(Tôi viết cuốn sách này...)
Thế là tôi được vào Hỏa Lò.
Còn nhớ đấy là một ngày đầu tháng Mười, năm một chín năm hai.
Nhà tù Hỏa Lò nhiều người gọi là nhà đá vì tường xây kiên cố bắng đá hộc cao 5 mét, bên trên cắm mảnh thủy tinh và căng dây điện. Cổng lớn xây vòm, hai cánh cửa hắc ín đen sì, bên trên nổi bật hàng chữ Maison centrale (Nhà tù trung ương) uốn cong như cái mũ kim cô úp chụp xuống đầu mọi người. Lính gác lăm lăm tay súng canh trước cổng, trên chòi cao và tất nhiên rất nhiều cảnh binh, cảnh sát, mật vụ... lảng vảng canh gác suốt ngày đêm. Tôi rùng mình đi qua bãi trống trước cổng nhà tù. Đây là nơi đặt máy chém hành hình tử tù. Có đợt 7 cái đầu rơi một lúc, máu đỏ loang, thấm đẫm mặt đất.
Từ lúc này, tôi biết mình mang số phận một người tù, tù Hỏa Lò.
Hai cánh cổng nặng nề mở ra như miệng con quái vật khổng lồ nuốt chửng lấy chúng tôi, cả một đoàn gồm bốn anh em áp phe học sinh kháng chiến Hà Nội cùng toán cảnh sát áp giải.
Một thằng Tây thấp lùn bụng phệ, đầu hói, râu quai nón vàng khè sau này tôi mới nghe anh em gọi nó là “thằng râu ngô”, phó giám đốc nhà tù, tên là Mi-sen (Michell) ra điểm danh, nhận diện từng người tù mới. Nghe gọi đến tên mình, tôi bước lên, Mi-sen dương đôi mắt xanh lè nhìn tôi soi mói, nhắc lại bằng cái giọng lơ lớ “Trăn Khác Căn” (Trần Khắc Cần). Rồi chúng tôi bị lùa vào một căn phòng căng lưới thép, lột hết quần áo và đồ đạc, há mồm, dạng cẳng khom người cho kẻ khám xét đứng phía sau kiểm tra tôi có giấu trong hậu môn thức gì đó.
Tiếp theo chúng tôi được dẫn qua sân, qua một cổng sắt, bên phải có dãy xà lim. Lại qua một lần cổng sắt nữa, tiếng xích, khoá loẻng xoẻng. Mở ra trước mắt tôi là cái sân rộng trồng nhiều cây bàng chớm vào thu tán lá xanh đen lác đác màu vàng, đỏ sẫm. Và nhiều trại tù. Đây mới là nơi giam tù. Mỗi trại hàng trăm người. Anh em đang leo lên song sắt, tò mò nhìn chúng tôi, có người nhanh nhảu hỏi vọng xuống “Bị bắt lâu chưa?”, “Tỉnh nào đấy, tội gì?”
Thế giới nhà tù rất lạ.
Nhưng lúc này tôi vẫn chưa dứt ra khỏi cái cảm giác “mừng,” - mừng chứ không vui, - nhưng quả là có thật và nó cứ nhè nhẹ lâng lâng, bay bổng trong đầu: Thế là mình được vào Hỏa Lò!
Bởi vì “được” vào Hỏa Lò có nghĩa ra khỏi Nha công an, có nghĩa đã xong cung, vượt qua giai đoạn thử thách khó khăn ác liệt nhất.
...Tôi bồi hồi nhớ lại. Đó là buổi chiều cách đây hai tháng, tôi bị bắt cùng với máy chữ, nhiều tài liệu và báo Nhân Dân Cứu Quốc vừa nhận được, báo Nhựa sống tiếng nói của học sinh kháng chiến Hà Nội chúng tôi vừa in xong. Dợm bước vào xà lim nha công an Bắc Việt tôi giật mình thấy qua song sắt có bóng người quen. Còn đang rối bời trong đầu vì những câu hỏi vì sao mình bị bắt? Do có kẻ phản bội hay mình sơ hở? Còn những ai bị bắt trong đợt này?… thì đã bị gọi lên thẩm vấn. Ngay lập tức một trận đòn phủ đấu tối tăm mắt mũi.
Chúng nó để tôi và Lê Tám ngồi xổm dưới sàn nhà. Thằng Lành “tra tấn viên” (thẩm vấn viên) ngồi sau bàn giấy. Cái thằng răng vổ đen xỉn ngoáy một vòng quay máy điện. Nó ác, đểu ở chỗ chỉ thỉnh thoảng mới nháy một tý cho chúng tôi bất ngờ bị giãy, giật, kêu rú lên rồi nó mới quay khi thong thả, từ từ khi xoáy tít lên cho đến khi thấy người bị tra tấn nằm chết lặng. Nó lần lượt tra tấn người này nhằm uy hiếp tinh thần người kia, để chúng tôi nhìn thấy nhau, thay nhau và đau đớn giãy giụa trước mặt nhau. Hai hàm răng nó nghiến kèn kẹt:
- Nhìn thấy ông bà ông vải chưa, con?
Sau một giờ tra hỏi, ghi chép những lời khai của chúng tôi, bất ngờ nó trợn mắt, lồng lên:
- A! chúng mày dám đánh lừa bố mày!
Nó xưng là bố, gọi mình là con. Nhục! Nhưng vẫn phải ngồi dưới chân nó, hai tay chống phía trước đề phòng ngã đập mặt xuống sàn, gãy răng, cắn phải lưỡi. Và óc, cố tỉnh táo nghĩ lời khai hợp lý, giấu nó, lừa nó.
Anh em tù Hỏa Lò người cũ gặp người mới thường hỏi nhau: Thằng nào hỏi cung? Nghe trả lời: Thằng Lành - Lành vẩu? Gật đầu. Thế là biết “đẳng cấp” nhau.
Lê Tám bị đánh dữ hơn tôi nhiều. Trong xà lim anh đã treo cổ lên chấn song, rạch bụng và cắt ven tay nhưng chúng nó kịp đưa ra nhà thương Phủ Doãn cứu sống. Nửa đêm, anh vừa mở mắt, lập tức chúng lôi lên xe, đưa trở lại nha công an, tra hỏi tiếp.
... Lúc này đây, lúc này, đã xong cung. Có nghĩa qua được trận đầu thử thách ác liệt. Đấy là cái giá trả cho khí tiết vẹn toàn.
Vì thế mới “được” vào Hỏa Lò. Và nỗi mừng giấu kín trong lòng là thế… Đoạn này ai có qua cầu mới hay (nhại Kiều).
Cộng cả những ngày bị bắt giam vào nha công an, thời gian nằm bệnh viện và thời gian ở Hỏa Lò chờ xử án, tôi bị thực dân Pháp giam giữ một năm tròn.
Một năm trong tù.
Thời gian không phải là nhiều.
Nhưng những ngày tháng ít ỏi này, chẳng hiểu sao cứ đeo bám tôi, ám ảnh, in hằn trong óc tôi.
