“Lính mà không muốn lên làm tướng thì chẳng phải lính tốt.”
- NAPOLEON
Sản phẩm JK1000 tuy phải chịu kết cục thất bại, song ý chí của Nhậm Chính Phi có thể sánh ngang với những chiến sĩ hồng quân năm xưa, chừng nào còn chưa tới đích thì chưa chịu chùn bước.
C&C08 là dòng thiết bị chuyển mạch cỡ lớn được chế tạo trên nền tảng kỹ thuật số. Lý Nhất Nam sau quá trình dày công nghiên cứu đã chế tạo thành công sản phẩm này. C&C08 được ra mắt thành công ở Phi Châu, tỉnh Giang Tô, tạo dấu mốc cho sự cạnh tranh với các công ty điện tử viễn thông lớn trên thế giới của Huawei.
C&C08 - “ĐỨA CON KHÓ ĐẺ”
“Biết đứng dậy sau thất bại chính là thử thách khó khăn nhất của lòng dũng cảm.”
- ROBERT G. INGERSOLL
Trong quá trình nghiên cứu, chế tạo dòng sản phẩm C&C08, Huawei đã gặp không ít trở ngại cả về phần cứng lẫn phần mềm. Việc kéo dài thời gian cho ra đời sản phẩm đã khiến Nhậm Chính Phi không khỏi lo lắng.
Có thể so sánh thiết bị chuyển mạch cỡ lớn và thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ như biển lớn và các nhánh sông nhỏ, hoặc có thể ví thiết bị chuyển mạch cỡ lớn là động mạch trong cơ thể người, còn thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ là những mạch máu nhỏ.
Thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ được sử dụng chủ yếu cho các đơn vị nhỏ như trường học, bệnh viện, nhà máy khai khoáng... Còn đối tượng sử dụng của thiết bị chuyển mạch cỡ lớn là các nhà cung cấp dịch vụ điện tử viễn thông. Chẳng hạn, một công ty cung cấp dịch vụ viễn thông ở khu Hải Điện, Bắc Kinh cần phải sử dụng thiết bị chuyển mạch cỡ lớn cho vài trăm ngàn người dùng. Trong khi đó, những đơn vị nhỏ chỉ có vài chục tới vài trăm người dùng. Thiết bị chuyển mạch cỡ lớn được định giá bán theo số lượng người dùng. Nói cách khác, giá trị tiêu thụ của một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cũng tương đương với vài chục đơn vị nhỏ.
Nhậm Chính Phi bằng tư duy nhạy bén của một doanh nhân sớm đã nhận ra tình hình. Công ty Huawei muốn phát triển thì buộc phải sớm nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị chuyển mạch cỡ lớn.
Kỹ sư trưởng Trịnh Bảo Dụng vẫn là người gánh vác trọng trách nặng nề này. Tuy là người có tính cách cởi mở, nhiệt thành, song do áp lực của dự án lần này quá lớn mà ông cũng trăn trở không ít.
Để xây dựng đội ngũ nghiên cứu, phát triển sản phẩm, Huawei đã chiêu mộ nhân tài từ các trường đại học khoa học kỹ thuật điện tử trên cả nước. Những người mới gia nhập sẽ được nhân viên có kinh nghiệm đào tạo.
Khi mới tham gia công việc, tuy chưa hiểu gì về thiết bị chuyển mạch cỡ lớn, song trong những con người ấy chưa bao giờ thiếu đi lòng nhiệt thành lập nghiệp cùng tinh thần quyết tâm học tập. Chính tinh thần say mê lao động của các nhân viên Huawei đã thôi thúc ý chí của họ. Khi ấy, mỗi người đều có hành trang là cuốn tài liệu kỹ thuật về thiết bị chuyển mạch điều khiển bằng chương trình. Do cuốn sách ấy có bìa màu đỏ, nên được gọi là “Hồng bảo thư”4.
4. Cuốn sách quý màu đỏ
Những sinh viên trẻ vừa học lý thuyết vừa thực hành. Chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã trở nên thành thục.
Ngày ấy ngoài áp lực thiếu nhân tài và trở ngại tâm lý thì chuyện chỗ ở ở Thâm Quyến cũng là điều khiến các nhân viên nghiên cứu khoa học của Huawei bận tâm. Năm 1993, Công ty Huawei chưa có ký túc xá nên nhân viên phải thuê trọ bên ngoài.
Huawei là doanh nghiệp tư nhân nên không được chính phủ coi trọng. Trong công ty chỉ một vài nhân viên cốt cán mới có hộ khẩu Thâm Quyến, còn đa phần hằng năm phải về quê nhà để làm thẻ cư trú tạm thời. Nhiều khi do công việc nghiên cứu bận rộn nên nhiều người bỏ mặc việc này. Nửa đêm cơ quan an ninh tới gõ cửa kiểm tra giấy tờ, ai vi phạm sẽ bị đưa đi làm việc nặng nhọc ở các công trường.
Sau này khi đã trở thành một công ty lớn, một vị lãnh đạo nhà nước đã hỏi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tôn Á Phương: “Bà có thể dùng một lời ngắn gọn để miêu tả cảm xúc của mình sau thành công của Huawei không?”. Khi ấy Tôn Á Phương đã thẳng thắn đáp: “Khóc không ra nước mắt!”
Đó cũng là cảm nhận chung của nhân viên Huawei lúc bấy giờ. Huawei không có điểm tựa, không có nền tảng kỹ thuật, điều kiện nghiên cứu khoa học lại thiếu thốn. Thứ duy nhất họ có để đối đầu với các công ty lớn quốc tế chính là ý chí quật cường không sợ thất bại.
Trải qua một lần thất bại, Nhậm Chính Phi ý thức sâu sắc được rằng nếu muốn tồn tại thì nhất định phải sử dụng kỹ thuật tiên tiên nhất trên thế giới. Thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số mà Huawei nghiên cứu, chế tạo lần này sẽ sử dụng phần cứng và phần mềm mới nhất, hiện đại nhất. Nếu không sản phẩm mới sẽ có số phận giống như JK1000.
Tuổi trẻ chính là động lực và cũng là thứ tài sản quý giá. Kỹ sư trưởng của Huawei Trịnh Bảo Dụng ngày ấy mới 29 tuổi. Khi đó tuổi bình quân của các nhân viên nghiên cứu là 25 tuổi, người trẻ nhất mới chỉ 19 tuổi.
Trịnh Bảo Dụng chia đội ngũ nghiên cứu thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số thành hai tổ, một tổ phụ trách phần cứng và một tổ phụ trách phần mềm. Tổng số kỹ sư của hai tổ là hơn 300 người và họ còn chia thành hơn 50 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm nhỏ sẽ do một người phụ trách.
Tổ kỹ sư phụ trách thiết kế phần cứng nếu gặp vấn đề kỹ thuật sẽ cùng nhau thảo luận, nhiều khi còn xảy ra tranh luận gay gắt, song nhờ đó mà việc lắp ráp linh kiện điện tử trên bảng mạch ngày càng chuẩn xác và hoàn thiện hơn.
Nhiệm vụ của tổ kỹ sư phụ trách phần mềm là viết chương trình và điều khiển đường truyền tín hiệu. Trải qua thời gian miệt mài nghiên cứu, các công đoạn cũng dần hoàn thiện.
Hơn chục năm trôi qua, nhớ lại quãng thời gian nghiên cứu đó, một kỹ sư từng tham gia vào tổ nghiên cứu phần cứng năm xưa đã chia sẻ rằng: “Sau một quá trình liên tục chỉnh sửa, bảng mạch điện được thiết kế ra trông chẳng ổn chút nào. Ai mà dám tin sản phẩm như thế lại thành công cơ chứ!”
Theo kế hoạch của Nhậm Chính Phi thì cuối năm 1992 phải hoàn thiện sản phẩm mới. Để kịp tiến độ, Trịnh Bảo Dụng đã đốc thúc nhân viên gấp rút hoàn thành sơ đồ nguyên lý và dây dẫn theo bản vẽ. Do sơ đồ nguyên lý phải sửa đổi liên tục, dẫn đến việc dây dẫn cũng phải đấu nối lại nhiều lần, chuyện này khiến các kỹ sư phụ trách CAD hết sức mệt mỏi.
Với trình độ kỹ thuật như vậy, làm sao họ có thể chế tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn? Các kỹ sư của Huawei vẫn khẩn trương làm việc nhưng trong lòng không tránh khỏi cảm giác lo lắng.
Song Nhậm Chính Phi vẫn tràn đầy lòng tin vào dòng thiết bị kỹ thuật số đầu tay của Huawei. Ông nói: “Danh bất chính thì ngôn bất thuận. Chúng ta phải đặt cho sản phẩm này một cái tên vừa hay vừa ý nghĩa mới được.”
Nhận được nhiều ý kiến đóng góp về việc đặt tên cho sản phẩm mới nhưng chưa có cái tên nào khiến Nhậm Chính Phi ưng ý. Chỉ đến khi được nghe tới cái tên “C&C08” thì gương mặt Nhậm Chính Phi sáng bừng, ông phấn chấn nói: “Chính là cái tên này rồi!”.
C&C có ba nghĩa: Thứ nhất, C&C nghĩa là Country và City (nông thôn và thành thị), thể hiện cho khát vọng từ vùng nông thôn vươn tới thành thị của những con người Huawei. Thứ hai, C&C nghĩa là Computer và Communication (máy tính và viễn thông), thiết bị chuyển mạch điều khiển bằng chương trình kỹ thuật số chính là sản phẩm của sự kết hợp giữa máy tính và viễn thông. Thứ ba, C&C nghĩa là China và Communication (Trung Quốc và viễn thông).
C&C08 là dòng thiết bị chuyển mạch áp dụng kỹ thuật số tiên tiến nhất lúc bấy giờ nên áp lực của đội ngũ nghiên cứu chế tạo là rất lớn.
Trong khi sản phẩm còn chưa hoàn thiện thì Nhậm Chính Phi đã yêu cầu bộ phận kinh doanh mở bán sản phẩm C&C08.
Trong tình trạng chưa có bản vẽ thiết kế cũng như những thông tin chi tiết về sản phẩm, nhân viên kinh doanh của Huawei lúc bấy giờ chỉ có cách duy nhất là phải tìm được một khách hàng làm “mẹ đỡ đầu” cho sản phẩm mới và đó chính là Chi cục Viễn thông Phật Đường ở Nghĩa Ô, Triết Giang.
Trong bản hợp đồng mua bán mà Huawei ký kết với Chi cục Viễn thông Phật Đường nêu rõ: Tới tháng 5 hoặc chậm nhất là tháng 6 năm 1993, nhân viên Huawei phải tới khu vực Phật Đường để lắp đặt thiết bị. Thời hạn giao sản phẩm ngày càng kề cận, khách hàng cũng liên tục gọi điện hối thúc. Lòng dạ Nhậm Chính Phi nóng như lửa đốt.
Nhậm Chính Phi đưa ra những yêu cầu khắt khe đối với dòng thiết bị chuyển mạch cỡ lớn C&C08. Ông yêu cầu sản phẩm lần này phải là sản phẩm trong nước hiện đại nhất, thậm chí không bị lấn át trước sản phẩm kỹ thuật số của các hãng nước ngoài.
Yêu cầu cao nên khó khăn cũng nhân lên gấp bội, thời gian chế tạo lại kéo dài khiến Nhậm Chính Phi không khỏi ưu phiền. Khoảng thời gian đó ông như già đi cả chục tuổi.
Giám đốc hạng mục Mao Sinh Giang cũng bị Nhậm Chính Phi đốc thúc liên tục. Sáng nào thấy mặt đồng nghiệp ông cũng lẩm bẩm: “Còn không mau hoàn thành, ông chủ chắc muốn giết tôi quá!”.
LẮP ĐẶT MÁY Ở PHẬT ĐƯỜNG
“Chỉ hành động mới quyết định được giá trị.”
- JOHANN FICHTE
Tháng 10/1993, trước những cuộc điện thoại hối thúc dồn dập từ phía Chi cục Viễn thông Phật Đường, Nhậm Chính Phi đã gọi Trịnh Bảo Dụng tới phòng làm việc của mình để bàn bạc. “Sản phẩm C&C08 không thể trì hoãn được nữa, nếu không nhanh chóng hành động chúng ta sẽ bị mất thị trường, phải lập tức tiến hành lắp đặt thôi!”
