Trong tâm dịch và trong đau thương trùm xuống thành phố, là người cầm bút có lẽ không ai là không day dứt giày vò trước trang viết của mình.
Với văn chương, thơ là thể loại có thế mạnh trực diện của cảm xúc, là ưu tư giằng xé từ trái tim nên dễ đến được với cảm xúc, đến được với trái tim. Trong bài thơ “Một siêu linh” tôi viết: 270 gram/ những lồng ngực có cùng tần số/ những đôi mắt có cùng nguồn sáng/ những nhịp tim không đập cho riêng mình/ không sự phong tỏa nào khiến họ cách ly. Và, 270 gram/ một siêu linh có trăm ngàn đôi mắt. Phải, trái tim,“một siêu linh có trăm ngàn đôi mắt”, đó cũng là lý do mà Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, dù sống trong tâm dịch, đang cùng cả thành phố chống chọi với dịch bệnh, với bao bất trắc, khốn khó, mất mát, đau thương, đã tổ chức cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”.
Để chọn tên cho cuộc thi thơ mà lần đầu tiên Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, do thực hiện giãn cách xã hội, nên Ban Chấp hành Hội không thể tổ chức buổi họp bàn bạc trực tiếp mà phải tổ chức cuộc họp trực tuyến. Sau nhiều tranh luận, cuối cùng chúng tôi chọn tên “Nhân nghĩa đất phương Nam”.
Chúng tôi chọn cụm từ “đất phương Nam” bởi, Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh nay là đô thị lớn nhất phương Nam, kể từ 323 năm qua. Nói đến phương Nam, người ta nghĩ ngay đến Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh nay. Và không chỉ có vậy, đất phương Nam còn là cả vùng đất phía Nam của Tổ quốc, ranh giới địa lý được mở rộng và độ phủ sóng về tinh thần, tình cảm cũng không bị giới hạn.
Nhân nghĩa, không chỉ là lòng yêu thương, là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người và giữa con người với cộng đồng. Nhân nghĩa không chỉ hiện thân cho truyền thống, là vẻ đẹp cao cả mà còn là biểu tượng của sức mạnh ý chí, tâm hồn. Nhân nghĩa, còn bao hàm cả dũng khí và nghĩa khí. Đất phương Nam không thể thiếu hào sảng, bao dung, nhường nhịn, chở che…
Nhân nghĩa, còn là giá trị cao quý “uống nước nhớ nguồn”, biết ghi ơn và tri ơn, thứ giá trị bất biến trong dòng đời vạn biến.
Nhân nghĩa, còn là yếu tố quyết định để “an dân” mà Ức Trai đã tiếp nối truyền thống ngàn đời trong hành trình dựng nước và giữ nước của nhân loại. Nhân nghĩa vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để đạt được mục tiêu an dân. Và “an dân” trong mọi biến thiên thời cuộc và lòng người luôn là một đòi hỏi sống còn.
Như bất kỳ cuộc thi văn chương nào, Ban Tổ chức Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam”, cũng có quy định và những giới hạn về số lượng, dung lượng bài dự thi, giới hạn về đề tài, về thời gian… nhưng Nhân nghĩa là giá trị vượt qua mọi giới hạn.
Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” phát động vào sáng ngày 2 tháng 8 năm 2021 cho đến hết ngày 15 tháng 9 năm 2021. Trong 45 ngày, Ban Tổ chức đã nhận hơn 1.500 bài thơ của gần 700 tác giả dự thi và hưởng ứng cuộc thi. Đây là một con số ấn tượng đối với cuộc thi văn chương ngắn ngày, lại được tổ chức giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội. Nhiều bài thơ được gởi đến từ những y bác sĩ, những người chiến sĩ lực lượng vũ trang đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch. Những bài thơ được viết từ những bệnh nhân Covid-19 vừa thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhiều tác giả tên tuổi. Một số tác giả sinh sống ở nước ngoài. Nhiều, rất nhiều tác giả là người làm việc ở nhiều ngành nghề từ Lũng Cú cho tới mũi Cà Mau…
Là Trưởng ban Tổ chức cuộc thi nên tôi thường xuyên theo dõi tiến độ cũng như đọc hàng trăm bài thơ đã qua vòng sơ khảo và được đăng trang trọng trên Website “Văn chương Thành phố Hồ Chí Minh”, diễn đàn văn chương của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy, những bài thơ đem lại cảm xúc cho độc giả là những bài thơ được viết bằng cả trái tim đối với những đau thương mất mát mà con người phải gánh chịu trong đại dịch, cũng như đã đồng cảm, sẻ chia và lan tỏa những giá trị nhân văn mà không chỉ là riêng người của đất phương Nam mới có được.
Và, có lẽ vượt qua cả kỳ vọng của Ban Tổ chức, Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” diễn ra trong bối cảnh đặc biệt trong tâm dịch, đúng như một nhà phê bình văn học đã nhận xét: “Thật sự là cuộc thi thơ mang dấu mốc lịch sử, đã kịp thời chia sẻ nỗi đau thương...”.
Khi đọc những bài thơ đầy ắp chất nhân văn ở “Nhân nghĩa đất phương Nam”, tôi càng thấm thía điều này: Nếu dửng dưng, thờ ơ với con người, với cuộc sống sẽ chỉ hời hợt lướt qua mọi thứ và không thể có được phẩm chất dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và đang nỗ lực kiên cường để vượt qua nỗi đau mà đại dịch đang tàn phá.
Hiện diện cùng nỗi đau và chia sẻ nỗi đau đó, còn là phẩm hạnh của người cầm bút. Và, khi đủ phẩm hạnh dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và chia sẻ nỗi đau đó, đối với người cầm bút còn là mệnh lệnh từ “một siêu linh” nơi lồng ngực...
Ban Tổ chức Cuộc thi xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt thành của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân để “Nhân nghĩa đất phương Nam” lại một lần nữa được lan tỏa tới đông đảo bạn đọc cả trong và ngoài nước. Dẫu rằng cuốn sách nhỏ này vẫn chỉ là một phần của cuộc thi, song hy vọng những bài thơ được chọn lọc sẽ trở thành những liều thuốc tinh thần quý giá góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân ta sớm đẩy lùi đại dịch, để nhân dân được trở về với cuộc sống bình yên.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Nhà văn Bích Ngân
Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
- Trưởng ban Tổ chức cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam”