Thành phố Hải Thành cũng không được coi là thành phố buôn bán, không phát triển ngành công nghiệp nặng truyền thống mà nó chỉ là một thành phố nhỏ, phát triển dựa trên ngư nghiệp và nông nghiệp.
Nhà của Cố Huống Uẩn ở ngay thôn Trường Thủy, thị trấn Thanh Dương, huyện Hợp Đức của thành phố Hải Thành.
Thị trấn Thanh Dương là thị trấn xa nhất huyện Hợp Đức, mà thôn Trường Thủy lại là một cái thôn ở tít ngoài rìa của thị trấn Thanh Dương.
Nơi đây ba mặt giáp núi, một mặt giáp biển, là thôn duy nhất của thị trấn Thanh Dương giáp với biển, xung quanh thôn đều là những rặng núi trùng trùng điệp điệp.
Bởi vì địa hình khá gập ghềnh không dễ trồng trọt nên trên núi cũng không sản xuất thứ gì.
Chính phủ đã quây toàn bộ mấy ngọn núi lớn xung quanh vào phạm vi của thôn Trường Thủy, nên thôn Trường Thủy được coi là thôn lớn nhất vùng xung quanh đây.
Vì nơi này thuộc thị trấn Thanh Dương nên mấy ngọn núi lớn kia cũng được mọi người gọi là sơn mạch Thanh Dương.
Núi ở sơn mạch Thanh Dương không cao lắm, chủ yếu là những ngọn núi chỉ cao hơn mặt nước biển bốn, năm trăm mét.
Phía sau nhà của Cố Huống Uẩn chính là ngọn núi cao nhất của sơn mạch Thanh Dương nhưng nó cũng chỉ cao hơn sáu trăm mét.
Thảm thực vật trên núi rậm rạp với đủ loại nấm, quả dại.
Lúc nhỏ tiết mục giải trí mà Cố Huống Uẩn thích nhất chính là cùng cha lên núi tìm báu vật, bình thường cha cô có thể tìm cho cô rất nhiều món ăn ngon.
Một bên của sơn mạch Thanh Dương là phân nửa thị trấn Thanh Dương, bên này đất ruộng bằng phẳng, màu mỡ, thế nên 90% người trong thị trấn đều sống ở phía bên này, mà phía bên kia của sơn mạch, chính là thôn Trường Thủy.
Tuy trong thôn có đất trồng nhưng lại không theo quy tắc nào cả, góc này một mảnh, góc kia một mảnh, sản xuất cũng không được nhiều.
Những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước chỉ dựa vào những mảnh đất ruộng này nên rất nhiều người trong thôn ăn không đủ no, sau đó những người còn lại đói bụng, phải lũ lượt lên núi tạo rất nhiều ruộng bậc thang, trồng một ít lương thực phụ như ngô, khoai lang thì mới miễn cưỡng nuôi sống được người của cả thôn.
May mà qua nhiều năm, trên thị trường có rất nhiều nông sản, sản lượng cũng tăng mạnh và cũng có người ra ngoài làm thuê nên cuộc sống của mọi người đã khá hơn.
Lại đi qua ba, bốn khoảnh đất là có thể nhìn thấy một cái vịnh như mặt trăng.
Mà toàn bộ sơn mạch Thanh Dương như được quỷ thần xây dựng vậy, nó kéo dài mấy chục dặm từ nam xuống bắc dọc theo con vịnh, hoàn toàn bao quanh thôn Trường Thủy trong con vịnh hình bán nguyệt này.
Gió biển tạo nên những cơn sóng, đánh nước biển lên bờ cát, ở phía xa xa chính là rặng đá ngầm nhô lên, đứng lặng yên trong biển rộng.
Nếu nhìn kỹ còn có thể trông thấy vài người dân trong thôn đang đi ra biển.
Mà xa thêm một chút nữa chính là biển rộng mênh mông.
Bởi vậy từ xưa tới nay người dân trong thôn Trường Thủy không dựa vào làm ruộng thì cũng dựa vào biển để đánh bắt cá bán trong thị trấn, duy trì nghề trong nhà.
Lần về quê này, suy nghĩ trong lòng cô đã hoàn toàn khác trước.
Càng tới gần thôn, cô nhìn thứ gì cũng thấy thân quen, cảm thấy hình như cả thế kỷ mình chưa quay lại nơi đây vậy, tất cả mọi thứ ở quê hương đều khiến cô vô cùng nhung nhớ.
Đi trên con đường nhựa duy nhất nối liền với thôn, lại qua một cửa thung lũng là tiến vào phạm vi thôn Trường Thủy.
Vừa tới nơi đã thấy bầu không khí hoàn toàn khác với trong thị trấn Thanh Dương, không khí nơi đây càng thêm ẩm ướt, mũi có thể ngửi thấy thoang thoảng mùi tanh của biển.
Khi ngửi thấy mùi hương này, Cố Huống Uẩn không những không cảm thấy khó chịu mà trái lại càng thấy thân thiết hơn, cô đã lớn lên trong hoàn cảnh này từ nhỏ.
Nhà của người dân thôn Trường Thủy đều trải dọc theo con vịnh, dựa lưng vào sơn mạch Thanh Dương.