Trịnh Bảo Dụng đáp: “Nhưng thưa giám đốc Nhậm, chúng ta còn chưa hoàn thành công đoạn thử nghiệm C&C08!”
“Tình hình trước mắt không cho phép Huawei làm việc theo trình tự nữa. Nếu vẫn chờ thử nghiệm, chỉ e sẽ mất luôn đơn hàng của Chi cục Phật Đường.”
Trịnh Bảo Dụng gật đầu rồi hạ quyết tâm nói: “Vậy thì sẽ vừa thử nghiệm vừa cho tiến hành lắp đặt!”
Nỗi lo của Trịnh Bảo Dụng cũng là điều dễ hiểu. Nếu thiết bị chưa hoàn tất khâu thử ngiệm mà đã giao cho khách hàng, khi sử dụng để xảy ra sự cố sẽ làm mất uy tín.
Tuy nhiên, Nhậm Chính Phi lại cho rằng: C&C08 là dòng sản phẩm bước đệm giúp Huawei vươn lên tầm cao mới. Nó là “đứa con đầu lòng” nên chưa hoàn hảo cũng là điều hết sức bình thường. Nhân viên kỹ thuật của Huawei vẫn có thể tới Phật Đường vừa lắp đặt vừa điều chỉnh thiết bị. Chi cục Viễn thông Phật Đường là “địa bàn” mà Huawei phải chiếm được bằng mọi giá. Nếu để mất, cơ đồ mà Nhậm Chính Phi đã đổ mồ hôi công sức gây dựng sẽ sụp đổ.
Dân gian có câu: “Thư sinh tạo phản thì khó mà thành công”. May thay, Nhậm Chính Phi lại không phải là thư sinh. Mùa đông năm 1993, Trịnh Bảo Dụng cùng đội ngũ kỹ thuật ngồi trên chuyến xe tải mang theo bộ thiết bị chuyển mạch C&C08 vẫn chưa được thử nghiệm tới thị trấn Phật Đường.
Đó cũng chính là dòng thiết bị chuyển mạch cỡ lớn đầu tiên được xuất xưởng của Huawei. Khi ấy Trịnh Bảo Dụng không dám cất lời tán dương sản phẩm, ông trực tiếp chỉ đạo nhân viên lắp đặt máy. Có điều trong quá trình kết nối mạng vận hành máy đã xảy ra những vấn đề rất đáng lo ngại như đường truyền không ổn định, bị ngắt mạng giữa chừng, chết máy...
Trịnh Bảo Dụng vẫn bình tĩnh cùng các đồng nghiệp nỗ lực điều chỉnh. Song kết quả sau đó cũng không mấy khả quan. Tóm lại, những trục trặc kỹ thuật mà Trịnh Bảo Dụng đã lường trước đều xuất hiện trong quá trình lắp đặt máy.
Để khích lệ tinh thần mọi người, Nhậm Chính Phi không quản đường xá xa xôi, cất công tới tận Phật Đường để thăm đội ngũ kỹ sư lắp đặt. Ông còn ăn ở cùng nhân viên ngay tại nơi làm việc. Chính sự quan tâm, bình tĩnh của ông đã cổ vũ tinh thần đội ngũ nhân viên.
Khi ấy Phật Đường đang vào giữa đông. Phòng lắp đặt máy không có thiết bị sưởi ấm, nhiệt độ xuống âm độ. Các kỹ sư đều chỉ mặc hai áo khoác cộc, bàn tay lạnh cóng phải đưa lên miệng hà hơi cho ấm, bàn chân thì tê cứng. Họ chỉ còn biết dựa vào dòng máu nóng trong người để giữ thân nhiệt.
Các kỹ sư của Huawei bận rộn điều chỉnh thiết bị cả ngày, tối đến nếu mệt quá lại ngả lưng xuống thùng giấy hoặc tấm xốp lót dưới nền nhà lạnh lẽo để nghỉ ngơi, sau khi tỉnh dậy lại chong đèn tiếp tục công việc.
Cục trưởng Đinh của Chi cục Phật Đường ngày ấy cũng chịu áp lực không nhỏ khi lựa chọn sử dụng thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số của Huawei. Song chính sự nhiệt tình trong công việc của nhân viên Huawei đã khiến ông không thất vọng về đối tác mà mình lựa chọn.
Cục trưởng Đinh vẫn còn nhớ rất rõ, một hôm nửa đêm do không an tâm, ông đã khoác áo soi đèn pin, đội tuyết tới đơn vị để kiểm tra.
Tới nơi ông thấy các cánh cửa của chi cục vẫn đóng chặt, thiết bị vẫn hoạt động bình thường. Song lúc nhòm qua khe cửa của phòng máy, ông phát hiện bên trong vẫn sáng đèn. Vừa mở cửa ra kiểm tra thì ông thấy mười mấy kỹ sư đang miệt mài điều chỉnh thiết bị.
Ngoài trời gió tuyết rét thấu xương, trong phòng âm u lạnh lẽo, lòng nhiệt huyết của các kỹ sư Huawei chính là bó đuốc sưởi ấm đêm đông. Điều này khiến Cục trưởng Đinh hết sức cảm động. Chính vì thế mà trong quá trình điều chỉnh thiết bị, ông hết sức tạo điều kiện cho các nhân viên Huawei. Không những vậy ông còn đóng góp không ít ý kiến mang tính xây dựng như khung máy chưa đáp ứng được tính thẩm mỹ, việc lặp đặt cần phải cải thiện... Các kỹ sư của Huawei xem khách hàng là thượng khách, họ cố gắng hết sức để thỏa mãn tất cả các yêu cầu. Cục trưởng Đinh vô cùng hài lòng về điều này.
Sau hai tháng lắp đặt và thử nghiệm, C&C08 cuối cùng cũng có thể đi vào vận hành. Tuy về sau bộ thiết bị này vẫn xảy ra trục trặc, Huawei phải thường xuyên cử nhân viên kỹ thuật tới để sửa chữa song Cục trưởng Đinh vẫn kiên định lựa chọn Huawei để ủng hộ sản phẩm quốc nội. Đây chính là niềm khích lệ quý báu dành cho các nhân viên Huawei.
Mãi tới vài năm sau, khi Huawei thay toàn bộ thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số đời mới cho Cục Viễn thông Nghĩa Ô, thì tính năng của C&C08 mới được xem là hoàn thiện.
Để chúc mừng thắng lợi, Cục trưởng Đinh đem rượu nhà tự nấu ra để chiêu đãi các kỹ sư Huawei. Công tác nghiệm thu C&C08 sau đó cũng nhận được đánh giá rất cao từ Cục Viễn thông Nghĩa Ô.
“Trước đây chúng tôi sử dụng dòng thiết bị chuyển mạch 1240 do Công ty Bell của Thượng Hải sản xuất. Họ nói rằng sẽ sớm cho ra đời dòng máy gồm 16 người dùng, song đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Thật không ngờ công ty các anh đã đi trước họ với trình độ công nghệ rất cao.
Sản phẩm của Huawei sử dụng tiếng Trung hoàn toàn, hỗ trợ thao tác nhấp chuột, có thiết kế phím nóng để việc thao tác trên hệ thống được tiện lợi. Giao diện sắc nét, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, thao tác cũng đơn giản, có thể giảm thiểu được lỗi thao tác, nhân viên của chúng tôi cũng không phải mất công tham gia đào tạo, chúng tôi cảm thấy rất hài lòng về điều này. Thiết bị của các anh cũng đảm bảo được tính an toàn, hệ thống tính cước đạt chuẩn cao. Công tác thử nghiệm, bảo trì và chức năng thống kê lưu lượng điện thoại được đánh giá là hiệu quả.”
Nhận được đánh giá tích cực từ khách hàng, toàn bộ nhân viên của Huawei đều hết sức vui mừng. Người cảm kích nhất trong số đó chắc chắn là Nhậm Chính Phi. Ngay sau đó, ông đã có bài phát biểu nổi tiếng - “Thắng thì nâng cốc chúc mừng, bại thì liều chết cứu nhau”:
“Thương trường như chiến trường, song còn tàn khốc và gian khổ hơn chiến trường gấp bội phần. Nhưng cũng chính môi trường này đã tôi luyện nên sự trưởng thành cho biết bao cán bộ kinh doanh. Nếu không có sự phấn đầu không biết mệt mỏi của họ, sẽ không bao giờ có được thành tích vượt trội như hôm nay. Tôi thay mặt cho công ty bày tỏ sự chúc mừng chân thành tới toàn thể thành viên bộ phận kinh doanh. Trong thị trường quốc nội, sản phẩm C&C08 của chúng ta đang được đón nhận rộng rãi, dự tính doanh thu trong tháng 6 sẽ tăng lên 10%. Kết quả này cũng không thể không nhắc đến sự miệt mài lao động của đội ngũ nghiên cứu khoa học và hệ thống quản lý sản xuất cùng những bộ phận khác. Tôi cũng thay mặt cho bộ phận kinh doanh bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới những người bạn đồng nghiệp.”
C&C08 khi đó tuy thiết kế còn chưa hoàn hảo, kỹ thuật còn chưa hoàn thiện nhưng sự khen ngợi của Chi cục Phật Đường, Nghĩa Ô chính là điểm cộng cho sản phẩm của Huawei. Dòng thiết bị chuyển mạch điều khiển bằng chương trình kỹ thuật số C&C08 được đánh giá có nền tảng kỹ thuật cao, chức năng thống kê lưu lượng điện thoại, thao tác vận hành... đều đáp ứng được yêu cầu của ngành điện tử viễn thông Trung Quốc. Trình độ kỹ thuật của các công ty nước ngoài quả thực rất tiên tiến và ổn định. Tuy nhiên do khoảng cách địa lý nên sản phẩm của họ vẫn chưa thực sự hiểu được nhu cầu của khách hàng Trung Quốc.
Huawei luôn lấy nhu cầu của khách hàng làm phương hướng nghiên cứu chế tạo. Hơn nữa, công tác chăm sóc và phản hồi khách hàng của họ cũng kịp thời hơn các công ty ngoại quốc. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến C&C08 nhận được sự chào đón nhiệt tình từ thị trường nông thôn Trung Quốc.
Nhậm Chính Phi cũng nhận thức rõ rằng C&C08 là dòng sản phẩm kỹ thuật số đời đầu của Huawei, so với sản phẩm của các công ty lớn nước ngoài thì còn nhiều điểm chưa bằng như mẫu mã chưa đẹp hay vận hành chưa ổn định. Ông đã chỉ thị cho bộ phận nghiên cứu phát triển phải tiếp thu ý kiến phản hồi của khách hàng để liên tục cải tiến sản phẩm, chất lượng của sản phẩm đời sau phải được nâng lên tầm cao mới.
Không lâu sau, bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Huawei còn mời kỹ sư thiết kế hàng đầu của Đức tới để giúp họ nâng cấp thiết kế của sản phẩm C&C08. Tiếp đến, Huawei còn bổ sung tính năng mới hỗ trợ thuê bao ở xa. Trải qua tám năm liên tục cải tiến, các sản phẩm đời sau của dòng C&C08 đã bắt đầu phát triển, trở thành dòng thiết bị chuyển mạch đẳng cấp quốc tế, giúp Huawei củng cố địa vị của mình trên thị trường.
Để nâng cao ưu thế cho sản phẩm, Trịnh Bảo Dụng còn phác họa một bản vẽ sơ đồ kết cấu của C&C08 gồm 128 mô-đun, mở rộng dung lượng với tính năng đạt tới đẳng cấp quốc tế. Khi ấy các nhân viên kỹ thuật còn nghi ngờ về những chức năng “không tưởng” của các mô-đun. Nhưng chỉ một thời gian sau, C&C08 đời mới đều đạt được những tiêu chuẩn đó.
Sự thực đã chứng minh, phương hướng phát triển sản phẩm mà Trịnh Bảo Dụng từng phác thảo ra không phải là táo bạo mà hoàn toàn có cơ sở và khả thi.
