“Vinh quang lớn nhất của đời người không phải là không bao giờ vấp ngã, mà là biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.”
- NAPOLEON
Huawei khởi đầu bằng việc làm đại lý phân phối, sau đó phát triển theo hướng nghiên cứu, chế tạo thiết bị chuyển mạch với quyền sở hữu trí tuệ độc quyền. Sản phẩm của Huawei trong lĩnh vực điện tử viễn thông hết sức đa dạng. Song những thành công chúng ta nhìn thấy ở Huawei không phải là tất cả...
Tham gia quân đội gần chục năm nhưng Nhậm Chính Phi chưa từng giữ vị trí chỉ huy. Song, ngày nay ông đã trở thành thủ lĩnh nơi thương trường, quản lý hàng ngàn lao động, nỗ lực không ngừng cho mục tiêu, lý tưởng.
KHỞI NGHIỆP TẤT CẢ ĐỀU DỰA VÀO THIẾT BỊ CHUYỂN MẠCH
“Ta phải bóp chẹn yết hầu của số mệnh.”
- BEETHOVEN
Năm 1978, Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra những quyết sách quan trọng nhằm tiến hành cải cách mở cửa. Nhờ đó, quá trình kiến thiết nền kinh tế quốc nội của Trung Quốc đã có bước phát triển nhanh chóng.
Trước nhu cầu bức thiết của thị trường trong nước, ngành viễn thông Trung Quốc rất muốn nhập khẩu dây chuyền sản xuất thiết bị chuyển mạch tiên tiến của nước ngoài. Song các nước phương Tây lại hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc, nên rất khó để có được những dây chuyền sản xuất này.
Các công ty viễn thông lớn trên thế giới rất nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường. Họ cử nhân viên tới Trung Quốc để quảng cáo thiết bị chuyển mạch của công ty mình. Bởi vậy, sản phẩm của các hãng nước ngoài dễ dàng đổ bộ vào thị trường Trung Quốc. Chỉ sau vài năm, Trung Quốc trở thành thị trường viễn thông béo bở để các ông lớn trên thế giới phân chia thị phần, có thể kể tới những cái tên lớn như NEC và Fujitsu của Nhật Bản, Lucent của Mỹ, Nortel của Canada, Ericsson của Thụy Điển, Siemens của Đức, Bell của Bỉ, và Alcatel của Pháp.
Huawei lúc bấy giờ vẫn chỉ là một công ty vô danh. Chứng kiến các công ty nước ngoài thâu tóm thị trường, bán sản phẩm với giá cao, cùng với tình trạng hàng lậu, hàng nhái tràn lan trên thị trường, Nhậm Chính Phi không thể làm ngơ. Trước mặt nhân viên kỹ thuật của Huawei, ông tuyên bố: “Huawei nhất định phải sản xuất ra thiết bị chuyển mạch mang thương hiệu của riêng mình!”. Sẵn bản tính không chịu khuất phục, ông tập trung vào bộ chuyển mạch BH01 gồm 24 cổng dẫn.
Công xưởng trong nhà kho đã không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của Huawei. Tháng 9/1991, Nhậm Chính Phi cùng hơn năm chục nhân viên trẻ chuyển tới nơi làm việc mới ở tòa nhà công nghiệp khu Hào Nghiệp, Bảo An, Thâm Quyến. Nơi này sẽ là “căn cứ” để Huawei bắt tay vào xây dựng sản phẩm của riêng mình.
Lúc đó, một vài doanh nghiệp trực thuộc Cục Viễn thông Quốc gia đã đi vào sản xuất thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ gồm 34 và 49 cổng dẫn. Nhậm Chính Phi đặt mua linh kiện rời từ những đơn vị quốc doanh này, sau đó lắp ráp chúng thành loại sản phẩm gồm 24 cổng dẫn chuyên dùng cho các đơn vị nhỏ mang thương hiệu Huawei. Sản phẩm mà công ty ông làm ra thuộc loại sản phẩm đời đầu, nên hàm lượng kỹ thuật không cao, chỉ cần hàn nối linh kiện rời mua về trên bo mạch chủ theo sơ đồ mạch điện là hoàn thiện.
Bộ chuyển mạch BH01 do Huawei sản xuất có ít cổng dẫn, chức năng đơn giản, nên phạm vi khách hàng cũng chưa lớn, chủ yếu chỉ bán cho bệnh viện, công ty khai khoáng hay những đơn vị nhỏ có nhu cầu sử dụng điện thoại không nhiều.
Sau khi tung ra thị trường, do giá thành sản phẩm rẻ hơn nhiều so với sản phẩm sản xuất trong nước khác, không lâu sau, BH01 đã rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.
Huawei đã gặt hái về những thành công đầu tiên. Lượng tiêu thụ lớn dẫn đến linh kiện từ nhà cung cấp trong nước không đủ. Để thoát khỏi tình hình bất lợi này, Nhậm Chính Phi một mặt hối thúc nhân viên tiếp tục lắp ráp, một mặt yêu cầu nhân viên kỹ thuật của công ty bắt tay vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Nhân viên kỹ thuật của Huawei sau một thời gian miệt mài nghiên cứu đã thiết kế ra mạch điện và phần mềm độc quyền. Khi đó, Huawei mới đi vào quỹ đạo, mọi công việc từ nghiên cứu phát triển, lắp ráp và sản xuất đều được diễn ra trong không gian nhà xưởng và phòng làm việc hết sức sơ sài, chật chội. Để rút ngắn thời gian, sau khi hoàn thiện bản thiết kế, nhân viên sẽ lập tức chuyển qua xưởng để tiến hành sản xuất thử nghiệm.
Nhằm cổ vũ tinh thần cho nhân viên, có lần Nhậm Chính Phi nói đùa rằng: “Sau này mua nhà, anh em nhớ phải chọn căn nào hướng nam có ban công rộng rãi để phơi tiền thưởng nhé, để nó mốc meo thì phí lắm!”
Nhân viên kỹ thuật của Huawei hết mình làm việc trong phòng nghiên cứu. Khi mệt họ gục luôn xuống bàn để nghỉ ngơi, tỉnh dậy lại tiếp tục làm việc. Mùa hè ở Thâm Quyến thường rất oi bức, họ chỉ dựa vào một chiếc quạt trần cũ để xua đuổi cái nóng.
Nhằm gia tăng tiến độ, Nhậm Chính Phi thậm chí còn ăn nghỉ luôn trong công xưởng. Có những hôm để động viên mọi người, ông còn yêu cầu hầm canh đuôi lợn để cải thiện bữa ăn.
Nhân viên của Huawei cực nhọc lao động, tối đến mọi người quây quần bên nồi canh đuôi lợn thơm phức, ai cũng ăn uống vui vẻ, mọi cực nhọc đều tan biến hết. Nhậm Chính Phi tuy là lãnh đạo nhưng không ngại đồng cam cộng khổ cùng nhân viên. Những con người đó có niềm tin mạnh mẽ rằng tương lai của công ty chắc chắn sẽ vô cùng xán lạn; Cuộc sống ngày mai rồi sẽ tốt đẹp lên.
Tổ phụ trách phát triển sản phẩm của Huawei ban đầu chỉ có sáu người, lúc bấy giờ phần mềm và phần cứng được tiến hành nghiên cứu cùng nhau. Sau khi hoàn thiện sản phẩm, họ lại vấp phải bài toán khó về thử nghiệm tính năng. Huawei khi đó vẫn chưa có thiết bị kiểm định chuyên dụng. Cái khó ló cái khôn. Các kỹ sư của Huawei cũng rất thông minh, họ đã nghĩ ra cách là dùng kính phóng đại để kiểm tra các mối hàn, sau đó dùng đồng hồ vạn năng rà soát từng mạch điện. Bước cuối cùng là kiểm tra đường truyền dẫn.