Những năm đầu thoát khỏi nhà tù thì cái việc “nó” quấn lấy tôi mật thiết hơn. Tôi đã viết một bài báo kể lại chuyện mình nhiều đêm ngủ tự nhiên nói mê lảm nhảm, kêu hét lên. Vợ nằm bên cạnh hốt hoảng lay gọi. Tôi nói: Ừ, ngủ mê ấy mà, có gì đâu! Trả lời vợ, nhưng đầu óc tôi vẫn miên man: vừa rồi thằng Lành đánh đau quá, mình không chịu khai, nên nó tra tiếp, mới kêu thét lên. Mồ hôi trên người vẫn túa ra, tôi nằm duỗi thẳng chân tay, rồi lại thiếp đi.
Bạn tù thân thiết cũng nhiều người hoàn cảnh như tôi. Đêm ngủ, nằm mê (mê chứ không phải mơ). Bị tra tấn, hỏi cung, bị cùm.
Có người dắt xe ra cửa, vừa nghe bà vợ hỏi: Ông đi đâu đấy? Chẳng hiểu sao ông cáu kỉnh cằn nhằn : Bà giám sát tôi chặt chẽ như cai tù Hỏa Lò! Có lần trong bữa ăn, ông gắp miếng gân bò sốt vang, giơ cao cho cả nhà xem, hả hê: Cơm tù mà vớ được miếng thịt trâu quai guốc này, tuyệt! Vũ Bằng viết Miếng ngon Hà Nội hay thế mà không có miếng ngon Hỏa Lò. Nẫu!
Thì ra không phải chỉ riêng mình!
Những năm sau này thì số lần gặp gỡ giữa tôi và “nó” thưa hơn nhưng “dứt khoát” với nhau thì không hề!
Nó. Hình ảnh những cây bàng xanh tốt trong sân nhà tù Hỏa Lò. Tiếng xích, khóa “xoẻng xoẻng,” tiếng cửa sắt đóng “rầm,” tiếng bước chân cai tù rón rén, chợt dừng, rồi lại rón rén trong đêm... Nó, những kỷ niệm sâu sắc, đặc biệt là những gương mặt người xa khuất...
Tôi cầm bút lên, ban đầu chỉ là ghi lại một kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày tù, về những bạn tù... Cũng không biết tự lúc nào, thấy bài báo nói về tù đày là tôi cắt giữ, xếp đầy một ngăn tủ, thấy hồi ký, truyện, thơ về tù đày thì mua, mượn, ra thư viện tìm đọc. Cả tiểu thuyết, truyện dịch văn học nước ngoài về ngục tù phát xít Đức, Nhật. Tôi không bỏ qua những cuốn truyện viết về người tù nước ngoài do tư thù cá nhân mang oan ức tưởng chết dưới hầm sâu ngục tối nhưng vượt ngục, trở về trả thù. Thấy họ khác mình quá. Đấy là loại truyện trinh thám, ly lỳ, rùng rợn.
Rồi, đến một lúc tôi không rõ “nó” tìm tôi hay tự tôi đi tìm “nó”. “Nó” hành tôi hay tự tôi bắt tội mình.
Tôi chỉ ở tù có một năm. Mà năm nay 80 tuổi rồi!
Một buổi, lâu rồi, đã lâu lắm. Đang ngồi mải mê viết thì chợt nghe tiếng động, tôi ngẩng đầu lên, thấy bóng người lại gần. Người lạ mỉm cười thân thiện:
- Còn nhớ mình không? Tôi lắc đầu:
- Nhìn dáng người, nét mặt thì biết là bạn cũ, người quen, nhưng không nhớ tên.
- Cùng cánh Hỏa Lò với nhau cả đây mà.
- À!...
- Quên rồi?
- Quên làm sao được.
- Cũng có nhiều người quên.
Tôi gật đầu: Có nhiều người quên. Nhưng quả quyết nhắc lại:
- Tôi không quên!
Một lúc sau, tôi đứng lên, thấy nhiều người trước mặt, như chờ đợi.
Chợt nhận ra điều mình nói như một lời hứa liền giật mình, vùng vẫy:
- Tôi có nợ nần gì các anh đâu! Giọng ồ ồ:
- Có đấy! Có đấy!
Gian phòng chìm trong yên lặng. Lại nghe tiếng nói thanh thanh, độ lượng, hút hồn:
- Thế nào?
Tôi chỉ biết cúi đầu:
- Thôi thì, như các cụ đã dạy: Cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần.
Từ cái buổi định mệnh ấy, tôi lặng lẽ, lầm lũi, lo lắng trang trải “công nợ”. Cũng đã có lần tìm người san sẻ, nhưng Vũ Bão đang mê mải với Utopi một miếng để đời, Hoàng Công Khanh sau Ba, Bảy, Chín lênh đênh tìm về Quán cháo lú. Anh muốn quên đi hết hay bực mình vì chẳng lú, quên được chút nào? Dưới âm phủ cũng có cháo dỏm!
Các anh bảo tôi:
- “Nó” đã chọn cậu thì cứ phải gánh lấy. Chúng mình cũng đang nợ đầm đìa.
Tôi viết Kể chuyện Hỏa Lò, sưu tầm Thơ trong nhà tù Hỏa Lò, ghi lại Chuyện tình của những người tù… Hỏa lò là nhà tù trung tâm, người bị bắt từ Hồng Kông, Băng-Cốc, khám lớn Sài Gòn… được dẫn độ về đây. Cũng từ đây, những người tù thành án bị lưu đày Côn Đảo, Sơn La… Và trong khi tìm về những số phận vất vả, tôi thấy có một loại người “đặc biệt”. Họ là người của công chúng. Nhưng cuộc đời họ lại có một khoảng thời gian nằm mãi trong góc khuất. Đó là những nhà văn bị quân xâm lược bắt, giam hãm tù đày trong quá trình hoạt động chống lại chúng.
Từng ngày, từng ngày, tôi “nhận diện” đối tượng mà tôi phục vụ. Thú thực, nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực, chưa đủ tầm để hiểu biết, chứ chưa tính đến chuyện viết thành chữ nghĩa, trang in.
Bao nhiêu tháng ngày dằn vặt, khổ đau. Quên thì không thể nào quên được mà nhớ thì… hình như đã có lúc mình thề trước những người ấy, gạch đá cùm xích ấy, cây bàng, miệng cống ấy, cả những nơi tôi đến và chưa đến: Sơn La, Côn Đảo, Phú Quốc, Lao Bảo, Hanh Thông Tây…. Hình như có lần “nó” giễu cợt tôi: Không làm, chẳng sao, có ai bắt tội anh đâu. Hình như có lần “nó” khinh bỉ tôi, rằng mày là đồ bạc bẽo, giờ thì sướng rồi, quên hết rồi.
Tôi tự ái: Quên thế nào được!
Tự nhiên thấy tim đau thắt lại: Quên? Quên!
Rồi nước mắt ứa ra: Quên làm sao được!