Trong bài viết “Tình hình hiện nay và nhiệm vụ của chúng ta”, Nhậm Chính Phi đã tổng kết quãng thời gian đó như sau:
“Đồng chí Trịnh Bảo Dụng bắt tay nghiên cứu từ dòng máy gồm 40 cổng dẫn, anh vừa làm công nhân sản xuất, vừa đích thân lắp đặt thiết bị. Một người xuất thân từ chuyên ngành laser như anh, trải qua quá trình tìm tòi đã có tầm nhìn chiến lược, nắm bắt trình độ tiên tiến nhất trên thế giới, thậm chí còn vượt mặt cả dòng máy AT&T5. Phải làm việc với một kẻ khờ khạo như Nhậm Chính Phi tôi đây, các anh thật giống như đại kị sỹ Đôn Ki-hô-tê thời hiện đại... Sau thành công của C&C08, trong lần tới tham quan triển lãm ở Las Vegas, Trịnh Bảo Dụng đã gọi điện về cho tôi nói rằng: Bây giờ, nhớ lại vẫn còn rùng mình. Trên thế giới chẳng ai làm nghiên cứu khoa học như chúng ta, áp dụng cùng lúc bao nhiêu kỹ thuật mới, lại không có bản mẫu để học hỏi, mọi thứ đều tự thiết kế hết. May thay là chúng ta đã thành công, nếu thất bại thì hậu quả thật khó tưởng tượng.”
NHÂN TÀI, “ĐẠI TƯỚNG” LÝ NHẤT NAM
“Nhân tài là ngọc quý của quốc gia, là lực lượng phò tá xã tắc.”
“Thượng hiền” - MẶC TỬ
Nhắc tới dòng thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số cỡ lớn đời mới thì không thể không nhắc tới cái tên Lý Nhất Nam.
Lý Nhất Nam sinh năm 1970 tại Hồ Nam. Năm 15 tuổi anh thi đỗ vào lớp tài năng trẻ của trường Đại học Công nghiệp Hoa Trung, Trịnh Bảo Dụng học ở khóa trên. Vào năm cuối đại học, nhờ mối quan hệ với Trịnh Bảo Dụng, anh đã tới Huawei để thực tập. Ngày đó Huawei chỉ là một công ty nhỏ với vài trăm nhân viên, định vị của công ty tuy rõ ràng, song lại chưa có sản phẩm nổi trội, cũng như chưa có tầm nhìn thị trường một cách chuẩn xác. Lý Nhất Nam năm đó tuổi trẻ tài cao, Huawei hẳn nhiên chưa phải là sự lựa chọn hàng đầu cho con đường lập nghiệp của anh. Chí hướng của anh cũng như bao sinh viên tài năng khác là ra nước ngoài du học chuyên sâu, tích lũy kinh nghiệm, tạo dựng nền móng vững chắc cho tương lai.
Lý Nhất Nam tới Huawei tham gia thực tập với thái độ không mấy mặn mà. Tuy nhiên sau khi dấn thân vào môi trường làm việc sôi nổi ở đây, anh bỗng như một thanh sắt gặp được lò nung. Những thứ anh có trong người, tài hoa, thanh xuân, lý tưởng đã nhanh chóng sục sôi trong một doanh nghiệp nhỏ chỉ vài trăm người này. Anh nhận ra rằng công ty Huawei thực ra không tầm thường như mình tưởng.
Nhậm Chính Phi có câu khẩu hiệu: “Quyết không để ‘Lôi Phong’ mang tất rách, tuyệt đối không để ‘Tiêu Dụ Lộc’ mắc bệnh gan”5. Lần đầu nghe câu khẩu hiệu này, Lý Nhất Nam đã vô cùng cảm kích. Một lần, Nhậm Chính Phi đã phát biểu rằng: “Chúng ta sẽ luôn trả tiền lương, đãi ngộ hậu hĩnh cho những nhân viên ưu tú, phải đền đáp và khen thưởng xứng đáng cho những con người cống hiến thầm lặng. Người lãnh đạo không được âm thầm đi theo họ, mà phải phát hiện ‘Lôi Phong’, đối đãi tử tế với ‘Lôi Phong’, phải phất cờ tuyên truyền ‘Lôi Phong’, phải nỗ lực xây dựng văn hóa ‘không để ‘Lôi Phong’ chịu thiệt thòi’. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới ngày càng sản sinh ra nhiều những ‘Lôi Phong’, văn hóa doanh nghiệp mới ngày càng trong sạch, doanh nghiệp mới ngày càng phát triển.”
5. Lôi Phong và Tiêu Dụ Lộc là hai nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc đã cống hiến và hy sinh thầm lặng cho đất nước
Cũng chính chủ trương “không để Lôi Phong chịu thiệt thòi” này đã khiến Lý Nhất Nam nảy sinh thiện cảm với Nhậm Chính Phi. Chàng trai trẻ tuổi cảm thấy con người này là một doanh nhân lớn trọng nghĩa khí.
Trong thời gian thực tập ngắn ngủi, Lý Nhất Nam đã thể được sự thông minh của mình, để lại ấn tượng sâu sắc cho Nhậm Chính Phi. Lý Nhất Nam còn được giao phụ trách một hạng mục nghiên cứu kỹ thuật. Khi ấy Nhậm Chính Phi còn quyết định mua cho Lý một bộ thiết bị thực nghiệm trị giá tới 200 ngàn đô la. Ngày đó, nguồn vốn của Huawei còn eo hẹp, việc bỏ ra số tiền lớn để đầu tư thiết bị cho một thực tập sinh được xem là mạo hiểm. Song Nhậm Chính Phi vẫn kiên quyết bởi ông đánh giá rất cao Lý Nhất Nam. Bộ thiết bị kia được nhập khẩu từ nước ngoài về Thâm Quyến. Nhưng do thị trường biến động, hạng mục này sau đó đã không còn giá trị nghiên cứu. Trong hoàn cảnh đó, Nhậm Chính Phi đã động viên Lý Nhất Nam rằng: “Người trẻ làm nghiên cứu gặp thất bại là chuyện thường tình, quan trọng hơn cả là rút ra được bài học để đứng dậy làm lại!”
Vào đêm trước ngày tốt nghiệp, Lý Nhất Nam vẫn ưu tiên lựa chọn con đường ra nước ngoài du học, song việc xin visa lại không được thuận lợi. Công ty Huawei không muốn đánh mất nhân tài nên đã tìm cách liên lạc với Lý Nhất Nam thông qua giảng viên của trường Đại học Công nghiệp Hoa Trung. Trước sự khuyên nhủ chân thành của Nhậm Chính Phi và Trịnh Bảo Dụng, Lý Nhất Nam đã từ bỏ kế hoạch du học vào phút chót. Năm 1992, anh gia nhập Huawei khi mới 23 tuổi.
Lý Nhất Nam có vẻ ngoài nho nhã, thư sinh. Năm 1990 nếu không tới Huawei thực tập, anh sẽ không thấy được hoài bão lớn lao cùng lòng khoan dung của Nhậm Chính Phi. Nếu chỉ dựa vào thực lực của Huawei khi đó, muốn lôi kéo anh gia nhập là chuyện không hề đơn giản. Tuy nhiên, nếu Lý Nhất Nam lựa chọn con đường học tiến sỹ, sau đó vận dụng tài năng của mình để phát triển sự nghiệp, thì cũng rất khó tìm được công ty nào tạo điều kiện cho anh như Huawei.
Chỉ sau hai ngày gia nhập, Lý Nhất Nam đã được Nhậm Chính Phi đặc cách làm kỹ sư chính thức của Huawei. Sau hai tuần, do xử lý được một hạng mục kỹ thuật mà anh được đặc cách trở thành kỹ sư cao cấp. Nửa năm sau, do có biểu hiện xuất sắc, anh được giao chức phó tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu - đầu não của công ty. Hai năm sau, nhờ sự cống hiến vượt trội, anh được đề bạt làm tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu và kỹ sư trưởng. Bốn năm sau, Lý Nhất Nam khi ấy mới 27 tuổi trở thành phó tổng giám đốc công ty và là người phụ trách công tác nghiên cứu, phát triển.
Lý Nhất Nam không chỉ thành thạo công tác nghiên cứu khoa học, có tố chất lãnh đạo, mà còn có tầm nhìn, tư duy nhạy bén. Nhân viên nội bộ của Huawei cũng phải thốt lên rằng: “Nhất cử nhất động của Lý Nhất Nam đều ảnh hưởng tới phương hướng phát triển của Huawei”.
Dòng thiết bị chuyển mạch cỡ lớn gồm 2.000 cổng dẫn C&C08 được thị trường đón nhận mạnh mẽ. Khối lượng công việc của Huawei cũng vì thế mà ngày càng nhiều. Lý Nhất Nam và Trịnh Bảo Dụng trở thành hai cánh tay đắc lực của Nhậm Chính Phi. Để tạo bước nhảy vọt cho Huawei, Nhậm Chính Phi đã đề ra nhiệm vụ mới là dốc toàn bộ tài chính và lực lượng nghiên cứu khoa học của công ty vào phát triển dòng sản phẩm mới đầy khó khăn - thiết bị chuyển mạch một vạn cổng dẫn C&C08.
Đội ngũ kỹ sư lúc đó chưa thể đáp ứng được nhu cầu cho việc nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới. Nhậm Chính Phi đã ra chỉ thị cho bộ phận tuyển dụng: “Phải tìm mọi cách bổ sung cho Huawei những nhân tài kỹ thuật xuất sắc nhất!”.
Khi được nhân viên của bộ phận quản lý nhân lực hỏi về tiêu chuẩn chọn người, Nhậm Chính Phi đã hỏi lại: “Nếu Đặng Tiểu Bình tới Huawei ứng tuyển, liệu chúng ta có lựa chọn hay không?”.
Các nhân viên phụ trách đưa ra những quan điểm khác nhau. Kỳ thực, trong lòng Nhậm Chính Phi sớm đã đưa ra đáp án: Doanh nghiệp phải tuyển chọn nhân tài phù hợp với chức vụ. Đặng Tiểu Bình là một sự lựa chọn không tệ, song chúng ta thử nghĩ xem nên để ông ấy làm nhiệm vụ gì trong công ty.
Dưới sự chỉ đạo của Nhậm Chính Phi, Công ty Huawei đã từng bước xây dựng được phương pháp tuyển dụng và thu hút nhân tài ưu tú. Họ có thể tuyển dụng nhân tài trong bất cứ hoàn cảnh và thời cơ nào.
Trong một lần Cục Bưu chính Viễn thông Tây An mở lớp bồi dưỡng kỹ thuật về thiết bị chuyển mạch điều khiển bằng chương trình, các đơn vị sản xuất thiết bị chuyển mạch ở khắp nơi trên cả nước đều cử nhân viên kỹ thuật cốt cán của mình tới tham gia. Nhậm Chính Phi hay biết tin này thì trong lòng mừng rỡ, ông chỉ thị cho bộ phận tuyển dụng cử nhân viên tham gia lớp học này.
Nhân viên của Huawei sau khi tới Tây An, ban ngày tham gia lớp bồi dưỡng, tối đến lại mượn cớ giao lưu kết bạn để tới khắp các phòng trong ký túc xá. Thực ra, mục đích chính của họ là tìm kiếm nhân tài. Đơn vị sản xuất thiết bị điện tử viễn thông Trường Xuân có một vị kỹ sư tay nghề cao, tên là Mao Sinh Giang. Cũng chính vào lần tham gia lớp bồi dưỡng đó, ông đã được mời đến Huawei.
Trong 13 năm làm việc cho Huawei, Mao Sinh Giang phụ trách nhiều mảng từ nghiên cứu, phát triển, sản xuất tới thị trường. Đồng thời ông cũng nắm giữ nhiều chức vụ trong công ty như giám đốc bộ phận nghiên cứu phát triển, phó tổng giám đốc bộ phận thị trường, phó tổng giám đốc cấp cao... góp phần vào nhiều chiến công hiển hách cho sự phát triển của Huawei.
Từ Văn Vỹ là một trường hợp khác cũng được mời về Huawei giống như Mao Sinh Giang. Từ Văn Vỹ vốn làm việc cho một công ty nước ngoài khá lớn ở khu Nam Sơn, Thâm Quyến. Huawei nằm ngay cạnh công ty này. Sau khi Từ Văn Vỹ chuyển sang làm việc cho Huawei, công ty kia hết sức bất mãn, họ còn báo cảnh sát địa phương tới bắt Từ Văn Vỹ. Kết quả là ông đã bị tạm giam một thời gian. Nhậm Chính Phi sau đó phải mất rất nhiều công sức mới cứu được Từ Văn Vỹ ra ngoài.