Các nhân viên tạm gác công việc của mình lại, mỗi người cầm hai bộ điện thoại trong tay, đếm 1, 2, 3 rồi quay số, kết nối, sau đó ngắt máy. Mục đích là để kiểm tra khả năng xử lý đường truyền của sản phẩm. Thông qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng sản phẩm của Huawei đã hoàn toàn đạt tiêu chuẩn.
Không lâu sau, bộ phận lắp ráp của Huawei còn tự nghiên cứu ra thiết bị kiểm tra đường truyền. Từ đó, họ không còn phải sử dụng biện pháp thủ công nữa.
NHẤT ĐỊNH PHẢI KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN
“Học cho rộng, hỏi cho kỹ, suy nghĩ cho cẩn thận, phán xét cho sáng suốt, làm cho tận lực.”
- LỄ KÝ
Bộ chuyển mạch BH03 ra đời rất đúng lúc. Nhậm Chính Phi bấy giờ đã dốc hết tài sản vào việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thậm chí tiền đặt cọc của khách hàng cùng khoản vay nặng lãi cũng đã tiêu sạch. Nếu lô hàng đầu tiên có giá trị vài chục vạn không thể xuất xưởng, Huawei chỉ còn đường phá sản.
Bộ chuyển mạch BH03 có đường truyền tốt, vận hành hiệu quả nên đã được Cục Viễn thông cấp phép. Trong bản hướng dẫn sử dụng của sản phẩm này còn viết: “Chúc bạn sớm đạt được thành công, điện tử viễn thông chính là chất xúc tác cho sự phát triển của bạn. Chỉ với một bộ chuyển mạch cỡ nhỏ chất lượng tốt cũng đủ để tạo ra những thay đổi lớn cho văn phòng của bạn.”
Ngoài ra còn có một dòng chữ nhỏ: “Vào ngày 10 đến ngày 18 hằng tháng, chúng tôi đều tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ thuật cho người sử dụng, các bạn sẽ được tham gia lớp học này miễn phí, dù bạn có mua sản phẩm hay không thì chúng tôi vẫn luôn hân hạnh chào đón các bạn.”
Sau khi nỗ lực nghiên cứu để cho ra đời sản phẩm, công ty Huawei còn đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho việc quảng bá sản phẩm mới tới nhà phân phối và khách hàng.
Trần Khang Ninh từng làm việc trong Cục Viễn thông Trùng Khánh. Sau đó, ông quyết định rút khỏi đơn vị để ra làm ăn riêng với khởi đầu là một công ty điện tử viễn thông quy mô nhỏ. Hai người lần đầu tiên gặp nhau vào cuối năm 1987 khi Nhậm Chính Phi tới Trùng Khánh khai thác thị trường. Họ đã trò chuyện vô cùng vui vẻ, Trần Khang Ninh rất tâm đắc với quan niệm kinh doanh của Nhậm Chính Phi. Sau khi trở về Thâm Quyến, Nhậm Chính Phi lập tức gửi tài liệu mới nhất về thiết bị chuyển mạch cho Trần Khang Ninh.
Trên bìa cuốn tài liệu quảng bá sản phẩm của Huawei có viết hai đoạn như sau:
“Hãy về ngay nông thôn đi, ở đó có vô vàn cơ hội. Huawei những ngày đầu khởi nghiệp cũng đã áp dụng chiến thuật quý báu ‘nông thôn bao quanh thành phố’. Thực tế đã chứng minh, chiến thuật này là tuyệt đối chính xác”.
Đoạn sau còn khiến Trần Khang Ninh xúc động hơn nữa: “Bạn có thể trả lại hàng vô điều kiện khi mua sản phẩm của Huawei. Với chúng tôi, khách trả hàng và khách mua hàng đều được chào đón như nhau.”
Trần Khang Ninh bỏ việc nhà nước để dấn thân vào thương trường, mục đích cũng là muốn kiếm tiền. Công ty ông cũng từng làm đại lý bán sản phẩm cho các nhà máy. Khi khách hàng đặt mua sản phẩm, người bán nào cũng đon đả chào mời, nhưng cứ hễ bị trả lại hàng, thì hầu hết đều thay đổi thái độ, rồi viện đủ kiểu lý do để từ chối. Trần Khang Ninh từng rất đau đầu về điều này. Nhưng sau khi đọc được những lời cam kết của Huawei, ông như tìm được lời giải cho chính mình.
Trần Khang Ninh sau đó không chút do dự quyết định trở thành đại lý phân phối sản phẩm của Huawei tại khu vực Trùng Khánh.
Trình độ sản xuất thiết bị chuyển mạch của các công ty trong nước khi ấy vẫn dừng lại ở mức cơ sở. Nếu sản phẩm trong quá trình sử dụng gặp sự cố thì khách hàng hiển nhiên sẽ tìm đến đại lý phân phối đã bán hàng cho họ. Bởi vậy, Nhậm Chính Phi luôn tìm cách hỗ trợ tốt nhất cho các nhà phân phối. Huawei ngoài cung cấp linh kiện sản phẩm dự phòng còn điều chuyển thêm một bộ sản phẩm chuyển mạch cỡ nhỏ cho các đại lý. Việc này không chỉ giúp các đối tác phân phối kịp thời xử lý vấn đề của khách hàng, mà còn giúp Huawei có thêm thời gian để tiến hành sửa chữa sản phẩm.
Trong thị trường quốc nội lúc bấy giờ, Huawei tuy chỉ là một công ty nhỏ chưa có danh tiếng nhưng có quan điểm kinh doanh hết mình vì đại lý phân phối và khách hàng, nên Trần Khang Ninh chắc chắn rằng công ty này sẽ có tương lai vô cùng xán lạn.
Năm 1988, Trần Khang Ninh kiếm được một khách hàng lớn, để thuyết phục khách hàng đặt mua sản phẩm, ông đã dẫn họ tới Thâm Quyến để khảo sát công ty Huawei.
Sau khi đến Thâm Quyến, Trần Khang Ninh mới nhận ra văn phòng của Huawei không hào nhoáng như ông tưởng. Nhân viên của công ty vô cùng bận rộn, họ liên tục nghe điện thoại, nhận đơn hàng và giải đáp các thắc mắc của khách hàng.
Vị khách hàng mà Trần Khang Ninh dẫn tới vốn không mấy tin tưởng Huawei. Nhưng khi chứng kiến cảnh làm việc hiệu quả của họ, vị khách hàng kia đã quyết định đặt mua sản phẩm.
Biết Trần Khang Ninh dẫn khách hàng tới khảo sát công ty, Nhậm Chính Phi vội gác lại công việc, bố trí chiếc xe duy nhất của công ty tới đón Trần Khang Ninh, khách hàng và nhân viên tháp tùng tới nhà hàng để dùng bữa. Sau buổi tiệc rượu, Trần Khang Ninh đưa khách hàng về khách sạn, còn Nhậm Chính Phi đi bộ về nhà.
Năm 1989, Trần Khang Ninh dẫn theo một vị cục trưởng của tỉnh Tứ Xuyên tới Thâm Quyến khảo sát Huawei. Không chỉ dành toàn bộ thời gian trong ngày để tiếp khách, ông còn trò chuyện với họ đến tận đêm khuya. Ngày hôm sau, ông vẫn tới khách sạn đúng giờ để ăn sáng với khách, tiếp tục thảo luận về chi tiết hợp đồng.
Phong cách của nhà lãnh đạo chính là hình ảnh của một doanh nghiệp. Sau nhiều lần tiếp xúc với Nhậm Chính Phi, Trần Khang Ninh quyết định gia nhập Huawei, trở thành một thành viên của Huawei. Ông nhận ra rằng đây chính là cơ hội mà ông đã chờ đợi bấy lâu nay.
Vào một ngày tháng 3/1990, Trần Khang Ninh tới thăm vị cục trưởng ở Tứ Xuyên từng cùng ông đi khảo sát Công ty Huawei. Đến nơi, ông thấy vị cục trưởng kia đang điện thoại trút giận lên một nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch trong nước. Qua tìm hiểu ông biết được rằng họ đang đặt mua một bộ thiết bị chuyển mạch, song phía nhà sản xuất biện đủ lý do, khất lần mãi vẫn chưa giao hàng.
Trần Khang Ninh đã phân tích, so sánh thiết bị chuyển mạch do Huawei sản xuất với các công ty khác để vị cục trưởng này hiểu. Cuối cùng, vị cục trưởng kia đã hoàn toàn bị thuyết phục, hủy bỏ hợp đồng hiện tại, đồng thời chuyển sang đặt mua sản phẩm của Huawei.
Ngày 1/4/1990, Trần Khang Ninh mang theo bản hợp đồng này tới Công ty Huawei ở Thâm Quyến nhậm chức. Về sau, Trần Khang Ninh đi theo Nhậm Chính Phi phát triển công ty. Ông phụ trách quản lý nhiều phòng ban của công ty như phòng thị trường, bộ phận sản xuất, văn hóa doanh nghiệp...
Vào ngày cuối cùng của năm 1991, để chúc mừng thành công của bộ thiết bị chuyển mạch BH03, Nhậm Chính Phi đã mở tiệc chiêu đãi các nhân viên của Huawei.
Những người tham gia bữa tiệc ngày hôm đó vẫn chưa quên cảnh tượng năm xưa: Nhậm Chính Phi đứng trên thùng giấy, hô vang khẩu hiệu hành động: “Nếu không dấn thân thì chỉ có con đường chết mà thôi! Mỗi tuần làm việc 40 giờ, thì đó là lao động phổ thông, chứ không thể là nhà khoa học hay kỹ sư và cũng đừng hy vọng trình độ sản xuất được nâng cao...”. Hai mươi năm sau, Huawei đã nắm trong tay một phần ba thị trường điện tử viễn thông toàn cầu!
KHI ANH HÙNG HỢP SỨC
“Thử ngọc, ngày: ba, thiêu thật đủ,
So tài, năm: bảy, ấy là kỳ.”
- Bạch Cư Dị
Năm 1992, bất động sản được xem là một ngành nóng và dễ kiếm tiền nhất lúc bấy giờ. Sức nóng của nó chẳng khác nào một thanh sắt nung đỏ được nhúng vào “chảo dầu” tư bản, khiến người ta nhấp nhổm không yên.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 1992, Trung Quốc có tổng cộng trên 12.000 công ty môi giới bất động sản, tăng gấp ba lần so với năm trước đó. Đặc biệt là khu vực đảo Hải Nam, nhờ cơn sốt của thị trường nhà đất lúc bấy giờ mà rất nhiều người đã trở thành triệu phú.
“Muốn trở nên giàu có thì hãy làm môi giới bất động sản” - câu nói này đã trở thành phương châm làm kinh tế rất phổ biến ở Thâm Quyến hồi đó.
Song Nhậm Chính Phi không hề bị lung lay trước sức nóng của ngành bất động sản. Ông vẫn tỉnh táo nhận định: sau cơn sốt này thì thị trường bất động sản ắt sẽ rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Huawei sẽ không bao giờ đi theo con đường phát triển như thế.
Suy đoán của Nhậm Chính Phi quả thật chính xác. Tầm nhìn xa trông rộng của ông đã được kiểm chứng không lâu sau đó. Đến tháng 6/1993, Hội nghị Công tác Kinh tế của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra quyết định tiến hành điều tiết, quản lý nền kinh tế vĩ mô, đồng thời ban hành văn bản “Nhận định về tình hình kinh tế hiện nay và công tác tăng cường quản lý vĩ mô”, trong đó sẽ áp dụng 16 biện pháp tăng cường và cải thiện việc quản lý nền kinh tế vĩ mô. Vì thế mà không lâu sau thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại.
Theo lời kể của Phan Thạch Ngật, vào năm 1992, ông đã kiếm được một triệu tệ đầu tiên nhờ vào công việc môi giới nhà đất. Trong một lần tới trụ sở của chính quyền địa phương để làm giấy tờ, ông đã vô tình đọc được một thông tin nằm trong tài liệu nội bộ, đó là diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố Hải Khẩu lúc bấy giờ lên tới 50 m2/người, trong khi đó ở Bắc Kinh chỉ là 7 m2/người. Phan Thạch Ngật giật mình nhận ra rằng “thị trường bất động sản ở Hải Nam sắp gặp chuyện chẳng lành”. Ông lập tức rút khỏi nhóm làm ăn rồi quay về Bắc Kinh phát triển. Sau này, mỗi lần nhớ về giai đoạn đầy bất trắc ấy, Phan Thạch Ngật vẫn cảm thấy rùng mình.
Trong lúc ngành bất động sản trong nước còn đang diễn biến đầy bất ổn, thì Nhậm Chính Phi đã đề ra mục tiêu dài hạn. Đó là phải thu hút nhân lực trình độ cao phục vụ cho công việc nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới tiên tiến hơn và thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Huawei.
“Không có cây ngô đồng, thì đừng mong phượng hoàng tới”. Công ty Huawei khi ấy công xưởng sơ sài, công việc vất vả, bếp ăn và ký túc xá cũng chưa đồng bộ. Trong mắt người ngoài, môi trường làm việc này khó được coi là “cây ngô đồng” thu hút nhân tài. Song, chính lòng hăng say làm việc cùng nhiệt huyết sáng tạo của các nhân viên Huawei đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho giảng viên Quách Bình của trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung trong lần đến tham quan.
Nhậm Chính Phi rất có con mắt nhìn người. Để giữ chân nhân tài, ông đã vẽ ra trước mắt Quách Bình bức tranh tương lai huy hoàng của Huawei. Khi được trò chuyện với Nhậm Chính Phi, Quách Bình nhận định ông là một doanh nhân có tầm nhìn xa trông rộng. Cuối cùng, Quách Bình đã quyết định gia nhập Huawei, gieo trồng mầm thanh xuân của mình trên mảnh đất Thâm Quyến với hy vọng gặt hái được trái ngọt mai sau.
Chiêu mộ được nhân tài, Nhậm Chính Phi phấn khởi vô cùng. Ông giữ Quách Bình lại Thâm Quyến đảm nhận chức vụ giám đốc hạng mục nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới của Huawei. Sản phẩm mới của hạng mục này chính là bộ thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ HJD48 gồm 48 cổng dẫn.
Trình độ nghiên cứu, chế tạo phần mềm và phần cứng của Huawei lúc bấy giờ còn rất thấp, mục tiêu cao nhất chỉ là kết nối được các điện thoại với nhau. Chết máy là chuyện thường xuyên xảy ra, do công ty không đủ khả năng sắm thiết bị kiểm định nên mỗi lần gặp trục trặc, các kỹ sư lại sử dụng đồng hồ vạn năng. Sau này, giám đốc bộ phận phần cứng Từ Văn Vỹ có bài viết với tiêu đề “Từ đồng hồ vạn năng và máy hiển thị sóng đến thiết bị chuyển mạch”. Kỹ thuật được mô tả trong đó chính là “bí kíp Huawei” mà rất nhiều nhân viên của công ty buộc phải thành thục.
Không phụ lòng kỳ vọng của Nhậm Chính Phi, Quách Bình sau khi tới công ty làm việc đã thể hiện được khả năng xuất sắc của mình. Anh đã dẫn dắt nhân viên kỹ thuật của công ty miệt mài làm việc không kể ngày đêm, do đó mà hạng mục nghiên cứu sản phẩm mới HJD48 tiến triển rất nhanh.
Quách Bình có thể xem là người đầu tiên của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung quyết định tới Huawei để đương đầu với thử thách. Chứng kiến sự phát triển không ngừng của công ty, anh đã nhận định rằng: Thế kỷ 21 sẽ là thời đại của Huawei. Để lôi kéo nhân tài kỹ thuật đến với công ty, anh đã để mắt tới một người bạn học cũ của mình tên Trịnh Bảo Dụng.
Thời đại học, Trịnh Bảo Dụng chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực quang điện, song cũng không xa lạ với lĩnh vực viễn thông. Sau khi rời Bắc Kinh, anh đã tới Thâm Quyến để lập nghiệp. Cũng chính tinh thần cầu tiến cùng khung cảnh làm việc hăng say ở Huawei đã thu hút Trịnh Bảo Dụng.
Trịnh Bảo Dụng vốn chỉ nghĩ sau khi học xong tiến sĩ sẽ thỏa sức cống hiến cho công tác nghiên cứu khoa học, chẳng ngờ công ty Huawei lại khiến ông rẽ lối.
Nhậm Chính Phi nhiệt tình giảng giải cho Trịnh Bảo Dụng về sản phẩm của Huawei. Sau khi nghe xong, Trịnh Bảo Dụng tiến lên bắt tay Nhậm Chính Phi nói: “Giám đốc Nhậm, tôi đã đưa ra quyết định rồi, tôi sẽ không học tiến sỹ nữa, tôi muốn tới Huawei làm việc!”. Tất nhiên, Huawei luôn mở rộng cánh cửa chào đón nhân tài. Nhậm Chính Phi cũng rất coi trọng tính cách ôn hòa, bộc trực của Trịnh Bảo Dụng. Ông vui vẻ đáp lại: “Công ty Huawei từ nay về sau trông cậy vào cậu và Quách Bình đó!”.
GIAN NAN LÀ NỀN TẢNG CỦA THÀNH CÔNG
“Muốn cai quản quốc gia, phải đặt việc coi trọng nhân tài lên hàng đầu.”
- TÔN TRUNG SƠN
Trịnh Bảo Dụng có tư duy nhạy bén, tính cách ôn hòa, thẳng thắn nên được mọi người gọi là “A Bảo”. Với sự tham gia của anh, hạng mục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới HJD48 đã thu được kết quả khả quan.
Dòng sản phẩm BH01 và BH03 trước đây của Huawei, mỗi bộ thiết bị chỉ gồm 16 người dùng. Còn HJD48 đã có sự đột phá về kỹ thuật với 48 người dùng, dung lượng đã được tăng lên đáng kể. Nhờ vào ưu thế chất lượng tốt cộng với giá thành thấp nên sau khi tung ra thị trường, bộ thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ HJD48 đã nhanh chóng được người dùng đón nhận.
Về sau, Trịnh Bảo Dụng cùng các cộng sự còn tiếp tục chế tạo ra những dòng sản phẩm mới tiên tiến hơn với dung lượng tăng gấp nhiều lần, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Năm 1992 là một năm bội thu của Huawei. Nhân viên kinh doanh của Huawei dựa vào tính năng nổi bật của sản phẩm đã mạnh dạn tiến ra thị trường, đơn đặt hàng vì thế cũng liên tục gia tăng. Đến cuối năm đó, doanh thu của Huawei đã lên tới 100 triệu tệ. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn mười triệu tệ.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, thị trường thiết bị chuyển mạch của Trung Quốc tồn tại hai thực trạng. Một là thực trạng loạn giá của các thiết bị chuyển mạch cỡ lớn. Nắm bắt được việc các công xưởng nhỏ của Trung Quốc không sản xuất được loại sản phẩm này, các công ty viễn thông lớn nước ngoài đã thi nhau đẩy giá lên cao, tạo cơn sốt ảo. Các công ty viễn thông trong nước buộc phải chấp nhận mua sản phẩm với giá thành cao. Không chỉ vậy, việc bảo hành, sửa chữa khi thiết bị xảy ra sự cố cũng hết sức bất tiện.
Cùng với đó là thực trạng bát nháo của loại thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ. Theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc khi ấy đã có tới vài trăm công xưởng chuyên sản xuất loại sản phẩm này. Nhiều nơi còn mua linh kiện về rồi lắp ráp thành hàng nhái. Dù là tự lắp ráp hay làm đại lý phân phối, hầu hết các cơ sở này đều không có quyền sở hữu trí tuệ. Thế nên nếu sản phẩm xảy ra vấn đề thì chỉ còn cách chờ nơi sản xuất cử nhân viên kỹ thuật tới sửa chữa.
Bộ thiết bị chuyển mạch HJD48 do Huawei sản xuất, không những sở hữu bằng phát minh sáng chế, mà còn có đội ngũ nhân viên bảo trì được phân bố khắp nơi và nhận được độ hài lòng rất cao từ khách hàng. Vì vậy sản phẩm được tiêu thụ tốt cũng là điều dễ hiểu. Thị trường thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ cạnh tranh ngày càng quyết liệt, lợi nhuận thì ngày một thấp. Nhậm Chính Phi sau khi cân nhắc kỹ lưỡng đã quyết định đầu tư vào thị trường thiết bị chuyển mạch cỡ lớn, đối đấu trực tiếp với các ông lớn đang thâu tóm thị trường điện tử viễn thông quốc nội.
Khó khăn mà Huawei phải đối mặt lúc đó cũng bất trắc không khác gì tình hình thị trường bất động sản ở Hải Nam ngày trước. Trong cơn sốt của thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ, mọi người đổ xô sản xuất sản phẩm này, kết quả là cung vượt quá cầu. Khi thị trường đột ngột lao dốc, chỉ có những công ty chuẩn bị kĩ càng mới có thể tồn tại.
Bộ thiết bị chuyển mạch cỡ lớn đầu tiên mà Huawei sản xuất là JK1000. Nhậm Chính Phi cũng không ngờ rằng chính nó đã khiến ông phải nếm mùi thất bại cay đắng.
“VĂN HÓA NỆM”
“Chúng ta nên dồn tâm trí vào sự nghiệp.
Ánh mặt trời nếu không xuyên qua tiêu điểm của
thấu kính thì sao có thể đốt cháy được vật thể.”
- W. SOMEREST MAUGHAM
Đội ngũ nghiên cứu, phát triển sản phẩm của Huawei ban đầu chỉ có vài kỹ sư. Họ đều là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, chưa hiểu về thiết bị chuyển mạch điều khiển bằng chương trình. Để sớm hòa nhập vào môi trường nghiên cứu, họ thường trong tư thế một tay giữ sách, một tay vẽ sơ đồ mạch điện. Trải qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu gian khổ, cuối cùng họ đã chế tạo thành công các dòng sản phẩm cỡ nhỏ BH01, BH03 và HJD48.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của công ty, đội ngũ kỹ sư của Huawei từ vài người ban đầu đã tăng lên vài chục người. Ngày đó, tấm nệm ngủ chính là “người bạn” đồng hành của các kỹ sư Huawei trong những đêm trắng nghiên cứu.
Các kỹ sư của Huawei có thói quen tới phòng hành chính để nhận một tấm nệm ngủ và một chiếc chăn. Chúng sẽ được cuộn lại để cất trong tủ sắt hoặc bỏ dưới bàn làm việc. “Văn hóa nệm” chính là biểu tượng cho sự chăm chỉ của các nhân viên Huawei.
Huawei không yêu cầu nhân viên tăng ca, song để gia tăng thành tích, các kỹ sư thường làm việc tới khuya.
Trang báo nội bộ của Huawei từng đăng tải câu chuyện sau: Một nhân viên của nhà cung ứng, một buổi trưa đã tới Huawei để giao hàng, khi ấy đang là giờ nghỉ trưa của công xưởng, vì quá mệt nên anh ta đã ngả lưng xuống một tấm xốp để nghỉ ngơi. Lúc tỉnh dậy, anh này phát hiện nằm cạnh mình còn có một người nữa, sau khi đánh tiếng chào hỏi và quan sát kỹ mới nhận ra người này chính là Nhậm Chính Phi.
Tuy nhiên kể từ sau “vụ việc Hồ Tân Vũ” gây chấn động, thì “văn hóa nệm” của Huawei bỗng trở thành đề tài gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội. Hồ Tân Vũ là người Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên. Cuối tháng 6/2005, cậu cùng các bạn học vào làm công việc nghiên cứu cho Công ty Huawei. Tháng 4/2006, Hồ Tân Vũ tham gia một hạng mục nghiên cứu quan trọng mang tính bảo mật của công ty. Do nhiệm vụ nặng nề, trong một thời gian dài, cậu thường làm việc tới tận hai giờ sáng, lúc kiệt sức lại ngả lưng xuống tậm nệm trải dưới mặt đất. Không lâu sau, Hồ Tân Vũ cảm thấy cơ thể khó chịu. Cậu được bệnh viện chẩn đoán mắc bệnh viêm não. Ngày 28/5, nhân viên của Huawei Hồ Tân Vũ đã qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo khi chỉ mới 25 tuổi.
Về sau, một tờ báo tài chính của Trung Quốc đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Trên thiên đường không còn phải tăng ca” để phản ánh “vụ việc Hồ Tân Vũ”. Trong bài báo này có đoạn: “Chúng tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện bi thương, công việc trí thức văn phòng mà nhiều người ước ao đã khiến một chàng trai phải bỏ mạng vì lao động kiệt sức. Chàng trai ấy tuổi đời còn rất trẻ, tương lai tươi sáng vẫn còn ở phía trước...”
Công ty Huawei đã mời thân nhân của Hồ Tân Vũ tới Thâm Quyến để động viên tinh thần và bồi thường vật chất. Sau đó, người đại diện phát ngôn của Huawei đã chia sẻ với báo giới rằng: “Tuy rằng việc lao động kiệt sức không liên quan trực tiếp tới cái chết của Hồ Tân Vũ, song cấp lãnh đạo của công ty hết sức quan tâm xử lý việc này. Công ty chúng tôi cũng đã thay đổi chính sách tăng ca, từ nay nếu nhân viên tăng ca sau 10 giờ tối phải xin phép và cũng không cho phép ngủ qua đêm tại công ty...”
Nhậm Chính Phi không khỏi trăn trở về sự việc này, trước mặt đội ngũ quản lý của Huawei, ông trịnh trọng đề xuất: Vì sự phát triển của Huawei, và cũng để đảm bảo sức khỏe của nhân viên, chúng ta cần phải có nhân viên chăm sóc sức khỏe và an toàn của công ty. Chức vị này chưa từng tồn tại trong các doanh nghiệp lớn trước đây.
Chức vụ chuyên viên quản lý sức khỏe và an toàn đầu tiên của Huawei do Phó Tổng Giám đốc Kỷ Bình đảm nhận với nhiệm vụ chính là nhắc nhở toàn thể nhân viên trong công ty chú ý đảm bảo an toàn về mọi mặt. Huawei còn thành lập trung tâm chăm sóc sức khỏe với mục đích xây dựng tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe trong ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc..., thực hiện công tác phòng chống bệnh tật, cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe và tâm lý, góp phần xây dựng nên văn hóa doanh nghiệp.
Trong bài diễn văn nổi tiếng của Nhậm Chính Phi “Vật chất rồi sẽ lụi tàn, chỉ có văn hóa mới tồn tại mãi mãi”, đã trả lời những chất vấn của xã hội đối với “văn hóa nệm” của Huawei:
“Những ngày đầu khởi nghiệp, đội ngũ nghiên cứu, phát triển sản phẩm của chúng tôi chỉ có vài người. Trong điều kiện vật chất thiếu thốn, học tập tinh thần làm việc không ngại gian khó và noi theo tấm gương miệt mài lao động, cống hiến cho nghiên cứu khoa học của các thế hệ trước, chúng tôi mang trong mình niềm hăng say lao động không kể ngày đêm, không có khái niệm cuối tuần và ngày nghỉ để nghiên cứu phương án kỹ thuật, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm sản phẩm... Khi nào kiệt sức, chúng tôi ngả lưng ngay xuống nệm để nghỉ ngơi. Đó chính là khởi nguồn của “văn hóa nệm” ở Huawei. Tuy ngày hôm nay tấm nệm chỉ được sử dụng để nghỉ trưa, song “văn hóa nệm” hình thành từ những ngày đầu đã trở thành biểu tượng cho sự phấn đấu không ngừng của thế hệ những con người Huawei cũ. Nó cũng là thứ tài sản tinh thần quý báu mà chúng tôi cần phải kế thừa...
Đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc là những công ty lớn đến từ các quốc gia phát triển trên khắp thế giới. Họ có lịch sử phát triển lâu đời từ vài chục năm thậm chí cả trăm năm, có địa vị thị trường vững chắc, cùng lượng khách hàng ổn định, có hệ thống quản lý và kinh nghiệm kinh doanh đẳng cấp quốc tế.
Huawei không có sự hỗ trợ, cũng không có bất kì nguồn tài nguyên nào. Ngoài tinh thần nhiệt huyết, tự lực cánh sinh, chúng tôi không có gì khác. Chúng tôi chỉ dựa vào tinh thần phấn đấu vượt khó để rút ngắn khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh.
Dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục duy trì tác phong phấn đấu không ngại gian khổ. Con đường khai thác thị trường quốc tế của các doanh nghiệp kỹ thuật cao Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp phải rất nhiều thách thức, song ý nghĩa mà nó mang lại sẽ rất lớn lao. Hạnh phúc chẳng phải tự nhiên mà có, nó là sự đền đáp của ông trời dành cho những nỗ lực không mệt mỏi của chúng ta.”
Năm 1992, dưới sự dẫn dắt của Trịnh Bảo Dụng, Huawei đã xây dựng được một đội ngũ nghiên cứu tinh nhuệ gồm hơn chục người. Nhậm Chính Phi sau đó cũng rất hài lòng với báo cáo của đội ngũ này về phương án nghiên cứu thiết bị chuyển mạch. Ông nhận thấy rằng phương án này bám sát vào thực lực hiện có của công ty nên sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ rủi ro.
Sau khi phương án được thông qua, bộ thiết bị chuyển mạch cỡ lớn đầu tiên của Huawei mang tên JK1000 ra đời. Trịnh Bảo Dụng phụ trách chung, Từ Văn Vĩ phụ trách phần cứng, còn Vương Văn Thắng phụ trách viết phần mềm. Ba người họ bắt tay cộng tác, siết chặt sợi dây đoàn kết với quyết tâm, chừng nào JK1000 chưa thành công, thì họ chưa dừng lại.
MÔ HÌNH KINH DOANH LIÊN KẾT
“Sai lầm của kẻ khôn cũng có thể chất thành núi cao.”
- Ngạn ngữ châu Phi
Bộ thiết bị chuyển mạch cỡ lớn đầu tiên của Huawei JK1000 được nghiên cứu thành công. Sản phẩm này ra đời nhờ áp dụng kỹ thuật mô phỏng. Tuy nhiên, kỹ thuật mô phỏng khi đó tuy thịnh hành, song sắp trở nên lỗi thời. Các kỹ sư của Huawei giống như đang lạc bước trên sa mạc, đầy rẫy những khó khăn đang chờ đợi họ.