Mà muốn quên cũng chẳng được. Bản lĩnh như cụ Nguyễn Tuân, “nó” cũng có tha đâu. Cụ bị phản bội (tôi hạ đúng từ của những người hoạt động cách mạng dùng trong trường hợp như thế này) nên “không thèm” nhắc tới chuyện mình bị bắt, tù đày. Dứt khoát quên hẳn cái chuyện ấy đi! Ấy thế mà bữa ngồi uống rượu với Tản Đà, thấy nhà thơ ngông đứng dậy cầm thanh kiếm múa tít, Nguyễn gật gù: đường kiếm của Tản Đà bay loang loáng, có thần lắm. Rồi Nguyễn buột miệng (buột tay viết hồi ký):.. Chưa bao giờ tôi tập đánh kiếm. Nhưng hồi còn ở lao, có mấy người tù đàn anh đã đi cho xem cả môn độc kiếm, môn song kiếm… Tôi thấy ông Tản Đà hôm ấy múa tròn lắm, đường kiếm lúc nào cũng che kín người… những miếng xả, miếng tuốt cũng lợi hại lắm…
Tôi như thấy mình đang đứng trước cụ Nguyễn:
- Chẳng ai khảo, tự mình nói ra đấy nhé!
Chao ôi, thanh “kiếm” của Tản Đà là con dao phay do anh Phục đưa cho bố. Vậy mà đường kiếm dao phay ấy cũng đủ ma lực đưa Nguyễn Tuân nhớ về những ngày ở châu Lạc Sơn. Ghê gớm thay quá khứ tù đày!
Công bằng mà nói, từ ngày “bập” vào công việc này, cũng nhiều lúc tôi thấy vui. Mê mải chẳng khác người tìm vàng. Đào trúng vỉa, càng ra sức đào bới. Hết mạch nảy tiếp vỉa khác…
Như chuyện anh Hoàng Văn Thụ. Mọi người chỉ biết bài thơ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành. Đến lúc gặp bà Thanh tôi biết thêm chuyện trên chuyến xe đưa tử tù ra trường bắn, các đồng chí đã mấy lần tìm cách giải cứu nhưng anh Thụ từ chối; chuyện ngôi mộ Hoàng Văn Thụ ở Hoàng Mai chỉ là mộ giả, còn xác anh được bí mật chôn ở một khu nghĩa địa làng ven đường Hà Nội - Hà Đông. Mấy năm sau tôi “phát hiện” Hoàng Văn Thụ còn là nhà thơ dân tộc Tày giỏi đàn Tính, làm nhiều bài thơ cho các cô gái vùng cao hát then hát lượn Đông Dương xứ đẹp giàu/Nhưng nay co quắp như con nhộng/ Chưa mọc cánh bay ra cuộc sống… Rồi tôi lại “tìm ra” cùng bị xử bắn với Hoàng Văn Thụ còn một người nữa, một đoàn viên thanh niên cứu quốc Hà Nội hết sức trung kiên1.
1 Xem bài: Khi chiếc xe chở anh Hoàng Văn Thụ rẽ vào trường bắn (Báo Đại Đoàn kết chuyên đề số 2 tháng 8-1993), bài Chuyện về người liệt sĩ hi sinh cùng lúc với Hoàng Văn Thụ (Báo Tiền Phong chủ nhật số 12 từ 16- 22/3/2009), bài Hoàng Văn Thụ Nhà thơ dân tộc Tày (Tạp chí Thơ, hội Nhà văn Việt Nam số 2/2011).
Sự đời, có người không ăn cháo lú, có người ăn phải bùa mê.
Không ăn cháo lú nên nhớ mãi những năm tháng tù đày.
Ăn phải bùa mê nên suốt đời mê mải chuyện nhà tù, người tù.
Một năm, rồi hai năm, ba năm... Những trang viết dần dần hiện ra, đầy lên. Một người bạn nhìn thấy, gật gù, khen:
- Thơ Cảm hoài của Đặng Dung, Bắc sở tự tình phú của Lê Quýnh... Được đấy!
Nhưng đọc tiếp, anh nói với tôi một cách gay gắt:
- Nguyễn Tuân bị tù bao giờ? Tôi nhã nhặn thưa:
- Có đấy!
- Anh bạn:
- Chắc ông nhà văn lập dị, sành ẩm thực này đi tom chát với chị em xóm Khâm Thiên nên bị đưa vào bóp chứ gì.
Tôi vẫn nhã nhặn:
- Đọc cuốn sách này, anh sẽ biết thêm trong nhà văn Vang bóng một thời, có chiến sĩ cách mạng Nguyễn Tuân, trong chiến sĩ cách mạng Hoàng Văn Thụ là nhà thơ dân tộc Tày.
Thì ra cuốn sách động tới một “góc khuất” trong cuộc đời nhiều nhà văn vốn là những người của công chúng mà thiên hạ đã biết qua nhiều bài báo giới thiệu tỉ mỉ vạch vòi đến cả chuyện sâu kín riêng tư. Nhưng chuyện tù đày của họ thì...
Năm 1930 sau khi ra tù Nguyễn Tuân còn bị quản thúc ở quê nhà, hàng tháng phải đến sở cẩm trình diện. Nguyễn bật mí “Mình vẫn còn giữ cuốn sổ trình diện ấy với chi chít dấu ấn của sở cẩm.” Mười năm sau, Nguyễn Tuân ra Hà Nội, lại bị bắt, đi tù. Hai tháng trời tra hỏi, vặn vẹo đủ thứ: Chúng mày còn có những ai? Thằng Phùng trốn ở đâu? Từ Hỏa Lò bước ra, ông được một người lính dong lên Hòa Bình, đi bộ qua nhiều đèo dốc, tới “căng” an trí tại châu Lạc Sơn. Hôm ấy là ngày mồng một Tết Tây năm 1941.
Không mấy người biết chuyện tù đày của Nguyễn Tuân. Con người khinh bạc chỉ vẻn vẹn lưu một dòng chữ trong bản sơ yếu lí lịch để ở hội Nhà văn Việt Nam: “Đi căng một năm vì chứa chấp Phùng” (cũng là một cán bộ hoạt động bí mật, được nhân dân nuôi giấu che chở nên tôi thấy mình bị tát bốp vào mặt khi đọc hai chữ chứa chấp này!) Vì không bị vạch mặt chỉ tên nên ông cán bộ nọ (họ Phùng) cứ ung dung lên chức, lên lương1. Và Nguyễn, nhà văn lớn không có tên trong bảng vàng vinh danh các chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp bắt tù đày hôm nay trưng trong Bảo tàng di tích cách mạng nhà tù Hỏa Lò.
1 Năm 2010, sau khi đọc bài Nhà văn Nguyễn Tuân hai lần bị bắt, vào tù, nhà thơ Yên Thao rỉ tai tôi: Năm ấy, cấp trên dự kiến đề bạt ông Phùng lên một chức vụ cao hơn. Nhưng tổ chức trung ương cẩn thận xem xét thêm, kịp thời phát hiện trong lý lịch ông ta có những điểm khai báo thiếu trung thực. Ban đầu dự kiến khai trừ ông Phùng, nhưng sau khi cân nhắc, chi bộ đồng ý cho ông viết đơn xin ra khỏi Đảng, về hưu!
Một người bạn khác nói với tôi:
- Có những tên tuổi như Đặng Thai Mai, mọi người quen gọi kính trọng giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa… Nay cũng có ảnh trong cuốn sách này?
Tôi thưa lại:
- Trong cuốn sách này, chúng tôi giới thiệu thời tuổi trẻ của Đặng Thai Mai, nguyên Viện trưởng Viện văn học, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Những năm 1929-1930 ông hai lần bị bắt, hai lần ra tòa, bị kết án 3 năm tù treo tiếp đó là ba năm tù giam. Chúng tôi cũng trích giới thiệu hai bài thơ và một truyện ngắn của nhà văn Đặng Thai Mai viết về người tù.
