“Ai từng phục vụ trong quân đội mới là những con người thực thụ.”
- BARTON
S au khi tốt nghiệp Học viện Xây dựng Trùng Khánh, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc, Nhậm Chính Phi gia nhập binh chủng xây dựng cơ sở hạ tầng quân đội.
Nếu là vàng thì ở đâu cũng sẽ tỏa sáng. Nhậm Chính Phi đến làm việc cho xưởng chế tạo máy bay. Bằng sự tận tụy nghiên cứu, ông đã có nhiều phát minh sáng chế, trong đó đóng góp hai công trình nghiên cứu khoa học quan trọng cho quốc gia. Đúng vào lúc thành quả lao động được công nhận, ông muốn dốc hết sức mình cống hiến cho nước nhà, thì binh chủng xây dựng vì lý do cắt giảm quân đoàn nên bị giải thể.
Nhậm Chính Phi phải trải qua một bước ngoặt lớn trong cuộc đời khi từ quân nhân quyết định trở thành thương nhân. Sự thay đổi đó sau này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đời ông. Sau khi chuyển tới làm việc cho Tập đoàn Nam Du ở Thâm Quyến, ông đã vấp phải cú ngã đầu tiên...
THAM GIA QUÂN ĐỘI, SỤC SÔI Ý CHÍ PHỤC VỤ TỔ QUỐC
“Thà làm anh bếp lính, còn hơn bác đồ ngông.”
“Tòng quân hành” – DƯƠNG QUÝNH
Năm 1963, Nhậm Chính Phi khi ấy 19 tuổi, mang theo sự kỳ vọng của cha mẹ tới Trùng Khánh học đại học. Từ một học sinh trường miền núi xa xôi, hẻo lánh nay được theo học ở một thành phố phồn hoa, hiện đại, những kiến thức giảng đường mới mẻ, cùng môi trường học tập khang trang, khiến ông phấn khích bơi trong đại dương tri thức.
Cách mạng văn hóa nổ ra khi Nhậm Chính Phi chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp đại học. Các tổ chức phản động từ nhà máy, nông thôn đến trường học tiến hành các phong trào đả đảo. Những tờ báo tuyên truyền được dán khắp nơi trong trường học. Hiệu trưởng và các giáo sư lần lượt bị tước quyền. Những đại hội đấu tranh phê phán họ diễn ra liên tục, bầu không khí cũng hết sức kịch liệt. Trong hoàn cảnh căng thẳng ấy, chẳng còn mấy sinh viên có thể yên ổn ngồi học ở giảng đường Học viện Xây dựng Trùng Khánh nữa.
Song Nhậm Chính Phi quyết không buông sách, ông cần mẫn bổ sung những kiến thức còn thiếu. Ông còn tự học hết các môn máy tính điện tử, kỹ thuật số và tự động hóa.
Nhậm Chính Phi còn quen một số giảng viên của trường Đại học Giao thông Tây An. Họ thường cho ông mượn những cuốn sách in dầu về đọc. Ông còn tự giải hết các bộ đề toán cao đẳng, tự nghiên cứu triết học và lô-gic học. Ông cũng tự học một số ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật... thậm chí đã đạt tới trình độ có thể đọc hiểu các sách chuyên ngành viết bằng tiếng nước ngoài. Sau này, mỗi lần Nhậm Chính Phi sang Âu Mỹ khảo sát thị trường, ông có thể trực tiếp trao đổi công việc với khách hàng bản địa mà không cần tới phiên dịch viên.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Nhậm Chính Phi làm việc cho đơn vị xây dựng công trình. Năm 1974, để nhanh chóng hiện đại hóa công nghiệp, chính phủ đã đưa ra quyết định: bắt tay vào dự án hóa sợi, nhập khẩu kỹ thuật tiên tiến thế giới từ Pháp, và xây dựng nhà máy ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh với tổng mức đầu tư 2,8 tỉ nhân dân tệ. Để đảm bảo tối ưu cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của nhà máy hóa sợi, chính phủ đã tuyển dụng đội ngũ nhân tài từ khắp nơi trong cả nước để tham gia công trình trọng điểm này. Yêu cầu đầu tiên đối với các thành viên là phải từng nhập ngũ, sau đó lấy danh nghĩa quân nhân để tham gia kiến thiết.