Hôm nay nhìn lại, sai lầm mà Nhậm Chính Phi mắc phải chính là do không theo kịp thời đại. Khi ấy, thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số đã có bước tiến dài, thiết bị chuyển mạch kỹ thuật mô phỏng lại sắp trở nên lạc hậu. Công ty Huawei quyết định phát triển dòng sản phẩm kỹ thuật mô phỏng vì muốn bám sát trình độ kỹ thuật của mình. Bất kể với lý do gì, JK1000 hẳn nhiên là dòng sản phẩm sẽ nhanh chóng bị đào thải.
Cũng giống như băng từ sẽ bị đĩa CD, MP3, MP4 thay thế, kỹ thuật số rồi cũng sẽ thay thế cho kỹ thuật mô phỏng. Huawei năm xưa tuy nhận thức được điều này, song họ vẫn ngộ nhận cho rằng thời kỳ chuyển giao vẫn chưa tới. Hơn nữa, JK1000 là sản phẩm khởi đầu, bán ra thị trường một thời gian, sau đó tiến quân vào lĩnh vực kỹ thuật số cũng chưa muộn.
Tào Di An là một trong những nhân viên của Huawei nhận thức được mối nguy tiềm ẩn này. Anh chỉ là công nhân, không có tiếng nói, song vì tâm huyết dành cho Huawei, anh quyết định tìm gặp Nhậm Chính Phi để bày tỏ quan điểm.
Chính lòng chân thành của anh đã lay động Nhậm Chính Phi, ngay sau đó ông đã ra chỉ thị cho bộ phận nghiên cứu, phát triển: “Ngoài việc chú trọng chế tạo sản xuất thiết bị chuyển mạch kỹ thuật mô phỏng, chúng ta cũng không được lơ là việc nghiên cứu, phát triển thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số, chỉ có như vậy thì chúng ta mới có bước đi nhanh và ổn định.”
Để cho ra sản phẩm mới, Huawei lúc này không những đầu tư một khoản tiền lớn, mà còn sử dụng lực lượng nghiên cứu tinh nhuệ nhất. Nhưng mới đi được nửa chặng đượng, họ đã cạn kiệt vốn đầu tư.
Tuy vẫn có lợi nhuận từ việc bán loại thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ, song Huawei khi ấy vẫn rơi vào tình cảnh thu không đủ chi. Nhậm Chính Phi thậm chí còn phải vay nặng lãi để duy trì hoạt động của công ty.
Đang lúc nước sôi lửa bỏng khiến Nhậm Chính Phi phải vò đầu bứt tai thì công ty nhận được một thông tin tốt lành: Tôn Á Phương góp vốn hai triệu tệ để gia nhập Huawei.
Tôn Á Phương cũng từng công tác trong quân đội, sau khi chuyển ngành, bà về làm cán bộ nhà nước cho một cơ quan ở Bắc Kinh. Năm xưa khi Nhậm Chính Phi tới Bắc Kinh làm thủ tục giấy tờ đã tình cờ quen Tôn Á Phương. Ngày ấy tuy vẻ ngoài của Nhậm Chính Phi khắc khổ, nhưng con người ông lại toát ra khí chất quật cường của người lính. Chính điều này đã gây ấn tượng mạnh với Tôn Á Phương, vì thế mà bà cũng sớm nhìn ra được tương lai huy hoàng của Huawei.
Tôn Á Phương tốt nghiệp Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử. Trước khi đầu quân cho Huawei, bà từng công tác trong lĩnh vực viễn thông ở một cơ quan nhà nước. Sau đó, chính tinh thần phấn đấu của nhân viên Huawei, cùng lòng nhiệt huyết trong công việc của Nhậm Chính Phi đã lôi kéo bà gia nhập. Bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí trong Công ty Huawei như giám đốc bộ phận đào tạo, chủ nhiệm văn phòng đại diện ở Trường Sa, Hồ Nam, quản lý phòng thị trường, sau đó được thăng tiến làm phó tổng giám đốc thường vụ phụ trách nguồn nhân lực và thị trường. Đến tháng 1/2011, bà lên làm chủ tịch hội đồng quản trị của công ty.
Hai triệu tệ mà Tôn Á Phương đem tới là “cơn mưa rào” giữa lúc nắng hạn. Một phần nhỏ trong đó là do bà tích góp được, phần còn lại là đi vay mượn. Số tiền này đã giúp Huawei giải quyết được không ít khó khăn.
Để đảm bảo thành công cho sản phẩm JK1000, Huawei đã đầu tư toàn bộ tiền của vào bộ phận nghiên cứu phát triển, bởi vậy mà công nhân vẫn chưa được trả lương trong nhiều tháng liền. Lúc này cấp lãnh đạo của công ty đang phân vân không biết nên dùng số tiền hai triệu tệ này để đầu tư nghiên cứu hay trả lương cho công nhân.
Trong lúc Nhậm Chính Phi vẫn còn đang do dự, Tôn Á Phương đã thay ông đưa ra quyết định, đó là trả lương cho nhân viên trước.
Nhân viên công ty sau khi được lĩnh khoản tiền lương nợ đọng, thì tinh thần được xốc lại nhanh chóng. Một số vấn đề trong nội bộ công ty cũng được giải quyết thuận lợi. Những ngày đầu gây dựng, tiêu chuẩn tiền lương cơ bản hàng tháng của các nhân viên ở Huawei như sau: trình độ đại học là 1.000 tệ, trình độ thạc sỹ là 1.500 tệ, trình độ tiến sỹ là 2.000 tệ, nhân viên đặc biệt có mức tính riêng.
Trương Lợi Hoa từng làm kỹ sư phần mềm và nghiệp vụ của Huawei, trong một bài viết của anh có đoạn như sau: “Tiền lương ở trường học của tôi chỉ hơn 400 tệ. Sau khi gia nhập Huawei, mức lương khởi điểm của tôi là 2.600 tệ. Khi đó, điều khiến tôi thỏa mãn nhất chính là việc tiền lương được tăng lên hằng tháng. Sau gần một năm, mức lương đã tăng lên 6.000 tệ/ tháng. Có điều hằng tháng chúng tôi chỉ nhận được một nửa mức lương, một nửa còn lại sẽ được ghi nợ. Ngày ấy cũng không được phát phiếu tiền lương, mọi người phải xếp hàng ở phòng tài vụ để lĩnh lương.”
Khi đó, Huawei đang gặp khó khăn về tài chính, nên Nhậm Chính Phi đã chuyển một nửa tiền lương ghi nợ cùng tiền thưởng của nhân viên thành cổ phần của công ty, dùng nó để trấn an tinh thần họ. “Chế độ phân chia cổ phần” của Huawei đã ra đời trong hoàn cảnh đó.
Trong một lần trò chuyện với nhân viên, Nhậm Chính Phi đã nói: “Hoàn cảnh của chúng ta bây giờ cũng giống như cuộc hành quân của hồng quân năm xưa, trèo núi tuyết vượt đường dài, phải dùng đến lương thực của dân chúng mà không có tiền trả, đợi cách mạng thắng lợi chúng ta sẽ đền đáp sau.” Quả nhiên, nhân viên của Huawei sau này đều nhận được cổ phần của mình, Nhậm Chính Phi cũng đã thực hiện lời hứa năm xưa. Chính sách này đã giúp rất nhiều người trở thành triệu phú.
Để giải quyết khó khăn về vốn lưu động của Huawei, Tôn Á Phương đã đề xuất phương án hợp tác với cục điện tử viễn thông để thành lập công ty liên doanh.
Đối tượng khách hàng chủ yếu của sản phẩm JK1000 sẽ là các công ty điện tử viễn thông. Trong khi đó, Huawei trước đây chỉ tập trung khai thác đối tượng khách hàng là người dùng cá thể, chưa có kinh nghiệm làm ăn với các công ty viễn thông. Nếu Huawei có thể bắt tay với các công ty này để thành lập ra công ty liên doanh, cũng đồng nghĩa với việc xây dựng nên một tổ chức cùng chung lợi ích. Bước đi này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và chiếm lĩnh thị trường.