Thêm một người bạn nữa chất vấn:
- Như vậy, cả đến Á Nam Trần Tuấn Khải cũng là chí sĩ, chiến sĩ ?
- Vâng, cả Tản Đà, Phan Khôi… cả nhà thơ Công Giáo Gioan Baotixta Mai Lão Bạng, nhà thơ hoàng tộc Bửu Đình dòng dõi vua Minh Mạng… nhiều lắm. Đều tài giỏi văn chương, đều là những người yêu nước, có tinh thần dân tộc, có tinh thần cách mạng. Cách mạng, hiểu theo nghĩa rộng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng mà.
Ý kiến “phản biện” của những người bạn nhắc tôi càng phải thận trọng, nghiêm túc trong việc sưu tầm danh sách, tư liệu. tác phẩm về những chí sĩ - nhà văn - chiến sĩ - người tù.
Có những nhà cách mạng nổi tiếng bất khuất, kiên trung nhưng không để lại một vần thơ, bài báo viết về tù ngục cũng như có nhà văn nổi danh, nhiều tác phẩm văn chương giá trị nhưng chưa một lần nếm mùi ngục tù thực dân đế quốc thì không có tên trong sách này.
Danh sách các chiến sĩ - nhà văn trong cuốn sách này chúng tôi xếp thứ tự theo thời gian bị bắt, tù đày. Khởi đầu là các vị tiên liệt hi sinh ngay từ những ngày Đằng giang tự cổ huyết do hồng; Đầu có thể chặt, tóc không thể róc, gốc người Nam không bao giờ thay đổi... Đến thời kỳ thực dân Pháp, phát xít Nhật xâm chiếm nước ta, thế hệ cha anh vào tù ra khám, lên máy chém, ra trường bắn, bị thủ tiêu… Rồi đến lớp con cháu phá tung “chuồng cọp” ngày 30-4-1975 giải phóng quê hương, giải phóng đất nước, con người.
Với cách sắp xếp này, tên tuổi, sự tích những người tù - chiến sĩ - nhà văn cung cấp thêm cho ta một cách “đọc” lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đã có những cuốn lịch sử viết theo trình tự các triều đại nối tiếp nhau, kể từ ngày lập quốc. Có những quyển sử chỉ viết về những chiến công oanh liệt, những danh tướng danh thần. Cũng đã có Việt Nam vong quốc sử.
Thì đây cuốn “sử” viết bằng tên tuổi những người tù chiến sĩ - nhà văn Việt Nam cùng với dòng văn học nhà tù trại giam quân xâm lược. Thêm một “kênh” thông tin về quá khứ, thêm tư liệu cho các sử gia, cho các nhà làm văn học sử, thêm tài liệu giáo khoa cho ngành giáo dục, thêm dữ liệu cho các nhà Việt Nam học.
Chúng tôi sắp xếp theo thời gian, năm tháng nhà văn bị bắt, tù đày để bạn đọc dễ so sánh, liên hệ, đối chiếu với từng phong trào, sự kiện lịch sử ở từng thời kỳ, thấy rõ hơn sự đóng góp không nhỏ của các nhà văn - chiến sĩ trong suốt cả chiều dài lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc.
*
* *
Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực…
Đấy là tâm trạng bị giam hãm của Tố Hữu, người chiến sĩ cách mạng muốn vùng vẫy giật tung xiềng xích, trở về với phong trào, với đồng chí đồng đội.
Bước vào nhà tù, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn nhìn trời xanh qua lỗ tròn ở cánh cửa xà lim. Ông bật ra tứ thơ:
Đến đây mới biết rằng trời nhỏ
Không nhỏ sao thâu một lỗ tròn!
Đấy là chí khí của người đang tự coi mình đứng cao hơn cả trời đất. Không phải là ngông, mà rõ ra nhân cách kẻ sĩ uy vũ bất năng khuất.
Còn Hồ Chí Minh viết nhật ký thơ:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Đấy mới thực là tiếng kêu buốt tim, xé ruột của người tù, là lời tố cáo, đòi hỏi quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền sống làm người. Giữa chốn địa ngục trần gian, nhưng cái mà người tù thèm khát là văn hóa, là cái đẹp. Một tiếng thơ cao vút trời xanh!...
Những nhà văn, nhà thơ trong tù, lạ lắm.
Trước giờ lên máy chém, Nguyễn Đức Cảnh cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn. Phạm Thị Trinh đối đáp với toàn quyền Patxkie Ta gặp bay đây rất nực cười / Một thằng chễm chệ ghế phô tơi(xưng là “ta”, gọi toàn quyền Pháp và hai quan huyện đi theo là “thằng”). Trong phòng tra tấn, Trần Độ ngồi vét bát cứt khiến bọn yêu tinh quỷ xứ đội lốt người khiếp hãi chạy rạt ra ngoài. Và Tố Hữu vật vã với bản thân mình, đúng hơn là với cái mùi thơm ma mị của con cá chột nưa. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết nhà thơ Tản Đà bị mật thám Pháp ghi sổ đen, trích khỏi Quy Nhơn - Bình Định, khi biết Lan Khai ba lần bị bắt vào tù, biết Quỳnh Dao nhà thơ của “Trường thơ loạn”, bạn thân Hàn Mặc Tử mà trong nhà tù Hỏa Lò vẫn tích cực làm thơ, viết báo bí mật. Anh phải là người tin tưởng mới được Ban chỉ huy cuộc vượt ngục đêm 10-3-1945 xếp vào toán đầu tiên cùng với Đỗ Mười, Thôi Hữu... chui xuống đường cống ngầm, vượt ngục. Và Lý Văn Sâm, ngồi trong Sài Gòn viết báo những bài báo mà anh biết chắc viết sẵn cho mình trát gọi vào tổng nha. Nhưng anh vẫn viết, còn truyền đạt kinh nghiệm “luồn lách để nó không kiếm cớ bắt được mình”.
Về nhân cách nhà văn thì lại phải nhắc tới cái vĩ thanh “hậu tù đày” của Nguyễn Tuân với loại vô nhân cách nhan nhản hôm nay. Hoàng Công Khanh bị Pháp bắt giam không phải vì hoạt động cách mạng. Vào tù, ông mới được các nhà văn Xuân Thủy, Trần Huy Liệu dạy viết báo, làm thơ, được Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu giảng giải về con đường cứu nước. Ông quan sát tỷ mỷ và sau này viết Nhạn Lai Hồng (400 trang in) với bài giới thiệu mở đầu đây là “Thời kỳ đẹp nhất”, ca ngợi cán bộ đảng viên đảng cộng sản “những con người đẹp nhất”. Nhưng mặc dù được Tô Hiệu mấy lần gợi ý, Hoàng Công Khanh từ chối viết đơn xin vào Đảng. Ông có bài thơ đăng trên báo Suối Reo: … Dại gì đón gượng một giai nhân / Hơi đâu săn đón một không cần.