Năm 1974, Nhậm Chính Phi nhập ngũ, chính thức khoác quân trang, ông gia nhập binh chủng xây dựng cơ sở hạ tầng để tham gia dự án nhà máy hóa sợi Liêu Ninh. Binh chủng mà ông làm việc do trung ương trực tiếp chỉ đạo, có nhiệm vụ xây dựng những công trình quy mô vừa và vừa của quốc gia. Binh chủng này được thành lập vào ngày 1/8/1966, sau đó phát triển thành mười đơn vị trực thuộc, với hơn 500.000 lính, trở thành binh chủng xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc.
Nhập ngũ không lâu, do có khả năng nổi trội, Nhậm Chính Phi được nhận vào làm lính thông tin. Sau đó, ông được điều tới xưởng chế tạo máy bay ở khu An Thuận, tỉnh Quý Châu để tham gia công trình nghiên cứu hệ thống thông tin quân sự mang mã hiệu 011. Với tinh thần ham học hỏi, tận tụy nghiên cứu, ông đã cho ra đời nhiều phát minh sáng chế, trong đó có hai thành quả nghiên cứu khoa học quan trọng cống hiến cho quốc gia.
Trên sa mạc cuộc đời cằn cỗi cuối cùng cũng nở ra đóa hoa ái tình. Trong thời gian làm lính, ông đã kết hôn. Người đàn ông có gia đình cũng trưởng thành hơn, giống như con thuyền lênh đênh giữa biển khơi tìm được bến bờ bình yên.
Khi Nhậm Chính Phi kết hôn, kinh tế của nhà họ Nhậm vẫn rất eo hẹp, song các em của ông vẫn cố gắng gom góp được 100 tệ. Số tiền này tuy ít, song nó thể hiện tình cảm anh em keo sơn, gắn bó và yêu thương nhau.
Sống trong quân đội nhiều năm, ngoài công việc phát minh sáng chế, Nhậm Chính Phi còn đọc cuốn “Tư bản luận” của Mác, ông cũng đi sâu nghiên cứu cuốn “Tuyển tập Mao Trạch Đông”. Đặc biệt, tinh hoa của cuốn “Tuyển tập Mao Trạch Đông” đã hằn sâu trong trí óc ông. Sau này, ông cũng áp dụng tư tưởng của Mao Trạch Đông trong quá trình kinh doanh và quản lý Huawei, nhờ đó mà xây dựng nên văn hóa quản lý doanh nghiệp độc đáo.
Đến năm 1982, Nhậm Chính Phi xuất ngũ. Căn cứ vào sự điều chỉnh của nền kinh tế quốc dân và thể chế quốc gia, cũng như yêu cầu của công cuộc cải cách thể chế quân đội, Trung ương đảng quyết định giải thể binh chủng xây dựng cơ sở hạ tầng của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Nhậm Chính Phi là cán bộ kỹ thuật cốt cán trong quân đoàn, nên cấp lãnh đạo rất muốn giữ ông lại, đồng thời cũng dự tính điều ông tới công tác ở một cơ sở nghiên cứu khoa học khác. Nhưng sau khi đắn đo suy nghĩ, Nhậm Chính Phi quyết định chuyển ngành. Đó là lựa chọn khó khăn với ông. Vì tương lai của con cái, Nhậm Chính Phi đành nói lời chia tay với quân đội.
Vợ của Nhậm Chính Phi khi ấy đang là cán bộ cấp cao của Tập đoàn Nam Du, Thâm Quyến. Nhậm Chính Phi sau khi làm xong thủ tục chuyển ngành đã dẫn theo hai con tới Thâm Quyến, thành phố biên thùy phía nam tuy non trẻ nhưng sôi động nhất của Trung Quốc.