Công ty Huawei còn chiêu mộ được rất nhiều nhân viên xuất sắc từ các đơn vị nghiên cứu viễn thông. Mỗi dịp nhân viên trong công ty về quê nghỉ tết, Nhậm Chính Phi sẽ giao cho họ nhiệm vụ giới thiệu bạn bè tới Huawei làm việc. Nếu ai hoàn thành nhiệm vụ, sẽ được công ty trao cho “phần thưởng tiến cử nhân tài”.
Tới các trường đại học tổ chức ngày hội việc làm cũng là kênh tuyển dụng nhân tài hiệu quả của Huawei. Sinh viên các trường kỹ thuật như Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh, Học viện Công nghiệp Hoa Trung, Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc... đều là nguồn nhân tài mà Huawei để mắt tới. Niềm khát khao sở hữu nhân tài của Nhậm Chính Phi chưa bao giờ thuyên giảm. Năm 1998, sau khi nghe được thông tin Công ty Huawei đang khiến thị tường lao động bị lũng đoạn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã yêu cầu cấp dưới cung cấp cho mình bản danh sách sinh viên tốt nghiệp được Huawei tuyển dụng. Sau khi xem một tệp dày bản danh sách, ông bất giác nhận ra: Có tới một phần năm sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành máy tính và viễn thông của 20 trường đại học hàng đầu trên cả nước đã gia nhập Huawei. Có thể thấy, số lượng nhân tài mà Huawei chiêu nạp đủ để khiến đối thủ cạnh tranh phải kinh ngạc.
Nhậm Chính Phi rất trọng dụng nhân tài. Ông đưa ra những chính sách hấp dẫn như chế độ đãi ngộ, khen thưởng khích lệ tốt và còn tạo điều kiện cho họ bộc lộ tài năng, sớm được trở thành chuyên gia.
Năm 1997, Trịnh Bảo Dụng vinh dự nhận “Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật Thanh niên Trung Quốc” lần thứ V, đây cũng là hạng mục giải thưởng danh giá nhất của giới khoa học kỹ thuật Trung Quốc. Năm 2002, Lưu Bình đạt giải nhất “tiến bộ khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Đông”. Cùng năm đó, anh còn vinh dự được tiếp kiến lãnh đạo Đảng và nhà nước.
Để nhận được những giải thưởng đó thì người làm nghiên cứu khoa học kỹ thuật phải miệt mài công tác trong vài chục năm. Tuy nhiên, Trịnh Bảo Dụng và Lưu Bình khi ấy tuổi đời chỉ chừng 30. Công ty Huawei đã giúp họ sớm đạt được thành tích mà bao người khát khao có được. Điều này đã khiến hai người vô cùng xúc động.
Bản thân Nhậm Chính Phi chưa từng chủ động tham gia bất kì cuộc bình chọn giải thưởng nào. Ông không màng danh lợi mà dành nó cho những người trẻ của công ty.
THIẾT BỊ CHUYỂN MẠCH MỘT VẠN CỔNG DẪN
“Dụng kỳ sở trường, bất cưỡng kỳ sở bất năng.”
- Minh Thái Tổ thực lục
(Để người khác làm việc theo đúng sở trường sẽ tốt hơn là bắt ép họ làm những việc không đúng khả năng.)
Tình hình tiêu thụ của dòng thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số C&C08 2.000 cổng dẫn rất khả quan. Dựa vào danh tiếng của dòng sản phẩm này mà Huawei đã phá tan được tình trạng lũng đoạn thị trường mà các công ty nước ngoài gây ra, đồng thời cũng khiến các đối thủ cạnh tranh trong nước bị bỏ xa phía sau. Huawei còn áp dụng chiến lược “nông thôn bao quanh thành phố” để giành lại thị trường của các đối thủ cạnh tranh quốc tế và trở thành doanh nghiệp hàng đầu của ngành điện tử viễn thông quốc nội.
Chứng kiến thành tựu mà Huawei đạt được, nhiều người sẽ kết luận rằng: Huawei sở dĩ thành công là vì biết chú trọng nghiên cứu phát triển. Bất kể công ty nào, chỉ cần tiên phong chế tạo ra dòng thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số C&C08 gồm 2.000 cổng dẫn thì gần như nắm chắc phần thắng trên thị trường. Đó là bước đệm cho việc trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực điện tử viễn thông quốc nội.
Thực ra, Huawei chưa hẳn là công ty đầu tiên chế tạo ra dòng thiết bị gồm 2.000 cổng dẫn và sau đó là thiết bị kỹ thuật số gồm một vạn cổng dẫn. Đầu năm 1993, Huawei tập trung toàn bộ nguồn lực cho dòng thiết bị chuyển mạch C&C08 gồm 2.000 cổng dẫn. Khi ấy, kỹ sư trưởng Trịnh Bảo Dụng đã đề cập tới phương án phát triển dòng thiết bị gồm một vạn cổng dẫn. Đội ngũ nghiên cứu đã thảo luận về phương án thiết kế sản phẩm mới, tuy nhiên việc thực hiện không khả thi. Nguyên nhân là dòng thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số C&C08 gồm 2.000 cổng dẫn bấy giờ đang được tiêu thụ rất tốt trên thị trường, nên dẫn đến tâm lý chủ quan của các nhân viên nghiên cứu.
Để cổ vũ tinh thần anh em, Trịnh Bảo Dụng đã tuyên bố: “Các cậu cứ làm ra sản phẩm đi, tôi bảo đảm sẽ bán được không dưới chục cái!”.
Nhậm Chính Phi quả có con mắt tinh đời, ông nhận thấy Trịnh Bảo Dụng không chỉ có năng lực nghiên cứu khoa học vượt trội, mà còn có khả năng tổ chức quản lý. Ông nhanh chóng thăng chức cho Trịnh Bảo Dụng lên làm tổng giám đốc đầu tiên của bộ phận nghiên cứu. Bộ phận này còn thành lập các bộ phận trực thuộc nhỏ hơn, bao gồm: bộ phận nghiệp vụ thiết bị chuyển mạch, bộ phận nghiệp vụ trí tuệ, bộ phận nghiệp vụ mới và bộ phận cơ sở.
Đương nhiên, bộ phận nghiệp vụ thiết bị chuyển mạch là quan trọng nhất trong số đó do Lý Nhất Nam đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc. Thị trường thiết bị chuyển mạch trong nước rồi sẽ bão hòa, Huawei cần phải phát triển những lĩnh vực mới như điện thoại di động, đường truyền cáp quang hay truyền thông dữ liệu...
Hạng mục phát triển thiết bị chuyển mạch gồm một vạn cổng dẫn sẽ phức tạp hơn nhiều so với dòng sản phẩm trước đó. Lý Nhất Nam dù có ba đầu sáu tay cũng khó lòng ôm hết toàn bộ công việc nghiên cứu. Khi hạng mục được khởi động, anh đã phân chia nhiệm vụ cho Lưu Bình và Dư Hậu Lâm. Lưu Bình phụ trách phần mềm, còn Dư Hậu Lâm phụ trách phần cứng. Dư Hậu Lâm cùng độ tuổi với Lưu Bình, anh đến từ một sở nghiên cứu ở Vũ Hán, là một kỹ sư phần cứng giàu kinh nghiệm. Lưu Bình và Dư Hậu Lâm là sự kết hợp không thể lý tưởng hơn.
Thấu hiểu được nỗi vất vả của công việc nghiên cứu khoa học, Nhậm Chính Phi thường dặn dò nhà bếp chuẩn bị bữa ăn chu đáo cho nhân viên, bao gồm cả bữa ăn đêm sau 9 giờ tối. Ông cũng thường xuyên ghé thăm bộ phận nghiệp vụ thiết bị chuyển mạch để trò chuyện với các nhân viên, động viên tinh thần họ.
Lý Nhất Nam và Trịnh Bảo Dụng đều là nhân lực chủ chốt của dự án nghiên cứu chế tạo thiết bị chuyển mạch một vạn cổng dẫn. Dòng sản phẩm mới được nâng cấp trên mô-đun của thiết bị chuyển mạch C&C08 hai ngàn cổng dẫn. Công đoạn liên kết nhiều mô-đun lại với nhau là một thách thức không hề nhỏ. Để giải quyết vấn đề này, họ đã nghĩ ra một phương pháp hết sức táo bạo, đó là sử dụng cáp quang.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, kỹ thuật mạng cáp quang còn chưa phổ biến. Đừng nói là một doanh nghiệp tư nhân như Huawei, ngay cả những doanh nghiệp quân đội tiên tiến bậc nhất quốc nội lúc bấy giờ cũng chưa áp dụng kỹ thuật mạng cáp quang vào thực tiễn nghiên cứu. Sau khi cân nhắc, Lý Nhất Nam đã đề xuất phương án áp dụng kỹ thuật SDH. Kỹ thuật này được xem là khá tiên tiến và thịnh hành trong mảng viễn thông cáp quang trên thế giới lúc bấy giờ.
Trong phòng làm việc của bộ phận nghiên cứu phát triển, công việc thiết kế phần cứng cho sản phẩm mới đang được tiến hành khẩn trương. Dư Hậu Lâm cùng một vài kỹ sư khác vừa hoàn thành xong bản thiết kế mạch điện mô phỏng và mạch điện mô hình code của thiết bị đường truyền cáp quang. Tuy nhiên, bo mạch chủ của thiết bị lại chẳng khác nào một chiếc ăng-ten cực đại bắt về các loại sóng gây nhiễu, ảnh hưởng tới việc truyền dẫn tín hiệu. Dư Hậu Lâm phải mất vài tuần tìm cách xử lý, cuối dùng họ phải dùng tới thiết bị phân tích lô-gic có giá trên một triệu tệ thì vấn đề mới được giải quyết.
Việc thiết kế phần mềm bên phía Lưu Bình cũng vấp phải không ít khó khăn. Hệ thống phần mềm của thiết bị chuyển mạch C&C08 một vạn cổng dẫn bao gồm ba loại là phần mềm thao tác, phần mềm hỗ trợ và phần mềm lập trình. Việc thiết kế vô cùng phức tạp, không những vậy còn không cho phép xảy ra bất kì sai sót nào. Quá trình thiết kế phải tính toán cho việc nâng cấp thiết bị về sau. Ngoài ra, họ còn phải bổ sung một số hệ thống hỗ trợ như điều khiển từ xa, tính phí điện thoại... Sản phẩm mới phải cao cấp, hiệu quả và thao tác dễ dàng hơn các dòng trước.
Để bắt kịp tiến độ, sơ đồ mạch điện vừa được thiết kế ra sẽ được tạo ngay một bảng mạch thực nghiệm, nếu đạt yêu cầu thì bản vẽ giấy sẽ lập tức được gửi tới Hồng Kông, sau đó gấp rút triển khai sản xuất với chi phí cao.
Khi bước vào giai đoạn cuối của hạng mục, các kỹ sư của bộ phận nghiên cứu phát triển đều hết sức căng thẳng. Họ e ngại những sai sót sẽ ảnh hưởng tới kết quả nghiên cứu sản phẩm mới.
Thép tốt phải dùng làm lưỡi dao. Nhậm Chính Phi từng đi sâu nghiên cứu chiến thuật đánh trận truyền thống của quân đội Trung Quốc - “Tập trung tinh lực, đánh bay quân thù”. Trải qua gần hai năm nghiên cứu, phát triển với mục tiêu rõ ràng, đến năm 1995, bản sản phẩm mẫu của thiết bị chuyển mạch C&C08 một vạn cổng dẫn đã hoàn thiện. Nó là thành quả lao động và tâm huyết của đội ngũ kỹ sư Huawei.
Vào ngày thử nghiệm bản mẫu, Lý Nhất Nam dẫn theo nhân viên của tổ phần mềm và phần cứng tới phòng máy. Sau khi hít sâu một hơi, anh nhấc điện thoại lên, bấm số, điện thoại ở đầu dây bên kia phát ra tiếng chuông.
Lưu Bình bèn nhấc máy, phấn chấn nói: “Gọi được rồi!”