Nhà tù Phú Lợi là một trong những địa ngục trần gian khủng khiếp nhất Miền Nam. Ngồi trong nhà tù Phú Lợi, nhà văn Sơn Nam vẫn thả hồn về miệt vườn Nam Bộ viết bài thơ Hương rừng Cà Mau. Còn nhà thơ Quách Vũ, như con voi ngồi trên cỗ xe nổ máy kêu rầm rầm, xả khói mù mịt, rú ga phóng đại với bó truyền đơn chống Mỹ Diệm to bằng đòn bánh tét kẹp dưới chân. Vậy mà chỉ ít tháng sau, Viễn Phương kể, gặp một ông già còm cõi ngồi nơi dành riêng cho tù lao tù hủi, đã không thể nhận ra đấy là Quách Vũ. Anh Quách Vũ đấy ư?
Tôi suy ngẫm về các anh.
Tính cách ấy là do cốt cách ấy, làm nên nhân cách ấy.
Nhà văn trong tù có cốt cách ấy thì nhận kết cục ấy.
Trong văn chương gọi là nghiệp dĩ.
Với người cầm bút, đó là thiên lương.
Giải nguyên Phan Bội Châu chưa đọc viết thạo chữ quốc ngữ. Nhưng lớp nho gia “cửa Khổng sân Trình” Tản Đà, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Nhượng Tống,… làm thơ mới, viết tiểu thuyết với những nội dung tiến bộ và cùng nhiều nhà văn tiến bộ khác dựng lên một thời đại văn chương. Các ông bị mật thám Pháp ghi sổ đen, theo dõi, tịch thu tác phẩm, bỏ tù. Lớp người tiếp theo là Nguyễn Vĩ, làm thơ, viết báo tiếng Pháp, tiếng Việt cũng được “nếm mùi” nhà tù thực dân, phát xít. Và kẻ thù hết sức ngạc nhiên kính nể khi thấy Trương Duy Toản, Phạm Huy Thông, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Giàu… được “mẫu quốc” đào tạo từ chính quốc nhưng đứng hàng đầu chống lại nhà cầm quyền đế quốc Pháp ở Đông Dương, bất chấp bị tra tấn tù đày, có người chết rục trong tù.
Nguyễn Đức Cảnh, Xứ Nhu, Phó Đức Chính… lên máy chém. Hoàng Văn Thụ, Hoàng Trọng Mậu… ra trường bắn. Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Lương Ngọc Quyến… bị xử tử hình vắng mặt. Lý Hải Châu, Lê Quang Vịnh, Trần Trọng Tân… nằm trong chuồng cọp Côn Đảo (án tử hình, hạ xuống tù chung thân). Nguyễn Quang Diêu, Lý Liễu… từ nhà tù Guyane (châu Mỹ) vượt ngục, qua nửa vòng trái đất để về xứ sở tiếp tục hoạt động cách mạng. Tham gia chỉ huy phá nhà tù Nghĩa Lộ có Trần Huy Liệu, lãnh đạo phá trại giam Trà Khê là Hồ Tùng Mậu, góp phần đập tan “Trung tâm cải huấn Biên Hòa” có Lý Văn Sâm…
Sau ngày cách mạng thành công Hồ Chí Minh là chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; Huỳnh Thúc Kháng, Tố Hữu, Xuân Thủy, Nguyễn Thọ Chân… là bộ trưởng, đại sứ đặc mệnh toàn quyền; Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Phạm Huy Thông… là giáo sư, Viện trưởng; Văn Tiến Dũng, Trần Độ, Trần Tử Bình, Nguyễn Chánh… là đại tướng, thượng tướng, trung tướng quân đội nhân dân Việt Nam… Và rất nhiều người là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong nước, có tác phẩm dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Võ Quảng, Lê Đại Thanh, Nhượng Tống, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Trần Bạch Đằng, Viễn Phương, Lê Vĩnh Hòa, Vũ Hạnh, Chinh Ba…
Chắc chắn danh sách chiến sĩ - nhà văn Việt Nam bị bắt, tù đày trong nhà tù quân xâm lược qua các thời kỳ gian lao của đất nước mà tôi đang sưu tầm còn thiếu nhiều.
Và, xin nói thêm: những chiến sĩ - nhà văn ấy, phần lớn được đào tạo từ trong nhà tù. Hồ Chí Minh bộc bạch Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây. Hoàng Công Khanh, Phạm Thị Trinh được dạy viết báo, làm thơ ở nhà tù Sơn La, Quảng Ngãi. Lê Văn Hiến, Nguyễn Tạo và rất nhiều người khác ra tù mới nhớ lại và viết, trở thành nhà văn. Có những người chỉ làm một bài thơ rồi từ biệt thế gian, không hề biết mình được trân trọng là nhà thơ, không hề biết những câu thơ của mình được đưa vào tuyển tập văn học, vào sách giáo khoa, hàng ngày chúm chím trên môi các em thơ, bay lượn trong các giảng đường đại học.
*
* *
Khắc họa chân dung các chiến sĩ cách mạng - nhà văn Việt nam trong nhà tù thực dân đế quốc, tôi có trích một số bài thơ, hồi ký, truyện ký của tác giả nhằm giúp bạn đọc tiếp cận những người bấy lâu mình đã quen mà chưa biết đầy đủ.
Văn là người, là hồn cốt, là phần còn lại mãi sau khi thể xác tiêu vong. Chỉ là “minh họa” và những phần trích này người nhiều, người ít…
Nhưng rồi một hôm nhìn lại, tôi giật mình thấy trước mặt là cả một núi văn chương với hàng trăm ngàn cuốn đủ các thể loại do các nhà văn nhiều thế hệ sáng tác về nhà tù quân xâm lược.
Một gia tài đồ sộ, vô giá!
Một rừng văn chương…
Một núi sử thi, huyền thoại…
Một dòng văn học cuồn cuộn tràn đầy sức sống.
Trong dòng văn học này có đủ thể loại ca dao, hò vè, ca trù, xẩm… Có hồi ký, nhật ký, truyện ngắn, tiếu lâm, giai thoại… Thơ Đường luật thất ngôn bát cú, thơ lục bát, thơ mới… Các tác phẩm viết bằng than đầu que diêm, bút xương cá vạch trên giấy lá bàng, bằng… lưỡi (truyền khẩu), bằng máu cắn ra từ ngón tay quệt trên tường xà lim; viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, quốc ngữ, tiếng nước ngoài; do các tác giả sáng tác trước giờ lên máy chém, trong nhà ngục Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, nhà tù Santé nước Pháp, nhà tù Hồng Công thuộc Anh, đảo tù Guyane, Tahiti (châu Mỹ) nhà tù Liễu Châu nước Tàu, nhà tù Băng Cốc Thái Lan… Và biết bao tác phẩm dang dở, người đọc chỉ mới được xem mấy trang đầu in trên các báo, tạp chí trước năm 1945: Người tù được tha (Vũ Trọng Phụng), Người tù 8023 (Lan Khai), Người tù 69 (Nguyễn Vĩ), Xiềng Xích (Khái Hưng), Đời trong ngục (Nhượng Tống), Tú Mỡ cai tù (Tú Mỡ)…
Trong rừng văn học này… Rừng xác chết, núi xương, suối máu, bùn nhão thịt người. Biển khơi nổi sóng dìm những mái chèo vượt đảo ngục. Trên mặt đất quỷ dạ xoa nhe nanh cọp xỉa dáo người nằm trong “chuồng cọp”. Sâu bên dưới là chốn âm ty Chín hầm, P42… Có nghe tiếng gió hú trên cầu tàu Ma Thiên lãnh? Gió cuộn từng lớp cát qua nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, gió âm u quanh quất xó rừng Tà Lài, gió lặng đứng giữa đường đèo Đắc lắc Đắc Min…
Kinh thánh có câu những người mang số phận không muốn có lại có điều gì đó khiến người khác thèm muốn. Nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ dưới ách nô lệ ngoại bang, với hàng nghìn nhà tù trong một nhà tù khổng lồ đã sản sinh ra dòng văn học nhà tù trại giam không muốn có. Không muốn có, nhưng hiển nhiên đó một dòng Văn học. Và khi đã trở thành văn học thì nó có đầy đủ tính chất một tấm gương soi, qua đó hiện rõ bản lai diện mục dân tộc, truyền thống, nhân văn, tính cách… Và nó tác động lại, nâng cao tầm vóc giống nòi.