Kế sách này của Tôn Á Phương quả thực vô cùng khôn ngoan. Nhậm Chính Phi sau đó đã đích thân tới cục điện tử viễn thông ở các địa phương để trao đổi hợp tác. Kết quả là cục điện tử viễn thông của 17 tỉnh thành đã đồng ý góp vốn thành lập công ty liên doanh lấy, tên là Maubec.
Công ty liên doanh Maubec được thành lập với số vốn 39 triệu tệ từ 17 cục viễn thông, còn Huawei góp 50 triệu tệ. Huawei còn cam kết, sau khi công ty liên doanh được thành lập sẽ chia 33% lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Dĩ nhiên, Huawei không có 50 triệu tệ tiền vốn kia, nếu có thì họ đã không cần phải thành lập công ty liên doanh này.
Công ty Maubec chủ yếu cung cấp các dịch vụ cho Huawei, sự ra đời của nó mang ý nghĩa hợp tác chiến lược. Nhờ sự chống đỡ của công ty liên doanh, Huawei đã giải quyết được phần nào khó khăn về vốn.
Quan điểm của Nhậm Chính Phi về sách lược thành lập công ty liên doanh như sau: Sau khi công ty liên doanh được thành lập, Huawei và cục điện tử viễn thông từ quan hệ mua bán trước kia sẽ trở thành quan hệ hợp tác cùng chung lợi ích. Hình thức kinh doanh doanh nghiệp sẽ thế chỗ cho hình thức kinh doanh trực tiếp. Với mục tiêu nắm bắt thị trường dài hạn thay vì ngắn hạn như trước đây, điều này sẽ cản bước tấn công của các đối thủ cạnh tranh.
Huawei về sau còn hợp tác với Công ty Viễn thông Đường sắt thành lập ra 27 công ty liên doanh như Công ty Huawei miền Bắc, Công ty Huawei Thẩm Dương, Công ty Huawei Hà Bắc... giúp vươn dài cánh tay của mình trên khắp cả nước.
Đến năm 1999, những công ty liên doanh này đã hoàn thành sứ mệnh. Sau khi công ty liên doanh giải thể, Huawei đã nắm trong tay khối tài sản cùng thị trường tiêu thụ dồi dào. Khi ấy họ không còn phải dựa vào mô hình kinh doanh liên kết nữa.
PHẢI BIẾT ĐỨNG DẬY SAU THẤT BẠI
“Đã đi đúng hướng thì chẳng ngại đường dài.”
- Sưu tầm
Đầu năm 1993, dòng sản phẩm JK1000 chính thức ra đời, Công ty liên doanh Maubec với sự hợp tác giữa Huawei và cục điện tử viễn thông cũng được thành lập. Những chướng ngại về kỹ thuật và thị trường đều được dẹp bỏ. Huawei đã sẵn sàng cho lần tấn công thị trường này.
Tháng 5/1993, Nhậm Chính Phi trực tiếp chủ trì hội nghị ban giám đốc bộ phận thị trường. Trong hội nghị này, ông nói: “Nhiệm vụ trọng tâm của Huawei trong thời gian tới là thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ trên diện rộng thiết bị chuyển mạch cỡ lớn JK1000.”
Nhậm Chính Phi còn đặc biệt nhấn mạnh: Chủ nhiệm các văn phòng đại diện phải trực tiếp phụ trách hoạt động marketing ở các địa phương. Trung tâm đào tạo phải cử ra những nhân viên xuất sắc để xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển lãm sản phẩm. Bộ phận phát triển thị trường cũng cần phải cử những nhân viên kỹ thuật giỏi để thuyết trình về sản phẩm mới cho khách hàng trong các hoạt động quảng bá sản phẩm.
Huawei sở dĩ ưu tiên phát triển thiết bị kỹ thuật mô phỏng cũng là vì muốn bám sát khả năng kinh tế của cục điện tử viễn thông trong nước lúc bấy giờ.
Năm 1990, tỉ lệ phổ cập điện thoại cố định của Trung Quốc chỉ là 1,1%, xếp thứ 113 trong số 185 quốc gia, tương đương với tỉ lệ của Mỹ đầu thế kỷ 20. Trong khi đó thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số có giá rất cao, các cục điện tử viễn thông của Trung Quốc khó lòng kham nổi.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng mười năm, tỉ lệ phổ cập điện thoại của Trung Quốc đã tăng lên tới 50%, vượt xa mức dự đoán chỉ 5% của các chuyên gia. Nguyên nhân của sự tăng trưởng thần tốc đó là do tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, dẫn đến đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu sử dụng điện thoại cũng ngày một lớn. Theo đà phát triển như vũ bão của ngành điện tử viễn thông, kỹ thuật ứng dụng của thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số cũng có bước tiến dài, hơn nữa, còn áp đảo thiết bị chuyển mạch kỹ thuật mô phỏng về tính năng và giá thành. Nói cách khác, thiết bị chuyển mạch JK1000 ngay từ lúc ra đời, xét về giá thành hay tính năng sử dụng đều bị thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số đánh bại hoàn toàn.
SỰ MẠNH YẾU CỦA ĐỐI THỦ SẼ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH BẠI CỦA BẠN
Sau khi sản phẩm JK1000 gia nhập thị trường, dường như những ông lớn của ngành điện tử viễn thông quốc tế còn chưa để mắt tới một công ty nhỏ mới nổi như Huawei. Các công ty này có bề dày kinh nghiệm trong việc khai thác thị trường, họ chuẩn bị sẵn trong tay “thanh gươm sắc” để quật ngã đối thủ cạnh tranh đến sau bất cứ lúc nào. Họ còn có tư duy đi trước thời đại “xây dựng mạng lưới viễn thông hoàn chỉnh”, có nghĩa là trong tương lai sẽ xây dựng đường truyền tín hiệu bằng cáp quang từ vùng thành thị tới miền nông thôn.
Dĩ nhiên, việc đề xuất xây dựng hệ thống đường truyền cáp quang chưa phải là mục đích chính của họ. Mà lợi ích nằm ở chỗ, họ sẽ bán ra loại thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số đồng bộ hóa với hệ thống cáp quang.
Chứng kiến sự phát triển thần tốc của nền kinh tế quốc nội, nhu cầu lắp đặt điện thoại ngày càng gia tăng, lãnh đạo các cục điện tử viễn thông của các tỉnh đứng ngồi không yên. Các công ty lớn nước ngoài đã vẽ ra trước mắt họ bức tranh tươi sáng cho tương lai của ngành viễn thông. Qua sự tuyên truyền của họ, ngành điện tử viễn thông quốc nội cũng bắt đầu tin rằng chỉ cần sử dụng cáp quang và thiết bị chuyển mạch kỹ thuật số thì toàn quốc sẽ có được một mạng lưới viễn thông hoàn chỉnh và toàn diện. Thiết bị chuyển mạch kỹ thuật mô phỏng JK1000 của Huawei vừa ra đời đã bị giáng ngay một đòn phủ đầu.
Huawei đương nhiên không cam tâm để “đứa con” của mình bị chết yểu. Nhậm Chính Phi đã triệu tập toàn bộ nhân viên cốt cán của bộ phận kỹ thuật và bộ phận kinh doanh, sau cuộc thảo luận, đã đưa ra hai quyết định: Một là, cần phải đăng một bài viết trên trang báo nội bộ để diễn giải việc xây dựng mạng lưới viễn thông quốc nội cần phải lượng sức mình với những bước đi chậm theo đúng trình tự. Tư duy “một phát ăn ngay” là không phù hợp với tình hình thực tế. Hai là, nhân viên kinh doanh của Huawei phải có biện pháp tăng cường tiếp thị sản phẩm, chẳng hạn như có thể mời nhân viên của cục điện tử viễn thông đang có ý định mua sản phẩm tới trụ sở Huawei ở Thâm Quyến tham gia hội thảo kỹ thuật. Chúng ta phải thuyết phục họ nên sử dụng thiết bị chuyển mạch kỹ thuật mô phỏng của Huawei, sau đó mới chuyển đổi sang thiết bị kỹ thuật số. Đó mới là trình tự đúng đắn nhất với tình hình hiện nay của chúng ta.