Lưu Bình vừa dứt lời, anh còn chưa kịp cùng mọi người vỗ tay chúc mừng thắng lợi thì đã nghe Lý Nhất Nam nói: “Vừa rồi thử máy là ở chế độ liên kết sẵn phải không?”.
Nghe vậy, Lưu Bình lập tức đi kiểm tra, quả nhiên đúng như lời Lý Nhất Nam. Điều này nghĩa là cuộc gọi vừa rồi không có giá trị. Sau khi ngắt chế độ liên kết sẵn, cuộc gọi không thể kết nối được nữa.
Các kỹ sư bị một vố mừng hụt. Tổ phần mềm và phần cứng lại khẩn trương bắt tay vào tìm kiếm nguyên nhân. Lỗi xác định nằm ở các mối nối trên phần cứng. Sau khi xử lý được vấn đề này, điện thoại đã có thể liên lạc ổn định.
Nghe tiếng chuông reo không ngớt từ điện thoại thử nghiệm, Lý Nhất Nam cuối cùng cũng có thể nở nụ cười.
Nhận được tin báo thử nghiệm thành công, Nhậm Chính Phi liền gác lại công việc, vội vã chạy tới ngắm nghía bộ thiết bị chuyển mạch một vạn cổng dẫn sắp được tung ra thị trường, xúc động nói: “Tôi phải chúc mừng các anh mới được!”.
Rượu mừng nâng ngàn chén cũng khó say. Nhậm Chính Phi trong lúc chúc rượu các nhân viên, đột nhiên nghĩ tới một vấn đề hết sức quan trọng. Đó là dòng thiết bị gồm một vạn cổng dẫn của Huawei phải có khả năng chống sét.
Điều mà Nhậm Chính Phi lo lắng quả thực cũng là “căn bệnh nan y” của ngành điện tử viễn thông. Kỹ thuật của các công ty lớn nước ngoài tuy tiên tiến, nhưng thiết bị chuyển mạch của họ sau khi đưa vào sử dụng ở thị trường Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề này. Tình trạng thiết bị bị tổn hại do tia sét có cường độ dòng điện lớn gây ra, vẫn còn, thậm chí còn xảy ra những sự cố nghiêm trọng như bốc cháy.
Khi ấy, Phó Tổng Giám đốc Trịnh Bảo Dụng được giao trọng trách xử lý vấn đề này. Anh đưa nhiều chỉ thị để tăng cường quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Các kỹ sư của Huawei vừa tìm hiểu tài liệu, vừa làm một loạt thực nghiệm mô phỏng để tìm ra phương án khả quan nhất. Để đảm bảo hiệu quả, Trịnh Bảo Dụng còn di dời phòng thực nghiệp của tổ nghiên cứu tới sở nghiên cứu khoa học bưu chính viễn thông tỉnh Quảng Đông để cùng các chuyên gia ở đây tiến hành thử nghiệm. Sau cùng, họ đã nghiên cứu thành công phương án chống sét tối ưu. Trong vòng 15 ngày gia công gấp rút, bộ thiết bị chống sét đầu tiên của Trung Quốc đã được Huawei cho ra đời.
Thiết bị chuyển mạch C&C08 gồm một vạn cổng dẫn có thể xem là dòng sản phẩm “quyết định” của Huawei. Đội ngũ bán hàng hùng hậu của Huawei với quyết tâm sôi sục đã sẵn sàng tấn công thị trường quốc nội vốn đang bị các ông lớn ngành điện tử viễn thông nước ngoài chiếm cứ.
PHI CHÂU, BƯỚC ĐÀ NHẢY VỌT
“Nhân tài sinh ra trong nghịch cảnh, còn vận may chỉ làm che lấp tài năng.”
- HORACE
Nếu ví lần lắp đặt máy ở Phật Đường, Nghĩa Ô là kỳ thi trung học, thì lần lắp đặt dòng máy C&C08 gồm một vạn cổng dẫn ở Phi Châu chính là kỳ thi đại học đầy cam go. May thay, Huawei đã vượt qua được. Nhờ đó mà sản phẩm mới của họ bám trụ được ở cả thành phố và nông thôn.
Thị trường ở thành phố và nông thôn của Trung Quốc có sự khác biệt lớn. Thị trường thiết bị chuyển mạch ở các thành phố đã bị các công ty nước ngoài thâu tóm từ lâu. Sản phẩm quốc nội tuy giá thành thấp hơn nhiều song ít cục viễn thông dám mạo hiểm sử dụng. Ngày ấy, cán bộ công tác trong ngành điện tử viễn thông đều rõ một quy tắc ngầm. Đó là nếu mua thiết bị chuyển mạch của quốc nội mà để xảy ra trục trặc trong quá trình sử dụng thì lãnh đạo sẽ bị sa thải.
Cục Viễn thông Phi Châu từ vài năm trước đã sử dụng dòng thiết bị chuyển mạch S1240 của Công ty Bell Thượng Hải. Sau này, nền kinh tế phát triển thần tốc, nhu cầu lắp đặt điện thoại của người dân thành thị ngày càng tăng dẫn đến việc thiếu hụt dung lượng sử dụng. Trước tình hình đó, Cục Viễn thông Phi Châu quyết định mua thêm thiết bị chuyển mạch của hãng này. Có điều, nhà sản xuất lại thông báo rằng phải đến tận năm sau mới có thiết bị. Điều này khiến cho Cục Viễn thông Phi Châu hết sức lo lắng.
Biết tin này, chủ nhiệm văn phòng đại diện của Công ty Huawei ở Nam Kinh Từ Húc Ba đã kịp thời báo cáo cho Nhậm Chính Phi. Nhận thấy đây là cơ hội hiếm có, Nhậm Chính Phi đã lập tức ra chỉ thị: Phải dành được đơn hàng này bằng mọi giá.
Để không phụ lòng mong mỏi của Nhậm Chính Phi, Từ Húc Ba tiến hành gặp khách hàng. Bằng lòng nhẫn nại, thuyết phục nhanh chóng, cộng thêm việc so sánh chất lượng, tính năng và giá thành giữa sản phẩm của hai công ty, cuối cùng Từ Húc Ba đã thuyết phục được người phụ trách của Cục Viễn thông Phi Châu mua dòng máy gồm một vạn cổng dẫn mới nhất của Huawei.
Nhậm Chính Phi hết sức coi trọng việc lắp đặt máy lần này. Đội ngũ kỹ sư được cử đi đều là những nhân viên giỏi. Khí thế của lần “bày binh bố trận” này khẩn trương hơn nhiều so với lần lắp đặt dòng máy C&C08 gồm hai ngàn cổng dẫn ở chi cục Phật Đường, Nghĩa Ô. Thêm nữa, đối thủ lần này của Huawei là một công ty có tiếng.
Bell Thượng Hải là công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao của Trung Quốc, và cũng là công ty con của Công ty Alcatel Lucent. Alcatel Lucent là công ty đa quốc gia có tên tuổi lâu năm trên thị trường, trụ sở được đặt tại Paris, Pháp.
Lý Nhất Nam và Lưu Bình đích thân tới Phi Châu chỉ đạo công việc. Từ công đoạn cố định thân máy tới kết nối dây dẫn, các kỹ sư của Huawei đều hết sức cẩn thận để hoàn thành nhiệm vụ lắp đặt máy.
Lý Nhất Nam phất tay ra hiệu: “Bắt đầu thử máy!”.
Ban đầu việc thử máy diễn ra suôn sẻ, nhưng sau đó lại gặp một vấn đề nghiêm trọng. Điện thoại sau khi được nối với thiết bị C&C08 gồm một vạn cổng dẫn thì không thể liên lạc với điện thoại đường dài của Cục Viễn thông thành phố Từ Châu - Cục cấp trên của Phi Châu.
Thiết bị trước khi xuất xưởng đã được Lý Nhất Nam kiểm tra kĩ lưỡng theo lời dặn dò của Nhậm Chính Phi. Lý Nhất Nam cho rằng nguyên nhân là do bản rơ-le đã xảy ra lỗi trong quá trình vận chuyển đường dài, anh đã gọi điện về tổng bộ Huawei ở Thâm Quyến yêu cầu lập tức gửi bản rơ-le mới tới Phi Châu.
Tuy nhiên sau khi thay bản rơ-le mới thì tình hình vẫn không được cải thiện. Các kỹ sư phụ trách thử máy chỉ biết nhìn nhau thắc mắc. Thấy vậy, Lý Nhất Nam chỉ tay vào đường dây điện được nối với bản rơ-le, rồi nói: “Thay dây dẫn rơ-le xem thế nào!”
Hai kỹ sư liền bắt taxi tới thẳng Từ Châu, dây dẫn rơ-le không phải là loại sản phẩm kỹ thuật cao quá khó tìm, có thể mua được ở những thành phố lớn. Song kết quả sau đó lại một lần nữa khiến họ hụt hẫng.
Lý Nhất Nam gọi điện về công ty báo cáo tình hình. Nhậm Chính Phi rất lo lắng. Ông liên tục cử nhiều nhóm kỹ sư phần cứng tới Phi Châu. Lý Nhất Nam theo dõi ở phòng máy một tuần liền, đội ngũ kỹ sư được cử tới hỗ trợ tuy đã dốc hết sức song vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân.
Người phụ trách tổ phần cứng Dư Hậu Lâm nôn nóng hơn ai hết. Phần cứng của thiết bị xảy ra lỗi, anh là người phải gánh trách nhiệm lớn hơn cả. Nhưng dù thế nào thì “trận chiến” lần này ở Phi Châu chỉ được phép thắng, không được phép thất bại. Dư Hậu Lâm đã tỉ mỉ kiểm tra từng mô-đun, từng đường dây điện, từng mối hàn, từng điểm nối không biết bao nhiêu lần. Sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng từng chi tiết, anh tin chắc rằng phần cứng do anh phụ trách nghiên cứu, chế tạo không hề có lỗi.
Nếu đúng như vậy thì nguyên nhân phải chăng nằm ở thân máy? Nghĩ vậy, anh bèn cúi người nhìn xuống dưới, rồi đột ngột mừng rỡ kêu lên: “Tôi tìm ra rồi, tôi tìm ra nguyên nhân rồi!”.
Lý Nhất Nam và Lưu Bình đang ở bên ngoài bèn hớt hải xông vào phòng máy. Nguyên nhân của vấn đề thực ra hết sức đơn giản, lỗi nằm ở dây dẫn tiếp đất của thiết bị. Sau khi Dư Hậu Lâm dùng mỏ lết siết lại đai ốc, quả nhiên kết nối được điện thoại đường dài.
Lý Nhất Nam đã cùng đội ngũ kỹ sư lắp đặt máy làm việc liên tục trong bảy ngày. Trong thời gian việc thử nghiệm chưa hoàn thành, một số cán bộ ở Cục Viễn thông Phi Châu đã bắt đầu nghi ngờ tính năng sản phẩm của Huawei. Đối mặt với những lời đồn không hay, họ không hề lên tiếng giải thích. Sự thực luôn chiến thắng. Chỉ có tăng cường tiến độ, nhanh chóng lắp đặt thành công mới chính là câu trả lời đanh thép nhất đập tan mọi hoài nghi.
Quả đúng là chuyện hay thì khó với tới. Sau khi vấn đề phần cứng được loại bỏ, thì lại tới vấn đề của phần mềm. Nguyên nhân lại không nằm ở lỗi thiết kế phần mềm của Huawei, mà đến từ hành động nóng vội của Cục Viễn thông Phi Châu.
Do nôn nóng muốn thu hồi vốn, trước lúc đặt mua thiết bị của Huawei, cán bộ của Cục Viễn thông Phi Châu vẫn cho phép dịch vụ hoạt động mà không có sự điều chỉnh.
Theo trình tự tiêu chuẩn thì số điện thoại chỉ được khai thông khi thiết bị chuyển mạch được lắp đặt hoàn thiện. Nếu đi ngược lại trình tự sẽ dẫn đến việc khe thời gian của cuộc gọi bị chiếm dụng nhưng sau đó lại không được giải phóng.