Văn học nhà tù trại giam trước hết là văn học tố cáo tội ác thực dân đế quốc. Đã có nhiều tư liệu chính trị, lịch sử viết về đề tài này, những bằng chứng, bảng thống kê, con số… Nhưng xin hãy đọc Ngục Kon-Tum (của Lê Văn Hiến), Tù đàn bà (của Nguyên Hồng), Bất khuất (của Nguyễn Đức Thuận)… sức mạnh tố cáo các ác, đểu, dã man mọi rợ có sự tham gia của khoa học văn minh càng ghê gớm ghê tởm bội phần vì nó được nhà văn quan sát tỷ mỷ, kể lại bằng chính cảm xúc xé gan đứt ruột của bản thân người trong cuộc.
Chị Tâm bị lôi ra đánh rất tàn nhẫn. Chúng lột trần truồng chị rồi nắm tóc mà quật vào tường như vật con chuột. Chán rồi chúng xích tay chị lại và cùm xuống buồng giam. Đêm ấy chị đã nuốt dải yếm cho tắt hơi mà về dưới dạ đài. Lúc chúng rút dải yếm ở mồm chị ra, thấy họng đầy những máu. Năm ấy chị 18 tuổi…
Nhượng Tống chỉ viết mấy dòng ngắn gọn trên đây. Nhưng mấy dòng chữ là cả núi căm hờn, nghìn thùng thuốc nổ.
Đấy là những năm 1930. Ba mươi năm sau bộ mặt cái ác trên xứ Đông Dương này khủng khiếp hơn rất nhiều, khiến ta phải rùng mình sởn gáy khi cầm trên tay cuốn thơ Sống trong mồ của Nguyễn Dân Trung nói về cách giết người kéo dài, giết mà không cho chết ngay, giết với những mánh khóe tinh vi hiểm độc. Chợt liên tưởng phát xít Hít le với tội ác diệt chủng có kiểu giết người nhanh, nhiều, gọn bằng lò thiêu ở Búc-ken-van. Đúng là nền văn học nhà tù trại giam trong nước và thế giới, một nền văn học không muốn có, bắt người hôm nay phải đọc những trang ác, trang đen.
Văn học nhà tù trại giam giúp chúng ta biết tường tận một số sự kiện ít người biết.
Đó là những trang viết về giờ phút lên máy chém, ra trường bắn của những người tù Trần Cao Vân, Hoàng Trọng Mậu, của bảy nghĩa sĩ Việt Nam Quang phục Hội… giờ phút ra đi âm thầm trong ngục tối Côn Đảo của Nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà báo, nhà văn lớn Nguyễn An Ninh (qua hồi ký của Hồ Hữu Tường). Hoặc như chuyện người tù Bùi Chính Lộ lập kế chết giả vờ để học trò ban đêm đào xác mình lên rồi trốn sang Thái Lan hoạt động (sau này, thực dân Pháp nhờ cảnh sát Thái bắt ông, giải về nước và đày đọa nơi nhà tù Côn Đảo cho đến chết).
Đó là những cuộc vượt đảo ngục Guyane tận bên châu Mỹ, những cuộc vượt ngục không thành (với kế hoạch táo bạo đánh chiếm Côn Đảo tháng 10-1952), chui cống Hỏa Lò (tháng 12-1952) và thành công tốt đẹp mà trước khi khởi sự người chỉ huy đã viết thư gửi lại “chào tạm biệt” giám đốc nhà tù (Trần Bạch Đằng vượt khám Vĩnh Lợi, Trần Văn Giàu vượt ngục Tà Lài). Hoặc như nhà thơ người tù Bửu Đình trước khi thả bè vượt biển khơi đã viết mấy vần gửi chúa đảo Mấy lời nhắn nhủ chú Bu-vê (Bouvié).
Đó là những cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tuyệt thực, những cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng, không chịu giẫm lên quốc kỳ, không chịu bước qua ảnh lãnh tụ… Cuộc đấu tranh nào cũng bị đàn áp dã man, có người bị bắn chết ngay tại chỗ, bị kiệt sức thở hơi cuối cùng trên nền xi măng đẫm máu … Đời sống nhà tù được cải thiện nhưng qua những trang văn, người đọc như nghe thấy rất nhỏ tiếng kêu thảm thiết “chef de l’eau!” (xếp, cho chúng tôi nước!) của những người tù Sơn La đang thoi thóp dưới hầm tối.
Đặc biệt văn học nhà tù trại giam giúp chúng ta hiểu biết tường tận về một xã hội đặc biệt: xã hội trong tù.
Ngày xưa người tù bị vua chúa giam trong ngục tối, trong hộ tăng đường, chờ ngày xét xử, chờ “tam ban triều điển” hoặc ra bãi chém nên cảm thấy ngày dài lê thê, vì thế có câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” (Một ngày trong tù dài bằng cả nghìn năm, cả đời.)
Những người yêu nước, cách mạng bị bắt giam trong nhà tù thực dân đế quốc không phải không có những ngày tháng cô đơn, những đêm nhớ nhà, mất ngủ vì đói, vì đòn tra hành hạ… Nhưng một điều khác hẳn: họ chấp nhận hoàn cảnh và cải tạo hoàn cảnh, lập hẳn ra một “xã hội nhà tù”.
Một “xã hội” có tổ chức (nội quy) có kỷ cương trật tự (do chính tù nhân cử ra người đại diện của mình)…
Nhà tù là trường học văn hóa, nâng cao trình độ lý luận chính trị, nơi rèn luyện bản lĩnh để khi trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Ô hay Côn Đảo, ngỡ trường thi/ Họp mặt văn nhân đủ lưỡng kỳ..1. Trong tù, các cụ lập Tao đàn ngục thất, suốt ngày ngâm vịnh, làm thơ xướng họa, viết câu đối mừng bạn ra tù, khóc viếng bạn hy sinh…
1 Thơ Dương Bá Trạc. Ý nói ở đây có đủ mặt các vị tiến sĩ, cử nhân, tú tài ở Bắc kỳ, Trung kỳ.
Ở bất cứ nhà tù nào, ngày tết là những ngày hoạt động văn nghệ tưng bừng sôi nổi nhất. Nó đánh bạt nỗi buồn chảy nước mắt nhớ nhà do tâm lý truyền thống tết là ngày gia đình xum họp, con cháu quây quần đông đủ trước ban thờ gia tiên, chúc thọ cha mẹ mừng tuổi trẻ con “Cun cút mày cụt cho xa/ Đến ba mươi tết giỗ cha thì về.”
