêm.
Khi viết “Chiến sĩ cách mạng – nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc” Lê Văn Ba luôn canh cánh 2 điều (và đó cũng là đóng góp của ông): thứ nhất là viết về góc khuất của các nhà văn còn ít được nhắc đến. Thông thường viết về cuộc đời của các nhà văn, người ta thường chỉ chú ý đến đời tư, chuyện tình, các giai thoại văn học… mà ít chú ý đến cuộc đời của các nhà văn đồng thời cũng là những chiến sĩ ở trong tù bất khuất, bi tráng. Trong lúc vẫn phải chịu trận như những chiến sĩ khác, các nhà văn ở trong tù vẫn không ngừng quan sát, ghi nhớ và sáng tác ngay tại thời điểm đó, hoặc sau này viết hồi ký.
Thứ hai, văn học trong nhà tù, trại giam là một nền văn học không ai muốn có, nhưng do hoàn cảnh đặc biệt của dân tộc ta nó vẫn tồn tại và có tiếng nói nhất định. Trước đây nói đến văn học yêu nước, cách mạng trong nhà tù, người ta thường chỉ nói đến khía cạnh chính trị, mà ít chú ý đến giá trị nhân bản, nghệ thuật văn chương. Cũng có thể nói đến ý nghĩa lĩnh xướng của văn học nhà tù trong dòng văn học cách mạng, yêu nước. Giai đoạn đầu thế kỷ 20, khi văn học công khai chỉ nói đến chàng và nàng, đầy rẫy buồn đau, bi luỵ… thì văn chương của Phan Bội Châu, Á Nam Trần Tuấn Khải… đã là những tiếng gọi đàn, tập hợp lương tâm của dân tộc. So với văn học trong nhà tù thế giới thì thơ văn trong tù của ta vào loại đặc biệt nhất cả về số lượng và chất lượng. Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của ta diễn ra hàng thế kỷ nên thơ văn trong tù cũng có số lượng khá lớn. Đây cũng là một giá trị đặc biệt của văn học yêu nước, cách mạng Việt Nam.
Bây giờ thì Lê Văn Ba đã gần hoàn chỉnh bản thảo “Chiến sĩ cách mạng – nhà văn Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc” tập 2 cũng với độ dài bằng hoặc nhỉnh hơn chút ít so với tập 1. Ông có ý định mở rộng tới những nhà văn, nhà thơ yêu nước thời phong kiến bị giặc bắt như Đặng Dung, Nguyễn Phi Khanh… và Lê Văn Ba cũng định nghiên cứu những trường hợp người nước ngoài viết về nhà tù ở Việt Nam… Như vậy, nếu bộ sách hoàn thành có thể sẽ là vài tập, chứ không chỉ hai tập như dự định ban đầu.
Xin mạn phép có mấy lời bàn, qua việc làm tâm huyết và hết sức có ý nghĩa của Lê Văn Ba. Chúng ta thường nói phải biết ơn và ghi công những nhà văn, chiến sĩ từng vào tù ra tội, đã tạo nên bản sắc rất riêng của văn học yêu nước Việt Nam. Chúng ta lại cũng từng khẳng định văn học yêu nước trong tù có giá trị rất to lớn về nội dung và nghệ thuật. Vậy thì tại sao lại không có một Dự án để hoàn thành một công trình vừa có ý nghĩa to lớn về học thuật, vừa có ý nghĩa sâu sắc về đền ơn đáp nghĩa? Dự án này có thể do Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch hoặc Hội Nhà văn Việt Nam (mà trực tiếp là Bảo tàng Văn học Việt Nam) đảm nhiệm? Bởi 2 tập sách của Lê Văn Ba mới chỉ là sơ khảo, bước đầu và cũng như ông nói là quá sức đối với một cá nhân. Và với sức lực khiêm tốn của một cá nhân, với mỗi tác giả, Lê Văn Ba mới chỉ dám trích in một vài tác phẩm. Theo chúng tôi sách trong Dự án này phải có tham vọng giới thiệu được toàn bộ những sáng tác thơ văn trong tù mà chúng ta có thể sưu tầm được. Công việc này nếu hoàn thành sẽ cho chúng ta có được cái nhìn toàn cảnh về văn chương yêu nước, cách mạng trong nhà tù. Việc làm này sẽ rất có ích đối với công tác nghiên cứu, cũng như học tập những giá trị truyền thống của đông đảo công chúng.
Và tôi cũng tiếp tục ước mơ: Tại sao chúng ta không nghĩ tới những bộ sách như: Chiến sĩ cách mạng – nhạc sĩ, hoạ sĩ… Việt Nam trong nhà tù thực dân, đế quốc?
(Báo Văn Nghệ số 5, ngày 24/12/2011)