Đối với thiết bị chuyển mạch điều khiển bằng chương trình, một cuộc gọi sẽ chiếm dụng một khe thời gian. Khi người dùng kết nối cuộc gọi tức là đang sử dụng một khe thời gian, sau khi cuộc gọi kết thúc, khe thời gian đó sẽ được giải phóng. Nếu thiết bị phải làm việc trong trạng thái chưa hoàn thiện thì sẽ xảy ra lỗi xử lý chương trình, sẽ có lúc khe thời gian không được giải phóng kịp thời. Vấn đề này nếu xảy ra trong thời gian dài sẽ dẫn đến thiếu hụt khe thời gian, kết quả là toàn bộ hệ thống của thiết bị chuyển mạch sẽ bị tê liệt.
Viết lại phần mềm tuy sẽ giải quyết được vấn đề, song thời gian lại không cho phép. Sau khi thảo luận, họ đánh liều sử dụng phương án xử lý tạm thời: Thiết kế thêm chức năng khởi động lại phần mềm vào hai giờ sáng hằng ngày. Sau khi khởi động lại hệ thống, toàn bộ khe thời gian sẽ được giải phóng, phương án này được họ gọi là: “Gà gáy nửa đêm”.
Phương án này chỉ là kế sách tạm thời, chứ chưa thực sự giải quyết được vấn đề. Sở dĩ lựa chọn thời điểm hai giờ sáng là vì hiếm ai gọi điện vào lúc đó. Nếu gọi điện thoại trong thời gian này, kết quả là sẽ rơi vào tình trạng ngắt mạng hoặc không thể kết nối cuộc gọi. Kế sách “Gà gáy nửa đêm” được duy trì trong hơn nửa năm. Sau này khi đã trải qua nhiều lần nâng cấp thì vấn đề giải phóng khe thời gian của thiết bị mới được giải quyết triệt để.
Lý Nhất Nam dẫn theo đội ngũ kỹ sư của Huawei tới Phi Châu từ tháng 8 năm 1994, tới khi công việc lắp đặt, thử nghiệm máy hoàn tất thì đã là giữa tháng 10, tức cuối thu.
Vào giai đoạn nghiệm thu, Nhậm Chính Phi và Trịnh Bảo Dụng không ngại đường xa tới Phi Châu. Trong buổi lễ mừng công được tổ chức long trọng, Nhậm Chính Phi đã không kìm nén được vui mừng. Ông xúc động phát biểu trước đội ngũ kỹ sư từng tham gia lắp đặt máy: “Mười năm sau, Huawei sẽ sánh ngang với AT&T và Alcatel, Huawei sẽ chiếm một phần ba thị trường!”.
Trong lĩnh vực thiết bị điện tử viễn thông khi ấy, Công ty Bell Thượng Hải là bá chủ ở Trung Quốc; còn AT&T là bá chủ trên thị trường quốc tế. Bởi vậy mà khi nghe lời tuyên bố của Nhậm Chính Phi, các nhân viên chỉ cười và nghĩ bụng: Ngài ấy thật biết nói đùa. Nhưng sự phát triển sau này của Huawei đã chứng minh, Nhậm Chính Phi không hề nói đùa, mà đã dùng tầm nhìn xa trông rộng của mình để phác họa bức tranh phát triển doanh nghiệp trong tương lai.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ nhân viên, thiết bị chuyển mạch của Huawei liên tục được lắp đặt ở nhiều nơi. Công việc tiếp theo là phải mời chuyên gia tới giám định. Để việc cấp giấy chứng nhận diễn ra suôn sẻ, Nhậm Chính Phi hết sức coi trọng lần giám định này. Ông đã chọn một căn phòng lớn trong công ty để thử nghiệm thiết bị C&C08, thể hiện tính năng vượt trội của thiết bị. Ông còn mượn về hơn chục bộ máy phát cuộc gọi từ khắp nơi trên cả nước, rồi hãnh diện tuyên bố: “Chúng tôi đã mượn về đây tất cả các loại máy phát cuộc gọi trên khắp cả nước rồi đấy”.
Phụ trách công tác chuẩn bị cho buổi giám định là phó kỹ sư trưởng của bộ phận nghiệp vụ Lưu Bình. Còn người dẫn đầu tổ giám định cho sản phẩm mới của Huawei lần này là giáo sư của Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh. Theo trình tự, bước đầu tiên là tiến hành giám định chức năng, bước này C&C08 gồm một vạn cổng dẫn vượt qua tương đối thuận lợi. Bước tiếp theo là giám định phần mềm. Nhậm Chính Phi đã bố trí tại chỗ nhân viên lập trình phần mềm để ứng biến với mọi tình huống xảy ra.
Sau khi xử lý một số lỗi phần mềm, sản phẩm của Huawei đã vượt qua bước giám định này. Song chưa để cho Nhậm Chính Phi được thở phào nhẹ nhõm, bước giám định tính năng liên tục xuất hiện lỗi. Vào thời khắc then chốt, những con người Huawei lại lần nữa thể hiện tinh thần làm việc của mình, Lý Nhất Nam và Lưu Bình lập tức tập hợp nhân viên cùng chung sức giải quyết vấn đề. Họ đã trải qua biết bao nhiêu ngày đêm đáng nhớ! Nhậm Chính Phi cùng nhân viên của ông hiểu rõ hơn ai hết thế nào là quyết tâm chiến đấu, hồi sinh từ bước đường cùng. Sau khi khắc phục mọi khó khăn, tính năng của sản phẩm cuối cùng cũng được xác nhận đạt tiêu chuẩn.
Các chuyên gia sau đó đã ghi đánh giá vào bản kết quả giám định như sau: “Dòng máy C&C08 gồm một vạn cổng dẫn đã đạt tới trình độ tiên tiến quốc tế”. Câu nhận xét này thể hiện sự khích lệ, công nhận và kỳ vọng dành cho sản phẩm quốc nội. Lần giám định này đã thành công tốt đẹp, một số lỗi kỹ thuật cũng dần được các kỹ sư của Huawei khắc phục.
Trên bước đường nhiều chông gai, bằng sự chung sức đồng lòng của đội ngũ nhân viên, chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm C&C08 gồm một vạn cổng dẫn của Huawei đã trở thành dòng thiết bị chuyển mạch cỡ lớn chủ đạo của thị trường Trung Quốc.
Năm 1995, Công ty Lucent sau khi tách khỏi AT&T, do phải chịu áp lực cạnh tranh từ các công ty của Trung Quốc trong đó có Huawei, phải hợp nhất với Công ty Alcatel, thành lập ra Công ty Alcatel Lucent - Bell Thượng Hải.
VĂN HÓA CHÓ SÓI, QUẢ CẢM XÔNG PHA
“Chỉ cần có quyết tâm thì mọi con mồi đều khó thoát, chỉ cần có tham vọng thì việc khó mấy cũng thành.”
- WOLF TOTEM
Nhậm Chính Phi từng nói: “Muốn phát triển doanh nghiệp thì phải đào tạo ra “một bầy sói”. Sói có ba đặc điểm nổi bật: một là khứu giác nhạy bén, hai là ý chí kiên cường và tinh thần liều mạng tấn công, ba là tinh thần chiến đấu bày đàn.”
Tinh thần cốt yếu trong “văn hóa chó sói” của Huawei được thể hiện qua bốn đặc điểm là: “tham, dã, tàn, nhận” (nghĩa là: tham lam, dã tâm, tàn khốc, bền bỉ).
Trước hết, cái “tham” của Huawei được bộc lộ rõ nét nhất qua việc tuyển dụng nhân tài.
Lưu Bình gia nhập Huawei vào mùa xuân năm 1993. Để thu hút nhân tài, những chuyến xe của Huawei hầu như ngày nào cũng chạy qua trung tâm cung ứng nhân lực để kiếm người tài về phỏng vấn. Lưu Bình vào làm cho Huawei với chức danh kỹ sư phần mềm cao cấp. Nhờ vào biểu hiện xuất sắc trong công việc, đến cuối năm 1995, anh được cử tới Bắc Kinh rồi trở thành viện trưởng của viện nghiên cứu ở đây. Anh chủ yếu phụ trách công việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm viễn thông dữ liệu. Hạng mục này tuy gây tốn kém cho Huawei, song với mong muốn xây dựng nền tảng kỹ thuật tiên tiến cho tương lai, Nhậm Chính Phi vẫn kiên quyết đầu tư cho phương hướng nghiên cứu này.
Viện nghiên cứu của Huawei ban đầu được đặt trong khuôn viên nhà khách của Học viện Địa chất Bắc Kinh. Văn phòng còn ít đồ đạc, được cải tạo từ cơ sở vật chất sẵn có, điều kiện và môi trường làm việc còn hết sức sơ sài. Lưu Bình còn tuyển một bác gái chuyên nấu bữa trưa cho mọi người. Ngày ấy tới bộ bàn ghế tử tế để dùng bữa cũng chưa có, họ phải đứng ở hành lang để ăn cơm. Để cải thiện điều kiện, Nhậm Chính Phi đã không tiếc chi một khoản tiền lớn tới 100 triệu tệ để mua một tòa nhà sáu tầng ở Bắc Kinh làm viện nghiên cứu. Sau khi được sửa sang, thì bấy giờ Viện Nghiên cứu Bắc Kinh mới trở thành niềm tự hào của Huawei.
Trong một lần tới Bắc Kinh công tác, Nhậm Chính Phi đã ghé qua viện nghiên cứu để khảo sát. Nhận thấy đội ngũ nhân viên ở đây quá ít, ông bức xúc nói: “Lưu Bình, sao chỗ cậu lại chỉ có vài người thế này, chẳng phải tôi đã dặn cậu phải tuyển thêm người hay sao?”
Lưu Bình dè dặt đáp: “Thưa Tổng Giám đốc Nhậm, chúng ta vẫn chưa xác định sẽ sản xuất dòng sản phẩm viễn thông dữ liệu nào, nếu tuyển thêm người về thì chỉ e sẽ không có việc để làm.”
Nhậm Chính Phi bực bội nói: “Tôi bảo cậu tuyển thì cậu cứ tuyển đi. Nếu nhàn rỗi quá, tuyển người về để đãi cát cũng được!”.
Tuy chưa hiểu hết ý tứ trong lời nói của lãnh đạo, song Lưu Bình vẫn nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh. Trong thời gian công tác ở Viện Nghiên cứu Bắc Kinh, Lưu Bình có một nhiệm vụ quan trọng là tìm mọi cách để thu hút nhân tài. Viện nghiên cứu còn lập ra “bộ phận phần mềm hiệp ước”. Về sau cũng chính bộ phận này đã trở thành cơ sở nghiên cứu các dòng sản phẩm điện tử viễn thông dữ liệu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển của Huawei.
Tiếp theo bàn về cái “dã” của Huawei. Chính “dã tâm” của bộ phận nghiên cứu, phát triển đã giúp Huawei nắm bắt được cả thời cơ và thị trường. Theo quy định chung, thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số chỉ được xuất xưởng sau khi đã được thử nghiệm đạt chuẩn. Song, với dòng sản phẩm C&C08 gồm hai ngàn cổng dẫn và sau đó là một vạn cổng dẫn, Huawei đã đi ngược lại quy định khi đem sản phẩm chưa hoàn chỉnh lắp đặt cho khách hàng. Họ nắm bắt cơ hội ngay khi nhìn thấy nó. Giành được thị trường trước, sau đó họ sẽ vừa lắp đặt vừa điều chỉnh. Việc làm đầy “dã tâm” này hệt như kỹ năng tấn công chớp nhoáng của loài sói. Khi đối thủ trở tay đối phó thì thị trường đã nằm trong tay Huawei, rất khó để lật ngược tình thế!
Huawei được đánh giá là có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, nếu trong mười năm đầu chưa nhiều người biết đến, thì mười năm sau đã tiếng tăm lẫy lừng. Theo đà gia tăng của đội ngũ nhân viên công ty, để giữ chân nhân tài, Nhậm Chính Phi còn lập ra “chế độ phân chia cổ phần” - được xem là kế sách đầy “dã tâm” nhưng cũng vô cùng hiệu quả. Ở Huawei, nhân viên nắm giữ cổ phần càng nhiều thì càng hăng say làm việc. “Tuyệt chiêu” này của Huawei hẳn nhiên đã chiếm ưu thế so với những quy định rập khuôn máy móc thường được áp dụng trong doanh nghiệp.
Trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ, Huawei đã bộc lộ ra cái “tàn” của mình: thị trường tàn khốc, cạnh tranh tàn khốc và sự tương sát tàn khốc.