Trong “xã hội” người tù phong trào văn hóa văn nghệ được quan tâm bậc nhất. Đọc Ca kịch, chiếu phim trong “phòng điện ảnh” khám Chí Hòa của Lê Vĩnh Hòa mới biết rằng phòng điện ảnh là phòng kỷ luật nơi các tù nhân bị xiềng bị phạt, trả thù vì chống lại bọn giám thị, công an. “Những con người chỉ còn da bọc lấy xương, quần áo tả tơi, tóc phủ quá tai, râu ria hỗn loạn ngồi lê lết trên nền xi măng cố lấy hơi để “Hò kéo pháo” trong khi hai tay bị còng quặt ra sau lưng hoặc hát “Hành quân xa” lúc mà chưa bị quyện chặt vào cây sắt đóng đinh dưới đất”…
Và hôm nay, đọc bút ký Văn nghệ trong đề lao Gia Định của nhà văn Viễn Phương người đọc vẫn không nhịn được cười. Thì ra nhà tù còn là nơi thả sức khoe tài nói dóc, bịa chuyện tiếu lâm. Hay cười, một tính cách nổi bật, thể hiện tinh thần lạc quan, sức sống dẻo dai, bền bỉ của người Việt Nam.
Những trang văn học nhà tù trại giam đã giữ lại cho chúng ta hôm nay nhiều điều kỳ lạ trong “xã hội” người tù. Như chuyện ở nhà tù Sơn La có thời kỳ đã tổ chức hẳn một hệ thống công thương nghiệp kế toán tài chính ngân hàng rất đúng quy luật sản xuất hàng hóa: tiền thu được từ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các “tổ sản xuất” gồm những người tù khéo tay đan lát thêu thùa, được chia theo tỷ lệ hợp lý từ người cung cấp nguyên vật liệu, người vận chuyển hàng, đến người giao hàng, bán hàng trong đó người sản xuất được hưởng phần nhiều hơn. Tài chính công khai nhưng người tù chỉ lĩnh “tín phiếu”, để khi ra tù chuyển thành tiền mặt (lĩnh ở “kho bạc”), mang về giúp gia đình. Công bằng, công khai và dân chủ. Không có khe hở cho tệ nạn phổ biến ngày nay gọi là tham nhũng. Hoàng Công Khanh gọi đây là “thời kỳ đẹp nhất.” Còn Trần Văn Giàu đã viết lên đầu tập hồi ký của mình “Những ngày sống có chất lượng nhất trong cuộc đời dài cả trăm năm” - Trần Văn Giàu (1911 - 2010).
Trong văn học nhà tù trại giam, chuyện tình của người tù là một trong những chương đặc sắc nhất. Tình thơ trong tù dẫn tới tình yêu Phạm Thị Trinh - Nguyễn Chánh. Đám cưới Trinh - Chánh vừa tới nhà thì lí trưởng dẫn lính đến lập biên bản, ghi tên tất cả những người tham dự. Hắn nói với cô dâu “Cô là tù cộng sản, không được đến ở làng này!” Và hôm sau đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị về quê chào cha mẹ vợ (lễ nhị hỉ) thì lính tới bắt cả hai, lại vào tù.
Tô Hiệu biết hoạt động cách mạng là tù đày, chết rục nên nhất định không nhận tiếp tế, thư từ của người yêu, cô gái tần tảo nết na làng bên mà mẹ anh đã mang trầu cau dạm hỏi. Tô Hiệu chết trong tù nhưng người yêu Tô Hiệu sống chung thủy với mối tình thủy chung dài hơn 70 năm.
Trần Cung chủ động viết thư cho vợ đi lấy chồng vì “chưa biết ngày nào tôi mới được ra tù.” Cũng vì “chưa biết ngày nào anh mới về với em” nên vợ Nguyễn Bá Hưng viết thư gửi vào nhà tù Hanh Thông Tây xin phép đi lấy chồng. Năm 1954, anh Hưng trở về, gặp lại vợ (anh vẫn là người chồng hợp pháp, có giá thú đàng hoàng) nhưng khi chị bước ra với đứa con nhỏ ẵm trên tay thì Bá Hưng… “nhường.” Vài tháng sau, anh nhắn tin hẹn gặp người vợ cũ. Chị hốt hoảng, lo lắng, Hưng nói nhẹ nhàng: anh muốn biết em sống có hạnh phúc không (người chồng mới của vợ anh là một lính ngụy). Hưng an tâm về nhà, đồng ý để gia đình tổ chức đám cưới cho mình. Một lần nữa, hai người vào tuổi thất thập cổ lai hy, lại tìm gặp nhau. Người vợ cũ ở góa, mở một quán hàng ven thị xã Hà Đông. Vẫn dày vò câu hỏi cũ: Em sống có hạnh phúc không? Và buột lời câu hỏi mới: Các cháu đi học có xa không?
Những chuyện tình trong thời gian ở tù của Phan Duy Nhân, Trần Quang Long, Lê Quang Vịnh… đau thương, căm thù. Và chuyện tình có hậu, đẹp vì hạnh phúc trọn vẹn là đám cưới của Lê Hồng Tư - Nguyễn Thị Châu. Đôi tình nhân sau mười năm yêu nhau, tin tưởng và chờ đợi nhau qua song sắt nhà tù Sài Gòn, Côn Đảo đã làm đám cưới ngay sau ngày hội chiến thắng 30-4-1975. Khách dự phần lớn là các bạn tù. Tràn ngập tiếng cười. Tràn ngập hoa. Và ngập tràn nước mắt.
Những chuyện tình hay nhất trong Tình sử Việt Nam.
Hôm nay, chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống ấm no, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Và đủ năm tháng để nhớ lại, nhìn lại và suy nghĩ lại với độ chín thời gian… Tôi dùng từ “độ chín thời gian” để nhấn mạnh tính chính xác về năm tháng, địa điểm, sự kiện, tên người mà do nhiều nguyên nhân khó tránh khỏi nhầm lẫn, đặc biệt “độ chín” tư duy về những vấn đề gay cấn giữa lý tưởng, đạo đức, khí tiết với thỏa hiệp, cầu an, đầu hàng… Cho nên, ngày càng thêm nhiều cuốn hồi ký có giá trị của những người tù và thêm nhiều tác phẩm xuất sắc viết về tù đày của những nhà văn không qua tù đày dưới thời thực dân đế quốc.
Đấy chính là sức sống của dòng văn học đặc biệt này.
Nó sánh vai với nền văn học nhà tù trại giam (phát xít) đồ sộ trên thế giới.
*
* *
Ngày 7 tháng 8 năm 1953, tôi đang dạy mấy người bạn tù tập viết (bút là cục gạch non, vở là sàn xi măng) thì giật mình nghe tiếng cai trại:
- Trần Khắc Cần, ra! Mang theo quần áo chăn chiếu.
Đến “nhà giấy” đã thấy đủ mặt áp-phe học sinh kháng chiến: Lê Tám, Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm đang đứng chờ.
Lê Tám nói nhỏ:
- Chúng mình được tha.