Tập đoàn Nam Du, Thâm Quyến được thành lập năm 1984, phụ trách quản lý, kiến thiết và kinh doanh tổng hợp trên mảnh đất rộng 23 km² của bán đảo Nam Đầu, phía tây Thâm Quyến. Trải qua nhiều năm phát triển, Tập đoàn Nam Du đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất thành phố Thâm Quyến, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đặc khu này.
Theo hồi tưởng của Mạnh Vãn Chu (theo họ mẹ) - con gái Nhậm Chính Phi, lúc Nhậm Chính Phi và vợ vừa tới Thâm Quyến, điều kiện sống của họ rất khó khăn. Họ sống trong một căn phòng dột mái. Thâm Quyến là khu vực mưa nhiều, gia đình họ thường xuyên phải chịu cảnh bên ngoài mưa lớn, trong nhà mưa nhỏ.
Nhậm Chính Phi xuất thân là quân nhân nên không ngại gian khổ. Ông luôn giữ vững tinh thần, như chiếc cung tên được kéo căng nhắm tới mục tiêu mới của cuộc đời. Ông muốn thực hiện lý tưởng cuộc đời mình, muốn người thân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi ấy ông nghĩ rằng không phải ở đâu khác, mục tiêu ấy nhất định sẽ được thực hiện ở thành phố này.
GÁNH CHỊU NỖI ĐAU THẤT BẠI
“Thất bại là thử thách cuối cùng của lòng kiên nhẫn.”
- BISMARCK
Con người Nhậm Chính Phi vốn thẳng thắn, trung thực, đối với bạn bè ông rất trọng tình cảm. Tác phong quân đội ấy của ông lại khó thích nghi với chốn thương trường đầy rẫy cạm bẫy. Quả nhiên, mới bắt tay vào làm ăn chưa được bao lâu thì ông đã bị lừa một đơn hàng, dẫn đến mất trắng hơn hai triệu tệ. Ông phải bán tất cả mọi thứ để trả nợ. Đó cũng là gáo nước lạnh đầu tiên ông hứng chịu sau khi chuyển ngành.
Sau lần đó, ông bị mất việc ở Tập đoàn Nam Du, trở thành một kẻ thất nghiệp thực sự.
Đúng lúc ấy, cuộc hôn nhân đầu của ông cũng đổ vỡ. Sau khi ly hôn, ông cùng cha mẹ thuê một căn nhà nhỏ chỉ rộng hơn chục mét vuông. Căn nhà không có phòng bếp nên ban công trở thành nơi nấu ăn. Tối đến họ phải ngủ chen chúc trong không gian chật hẹp. Cả thể chất lẫn tinh thần của ông đều kiệt quệ. Đêm nào ông cũng trằn trọc mất ngủ, rồi tự hỏi: Con đường tương lai nên đi về hướng nào.
Nếu muốn lập nghiệp thì ông phải nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người. Năm 1987, ông cùng một vài người bạn thành lập Công ty Kỹ thuật Huawei Thâm Quyến với số vốn đăng ký chỉ hai vạn tệ. Sau này, khi được hỏi ý nghĩa của tên công ty, Nhậm Chính Phi đã đáp rằng: “Hoa Vi có nghĩa là Trung Hoa Hữu Vi”2.
2. Hoa Vi là phiên âm tiếng Việt của Huawei, Trung Hoa Hữu Vi có nghĩa là Thành tựu Trung Hoa
Lúc bấy giờ, giá thuê văn phòng khá cao, nhưng nếu thuê nhà dân thì rẻ hơn rất nhiều. Những ngày đầu mới thành lập công ty, hiểu được những khó khăn trước mắt, Nhậm Chính Phi không thuê văn phòng hiện đại, mà chỉ dùng một căn phòng nhỏ được bài trí hết sức đơn giản.