Huawei kiếm được khoản lợi nhuận đầu tiên nhờ vào việc làm đại lý phân phối dòng thiết bị chuyển mạch HAX của Hồng Kông, đó cũng là bước đệm tạo dựng thành công cho thương hiệu Huawei. Nhờ thành công của dòng thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ HJD48, Huawei thừa thắng xông lên để chiếm lĩnh thị trường nông thôn. Tiếp đến là hai dòng thiết bị chuyển mạch cỡ lớn C&C08 hai ngàn cổng dẫn và một vạn cổng dẫn, đây cũng là “hai thanh bảo kiếm” giúp Huawei tranh đoạt thị trường với các đối thủ trong và ngoài nước.
Trong những ngày đầu gây dựng công ty, để giải quyết vấn đề sống còn, “văn hóa chó sói” thường được Nhậm Chính Phi đem ra áp dụng. Cũng phải nói thêm rằng Huawei chỉ là một doanh nghiệp tư nhân, không được chính phủ hỗ trợ nên gặp khó khăn trong việc vay vốn, cũng như không được hưởng các chính sách ưu đãi. Giống như loài sói muốn sinh tồn thì phải cướp đoạt con mồi, Huawei muốn tồn tại thì phải tự lực cánh sinh, phải lao vào cuộc chạy đua kỹ thuật và giành giật thị trường.
Hồ Kiến là người thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Lan Châu, anh đã nhận được chứng chỉ kỹ sư mạng cao cấp của Huawei. Vào một ngày đầu tháng 12, công ty anh lúc này đang là đối tác của Huawei trong dự án 3COM khu vực ba tỉnh Cam Túc - Thanh Hải - Ninh Hạ có nhiệm vụ phục vụ công trình mạng VPN toàn tỉnh của công ty bảo hiểm nhân thọ tỉnh Thanh Hải. Anh cũng không ngờ rằng lần đi nhận nhiệm vụ này lại chính là cơ hội cho anh trải nghiệm chiến đấu với chó sói hung dữ trên thảo nguyên.
Hồ Kiến di chuyển bằng xe của bên đối tác, một đoàn bốn người, xuất phát từ huyện Đại Sài Đán tới thị trấn Mang Nhai. Sau khi vào đường mòn chừng 160 km, đường mỗi lúc một gập ghềnh, họ mới phát hiện ra đã bị lạc đường. Xăng xe bấy giờ đã dùng cạn. Trên con đường hoang vắng không có phương tiện qua lại, đối mặt với cái đói và cái lạnh, đoàn người trong xe không thể ngồi yên chờ đợi. Hồ Kiến cùng tài xế bèn men theo con đường lúc tới để tìm sự giúp đỡ.
Khi trời đã nhá nhem, bỗng từ đâu lao ra hai con sói hung dữ. Người và sói lúc tiến lúc lùi. Sau một hồi thị uy, hai người liều mạng giơ cục đá lên đe dọa, khiến hai con sói khiếp sợ mà bỏ đi.
Hồ Kiến sau này mới hay, trong xe cứu nạn của cảnh sát đã chuẩn bị sẵn chăn và dây thừng để gói xác. Bởi lẽ họ cho rằng ở trong hoàn cảnh như vậy tới ba ngày ba đêm thì khả năng sống sót là rất thấp. Đức tính “bền bỉ, dẻo dai” như chó sói của nhân viên Huawei thật đáng nể phục.
Huawei sau đó đã cử một nhóm kỹ sư tới hỗ trợ, không lâu sau thì nhiệm vụ của công trình mạng lưới VPN cũng được hoàn thành. Hồ Kiến tuy chỉ là một kỹ sư bình thường của công ty hợp tác với Huawei, song câu chuyện của anh cũng đủ giúp chúng ta hình dung ra muôn vàn gian nan mà Huawei phải đối mặt trong quá trình khai thác thị trường nội địa.
Nhà quân sự người Đức Clausewitz từng nói: “Chiến tranh là một hành vi bạo lực để buộc kẻ khác phải phục tùng ý chí của mình”. Nhậm Chính Phi xuất thân là quân nhân nên càng nhận thức sâu sắc được rằng thương trường cũng là một cuộc chiến như thế. Huawei chỉ là một doanh nghiệp tư nhân vô danh, hiểu rõ điều này, nên họ đã áp dụng chiêu thức “tránh chỗ địch mạnh, dồn binh lực đánh vào chỗ địch yếu”, tập trung khai thác thị trường nông thôn rộng lớn ở các tỉnh thành lạc hậu.
“Chiến thuật sức người” cũng được Huawei áp dụng triệt để, nhờ đó mà các cục viễn thông lần lượt trở thành khách hàng của họ. Các công ty quốc tế thường chỉ bố trí một số nhân viên để phụ trách nghiệp vụ ở mỗi tỉnh thành. Còn ở cấp huyện, công ty quốc nội thường chỉ cử một đến hai người. Trái lại, Huawei đã điều động lực lượng nhân viên kinh doanh hùng hậu để tiến quân vào thị trường nông thôn vốn không được chú trọng.
Năm 1996, Bộ Công nghệ Thông tin và Bộ Bưu chính Viễn thông Trung Quốc đã mở hội chợ đặt hàng chuyên về sản phẩm thiết bị chuyển mạch ở Bắc Kinh. Đối tượng tham gia là các cán bộ và nhân viên làm việc trong ngành điện tử viễn thông ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Để tận dụng triệt để cơ hội này, Huawei đã dồn công sức chuẩn bị cho lần “tác chiến” này trong suốt một năm.
Sau khi hội chợ chính thức diễn ra, mệnh lệnh “tập trung nhân lực” của Nhậm Chính Phi vừa được ban bố, ngay lập tức chủ nhiệm các văn phòng đại diện, giám đốc dự án, chủ quản cấp cao liền dẫn theo đội ngũ hơn 400 nhân viên kinh doanh tiến quân về thủ đô. Tham gia hội chợ này có hơn 40 cán bộ đến từ các cục viễn thông. Huawei với tỉ lệ 10:1 để đảm bảo chắc chắn trong thời gian hội chợ diễn ra, họ sẽ không bỏ sót cơ hội được làm việc với tất cả các cán bộ bên đối tác.
Công ty Bell Thượng Hải hay Công ty Lucent Thanh Đảo cũng tham gia hội chợ lần này, song do nghĩ mình là thương hiệu lớn quốc tế, nên các công ty này không chuẩn bị chu đáo. Mặc dù trong tay họ nắm giữ “con át chủ bài”, song trước “chiến thuật sức người” của Huawei, họ vẫn phải chịu cảnh bại trận. Lần đó, Huawei đã thuận lợi giành được một lượng lớn đơn đặt hàng, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Những câu chuyện thể hiện “bản chất chó sói” như câu khẩu hiệu của Huawei “dọa cho khách hàng hoảng sợ mà phải ký hợp đồng” nhiều vô kể.
Ngày ấy, thị trường điện tử viễn thông quốc nội đang ở trong tình trạng bị các công ty lớn phân chia thị phần, mảng thiết bị chuyển mạch của thành phố Thiên Tân lúc bấy giờ chủ yếu nằm trong tay Công ty NEC của Nhật Bản vì họ có mối quan hệ liên doanh chặt chẽ với thành phố này. Khó có đối thủ nào có thể làm lung lay thị trường mà công ty này gây dựng. Nhận biết được tình hình, nhân viên kinh doanh của Huawei quyết định không đối chọi trực tiếp với Công ty NEC, mà chọn cách đi đường vòng. Mượn cơ hội lắp đặt điện thoại trường học cho Đại học Thiên Tân, Huawei đã âm thầm tiến quân, xâm nhập vào mạng lưới viễn thông vốn vô cùng kín kẽ của Công ty NEC.
Ngày ấy, chi phí cho việc lắp đặt điện thoại lên tới vài ngàn tệ, không những vậy còn phải chờ đợi đến cả tháng. Huawei đã chế tạo ra một hệ thống dựa trên nền tảng thiết bị chuyển mạch của NEC, cho phép toàn bộ các ký túc xá của Đại học Thiên Tân có thể lắp đặt điện thoại tính cước cuộc gọi. Phương án liều lĩnh này chưa từng xuất hiện ở Trung Quốc, nên tính khả thi bị nghi ngờ.
Công ty NEC khi ấy không hào hứng với hệ thống “không tưởng” này của Huawei nên đã từ chối hợp tác. Sau khi bị cự tuyệt, Huawei vẫn quyết tâm thực hiện, họ đã tự bỏ tiền để lắp đặt hệ thống này cho trường Đại học Thiên Tân. Sau khi hệ thống đi vào hoạt động, kết quả đã thực sự gây kinh ngạc: Tiền cước điện thoại của Đại học Thiên Tân bỗng tăng lên chóng mặt, cao nhất thành phố Thiên Tân. Chỉ là một trường đại học, vậy mà doanh thu cước gọi hàng tháng đã lên tới gần một triệu tệ, điện thoại lắp đặt trong ký túc xá trường học thu về lợi nhuận gấp mười lần so với điện thoại phổ thông. Điều này gây bất ngờ lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Thiên Tân.
Huawei đã dốc hết vốn liếng vào “canh bạc” này, bất chấp rủi ro. Điều đó thể hiện rõ nhất cái “tàn” của họ. Sau đó, các cục viễn thông ở Thiên Tân đều lần lượt tìm đến Huawei. Họ cũng muốn lắp đặt hệ thống điện thoại trường học nhằm giúp họ tạo nên kì tích đạt doanh thu một triệu tệ.
Trước tình cảnh đó, Công ty NEC vội tìm cách đối phó, đáng tiếc là họ đã để tuột mất “thời cơ vàng” nên khó lòng xoay chuyển tình thế. Không lâu sau, toàn quốc đã nổi lên phong trào lắp đặt điện thoại trong trường học.
Bắc Kinh là nơi tập trung rất nhiều trường đại học, nơi này vốn là địa bàn của Công ty Siemens. Tuy nhiên, các cục viễn thông ở thủ đô vì muốn thâu tóm miếng lời béo bở nhờ kinh doanh điện thoại trường học nên đã tìm đến Huawei. Hệ thống điện thoại trường học đã trở thành “đòn bẩy” đắc lực giúp Huawei mở rộng cánh cửa tiến vào thị trường Bắc Kinh. Khi ấy, dư luận đã tung hô Huawei bằng câu nói: “chiếc ghim nhỏ lay chuyển cả thể giới”.
Ngày 24/5/2008, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia và Bộ Tài chính Trung Quốc đã liên hợp ban hành “Thông cáo về việc tăng cường cải cách hệ thống viễn thông”, chính thức mở đường cho công cuộc tái thiết mạng lưới viễn thông trên toàn quốc. Theo kế hoạch quốc gia, trong vòng ba năm tiếp theo sẽ đầu tư 80 tỉ nhân dân tệ để xây dựng mạng lưới CDMA (Code Division Multiple Access, là một tiêu chuẩn công nghệ di động, nền tảng của mạng kết nối 3G). Trong năm thứ nhất, dự tính sẽ đầu tư 27,9 tỉ nhân dân tệ cho hai bộ phận chủ yếu là mạng nghiệp vụ và mạng lõi, với tổng cộng 81 hạng mục đấu thầu trị giá khoảng 15 tỉ. Đây được xem là dự án CDMA có mức vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay trên thế giới.
Các nhà thầu lớn trên thế giới đều đứng ngồi không yên trước cơ hội béo bở này. Đây đích thị là “một bữa yến tiệc” dành cho kẻ mạnh. Sau khi hay tin, Nhậm Chính Phi đã lập tức triệu tập cuộc họp lãnh đạo cấp cao trong công ty. Tại đây, ông trình bày về tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới CDMA trong công cuộc tái thiết. Ông còn khẳng định: “Bằng mọi giá, chúng ta quyết phải giành được đơn đặt hàng khổng lồ này!”
“CHÓ SÓI” - CAN ĐẢM VÀ MƯU LƯỢC
“Con buôn tìm mọi cách để kiếm lời, thương nhân thì tỉnh táo biết coi trọng đại cục;
còn doanh nhân phải gánh vác trách nhiệm hoàn thiện xã hội và gây dựng giá trị.”