Thật bất ngờ, cho đến lúc cầm trên tay tờ lệnh tha tù, tôi mới thật tin đây là sự thật. Lệnh tha viết bằng tiếng Pháp, dịch lướt: Giám đốc nhà tù Hỏa Lò xác nhận người có tên dưới đây: Trần Khắc Cần tức Thạch Anh, số tù 2056… can tội lật đổ chế độ… được thả… kể từ ngày này, theo lệnh của chánh án tòa án quân sự quốc gia… Bên dưới là dấu đỏ và chữ ký của Tút-tu, hai chữ T vòng bên nhau giống như chiếc còng số 8. Tút-tu dân đảo Coóc, quản tù Côn Đảo nhiều năm nay được lên chức làm giám đốc đề lao Hỏa Lò.
Lệnh chỉ là tạm tha (tại ngoại hậu cứu). Hàng tháng tôi phải tới nha công an trình diện, đợi ngày tòa gọi xét xử. Hẳn là nhà chức trách tức điên lên vì khi tìm bắt lại thì tôi đã “biến”: Giao thông Mặt trận Hà Nội đưa tôi ra Hòa Bình, dự một lớp chỉnh huấn. Và sau đó tôi lại lộn vào nội thành hoạt động cho tới ngày giải phóng thủ đô.
Thủ đô giải phóng, tôi được “giải phóng” hai lần: như mọi người, thoát khỏi ách áp bức kẻ thù tạm chiếm và riêng mình, thoát khỏi án tù chưa xử chồng thêm tội trốn tù. Bèn ép pờ-lát-tích tờ giấy tạm tha tù năm xưa, giữ làm kỷ niệm.
Năm tháng đi qua, từ cán bộ Đoàn thanh niên cứu quốc thủ đô, tôi trở thành nhà báo, làm báo Tiền Phong, Đại Đoàn Kết, góp phần sáng lập báo Người Cao Tuổi. Già rồi!
Nhưng, “nó” chửa buông tha. Nó, nhà tù Hỏa Lò, những ngày ở tù, những chuyện ở tù, của mình và bao nhiêu người khác ở bao nhiêu nhà tù khác nữa.
Đúng là nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại (một ngày trong tù nhớ cả nghìn ngày, cả đời). Người xưa nói sâu xa lắm.
Không dứt ra được. Có phần càng keo sơn gắn bó. Vậy là cầm bút lên.
Trước mặt tôi là những khuôn mặt, chân dung các nhà văn bị bắt, tù đày. Và những góc khuất, mảng khuất. Rất tiếc hôm nay tìm lại không biết Quỳnh Dao, Thôi Hữu. Lưu Trọng Lư, Sao Mai... hoạt động trong đơn vị nào, bị bắt trong trường hợp nào, trong tù vẫn tiếp tục hoạt động ra sao? Bài thơ, truyện ngắn viết trong nhà tù nay ai còn nhớ, lưu giữ ở đâu? ... Đau đáu một lời van tha thiết của thiền sư Tuệ Tĩnh “Có ai về Nam cho tôi theo về với”. Cuộc đời và sự nghiệp nhà văn Nguyễn Triệu Luật cũng vậy, còn đấy những khoảng trống chưa có thông tin hay có thể sẽ vĩnh viễn không có thông tin. Không ít tác gia, nhân vật văn hóa lịch sử Việt nam vẫn tồn tại ở tình trạng như thế… Khuất lấp, và oan khuất. Tôi biết mình liều. Nhưng có phải nhiệm vụ chủ yếu của văn chương là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn?
A! Mà ai kia? Hình như bác Nguyễn Tuân? Đúng là bác Nguyễn! Con mắt nheo nheo, nụ cười giễu cợt :
- Người ta không muốn nhắc đến, lại cứ lôi ra!
Tôi cúi đầu, đánh trống lảng:
- Bác thì... có đến cả nghìn giai thoại. Chuyện Phở đá Sài Gòn, Chuyện bà Quách Thị Hồ mắng yêu “Nước người ta mới đun sôi lại kêu nguội.” Rồi bà lườm: “Ông ngậm dúm trà vào mồm, tôi rót thẳng nước sôi vào xem có nguội không?” Lại chuyện về người đàn bà được Nguyễn Tuân tặng hoa (Bác đã vét cạn túi để mua tất tật số hoa trên các quầy bán hoa bên hồ Hoàn Kiếm đêm ấy)... Riêng cái chuyện bác đi tù thì... chắc là khó câu độc giả nên mấy anh nhà báo quên luôn!
Thấy bác Nguyễn im lặng, tôi mạnh dạn “tấn công”:
- Thưa bác..., bác vẫn giữ cuốn sổ trình diện với chi chít dấu ấn của sở cẩm đấy chứ ạ?
- Đúng.
- Thưa bác, bác nói... “Giá sau này có nhà lưu niệm Nguyễn Tuân, các con mình cũng có một hiện vật hay hay để trình bày.”
- Ừ... ờ... thì cũng thấy nó hay hay.
Thì ra... bác Nguyễn một người nhân hậu, lịch lãm, khinh ghét bọn lưu manh chính trị nên “không thèm” nhắc tới chuyện cũ đó thôi. Chứ tự đáy lòng bác vẫn ngầm tự hào với những ngày cùng bác gái nuôi giấu cán bộ, với cả tháng bị chúng nó tra vấn “còn những thằng nào? Thằng Phùng đang ở đâu?”, với một năm đói rét trong căng Châu Sơn vùng rừng núi Hòa Bình ma thiêng nước độc. Bác thầm kín cất giữ một kỷ vật đáng giá. Để sau này... có thể bác Nguyễn tiên đoán đến một ngày, và ngày đó, hôm nay đã trở thành hiện thực: xã hội ngày càng biết ơn những người đi trước, kinh tế phát triển, nhà nước tuy muộn màng nhưng đã ban hành chế độ trợ cấp cho người có công, bị địch bắt, tù đày.
Và như vậy là, đã đến lúc, tôi kính cẩn thắp nén hương thơm, xin phép bác Nguyễn, xin phép các bác, các anh, các chị, đã đến ngày những cái “hay hay” ấy được trình bày. Những góc khuất đáng kính nể không còn che khuất nữa!
Đã đến lúc thêm một chương trong cuốn lịch sử Hội nhà văn Việt Nam, viết về những nhà văn có số phận đặc biệt bị bắt, bị giam hãm, lưu đày trong nhà tù quân xâm lược.
Đã đến lúc trong Tổng tập văn học Việt Nam xứng đáng có thêm hẳn một chương về Dòng văn học nhà tù trại giam dưới thời kỳ đất nước bị kẻ thù chiếm đóng, đàn áp. Cả một dòng văn học tràn đầy sức sống, thấm đẫm nhân văn, xúc động trái tim thế hệ trẻ. Đã từ nhiều năm, dòng văn học này góp phần làm phong phú, đề cao hơn nữa truyền thống, bản sắc văn học, văn hóa Việt Nam, cùng với nền văn học đồ sộ viết về nhà tù trại giam (phát xít) thế giới cất cao tiếng nói làm cho cuộc sống loài người tốt đẹp hơn.
Hà Nội, năm 2013, tháng Bảy, ngày 27
Lê Văn Ba