Huawei được đăng ký là doanh nghiệp tập thể, mặc dù trong tên công ty có hai chữ “kỹ thuật”, song ban đầu chỉ làm ăn buôn bán đơn thuần. Qua sự giới thiệu của bạn bè, công ty ông đã có những đơn hàng đầu tiên, cung cấp các loại máy công nghiệp dùng cho các nhà máy khai khoáng như thiết bị báo cháy, máy sục khí... Song, số lượng đơn hàng của những sản phẩm này rất hạn chế, không đủ để duy trì hoạt động của công ty. Cuối cùng, Nhậm Chính Phi đã đặt toàn bộ hy vọng của mình vào loại thiết bị chuyển mạch cỡ nhỏ HAX do công ty Hồng Niên của Hồng Kông sản xuất. Nhu cầu sử dụng loại thiết bị này ở các đơn vị nhỏ trong nước như khai khoáng, các công ty và bệnh viện là rất lớn. Nhưng để nhập sản phẩm này ông cũng cần một số vốn rất lớn.
Bởi vậy, Nhậm Chính Phi quyết định liên lạc với người đứng đầu của Công ty Hồng Niên. Ông chủ Công ty Hồng Niên, Hồng Kông sau khi tiếp xúc với Nhậm Chính Phi đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi con người cũng như sự chân thành của ông. Có câu, anh tài ái mộ anh tài. Cuối cùng, Nhậm Chính Phi cũng được chấp thuận cung cấp sản phẩm mà không cần phải ứng trước tiền hàng.
Do giá thành rẻ, lợi nhuận thu về của Công ty Huawei nhờ bán bộ chuyển mạch HAX tăng lên nhanh chóng. Sau này, khi đã trở thành công ty lớn có doanh thu trên 30 tỉ đô la, Nhậm Chính Phi cũng chưa bao giờ quên sự giúp đỡ của ông chủ Công ty Hồng Niên đối với Huawei trong lúc khó khăn nhất. Những lúc tình hình kinh tế Hồng Kông bất ổn, Nhậm Chính Phi cũng đã nhiều lần giúp đỡ công ty này.
Những năm 80 của thế kỷ 20, số người sử dụng điện thoại ở Trung Quốc còn ít. Bình quân vài trăm người mới có một bộ điện thoại. Hơn nữa, chi phí lắp đặt một bộ điện thoại cũng lên tới 5.000 tệ. Không những vậy, mọi người còn phải đăng ký số thứ tự và chờ tới vài tháng, thậm chí cả năm để được lắp. Có người vì muốn được ưu tiên lắp trước mà phải biếu quà các quan chức. Nguyên nhân chủ yếu là bởi thiết bị chuyển mạch thời bấy giờ còn hạn chế cổng dẫn, không thể kết nối nhiều điện thoại cùng lúc.
Hiệu quả của thiết bị chuyển mạch HAX khá cao, có thể kết nối cùng lúc vài chục bộ điện thoại. Trong thời đại mà điện thoại chưa phổ biến, thiết bị này được các trường học, bệnh viện, cũng như các nhà máy khai khoáng rất yêu thích. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ cũng rất lớn. Công ty Huawei kiếm về không ít lợi nhuận.
Hai năm sau, bộ chuyển mạch HAX do Huawei cung cấp rơi vào tình trạng cung không đủ cầu. Sản phẩm đánh trúng thị hiếu của khách hàng nội địa nên lượng tiêu thụ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí, khách hàng đặt tiền ứng trước nhưng nguồn hàng từ Hồng Kông cũng không đủ cung cấp. Để giữ uy tín, Nhậm Chính Phi đã đưa ra một quyết định táo bạo, đó là tự nhập khẩu linh kiện, biến nhà kho bỏ hoang thành công xưởng sản xuất, rồi tuyển công nhân kỹ thuật tới lắp ráp sản phẩm.
Trong công xưởng sơ sài ấy, từng linh kiện điện tử, từng bo mạch nhập khẩu được lắp ráp bởi hơn chục công nhân kỹ thuật. Không ai có thể ngờ rằng những sản phẩm đầu tay ấy lại chính là nền móng cho một công ty lớn tầm cỡ thế giới sau này.