- JACK MA
Bản chất “chó sói” là tượng trưng cho trí tuệ và tinh thần tiến thủ. Can đảm và mưu lược là hai điều kiện cơ bản nhất mà một doanh nhân cần phải có. Nhân viên kinh doanh của Huawei cũng đã phát huy triệt để tinh thần “chó sói” ấy. Sau khi liên tục giành được những đơn đặt hàng lớn, Huawei đã khiến các đối thủ bị bỏ lại xa phía sau.
Hạng mục đấu thầu quốc gia kiến thiết mạng lưới CDMA lần này chia làm hai bộ phận, là mạng nghiệp vụ và mạng lõi. Kết quả đấu thầu của mạng nghiệp vụ như sau: Công ty ZTE chiếm 50%, theo sau là Công ty Alcatel-Lucent chiếm 20%, còn lại được chia cho các công ty khác, trong đó có Huawei.
Mạng lõi bao gồm thiết bị chuyển mạch và thiết bị vô tuyến, đây mới thực sự là “mỏ vàng” cần phải khai thác. Sáu nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn trong và ngoài nước gồm ZTE, Huawei, Motorola, Samsung, Nortel đều đã có mặt đông đủ ở Bắc Kinh. Một trận chiến gay cấn sắp bắt đầu.
Vào tối ngày 14/8/2008, buổi lễ đấu thầu cho dự án mạng lưới viễn thông CDMA Trung Quốc diễn ra tại một trung tâm hội nghị ở Bắc Kinh. Huawei cùng năm nhà cung cấp lớn khác đều tham gia sự kiện quan trọng này.
Tại buổi lễ đấu thầu, Alcatel-Lucent là nhà thầu đầu tiên báo ra con số cao ngất ngưởng lên tới 14 tỉ nhân dân tệ. Alcatel- Lucent là công ty hợp nhất từ công ty Alcatel Pháp và Lucent Mỹ, được thành lập vào 2/12/2006. Đây là công ty quốc tế có lịch sử phát triển lâu đời, thiết bị do họ sản xuất vô cùng tiên tiến và có sức cạnh tranh cao. Có thể nhận định khó có công ty nào của Trung Quốc dám với tới con số mà họ báo ra. Điều này cho thấy, Alcatel-Lucent khá xem thường các công ty của Trung Quốc như Huawei hay ZTE.
Các công ty quốc tế khác cũng lần lượt ra giá. Con số mà công ty ZTE đưa ra là bảy tỉ, chỉ bằng một nửa so với Alcatel- Lucent, chứng tỏ họ đã hạ quyết tâm rất lớn cho dự án này.
Vốn không được đánh giá cao trong buổi đấu thầu này, song với con số báo giá thấp không tưởng chỉ 690 triệu, Huawei đã khiến tất cả đối thủ bất ngờ. Con số này bằng 1/10 so với ZTE, và chỉ bằng 1/20 so với Acatel-Lucent. Đây rốt cục là giá rau ở chợ hay là giá tự sát?
Nhân viên của ZTE sau đó đã giải thích rằng: “Những trường hợp như vậy là không hiếm trong các cuộc đấu thầu của ngành thiết bị viễn thông... Do muốn nắm chắc phần thắng nên Huawei buộc phải hạ mức giá xuống thấp hơn nhiều so với giá chung của thị trường.”
Thực ra “chiêu thức giá rẻ” của Huawei là thủ đoạn chiến thuật “lùi trước tiến sau”. Có nghĩa là, trước tiên cần phải tìm cách tiếp cận dự án mạng CDMA, đơn hàng trúng thầu ban đầu sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận, “mảnh đất màu mỡ” mà họ nhắm tới là quá trình bảo trì và nâng cấp thiết bị về sau. Theo dự báo của nhân viên trong ngành, chỉ một hai năm tới, mạng viễn thông CDMA của Trung Quốc sẽ được nâng cấp thành CDMA2000 (công nghệ 3G). Đơn hàng cho mạng CDMA lần này vào khoảng 15 tỉ, nhưng chi phí cho việc nâng cấp và bảo trì sau này có thể sẽ cao gấp hơn mười lần con số ban đầu.
Nhậm Chính Phi từng nói: “Mỗi bộ phận của Công ty Huawei đều phải có kế hoạch tổ chức như loài sói, biết tấn công nhưng phải có tài mưu lược.”
Sau cuộc chiến giành giật, Huawei đã thành công nắm trong tay những đơn hàng lớn ở các thành phố trọng điểm như Bắc Kinh, Quảng Châu, Tây An, Tân Cương... chiếm khoảng 25% hạng mục đấu thầu lần này. Trong khi đó, ZTE chiếm 22%, Alcatel-Lucent chiếm 17%.
Điểm độc đáo trong tinh thần “chó sói” nằm ở chỗ biết tấn công và có tài mưu lược. Có lòng can đảm nhưng thiếu mưu lược là liều thuốc độc. Ngược lại, mưu lược mà hèn nhát thì mãi chỉ là kẻ yếu mà thôi. Can đảm và mưu lược mới là bí quyết giúp Huawei khai thác thị trường.
Tháng 3/2001, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn thứ năm của Trung Quốc - Công ty Viễn thông Đường sắt Trung Quốc (viết tắt là Tietong Telecom) chính thức được thành lập. Nhiệm vụ cải tạo mạng lưới viễn thông đường sắt toàn quốc nằm trong “công trình giai đoạn 1” của dự án xây dựng mạng lưới cơ sở của Tietong Telecom, với tổng mức đầu tư 7,2 tỉ nhân dân tệ. Trong đó mức vốn dành cho đấu thầu thiết bị của giai đoạn một là 820 triệu tệ. Với mục tiêu mang đến dịch vụ viễn thông chất lượng cao, Tietong Telecom hy vọng sẽ thu hút được 15 triệu người dùng trong vòng ba năm và gia nhập thị trường viễn thông Trung Quốc với diện mạo khác biệt. Dự án xây dựng mạng lưới viễn thông của Tietong Telecom còn được gọi là “Công trình số 1 Tietong Telecom”, tổng công ty sẽ tiến hành mời thầu ba nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu quốc nội là Huawei, ZTE và Bell.
Nhậm Chính Phi hết sức chú trọng tới “công trình số 1” này. Ông đã ra chỉ thị với bộ phận kinh doanh của Huawei: “Đây không chỉ là một dự án kinh doanh đơn thuần, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hướng thị trường trong tương lai. Thế nên, hãy chiến đấu như đang trong một trận chiến!”.
Trong lần đấu thấu này, Huawei chưa hẳn đã chiếm trọn ưu thế. Trước đây, Tietong Telecom mới chỉ đưa vào sử dụng rất ít thiết bị của Huawei, bởi vậy mà quan hệ đôi bên vẫn chưa có gì bền chặt. Trong khi đó, Tietong Telecom từng sử dụng thiết bị chuyển mạch gồm tám ngàn cổng dẫn của Công ty Bell. Hơn nữa, công ty này còn có cổ phần trong bộ đường sắt nên sẽ nhận được sự nâng đỡ của đơn vị cấp trên của Tietong Telecom. Xét về quan hệ khách hàng, Bell có ưu thế hơn hẳn Huawei.
Đơn cử như lần đấu thầu “công trình số 1” của Tietong Telecom ở tỉnh J. Thời gian mời thầu vô cùng gấp rút, chỉ vỏn vẹn chưa đầy ba tháng. Nếu áp dụng chiến thuật thông thường theo trình tự: xây dựng quan hệ, rồi báo giá sản phẩm... là không khả thi vì thời gian quá eo hẹp. Còn nếu xét về khía cạnh quan hệ khách hàng, Huawei sẽ rất khó để vượt mặt Công ty Bell.
Trước tình hình đó, Huawei đã đưa ra một quyết định đúng đắn, đó là trước tiên phải lấy được lòng tin của chủ đầu tư. Trong lúc khách hàng tiến hành thiết kế quy hoạch mạng lưới, nhân viên kinh doanh của Huawei đã chủ động tiếp cận để “chiến đấu” cùng họ không kể ngày đêm. Những ý tưởng mà họ đưa ra nằm ngoài sự trông đợi của khách hàng. Bằng sự nhiệt tình, Huawei đã chiếm trọn cảm tình từ Tietong Telecom.
Sau khi tiếp xúc với khách hàng, nhân viên kinh doanh của Huawei mới dần giới thiệu sản phẩm của mình. Thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số của Huawei với những chức năng nổi trội quả thực có thể giúp chủ đầu tư cắt giảm đáng kể chi phí. Kết quả là, đơn hàng thiết bị chuyển mạch 37.000 cổng dẫn cho “công trình số 1” ở tỉnh J đã nằm trọn trong tay Huawei. Cả Bell và ZTE đều chịu thất bại.
Khi giai đoạn hai của dự án được triển khai, các nhà thầu tiếp tục chen chân nhằm tìm kiếm cơ hội. Nhờ mối quan hệ được tạo dựng trước đó, Huawei đã giúp Tietong Telecom khai thác một số khách hàng quan trọng có thể giúp thiết bị chuyển mạch của họ ở tỉnh J từng bước mở rộng lên tới trên 30 vạn cổng dẫn. Điều này sẽ giúp Tietong Telecom ở tỉnh J một bước trở thành công ty con có lượng khai thác lớn nhất trên toàn quốc. Nhu cầu thiết bị tăng lên, đồng nghĩa với việc Huawei sẽ có thêm thị trường và cơ hội kiếm lời.
Lần đấu thầu cho giai đoạn hai của dự án ở tỉnh J ngày càng tới gần, các nhà thầu cạnh tranh ngày càng ác liệt. Bell và ZTE với quyết tâm thâu tóm đã liên tục tung ra những chính sách ưu đãi. Lãnh đạo cấp cao của Tietong Telecom tỉnh J vốn có quan hệ hợp tác với Công ty Bell nên hẳn nhiên sẽ ưu ái lựa chọn sản phẩm của nhà thầu này.
Huawei dĩ nhiên cũng không muốn để tuột mất cơ hội này. Họ cũng chọn lựa thời cơ thích hợp để tung ra những chinhs sách ưu đãi như: Nếu khách hàng đặt mua thiết bị chuyển mạch trên 24 vạn cổng dẫn, Huawei sẽ tặng bộ thiết bị chuyển mạch gồm tám ngàn cổng dẫn. Cam kết này giúp khách hàng thấy được sự nhiệt tình của Huawei.
Vào ngày mở thầu, bất chấp áp lực từ cấp trên, chủ đầu tư vẫn quyết định đặt mua thiết bị chuyển mạch của Huawei với gần 29 vạn cổng dẫn, giá trị khoảng 100 triệu tệ. Như vậy, thiết bị của Huawei gần như bao trọn mạng lưới viễn thông của Tietong Telecom ở tỉnh J. Trong cuộc chiến cam go này, nhân viên của Huawei không dùng bất kì chiêu trò nào, họ vẫn nhất mực đi theo con đường kinh doanh chân chính. Thắng lợi trong trận chiến khốc liệt ở tỉnh J đã phản ánh “tinh thần chó sói” của Huawei.
“Văn hóa chó sói” của Huawei đã phát huy tác dụng trong thời kỳ đầu xây dựng công ty. Huawei từ một công ty nhỏ chưa được nhiều người biết đến đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục, giống như quả cầu tuyết càng lăn càng lớn. Nếu ví Huawei những ngày đầu là chó sói, thì những đối thủ mạnh có thế lực hùng hậu chính là sư tử. Đặc điểm của chó sói là ưa đánh lén, tấn công bất ngờ và giỏi áp dụng chiến thuật bầy đàn. Chúng từng bước thôn tính sức mạnh của sư tử, trực chờ tới khi đối thủ đã sức cùng lực kiệt, lập tức vùng lên giành chiến thắng.
Nhậm Chính Phi đã dẫn dắt “bầy sói” ấy, chỉ trong vòng 22 năm đã có thể đưa Huawei nằm trong Top 500 công ty lớn nhất toàn cầu. Thành tích ấn tượng này khiến giới doanh nghiệp phải có cái nhìn khác về “văn hóa chó sói” độc đáo của Huawei.
Từ sau năm 2005, Nhậm Chính Phi không còn đề cập nhiều về “văn hóa chó sói” nữa, mà thay vào đó là “Luật cơ bản”. Song “văn hóa chó sói” đã hằn sâu vào suy nghĩ mỗi nhân viên, trở thành nét văn hóa đặc trưng của Huawei.