Khi đó, trụ sở của công ty Huawei được đặt ở tòa nhà công nghiệp Thâm Ý nằm ở Nam Sơn, Thâm Quyến, cách trung tâm thành phố hơn một giờ xe bus.
Trên đỉnh của tòa nhà công nghiệp Thâm Ý được dựng hai chữ phồn thể lớn 华為 (Huawei). Từ xa nhìn vào, rất dễ bị đọc nhầm thành 华鸟 (có nghĩa là con chim Trung Hoa). Bởi vậy mà nhân viên Huawei thường đùa nhau rằng: “Chúng ta làm việc cho công ty 华鸟 đấy nha”.
Trên tầng năm của trụ sở Công ty Huawei còn treo một bức đề tự của tướng quân Trướng Ái Bình: “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ”3.
3. Có khách từ phương xa tới, sao mà không vui cho được
Tháng 9/1993, trang báo nội bộ của Huawei đã dùng chính lời đề tự này để đặt tiêu đề cho một bài viết: “Có khách từ phương xa tới, sao mà không vui cho được - Hội thảo về kỹ thuật và thị trường viễn thông nông thôn đã được tổ chức tại Huawei”.
Tham gia hội thảo lần đó, trưởng chi cục bưu điện khu vực Thương Khưu, tỉnh Hà Nam Trương Vinh Quân đã chia sẻ: “Khu vực Thương Khưu cũng đang sử dụng một số thiết bị, song hiệu quả vẫn chưa được như ý muốn, đau đầu nhất là vấn đề sét đánh hỏng máy. Mấy hôm nay được tham quan thiết bị ở đây, tôi thấy tính năng của thiết bị chuyển mạch do Huawei sản xuất khá hoàn thiện.
Ngành viễn thông của nước ta đang phát triển, tương lai về sau rất có thể thiết bị kỹ thuật số hoặc vi sóng sẽ được đưa vào thay thế. Tuy nhiên hiện nay chúng ta vẫn đang sử dụng dòng kỹ thuật mô phỏng, vậy thì không biết về sau có đổi thiết bị được hay không? Làm vậy vừa cải tiến được hiệu quả sử dụng lại vừa cắt giảm được chi phí.”
Nghe xong, Nhậm Chính Phi hào hứng đáp lại: “Thiết bị sau vài năm sử dụng sẽ bị xuống cấp, các anh có thể chuyển nhượng cho nơi khác với nửa giá ban đầu, làm vậy chẳng phải quá tốt hay sao? Hoặc có thể điều chỉnh lại toàn bộ thiết bị trong phạm vi toàn tỉnh. Hơn nữa, theo dự báo thị trường của chúng tôi, thiết bị JK1000 đến năm 2000 vẫn chưa bị tụt hậu. Hiện nay, khoảng một phần ba thiết bị chuyển mạch của Nhật và Anh vẫn còn sử dụng kỹ thuật thanh ngang cơ mà.”
Sau khi nghe xong lời phân tích của Nhậm Chính Phi, đại biểu tham gia hội thảo đến từ các cục điện tử viễn thông đều nhất loạt gật đầu. Bằng sự nhiệt tình của đội ngũ nhân viên kinh doanh, đến ngày 4/7/1993, chi cục bưu điện của huyện Lạc An, tỉnh Giang Tây đã trở thành đơn vị đầu tiên chính thức sử dụng bộ thiết bị JK1000. Sau đó, có rất nhiều đơn vị khác lựa chọn sản phẩm này của Huawei.
Năm 1993, các kỹ sư lắp đặt của Huawei đã không ngại gian khó, xung phong đi tới các địa phương để phục vụ khách hàng. Kết quả là, Huawei đã bán được hơn 200 bộ thiết bị chuyển mạch kỹ thuật mô phỏng JK1000. Năm đó, từ làng chài ven biển, cao nguyên hoang mạc tới miền núi xa xôi đều in dấu chân của nhân viên Huawei. Với phẩm chất nghề nghiệp tuyệt vời, đến nay nhắc lại khách hàng ở khắp mọi miền vẫn không ngớt lời ngợi ca.
Nhậm Chính Phi từng nói: “Phục vụ khách hàng là lý do tồn tại duy nhất của Huawei, nhu cầu của khách hàng chính là động lực phát triển của Huawei... Công việc được bắt nguồn từ lòng nhiệt huyệt và sự cống hiến hết mình, nó là cơ hội và cũng là thử thách không dễ có được, vì vậy cần phải biết trân trọng. Việc dù lớn hay nhỏ cũng cần phải dốc sức. Tầm nhìn phải xa, hoài bão phải lớn, phải giàu tinh thần trách nhiệm, không đặt nặng được mất cá nhân... Cống hiến cho sự nghiệp nghĩa là phải nghe theo chính nghĩa tiến về phía trước, không để ý dưới chân là hoa hồng hay gai nhọn...”
Tuy tiêu thụ được hơn 200 bộ sản phẩm JK1000, song chất lượng kỹ thuật của thiết bị vẫn chưa được đảm bảo, nghiêm trọng nhất là vấn đề sét đánh sập nguồn điện rồi gây cháy. Ngày ấy, Bộ Viễn thông đã đề ra một quy định nghiêm ngặt: Nếu mạng viễn thông bị ngừng hoạt động trong hai giờ thì cục trưởng sẽ tự động bị cách chức. Chính vì thế mà có vài vị cục trưởng đã bị “tước mũ quan” vì tin dùng sản phẩm của Huawei.
Qua sự cố đó, Nhậm Chính Phi càng ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm. Không có chất lượng sẽ không có Huawei, chất lượng không đảm bảo, Huawei sẽ không có ngày mai.
Vòng đời ngắn của JK1000 do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có vấn đề kỹ thuật và nhu cầu thị trường. Dòng sản phẩm này đã trở thành “vật hy sinh” trong cuộc chiến thương trường của Huawei với các công ty viễn thông lớn nước ngoài. Trải qua cuộc giao chiến ngắn ngủi ấy, Huawei chưa hẳn đã trắng tay. Chí ít họ cũng đã mang công nghệ viễn thông hiện đại tới các vùng miền xa xôi của đất nước. Không chỉ vậy, chính nhờ tinh thần phục vụ khách hàng hết mình đã giúp Huawei tạo dựng được lòng tin cũng như sức ảnh hưởng rộng rãi trên thị trường.
Chất lượng phục vụ của Huawei luôn được thể hiện qua những hành đồng thiết thực. Hiện nay, Huawei đã xây dựng được hệ thống phục vụ khách hàng được xem là hoàn thiện nhất trong giới điện tử viễn thông. Họ đã thành lập 29 văn phòng đại diện ở khắp nơi trên cả nước, ngoài ra còn thành lập trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và trung tâm cung ứng linh kiện dự phòng. Phục vụ tốt, xử lý vấn đề kịp thời trở thành lý do quan trọng để khách hàng lựa chọn Huawei.
Thất bại của JK1000 đã giúp Nhậm Chính Phi thấy được những thiếu sót của bản thân. Về sau để nắm bắt thị trường tốt hơn, bộ phận nghiên cứu kỹ thuật của Huawei đã tăng cường công tác thu thập và phân tích thông tin sản phẩm, tìm ra điểm yếu và điểm mạnh của đối thủ. Nhờ vậy, việc cải tiến và sáng chế kỹ thuật của Huawei được định hướng đúng đắn.